Từ xưa, chợ Phú Nhuận chỉ là một ngôi chợ nhỏ, bán buôn hàng hoá giống bao ngôi chợ làng khác trên đất Sài Gòn – Gia Định. Tuy nhiên, điểm khác biệt của ngôi chợ này là sự gắn liền với việc phát triển đô thị hoá từ năm 1976. Từ một xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình được tách ra, mở rộng thêm ranh giới đổi thành quận Phú Nhuận có diện tích khiêm tốn và dân số không nhiều so với các quận giáp ranh như Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Q.1 và Q. 3. Do vậy, với vai trò từ một chợ làng, Chợ Phú Nhuận hiển nhiên trở thành một chợ cấp quận ngang hàng với Chợ Gò Vấp, Chợ Thủ Đức hay Chợ Hóc Môn.
Ngã tư Phú Nhuận năm 1969 khi còn là một xã hành chánh của quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. (Ảnh: Manhhai, Flickr
Khi tôi đưa ra nhận xét trên như vậy, ông bạn già phản ứng ngay. Ông từng có thời gian ngụ tại Phú Nhuận ngay ngã tư Võ Di Nguy (Phan Ðình Phùng ngày nay) và Võ Tánh (phía Phan Ðăng Lưu) sau thời kỳ 1945 khi miền Bắc gặp nạn đói, gia đình cha mẹ ông di cư vào Sài Gòn, mở tiệm may sinh sống. “Chợ nào không là chợ bán buôn hàng hoá, thức ăn thức uống mà phải phân biệt chợ làng chợ quận. Chợ Phú Nhuận hồi xưa cũng chỉ rộng có bấy nhiêu. Sau này, hồi năm 1975 trước khi tôi theo dòng người di tản ra nước ngoài, ngôi chợ cũng như vậy, đâu có lớn hơn chút nào”.
Nhưng sau vài giây, ông nói ra cảm nhận như vầy: “Tôi mới về thăm lại Phú Nhuận, đổi thay nhiều quá, vùng đất bán thôn quê trong khu vực hẻm Cô Giang, Cô Bắc và hẻm Thích Quảng Ðức phía bên kia đường, hồi nhỏ tôi thường đi giăng lưới bắt cá lòng tong trên con rạch ở đó, bây giờ nhà cửa san sát. Lại còn khu đường Phan Xích Long mới mở dẫn xuống Rạch Miễu, toàn nhà lầu, bán buôn sầm uất không còn nhận ra vùng trồng rau rẫy của người lao động nghèo, buôn gánh bán bưng trước kia. Và khi đi Chợ Phú Nhuận, tự nhiên mình lại có cảm giác đến một ngôi chợ quận trung tâm, mặc dầu nếu so với vài ba cái chợ khác trong quận mới lập sau này như Chợ Nguyễn Ðình Chiểu, Chợ Mới, có khi còn thoải mái hơn”.
Vậy là ông quay lại trúng cái ý phân biệt chợ làng chợ quận của tôi. Một cảm nhận vô hình không cần cụ thể bằng con số phân biệt chợ lớn chợ nhỏ có bao nhiêu sạp bán buôn, có tiện ích phục vụ trong chợ như thế nào, quy mô chợ cỡ nào thì thuộc quyền quản lý của các cấp chính quyền nào đó. Cái cảm nhận một ngôi chợ quận nơi mình đang sống nó cũng thú vị lắm vì chính ngôi chợ đó nói lên được việc phát triển cư dân hình thành bộ mặt đô thị hoá. Và nó cũng làm cho miền ký ức của chúng ta sống lại những hình ảnh ngày xưa trong cảnh chợ búa đông người, một nét sinh hoạt bán buôn không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người thôn quê hay dân thành thị cho dù trong thời thanh bình hay đương thời tao loạn.
