Thứ Tư, 10 Tháng Ba, 2021

Nhận diện các vị Vọng Các công thần theo Công giáo trong thời đầu triều Nguyễn

Ngô Anh Lân, S.J.[1]

Tóm Lược: Khi bàn về triều Nguyễn, các nhà sử học thường hay bắt đầu từ cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Gia Long và Đức giám mục Bá Đa Lộc. Nhưng thời điểm hai vị ấy tiếp xúc với nhau chưa được xác định rõ rệt. Bài trình bày hôm nay khởi đầu chỉ là một cuộc rà soát đơn thuần nhằm xác định được mốc điểm trong lịch sử Việt Nam cận đại, nhưng cuộc rà soát ấy dẫn đến khám phá thêm những nhân vật Công giáo góp phần đáng kể trong việc thành lập triều Nguyễn. Trong nhóm đó, có những người hoàng thân quốc thích, có người là linh mục bản xứ, và hơn nữa có vài người có nhiều yếu tố trùng hợp với danh tính các vị khai quốc công thần được thờ tại Thế Miếu. Những khám phá này không dám quả quyết tất các nhân vật này đều theo Công giáo, nhưng chỉ nằm trong phạm trù khả năng cao có thể có. Lý do cho việc kết luận dè dặt là vì hoàn cảnh bài Công giáo sau đó đã đưa nhiều nhân vật này vào bóng tối khi đề cập đến tâm linh tín ngưỡng của họ. Mặc dù vậy, khi so sánh và đối chiếu các nguồn tư liệu khác nhau, từ sử liệu của triều đình đến các thư từ của các nhà truyền giáo, và những tư liệu địa phương về các vị này, chúng ta có thể nhận diện vài nhân vật Công giáo nổi bật vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX của triều Nguyễn.  Việc khám phá các nhân vật này cho thấy cộng đồng Công giáo vào cuối thời Tây Sơn và vào đầu nhà Nguyễn đã chuyển hướng từ một “thiểu số ẩn” (invisible minority) trong xã hội thành “thiểu số nổi” (visible minority) trong chính trường Gia Long.[2]

Vào sáng sớm ngày 16 tháng 12 năm 1799 (Kỷ Tỵ),[3] là sau gần hai tháng từ lúc Đức giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Joseph Pigneau[x] de Béhaine, 1741-1799) qua đời tại Qui Nhơn,[4] dân Đồng Nai náo nức ngóng chờ để được chứng kiến  cuộc tang lễ có một không hai trong xứ. Sách xưa thuật lại, quan tài sơn son thếp vàng với năm mươi đèn cầy thắp sáng trên áo quan. Tám mươi người được cắt cử khiêng hòm và đi theo sau là Đông cung Thái tử Nguyễn Phước Cảnh (1780-1801). Hơn thế nữa, quốc vương Nam triều Nguyễn Phước Ánh (1762-1820) cùng quốc mẫu, hoàng hậu, các bà công chúa và các vị phi tần khác cùng tham dự. Đó là chưa kể các quan văn võ. Rồi thêm hai mươi ngàn binh lính nhập đoàn cùng với một trăm hai mươi con voi trận hộ tống.[5]  Đám tang của vị giám mục chắc chắn thu hút nhiều sự chú ý tò mò của mọi người vì thấy cả vua quan Nam triều đứng ra chủ lễ cho vị “Thái tử Thái phó Quận công.” Trong dân chúng, nếu chưa dịp nghe hay biết về Công giáo, cũng trong dịp này cũng sẽ thắc mắc về một nhóm người theo đạo và “Đức Thầy Vêrô” quá cố của họ. Không chỉ có dân Đồng Nai-Gia Định của năm Kỷ Tỵ ấy thắc mắc dò xem, mà từ đó đến nay trong các tài liệu lịch sử trong và ngoài nước, có nhiều kẻ bĩu người khen quanh vai trò của vị giám mục thừa sai xứ Pháp này.

Nhưng có một yếu tố khác đáng ngạc nhiên là các sử sách lại không thống nhất tháng ngày và hoàn cảnh mà vị giám mục này đã gặp hoàng đế Gia Long tương lai như thế nào. Bài nghiên cứu này không chỉ mong xác định mốc điểm lịch sử ấy, nhưng muốn giới thiệu thêm các công thần của nhà Nguyễn theo Công giáo thời đó. Vì những nhân vật nổi bật trong chính trường này, nhóm Công giáo “thiểu số ẩn” (invisible minority) đã trở nên nhóm “thiểu số nổi” (visible minority) trong lịch sử Việt Nam cận đại.

Gởi con, chẻ vàng

            Theo chính sử triều Nguyễn, Đại Nam thực lục [từ đây trở đi bài viết xin được gọi tắt là Thực lục], Đức giám mục Bá Đa Lộc được nhắc đến nhưng chỉ là vai phụ trong một bước ngoặt lịch sử éo le vào sinh ra tử của nhà Nguyễn. Đó là vào năm Quý Mão (1783). Biến cố này quan trọng đến độ, khi nhà Nguyễn trung hưng đã gìn giữ một kỷ vật còn lại của dịp này và tôn kính nó như một thánh vật của triều đình—thoi vàng khắc chữ “Thế Tổ Đế Hậu Quý Mão bá niên thiên tín vật (Vật giữ làm tin của Thế Tổ Đế Hậu lúc phiêu dạt đi xa về năm Quý Mão)—được thờ tại điện Phụng Tiên. Đầu năm 1783 số phận của Nam triều giống như ngàn cân treo đầu sợi tóc. Tân vương mười tám tuổi Nguyễn Phước Ánh và đám tàn quân hợp tan liên tục. Tháng hai năm ấy, sau khi thua trận tại Cần Thơ, ông chỉ còn vỏn vẹn năm hay sáu thủ hạ và chưa đầy một trăm lính. Họ phải long đong từ đảo này trốn qua đảo kia. Trong bước đường cùng, vị vương trẻ liên lạc được với Đức giám mục Bá Đa Lộc và trao gởi người con cả mới bốn tuổi là Hoàng tử Cảnh nhờ vị giám mục chăm lo.[6] Sử quan triều Nguyễn sau này tả lại cảnh chia ly đầy kịch tính dồn dập trong những tháng đó. Trong cơn nguy cập và sắp trốn khỏi Phú Quốc để qua Xiêm, Nguyễn Phước Ánh đã gởi mẹ mình lại cho Tống Phước thị Lan (1762-1814), người vợ ông mới cưới được năm năm. Đại Nam liệt truyện [từ đây trở đi bài viết xin được gọi tắt là Liệt truyện] ghi: Vua “bèn đem ra nửa dật vàng tốt cho Hậu, bảo rằng con ta đi rồi, ta sẽ đi đây, Phi phụng dưỡng Quốc mẫu ở đây, chưa biết sau này gặp nhau ở nơi nào và ở ngày nào, đem vàng này để làm của tin.”[7] Câu chuyện thoi vàng gần như bị quên lãng cho đến khi Gia Long trị vì được vài năm. Sử quan nhắc lại biến cố Quý Mão năm xưa để kết thúc đoạn tiểu sử của vị hoàng hậu đầu tiên của triều Nguyễn: “Kịp khi thiên hạ đã yên định, Hậu thong dong trình dâng. Vua nói rằng: Vàng giữ làm tin đây, thực trời giúp đấy, không thể quên lúc gian nan, vậy nên lưu lại để bảo cho con cháu biết. Hậu nhận lấy dật vàng ấy cho Thánh Tổ Nhân Hoàng đế [Minh Mạng].”[8] Qua câu chuyện “gởi hoàng đi Tây” và “thỏi vàng Quý Mão,” chúng ta có thể hiểu tại sao thuở đầu Nam triều Gia Định đã đứng ra tổ chức một cuộc an táng cho một vị giám mục với lễ nghi xứng bậc vương tôn cùng với sự hiện diện của tất cả hoàng thân quốc thích và cả bá quan văn võ vào năm Kỷ Tỵ ấy.

Lấn cấn ngày giờ gặp gỡ

            Dù biến cố “gởi con, chẻ vàng” mang một dấu ấn tâm lý lịch sử cho hoàng tộc và triều đình nhà Nguyễn như vậy, nhưng tài liệu và sử sách sau này lại không thống nhất về thời gian Đức giám mục Bá Đa Lộc và vị vương lưu vong đã gặp nhau trong thời điểm và tình huống nào. Theo chính sử nhà Nguyễn và Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874) thì cuộc gặp gỡ định mệnh này xảy vào năm 1783.[9] Theo lá thư của chính Đức giám mục Bá Đa Lộc thì vị giám mục nói đến hai cuộc gặp gỡ với ông hoàng thất thế vào tháng một và tháng hai năm 1784.[10] Đầu thế kỷ XX, sử gia Trần Trọng Kim dù không xác định thời điểm nhưng cho rằng trước chuyến cho ông hoàng Cảnh đi Tây cầu viện thì Nguyễn vương đã “có quen một người nước Pháp làm giám mục đạo Gia Tô” rồi.[11]

Những nghiên cứu gần đây cho thấy cuộc gặp gỡ đã có thể xảy ra sớm hơn. Giáo sư Nguyễn Quang Hưng đưa ra mốc điểm sớm nhất là vào khoảng tháng 11 năm 1776.[12] Hai sử gia, Tạ Chí Đại Trường và Trương Bá Cần, thì cho là vào ngay sau tháng 10 năm 1777 khi bên Tây Sơn tàn sát gần hết chúa tôi nhà Nguyễn gần Long Xuyên, Hà Tiên.[13] Nhà nghiên cứu giáo sử Cao Thế Dung đặt vào tháng Giêng 1778.[14] Trần Mỹ Vân, học giả chuyên về Cường Để và lịch sử thời thực dân, thì trích dẫn năm 1782.[15] Bộ Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học, Tập 4 do Trần Thị Vinh chủ biên, đồng ý với các học giả gần đây thống nhất chọn giữa những tháng cuối của năm Đinh Dậu (1777) và vào đầu năm Mậu Tuất (1778) là khởi đầu cuộc một mối liên hệ lâu dài giữa vị hoàng đế tương lai và Đức giám mục Bá Đa Lộc.[16] Nhưng hoàn cảnh gặp gỡ chính xác ra sao thì khó có thể nói; sử gia Trương Bá Cần lưu ý độc giả: “Chúng ta không rõ là Nguyễn Phước Ánh trốn trong nhà của Đức giám mục Pigneau[x] ở Hà Tiên hay ở Cao Miên, bởi vì trong thời gian chờ đợi vào Đàng Trong (1775-1778), Đức giám mục Pigneau[x] khi thì ở kinh đô Cao Miên, khi thì ở Hà Tiên.”[17] Nói tóm lại, dù bao sách vở sử liệu đã được dò tìm, học giả vẫn không thống nhất với nhau về địa điểm và năm tháng của cuộc hội ngộ này. Nơi gặp thì có thể bất cứ nơi đâu từ Hà Tiên cho đến thủ phủ của Cao Mên; thời điểm thì lại rơi vào trong vòng sai suất khá lớn ít là từ vài tháng cho đến tám năm!

