Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay tới những phong cảnh nên thơ, tưởng đến những kỷ-niệm êm-đềm, những vết tích của thời xưa để lại, cùng với những trang sử bi hùng mà ngày nay đám bình-dân và giới nghệ-sĩ còn ca tụng trong những câu hát điệu hò vô cùng ý-nhị.
Biết bao văn-nhân thi-sĩ từ bốn phương trời đến đây, đã từng say sưa trước vẻ đẹp thiên-nhiên của xứ Huế, mà họ không quên diễn tả bằng những bức tranh lộng lẫy và những vần thơ tuyệt-diệu.
Huế thơ mộng đã trải qua bao lần hưng vong trong lịch-sử. Huế ngày nay vẫn đượm một về trầm lặng mơ màng như tràn ngập trên đôi mi người thiếu-nữ yêu-kiều.
Người thiếu-nữ ấy có thể là một cô lái đò với mấy nhịp lên bổng xuống trầm, hiến cho ta một bức tranh linh động của xứ Huế muôn màu:
Tỉnh Thừa-thiên dân hiền cảnh lịch,
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng,
Tháp bảy từng, Thánh-Miếu, Chùa Ông,
Chuông khua Diệu-Đế, trống rung Tam-Tòa,
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua,
Tả Thanh-Long, hữu Bạch-Hổ đợi khách âu ca thái bình.
Tháp bảy từng đây tức là Chùa Thiên-Mụ hay là Thiên-Mẫu-Tự. Tục truyền rằng: Năm Tân -Sửu (1601), chúa Nguyễn-Hoàng đi đến chỗ này, thấy giữa đất bằng đột khởi lên một cái gò như hình đầu con rồng ngoành lại, trước có sông, sau có hồ, cảnh trí tốt đẹp. Nhân hỏi người ở đây thì đáp rằng: “Gò ấy rất linh đị, tương truyền lúc xưa có một người ban đêm trông thầy một bà già mặc áo đỏ quần lục, ngồi trên đỉnh gò mà nói: Rồi đây sẽ có chân chúa đến lập chùa ở nơi này, để tụ linh-khí mà làm cho bền long mạch; nói xong thời bà ấy biển mất, nhân thể dân-chúng mới gọi cái gò ấy là núi Thiên-mụ.
Chúa thấy chỗ đất có linh khí, bèn dựng chùa đặt tên là chùa Thiên- Mụ. Năm Ất-Tị (1665), Chúa Nguyễn-Phúc-Tân trùng tu. Năm Canh-Dần (1710), Chúa Nguyễn-Phúc-Chu cho đúc cái chuông lớn cân nặng 3285 cân ta, Chúa thân làm bài văn khắc vào chuông, Chúa cũng cho tạc một tấm bia lớn, vào cuối năm 1715, cao 2m60, rộng 1m20, dựng trên con rùa đá lớn bằng cẩm-thạch, trên bia có ghi công đức của Chúa trong việc chấn hưng đạo Phật, và những chi tiết về các kiến-trúc của chùa.
(Ảnh: Fanpage Thú Chơi Sách)
Trong chùa, tại điện Đại-Hùng, có thờ rất nhiều tượng Phật và có một cái khánh đồng do người Bồ-Đào-Nha Jean de la Croix đúc năm 1674.
Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), vua có dựng thêm ngoài cửa Nghi-Môn, một cái tháp hình bát giác, cao 5 trượng 3 thước 2 tắc (2ım24), đặt tên là tháp Tu-Nhân, sau đổi là tháp Phúc-Duyên. Tháp có bảy tầng mỗi tầng thờ một đức Phật, tầng cao nhất thờ đức Phật Thế-Tôn.
Chùa Linh-Mụ là một thắng cảnh thuộc làng Kim-Long mà danh tiếng được lưu truyền trong những câu ca-dao bất hủ:
Kim-Long có gái mỹ-miều,
Ta thương ta nhớ, ta liều ta đi!
Nước đầu cầu, khúc sâu khúc cạn,
Chèo qua Ngọc-Trản, đến vạn Kim-Long;
Sương sa gió thổi lạnh-lùng;
Sóng xao, trăng lặn, gợi lòng nhớ thương!
Từ trong chùa toả ra mùi hương ngào-ngạt, vọng lại giọng kệ cầu kinh của các vị tăng già, cùng tiếng hát câu hò của các cô gặt lúa
Tiếng chuông Thiên-Mụ dặn-dò,
Em đi: cảnh vắng, hẹn-hò cùng ai?
và bên kia sông, trên đồi Long-Thọ-Cương, tiếng gà gáy xa đưa
Gió đưa cành trúc la-đà,
Tiếng chuông Thiên-Mụ, canh gà Thọ-Cương.
Đi quá Thiên-Mụ chừng 300 thước thì có Thánh-Miếu hay là Văn-Miếu, do Vua Gia-Long dựng lên năm 1808, để thờ Đức Không-Tử, 4 vị hiền-triết môn-đệ, 72 triết-gia cùng 120 hiền-nhân quân-tử đời xưa.
