Thứ Năm, 24 Tháng Sáu, 2021

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn qua một bài báo cách đây hơn 60 năm



Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đang được trùng tu. Nhân sự kiện này, hiểu thêm lịch sử Vương Cung Thánh Đường này cũng là một điều thú vị. Chúng tôi đã tìm đọc một tư liệu cũ về lịch sử Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, qua một bài báo phát hành tháng 12-1959 đăng trên tờ Cách Mạng Quốc Gia và tác giả không ai khác hơn là ông Phạm Đình Khiêm, cựu Giám đốc Nha báo chí-Phủ Tổng thống VNCH. Dưới đây là toàn bộ bài báo trên (được chép lại nguyên văn, kể cả lỗi chính tả, có lẽ do xếp chữ).

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn qua một bài báo cách đây hơn 60 năm - 1

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn qua một bài báo cách đây hơn 60 năm - 2

Lịch sử Nhà thờ Đức Bà, từ “điên rồ” đến vinh quang…

Lần rở báo cũ tám mươi năm về trước, tôi thấy trên tờ “Independent de Saigon”, một trong vài cơ quan ngôn luận đầu tiên của thực dân, một ý kiến rất lạ về vấn đề Nhà Thờ Đức Bà Saigon. Bốn ngày trước lễ khánh thành, báo đó viết bài phê bình trên trang nhất, số 46 ra ngày 8 tháng 4 năm 1880, khen công cuộc kiến trúc đẹp đẽ, nhưng lại công khai “mạt sát” người chủ trương xây dựng (ám chỉ Đức Giám mục Colombert) là “đã mất tri giác” (nguyên văn: un indensé), và ngôi nhà thờ là một sự “điên rồ” (la Cathédrale de Saigon est donc une folie et tout la monde en convient).

Tiêu chuẩn phê phán của tờ báo đó chỉ là vấn đề kích thước của ngôi thánh đường, mà tác giả cho là quá lớn lao sánh với số người công giáo lúc đó, và vì quá lớn lao nên quá phí tổn. Người phê bình ấy ngày nay có sống lại, hẵn phải tự nhận chính mình là kẻ “mất tri giác”, còn sự “điên rồ” kia, từ lâu đã chứng tỏ là hợp lý và ngày nay trở nên một vinh quang không những cho riêng Thủ đô, mà còn cho khắp Việt nam và cả Viễn Đông nữa.

Bởi vì chính ngôi nhà thờ ấy, lần thứ nhất ở Viễn Đông, vừa được Giáo hội La mã long trọng cất lên bậc “Vương cung Thánh đường” (Basilique), ngang hàng với những “Notre Dame de Paris”, “Sacré Coeur de Montmartre”, “Notre Dame de Lourdes” (Pháp), “Sainte Anne de Beaupré” (Gia nã đại) v.v…

Đường Ngô Đức Kế: Nhà thờ đầu tiên (1860)

Ngược dòng thời gian, ta biết rằng Địa phận công giáo Saigon thành lập năm 1844, và Đức Cha Lefèbvre là giám mục đầu tiên. Hồi ấy, ngoài Lái thiêu là trụ sở Tòa Giám mục, miền Gia định còn có các họ đạo chính ở Đất đỏ, Tân triều, Thủ đức, Thị nghè, Chợ quán, Thủ ngữ, Xoài mút, Cái nhum, Cái mơn, Bãi xan, Cù lao giêng v.v…

Năm 1860, Đức Cha Lefèbvre rời trú quán tạm ở ngoại ô Xóm Chiếu đến ở một căn nhà gỗ, chạm trổ xinh xắn, giữa thành phố. Căn nhà ấy ngày nay còn nguyên vẹn và đã trở nên nhà nguyện riêng trong khu Tòa Giám mục Sàigòn, số 180 đường Phan đình Phùng. Nhà bác học Trương Vĩnh Ký, lúc ấy mới du học ở Penang về, đã ở căn nhà đó bên cạnh Đức Cha trong một thời gian. Đức Cha có cất thêm ở gần bên, hai căn nhà lá để làm nhà thương săn sóc bệnh nhân. Đó là bệnh viện đầu tiên ở Sàigòn. Nhưng còn ngôi nhà thờ đầu tiên thì ở đường số 5, sau gọi là đường Vannier, và nay là đường Ngô đức Kế, gần tòa báo Cách mạng Quốc Gia hiện thời.

