Thứ Sáu, 07 Tháng Giêng, 2022

Miền Thủ Thiêm…

Miền Thủ Thiêm…

Bao giờ Chợ Quán hết vôi,

Thủ Thiêm hết giặc em thôi đưa đò.

Bắp non mà nướng lửa lò,

Ðố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

Thủ Thiêm là vùng đất trước cửa thành phố, chỉ cách một con đò ngang. Thế nhưng mấy ai biết về quá khứ của miền này?

Thủ Thiêm hiện nay gồm các phường Thủ Thiêm, An Khánh, An Lợi Ðông và một phần của hai phường Bình Khánh và Bình An thuộc quận 2.

Thủ Thiêm vốn là An Lợi thôn, sau nâng lên thành An Lợi xã thuộc tổng An Thủy, huyện Bình An, dinh Trấn Biên. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), huyện Bình An được chia làm hai huyện là Bình An và Nghĩa An. Thủ Thiêm thuộc huyện Nghĩa An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Ðến năm 1868, Nghĩa An đổi thành hạt, rồi đổi tên là hạt Thủ Ðức và sau đó được sáp nhập vào hạt Sài Gòn. Hạt Sài Gòn sau lại đổi thành hạt Gia Ðịnh. Rồi năm 1885, hạt Gia Ðịnh lại đổi thành tỉnh Gia Ðịnh. Năm 1910, tỉnh Gia Ðịnh có bốn quận là Thủ Ðức, Gò Vấp, Hóc Môn và Nhà Bè. Thủ Thiêm thuộc quận Thủ Ðức.

Vùng đất này có thể là nơi định cư của dân Ngũ Quảng từ thời chúa Nguyễn đầu thế kỷ 17. Qua thế kỷ 18, trong khu vực đã có một cái chợ nhỏ, tức chợ An Lợi Xã, về sau là chợ Thủ Thiêm, thành lập vào khoảng năm 1751, cho thấy dân cư tương đối đông đảo, sung túc. Trong chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và phong trào Tây Sơn, năm 1782, Nguyễn Ánh cho xây một đồn phòng thủ ven bờ sông Sài Gòn là đồn Giác Ngư, quen gọi là đồn Cá Trê, sau đổi là đồn Tả Ðịnh ở Thủ Thiêm. Ðối diện phía bên kia sông, một đồn tương tự cũng được xây dựng gọi là đồn Thảo Câu, sau đổi thành đồn Hữu Bình (hay đồn Hữu). Khi Pháp đánh vào Sài Gòn và ba tỉnh miền Ðông thì hai đồn này bị chiếm, sau khi đồn Tam Kỳ ở ngã ba sông Nhà Bè bị diệt. Ðể hai đồn có thể tiếp ứng nhau nhanh chóng, Nguyễn Ánh còn cho bắc cầu phao bằng nhiều chiếc ghe nhỏ kết liền lại để quân lính và dân chúng đi bộ qua lại được. Hai đồn đến cuối thế kỷ 19 thì hoàn thành nhiệm vụ, bị bỏ phế nên dần mất dấu tích. Ðồn Thảo Câu nằm ở khoảng chợ Tân Thuận hiện nay và phía bên kia là đồn Cá Trê, khoảng gần UBND xã An Lợi Ðông. Trên bản đồ Sài Gòn năm 1815 của Trần Văn Học còn ghi rõ vị trí của hai đồn.

Xóm nhà lá

Cũng trong thế kỷ 18, cái tên Thủ Thiêm xuất hiện rồi dần dà trở thành tên địa danh chánh thức của cả vùng đất.

Vậy Thủ Thiêm là gì ?

Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ để chỉ người đứng đầu một tổ chức, một đơn vị hành chánh nào đó (Thạch Phương - Lê Trung Hoa, Từ điển thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, NXB Trẻ 2001, trang 384). Có người cho rằng, người phụ trách đồn Cá Trê tên là Thiêm nên gọi là Thủ Thiêm. Theo Ðại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (trang 1029-1030) thì còn có những nghĩa khác, Thủ có nghĩa là “đầu”, “tay”, là “gìn giữ”, là “lấy”; còn Thiêm là “thêm”. Và Huỳnh Tịnh Của giải thích “Thủ Thiêm, tên chỗ ở cách sông Saigon, đối với Saigon, nguyên thuở xưa ở đó có một phần thủ kêu tên ấy; hoặc là tên người lập phần thủ”.

Nói chung là khá mập mờ và hơi khiên cưỡng! Căn cứ vào đời sống của dân chúng ở đây, chúng tôi suy đoán rằng, rất có thể xưa có một người tên là Thiêm đứng đầu một nhóm người di cư tới đây định cư; hoặc một người có thế lực và giàu có đã tổ chức bảo vệ, giúp đỡ, hay lập chợ cho dân chúng trong vùng nên được nhớ tên.

Tất nhiên, suy đoán cũng chỉ là suy đoán. Cái tên Thủ Thiêm vài thế kỷ nay đã đi vào đời sống văn hóa của người Sài Gòn nói riêng và người Việt nói chung.

