Chủ Nhật, 06 Tháng Sáu, 2021

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào?

Năm 1859 khi người Pháp đánh chiếm Gia Định, các công trình ở đây chủ yếu phục vụ cho việc cai quản và phòng thủ, chứ chưa có các công trình tiện nghi công cộng, giáo dục, chăm sức sức khỏe, hay vui chơi giải trí. Nhìn ra tiềm lực kinh tế to lớn của Sài Gòn, người Pháp đã xúc tiến quy hoạch vùng đất này với đầy đủ các chức năng hành chính, quân sự, kinh tế, cảng, v.v., đưa Sài Gòn trở thành đô thị sầm uất, thành trung tâm hành chính khai thác Nam kỳ, “Hòn ngọc Viễn Đông”.
 
Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 1
Cảng Sài Gòn năm 1866. (Ảnh từ khampha.vn)

Quy hoạch

Ngày 11/4/1861, Phó đô đốc Léonard Charner ra nghị định xác định địa giới Sài Gòn (ville de Saigon): Phía đông là sông Sài Gòn, phía bắc là rạch Thị Nghè, phía nam là rạch Bến Nghé, phía tây là từ chùa Cây Mai đến đồn Kỳ Hòa, diện tích khoảng 25km2.

Ngày 30/4/1864, Coffyn lập dự án quy hoạch nổi tiếng mang tên “Thành phố Sài Gòn 500.000 dân” (Saigon ville de 500.000 âmes), quy hoạch này đựa vào quy hoạch phòng thủ của Nguyễn Cửu Đàm đưa ra trước đó 90 năm. Tuy nhiên Nguyễn Cửu Đàm đưa ra quy hoạch chỉ cho 100.000 dân. Do quy hoạch của Coffyn quá lớn, người Pháp cũng muốn đảm bảo trị an, nên đã quyết định quy hoạch thành phố nhỏ hơn.

Năm 1865, Thống đốc Nam Kỳ, Chuẩn đô đốc Pierre Rose ban hành nghị định quy hoạch lại Sài Gòn với diện tích chỉ 3km2 nằm ở trung tâm quận 1 ngày nay.

Nhận thấy thời điểm này khu Chợ Lớn của người Hoa phát triển nhanh chóng, người Pháp quyết định tách Chợ Lớn ra để khu vực này chuyên về phát triển thương nghiệp.

Người Pháp cũng bán rẻ đất hoang cho những ai muốn làm ruộng vườn. Một khi đất hoang có người cư trú, giá đất Sài Gòn cũng sẽ được nâng lên, tốc độ đô thị hóa cũng tăng theo.

Cải tạo mặt bằng

Địa hình Sài Gòn ở phía bắc cao, trũng về phía nam. Người Pháp cho làm nhiều kênh ở vùng trũng thấp phía nam, để nước từ trên cao chảy xuống làm sạch các vùng đầm lầy đồng thời giúp thông đường thủy giao thông bằng ghe thuyền thuận lợi, lại lấp được các vùng trũng khác.

Khu vực đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, đường vào cổng chính ở Ba Son trước đây là những con kênh vùng trũng. Người Pháp cho san bằng những vùng đồi phía bắc, lấy đất lấp những con kênh này.

Xây dựng hệ thống giao thông

Về đường bộ, sau 2 năm cải tạo mặt bằng, vùng trũng gồ ghề đã được lấp với những công trình mới, có được không gian thoáng đãng, các con đường được hình thành và trải nhựa, có vỉa hè hai bên với hàng cây thẳng tắp.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 2
Sài Gòn xưa. (Ảnh qua saigoneer.com)


Đường thủy Sài Gòn có thể vươn đến các tỉnh miền tây và sang tận Cao Miên, trở thành một trong những thương cảng quan trọng ở khu vực Viễn Đông.

Giao thông thời kỳ này phát triển mạnh, đặc biệt là giao thông đường thủy với nhiều hệ thống kênh rạch. Thương cảng Sài Gòn (tiền thân của cảng Sài Gòn sau này) đi vào hoạt động với 3 bến lớn là Bến Nhà Rồng (428 m), Bến Khánh Hội (1.264 m), Bến Tân Thuận (866 m).

Sau khi xây dựng xong các công trình hạ tầng cho bộ máy hành chính, năm 1874, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh chính thức thành lập thành phố Sài Gòn. Từ đó Sài Gòn không ngừng phát triển và mở rộng dần dần.