Tài liệu dã sử Sử ký Đại Nam Việt Quấc Triều

            Để so sánh và xác định sử sự quanh biến cố Quý Mão (1873), bài nghiên cứu này dựa vào một dã sử công giáo, Sử ký Đại Nam Việt quấc triều [từ đây trở đi bài viết xin được gọi tắt là Sử ký], được xuất bản từ nhà in Imprimerie de la Mission, Tân Định năm 1879.[18] Rất tiếc vì chưa có thể tìm ra nguyên bản 1879, nên bài nghiên cứu này phải dựa trên tái bản lần hai của Sử ký vào năm 1885. Tác giả khuyết danh bắt đầu với thời suy sụp của Đàng Trong từ năm 1737 và kết với việc Gia Long đổi tên nước thành Việt Nam năm 1812. Nội dung của dã sử rõ ràng là trên quan điểm của một tác giả Công giáo, nhưng lối viết không có thần thoại hoá hay luân lý hoá các nhân vật mà chúng ta thường thấy trong các sách sử ký theo thể loại hạnh tích các thánh tử đạo. Đó là so với luồng sách nhà đạo, còn khi so chính sử, thông sử, hoặc dã sử khác cùng thời kỳ, Sử ký không dùng niên hiệu của các đương kim hoàng đế mà dùng dương lịch. Văn thanh của Sử ký theo âm từ Nam bộ cho độc giả địa phương. Khi nhắc đến các địa danh, tác giả vẫn dùng tên thông dụng như “Cao mên” thay vì tên gọi hành chánh “Chân lạp.”[19]Sử ký viết cho độc giả Công giáo nhưng không theo thể loại hạnh các thánh tử đạo, nên các nhân vật Công giáo dù không chết vì đạo vẫn được nhắc đến. Yếu tố này góp phần quan trọng cho việc truy tìm các người theo đạo trong thời đầu triều Nguyễn của bài nghiên cứu này. Độc giả của Sử ký sẽ hiểu rõ và với đầy mầu sắc điạ phương và đối thoại đằng sau các sự kiện mà văn phong triều chánh của Thực lục không cho phép, lướt qua hay lược bỏ. Lối diễn tả sống động như ghi lại “tai nghe mắt thấy” từ nhân chứng sống có thể kiểm chứng dễ dàng với chính sử. Do đó, Sử ký có tính cách sử liệu dồi dào để đọc song song, xác tín và bổ khuyết vào sự thiếu sót của Thực lục do các sử quan ghi chép. Nhưng vì Sử ký mang nhiều sắc thái điạ phương tính, nên việc truy tầm danh tánh các nhân vật Công giáo là một thách đố lớn. Trong Sử ký, tên gọi thường dùng chức danh giản lược và thêm phong tục kỵ huý nên không đầy đủ họ tên chức tước như tài liệu trong chính sử thường hay có. Do đó, để xác tín giá trị sát thực của sử liệu cũng như về nội dung sự kiện quanh các nhân vật có thể theo Công giáo trong triều, bài nghiên cứu này phải dựa vào việc đối chiếu giữa Sử ký với Thực lục, Liệt truyện, mười bốn bức thư của Nguyễn Phước Ánh được ghi lại trong Bulletin des amis du vieux Hué [từ đây trở đi bài viết xin được gọi tắt là BAVH],[20] thư của các thừa sai được in trong Lettres édifiantes et curieuses [từ đây trở đi bài viết xin được gọi tắt là LEC], và một bài nghiên cứu mô tả Thế Miếu vào năm 1914.[21]


Bốn câu chuyện của ba mươi năm triều Gia Định

            Như đã nêu về nhiều điểm bất cập thời gian chưa kể khác biệt trong nội dung sử liệu, bài viết này xin tạm đặt lại các sử kiện theo mốc năm tháng gần ba thập niên từ lúc chúa Nguyễn mất Phú Xuân chạy vào Gia Định năm Giáp Ngọ (1774) cho đến lúc Nguyễn vương xưng đế vào Nhâm Tuất (1802). Các sử kiện được chọn vì chúng liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới sử Công giáo, và xin được nôm na gọi là bốn câu chuyện gồm: tư-sự, chiến-sự, chánh-sự và giáo-sự.


Chuyện tư-sự

            Chúng ta có thể tạm gọi giai đoạn tư-sự là từ lúc nhà Nguyễn mất nghiệp chúa ở Phú-xuân năm Giáp Ngọ (1774) cho đến trận Long Hồ năm Đinh Dậu (1777). Trong ba năm này, Nguyễn Phước Ánh chỉ là một nhân vật trẻ và thứ yếu trong đoàn tùy tùng của Định vương Duệ Tông Nguyễn Phước Thuần (1765-1776).[22] Nếu có cuộc gặp nhau nào giữa nhóm Công giáo và chúa tôi nhà Nguyễn, thì Đức giám mục Bá Đa Lộc chỉ có thể có vài sơ giao hay đơn thuần biết mặt một chút về cậu hoàng tôn mười mấy tuổi trong đoàn lưu vong Phú Xuân. Tình hình trở nên bi đát khi quân Tây Sơn bắt giết gần hết nhà chúa Nguyễn. Sau bốn tháng lẩn trốn tại Sa Đéc, vị hoàng tôn trẻ sống sót và tập hợp lại tàn quân.[23] Qua lời giới thiệu của Đức giám mục Bá Đa Lộc, một người Pháp, “ông Gioang,” đã góp mẹo binh với quân Nguyễn để chế tạo và xử dụng một loại kiểu trái phá dù đơn sơ nhưng đủ tạo rối loạn trong trận thủy chiến Long Hồ, Vĩnh Long.[24] Sau trận này, tướng tá cũ tôn vị hoàng tôn sống sót lên làm đại-nguyên-súy. Cuối năm 1777, Nguyễn Phước Ánh thu lại được đất Gia Định.


Chuyện dài chiến-sự

            Từ năm Đinh Dậu (1777) đến Mậu Thân (1788), xin được tạm gọi đây là những năm thay đổi trong quen biết từ “tư-sự” đến “chiến-sự.” Đây là mười một năm hợp tác giữa Đức giám mục Bá Đa Lộc cùng nhóm Công giáo với quan quân nhà Nguyễn Nam triều. Đây là những ngày tháng cam go và có khi gần như tan rã hoàn toàn cho phía theo Nguyễn Phước Ánh. Ba lần (1777, 1782 và 1784), họ cố gắng chiếm lại Gia Định và những vùng phục cận, và ba lần đều bị Tây Sơn sát phạt. Chỉ đến năm 1788, nhà Nguyễn mới bám trụ được vùng tái chiếm từ Tây Sơn. Trong những năm đầu long đong, nhóm Công giáo dù chỉ là một thiểu số không đáng kể, nhưng đã sát cánh sống còn với đoàn cựu triều mà nhiều lúc chỉ là đồng hành với nhau qua việc chia cơm sẻ muối trôi nổi từ thuyền này qua đảo nọ. Nhóm tàn quân Gia Định và một số người Công giáo chạy loạn nương tựa vào nhau và đôi lúc hỗ tương trong chiến sự để chống trả lại các lần càn quét săn lùng của quân tướng Tây Sơn.

            Có lẽ sau trận Long Hồ 1777 một thời gian, Đức giám mục Bá Đa Lộc mới tìm gặp và hứa cộng tác hay ủng hộ trong dịp vị đại-nguyên-súy trẻ vừa xưng vương vào năm Canh Tý (1780). Theo Liệt truyện viết về một người trong nhóm “Vọng Các công thần”— đó là những trung thần đã theo phò Nguyễn vương từ thời lưu vong bên thủ phủ Vọng Các, nước Xiêm, đơn cử như “Trần Văn Học: Người huyện Bình Dương thành Gia Định, lúc đầu theo Bá Đa Lộc đến yết kiến Thế Tổ Cao Hoàng Đế ở Gia Định, năm Nhâm Dần.”[25] Vậy dù Đức giám mục Bá Đa Lộc có biết và ngay cả giới thiệu người Pháp như “Ông Gioang” chế thuốc nổ đến với Nguyễn Phước Ánh trước đây, nhưng có vẻ ra mặt công khai hợp tác khi vị tướng trẻ chính thức lên ngôi vương vào năm 1780. Không chỉ trong Sử ký mà hai bức thư của Stanis Lefebvre, một trong những người sĩ quan Pháp sau này tham gia với quân nhà Nguyễn, đều nhắc đến việc Đức giám mục Bá Đa Lộc ra gặp vị tân vương. Theo ba sử liệu đó thì lần này, vị giám mục giới thiệu thêm một người Pháp nữa là “Ông Màn Hoè [Ma-no-e hay Emmanuel].”[26] Vậy lúc này qua trung gian của vị giám mục, trong hàng ngũ Nam triều có ít nhất hai người Pháp: “Ông Gioang” và giờ thêm “Ông Màn-Hoè.” Chúng ta không biết nhiều gì về “Ông Gioang” ngoại trừ qua Sử ký, nhưng “Ông Màn Hoè” thì được ghi công trong Thực lục do hy sinh chết trong một trận thủy chiến với quân Tây Sơn.[27] Trong thời gian ngắn, lòng tin và sự thân tín giữa tân vương và vị giám mục tăng nở. Hành dinh của vị vương trẻ và chủng viện Gò Mít gần nhau chỉ vài bước đi bộ. Nguyễn Phước Ánh tin vị giám mục đến độ dám chia sẻ lòng uất ức vì bị tướng Đỗ Thành Nhân lấn áp, và tiết lộ âm mưu trừ khử vị tướng này.[28] Các thừa sai khác thì tường trình lại bề trên bên Pháp chuyện họ cho rằng vị giám mục đã nhúng tay quá lố vào nội bộ chính trị tại địa phương.[29] Lòng người mấy ai nào có tài cán cao siêu dám chủ quan nói có thể đo biết thâm tâm và dụng ý của kẻ khác, nhưng các sự kiện này khách quan cho thấy vị tân vương và Đức giám mục Bá Đa Lộc qua lại rất thân quen và tin tưởng thêm với nhau trong mấy năm này hơn chỉ là “tư-sự” sơ sài như thời trước trận Long Hồ 1777.

