Thứ Hai, 15 Tháng Hai, 2021

Địa danh Đồng Nai

Địa danh Đồng Nai - 1

Ý nghĩa, xuất xứ của địa danh Đồng Nai (仝狔) được bàn luận từ hai trăm năm nay. Có thể lược tóm thông tin cung cấp bởi người đi trước theo thứ tự thời gian như sau:

– Tường trình đề ngày 31/07/1700 của Linh mục dòng Tên Joanne Antonio Arnedo, trong đó có đoạn nói về việc bắt bớ vì lý do tôn giáo ở thị trấn Nom Nay tiếp giáp với Campuchia.

Địa danh Đồng Nai - 2

Trích trang 53 của Bản tường trình (in năm 1702)(1)

– Trong “Từ điển An Nam – La Tinh” (Dictionarium Anamitico Latinum – 1772), Pigneaux de Béhaine giải thích mục “Đồng nai” là Provincia Concicinæ, có nghĩa “Tỉnh thuộc Đàng Trong”.

Địa danh Đồng Nai - 3

Trích trang từ điển An Nam – La Tinh có mục “Đồng nai”(2) 

– Lê Quý Đôn trong “Phủ Biên tạp lục” (năm 1776) có nhắc đến Đồng Nai (同), ông xem vùng đất này bao gồm cả Đông lẫn Tây Nam Bộ. Trong phần “Sản vật và phong tục” ông ghi lại việc nhà giàu từ xứ Quảng Nam (Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn) vào phủ Gia Định, đất Đồng Nai mua người thiểu số làm nô tỳ. Những điền nô này góp phần quan trọng vào sản xuất lúa gạo.(3) 

– Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí” (1820) cho rằng Đồng Nai là tên riêng của trấn Biên Hòa. Sở dĩ Biên Trấn mang danh đó vì xưa kia nơi này có nhiều hươu nai. Đồng Nai còn được xem như một tên khác của xứ Gia Định, trải dài đến tận Long Hồ. Ông nhận xét cách gọi bao quát như thế tuy khá mơ hồ nhưng cũng có lý của nó, vì công cuộc mở mang Gia Định khởi đầu từ Đồng Nai. Theo ông, Bà Rịa có thể là nước Bà Lợi xưa. Còn Thù Nại, Đồng Nai hoặc Nông Nại có thể hàm chỉ vùng đất Sài Gòn.(4)

– “Từ điển An Nam – La Tinh” của Taberd (1838) giải thích “Đồng Nai” tương tự cách giải thích của Pigneaux de Béhaine: provincia Cocincinæ. Khi đó không còn Đàng Trong nên provincia Cocincinæ mang nghĩa “Tỉnh thuộc Nam Kỳ”.

Địa danh Đồng Nai - 4

Trích trang 150 từ điển Taberd bản in 2004(5)

– Qua sách “Phương Đình dư địa chí”, mục tỉnh Biên Hòa, Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872) cho rằng Biên Hòa là nước Bà Lợi xưa, sau là Bà Địa, Đồng Nai của nước Chân Lạp. Nhưng trong phần Cao Man quốc truyện ông lại căn cứ Tùy sử để cho rằng Bà Lợi là nước Tiêm La, Can Đà Lợi hoặc Xích Thổ mới là Biên Hòa.(6)

– Các tác giả “Đại Nam nhất thống chí” (1882) cho rằng do cuộc khai phá bắt đầu từ Đồng Nai nên sau đó người ta lấy tên điểm khởi phát làm tên chung cho toàn bộ sáu tỉnh thuộc thành Gia Định cũ. Theo sách, Đồng Nai là cánh đồng có nhiều hươu nai, còn được gọi là Lộc Động, Lộc Dã.(7)

– Trong “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895), Huình-Tịnh Paulus Của giải thích “Đồng-nai” là: Cuộc đất minh mông ở tại Biên-hòa, thường hiểu chung là đất Nam-kỳ.

Địa danh Đồng Nai - 5

Trích trang 324 Đại Nam quấc âm tự vị(8)

– Qua “Từ điển An Nam – Pháp” (Dictionnaire annamite-français – 1898), Génibrel định nghĩa “Đồng-nai”: Province et fleuve de la Basse Cochinchine. Litt: La plaine aux cerfs, tức “Tỉnh và sông thuộc Nam Kỳ. Nghĩa đen: Cánh đồng nhiều nai”.