Các công trình kiến trúc

Nhiều công trình cổ kính mà sang trọng mọc lên làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thành phố như Bến Nhà Rồng, Xưởng đóng tàu Ba Son, Tòa Soái phủ Nam Kỳ (nay là Bảo tàng thành phố), Thư viện Sài Gòn, dinh Xã Tây (nay là Trụ sở UBND thành phố)…

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 3
Sài Gòn năm 1930 cổ kính mà sang trọng. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)


Các công trình kiến trúc cổ kính sau đây đã làm nên bộ mặt của “Hòn ngọc viễn đông”:

– Dinh Thống Đốc (nay là Bảo tàng thành phố): Được xây dựng xong vào năm 1864, phỏng theo kiến trúc của Bảo tàng hội họa Munich do kiến trúc sư Foulhou thiết kế.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 4
Dinh Thống Đốc Nam Kỳ năn 1936. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)


– Dinh Toàn quyền (nay là Hội trường thống nhất): Khởi công xây dựng từ tháng 2/1868, hoàn thành vào năm 1873 do kiến trúc sư Hermitte thiết kế.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 5
Dinh Toàn Quyền. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)


– Dinh Xã Tây (nay là UBND TP): Khởi công xây dựng từ năm 1898, khánh thành năm 1909, do kiến trúc sư P.Gardès thiết kế.

– Nhà hát Tây (nay là Nhà hát thành phố): Xây dựng năm 1898, khánh thành vào ngày 1/1/1900, do kiến trúc sư Berger thiết kế.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 6
Nhà Hát thành phố những năm 1920s. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)


– Bưu điện Sài Gòn: Khởi công xây dựng năm 1886 và hoàn thành vào năm 1891, đây là dịch vụ rất lạ đối với người Việt vào lúc đó.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 7
Bưu điện Sài Gòn xưa. (Ảnh từ khampha.vn)


– Nhà Thờ Đức Bà: Khởi công năm 1877 và khánh thành vào năm 1880, kinh phí xây dựng là 2,5 triệu franc, đây là số tiền rất lớn vào lúc đó. Đến năm 1895 thì xây thêm 2 tháp chuông nhọn.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 8
Nhà Thờ Đức Bà. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)


– Chợ Bến Thành: Xây dựng vào năm 1912, đến năm 1914 thì khánh thành, đây là chợ trung tâm thành phố, nổi tiếng đến ngày nay.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 9
Chợ Bến Thành. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)


– Các tuyến đường Catinat (Đồng Khởi), Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), De La Somme (Hàm Nghi) là những con đường tiêu biểu với các các kiến trúc cổ kính, tô điểm cho bộ mặt thành phố Sài Gòn. Trong đó Catinat là con đường của giới thượng lưu, nổi tiếng thanh lịch.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 10
Đường Catinat xưa kia. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)


Thời đó người ta xem Sài Gòn là “Perle de l’Orient” tức là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

 

Cảng Sài Gòn từng là thương cảng hàng đầu vùng Viễn Đông

 

Sài Gòn là nơi gặp gỡ giữa châu thổ đồng bằng sông Cửu Long và vùng đất đỏ Đông Nam bộ. Nơi đây không chỉ gần biển mà còn có hệ thống sông và kênh rạch kết nối Sài Gòn và các vùng đất của Nam bộ, sang Campuchia vươn đến tận thủ đô Phnom Penh. Do vậy Thương cảng Sài Gòn từng đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử giao thương tại khu vực Viễn Đông.

Người Pháp biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” như thế nào? - 11
Thương cảng Sài Gòn năm 1866. (Ảnh: Emile Gsell)

Vị trí thuận lợi

Vị trí của Cảng nằm trên sông Sài Gòn, ăn sâu 80 km vào đất liền, tránh được những cơn bão lớn, lại thông với 2.000 km luồng lạch lớn chảy qua các vùng đồng bằng, vươn đến tận Phnom Pênh. Do tại đây sông rộng và sâu nên các tàu lớn cũng có thể cập cảng và tránh nhau dễ dàng.

Khi người Pháp đến khu vực này đã phát hiện ra rằng không nơi đâu trên bán đảo Đông Dương có vị trí giao thương thuận lợi như Sài Gòn. Do vậy họ kỳ vọng biến nơi đây thành cửa ngõ giao thương quan trọng nhất cho toàn bộ Đông Dương.

Sau khi chiếm được Gia Định năm 1859, dù chưa ổn định được tình hình thì ngày 22/2/1860, người Pháp đã thành lập Cảng Sài Gòn và đầu tư vào đây. Thương cảng Sài Gòn chính thức hoạt động từ thời điểm này.