            Tiếp đến là câu chuyện lịch sử nhiều người biết đến: Đức giám mục Bá Đa Lộc nhận nuôi cậu bé bốn tuổi, Nguyễn Phước Cảnh. Bắt đầu vào tháng hai năm 1783, quân Tây Sơn tiến chiếm và đẩy quân nhà Nguyễn ra khỏi vùng Gia Định lần thứ nhì. Đức giám mục Bá Đa Lộc và Linh mục Trần Văn Học đã đem gia đình vợ con vị tân vương đi lánh nạn với mấy người bên đạo qua Chân Lạp (Campuchia).[30] Nhưng khi được tin Chân Lạp ngầm bắt nộp nhóm lưu vong cho quân Tây Sơn, Nguyễn Phước Ánh phải gởi người thân tín đến giải cứu trong lúc phải đối đầu và bị thua thảm hại tại trận thủy chiến Cần Giờ.[31] Nguyễn vương ít nhất đã giải nguy được gia đình, nhưng không cứu vãn được đội quân mới thành lập trong mấy năm qua. Sau trận Cần Giờ, quân nhà Nguyễn chỉ còn lại vỏn vẹn chưa đầy bẩy trăm người. Trong trận này, Thực lục nhắc tới Nguyễn vương may mắn thoát dù phải nhảy bơi trên đoạn sông đầy cá sấu.[32] Họ lên thuyền chạy thoát ra biển và tạm trú lòng vòng các đảo hoang. Hy vọng được tăng lên chút đỉnh khi có thêm tám mươi người Công giáo đến nhập đoàn với họ.[33] Về phía Đức giám mục Bá Đa Lộc, ông và chủng sinh chạy trốn xuống Hà Tiên và sau đó họ đi thuyền trốn ra Phú Quốc. Tại Phú Quốc, Nguyễn vương, gia đình và đoàn tùy tùng gặp lại giám mục và sống nương vào gạo mà thuyền vị mang theo.[34] Nhưng không được bao lâu, mỗi người lại chạy mỗi ngã vì Tây Sơn kéo binh ra truy lùng. Theo thơ của Đức giám mục Bá Đa Lộc, sau khi ổn định tại Chanthaburi, vương quốc Xiêm, ông đã nhắn người dò xem gia quyến Nguyễn vương lưu lạc nơi đâu. May mắn là “ông trùm Nam” đã tìm gặp được họ đang trốn tại Hòn Dừa và tiếp tế cho ít gạo trước khi quay về khẩn báo cho giám mục tại Chanthaburi.[35] Được tin từ “ông trùm Nam,” Đức giám mục Bá Đa Lộc kể lại, “tôi ngay lập tức đến và tìm ra được ông hoàng tội nghiệp đang trong một hoàn cảnh đáng thương. Ông ta có với ông chừng sáu đến bảy trăm quân chen sống trên một chiến thuyền lớn và chừng hơn kém mười lăm ghe nhỏ khác. Nhưng đó cũng là một số quá lớn để ông ta lo cho họ ăn. Quân lính đã phải quay qua ăn gốc củ rau cỏ. Tôi phải đành nhường lại một số lương thực của chúng tôi.”[36]

Trong dịp này mới có câu chuyện của năm 1783 khi Nguyễn vương gởi gắm người con cả của mình cho Đức giám mục Bá Đa Lộc. Nhưng chuyện Đông cung đi cầu viện thì không đơn giản như vài dòng được ghi trong Thực lục. Chuyến Tây du không bắt đầu ngay vào năm 1783 mà chỉ xẩy ra ba năm sau đó. Có thể ý định đi Tây cầu viện chỉ là một trong nhiều dự định ban đầu, và lúc này nhóm quân nhà Nguyễn vẫn còn đặt nhiều hy vọng vào quân trợ giúp từ Nước Xiêm. Năm sau Giáp Thìn (1784), Nguyễn vương cùng với hai mươi ngàn quân và ba trăm chiến thuyền do Chiêu Tăng và Chiêu Sương về đánh lực lượng Tây Sơn, nhưng Nguyễn vương đã phải trả giá đắt trong vụ này. Ngay từ sớm, Nguyễn vương nhận ra, nhưng lại quá trễ, khi thấy cái sai lầm chọn theo quân Xiêm về dành lại nam bộ vì tính cách hà hiếp quấy nhiễu và vô kỷ luật của họ. Sau khi thua trận Rạch Gầm và Xoài Mút, Nguyễn vương than: “Muốn lấy được nước, phải được lòng dân… Nếu được Gia Định mà mất lòng dân thì ta cũng không nỡ làm. Thà hãy lui quân để đừng làm khổ nhân dân.”[37] Theo Thực lục, trong trận này, Nguyễn Phước Ánh thua chạy và còn lại chỉ vỏn vẹn ba vị tướng và mười quân sĩ.[38] Vào cuối năm 1784, Đức giám mục Bá Đa Lộc dẫn đầu đoàn Nam triều đi Pháp (Đại Tây) cầu viện qua đường Pondichéry (Tiểu Tây), thuộc địa Pháp tại Ấn Độ. Nhân tiện, ông cũng đem theo ba mươi chủng sinh và lánh dời chủng viện tới Pondichéry.[39] Các nhà viết sử sau này hay cho rằng việc truyền giáo là mầm mống của một chương trình xâm chiếm thực dân đặt sẵn cả trăm năm trước, nhưng sự thật là Đức giám mục Bá Đa Lộc không được sự ủng hộ nồng nhiệt nào từ chính phủ thuộc địa tại Pondichéry. Toàn quyền David Charpentier de Cossigny (1740-1801) của Pondichéry không muốn tham dự và dính líu với một nhóm lưu vong nhà Nguyễn tại nước Xiêm mà theo họ là không có một cơ hội thành công nào.[40] Khi phái đoàn sáu người của Nam triều đặt chân tới cảng Lorient, Pháp, năm Đinh Mùi (1787), Đức giám mục Bá Đa Lộc nhận được thư đón tiếp lạnh nhạt từ Thống chế Charles de Castries (1743-1801): “Mong muốn lâu nay của chúng tôi là ngài không đứng ra lãnh giúp mấy người này cho đến khi có ý định rõ ràng từ hoàng thượng. Nhưng với sự thể bây giờ, ngài hãy đem họ tới Paris. Tôi sẽ báo với bề trên của Hội Thừa Sai Paris. Ngài hãy liên lạc với vị bề trên này để lo những chuyện cần thiết và chỗ tá túc cho những người này.”[41] Đến năm Kỷ Dậu (1789), phái đoàn đi sứ mới về lại Gia Định với hiệp ước bất thành vì lúc này chế độ quân chủ của Pháp đã bị lật đổ. Tuy vậy Hiệp ước Versaille vẫn là cái cớ sau này cho chính phủ Pháp áp đặt chế độ thuộc địa trên Việt Nam.

Vai trò và đóng góp thật sự của người Công giáo Việt, thừa sai, và lính Pháp đánh thuê trong giai đoạn cho việc trung hưng của nhà Nguyễn là bao nhiêu? Cho tới nay, các sử gia chưa bao giờ nhắc đến người Công giáo Việt mà chỉ nói về Đức giám mục Bá Đa Lộc và những sĩ quan Pháp. Mà dù có nhắc đến các thừa sai và vài trăm quân nhân Pháp, theo lời sử gia Alexander Woodside nhận định, những người Pháp này cũng không phải là một thực lực đáng kể. Woodside cho rằng sử sách sau này thổi phồng vai trò của người Pháp trong thời điểm tái lập nhà chúa Nguyễn ở Gia Định. Và, học giả này có thể đúng vì nhóm người Công giáo có giúp được gì thì giỏi lắm cũng chỉ là vài thúng gạo hay hơn nữa là vài ghe gạo.[42] Số tám mươi người của năm Quý Mão thì thấm vào đâu so với những đoàn quân vạn người trở lên. Nhưng với tấm lòng người Việt thì chắc sẽ thấy sự kiện này với góc này cạnh khác. Ông bà ta thường nói:

“Một miếng khi đói, bằng một gói khi no.”

Hay,

“Của một đồng, công một lượng.”

Có thể vì vậy, mà ngay cả trong thời với quốc sách diệt sạch cội rễ “Gia Tô tả đạo” trên vương thổ của mình, nhất là thời cấm đạo của thời Minh Mạng, triều đình Huế cũng cam lòng chịu, và dù có muốn tẩy đi cái dính dáng bất tiện của quá khứ, cũng chỉ có thể hạ chỉ cắt bớt công thổ và người lo cho lăng tẩm này, mà triều Gia Long trước đây đã cấp, chứ không đào mồ đập mả của Đức giám mục Bá Đa Lộc hay các biểu tượng sĩ nhục trên mộ phần người quá cố như đã làm trên lăng tẩm của Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832).

Chuyện chính sự

            Trong thời gian đoàn sứ bộ qua Pháp, tình hình Nam bộ thay đổi với lợi thế cho Nguyễn vương. Năm Mậu Thân 1788 nhà Thanh kéo quân vô Bắc bộ mượn tiếng cứu nhà Lê, nên khi Nguyễn Huệ chuyển quân lực về hướng bắc, vùng Gia Định trở nên dễ dàng hơn cho quân nhà Nguyễn về tái lập Nam triều. Nếu cái mạnh của lực lượng Tây Sơn là chiến thuật quân sự, thì ưu điểm của triều đình Gia Định là khả năng tổ chức hành chính.[43] Điền địa và làng mạc được tổ chức lại rất nhanh đặc biệt là hệ thống đồn điền. Các ty nha chiêu dân lưu tán trở về khai hoang lập đồn điền. Ai chiêu mộ được mười người thì được phong làm cai trại và được miễn lao dịch.[44] Dân Công giáo lưu lạc và sinh cơ lập nghiệp tại Vương quốc Xiêm trở thành tai mắt đối ngoại cho Nguyễn vương. Như năm 1785, Nguyễn vương sai “thầy cả Minh” dò xét tình hình:

Vậy sai quan tham tướng đệ tờ trình tấu Nhị vương sự cớ, lại có sai thầy cả Minh tùng sự vào đó, phải đạt phiến tờ ngõ tường âm tín. Như cơ thường, biến dường nào thì thầy Minh tựu đó sự cơ hiệp liệu cùng theo. Bằng có ghe, phiền tu [hãy ngay liền] đưa thầy Minh trở về khải tấu ngõ tường hư thiệt cơ yếu Xiêm tình.[45]

Khi tình thế, Gia Định ổn định và tổ chức hơn, Nguyễn vương vẫn tiếp tục nhờ dân Công giáo ngoại kiều như một hệ thống ngoại giao bán chính thức. Trong thư của Nguyễn vương vào năm 1789, khi vương không nghe tin gì từ phái bộ được gởi qua đem lễ vât tặng vua và phó vương Xiêm, ông viết nhắn tin:

Vả tháng 8 ta đánh Tây tặc vừa yên, về ở Sài Gòn, có dạy sứ đem lễ vật vào tạ đức Phật vương cùng Nhị vương, tuy là bạc lễ, dùng thảo tấm lòng. Như sứ ta đã vào đến nơi mà dưng lễ ấy, hay là chưa vào đến nơi, cớ sao chẳng thấy tiêu [tin] tức tín hồi.[46]

Tóm lại sau gần mười bốn năm (1774-1788) lưu vong, tình thế nhà Nguyễn bắt đầu chuyển hướng thuận lợi dẫn đến khôi phục lại Đàng Trong và sau đó lập ra triều Nguyễn. Trong mười bốn năm này, nhóm Công giáo thiểu số dần dần thu hút nhiều chú ý trong chính trường vì những cộng tác của họ phò theo cựu triều, sống còn với Nguyễn vương ngay cả khi vị vương lưu vong không có một tương lai sáng sủa gì, và nhóm Công giáo hiện hữu rõ nét hơn trong các thành phần tướng lãnh cai đội dưới triều Gia Định.