Địa danh Đồng Nai - 6

Trích trang 232 Từ điển An Nam – Pháp(9)

– Bình Nguyên Lộc và Jean Marcel Boulbet cho rằng “đồng” sinh ra từ âm “đờng” trong “đạ đờng”, là từ chỉ “sông lớn” của người Mạ. Riêng từ “nai”, cụ Lộc nghĩ rằng do lưu vực sông có nhiều nai, Boulbet lại nghĩ nó sinh ra từ “ning” tiếng Mạ vốn chỉ “bờ dốc đứng”.(10) 

– Qua sách “Việt sử: xứ Đàng Trong” (1969), Phan Khoang cho rằng nhiều người Việt đã theo công nữ Ngọc Vạn vào Nam sinh sống (1620). Khi vua Chey Chetta II mất (1628) thì vùng từ Prei Kor trở ra Bắc đến Chiêm Thành đã hiện diện rất nhiều người Việt. Tác giả nói khu vực đó bao gồm Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa. Ông ghi nhận việc Trần Thượng Xuyên dừng chân ở Bàn Lân, Biên Hòa để sau đó xây dựng Đại Phố châu giữa dòng Nông Nãi.(11)

– Tài liệu xưa nhất còn lưu trữ có lẽ là thư từ, báo cáo của các nhà truyền giáo phương Tây. Loại tài liệu như thế đòi hỏi nhiều công sức để tiếp cận. Trong tập “Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển” (1998), các nhà biên soạn đã trích dẫn một đoạn trong lá thư do Phó giám mục Marin Labbé viết vào tháng 10 năm 1710, bức thư vốn là nguồn tham khảo của nhà nghiên cứu Henri Fontaine trong tiểu luận “Cánh đồng mộ chum ở Long Khánh” (1972): “Khoảng năm 1670 đã có dân Cochinchine đến sinh cơ lập nghiệp ở một phần đất nào đó mà người ta gọi là Donnai giáp ranh với các vương quốc Khmer và Chăm pa”.(12)  

–  Đỗ Quyên (Đỗ Bá Nghiệp – 1988) xác quyết tên gọi Đồng Nai xuất phát từ sự quan sát và cách tư duy của thế hệ người khai phá. Họ không chỉ tạo nên địa danh “Đồng Nai” mà còn tạo ra các danh xưng khác liên quan đến nai như Nhà Nai, Hố Nai, Hang Nai. Nai chiếm vị trí vật tổ trong suy nghĩ của đoàn lưu dân.(13)

– Trong tham luận đọc tại hội thảo “Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm” vào tháng 06 năm 1997, Lê Trung Hoa cho biết “Đồng Nai” xuất hiện dưới hình thức chữ quốc ngữ lần đầu tiên trong một báo cáo của giáo hội Thiên Chúa vào năm 1747 dưới dạng “Doũnai”. Nó lại xuất hiện bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ vào năm 1772 trong “Từ điển An Nam – La tinh” của Giám mục Bá Đa Lộc. Theo ông Lộc Dã, Lộc Động, Nông Nại là tên dịch, tên phiên âm, hoặc vừa dịch vừa phiên âm của Đồng Nai. Ông liệt kê tám đối tượng của “Đồng Nai”: cánh đồng nhiều nai, chợ Đồng Nai, miền Đông Nam bộ, sông Đồng Nai, toàn Nam bộ, cầu Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai thành lập năm 1976, tỉnh Đồng Nai thượng thành lập năm 1899 và giải thể năm 1901.(14)

– Brian A. Zottoli trong tiểu luận “Tái khái niệm hóa Lịch sử Nam Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII: Cạnh tranh dọc theo các Bờ biển từ Quảng Đông đến Campuchia” (2011) có nhắc đến Đồng Nai thời mới hình thành như sau:

                + Labbé định thời điểm thành lập một thuộc địa của Đàng Trong tại Đồng Nai giữa thời gian 1670 và 1675, khoảng từ 35 đến 40 năm trước bức thư viết năm 1710. Ông mô tả một nhóm dân Đàng Trong định cư giữa Champa và Campuchia, trên sông Đồng Nai.