Đại lộ Nguyễn Huệ: Nhà thờ thứ hai

Ba năm sau, trên bờ con Kinh về sau lấp đi gọi là “Kinh lấp” và trở nên đại lộ Charner – Nguyễn Huệ, một ngôi nhà thờ khác, khang trang hơn, xuất hiện. Cất trên miếng đất nay là Tòa án Hòa giải, nhà thờ này được Đức Cha Lefèbvre đặt viên đá đầu tiên ngày 28 tháng 3 năm 1863, và dâng kính Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Từ đường Nguyễn Du đến công trường Hòa bình

Nhưng ngôi nhà thờ thứ hai này cũng chẳng tồn tại được bao lâu. Từ năm 1874, việc thờ phượng Thiên Chúa được cử hành ngay tại phòng khánh tiết dinh Thống đốc, ở gần địa điểm trường Taberd ngày nay, trên đường Nguyễn Du. Nhưng đó chỉ là một tình trạng tạm bợ không thể kéo dài. Giám mục Saigon lúc ấy là Đức Cha Colombert quyết định xây một thánh đường lớn lao xứng với đô thị ngày càng trở nên quan trọng này. Sáng kiến của ngài được Đô đốc Dupré (tiếng la tinh chép Duperre) ủng hộ và giúp phương thế để thực hiện. Trong số các kiểu mẫu do các kiến trúc sư gởi đến, có hai mẫu của hai ông Bourard và Fabre đáng chú ý hơn cả. Sau cùng, mẫu của Bourard được lựa chọn. Ông này liền đáp tầu từ Pháp qua Saigon đích thân điều khiển việc xây cất.

Ngày 7 tháng 10 năm 1877, Đức Cha Colombert làm phép và đặt viên đá đầu tiên cho ngôi thánh đường, xây trên khu đất cao ráo nhất thành phố, trước là thành của Quan Trấn-thủ, và nay là công trường Hòa bình. Bảng đá kỷ niệm cuộc lễ ấy hiện để ở phía hữu cung thánh, trong nhà thờ.

Nghệ thuật kiến trúc

Sau ba mươi tháng xây dựng, ngôi thánh đường lớn lao tráng lệ nổi bật lên giữa thành phố lúc ấy còn thưa thớt và cũng chưa có nhiều nhà cửa và dinh thự lớn (trừ Dinh Norodom nay là Dinh Độc Lập xây từ năm 1868 đến năm 1875) – 93 thước bề dài, 35 thước bề ngang (kể cả hai cánh thánh giá), 21 thước bề cao, với hai ngọn tháp vuông cao 30 thước 60, sau xây tiếp thêm hai tháp nhọn, cao tất cả 57 thước: đó là kích thước của nhà thờ.

Kể vài đặc điểm, thì ngay từ ngoại vi, ngôi nhà thờ kiểu “roman” này đã có sức thu hút sự chú ý và ngắm nghía của mọi người, với những đường nét cân đối, thẳng thắn, hùng mạnh, với những cửa thông hơi chạm vào tường như hoa thêu trên vải, và nhất là lối xây gạch trần mầu hường chẳng những không bao giờ phai sắc mà đến rêu bụi cũng không bám được. Đó là gạch từ Marseille chở sang.

Mặc dầu bị nắng giãi tư bề từ sáng đến chiều, ngôi nhà thờ lúc nào cũng giữ được một không khí mát mẽ, dịu dàng ở bên trong, nhờ nghệ thuật điều hòa mầu sắc, không khí và ánh sáng rất thành công của nhà kiến trúc. Lối trang hoàng đơn sơ nhưng đồ trang trí lựa chọn toàn thứ thượng hảo trong các ngành sáng tác.

Một số poster Nhà thờ Đức Bà (từ bộ lưu trữ của nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp)

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn qua một bài báo cách đây hơn 60 năm - 3

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn qua một bài báo cách đây hơn 60 năm - 4

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn qua một bài báo cách đây hơn 60 năm - 5

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn qua một bài báo cách đây hơn 60 năm - 6

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn qua một bài báo cách đây hơn 60 năm - 7