Chuyện giáo sự

            Ngoại yên, nội náo có thể nói là tình hình chuyển biến bên trong triều đình Gia Định. Nếu trong những năm tháng lưu vong mà triều Nguyễn gọi là những năm tháng “Gia Long tẩu quốc” là những ngày chia cơm xẻ ngọt theo kiểu Sử ký thuật lại: “Những người thuộc về vua và những người thuộc về Đức Thầy, thì là như con một nhà ở chung với nhau,”[47] thì bây giờ trở nên lục đục nhiêu khê. Sử gia Tạ Chí Đại Tường đã phân tích giai đoạn lủng củng nội bộ trong Lịch sử Nội chiến ở Việt Nam đặc biệt trong chương “Dao động ý thức hệ ở Gia Định.”[48] Nhiều tác giả đã bàn về các dịp đụng độ trong các nghi thức tôn giáo lạy bái bàn thờ tổ tiên nhất là vụ Đông cung Cảnh từ chối bái yết Tông Miếu khi mới từ Tây trở về,[49] nhưng bài nghiên cứu này xin được đóng góp thêm một góc cạnh khác: tranh chấp giữa nhóm quan võ và nhóm quan văn trong triều. Chuyện đụng độ giáo-sự trở nên gây cấn hơn khi nó được xen lồng với tranh chấp quyền lực bên trong.

Trong thời điểm ban đầu thời Nguyễn trung hưng, nhóm quan võ có vẻ ở thế thượng phong và nắm giữ nhiều quyền lực. Trong Liệt truyện có thuật lại hạnh tích một vị quan văn của Hàn lâm viện, Trần Đại Luật, theo chiều chính trị lúc ấy cùng một số đồng môn khác xin chuyển ngạch qua bên võ. Nhưng không phải là một chuyển đổi dễ dàng vì ông bị bên võ chê không cho tham dự bàn chiến thuật mà cười rằng: “Bọn quan văn chưa nghe tiếng súng [đã] tự són đái trước, đâu được nói đến việc quân lữ chiến trận.”[50] Qua lời trích cuộc đối thoại, chúng ta có thể hình dung ra được không khí tranh chấp quyền lực giữa hai nhóm văn và võ.

Như phần “chuyện chiến sự” trên đã cho thấy, trong nhóm võ quan không ít thì nhiều đã có sự hiện diện của nhóm Công giáo hay những người có nhiều thiện cảm với Công giáo vì nhờ mười bốn năm đồng lao cộng khổ với nhau. Qua tiểu sử của Trần Đại Luật, hiểm khích và nghi kỵ càng tăng dần vì nhóm quan văn thấy nhóm Công giáo và nhất là vị giám mục nắm giữ được Đông cung Cảnh.[51] Trần Đại Luật đã viết mật tấu xin Nguyễn vương trừ khử Công giáo để tránh hậu hoạ sau này vì “Đa Lộc mang giáo Thiên Chúa để lừa ngu dân, không có tình thân cha con, nghĩa lớn vua tôi, lại tự cậy là bảo hộ Đông cung có chút công lao, sinh lòng kiêu ngạo, không sợ hãi gì, nay như thế, ngày khác lại như thế nào.”[52] Nguyễn vương mật triệu Trần Đại Luật và khen: “Ngươi có lời nói thẳng, trẫm không phải là không tin, nay đánh Đông dẹp Tây về việc dùng người, rất là việc cần kẻ dối trá và ngu cũng nên dùng, không nên tỏ cho người biết là hẹp hòi, tạm hãy để đó.”[53] Không chỉ dựa trên câu nói này của Nguyễn vương mà thêm vào các hành động sau này khi ông lên ngôi hoàng đế, Nguyễn vương thật sự cũng có nhiều dè chừng với Công giáo.[54] Trong thời binh chiến và cần nhờ ngoại viện, Nguyễn Phước Ánh không có chính sách bài bác Công giáo. Nhưng cáchđối đáp của ông cho thấy thái độ khôn ngoan chính trị của ông, ông cho họ thấy ông cũng chia sẻ với hàng quan văn nghi kỵ của mình về tôn giáo này. Câu chuyện ngắn của Trần Đại Luật trong Liệt truyện tình cờ cũng cho thấy một bạn quan văn đồng môn với Trần Đại Luật tại Hàn lâm viện là Trịnh Hoài Đức (1765-1825). Trịnh Hoài Đức là một trong hai quan được cắt đặt để tách ảnh hưởng của vị giám mục trên Đông cung và dạy lại Đông cung khi đi sứ Tây mới về.[55] Trần Đại Luật chết sớm khi mới bốn mươi mốt tuổi. Ngược lại, Trịnh Hoài Đức sau này thăng quan thượng thư cả bộ Lại và bộ Lễ. Nhóm quan văn đã kiên nhẫn chờ đợi để hất cẳng và dẹp bỏ từ từ ảnh hưởng của nhóm võ quan “Vọng Các công thần.” Chuyện giáo-sự trở nên rối rắm hơn vì liên hệ dính dáng nhiều với chuyện chính-sự và chiến-sự trong hàng ngũ khai quốc công thần của thời trung hưng của nhà Nguyễn.

Những nhân vật khai quốc công thần theo Công giáo

Phaolô Hồ Văn Nghị (?-1810)

Linh mục Phaolô Hồ Văn Nghị không có tên trong Liệt truyện dành cho các vị “Vọng Các công thần” mà chỉ được nhắc đến một lần trong Thực lục.[56] Theo chính sử nhà Nguyễn, Linh mục Nghị chỉ là một chấm phá nhỏ trong lịch sử vào dịp Đức giám mục Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh qua Tây năm 1783. Bộ lịch sử gần đây thì lại cho ông là một thừa sai Pháp mang tên Việt.[57] May mắn là khi so sánh với Sử ký, ông là rường mối để dò tìm thêm các nhân vật Công giáo “ẩn” trong chính-trường nhà Nguyễn trung hưng.

Sử ký thuật lại chi tiết tình cảnh bi đát của cậu Nguyễn Phước Ánh sau khi Định vưong và đoàn hộ giá bị quân Tây Sơn thảm sát năm 1777. Trong vòng ba tháng trời, cậu thiếu niên này cùng một người hầu trốn trên một chiếc ghe lênh đênh từ rừng lau này qua rừng lau kia. Sử ký tiếp với chuyện gặp Linh mục Hồ Văn Nghị:

Tình cờ gặp thuyền ông Phao-lồ là thầy cả bổn-quốc, cũng đang chạy giặc. Bấy giờ ông Nguyễn-anh tuy chưa quen biết thầy Phao-lồ, song đã biết là thầy đạo, thì xưng mình là người nọ người kia, và xin thầy Phao-lồ cứu. Thầy Phao-lồ liền chịu và đem qua giấu trong thuyền mình và chèo thẳng về Hà-Tiên giao người cho Đức-Thầy Vê-rô. Khi ấy Đức-Thầy đã sang bên Cao-mên, cho nên thầy cả Phao-lồ vội vàng gởi tin cho người biết sự ấy cho kịp.[58]

Qua đoạn này, Sử ký cho thấy cậu hoàng trẻ này trước đây đã có dịp gặp Linh mục Hồ Văn Nghị dù không biết thân thế của ông, do đó khi nhận ra ông Nghị là linh mục cậu cảm thấy an toàn để xưng danh tánh và nhờ giúp. Một điểm khác cũng nên chú ý là người đầu tiên cậu hoàng này gặp là Linh mục Nghị chứ chưa phải là vị giám mục thừa sai vì theo Sử ký vị giám mục còn đang chạy giặc bên Chân Lạp. Sử ký tiếp:

Vậy qua một tháng, thì chẳng còn lẽ nào mà giấu trong nhà nữa, nên ông Phao-lồ phải đưa ông Nguyễn-anh lên trên rừng nơi vắng vẻ. Đoạn hoặc ông Phao-lồ hoặc thầy giảng kia, tên là ông Toán, thỉnh thoản[g] lén bới cho mà ăn thôi. Vậy ông Phao-lồ chịu khó mà liệu cách khôn ngoan thể ấy đặng hai ba tháng, thì có công với ông Nguyễn-anh cả thể lắm. Vì chưng nếu chẳng có thầy cả ấy thì ông Nguyễn-anh chẳng khỏi phải bắt.[59]

Sau vài tháng ẩn dấu tại Rạch Giá, quân trinh thám Tây Sơn dò biết được vùng lẩn trốn của cậu, nhưng vừa kịp Đức giám mục Bá Đa Lộc trở về và đứng ra che chở cậu Nguyễn Phước Ánh thay cho Linh mục Hồ Văn Nghị.[60] Sự kiện này được nhắc lại bởi Thừa sai Julien Faulet (1741-1783) trong bức thư gởi năm 1780: “Chính cha Phaolô đã nuôi và che dấu ông hoàng trẻ trong ghe của mình. Cha cũng giới thiệu ông hoàng bé này với Đức thầy và đạo thánh của chúng ta.”[61]

