Khoảng năm 1934, ở Sài Gòn có bán một loại nước uống giải khát có tên Tây là Antésite của nhà bào chế Normale, được quảng cáo nhiều trên các tờ nhật báo có tiếng ở Sài Gòn lúc đó như nhật báo Sài Gòn, nhật báo Công Luận. Đây là thức uống công nghiệp, được giới thiệu là tốt cho sức khỏe, không có cồn, thơm ngon, làm toàn bằng tinh chất của các vị cam thảo, thạch long đởm và các cây hương liệu. Người dùng mua về nhỏ vài giọt hoặc múc một muỗng cà phê tinh chất này cho vào ly chứa một lít nước là có một lọai nước được đánh giá là rất bổ, giúp cho sự tiêu hóa, trị các chứng sốt rét, thích hợp cho các xứ thuộc địa và đã được dùng ở Algerie, Tunisie, Maroc…
Quán giải khát ở Sài Gòn thập niên 1960 (file photo)
Quảng cáo nước ngọt Phương Toàn hiệu Con Nai, loại nước giải khát rất phổ biến trước năm 1975 ở miền Nam, sản xuất trong Chợ Lớn (Tư liêu: PCL)
Loại nước cô đặc này đựng trong hộp nhỏ, pha được từ 30 đến 80 lít nước, bán ở các tiệm tạp hóa, nhà bào chế, tiệm bán thực phẩm. Có thể mua qua bưu điện, nếu gửi 5 quan đến nhà bào chế tận bên Pháp sẽ nhận được nước tinh chất pha được 30 đến 40 lít nước giải khát mà không tốn cước. Trước đó, trên Hà Thành ngọ báo ở xứ Bắc từ năm 1932 đã có quảng cáo loại nước này, giới thiệu chi tiết hơn là nước pha ra có màu vàng trong như rượu bia, không dùng màu hóa học, có bốn mùi chanh, bạc hà, hồi và cam. Rải rác trên các báo Thanh Nghệ Tĩnh, Tân Văn năm 1934 có thấy giới thiệu bán ở Vinh và Nha Trang.
Người Việt thập niên 1930 đã quen thuộc với các thứ thức uống công nghiệp. Bia Larue vào Đông Dương khoảng năm 1927 với nhãn hiệu hình con cọp in trên nhãn chai do hãng B.G.I sản xuất và nhanh chóng chinh phục khẩu vị người dùng. Hãng bia và các đại lý đã bỏ không ít tiền ra quảng cáo bia trên báo, tuy nhiên khi đọc ô quảng cáo về loại bia này trên báo Công Luận, số 7278, ra ngày 17 tháng Mười Một 1936, mới thấy có điều đáng ngạc nhiên. Trên ô quảng cáo Lời người không sai, sau khi dẫn hai câu thơ chữ Hán với nghĩa là “uống rượu, dầu cho có say đi nữa cũng đỡ buồn”, câu dưới: “có rượu nên say, say đâu có chết”, lời giới thiệu tiếp tục: “Song rượu đời nay chẳng những là không say mà thôi, mà lại còn bổ dưỡng, hay ho nhiều chỗ, chỗ khoái là khác. Rượu gì mà khoái dữ vậy. Rượu La-ve Larue, chứ rượu gì?”.
Quảng cáo nước cam Bireley’s, loại nước giải khát rất phổ biến trước năm 1975 ở miền Nam (Tư liêu: PCL)
Bia “33” (file photo)
Quảng cáo này tới đây vẫn tạm được, nhưng sau đó là bắt đầu quá đà: “Đàn bà thiếu sữa cho con bú thì phải làm sao? Uống La-ve Larue thì sữa ra dư dật. Ông già yếu sức hay khát nước, thì phải làm sao? Uống rượu La-ve Larue thì giải khát ngay, đã giải khát lại còn được tinh thần tráng kiện”. Và: “Con nít có nên uống La-ve Larue không? Nên lắm chớ. vì cho con nít uống cho có chừng thì càng ngày càng mập mạnh. Đã vậy nó lại còn tránh khỏi sự uống nước bậy bạ mà sanh bệnh hoạn là khác”. Cuối cùng kết luận: “Nói tóm lại, thứ rượu La-ve Larue là một thứ giải lao, giải khát chẳng có thứ chi bì kịp nó”.