Nghệ-thuật trang-trí

Trước hết phãi kể bàn thờ chánh toàn bằng đá cẫm thạch quý giá, chạm trổ đẹp đẽ, chống đỡ bởi sáu thiên thần, tác phẩm của nhà điêu-khắc Comparat. Bên trên bàn thờ, trước tấm “phông” nhung đỏ, nổi bật một cỗ tượng lớn bằng đá trắng tinh, tạc hình Đức Mẹ Vô Nhiễm, bổn mạng của thánh đường. Chung quanh cung thánh là hàng cửa song sắt kết hoa, do xưởng Lelubez ở Paris chế tạo. Dọc theo các bức tường, có những cửa kính ngũ sắc rất đẹp, họa hình các thánh trong Cựu-ước và Tân-ước, chính giữa và trên cao hết là hình Đức Mẹ Trinh Thai mầu sắc rất dịu dàng. Nghệ thuật của nhà chế tạo đã cho một vài nhân vật thánh có nét mặt của người đương thời: Người ta thấy Đô đốc Lafont trong “vai” thánh Louis; thánh Isidore giống hệt Đức Cha Colombert; còn kiến trúc sư Bourard thì “đồng hóa” với dung nhan thánh François de Sales. Cho hay thời nào cũng có cái ngộ nghĩnh của nó vậy!

Những kính mầu này là tác phẩm của nhà chế tạo Lorin ở Chartres, một tỉnh nổi tiếng lâu đời về nghề họa tranh trên kính ngũ sắc. Tiếc rằng một số những khuôn kính ấy đã bị hư hại vì bom đạn trong thời chiến tranh vừa qua.

Ngoài những phòng nguyện nhỏ chung quanh bàn thờ chính, hai bên hông nhà thờ còn có 14 bàn thờ cạnh đều bằng đá mỗi bàn thờ có một chặng đàng Thánh giá chạm nổi trên đá hoa rất công phu và mỹ thuật. Sau cùng, hai ngọn tháp chứa đựng một bộ chuông hòa âm (carillon) gồm sáu cái, đủ các điệu bổng, trầm, ai, lạc… cân nặng tất cả 28.850 kí-lô, do nhà đúc chuông Bollé ở Mans sản xuất. Mặc dầu nặng như thế, những chuông nầy điều khiển rất dễ dàng nhờ hệ thống đối lực (système de contre-poids) rất khéo léo. Đó có lẽ là bộ chuông lớn nhất Viễn Đông.

Tốn phí bao nhiêu?

Theo những tài liệu đáng tin cậy, trong số đó có tài liệu của Cha Parrel (tạp chí Indochine, số 149, 8-7-1943) thì công việc xây dựng và trang trí tốn không quá 2.500.000 quan thời ấy (không phải sáu triệu như có tài liệu mới viết) tức vào khoảng 500.000 đồng bạc Đông dương nếu tính theo hối xuất chính thức năm 1886 là một đồng ăn năm quan (theo bút tích của Trương Vĩnh Ký).

Giá tiền ấy thực ra cũng không phải là một chi tiêu quá đáng gì. Vả chăng nếu không có một nỗ lực lớn thì làm sao lưu được sự nghiệp lớn: một sự nghiệp mà chính những kẻ chống báng hồi đó cũng phải nhìn nhận là “đẹp đẽ vào bậc nhất ở Viễn Đông”.

Lễ khánh thành

Hoàn tất rồi, ngôi thánh đường được khánh thành long trọng ngày Chúa nhật 11-4-1880. Chiều hôm trước, hồi 5 giờ, có lễ làm phép nhà thờ do Đức Cha Colombert chủ sự. Lần thứ nhất sáu cái chuông hòa điệu ngân vang một phương trời. Thánh Thể Chúa được cung nghinh từ nhà thờ tạm ở đường Nguyễn Du sang ngự ở Thánh đường mới.

Đúng 8 giờ sáng hôm sau, Đức Cha Colombert cử hành Thánh lễ đầu tiên ở nhà thờ Chánh tòa, trước sự hiện diện của Thống đốc Le Myre de Vilers, rất đông quan khách, giáo sĩ và giáo hữu từ khắp nơi kéo về dự lễ. Sau kinh hát “Veni Creator”, Đức Giám mục lên tòa giảng tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn tất cả mọi người đã góp công giúp của trong việc xây Thánh đường. Niềm hân hoan tràn ngập mọi lòng người. Kỷ niệm này còn lưu lại nơi tấm bia khắc chữ la tinh để ở bên trái cung thánh.

Đúng một tuần sau, kiến trúc sư Bourard xuống tầu về Pháp. Ông còn có nhiệm vụ mua sắm nhiều đồ trang trí và thờ phượng khác để tô điểm thêm cho nhà thờ.

Mười bốn năm sau (1894) người ta xây thêm hai tháp nhọn nối tiếp vào hai cây tháp vuông, đưa Thánh đường Đức Bà đến chỗ cao nhất Thành phố Saigon.