                + Zottoli ghi nhận một người tên Francisco de la Conception (1737) viết về hoạt động của các chính quyền Khmer và Việt có ảnh hưởng đến người phương Tây, trong đó có câu: “Ở tỉnh Đồng Nai (Dou-nay) xa xôi, ngay trong những quãng thời gian bình lặng, người Ki tô giáo vẫn phải chịu đựng nhiều…”(15)

Như vậy, hầu hết các nhà nghiên cứu đều ghi nhận, thừa nhận Đồng Nai được khai sinh trong quãng đầu thập niên 1670. Riêng về nguồn cội, ý nghĩa của địa danh, Đỗ Quyên và Lê Trung Hoa chỉ mở rộng thêm ý kiến đưa ra trước đó bởi Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí và Từ điển Génibrel.

Chúng tôi nhận thấy Trịnh Hoài Đức có lý hơn cả. Ông cho rằng Thù Nại, Đồng Nai hoặc Nông Nại đều là tên gọi chỉ vùng đất Sài Gòn. Ông thoáng nghĩ ba địa danh vừa nêu là phiên âm của một từ duy nhất thuộc ngôn ngữ bản địa. (16)

Các đoạn văn của Gia Định thành thông chí hay Đại Nam nhất thống chí đều thể hiện tên Đồng Nai ra đời theo kiểu rất tự nhiên:

Gia Định thành thông chí: “Người bản xứ đã gọi bừa là Đồng Nai, người nơi hạt khác cũng nghe là Đồng Nai, chẳng tìm hiểu cho rõ. Khi gặp việc phải làm, hoặc bàn cãi, hoặc hỏi han, thì mờ mịt chẳng biết tông tích của xứ sở nằm ở đâu, phần nhiều là như vậy.”(17)

Đại Nam nhất thống chí: “Sông Phước Long: ở cách huyện Phước Chính 4 dặm về phía tây nam, là sông lớn của phủ, nên lấy tên phủ gọi tên sông; lại có tên là sông Hòa Quý, tục gọi sông Đồng Nai.”(18)

“Gọi bừa” hay “tục gọi” có nghĩa địa danh được hình thành không do sự cân nhắc, sắp xếp, định hướng… nào cả. Lưu dân Đàng Trong chỉ lập lại không chính xác lắm một tên gọi phát âm bởi người địa phương mà bản thân họ không hiểu nội dung của nó lúc ban đầu. Mặt khác, có lẽ Biên Hòa đương thời thực sự hãy còn nhiều nai nên trong một thời điểm hy hữu, người Việt đã kết hợp danh xưng bản địa với hoàn cảnh thực tế để cho ra “Đồng Nai”. Đây là trường hợp hiếm hoi, khác với những Cần Giuộc, Trà Vinh, Mỹ Tho, Phan Rang, Đà Lạt… vốn không có nghĩa chữ trong tiềm thức người Việt. Chính vì “Đồng Nai” có nghĩa nên tranh cãi về nguồn cội của nó thú vị hơn, nhiều tưởng tượng hơn, và khó kết luận hơn.  

Theo chúng tôi, tên Thù Nại có tuổi cao nhất, là phiên âm thuần túy một danh xưng địa phương ghi lại bởi các sứ giả, thương nhân hay khách phiêu lưu, những người chỉ đến rồi đi. Đồng Nai là phiên âm Nôm hóa, truyền tải thêm một nội dung gần gũi với tâm cảm di dân, được khai sinh khi người Việt bắt đầu định cư trên vùng đất mới. Còn Nông Nại chỉ là tên gọi do di thần nhà Minh chế tác khi họ ký âm hai chữ Đồng Nai. Ba địa danh này đều phát sinh từ một gốc.

Bằng linh cảm của một người Đồng Nai lớn lên từ châu thổ các sông Đồng Nai-Sài Gòn và Vàm Cỏ, chúng tôi nghĩ rằng Đồng Nai nghĩa là Sông Lớn, và nguyên thủy chỉ có nghĩa Sông Lớn mà thôi. Nó phải đến từ một danh xưng của cư dân sinh sống tại chỗ tự lâu đời.