Vai trò quan trọng và là cầu nối đầu tiên của Linh mục Hồ Văn Nghị trong việc liên hệ giữa giai cấp lãnh đạo nhà Nguyễn và nhóm thiểu số Công giáo được chính Đức giám mục Bá Đá Lộc ghi lại. Trong bức thư tự minh oan cho mình trước những lời chỉ trích từ các thừa sai khác về việc vị giám mục đã nhúng tay quá nhiều vào chuyện chính trị điạ phương và gây lan tiếng xấu cho cả miền truyền giáo, vị giám mục nói ông chỉ giữ lịch sự và đáp lễ lại vua quan nhà Nguyễn mà thôi; theo lời vị giám mục, chính Nguyễn vương mới là bên chủ động. Cùng trong thư đó, Đức giám mục Bá Đa Lộc dù không nêu đích danh Linh mục Hồ Văn Nghị như trong thư của Julien Faulet, nhưng vị giám mục đã xác nhận vai trò quan trọng của một thừa sai gốc Đàng-trong, “un missionnaire cochinchinois;” người đã “cứu ông hoàng… và sau được mấy người Công giáo thăm nuôi hơn cả tháng.”[62] Cái lý thú cần chú ý trong lá thư của Đức giám mục Bá Đa Lộc khi gọi Linh mục Hồ Văn Nghị với danh hiệu “thừa sai” (un missionnaire) chứ không dùng cụm từ “linh mục bản xứ” (un prêtre du pays hay là un prête indigene) mà chúng ta hay gặp trong các bản báo cáo hay thư từ của các thừa sai ngoại quốc thời đó. Nói cách khác, chính vị giám mục cũng có một niềm kính trọng đặc biệt với Linh mục Nghị. Theo cách xưng hô, Đức giám mục Bá Đa Lộc xem vị linh mục này như một đồng liêu chứ không phải là một phụ tá của mình. Đây là một điểm khác nhiều với cách nhìn thường thấy của các thừa sai đến các linh mục bản xứ. Nguyễn Phước Ánh cũng nhận ra vai trò quan trọng của Linh mục Hồ Văn Nghị và nhóm Công giáo tản mát trong vùng trải dài từ Nam bộ qua đến Chân Lạp. Nguyễn vương đã nhờ linh mục này kêu gọi nhóm Công giáo hỗ trợ đứng về phía nhà Nguyễn trong những năm đầu tập tễnh của Nam triều và khi khí thế của Tây Sơn vẫn còn đang thế mạnh và đang làm chủ tình hình Đàng Trong cũ.[63] Sử ký trong phần tóm tắt tiểu sử Linh mục Hồ Văn Nghị khi ông mất chỉ sau vài tháng nhưng cùng năm khi Đông cung Cảnh qua đời:

Nguyên ông ấy có công cả thể, và có tiếng khôn ngoan sốt sắng đạo đức lắm. Người làm chơn tay Đức-Thầy Vê-rô mọi bề như đã nói trước nầy. Vua thương tiếc ông ấy lắm. Khi nào Đức-Thầy Vê-rô có việc gì riêng tâu vua, hoặc người chẳng đi đặng, thì sai ông Phao-lồ tâu thay vì mình. Khi ông ấy qua đời, thì dầu vua dầu các bổn đạo ai ai đều đem lòng thương tiếc lắm.[64]

Trong lời tóm tắt tiểu sử trên, Sử ký cho thấy Linh mục Hồ Văn Nghị là đường dây liên lạc quan trọng giữa nhóm Công giáo từ chức sắc cho đến giáo dân và với lớp lãnh đạo chung quanh Nguyễn vương. Linh mục Hồ Văn Nghị cũng sẽ là chìa khoá mở ra các cánh cửa trong sử liệu mà ít ai để ý để nhận diện thêm các nhân vật Công giáo khác trong giai đoạn nhà Nguyễn trung hưng. Hơn nữa, qua sử liệu chính sử và các tư liệu của các thừa sai bổ sung và xác tín các diễn tiến được ghi chép trong Sử ký. Điều này củng cố hơn tính sử liệu chính xác khá cao của tập dã sử 1879 này. Đây là nguồn sử liệu mới mà bài viết này dùng làm gốc để so sánh với các sử liệu thường được dùng lâu nay, và triển khai cho việc truy tầm gốc tích các nhân vật Công giáo khác trong giai đoạn đầu triều Nguyễn.

Phạm Văn Nhân (1740-1811) và Nguyễn Văn Liêm/Khiêm (1759-1815)

            Trong một câu Thực lục vắn vỏi về đoàn sứ bộ tháp tùng hoàng tử Cảnh và Đức giám mục Bá Đa Lộc nhưng vì nhờ nhắc đến Linh mục Hồ Văn Nghị, chúng ta có cơ hội gần như chắc chắn để xác định hai vị “Vọng Các công thần” khác trong thời gian “chiến sự” đã theo Công giáo. “Bá Đa Lộc đem hoàng cả Cảnh sang nước Đại Tây, Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm cho Hồ Văn Nghị phụng biểu về hành tại ở Vọng Các báo tin, rồi ở lại hầu vua.”[65] Sử sách sau này thường chỉ để ý tới vị giám mục và hoàng tử Cảnh và thường giả định một chuyến đi thông suốt của đoàn sứ Nam qua Pháp triều. Như đã viết ở đoạn “Chuyện dài chíến sự” ở trên, đoàn sứ gặp nhiều trắc trở, nghi ngờ và ngăn chận từ chính các quan chức thuộc địa tại Pondichéry (Tiểu Tây). Gần hai năm sau vụ “gởi con và thỏi vàng” của đầu năm 1783 Quý Mão, sau cuộc thua tan tành tại Rạch Gầm Xoài Mút, rồi đến cuối 1784 phái đoàn mới đến được Pondichéry. Theo thư của Thống chế de Castries, đầu tháng bảy năm 1785, phái đoàn Nam triều vẫn còn kẹt ở Ấn Độ cho đến chừng giữa năm 1786. Đến tháng hai năm 1787, đoàn sứ bộ mới cập bến Lorient của Pháp quốc.[66] Những điểm mấu này quan trọng, để mở khóa một lá thư của Đức giám mục Bá Đa Lộc ghi ngày 20 tháng 3 năm 1785.[67]

            Nhưng trước khi mở khóa lá thư này, chúng ta cần có một cái nhìn bao quát hoàn cảnh dẫn đến bức thư đặc biệt này. Khi đoàn sứ Nam-triều đến được Pondichéry, bên cạnh gần hơn kém ba mươi chủng sinh, một đoàn tùy tùng hộ tống hoàng tử Cảnh và sự hướng dẫn của Đức giám mục Bá Đa Lộc, Linh mục Hồ Văn Nghị, và Linh mục Trần Văn Học. Bên quan lại thì có Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm, và cậu của hoàng tử là Tống Phước Sóc và vài gia nhân tùy tùng.[68] Nhưng vì không được ủng hộ đắc lực của toàn quyền Pháp tại Pondichéry nhất là chi phí cho chuyến đi Pháp này, nên đoàn tháp tùng ban đầu phải cắt xuống và nhiều người trong đó có cả hai vị quan, Linh mục Nghị và Linh mục Học.[69] Theo Sử ký trước khi phái đoàn “hụt” này quay về lại với Nguyễn vương, họ đã được Đức giám mục Bá Đa Lộc dạy về đạo và nhận phép rửa tội:

Đầu năm 1786, là Cảnh Hưng tứ thập ngũ niên, cùng là năm Bính Ngọ, thì người dọn mình đi sang Tây làm cùng con đầu lòng vua An-nam. Khi ấy Đông cung mới sáu bảy tuổi. Vua cũng cho bốn người An Nam khác theo giúp con, mà trong bốn người An Nam ấy thì có em bà Hoàng hậu, tên là Sóc. Lại có hai quan lớn vua sai làm thầy dạy con. Bấy giờ người ấy chưa có đạo; nhưng mà bỡi đã sẵn lòng trở lại, thì Đức Thầy Vê-rô làm phép rửa tội cho, cùng ra sức dạy dỗ cho thuộc kinh mà sinh nên lòng mộ sự đạo.[70]

Nhưng lời văn của Sử ký không rõ, “bấy giờ người ấy chưa có đạo; nhưng mà bỡi đã sẵn lòng trở lại, thì Đức Thầy Vê-rô làm phép rửa tội cho,” theo đây thì có thể chỉ có Tống Phước Sóc nhập đạo Công giáo mà thôi. Rồi khi đoàn sứ bộ về lại Gia Định năm 1789, Sử ký đề cập vài lần chuyện Đông cung mộ đạo, nhưng “Đức Thầy biết ý vua và các quan chẳng muốn cho Đông cung theo đạo, thì chẳng dám dạy dỗ lẽ đạo.”[71] Vì bị canh chừng dòm ngó, Đông cung Cảnh “xin Đức-thầy dạy cho biết cách rửa tội, để sau hoặc mình phải ốm đau mà chẳng có ai có đạo cho rửa tội cho, thì mình đặng bày cho kẻ khác biết đàng làm phép ấy cho mình.[72] Vậy theo Sử ký, năm 1786, chúng ta chỉ có thể chắc hai chuyện: Tống Phước Sóc đã được rửa tội, và hoàng tử Cảnh thì không. Nhưng đây là chìa khoá của bức thư do Đức giám mục Bá Đa Lộc viết ngày 20 tháng ba năm 1785, giám mục ghi: “Tôi đã đến Pondichéry vào cuối tháng hai của 1784… Hai vị quan và sáu binh sĩ hộ tống đứa trẻ đã được dạy kỹ lưỡng và họ sẽ được rửa tội vào đêm vọng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.”[73] Vậy chúng ta có thể chắc là mọi người trong đoàn sứ bộ Nam triều đã gia nhập Công giáo, ngoại trừ hoàng tử Cảnh. Chuyện hoàng tử Cảnh không có rửa tội trong dịp đó cũng hợp lý và hợp giáo luật. Theo giáo luật, vì cậu ta còn nhỏ tuổi, thì cậu chỉ được rửa tội khi có sự đồng ý của cha mẹ hay chỉ trong trường hợp nguy cập đến tính mạng.

Ngoài đôi lời vắn tắt từ Sử ký, chúng ta không biết gì hơn về Tống Phước Sóc. Nhưng Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm tiếp tục nắm giữ chức vụ quan trọng sau khi Gia Long xưng đế và lập ra triều Nguyễn. Cho đến năm 1914, bài vị của Phạm Văn Nhân vẫn còn thấy được thờ trong Thế Miếu cùng với mười bảy vị mà triều Nguyễn tôn kính vào bậc khai quốc công thần.[74] Liệt truyện thì còn cho biết thêm là cả hai vị quan này được làm thông gia với Nguyễn Phước Ánh. Cả hai vị quan này, mỗi người đều có con trai làm phò mã của Gia Long.[75] Chúng ta không biết được đời sống nội tâm và giữ đạo giáo của các gia đình này trong thời cấm đạo như thế nào vì giáo sử chỉ nói về các vị chịu tử đạo. Có thể vì thuộc thế giá hoàng tộc của nhà Nguyễn, gia đình con cháu họ đã âm thầm giữ đạo và tránh được các hạch sách truy nã mà các thường dân khác phải gánh chịu.