Bảy mươi chín năm sau (1959) đến lượt thế hệ này đóng góp pho tượng “Nữ Vương Hoàn cầu” ở giữa Công trường Hòa bình, tô thêm vẻ đẹp cao quí cho khung cảnh Nhà Thờ Đức Bà. Là tác phẩm của nghệ sĩ Ý đại Lợi, pho tượng này toàn bằng đá hoa trắng cao 4 thước 60, nặng 8 tấn 500, đặt trên bệ granito đỏ, thay thế cho một bức tượng cất năm 1903 và bị phá hủy năm 1945.

Kể đến di-tích thánh, thì nhà thờ này có xương của chín vị Chân phước Tử đạo Việt nam: Các Á thánh Phan Văn Minh, Lê Văn Gẫm, Đoàn Công Quí, Phê-rô Lựu, Giuse Lựu, Năm Thuông, Phê rô Lộc, Tô ma Thiện và Si mon Hòa.

Ba vị Giám mục Colombert, Dépierre và Dumortier cũng an nghỉ tại đó.

Suýt biến thành rạp hát

Bị công kích từ lúc mới xây, Nhà Thờ Đức Bà hình như còn trải qua một cuộc khủng hoảng vô cùng trầm trọng vào những năm cuối thế kỷ XIX. Điều này tôi chưa tìm thấy bút tích nào ghi chép, song được nghe nhiều bậc lão thành kể lại: hồi ấy nhà cầm quyền thực dân phần đông theo Tam điểm bài giáo muốn chiếm đoạt nhà thờ để biến thành Rạp hát lớn, vừa được địa điểm tốt, vừa đỡ tốn cho công quỹ, vì giáo hữu ít, có thể làm nhà thờ chỗ khác nhỏ hơn cũng đủ. Đức Giám mục, các linh mục và giáo hữu đã phải kịch liệt đối phó với mưu mô ấy. Sau cùng nhà cầm quyền phải nhượng bộ bằng cách tổ chức rút thăm. Giáo đoàn không làm sao khác hơn được, đành nhận nguyên tắc rút thăm và hô hào giáo hữu cầu khẩn Đức Mẹ. Đến khi rút thăm thì phần thắng về phía Giáo hội. Lúc ấy nhà cầm quyền mới chịu xây Rạp hát lớn ở đường Tự do, nay là Trụ sở Quốc hội. Đó là kể theo lời tương truyền.

Xưa và nay

Tính từ buổi khánh thành đến nay gần chẵn 80 năm qua, ngôi thánh đường vẫn kiên cố, toàn vẹn, không hư hao gì (trừ một ít tranh kính) và trông vẫn như mới. Có gì sụp đổ thì chỉ là lý luận của nhóm bài xích mà thôi.

“Khi công kích ngôi nhà thờ là điên cuồng”, họ đã lý luận rằng bất quá “nó” chỉ dùng được cho một “ông” Giám mục, ba bốn linh mục, mươi lăm chủng sinh, và vài trăm giáo hữu, thâu góp khắp nơi về mới đủ để dự một buổi lễ lớn (Báo Indépendent de Saigon dẫn thượng). Họ có ngờ đâu, chưa đầy một thế kỷ, chẳng cần ai cổ động trên 500.000 giáo hữu, cùng với 4.000 nữ tu, 1.500 chủng sinh, 1.000 linh mục khắp nước, và mấy chục vị Giám mục trong nước và ngoài nước, đã tựu họp nhau dưới bóng Thánh đường này, tham dự Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc dưới quyền chủ tọa của một đặc sứ toàn quyền Đại diện Đức Giáo Hoàng La mã?

Đó là trang sử vinh quang nhất của Nhà thờ Đức Bà (16-18 tháng 2 năm 1959). Vinh quang ấy đã qua, nhưng nó mở đường cho một vinh quang khác sẽ tồn tại mãi với thời gian. Quả thực, để tưởng lệ lòng tín ngưỡng vô biên của Giáo hữu Việt nam biểu lộ trong bốn thế kỷ và riêng trong kỳ Đại Hội Thánh Mẫu, Giáo hội đã phong tặng nhà thờ Đức Bà Saigon tước hiệu cao quí: Vương cung Thánh đường.

Vương cung Thánh đường là gì?