Anh lớn nhất của tôi, sinh đầu thập niên 1940 kể là con nít thời đó không thấy đứa nào được người lớn cho uống bia Larue theo lời quảng cáo hồi đó. Thức uống mà đám con nít ưa thích vẫn là nước đá bào và xi rô đá nhận. Nước đá bào bỏ vô ly, chế vào nước xi rô, nước lạnh rồi dùng muỗng quậy là uống được, mát và thơm ngọt mùi xi rô. Còn xi rô đá nhận như một loại kem đá, cũng dùng nước đá bào vô ly cho vun cao, rồi dùng tay đè xuống nén chặt lại rồi chế xi rô lên trên. Xong lấy cục xi rô ra cầm tay, vừa đi vừa mút chất xi rô ngọt lịm, lạnh ngắt. Đứa con nít nào chịu lạnh dở thì cứ để trong ly, mút dần cho đến khi hết xi rô thì trút ra hút đến khi cục đá nhận trở lại trắng xát.
Xe sinh tố, loại nước giải khát cao giá hơn so với nước đá nhận, nước ngọt vì nguyên liệu là trái cây, sữa, đường (file photo)
Đến lúc đó, thức giải khát sản xuất trong nhà máy đã thịnh hành lắm rồi. Nhà thơ Đông Hồ trong một bài viết (*) kể rằng trong Sở Thú (tức là Thảo Cầm Viên) có một ụ đất nhỏ. Trên đó có một ngôi tiểu đình, không biết ban đầu người Pháp xây nó để làm gì, có lẽ để hòa nhạc cho công chúng nghe như một thứ “bồn kèn”. Sau có một người Hoa thầu để làm quán giải khát. Lính Tây vào chơi vườn thường tụ lại đó uống rượu, uống nước đá, nước dừa. Ở đó có một món nước giải khát đặc biệt là rượu Pernod pha nước dừa xiêm uống rất thơm ngon. Anh chủ quán người Tàu bèn chế ra một bài quảng cáo có vần Tây. Tay anh cầm khối nước đá, vừa bào xẹt xẹt vào ly nước dừa có pha rượu Pernod màu hoa lý vừa hát rao hàng: “Này Zô-ô, này Cô-cô, này Pẹc-nô…”. Sẵn vần ô, anh hát kéo dài ra: “Này si-rô, này li-mô…” để quảng cáo luôn các loại nước ngọt và rượu màu trong quán của anh. Những người lính Tây hiểu ý là vào Sở thú (Zoo), thì được uống Pernod pha nước dừa (coco), lại có nước chanh (limonade), nước đường (sirop)…
Nhà văn Nguyễn Vỹ nhắc lại kỷ niệm nhỏ trong bộ tiểu thuyết Tuấn, chàng trai nước Việt. Đó là lần nhân vật chính trong sách là Tuấn, hiện thân của nhà văn, vào Sài Gòn năm 1936, được mời ăn bánh đập và uống nước xá xị, thứ nước có cái tên kỳ dị mà anh chưa bao giờ thấy ở Hà Nội thời đó. Sau này, anh tìm hiểu mới biết danh từ “Xá xị” rất “Ba Tàu” đó lại chính là danh từ Pháp “Salsepareille” do người Hoa Chợ Lớn phiên âm ra. Chín năm sau đó, 1945, khi vào lại Sài Gòn anh tìm lại món bánh đập yêu thích nhưng không có, đành tìm lại dư hương cũ, bằng cách vào Chợ Lớn uống xá xị. Thứ nước uống ngoại lai này đi vào văn chương bằng cách giản dị và nhiều cảm xúc vậy đó.
Cuối thập niên 1940, thức uống cho người bình dân, nhất là đám học trò không có nhiều chọn lựa, vẫn là đá nhận, đá bào và một thứ chè phổ biến thường được bán chung với đá nhận đá bào là chè đậu đỏ bánh lọt ăn với nước dừa đường cát. Xá xị không mấy khi được uống, vì mắc hơn các thứ nước khác, trừ khi ai đó bị khó tiêu sẽ được khuyên ra đề-pô mua xá xị uống cho “dễ tiêu” vì sẽ ợ hơi ra. Món cà rem, làm đông đá các loại nước xi-rô hay chè đậu xanh, xắt thành từng miếng vuông hay chữ nhật, hơi lạnh tỏa ra cho đến khi cục cà rem tan dần, phải ăn cho kịp khi nó tan. Thời gian này đã có món gọi là “kem bột” nấu bằng sữa cho đông dần, múc ra bằng muỗng bỏ vào cái bánh ốc quế.