Tống Phước Đạm (?-1794)

Việc cải đạo qua Công giáo của Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm không gây nhiều chú ý và xáo động lớn trong triều Gia-định như trường hợp của Tống Phước Đạm. Sử ký không nói gì nhiều hay ngay cả nhắc đến Phạm Văn Nhân hay Nguyễn Văn Liêm, nhưng có nhiều mẩu chuyện của một vị quan lớn, “Ông Giám,” xưa kia “thuở đầu thì ghét đạo, mà bỡi đã nói lẽ đạo với Đức-Thầy nhiều lần, thì quyết trở lại chịu đạo.”[76] Sử ký đôi khi lại nhắc đến một vị khác “Ông Dinh trung.” Nhưng rất có thể hai chức danh này đều về một người vì Sử ký nhiều lúc đề cập đến cùng những sự kiện khá tường tự trùng hợp nhưng lúc nói về “Ông Giám” lúc gọi là “Ông Dinh trung.” Bên cạnh Sử ký, thơ của vị Thừa sai Jacques Liot (1751-1811) viết vào tháng sáu 1795 cũng nhắc đến chuyện một vị quan mới mất cùng tên là “Ông Giám.”[77] Theo Liệt truyện, khi Nguyễn vương tái lập lại nam-triều Gia Định năm 1788, vương đã phong cho Tống Phước Đạm chức “Cai đội Giám quân Trung doanh.”[78] Và, Liệt truyện cũng cho biết là Tống Phước Đạm mất vào năm 1794 Giáp Dần.[79] Năm này trùng với thông tin trong thư của Thừa sai Liot viết về cái chết của “Ông Giám” vào hè năm sau đó. Thêm nữa, trong dịp kéo quân ra đánh Phú Xuân, Thực lục ghi Nguyễn vương đã “sai Đông cung nguyên soái Cảnh quận công trấn thành Diên Khánh, cho Bá Đa Lộc và bọn thị học đi theo. Khiến Phó tướng Tả quân Phạm Văn Nhân, Giám quân Trung dinh Tống Phước Đạm…, cùng các tướng sĩ đi theo để điều bát.”[80] Do đó, chúng ta có thể đưa đến xác định là chức danh “Ông Giám” hay “Ông Dinh-trung” của Sử ký đều là một người: Giám quân Trung doanh Tống Phước Đạm.

Tống Phước Đạm theo Công giáo vào những năm cuối đời của ông ta và với vị trí cao trong tân triều, hành động của ông đã tạo ra nhiều phản ứng mạnh hơn cả việc hoàng tử Cảnh từ chối bái lạy bàn thờ tổ tiên khi mới đi sứ tây về. Tống Phước Đạm đã tham gia triều chánh từ thời Nguyễn Phước Khoát (1714-1765) và Nguyễn Phước Thuần (1754-1777).[81] Khi nhà Nguyễn bị kẹt trong thế gọng kìm tấn công của nhà Trịnh từ bắc xuống và của Tây Sơn từ nam lên, chúa Nguyễn đã phải bỏ Phú Xuân vào nam. Trong tình hình nguy cập, Nguyễn Phước Thuần đã cấp cho Tống Phước Đạm lên chức Trung dinh Giám quân, chức mà sau này Nguyễn Phước Ánh đã phong lại cho ông khi nắm lại được đất Gia Định.[82]

Để thấy thêm vài trò quan trọng của Tống Phước Đạm trong tổ chức triều chánh, chúng ta có thể nhìn tổ chức hành chánh ban đầu của triều Gia Định. Khi mới thành lập, đất Gia Định được chia làm ba dinh: Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ. Nhưng vì thấy yếu điểm quan trọng cho cả ba dinh đó, Nguyễn vương lập ra một dinh mới, Trường Đồn mà sau đổi tên một lần nữa thành dinh Trấn Định. Và, không ai khác mà chính Tống Phước Đạm được cử ra trấn giữ dinh này để cai quản mọi công việc từ binh cho đến dân.[83] Chúng ta cũng có thể thấy được vị thế của ông dựa theo chức tước triều đình đã truy tặng cho ông khi mất. Minh-mạng sắc phong ông tước “Tá vận Công thần, Vinh lộc Đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ, Thiếu sư, kiêm Thái tử Thái sư.”[84] Chỉ trong bốn chữ cuối của tước này, ông ta được nằm trong hàng nhất phẩm trong cửu phẩm. Và, còn hơn thế nữa, trong hàng nhất phẩm, lại chia ra mười đẳng cấp: Thái sư, Thiếu sư, Thái phó, Thiếu phó, Thái bảo, Thiếu bảo, Cần chánh điện đại học sĩ, Văn minh điện đại học sĩ, Võ hiền đại học sĩ,Đông các đại học sĩ.[85] Vậy theo trong mười đẳng cấp trong hàng nhất phẩm, ông được truy tặng cả hai cái cao nhất là “Thiếu sư” và “Thái tử Thái sư.” Có thể vì chức vụ cao này, Sử ký hay nói về chuyện của ông ta hơn là nhắc tới Phạm Văn Nhân hay Nguyễn Văn Liêm vì có thể vị trí quyền hành ông chỉ sau Nguyễn vương và Đông cung.

Nhưng từ khi gia nhập đạo Công giáo, Tống Phước Đạm đã quá hăng hái tuyên xưng và biểu lộ thái độ chống lại các lễ nghi mà ông cho rằng đạo mới của ông đã không cho phép. Sử ký thuật lại chuyện ông từ chối lạy bàn thờ tổ tiên của nhà Nguyễn và đôi co với Nguyễn vương. Trong cuộc tranh cãi này, Nguyễn vương ngạc nhiên vì vị lão tướng này lại không làm các lễ nghi mà chính Đức giám mục Bá Đa Lộc đã du di cho phép. Tống Phước Đạm cãi lại: “‘Giám mục nói chẳng có tội sao được?’ Vua rằng: ‘Trẫm hỏi lại Thầy Giám mục.’” Khi thấy cuộc tranh co không đi đến đâu, Nguyễn vương phán: “‘Thằng nầy là nghịch thần.’ Đoạn thì vua nói qua đều khác.”[86] Tống Phước Đạm mất không lâu sau đó và trước khi Nguyễn vương lấy lại Phú Xuân. Không như Phạm Văn Nhân hay Nguyễn Văn Liêm có con trai làm phò mã, ông Phước Đạm không có con nối dòng. Theo Liệt truyện, vị lão tướng này có “tật ngầm,” thứ nhất là “tính sợ súng” và thứ hai là “không gần đàn bà.”[87]

Nhưng nhìn chung qua việc nhiều võ tướng “Vọng Các công thần” theo Công giáo, chúng ta có thể hình dung một làn sóng ngầm từ từ hợp lực để tẩy trừ nhóm thiểu số tôn giáo này ngay trong nội bộ của triều Gia Định. Theo nhãn quan tích cực thì biện luận chặt chẽ và hợp lý của giáo lý thần học của Công giáo đã khiến nhiều người tin theo; tiêu cực mà nhìn thì đây là cạnh tranh nguy hiểm với chính sách của nhà cầm quyền vì khả năng mê hoặc của tôn giáo này không chỉ trong dân ngu muội mà ngay cả thành phần cột trụ của triều đình. Nhóm Công giáo thiểu số của “chuyện thời chiến-sự” trở thành một liên hệ quá khứ bất tiện cho triều mới của Nguyễn trung hưng.

Khó có thể biết được chính xác con số và những ai trong triều đình Gia Định và sau đó là triều đình Huế là dân theo đạo Công giáo vì chính sách tẩy xóa “Gia Tô tả đạo” của các đời sau vua Gia Long. Để tránh sự phiền phức nhiều người khôn khéo dấu kín được lý lịch đức tin của mình. Điển hình trong số các vị được phong tử đạo có những vị làm trong triều lâu năm sau mới bị “lộ” như vụ Đội trưởng Cấm vệ Phaolô Tống Viết Bường (1773?-1833) hay quan Thái bộc Tự khanh Micae Hồ Đình Hy (1808-1857). Trong nhóm hoàng thân quốc thích, chắc cũng có vài người ẩn danh như bài nghiên cứu này đã tìm ra người cậu của Gia Long là Tống Phước Sóc. Các vị công chúa và là con dâu của Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm có theo Công giáo hay không? Khó có thể xác tín, nhưng theo phép đạo thời ấy khá khắt khe, hôn nhân Công giáo chỉ được phép khi cả cô dâu chú rể đều đã chịu rửa tội. Nhưng trong một bức thư của vị thánh Thừa sai François Jaccard “Phan” (Ninh) (1799-1838) kể dịp mừng thọ bốn mươi của Minh Mạng trong địa hạt thần kinh có cho thấy khả thể các vị vương tôn công chúa đã theo và giữ đạo. Vị thừa sai lúc này đang được triều đình bổ làm quan thất phẩm thông dịch ở Hành nhân ty, nhân dịp này đã có tổ chức một buổi lễ công khai cầu nguyện cho hoàng đế. Trong thư, vị thừa sai khoe với bề trên “nhiều vị quan văn võ, ngay cả một người cháu trai và người chị của vua, đều trầm trồ nghi thức uy nghiêm và trang trọng của buổi lễ với số đông người tham dự chưa từng thấy bao giờ.”[88] Không thể nói được cách chắc chắn đây là những người đến xem chỉ vì tò mò, hay là đã tham dự trong vai trò tín hữu. Nhưng chúng có thể nói là cho đến thời đầu nhà Nguyễn, nhóm Công giáo chỉ là một “thiểu số ẩn” (invisible minority) trong dân chúng. “Ẩn” là vì trước đây họ chưa đạt tới được số đông đáng kể để thu hút sự chú ý của giai cấp cầm quyền. Ngăn cấm cũng đã sãy ra nhưng chỉ là những đợt bách hại và rồi lại cho tự do hành đạo. Nhưng, từ thời “chiến sự” của những năm tháng “Gia Long tẩu quốc,” người Công giáo “thiểu số ẩn” trở thành “thiểu số nổi” (a visible minority). “Nổi” là vì vài người trong nhóm họ trở thành hay vào được trong nội bộ của giới thống trị như tầng lớp quan lại và ngay cả vài thành viên trong hoàng phái. Và, đây là hiện tượng xã hội (a social phenomenon) hay thường xãy ra trong lịch sử nhân loại, số phận của những nhóm “thiểu số nổi” dễ trở thành tâm điểm của kỳ thị và phân biệt đối xử từ giới cầm quyền và là nạn nhân của sách nhiễu bạo động từ những đợt quần chúng tự phát khi tình thế xã hội bất ổn. Bách hại trở thành chính sách vì nhóm Công giáo đã trở nên thế lực nổi cộm theo nhãn quang chính trị.

