Thứ Tư, 19 Tháng Năm, 2021

Lịch sử và tên gọi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè gắn liền với sự phát triển của thành phố Sài Gòn, ngày nay vẫn là tên gọi quen thuộc của người dân nơi đây. Con kênh này dài 9 km, chia làm 2 đoạn. Đoạn từ cầu Thị Nghè trở lên trên đầu nguồn gọi là Nhiêu Lộc, phần đổ ra sông Sài Gòn gọi là Thị Nghè.
Lịch sử và tên gọi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè - 1
Không ảnh kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè năm 1945 và năm 2002. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)

Lịch sử tên gọi

Con kênh này người Khmer xưa kia gọi là Prêk Kompon Lu, khi người Việt đến đây thì gọi là rạch Nghi Giang, rạch Bình Trị.

Vào thời chúa Nguyễn, quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân đến đây giúp dân khai phá vùng đất này, con gái của ông là Nguyễn Thị Khánh có chồng là ông Nghè, nên người dân quen gọi cô là bà Nghè.

Bà Nghè Nguyễn Thị Khánh giúp dân khai phá đất, lập chợ, bắc cầu qua kênh thuận tiện việc đi lại. Nhớ ơn bà, người dân gọi cây cầu này là cầu Bà Nghè và gọi kênh là kênh Bà Nghè.

Dù dân chúng quen gọi địa danh này là Bà Nghè, nhưng các quan lại không dùng từ này mà gọi là Thị Nghè. Cuốn “Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển cho rằng: “…gọi cầu và sông Bà Nghè nhưng các quan không chịu xưng hô như vậy và đổi lại là cầu và sông hay rạch Thị Nghè”.

Đến thời thuộc Pháp, người Pháp gọi con kênh này là Avalanche, đây là tên con tàu mà Pháp cho đi thám sát từ sông Sài Gòn đến phần sông Thị Nghè để đánh thành Gia Định. Sau khi chiếm được thành Gia Định, con tàu này tiếp tục đi theo do thám ở rạch Thị Nghè nhằm chuẩn bị đánh đồn Kỳ Hòa ở làng Chí Hòa thuộc phủ Tân Bình (quận Tân Bình ngày nay).

Về cái tên Nhiêu Lộc thì theo dân gian truyền lại, xưa kia có người tên là Đặng Lộc giữ chức Nhiêu học đã bỏ công sức tiền của ra sửa sang lại kênh rạch nhằm phục vụ giao thông, giúp dân chúng đi lại dễ dàng, từ đó dân chúng gọi con kênh nơi đây là Nhiêu Lộc để tưởng nhớ đến ông.

Lịch sử và tên gọi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè - 2
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè năm 1945, thời điển còn nhiều cây xanh và chưa có nhà lấn bờ Kênh. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)


Vành đai phòng thủ

Xưa kia kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không chỉ là dòng chảy tự nhiên thoát nước ra sông Sài Gòn mà còn là phòng tuyến quân sự ngăn ngoại xâm. Con trai của Nguyễn Cửu Vân là Nguyễn Cửu Đàm đã cho lập Lũy Bán Bích để ngăn ngừa quân Xiêm La tấn công.

Lũy này được dựng từ chùa Cây Mai chạy qua Nhiêu Lộc – Thị Nghè, bảo vệ phía tây và phía bắc của Sài Gòn, hợp cùng rạch Bến Nghé và Thị Nghè tạo thành một vành đai phòng thủ cho Sài Gòn.

Khi thành Gia Định thất thủ, nhiều toán nghĩa quân và người dân Sài Gòn đã mai phục quân Pháp ở đây. Các nghĩa quân cũng dùng con kênh này để di chuyển các toán quân đột kích đánh Pháp, rồi rút lui cũng qua con đường này.

Nơi trao đổi thương mại

Các nhánh sông ở Sài Gòn tạo thành tuyến giao thông đường thủy vô cùng thuận lợi với sông Sài Gòn ở phía đông, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở phía bắc, rạch Bến Nghé phía nam với những phiên họp chợ trên bến dưới thuyền.

Không chỉ thế các sông và kênh rạch ở Sài Gòn cũng nối liền với tuyến đường thủy từ sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ, rồi sang tận vùng đất Cao Miên, tạo nên mạng lưới giao thông đường thủy để trao đổi thương mại và giao lưu văn hóa rộng khắp.

Hệ thống kênh rạch xưa với làn nước trong xanh

Thời Pháp thuộc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trong xanh, cá lội tung tăng, cuốn “Sài Gòn vang bóng” của Lý Nhân Phan Thứ Lang ghi rằng: “lúc sông chảy qua khu cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Thị Nghè… còn sạch, nước trong vắt, cứ đến chiều tối ban đêm đều có những chiếc thuyền tam bản nhỏ đi lại trên sông bán đồ nhậu…”

Đến những năm đầu thời Việt Nam Cộng Hòa, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vẫn có nước trong xanh. Bài Phú Gia Định miêu tả con Kênh này như sau:

“Coi ngoài rạch Bà Nghè
Dòng trắng hây hây tờ quyến trải
Ngó lên Giồng Ông Tố
Cây xanh mù mịt lá chàm rai.”

Đến tận năm 1954, kênh Nhiêu Lộc vẫn trong xanh hiền hòa như người dân nơi đây: “Nước kênh trong xanh, có thể thấy nhiều loại cá như: cá lóc, cá rô, tôm đất bơi thành bầy, người dân hai bên bờ thường xuống kênh hái rau muống và câu cá. Ghe thuyền qua lại để đánh bắt tôm cá, cảnh sinh hoạt hiền hòa, êm đềm như một vùng thôn quê.”

Ô nhiễm

Từ năm 1954, dân cư các nơi đổ về Sài Gòn, những khu nhà tạm bợ mọc lên lấn chiếm các bờ kênh, người dân cũng đóng cọc dựng nhà ngay cả trên kênh, rác cùng chất thải sinh hoạt đổ xuống dòng kênh. Từ năm 1960 thì kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bị ô nhiễm nghiêm trọng với dòng nước đen ngòm.

Lịch sử và tên gọi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè - 3
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè năm 1955, không còn thấy cây xanh 2 bên bờ, nhà dân lấn cả vào bờ Kênh. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)


Ngày nay kênh Nhiêu Lộc đã trải qua nhiều lần cải tạo, thay đổi, những hộ dân nằm sát bờ Kênh đã bị di dời, thay vào đó là hàng cây xanh ngát trải dải hai bên bờ kênh. Tuy nhiên dòng nước đen ngòm vẫn không hề thay đổi, khiến cho dòng kênh này không còn sức sống.

 

Trần Hưng

 

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art