Loại kem này, bán dạo cho học trò, từ một ông đẩy xe có đặt một cái thùng kem tròn kín mít, thường múc kem bỏ vào một loại bánh không “sang” bằng bánh ốc quế làm bằng bột mì mà loại bánh bột gì đó xốp hơn, nhuộm màu xanh đỏ, trắng và cũng có chóp nhọn phía dưới để cầm. “Kem bột” thời đó, mùi vị đơn điệu, không ngon bằng kem ly bây giờ với đa dạng mùi vị. Nó đã có ở Sài Gòn từ lúc đó và có thể sớm hơn do người Pháp đưa vào xứ thuộc địa, không hẳn do người Bắc mang vào từ 1954 như có người khẳng định. Lúc đó, không hiểu sao nước mía không thấy phổ biến như từ thập niên 1960.
Xe nước giải khát dạo trên đường phố Sài gòn. Có thể ở thập niên 1930. Người bán đội nón casque thực dân. Kiểu xe khá thanh nhã (file photo)
Thế hệ đầu 6X chúng tôi lớn lên thích uống chai nước ngọt hiệu Con Cọp của hãng B.G.I của Pháp, nhãn hiệu bóng đen đầu con cọp trên nhãn hiệu và giữa chai thủy tinh có những khấc tròn đúc nổi. Đám con nít xem báo thấy hình chai nước ngọt mà thèm, nhớ câu thơ quảng cáo : “Nước ngọt Con Cọp ở đâu/ Đấy là khỏe mạnh sống lâu yêu đời”, hoặc: “Nước ngọt Con Cọp, hoan hô!/ Với chai “hỏa tiễn” điểm tô cuộc đời/ Thêm vui,thêm đẹp, thêm tươi!” (Chai hỏa tiễn là loại chai có hình thuôn nhỏ ở đầu như hỏa tiễn, vẽ hình hai đứa bé cỡi lên đang phóng đi). Thường má cho tiền mua hai chai xá xị Con Cọp, về khui ra trút nước vào cái ca lớn bằng inox tốt nhập của Mỹ bỏ sẵn đá lạnh, rót dần ra ly uống, ợ một cái cho đã và thế nào cũng bị la vì tội “bất lịch sự”.
Có khi là nước cam Bireley’s, nước cam và xá xị hiệu con nai của hãng Phương Toàn trong Chợ Lớn. Uống xong, đám con nít lượm lại mấy cái nắp khoén sắt có in nhãn hiệu. Sau khi gỡ miếng bấc màu nâu xốp lót phía trong nắp khoén, cùng nhau lấy búa đập cho dẹp ra để làm “tiền” chơi các trò có ăn thua. Còn chai thủy tinh thì cất vô trong góc, khi nào ba má sai thì nhanh chân đi đổi, chỉ hai chai xá xị chứ không được nhiều.
Tái dựng một quầy bán nước giải khát xưa tại một cuộc trưng bày ở Sài Gòn năm 2018 (VNE)
Các thức uống khác đã trở nên phong phú từ thập niên 1960, từ sương sâm, sương sáo, nước mía, các loại chè… Khi người Mỹ vào miền Nam thì có thêm nước Coca đóng chai thủy tinh cao hơn chai xá xị, hơi ga rất nồng uống vào xông “lên tới óc”. Ngoài ra còn có bột pha nước nho và nước cam hiệu Tang đựng trong hũ thủy tinh, pha nước uống khá ngon.
Sau 1975, các loại nước đóng chai ít dần và biến mất. Người lớn trẻ em quay lại uống nước hột é, sương sâm sương sáo, chè nấu với đường tán… đôi khi thèm uống nước xá xị có ga không biết đào đâu ra. Má tôi buổi chiều nghỉ bán ngoài chợ, mua mít hay nhãn nấu với nước đường cho con uống và bán cho con nít trong xóm kiếm tiền chợ. Bà cũng làm sương sa hột lựu, bằng bột năng nhào, pha màu lá cẩm, lá dứa rồi hấp chín, đặt trên mảnh vải mùng cho rút nước rồi xắt cỡ thành viên nhỏ. Khi đem luộc, những viên bột trở nên trong veo, có nhân đỏ, xanh bên trong như hạt lựu. Nước đường nấu lên, pha thêm nước dầu chuối, nước cốt dừa, bỏ hột lựu vào ăn cùng nước đá rất ngon.
Ăn theo thuở ở theo thời, đó là thức uống ngon nhất mà chúng tôi nhớ mãi đến giờ, vừa nhấm nháp thứ nước mát ngọt đó vừa chọc ghẹo nhau bằng câu vè: “Sáng sớm sương xuống, Xã Xệ xuống xuồng sang sông. Xã Xệ xực sương sâm, sương sa, sương sáo. Xực xong, Xã Xệ xuống sông… sèèè!”.
(*) Bài Nghĩ về những tiếng danh xưng nhà nước tạp chí Bách Khoa 145 (15-1-1963)
PHẠM CÔNG LUẬN