Thứ Sáu, 07 Tháng Tám, 2020

Gia Định báo

Sau khi Pháp chiếm lục tỉnh Nam kỳ, trong thời gian 1862 – 1864, lần lượt ba tờ báo tiếng Pháp, tiếng Trung ra đời. Đó là tờ Le Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo) ra ngày 29.9.1861, tờ Le Bulletin des Communes (Xã thôn công báo) xuất hiện năm 1862, báo này dùng chữ Hán làm phương tiện, rồi tiếp đến là tờ Le courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín) ra ngày 1.1.1864. Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ được xuất bản, ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông hoàn toàn mới mẻ khi đó, làm cho chữ Quốc ngữ có cơ hội phổ biến trong dân chúng.

Sau khi Trương Vĩnh Ký trở về nước vào năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi ấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời ông ra làm quan. Petrus Ký từ chối làm quan cho Pháp và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định báo.

Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng 4 năm 1865, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại thống đốc Nam Kỳ. Bởi lẽ chính quyền Pháp lúc đó không cho báo tư nhân xuất bản, nhất là người bản xứ làm chủ bút. Trụ sở đầu tiên của Gia định báo đặt tại dinh Thượng thơ Sài Gòn.

Phải đến ngày 16 tháng 9 năm 1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm Giám đốc (rédacteur en chef), Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Gia Định báo chấm dứt hoạt động, đình bản vào 1 tháng 1 năm 1910.

Gia Định báo - 1
Trương Vĩnh Ký.

 

Sau Gia Định báo, chính quyền Pháp cũng cho phép phát hành một số báo tư nhân khác ở Nam Kỳ thuộc địa như Phan Yên báo (Xuất bản năm 1868, do ông Diệp Văn Cương chủ trương biên tập), Nam Kỳ nhựt trình (Tuần báo, xuất bản số đầu vào năm 1883), Nông cổ mín đàm (Tuần báo, có 8 trang, khổ 27 cm x 20 cm Số 1 ra ngày 1 tháng 8 năm 1901), Lục tỉnh tân văn (Năm 1907, Trần Chánh Chiếu làm chủ bút, phát hành hàng tuần), Nữ giới chung (Số 1 ra ngày 1 tháng 2 năm 1918 do Lê Ðức làm chủ nhiệm và Sương Nguyệt Anh làm chủ bút).

Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp lúc đó là 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Gia Định báo có khổ 25x32cm và giá 0,97 đồng/tờ. Thời gian đầu, báo ra mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 15 hàng tháng. Báo ra mỗi tháng 2 kỳ, rồi mỗi tuần 1 kỳ, tuy nhiên ngày ra báo của Gia Định báo không cố định, khi thì Thứ Ba, Thứ Tư, lúc lại Thứ Bảy. Số trang của Gia Định báo cũng không cố định, khi thì 4 trang, lúc 12 trang.

Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ. Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân; còn phần tạp vụ gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa – xã hội.

Sau khi Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Gia Định báo được thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích… Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa.

Cũng như một số văn sĩ sinh ra ở nam bộ, nhà báo họ Trương chủ trương dùng một thứ chữ đơn giản dễ hiểu như tiếng nói thường ngày, không một chút chải chuốt, sửa sang, viết như nói, không hoa mỹ cầu kỳ, nhưng có ý thức giữ gìn sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ dân tộc, không dung tục, thực dụng, ngôn ngữ vỉa hè, văn chương cống rãnh, mà là ngôn ngữ của những người bình dân tự trọng, có văn hóa.

Tờ báo được phát không đến các trường học để học sinh dùng như bài tập đọc, và theo đó đã giúp quảng bá chữ Quốc ngữ trong người dân và khuyến khích tân học.

Gia Định báo - 2Gia Định báo - 3Gia Định báo - 4

Gia Định báo - 5Gia Định báo - 6

KTS. Cao Thành Nghiệp
Đăng lại từ Facebook tác giả: Thành Cao Mpa

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art