Để truy tìm danh xưng đó cần phải lọc ra một số từ mang nghĩa “sông lớn” của các sắc tộc bản địa. Chúng tôi dựa vào cơ sở dữ liệu và tiện ích từ trang web sealang.net (trang hỗ trợ nghiên cứu ngôn ngữ Đông Nam Á) để truy xuất và xin trình bày những từ tìm được qua phiên âm quốc tế (IPA) như sau:

– Khmer (Bình Phước, Bình Dương): /tʊənlei/, hoặc /tùənlee/ (Đọc như tươn-lây hoặc tuơn-lêê)

– Stieng (Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh): /dəŋlee/ và /[dàːk] ŋliː/ (Đọc như đơng-lêê hay đaac-nglii)

– Maa-Sre-Koho (Lâm Đồng, Daklak, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa): /da:də:ŋ/ hay /da:dəŋ/ (đọc như đaa đơng hay đaa đơơng)

– Mnong (Daklak, Daknong, Lâm Đồng, Bình Phước): /dak krong/ (Đọc như đac crông)

– Chrau (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận): /[daːʔ] nleː/  (Đọc như đaah nlêê)

Vài sắc tộc tuy ở xa nhưng có cách gọi “sông lớn” hoặc “sông” tương tự, như sau:

– Tampuan (Campuchia): /t’ɨŋlee/ (sông lớn), /taŋlee/ (sông) (Đọc như tiưng-lêê hay tang-lêê) 

– Laven (Nam Lào): /təlaj/ (Đọc như tơ-lay)

– Kui (Campuchia, Lào, Thái): /tlèe/ (Đọc như tlêê) 

– Bru (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế): /təlèe/ (Đọc như tơ-lêê) 

– Brao (Kontum, Campuchia): /dənaj/ (Đọc như đơ-nay) 

– Car (đảo Nicrobar, Ấn Độ): /taheːl/ (sông) (Đọc như ta-heel)

Đặc biệt là: 

– Nyah Kur (Thái Lan): /thəlèe/ (nơi nhiều dòng sông gặp nhau) (Đọc như thơ-lêê)

Ngoại trừ từ đơn tiết của người Kui, tất cả các từ trên đều được nhấn mạnh ở âm tiết cuối.

Bảng chữ cái Việt không hoàn toàn phù hợp để diễn tả cách đọc của những từ vừa liệt kê. Hướng dẫn đọc bằng âm Việt bên trên chỉ tạm gọi là gần đúng bởi nhận xét độ lượng nhất. Để biết chính xác phiên âm quốc tế được thể hiện thế nào cần vào các trang dưới đây để nghe từng nguyên âm và phụ âm rồi ráp nối lại:

https://www.internationalphoneticalphabet.org/ipa-sounds/ipa-chart-with-sounds/

https://en.wikipedia.org/wiki/IPA_vowel_chart_with_audio https://en.wikipedia.org/wiki/IPA_pulmonic_consonant_chart_with_audio

Ghi chú: Âm quan trọng nhất cần theo dõi là âm “e”. Muốn đọc đúng phải nhoẻn miệng rồi mới phát ra âm “ê” hay “e” kéo dài. Bảng nguyên âm IPA trên trang wiki có “e” được đọc gần như “ê”, trong khi trên trang của chính IPA lại đọc như “e”. Tính chất tương đối hiện ra ngay trong mẫu chuẩn!

Thù Nại là phiên bản Hán Việt của /tʊənlei/ hoặc /tùənlè/ (tươn-lây hoặc tuơn-lêê) tiếng Khmer. Âm “u” trong /tùən/ (tuơn) dù thực tế được nhấn khá nhẹ nhưng đã lưu lại trong “Thù”. “Nại” là /lei/ (lây) hoặc /lè/ (lêê) với chuyển biến phụ âm từ “l” sang “n” và chuyển biến nguyên âm từ “ây/êê” sang “ay/ai”.

Đồng Nai là phiên bản Việt của /dəŋlee/ (đơng-lêê) hay /[dàːk] ŋliː/ (đaac-nglii) tiếng Stieng. Không chỉ người Việt biến “l” sang “n” hay “êê/ii” sang “ay/ai”, hoặc ngược lại, mà chính các sắc tộc nói tiếng Bahnaric cũng có chuyển biến giống hệt. Người Laven gọi “sông lớn” là /təlaj/ (tơ-lay); hay người Brao gọi “sông lớn” là /dənaj/ (đơ-nay), rất gần âm đong nai của chúng ta.

