Thứ Hai, 01 Tháng Ba, 2021

Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!: Là khu ông Tạ trong mắt dân ông Tạ

TTO - Đọc cuốn sách mới ra mắt Sài Gòn một thuở "Dân Ông Tạ đó!" của nhà báo Cù Mai Công, tôi chợt nhớ câu viết của nhà viết tiểu luận Hubert Butler người Ireland, đại ý là với ông, lịch sử địa phương rất quan trọng, có khi hơn cả lịch sử 1 đất nước.

Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!: Là khu ông Tạ trong mắt dân ông Tạ - 1
Ảnh: K.LINH


Cho dù khẳng định này dễ gây tranh cãi, nó vẫn có thể là đường dẫn thúc đẩy cho những ai có mong muốn viết về lịch sử phát triển và đời sống một thành phố, một khu dân cư, thậm chí về một khu nhà tập thể...

Thực tế cho thấy một số cuốn sách như vậy có sức thu hút, kể cả với người ngoài. Cuốn sách của Cù Mai Công nằm trong số đó.

Những năm đầu thập niên 1980, dịp gần tết tôi thường đạp xe lên khu Ông Tạ kiếm một chỗ ngồi ở góc quán cà phê lề đường nhìn người đi sắm tết và những người bán lá dong gói bánh chưng.

Giữa thời bao cấp đầy khó khăn, tiệm vàng góc ngã ba vẫn sáng đèn, người mua kẻ bán phía chợ Ông Tạ vẫn tấp nập, đa số nói giọng Bắc đã phai nhiều.

Bạn bè của tôi cùng học Trường trung học Nguyễn Thượng Hiền sống ở khu này rất đông, nhiều bạn đã ra nước ngoài nhưng Cù Mai Công vẫn sống trong ngôi nhà phía bên kia cầu Ông Tạ cho đến nay.

Nhờ vậy, mấy chục năm sau anh đủ thẩm thấu để viết nên cuốn sách lưu giữ ký ức về khu đô thị này.

Khác với đa số người viết về một vùng đất thường mô tả tập trung từng góc phố, tiệm quán hoặc lướt qua vùng đất của mình với những cảm xúc, Cù Mai Công chú ý đến bố cục, dẫn dắt người đọc qua từng chủ đề.

Anh tìm tòi trong lịch sử Sài Gòn xưa về đại đồn Chí Hòa và vai trò trong cuộc chiến tranh chống Pháp của người dân Gia Định ảnh hưởng đến sự thay đổi của một vùng không gian rộng lớn mà Ông Tạ nằm trọn bên trong, chịu ảnh hưởng không chỉ địa thế mà còn trong tính cách "chấp nhận, kiên cường đối đầu gian khó với máu liều lĩnh...".

Với lợi thế là người cố cựu, thừa hưởng ký ức của cha mẹ và lớp người đến vùng đất này năm 1954, anh ôn lại khái quát thuở ban đầu cộng đồng Bắc di cư đến vùng Ông Tạ với nhà cửa thưa thớt, hàng rào đất rộng của người bản địa miền Nam, để sau đó biến khu Ông Tạ thành khu vực sầm uất và khá giả.

 

Anh chốt được những gì khu Ông Tạ có: sự gắn bó của đồng bào Công giáo trong các giáo xứ, tập trung nhiều văn nghệ sĩ, nhiều nhân vật nổi tiếng, nhiều món ăn Bắc ngon, không thờ ơ với những sự kiện chính trị của miền Nam trước 1975...

Với cuốn sách tuy không dày nhưng ngồn ngộn chi tiết (thể hiện sự "la cà" miệt mài của Cù Mai Công từ khi còn là chú nhóc tì cho đến sau này), anh nêu những câu chuyện thú vị, thậm chí ngộ nghĩnh, trong bước làm quen, hội nhập giữa cư dân miền Nam với những người Bắc mới đến hơn sáu mươi năm trước.

Chuyện một cặp vợ chồng người Nam làm nghề sửa xe đạp, mỗi ngày xong việc là rủ nhau ra ngồi quán cà phê - điều mà đồng bào di cư lấy làm lạ. Một cặp khác có chiếc xe Velo Solex chứng tỏ là dân khá giả nhưng không có nhà, chỉ ngủ vỉa hè vì "ngủ ngoài đây mát hơn, tậu xe chạy cho phẻ...".

Rồi dần dần những khác biệt trong cách sống cách nghĩ không còn thấy ngỡ ngàng, cư dân mới cũ đã học hỏi cách sống lẫn nhau như đã từng xảy ra trên nhiều nơi ở thành phố này.

