Thứ Sáu, 17 Tháng Chín, 2021

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh

Nữ bác sĩ vắt sữa nuôi bé gái mắc Covid-19, những gian hàng 0 đồng... hiện lên sống động qua nét cọ họa sĩ Lê Sa Long.

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 1

Tranh "Dòng sữa ngọt ngào" là một trong những bức hoàn thành gần đây, thuộc bộ sưu tập "Sài Gòn những ngày giãn cách" của họa sĩ Lê Sa Long. Qua báo chí, họa sĩ cảm động trước câu chuyện bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy hàng ngày vắt sữa nuôi bé gái 7 tháng tuổi tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương. Bé cùng bố và anh trai 25 tháng tuổi - cùng mắc Covid-19 - đang được chữa bệnh tại đây, còn mẹ suy hô hấp nặng, điều trị ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Có con trạc tuổi bé gái, chị Thúy nhận nhiệm vụ vắt sữa nuôi bé. Khoảnh khắc chị cho bé uống sữa trong bộ đồ bảo hộ được đồng nghiệp ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội.

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 2

Khi thành phố giãn cách, những gian hàng 0 đồng xuất hiện khắp nơi, hướng đến người lao động nghèo, bị mất thu nhập. Họa sĩ Lê Sa Long chọn vẽ khung cảnh đó để khắc họa tính hào hiệp của người Sài Gòn. Với anh, Sài Gòn là vùng đất của những người bộc trực, hào sảng, những thùng trà đá miễn phí, thùng bánh mì "ai cần cứ lấy", những hiệp sĩ bắt cướp, quán cơm 2.000 đồng, chuyến xe nhân ái, những giao dịch "đưa nhiêu đưa", ATM gạo...

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 3

Đa số tranh họa sĩ chọn hình thức ký họa bằng phấn tiên (pastel), than trên nền giấy Canson, một số bức dùng màu nước.

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 4

"ATM lướt ống" là hình thức phát nhu yếu phẩm thiện nguyện bằng ống nhựa để đảm bảo an toàn tại nhà thờ Tân Sa Châu trên đường Lê Văn Sĩ, quận Tân Bình. Quà được tình nguyện viên chia ra từng túi nhỏ, dễ dàng "lướt" qua ống đến tay bà con.

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 5

Họa sĩ ghi lại khoảnh khắc một cô gái phát thùng mì cho người bán vé số với lời nhắn: "Chú ơi, nhận giùm thùng mì về dùng, khi nào cần chú cứ đến chỗ thiện nguyện này nghen".

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 6

Bức "Thiên thần mùa dịch" là một trong những tác phẩm giàu cảm xúc của họa sĩ. Anh vẽ tối 24/6, khi xem video - do nhân viên điều dưỡng huyện Bình Chánh ghi lại, cảnh một bệnh nhi Covid-19 5 tuổi được đưa đi điều trị. Trước đó, bố bé bị nhiễm và được đưa đi chữa, mẹ bé là F1 và được cách ly tập trung. Bé sống với bà ngoại và dì, người bà sau đó cũng mắc Covid-19, bé phải tự lên xe y tế để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị. Hình dáng cô bé trong trang phục phòng hộ cá nhân rộng thùng thình, một mình xa gia đình, leo lên xe cấp cứu, dấy lên thương cảm cho người xem.

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 7

Đề tài thân phận người lao động nghèo mưu sinh thời dịch cũng gợi nhiều cảm xúc cho họa sĩ. Bức "Người đàn bà và con chó nhỏ" anh vẽ vào đầu tháng 6. Khi đó, anh gặp một phụ nữ lượm ve chai ngồi buồn bã, nói: "Quán xá không bán, làm gì có phế liệu hay đồ dư mà lượm chú ơi. Dịch giã như thế này thì lấy tiền đâu mà sống!". Chỉ có chú chó bà nuôi 5 tháng qua vẫn hồn nhiên quấn quýt bên chân.

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 8

Họa sĩ vẽ một phụ nữ bán vé số người Quảng Ngãi lúc 11h, giữa ngã tư đang quẹt mồ hôi, than: "Ế lắm chú ơi. Sáng giờ chỉ bán được có mấy tờ, chú ủng hộ giùm". Anh mua vội giúp bà vài tờ, chỉ an ủi sơ rồi vội vã đi, cảm thấy như người có lỗi. Anh đặt bức tranh tên "Mơ là triệu phú", lấy ý tưởng từ bài "Kỷ niệm" (nhạc sĩ Phạm Duy) với câu hát: "Tôi mơ thành triệu phú/ Cứu vớt gái bơ vơ".

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 9

Tranh vẽ hai cha con mưu sinh thời dịch, họa sĩ vẽ nhân Ngày của Cha (20/6). Vợ qua đời từ lâu, người cha 58 tuổi chạy xe ôm nuôi con 34 tuổi bị bại não bẩm sinh. Dịch bùng phát, thất nghiệp, cha con ông sống nhờ quà thiện nguyện, may mắn được một nhà hảo tâm tặng chiếc xe máy. Họa sĩ nói: "Tôi vẽ ông Hưng với hình ảnh đôi tay ôm hai vai Tài như muốn che chở con, còn Tài thì cười và chỉ vào ba như muốn nói: Người cha vĩ đại của tui đó!".

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 10

Khung cảnh đường Trường Sa, kênh Nhiêu Lộc (quận Phú Nhuận) một buổi sáng thời giãn cách. Tranh được vẽ bằng phấn tiên, than trên giấy canson.

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 11

Đường Ngô Đức Kế (quận 1) những ngày đầu giãn cách. Khu phố sầm uất chỉ còn vài ánh đèn dưới cơn mưa đêm.

Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh - 12

Đường Vũ Huy Tấn, quận Bình Thạnh về khuya vắng lặng, chỉ có tiếng rao "Hai ngàn một ổ" của người bán bánh mì dạo.

Họa sĩ Lê Sa Long tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM, từng đoạt giải nhất "Chân dung ký họa màu nước" năm 1999 do Hội Mỹ thuật TP HCM đồng tổ chức. Năm 2018, anh đoạt giải nhì vẽ về đất nước, con người Rumani do Lãnh sự quán Rumani tại TP HCM tổ chức. Năm 2020, anh gây chú ý với loạt tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những "người tình âm nhạc". Hiện anh là giảng viên khoa Đồ họa, Đại học Mở TP HCM.

 

Mai Nhật (ảnh: Lê Sa Long)

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art