 

Kết Luận

            Chúng ta có những nguồn tài liệu chính sử rất phong phú từ cuối thời Đàng Trong-Đàng Ngoài tới nay. Đây là những kho tàng vô giá được biên tu soạn thảo bởi các sử gia được đào tạo trong các môi trường giáo dục chính thống. Bên giáo sử, truyền thống đạo đức viết về hạnh các đấng tử đạo thường để ý tới các gương mà Phúc Âm gọi là những ngọn đèn cháy sáng đáng được “đặt để trên giá đèn.” Nhưng bài nghiên cứu này cũng mong đóng góp nhỏ để chúng ta nếm được chút ý vị của những người âm thầm nhẫn nhục sống đức tin như “men trong đấu bột” dù họ không nằm trong danh sách hiển thánh. Đó là Linh mục bản xứ Phaolô Hồ Văn Nghị hay Linh mục Trần Văn Học, các vị võ quan như Tống Phước Đạm, Phạm Văn Nhân, hay Nguyễn Văn Liêm, hay những người hoàng thân quốc thích như Tống Phước Sóc. Nhưng chúng ta cũng thấy, có nhiều sự kiện vẫn cần được rà soát lại và bổ sung thêm từ các tài liệu trong và ngoài nước. Nguồn dã sử như, Sử ký Đại nam Việt quấc triều, như bài nghiên cứu này khai thác, kiểm chứng, và dẫn chứng giúp chúng ta thấy được những góc cạnh sống động hơn mà chính sử không để ý đến. Chắc còn nhiều tài liệu gia phả, thông sử và dã sử khác còn được trân giữ trong các gia đình Công giáo Huế nay rải rác xa gần trong và ngoài nước, đang chờ đợi được thu tập và hệ thống hoá hơn qua phương tiện số hóa và vi tính hiện nay, và rồi mong đợi thêm những nghiên cứu góc nhìn mới từ giới học giả. Đối với tang lễ của Đức giám mục Bá Đa Lộc có cả một trăm hai chục thước voi trong đoàn rước, bài nghiên cứu này chỉ xin được góp một phần nhỏ như trong chuyện sĩ tử xem voi.


Phụ Lục

Thứ tự niên đại và sự kiện

  • Giáp Ngọ (1774):        Phú Xuân thất thủ
  • Đinh Dậu (1777):        Tây Sơn chiếm Gia Định lần một
  • Mậu Tuất (1778):        Chúa Nguyễn dành lại Gia Định
  • Canh Tý (1780):         Nguyễn Phước Ánh xưng Vương
  • Nhâm Dần (1782):      Tây Sơn chiếm Gia Định lần hai
  • Quý Mão (1783):        Tây Sơn chiếm Gia Định lần ba
  • Giáp Thìn (1784):       Nguyễn Vương cầu viện Xiêm
  • Ất Tỵ (1785):              Sứ bộ rời Pondichéry, Ấn-độ
  • Đinh Mùi (1787):        Sứ bộ đến Pháp
  • Mậu Thân (1788):       Nguyễn Vương tái lập Nam-triều
  • Kỷ Dậu (1789):           Sứ bộ từ Pháp về lại Gia Định
  • Tân Hợi (1791):          Hoàng tử Đảm (Minh Mạng) ra đời
  • Giáp Dần (1794):        Tống Phước Đảm qua đời
  • Kỷ Tỵ (1799):             Đức giám mục Bá Đa Lộc qua đời
  • Nhâm Tuất (1802):     Năm thứ nhất Gia Long

Thừa sai được nhắc đến trong bài

  • Lm. Julien Faulet                                                                    (1741-1783)
  • Lm. Jacques Liot                                                                    (1751-1811)
  • Gm. Joseph Pierre Pigneau[x] de Béhaine (Bá Đa Lộc)        (1741-1799)

Người Việt Công giáo có liên hệ với đầu triều Nguyễn

  • Lm. Phaolô Hồ Văn Nghị                                                       (? – 1810)
  • Nguyễn Văn Liêm/Khiêm                                                      (1759-1815)
  • Phạm Văn Nhơn/Nhân                                                            (1740-1811)
  • Tống Phước Đạm                                                                    (? – 1794)
  • Tống Phước Sóc                                                                     (? - ?)
  • Lm. Trần Văn Học                                                                  (? – 1821)

Tên địa dư nước ngoài

  • Chân Lạp (Cao Mên)  Campuchia
  • Đại Tây                       Pháp quốc
  • Tiểu Tây                      Pondichéry, Ấn Độ
  • Vọng Các                    Bangkok
  • Xiêm                           Thái Lan

Thư Mục

Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions-Étrangères, Tome 2,

Téqui, Paris, 1894.

Alexander Barton Woodside, Vietnam and the Chinese Model, Harvard University Press,

Cambrige, Mass., 1971.

Cao Thế Dung, Việt nam Công giáo sử Tân biên, Quyển II, Thời Phát triển và Bách đạo,

Cơ sở Truyền thông Dân Chúa, Gretna, 2002.

Catherine Marin, Le Role des Missionnaires Francais en Cochinchine aux XVII et XVIII

Siècles, Églises D’Asie, Paris, 1999.

François Jaccard, “Lettre de M. Jaccard, miss. en Cochinchine, à M. Langlois, supérieur

du séminaire des Missions étrangères,” Annales de l’Association de la propagation de la foi 5 (1831): 404-407.

L’Institute de recherche France-Asie. “Pierre Joseph Pigneaux de Béhaine,” tiếp cận

ngày 5 tháng 10 năm 2020, https://www.irfa.paris/fr/fiches-individuelles/pigneaux-de-ba-c-haine.

Jacques Liot, “Lettre de Mons. Liot, Missionionaire Apostolique de Cochinchine à MM.

Boiret et Descourvieres, Lettres édifiantes et curieuses, J. P. Cochlan, Londres, 1797.

Jean Felix Onésime Luquet, Lettres a Mgr l’Évêque de Langres sur la Congrégation des

Missions Étrangères, Gaume Frères, Paris, 1842.

Keith W. Taylor, A History of the Vietnamese, Cambridge University Press,

Cambridge, 2013.

L. Sogny, “Les associes de gauche et de droite au culte du The Miêu,” Bulletin des amis

du vieux Huế 1, no.2 (Avril-Juin 1914): 121-144.

Léopold Miche Cardière, “Les Français au service de Gia-Long: Nguyễn Ánh et la

mission, documents inédits,” Bulletin des amis du vieux Hué 13, no.1 (Jan.-Mar. 1926): 1-50.

Louis-Eugène Louvet, Mgr. D’Adran: Missionnaire et Patriote, Librairie Delhomme &

Briguet, Paris, 1900.

Nguyễn Quang Hưng, Công giáo Việt Nam thời kỳ triều Nguyễn (1802-1883), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2007.

Pierre Pigneau[x] de Béhaine, “Extrait d’une letter de monseigneur l’évêque d’Adran,

vicaire apostolique de Cochinchine, aux directeurs du séminaire des Missions Étrangères, écrite de Pondichéry, le 20 mars 1785,” Lettres édifiantes et curieuses concernant l’Asie, l’Afrique et l’Amérique, avec quelques relations Nouvelles des missions, et des notes géographiques et historiques, vol. 4. Sociéte du Panthéon Littéraire, Paris, 1843.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện. 4 tập, Nxb. Thuận Hoá, Viện

Sử học Việt Nam, Huế, 2006.

_______, Đại Nam thực lục, 10 tập, Nxb. Giáo dục, Viện Sử học, Hà Nội, 2006.

Stanilas Lefebvre, “Lettre III.” Bulletin des amis du vieux Hué 13, no. 4 (Oct. – Déc.1926): 366-368.

_______ . “Lettre IV.” Bulletin des amis du vieux Hué 13, no. 4 (Oct.-Déc. 1926): 368-369.

Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều [SKĐNVQT], in lần thứ hai, Tân Định, Sài Gòn, 1885.

Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử Nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Việt

Hương, Sài Gòn, 1973.

Trần Mỹ Vân, A Vietnamese Royal Exile in Japan: Prince Cường Để (1882-1951),

Routledge, New York, 2005.

Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. 2 volumes, Cơ sở xb. Đại Nam, Sài Gòn, 1971.

Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, Tập 1, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2008.

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt nam, Lịch sử Việt Nam. Tập 4, từ thế kỷ XVII đến

thế kỷ XVIII, chủ biên Trần Thị Vinh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017.


[1] Tác giả, Linh mục Giáo sư Ngô Anh Lân, SJ hiện đang giảng dậy trong khoa Á Châu học tại trường Đại Học Loyola-Marymount (Los Angeles). Tác giả tốt nghiệp tiến sĩ ngành sử học năm 2016 tại Đại Học Georgetown với luận án tiến sĩ Nguyễn–Catholic History (1770s–1890s) and the Gestation of Vietnamese Catholic National Identity.

[2] Tác giả xin chân thành cám ơn ông Nguyễn Tiến Đạt và Linh mục Giáo sư Trần Quốc Anh đã hiệu đính các lỗi chính tả và giúp cho câu cú bớt tối nghĩa hơn. Tác giả cũng cám ơn ông Nguyễn Phước Vĩnh Hượt và ông Ngô Anh Tuấn đã giúp đỡ cung cấp và hướng dẫn các tài liệu về hoàng tộc. Bài nghiên cứu này là phóng tác lại từ một chương của luận án tiến sĩ sử học của tác giả, dưới sự hướng dẫn và góp ý của các giáo sư và ban giám khảo của Đại học Georgetown: Giáo sư Carol Benedict, Giáo sư Sandra Horvath-Peterson, Giáo sư James Millward, Linh mục Giáo sư Phêrô Phan Đình Cho, và Giáo sư Trần Tuyết-Nhung của Đại học Toronto, Canada.

[3] Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều (từ đây trở đi ghi là Sử ký), in lần hai (Sài Gòn: Tân Định, 1885), 117.

[4] ‘Pierre Joseph Pigneaux de Béhaine,” L’Institut de recherche France-Asie, tiếp cận ngày 5 tháng 10 năm 2020, https://www.irfa.paris/fr/fiches-individuelles/pigneaux-de-ba-c-haine.

[5] Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều (từ đây trở đi ghi là Sử ký), in lần hai, Tân Định, Sài Gòn, 1885, tr. 116-117.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên (từ đây trở đi ghi là Thực lục), quyển 2, tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 218.