“Nông Nại 農耐” là phiên bản Quảng Đông của “Đồng Nai”, điểm cư trú chỉ định chúa Hiền dành cho nhóm Trần Thắng Tài. Đa số người Việt đọc hai chữ 農耐 như “nông nại”, nhưng cũng rất nhiều người Việt đọc chúng như “lông lại”. Người Hoa cũng thế, tùy theo địa phương, ngoài từ Nông Nại, họ còn phiên âm Đồng Nai dưới dạng Long Nại, Lục Nại, Lộc Lại.(19) Riêng chữ 農, dân Quảng còn có thể đọc phụ âm đầu là “đ” hoặc “l”. Họ không ký âm sai như người Việt vẫn nghĩ. Chỉ có thể kết luận rằng người Hoa không hiểu Đồng Nai mang ý nghĩa gì nên mới sản sinh nhiều hình thức phiên âm đến thế.

Người Pháp cũng rơi vào tình huống tương tự. Cách gọi của họ biến đổi vô chừng, gồm Nom Nay, Donnai, Doũnai, Dou-nay…Chúng thường xuyên được ghi chép khác nhau vì các giáo sĩ chỉ nhại theo phát âm của giáo dân Việt mà không rõ nội hàm. Chỉ khi các nhà làm từ điển nắm vững kiến thức ngữ học ra tay thì “Đồng Nai” mới được xác lập đúng và ổn định.

Thao tác truy tầm một từ, thuộc các ngôn ngữ khác, vốn được phát âm giống hay gần giống với một từ Kinh Việt mà chúng ta muốn tìm căn nguyên chỉ chiếm 1% dung lượng chuỗi công việc. 99% dung lượng còn lại dành cho thao tác chứng minh từ nào là gốc.

Tại sao người Hoa hay Việt phiên âm tên gọi của Khmer và Stieng thay vì của Mạ (Maa) hoặc Mnong?

Vì, dù Funan, Chenla, Java, đế quốc Angkor hay bất kỳ vương quốc thừa kế nào giữ vai thống trị, đại đa số dân chúng vẫn thuộc sắc tộc Khmer thích sống trên những giồng đất cao ở đồng bằng và duyên hải (Khmer Kandal). Quan lại, nhà buôn Trung Hoa đến vùng họ gọi là Thủy Chân Lạp bằng thuyền biển chủ yếu tiếp xúc với sắc tộc chủ đạo nên địa danh liên quan đến sông to hay đồng rộng mà họ nghe được phải là “tuơn-lêê” hay “tươn-lây”. Như trên đã nói, “tuơn-lêê/tươn-lây” dẫn đến sự ra đời của “Thù Nại”. “Thù Nại” không đơn thuần chỉ sông Đồng Nai hay sông Sài Gòn mà chỉ bất kỳ con sông lớn nào, kèm lưu vực của nó, nằm trong lãnh địa của người nói tiếng Khmer.(20)

Vì, trong các bộ tộc thiểu số sống ở vùng bình nguyên và vùng thấp, người Stieng chiếm số lượng đông đảo nhất. Cho đến nay, tại khu vực Đông Nam bộ, mở rộng đến Lâm Đồng, dân số Stieng vẫn áp đảo dân số Mạ và Mnong. Chỉ Koho có dân số vượt mặt Stieng nhưng bộ phận chính của Koho lại sống trên cao nguyên (Lâm Đồng) và núi gần biển (Khánh Hòa, Bình Thuận). Tương tự người Khmer, Stieng cũng phân thành hai nhóm vùng cao và vùng thấp gọi là Bù Lơ và Bù Đéc. Họ đã biết dùng trâu bò để làm ruộng nước. Có vẻ Stieng là đầu lĩnh của các cộng đồng thiểu số với tính cách năng động mạnh bạo, họ thường cùng Cham-Khmer bắt dân Mạ đem bán làm nô lệ. Qua địa danh “Bù Blih”, khu vực thành phố Biên Hòa ngày nay, chúng ta đoán được rằng người Stieng đang cư trú tại đó khi di dân Đàng Trong phiêu bạt đến.(21) “Bù” tiếng Stieng diễn đạt khái niệm “thôn”, “xóm”. Vẫn còn những Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập thuộc tỉnh Bình Phước là địa bàn chính của Stieng hiện đại. Người Việt chung sống với thổ dân nhiều khả năng sẽ gọi vùng đất mới là “Đồng Nai” theo tiếng địa phương đơng-lêê hoặc đaac-nglii.(22) “Nông Nại” là lớp áo thứ hai của từ này, xuất hiện khi nhóm tị nạn Cao-Lôi-Liêm dong thuyền đến năm 1679, không lâu sau đợt di cư lớn của người Việt.