Ông kể hèn chi lúc còn nhỏ, thỉnh thoảng đang ngủ ngon lành thì ông bà già kêu giật giọng dậy… dậy. “Thì ra mấy ông Việt Minh từ miệt Gò Vấp vào, đi rảo dọc đường, gõ mõ kêu gọi đồng bào nay mai đình công bãi thị. Sáng theo bà già cắp rổ đi Chợ Phú Nhuận thấy truyền đơn rải trắng đường, cáo thị dán đầy trên vách tường mặt tiền chợ. Hồi xưa, xã Phú Nhuận chỉ lèo tèo vài ba con đường chính, đa phần nhà cửa mặt tiền đường không có mở tiệm bán buôn hay mở tiệm ăn như sau này. Nét sinh hoạt mang tiếng cận thị thành chớ còn buồn tẻ lắm. Ít có cơ quan chính quyền, chỉ có vài ba nhà máy sản xuất hàng hoá thủ công hay chợ búa là nơi còn chút sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Mấy ổng kêu đình công bãi thị thì cứ kêu, chứ người dân ngưng hoạt động làm ăn mua bán thì lấy cái gì mà ăn, cho nên Chợ Phú Nhuận vẫn ì xèo mua bán”.
Ông thả hồn vào câu chuyện không đầu không đuôi khi mớ ký ức hỗn độn qua từng giai đoạn bỗng chốc ùa về. “Trên con đường Võ Di Nguy mọc lên nhiều tiệm may do người Bắc di cư vào thời gian sau này chia cắt hai miền Nam-Bắc. Vài ba tiệm thuốc Bắc thuốc Tây, tiệm buôn dọc theo đường cái từ Cầu Kiệu trở vô thuộc làng Phú Nhuận, mấy ngôi nhà gạch mái ngói âm dương của người Tàu mở tiệm chạp phô ngay bên hông chợ. Phú Nhuận vào thời gian này đã đông dân có nét thị thành, nhưng còn nhiều đất trống phía bên trong những con hẻm nhỏ thông ra các mảnh đất trống trồng rau màu”.
Nghe chuyện ông nhắc lại phong cảnh của miệt Phú Nhuận thuở trước, tôi biết Phú Nhuận sau này vào thuở tôi bước chân ra đời đi làm của mình cũng không khác là bao. Tôi nhớ vào khoảng đầu thập niên 1980 khi nhóm chúng tôi đi khảo sát thực địa lập bản đồ hiện trạng quận Phú Nhuận. Dân cư mới đến chưa nhiều, hiện trạng không thay đổi nhiều so với bản đồ không ảnh do Mỹ chụp trước 1975. Hẻm Cô Giang, Cô Bắc nhỏ hẹp dẫn ra một vùng đất trống gần lăng ông Võ Di Nguy, còn nhiều bụi tre mọc quanh những mái nhà tranh không khác gì một làng quê giữa lòng thành phố. Ðường cống hộp thoát nước ra Rạch Miễu rất lớn. Nghe đâu đường cống này do quân đội Ðại Hàn đảm nhận rồi bỏ dở trước khi kết thúc chiến tranh. Nhà cửa tạm bợ xập xệ trong khi phía vùng đất nghĩa trang Bắc Việt Tương tế gần Bộ Tổng tham mưu VNCH ngày trước đang giải toả, có dấu hiệu xây dựng lấn chiếm đất công (đất quân sự) hình thành. Và rồi vài năm sau đó khi tôi trở lại trường học có dịp qua lại nơi đây nhiều lần đã thấy nhà cửa đầy dẫy tới tận đường Ðào Duy Từ. Tôi biết chắc một điều là lập hiện trạng quy hoạch một đường, nhà cửa tự phát của người dân mới di cư vào Sài Gòn đi theo một nẻo, xây dựng chẳng cần phải xin phép, chờ hợp thức hoá là xong. Và thời gian sau đó nữa, những dự án lớn phát triển nhà ở dân cư nối tiếp nhau ra đời đã khiến ông bạn già từng sống ở Phú Nhuận phải tròn mắt ngạc nhiên sau nhiều năm xa xứ trở về thăm lại chốn xưa.