[7] Thực lục, quyển 2, tập I, Sđd, tr. 218; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam liệt truyện, (từ đây trở đi ghi là Liệt truyện) quyển 2, tập II, Nxb. Thuận hoá, Huế, 2006, tr. 36.

[8] Liệt truyện, quyển 1, tập II, Sđd, tr. 42.

[9] Lam Giang và Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn: Tinh hoa Công giáo Ái quốc Việt Nam, Tân văn Ấn quán, Sài gòn, 1970, tr. 52.

[10] Pierre Pigneau[x] de Béhaine, “Extrait d’une letter de monseigneur l’évêque d’Adran, vicaire apostolique de Cochinchine, aux directeurs du séminaire des Missions Étrangères, écrite de Pondichéry, le 20 mars 1785,” Lettres édifiantes et curieuses concernant l’Asie, l’Afrique et l’Amérique, avec quelques relations Nouvelles des missions, et des notes géographiques et historiques, vol. 4, Sociéte du Panthéon Littéraire, Paris, 1843, tr. 617-624.

[11] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, vol. 2, Cơ sở xb. Đại Nam, Sài Gòn, 1971, tr. 109-110.

[12] Nguyễn Quang Hưng, Công giáo Việt Nam thời kỳ triều Nguyễn (1802-1883), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr. 66.

[13] Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử Nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Việt hương, Sài Gòn, 1973, tr. 91; Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt nam, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr. 291-292.

[14] Cao Thế Dung, Việt nam Công giáo Sử Tân biên (1553-2000), quyển II, Thời Phát triển và Bách đạo, Cơ sở Truyền thông Dân Chúa, Gretna, 2002, tr. 1043-1044.

[15] Trần Mỹ Vân, A Vietnamese Royal Exile in Japan: Prince Cường Để (1882-1951), Routledge, New York, 2005, tr. 12-16.

[16] Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt nam, Lịch sử Việt nam, tập 4, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, chủ biên Trần Thị Vinh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017, tr. 450; Keith Taylor, A History of the Vietnamese, Cambridge University Press, Cambridge, 2013, tr. 370.

[17] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập I, Sđd, tr. 291.

[18] Sử ký, Sđd.

[19] Sử ký, Sđd, tr. 29; Thực Lục, quyển 2, tập I, Sđd, tr. 228.

[20] Léopold Michel Cardière, “Les Français au service de Gia-Long: Nguyễn Ánh et la mission, documents inédits,” Bulletin des amis du vieux Hué 13, no.1 (Jan.-Mar. 1926), tr. 1-50.

[21] L. Sogny, “Les associes de gauche et de droite au culte du The Miêu,” Bulletin des amis du vieux Huế 1, no.2 (Avril-Juin 1914), tr. 121-144.

[22] Thực Lục, quyển 11, tập I, Sđd, tr. 181.

[23] Thực Lục, quyển 12, tập I, Sđd, tr. 191; Thực Lục, quyển 2, tập I, Sđd, tr. 204-205.

[24] Sử ký, Sđd, tr. 19.

[25] Liệt truyện. quyển 12, tập II, Sđd, tr. 311; Alexander B. Woodside, Vietnam and the Chinese Model, Harvard University Press, 1971, Cambridge, Mass., 219.

[26] Sử ký, Sđd, tr.21, 33-34; Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập I, Sđd, tr. 314; Stanilas Lefebvre, “Lettre III,” BAVH, vol. 13 (1926), tr. 366; Stanilas Lefebvre, “Lettre IV,” BAVH, vol. 13 (1926), tr. 368.

[27] Thực lục, quyển 1, tập I, Sđd, tr. 211-212.

[28] Sử ký, Sđd, tr., 24; Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập I, Sđd, tr. 315.

[29] Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions-Étrangères, tome 2, Téqui, Libraire-Editeur, Paris, 1894, tr. 137-139.

[30] Sử ký, Sđd, tr. 37; Liệt truyện, quyển 28, tập II, Sđd, tr. 311.

[31] Sử ký, Sđd, tr., 37-38; Thực lục, quyển 1, tập I, Sđd, tr. 213; Liệt truyện, quyển 28, tập II, Sđd, tr. 311.

[32] Thực lục, quyển 2, tập I, Sđd, tr.217.

[33]Thực lục, quyển 2, tập I, Sđd, tr.  216-218; Pierre Pigneau[x] de Béhaine, LEC, vol. 4 (1843), tr. 617.

[34] Sử ký, Sđd, tr. 39.

[35] Sử ký, Sđd, tr. 41-42.

[36] Pierre Pigneau[x] de Béhaine, LEC, vol. 4 (1843), tr. 621.

[37] Thực lục, quyển 2, tập I, Sđd, tr. 221-223; L. Cadière, “Les français au service de Gia-Long: Nguyễn Ánh et la mission, documents inédits,” BAVH, vol. 13, no. 1 (1926), tr. 20, plate V; Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử Nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Sđd, tr. 367-368.

[38] Thực lục, quyển 2, tập I, Sđd, tr. 223.

[39] Sử ký, Sđd, tr.40; Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập I, Sđd, tr. 328.

[40] Louis-Eugène Louvet, Monseigneur d’Adran: Missionnaire et patriote (Paris: Librairie Delhomme & Briguet, 1900), tr. 117-118.

[41] Adrien Launay, Histoire générale de la Sociéte des Missions-Étrangères, tập II, Sđd, tr. 236.

[42] Alexander Woodside, Vietnam and the Chinese Model, Harvard University Press, Cambridge, Mass.,1971, tr. 17.

[43] Keith Taylor, A History of the Vietnamese, Sđd, tr. 380.

[44] Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt nam, Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, tập 4, cb. Trần Thị Vinh, Sđd, tr. 456-467.

[45] L. Cadière, “Les français au service de Gia-Long: Nguyễn Ánh et la mission, documents inédits,” BAVH, vol. 13, no. 1 (1926), 21, plate V; Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử Nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Sđd, tr.368.

[46] L. Cadière, “Les français au service de Gia-Long: Nguyễn Ánh et la mission, documents inédits,” plate XXIV-XXVI, Sđd, tr. 48; Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử Nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Sđd, tr.381.

[47] Sử ký, Sđd, tr. 39.

[48] Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử Nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Sđd, tr. 288-307.

[49] Thực lục, quyển 196, tập V, Sđd, tr. 401-402.

[50] Liệt truyện quyển 16, tập II, Sđd, tr. 328.

[51] Sử ký, Sđd, tr., 88.

[52] Liệt truyện, quyển 16, tập II, Sđd, tr. 329.

[53] Liệt truyện quyển 16, tập II, Sđd, tr. 329.

[54] Sử ký, Sđd, tr. 94-95, 140-141.

[55] Liệt truyện, quyển 2, tập II, Sđd, tr. 58.

[56] Thực lục quyển 2, tập I, Sđd, tr. 226.

[57] Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt nam, Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, tập 4, cb. Trần Thị Vinh, Sđd, tr. 451.

[58] Sử ký, Sđd, tr. 17-18.

[59] Sử ký, Sđd, tr. 17-18.

[60] Sử ký, Sđd, tr. 17-18.

[61] Catherin Marin, Le Role des Missionnaires Francais en Cochinchine aux XVII et XVIII siècles, Églises d’Asie, Paris, 1999, tr. 131.

[62] Catherin Marin, Le Role des Missionnaires Français en Cochinchine aux XVII et XVIII siècles, Sđd, tr. 132.

[63] Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt nam, tập I, Sđd, tr.316.

[64] Sử ký, in lần hai (Sài Gòn: Tân Định, 1885), 135-136.

[65] Thực lục quyển 2, tập I, Sđd, tr. 218, 226; Trương Bá Cần, Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt nam, tập I, Sđd, tr. 330; Jean Felix Onésime Luquet, Lettres a Mgr l’Évêque de Langres, sur la Congrégation des Missions Étrangères, Gaume Frères, Paris, 1842, tr. 358-384.

[66] Adrien Launay, Histoire générale de la Sociéte des Missions-Étrangères, tập II, Sđd, tr.236.

[67] Pierre Pigneau[x] de Béhaine, LEC, vol. 4 (1843), tr. 623.

[68] Sử ký, Sđd, tr., 44; Thực lục, quyển 2, tập I, Sđd, tr. 218, 223; L. Sogny, “Les associes de gauche et de droite au culte du The Miêu,” Bulletin des amis du vieux Huế 1, no.2 (Avril-Juin 1914): tr. 136.

[69] Thực lục quyển 2, tập I, Sđd, tr. 226; Thực lục, quyển 12, tập I, Sđd, tr. 312.

[70] Sử ký, Sđd, tr. 44.

[71] Sử ký, Sđd, tr. 86.

[72] Sử ký, Sđd, tr. 88.

[73] Pierre Pigneau[x] de Béhaine, LEC, vol. 4 (1843): 623.

[74] L. Sogny, “Les associes de gauche et de droite au culte du The Miêu,” Sđd, tr. 137; Thực lục, quyển 27, tập II, Sđd, tr., 354.

[75] Liệt truyện, quyển 3, tập II, Sđd, tr., 76; Liệt truyện, quyển 7, tập II, Sđd, tr.143; Liệt truyện, quyển 13, tập II, Sđd, tr. 251.

[76] Sử ký, Sđd, tr. 86.

[77] Jacques Liot, “Lettre de Mons. Liot, Missionionaire Apostolique de Cochinchine à MM. Boiret et Descourvieres, Lettres édifiantes et curieuses, J. P. Cochlan, Londres, 1797, tr. 162.

[78] Liệt truyện, quyển 8, tập II, Sđd, tr. 179.

[79] Liệt truyện, quyển 8, tập II, Sđd, tr. 180.

[80] Thực lục, quyển 6, tập I, Sđd, tr. 302.

[81] Thực lục, quyển 11, tập I, Sđd, tr. 181; L. Sogny, “Les associes de gauche et de droite au culte du The Miêu,” Sđd, tr. 137.

[82]Thực lục, quyển 12 tập I, Sđd, tr., 189; L. Sogny, “Les associes de gauche et de droite au culte du The Miêu,” Sđd, tr. 137.

[83] Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt nam, Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, tập 4, cb. Trần Thị Vinh, Sđd, tr. 456-457.

[84] Liệt truyện, quyển 8, tập II, Sđd, tr. 180-181.

[85] L. Sogny, “Les associes de gauche et de droite au culte du The Miêu,” Sđd, tr. 128.

[86] Sử ký, Sđd, tr. 91-93.

[87] Liệt truyện, quyển 8, tập II, Sđd, tr. 181.

[88] François Jaccard, “Lettre de M. Jaccard, miss. en Cochinchine, à M. Langlois, supérieur du séminaire des Missions étrangères,” Annales de l’Association de la propagation de la foi, vol. 5 (1831): 405.

 

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art