Qua thế kỷ 19, vùng đất này mới thật sự đông đúc dân cư hơn. Ðọc bản đồ của Trần Văn Học năm 1815, chúng ta thấy dân sống ở chợ và bến đò Thủ Thiêm lúc đó đã đông đảo. Song lại ít có biến động về số lượng cho tới thế kỷ sau đó. Có thể vì những người có điều kiện, công chức của chánh quyền ở đây đã chuyển sang bên kia sinh sống nên dân cư không tăng lên mấy ! Thời nhà Nguyễn, Thủ Thiêm cũng là nơi tạm cư cho những cướp biển đầu hàng chánh quyền nên còn gọi là “xóm tàu ô”, do mũi ghe sơn màu đen. Từ giữa thế kỷ 19, sau khi người Pháp thành lập xưởng đóng tàu Ba Son và khi loại tàu “khói” (tàu chạy bằng hơi nước) phổ biến ở Nam Kỳ, thì Thủ Thiêm có một kho than dành cho loại tàu này (nằm đối diện với xưởng Ba Son); rồi năm 1887, hãng cơ khi Caric (Les Chantiers et Ateliers Réunis d’Indochine) thành lập. Hãng chuyên sửa chửa tàu khói, đóng xà lan...

Bến đò, đò máy đuôi tôm

Thủ Thiêm cho tới đầu thế kỷ 21 vẫn là một vùng nông thôn bát ngát dù chỉ cách trung tâm thành phố được gọi là hòn ngọc viễn đông chỉ một con đò ngang. Dân hầu hết là những người quen sống trên sông nước, trừ những người buôn bán. Họ sống ven sông rạch. Phương tiện di chuyển thuận tiện nhứt và phổ biến là xuồng ghe. Ngoài làm ruộng và làm những công việc liên quan đến sông nước ruộng đồng, họ còn làm công nhân cho các hãng tàu. Cũng có một nghề khá phổ biến ở Thủ Thiêm là đưa đò. Thủ Thiêm có ba bến đò ngang là bến Caric, bến Cây Bàng và bến An Lợi Ðông. Ðò Thủ Thiêm ngoài đưa khách từ chợ Thủ Thiêm qua trung tâm Sài Gòn như nhiều người đã biết, thì còn đưa người đến Nhà Bè, Tân Thuận, quận 4, quận 7; lên Bình Quới, Bình Lợi, Thủ Dầu Một...

Nghề đưa đò có lẽ là một nghề lâu đời của người Thủ Thiêm. Trong Gia Ðịnh thành thông chí, Trịnh Hoài Ðức có nhắc tới việc đưa đò từ các tàu biển đến bờ của dân Thủ Thiêm, chính xác là đưa các thủy thủ tàu biển vào bờ. Do phía Thủ Thiêm không phát triển, nên từ cuối thế kỷ 19, người Pháp đã cho xây 17 phao nổi để các tàu biển vào cảng Sài Gòn neo đậu để chờ cập cảng. Các thủy thủ của các tàu này muốn rời tàu vô thành phố vui chơi thì đã có những con đò Thủ Thiêm. Ðây cũng là con đường mà hàng lậu từ nước ngoài tuồn vào thành phố qua đường tàu biển. Tất nhiên, cũng có cả những tệ nạn khác.

Nói chung, Thủ Thiêm là đất của người nghèo cư ngụ. Họ sống trong những căn nhà lá hoặc tôn và cả trên những chiếc ghe lềnh bềnh trên sông nước. Trên báo Ðuốc Nhà Nam năm 1970, nhà báo Ngọa Long đã kể câu chuyện thảm của ký giả Phan Thứ Khanh, người mà ông Ngọa Long cho là nhà báo “nghèo nhứt”. Ông này có tài biên dịch nhưng cả hai vợ chồng đều “ghiền á phiện” nên lương bổng bao nhiêu đều thả theo làn khói bay đi! Ðể có nơi che nắng che mưa, vợ chồng ông phải mướn một chiếc ghe đậu bên Thủ Thiêm. Một bữa trưa, sau khi làm mấy ngao, hai vợ chồng thả hồn lên tiên cảnh, thì đứa con gái hai tuổi của họ bò ra mép ghe rồi... lọt xuống sông ! Không ai hay. Khi phát hiện thì đứa nhỏ đã chết. Ông tên thật là Phan Hựu, con trai của tiến sĩ Ngũ Phụng Tề Phi Phan Quang, là em của giáo sư Phan Khoang, anh của nhà văn Phan Du, là một nhà báo nổi tiếng ở Sài Gòn những năm 1931-1945, từng ngồi trong bộ biên tập tờ Thần Chung của Diệp Văn Kỳ và bộ biên tập tờ Trung Lập, là một cây bút chủ lực của tờ Phụ Nữ Tân Văn. Năm 1947, ông mất tại nhà, là một căn chòi che bằng thùng carton bên hông thành Ô Ma vì đói và thiếu thuốc !

Hữu Vang

http://www.cgvdt.vn/

 

 

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art