Thương cảng hàng đầu vùng Viễn Đông

Theo tư liệu về Sài Gòn xưa, ngay từ năm 1860, tức chỉ sau 1 năm người Pháp đến Gia Định, đã có 246 tàu phương Tây và thuyền buồm Trung Hoa đưa các hàng hóa đến và đi từ Cảng Sài Gòn.

Số hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo chiếm 85% với số tiền là 5,184 triệu quan Pháp, giá trị hàng nhập khẩu tương đương 1,5 triệu quan Pháp (10 quan Pháp = 1 đồng bạc Đông Dương), doanh số mậu dịch trong năm là 7,7 triệu franc.

Để thuận tiện cho các tàu đến đây, Hải đăng Cap Saint-Jacques được xây dựng ở Vũng Tàu và bắt đầu hoạt động từ ngày 15/8/1862.

Theo số liệu để lại thì năm 1862, có 117 tàu châu Âu đến Sài Gòn với tổng trọng tải là 53.200 tấn, 129 tàu châu Âu rời cảng Sài Gòn chở đi 42.470 tấn gạo, 1.023 kiện bông, 1.746 kiện vải và 357 tấn lúa.

Hàng xuất khẩu ngoài gạo ra còn có cá khô ở Biển Hồ (Cao Miên), dầu thực vật, đường mía, rau sấy khô, gòn. Những năm sau đó hàng xuất khẩu có thêm tơ tằm, muối, đay, gỗ.

Việc xuất khẩu gỗ mang lại món lợi lớn nên Pháp thúc đẩy việc khai thác gỗ, năm 1864 giá trị xuất khẩu gỗ lên đến 11 triệu quan Pháp.

Thương cảng lớn này cũng thúc đẩy các nghề sản xuất trong nước phát triển mạnh, giúp dân chúng có được việc làm và nguồn thu nhập, tuy nhiên nguồn lợi lớn nhất rơi vào tay người Pháp.

Thương cảng phát triển đòi hỏi phải có dịch vụ sửa chữa tàu. Năm 1864, người Pháp thành lập xưởng BaSon, quy tụ các thợ cơ khí lành nghề lúc đó. Ngoài sửa chữa thì xưởng cũng đóng mới các tàu thuyền có trọng tải nhỏ.

Năm 1866, trọng tải hàng hóa vào cảng Sài Gòn là 600.000 tấn. Các mặt hàng xuất khẩu gồm 100.000 tấn gạo, 2.687 tấn bông, 42 tấn tơ lụa, 150 tấn muối. Qua năm sau 1867, Sài Gòn đã xuất khẩu 193.000 tấn gạo tức gần gấp đôi so với năm trước.

Trong 1 năm từ 1/7/1866 đến 30/6/1867, có 887 tàu đến giao thương, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu là 53 triệu quan Pháp, đây là số tiền rất lớn vào thời điểm đó.

Từ năm 1867, Sài Gòn là một thương cảng phồn vinh và có sức hút lớn, cùng với các thương cảng khác ở Singapore, Batavia, Manila, trở thành những thương cảng hàng đầu khu vực Viễn Đông.

Dần không cạnh tranh được

Sau giai đoạn này, Thương cảng Sài Gòn vẫn phát triển nhưng tốc độ không bằng cảng ở Singapore, Hongkong. Đến đầu thế kỷ 20 thương cảng ở Sài Gòn tụt xuống thứ 8 ở vùng viễn Đông, 75% lượng hóa hóa xuất khẩu Đông Dương đi qua đây, riêng xuất khẩu gạo thì liên tục đứng nhất và nhì thế giới.

Trong một báo cáo của Phòng Thương mại Sài Gòn E. Dierx năm 1887 thì Thương cảng Sài Gòn lúc đó có những hạn chế nên không thể cạnh tranh được với Singapore, Hongkong và thậm chí là Jarkarta. Thương cảng Sài Gòn nằm sâu trong đất liền, với 70 km đường sông ngoằn nghèo, chi phí vào cảng lại cao.

Lúc đó đã có đề xuất nên cho Thương cảng Sài Gòn trở thành một kiểu đặc khu, được miễn thuế xuất nhập khẩu, nhưng Phòng Thương mại lúc đó đã không đồng ý.

Sau này Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer đã tỏ ra luyến tiếc vì việc chậm đầu tư hạ tầng nhằm biến Thương cảng Sài Gòn thành một trong những hải cảng hàng đầu Viễn Đông. Các khoản đầu tư của người Pháp đã tập trng vào những công trình kiến trúc giúp Sài Gòn trở thành Hòn ngọc Viễn Đông mà bỏ qua Thương cảng Sài Gòn.


Trần Hưng

https://trithucvn.org/

Bài viết khác