Đó là những ký ức cần nhớ của khu Ông Tạ một thời chưa xa, khi còn thấy "các chị em gái Bắc kỳ mới vào Nam còn nguyên má đỏ môi hồng "nết na trong xóm"; những bà cụ chân đất, vấn khăn đen, răng đen, nhai trầu... cười hiền "như thóc với khoai"...

Những lời miêu tả của Cù Mai Công thật gần gũi, như kéo lại một thời dĩ vãng thuở Sài Gòn - Gia Định còn vắng vẻ bỗng đông đúc vì vừa được tiếp thêm sinh lực bởi đồng bào miền Bắc mới vào.

Cuốn sách là bước đi ban đầu để tìm về cuộc sống khu Ông Tạ thời quá khứ mà Cù Mai Công vẫn đang tiếp tục tìm hiểu và viết tiếp về nó.

Đọc cuốn Sài Gòn một thuở "Dân Ông Tạ đó!", có nhiều tên nhân vật quen thuộc từng sống ở đó. Đó là những nhà văn như Hoàng Đăng Cấp của tủ sách Hoa Đỏ, Lê Tất Điều với cuốn Những giọt mực, Hoàng Hải Thủy với các phóng sự xã hội... và các nhạc sĩ Tuấn Khanh, Hoài An, Duy Khánh... cùng nhiều văn nghệ sĩ khác.

Là những cái tên nổi tiếng như võ sư Huỳnh Tiền, trùm du đãng Sơn Đảo...

Là hiệu thuốc lào vùng Cái Sắn, thuốc lào ba số 8 rồi bốn số 8. Là món giò lụa ngon nổi tiếng nhờ bên cạnh côngxi heo luôn cung cấp thịt tươi...

Tất cả được biết đến một thời, rồi dần phôi pha trong tâm tưởng nhiều người.

Lá dong chợ Ông Tạ

Chẳng biết tự bao giờ, chợ bán lá dong Ông Tạ đã hình thành và chỉ họp mỗi năm một lần vào dịp tết, từ 21 - 29 tháng chạp âm lịch, suốt ngày đêm dọc lề đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc phường 7 quận Tân Bình.

Lá dong chủ yếu do các nhà vườn trồng ở Hóc Môn, Bà Điểm hoặc từ Gia Kiệm - Phương Lâm (Đồng Nai) cung cấp. Chợ Ông Tạ là đầu mối cung cấp lá dong cho các lò bánh hoặc gia đình muốn nấu nồi bánh chưng dịp tết.

Chị Nga, trước bán hoa và lá dong tại chợ Cầu Ông Lãnh, sau dời về bán tại đây đã được hơn năm năm cho biết: “Từ 21 âm đến ngày đưa ông Táo chưa nhộn nhịp lắm đâu, độ khoảng 24 tết trở đi thì lá mới chở về tấp nập suốt đêm. Bán suốt ngày, mệt nhưng vui!”

 

Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!: Là khu ông Tạ trong mắt dân ông Tạ - 2

Người mua thường chuộng loại lá dong được trồng trong các nhà vườn từ Bà Điểm, Hóc Môn, do loại lá này rất mềm và dai khi gói bánh, lại cho màu xanh rất đẹp của vỏ chiếc bánh sau khi được nấu chín

Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!: Là khu ông Tạ trong mắt dân ông Tạ - 3

Lạt được đo cắt đều và kết thành từng bó, sẵn sàng cho người mua đem về sử dụng gói bánh ngay

Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!: Là khu ông Tạ trong mắt dân ông Tạ - 4
Loại lá đại giá cao nhất, khởi đầu chỉ bán 18.000 đồng/bó 50 lá vào những ngày trước 23 âm lịch, có thể lên đến 100 - 200.000 đồng vào những ngày cuối phiên chợ
Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!: Là khu ông Tạ trong mắt dân ông Tạ - 5
Còn tết cổ truyền, còn bánh chưng là... hy vọng còn chợ lá dong Ông Tạ, dù thời gian quây quần bên nồi bánh chưng ngày tết đang dần trở nên “xa xỉ” trong nhịp sống hiện đại
 
Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!: Là khu ông Tạ trong mắt dân ông Tạ - 6

Bác Năm, người gốc Bắc di cư bán bánh giò bánh gai, vẫn giữ nếp mua lá dong về gói và nấu nồi bánh chưng cho gia đình. Bác cho biết giữ nếp nấu nồi bánh là để tất cả con cháu về nhà cùng thể hiện bổn phận với gia đình, tổ tiên, lại gắn bó thêm từng thành viên sống ở nhiều nơi trong thành phố

 
Theo LÊ QUANG NHẬT - Sài Gòn tiếp thị

 

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art