Loan báo tin quan trọng trên đây cho giáo hữu, Đức Cha Nguyễn văn Hiền, Giám mục Saigon, viết trong bức “Thư chung” đề ngày 31-10-1959 như sau: “Trong ba thế kỷ đầu tiên, Giáo hội bị bách hại. Phụng sự được biểu diễn trong các nhà tư, trong hang toại đạo. Đến đời Hoàng đế Constantinô Cả lên ngôi, nhờ lá cờ Thánh giá (labanum) mà vua đã toàn thắng thù địch, nên đã ban sắc tha đạo (312) và dâng cúng nhiều vương thự lớn lao làm nơi thờ phượng. Về sau Giáo hội quen theo kiểu ấy mà xây đền thánh và ngôi đền thờ nào thời danh vì lớn lao, mỹ thuật hoặc có di hài quan trọng các thánh, hoặc một ảnh tượng giáo dân kính viếng đặc biệt, Giáo hội quen tặng cho là “Vương cung Thánh đường”.

Như thế là, với tước hiệu “Vương cung Thánh đường”, nhà thờ Saigon, tuy mới 80 tuổi, đã vượt thời gian để nối tiếp truyền thống các đền thờ lớn sau đời các Thánh Tông đồ vậy. Danh từ này do tiếng Hy lạp là basilikos, có nghĩa là “vương cung”, chuyển sang tiếng La tinh là basilica, tiếng Pháp là basilique.

Trong các Vương cung Thánh đường trên thế giới, chỉ có năm đền thờ được gọi là Vương-cung đại thánh đường (basilica major) tức Vương cung thánh đường bậc nhất, và đều ở giáo đô La mã. Đó là các đền thờ: Thánh Gio an cạnh La-tê-ra-nô Thánh Phê rô, Thánh Phao lô, Đức Bà và thánh Lô-ren-sô ngoại thành. Ngoài ra đều là Vương cung Thánh đường bậc nhì (basilica minor).

Lễ nghi xức dầu đền thánh cử hành long trọng ngày 7 và 8 tháng 12 này nhân dịp lễ Đức Bà Vô Nhiễm bổn mạng nhà thờ và địa phận, chính là để thỏa mãn một điều kiện thiết yếu cho nhà thờ được liệt vào sổ chính thức các Vương cung Thánh đường danh tiếng trên thế giới vậy.

PHẠM ĐÌNH KHIÊM

***

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn qua một bài báo cách đây hơn 60 năm - 8
Nhà thờ Đức Bà hiện đang được trùng tu (ảnh: Minh Hòa)
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn qua một bài báo cách đây hơn 60 năm - 9
Một góc Nhà thờ Đức Bà (ảnh: Nhật Quang)


Vài nét về ông Phạm Đình Khiêm

Ông sinh ngày 2-8-1920 tại Ninh Bình (Giáo phận Phát Diệm) trong một gia đình nông dân nghèo. Thời thơ ấu ông đã được giáo dục và hấp thụ nền tảng Đức tin Kitô giáo tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse – Ba Làng (Thanh Hóa). Ông có năng khiếu về viết lách và ham học hỏi. Năm 22 tuổi, ông đã là chủ bút bán nguyệt san Thanh Niên. Sự nghiệp cầm bút của ông đã có những bước đi đầy lòng ham mê với nghệ thuật văn chương và báo chí. Đặc biệt, những tác phẩm có giá trị như: “Hành động xã hội của Giáo hội qua các thời đại và ở Việt Nam”. Năm 1949, tại Sài Gòn, ông tiếp tục tham gia vào công việc truyền thông Công giáo, và tác phẩm “Người chứng thứ nhất” chính là “chứng cứ” có giá trị trong việc phong Chân phước cho Thầy giảng Anrê Phú Yên.

Năm 1993, ông đã yết kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và dâng Ngài cuốn sách “Người chứng thứ nhất” với bản tóm lược bằng tiếng Pháp và thỉnh nguyện về việc tôn phong Chân phước Anrê Phú Yên. Năm 2000, ông đến Vatican lần thứ hai, và dâng kính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cuốn sách “Thánh Giuse trong Dân Chúa” với ý nghĩa tri ân Đức Thánh Cha và hai vị tiền nhiệm đã đặt Thánh Giuse làm đấng bảo trợ cho Giáo hội Việt Nam.

Ông còn là một nhà dịch giả nhiều tác phẩm như: Mẹ tôi, Tình Cha, Thánh Giuse tuyệt diệu, Đức Giêsu quang lâm giữa dòng thời gian theo các văn bản Tân Ước… Độc giả yêu mến có thể nhận ra ông qua các bút danh: Kiêm Ngôn, Hưng Bình, Thanh Nghị, Dục Đức, Đức Khiêm. Ngày 13-3-2013, tại quận 3, Sài Gòn, ngài Phê-rô Dục Đức Phạm Đình Khiêm được Chúa gọi về, thọ 93 tuổi.


Nguồn: Website Tổng giám mục Sài Gòn

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art