Chỉ hai sắc tộc đủ sức tạo dựng cơ ngơi đáng kể dưới bình nguyên và đồng bằng. Người Khmer cai quản vùng nay là Đông-Tây Nam Bộ từ thủ phủ Prei Nokor, khiêm tốn đối diện với họ là nhóm Stieng làm chủ Bù Blih. Đến nay dân Campuchia vẫn nhớ Sài Gòn là Prei Nokor với nghĩa “thành phố trong rừng”. Còn “Bù Blih” là gì? Chúng tôi đoán rằng Bù Blih là biến âm của từ địa phương /pɔh bri:/ (poo-brii) có nghĩa “làng rừng”. “Rừng” mang ý

tưởng tiếp thị, nó thông báo địa điểm buôn sỉ các sản phẩm khai thác từ thượng đạo. Prei Nokor giữ vai trò đầu mối thương mại với nước ngoài, Bù Blih thu góp sản phẩm đổ về từ miệt nguồn để cung ứng cho Prei Nokor. Thành Rừng nổi lên khi dòng lâm sản Quảng Nam bắt đầu cạn kiệt. Ta sẽ hiểu rõ tinh thần thương mại của chữ “rừng” khi tham khảo các mặt hàng vùng cao bán đi từ Hội An: gỗ (ó, vàng, mun, sơn, trắc…) quế, song mây, củ nâu, trầm hương, kỳ nam, xạ hương, các loại thuốc nam, da thú, ngà voi, sừng tê giác…(23) Luồng luân chuyển hàng hóa này hiện nay vẫn còn, các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, và đôi khi ở Bà Rịa, vẫn đưa sản phẩm về các cảng ở Sài Gòn để xuất khẩu.

Chính các phiên âm Nom Nay, Donnai, Doũnai, Dou-nay hoặc Thù Nại, Đồng Nai, Nông Nại, Long Nại, Lục Nại, Lộc Lại, thậm chí Tà Lài… cho thấy chúng sinh ra trên một gốc Mon-Khmer, một từ song tiết với âm tiết thứ hai giữ vai trò chính,(24) âm tiết thứ nhất được phát âm nhẹ hơn(25) trong những trường hợp trang trọng, và bị lướt qua(26) khi trò chuyện thân mật. Từ song tiết khi mất trọng âm ở âm tiết đầu sẽ trở thành từ bán song tiết (tức một-âm-tiết-rưỡi).(27) Có thể thấy hình thức bán song tiết hiện diện hoàn hảo qua các từ /təlèe/ (tơ-lêê) của Bru, /təlaj/ (tơ-lay) của Laven, /dənaj/ (đơ-nay) của Brao. Riêng từ /tlèe/ (tlêê) của người Kui chỉ có tổ hợp phụ âm đầu. Trừ trường hợp đơn tiết như /tlèe/ thì không phải bàn, trong từ song tiết hay từ một-âm-tiết-rưỡi, âm tiết cuối đều được nhấn mạnh nên được phiên gần đúng hơn và giống nhau hơn là Nay-Nai-Lai. Do người nói nhấn nhẹ âm tiết đầu hoặc lướt qua nửa âm tiết nên Nom, Don, Doũ, Dou hoặc Thù, Đồng, Nông, Lục, Lộc, Tà có chút khác biệt. Cơ bản âm tiết đầu hay nửa âm tiết chỉ buộc phải có các phụ âm như t-d hoặc d-n-l, vốn dễ biến đổi cho nhau tùy người phiên âm thuộc nhóm sắc tộc hay địa phương nào. Nguyên âm của nó không quan trọng, vì bị nhược hóa bởi chủ thể nói, và vì chủ thể nghe chỉ lắng vào âm tiết thứ hai theo quán tính.

