Triều Nguyễn đã kiến thiết kinh đô Huế như thế nào, tổ chức chính quyền trung ương và thiết chế của triều đình ra sao, để kinh đô Huế thế kỷ 19 trở thành nơi quy tụ đỉnh cao quyền lực của nền quân chủ Việt Nam?
Kinh thành Huế đầu thế kỷ 19 - Ảnh tư liệu
Những câu hỏi đó được tiếp tục làm sáng tỏ tại hội thảo "Kinh đô Huế thế kỷ 19" do Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 10-6, với sự tham gia của giới nghiên cứu cả nước.
Theo PGS.TS Đỗ Bang - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế, triều Nguyễn đã xây dựng kinh đô Huế trên nền tảng kế thừa thành quả của các chúa Nguyễn và kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn.
Cụ thể, triều Nguyễn đã kế thừa đô thành Phú Xuân vào thời điểm mà các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và mở rộng lãnh thổ toàn cõi Đàng Trong vào năm 1757.
Nghĩa quân Tây Sơn đã xóa bỏ chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài vào mùa hè 1786, và đánh bại quân Thanh vào đầu năm 1789, phục hưng văn hóa dân tộc và sức mạnh quyền lực quốc gia.
Nguồn: Bảo tàng Văn hóa Huế
Vì sao nhà Nguyễn chọn Huế làm kinh đô?
Đây là câu hỏi mà mọi người dân Việt Nam và du khách quốc tế thường đặt ra khi đến Huế. PGS.TS Nguyễn Văn Đăng cho biết câu trả lời đã được ghi lại đầy đủ trong các sách sử của triều Nguyễn.
Sách Đại Nam thực lục ghi: "Ở Phú Xuân, nhân sĩ đông đúc, phong tục thuần lương, các thánh đóng đô ở đây thực là nơi đô hội bậc nhất của nước Nam".
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền Nam và miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng... sông lớn giăng phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuộn, hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất sắp đặt, thật là thượng đô của nhà vua".
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, sau khi quyết định chọn Huế, nhà Nguyễn đã tiến hành quy hoạch và xây dựng nơi này trở thành một kinh đô hoàn chỉnh bao gồm hai phần "thành" và "thị".
Hạt nhân là kinh thành Huế được xây dựng trên diện tích 520ha, với hơn 100 công trình kiến trúc, là nơi làm việc của nhà vua và bộ máy chính quyền trung ương, là nơi sinh sống của hoàng gia.
Bao bọc quanh kinh thành là hệ thống phủ đệ của hoàng gia, quan lại, đình chùa miếu mạo, trường học, khu dân cư, khu thương mại, dịch vụ với chợ búa, thương cảng...
Kinh đô Huế được quy hoạch như một "bài thơ đô thị tuyệt tác" và "tiêu biểu bậc nhất cho một thành thị Việt Nam vào cuối thời trung đại".
Quang cảnh tấp nập ghe thuyền trên sông Hương vào cuối thế kỷ 19 - Ảnh tư liệu
Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và phá Cầu Hai. Chính nhờ thế, họ sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi nhân tố bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi. Thành phố Huế chính là nghệ thuật được vẻ đẹp thiên nhiên bổ sung, tô điểm thêm. Một kiệt tác thơ kiến trúc đô thị.
AMADOU MAHTAR M’BOW - nguyên tổng giám đốc UNESCO
Trung tâm chính trị và văn hóa lớn nhất nước
Ngoài việc kiến thiết thành và thị, mở mang và quản lý toàn vẹn chủ quyền, việc xây dựng bộ máy chính quyền và thiết chế triều đình cũng là một thành tựu lớn của triều Nguyễn, gắn liền với kinh đô Huế.
Tác giả Phan Thị Thảo Linh và Thái Quang Trung cho biết vấn đề đào tạo nhân lực, tuyển dụng nhân tài, bố trí đội ngũ quan lại luôn là mối quan tâm hàng đầu của triều Nguyễn và được thực hiện một cách nghiêm túc.
Tất cả những người có học hạnh đều được nhà nước bổ dụng và bổ dụng theo đúng mức độ đỗ đạt. Việc bổ dụng người trong dòng họ nhà vua hay con cháu quan lại có ưu tiên hơn, nhưng chỉ ưu tiên cho người có thực tài, đã đỗ đạt qua thi cử và đã được đào tạo đàng hoàng.
Quang cảnh kinh đô Huế phía bờ nam sông Hương vào cuối thế kỷ 19 - Ảnh tư liệu
Theo TS Ngô Đức Lập, cách tuyển chọn, quản lý và sử dụng quan lại của triều Nguyễn dưới thời Minh Mạng rất công bằng; lấy việc thi cử để phát hiện nhân tài và việc thi cử rất nghiêm túc; áp dụng chế độ lương bổng, thưởng phạt rất công minh.
Trong đó, chính sách "hồi tỵ" là một cơ chế rất tiến bộ (không bổ nhiệm người làm quan ở địa phương mình hay nơi có người thân, và luân chuyển định kỳ không để người làm quan lâu ở một nơi).
Với những chính sách chiêu hiền đãi sĩ đó mà người tài thật sự, ở khắp nước, đã được quy tụ về kinh đô Huế để giúp vua lo việc nước. Vì vậy, Phú Xuân - Huế từ đầu thế kỷ 19 đã trở thành trung tâm văn hóa lớn nhất nước, theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng.
Huế là một hiện tượng đặc biệt
Kinh thành Huế ngày nay - Ảnh: LÊ HUY HOÀNG HẢI
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cố đô Huế là một trong những đô thị có quỹ kiến trúc di sản giàu có nhất trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Vì vậy, theo TS Phan Thanh Hải, Thừa Thiên Huế xứng đáng trở thành một đô thị di sản đặc thù cấp quốc gia của Việt Nam.
"Huế là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam: từ một vùng đất biên viễn nổi danh là xứ 'Ô châu ác địa' biến thành một trung tâm đô thị văn minh mới của người Việt trên con đường mở đất về phương Nam, từ thế kỷ 17-18, trở thành kinh đô thống nhất trong suốt thời Nguyễn ở thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20", ông Hải nói.