Tiếng Việt thuộc nhánh Mon-Khmer nên khi nói chữ “Đồng-Nai” trong một câu dài chúng ta luôn phát âm “Nai” mạnh và rõ hơn “Đồng”. Nó vẫn là từ song tiết ẩn trong đại dương đơn tiết của Việt ngữ.

Xin nhắc lại lần nữa: Bài viết dùng âm Khmer hiện đại, âm Stieng hiện đại (HUF1971(28) và SHO2006(29)) và âm Việt hiện đại để bàn về hiện tượng ngôn ngữ xảy ra vào đầu thế kỷ XVII nên độ chính xác rất tương đối.(30) Tuy nhiên vẫn có cơ sở để suy luận táo bạo rằng, vào thời đó, “Đồng Nai” còn mang nghĩa “nơi các dòng sông gặp nhau” của thứ tiếng Môn rất cổ sử dụng bởi người Nyah Kur hiện sinh sống tại Thái Lan: /thəlèe/ (thơ-lêê). 

Địa danh Đồng Nai - 7

Cả hai đều là Đồng Nai = Nơi các dòng sông gặp nhau = /thəlèe/ (thơ-lêê) (bản đồ Google)

Với công cụ thuận tiện của sealang.net, chỉ cần một giờ làm việc để phát hiện, đối chiếu các từ diễn tả “sông lớn” của hơn 10 sắc tộc nói tiếng Mon-Khmer. Nhưng để chứng minh nguồn gốc của “Đồng Nai”, chúng tôi chỉ mới đặt bước đầu tiên vào cuộc chạy tiếp sức khởi đầu từ gần hai thế kỷ trước. Khác với tính tương đối của mọi giả thuyết về ngôn ngữ, cuộc chạy này tuyệt đối chắc chắn sẽ không kết thúc trong vòng hai trăm năm trước mắt. 


Chú thích:

(1) Joanne Antonio Arnedo (Joannes Antonius Arnedo), “Narratio De His, Qvæ In Regno Cochinchinensi Contra Religionem Christianam…”, trang 53. Bản pdf: https://bit.ly/39iS9am

(2) Pigneaux de Béhaine, Dictionarium Anamitico-Latinum (1772), bản chép tay. Bản pdf: http://bit.ly/3rYEmya

(3) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Trần Đại Vinh dịch (2017), Nxb Đà Nẵng (2018), trang 119, 120, 302. Sơn Nam quan niệm điền nô này không phải dạng nô lệ truyền thống mà là dạng ở bạn, ở đợ.

(4)(16) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Phạm Hoàng Quân dịch, Nxb Tổng Hợp TPHCM (2019), trang 70, 71.

(5) Jean-Louis Taberd, Dictionarium Anamitico-Latinum (1838), trang 150. Bản pdf (tái bản 2004) https://bit.ly/3ooGz3Q

(6) Nguyễn Văn Siêu (1900), Phương Đình dư địa chí, Ngô Mạnh Nghinh dịch (1958), Nxb Văn hóa – Thông tin (tái bản), trang 276, 310.

(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí quyển 2, Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Thuận Hóa, trang 746.

(8) Huình-Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị (1895), trang 324. Bản pdf: https://bit.ly/2XfzzdM

(9) J.F.M. Génibrel, Dictionaire annamite-français (1898), trang 232. Bản pdf: http://bit.ly/3rYfln5

(10) Dẫn theo Huỳnh Văn Tới và Phan Đình Dũng. Xem “Tản mạn về danh xưng Đồng Nai”, trang web http://bit.ly/3q7sND5

(11) Phan Khoang, Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 – 1777, Nxb Khoa học Xã hội (1997), trang 308-313.

(12)(13) Xem: Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Chương I, Nxb Đồng Nai (1998). Bản pdf https://bit.ly/2MlsRRa

(14) Xem: Lê Trung Hoa, “Nguồn gốc, ý nghĩa và quá trình phát triển của địa danh “Đồng Nai”. Bản trích pdf https://bit.ly/3osY9DW

(15) Brian Alfred Zottoli, “Reconceptualizing Southern Vietnamese History from the 15th to 18th Centuries: Competition along the Coasts from Guangdong to Cambodia”, trang 283, 344. Bản pdf: https://bit.ly/2LuJqty

(17) Phạm Hoàng Quân không nhất trí với quan điểm xem Thù Nại là đất Đồng Nai. Theo ông, mô tả địa lý trong sách Trung Hoa xưa hướng Thù Nại về phía đảo Tích Lan/Sri Lanka hay một địa điểm trên bán đảo Mã Lai nơi tộc Senoi/Sakai sinh sống. Xem Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Phạm Hoàng Quân dịch, Nxb Tổng Hợp TPHCM (2019), trang 159. Thiển ý, các địa danh Đông Nam Á được ghi nhận bởi các tác gia Trung Hoa vào thời kiến thức địa lý còn sơ khai, nên trong nhiều trường hợp, không thể xác định chúng là những địa phương nào vào thời đó hoặc thời nay. Gần đây, Liam C. Kelley đề xuất một phát hiện động trời là không có đế quốc Srivijaya nào ở đảo Sumatra cả, chỉ có Thất Lợi Phật Thệ hay Tam Phật Tề, tên khác của Angkor. Nếu quả như thế, không biết cách nào để biện hộ cho George Cœdès, Oliver W. Wolters, Pierre-Yves Manguin, và Hermann Kulke.

(18) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí quyển 2, Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Thuận Hóa, trang 733.

(19) Xem Phần Chú thích của Phạm Hoàng Quân trong bản dịch Gia Định thành thông chí, trang 159.

(20) Trong trường hợp ít xảy ra hơn, như khi sứ đoàn các triều đại Hoa Hạ tiếp xúc với nhóm người nói tiếng Nam Đảo cai trị cựu Phù Nam (cuối thế kỷ VIII – đầu thế kỷ XIX), thì ký âm Thù Nại vẫn hợp lẽ vì Nam Đảo gọi “sông” là “sungé”, “sungai”. “Sungai” ngoài nghĩa “sông” còn có nghĩa “lưu vực”.

(21) Phần cổ tích của tỉnh Biên Hòa trong Đại Nam nhất thống chí có chép: “Thành cũ Tân Lân: Tân Lân tức là Bàn Lân xưa, ở lị sở tỉnh, dấu vết vẫn còn; có thuyết nói do người Chân Lạp xây.” Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí quyển 2, Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Thuận Hóa, trang 741.

(22) Những nơi người Mạ cư trú, các dòng nước thường được gọi là Đạ, như Đạ Tẻ, Đạ Huai…Không hiểu sao điểm tái định cư đồng bào Stieng-Mạ từ Cát Tiên lại có tên Tà Lài. Có thể Tà Lài là Đạ Lài, nhưng chúng tôi vẫn ngờ rằng “Tà Lài” có quan hệ mật thiết với “Đồng Nai”. Cả hai đến từ cùng một nguồn. Xã Tà Lài nay thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, hình thế trải dài theo một đoạn Sông Lớn.

Địa danh Đồng Nai - 8

Xã Tà Lài nằm trên sông Đồng Nai / Xã Tơ-lay nằm trên đơ-nay

Xã Sông Lớn nằm trên sông lớn (bản đồ Google)

(23) Nguyễn Chí Trung, Trung bộ và Nam bộ thời chúa Nguyễn, Đô thị thương cảng quốc tế Hội An thời chúa Nguyễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (2018), trang 388.

(24)  Tiếng Anh: primary stress (trọng âm chính)

(25) Tiếng Anh: secondary stress (trọng âm phụ)    

(26)  Tiếng Anh: minor syllable (âm tiết không trọng âm)

(27)  Tiếng Anh: sesquisyllabic (một âm tiết rưỡi hay bán song tiết), disyllabic (song tiết), monosyllabic (đơn tiết)

(28) Frankin Huffman, Unpublished vocabulary list (1971)

(29) Harry Leonard Shorto, Mon-Khmer Comparative Dictionary (2006)

(30) Nếu xem lại phục dựng âm “sông lớn” của tiếng proto Mon-Khmer /*d[n]liʔ/ (đọc là dnlih) ta sẽ an lòng hơn vì sự khác biệt giữa âm hiện đại và âm tối cổ không nhiều.


Trần Vy

Bài viết khác