Ngày nay, trong văn-chương bình-dân, còn truyền lại câu ca-dao:
Văn-Thánh trồng thông,
Võ-Thánh trồng bàng,
Ngó vô xã-tắc: hai hàng mù u.
Câu này nhắc lại một chiến-công dưới thời vua Tự Đức. Khi quân Pháp đổ bộ lên cửa Thuận-An, kéo binh vào thành Huếu, quân ta mai phục hai bên, đường vào đàn Xã-tắc, bèn lấy trái mù-u, đồ ra đẩy đường. Quân Pháp đi giày da, đạp lên mù-u, nhào té đảo điên. Quân ta thừa thế nhảy ra đánh áp lá cà làm cho quân Pháp phải chạy tán loạn. Vì vậy mới gọi là trận giặc mù-u. Ngày nay, hai bên đường Xã-tắc, còn hai hàng mù-u (callophyllum) cao ngắt nghều thỉnh thoảng rụng trái trên vai người đi đường, như để nhắc nhở một trang sử oanh-liệt.
Bây giờ chúng ta về miền Gia-Hội. Nơi này, xưa kia là nơi buôn bán tấp nập, có thể nói là một thương-cảng hồi thời kỳ Đông-Tây mới tiếp xúc với nhau. Ở đây, theo câu hò trên kia, thì có Chùa Ông thờ Đức Quan-Công, có Chùa Diệu-Đế xây năm 1844, dưới thời vua Thiệu-Trị, để thờ Phật, các vị Bổ-tát Văn-Thù và Phổ-Hiển cùng thập bát La-Hán.
Đông-Ba, Gia-Hội hai cầu,
Ngó lên Diệu-Đế: trống lầu gác chuông.
Nhưng đặc biệt nhất là cái trống Tam-Tòa, để cho dân-sự khi có điều gì uất-ức thì cứ đến đây mà đánh ba hồi trồng, cho đến khi quan Đô-Sát ra tận nơi mà nhận lá đơn của người bị ức hiếp. Sử còn ghi việc bà Bùi-Hữu-Nghĩa đi ghe từ Trà Vinh (Vinh-Long) ra đến tận Huế, để khua trống tại Tam-Pháp-Ty, nạp đơn trần tình minh-oan cho chồng bị vu cáo, và nhờ vậy mà vua mới xét lá đơn và tha bồng cho Thủ-Khoa Nghĩa.
Rồi đến sáu vài Trường-Tiền, vươn mình trên giải sông Hương trong vắt, là nơi hẹn hò của bao trai thanh gái lịch:
Cầu Trường-Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Anh qua không kịp, tội lắm em ơi!
Bấy lâu ni chịu tiếng mang lời.
Dẫu có xa nhau đi nữa, cũng bởi ông Trời mà xa!
Cầu này đã bao phen bị nước cuốn hoặc bị chiến-tranh tàn phá, chứng kiến và đau lòng trước bao cảnh hưng vong của lịch-sử cận đại. Con thuyền trôi dưới cầu tuy có vẻ mơ màng vô định, nhưng nó cũng có thể chở một Trần-Cao-Vân giả ngồi câu cá, để cùng vua Duy Tân bàn việc phục quốc chống xâm-lăng (1916):
Chiều chiều trước bến Văn-Lâu.
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai lấp-ló bên sông,
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non!
Phu-Văn-Lâu trong câu hò chính là nơi quyết-định giá-trị văn-học của những thế-hệ ngày xưa. Xây năm 1819, dưới triều Gia Long, Phu-Văn-Lâu là nơi công yết những sắc dụ và phu danh các vị tân-khoa thi hương, thi hội và thi đình. Năm 1843, vua Thiệu-Trị có cho dựng một tấm bia lớn ở phía tay mặt, và khắc một bài thơ ca tụng con sông thơm mát. Đằng trước, có dựng một tấm bia đề bốn chữ: “Khuynh cái, hạ mã”. Ai đi đến đây, trước kia, cũng phải nghiêng dù xuống ngựa, để tỏ lòng cung kính và phục tùng đối với những giá-trị tinh-thần cố hữu.
Một điều đáng ghi nhớ khác nữa là năm 1847, ở đây có cuộc tập họp 773 bô-lão tổng cộng là 59.017 tuổi, nhân lễ tứ tuần của vua Thiệu-Trị. Ngày nay, ở bên Văn-Lâu còn vọng lại đôi câu hò đầy ý nghĩa:
Bến chợ Đông-Ba, tiếng gà eo-óc,
Bến chùa Thọ-Lộc, tiếng trống sang canh:
Giữa sông Hương gợn sóng khuynh-thành,
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng.
Ngửa nghiêng vì quốc-sự, nên bấy giờ đảng Văn-Thân mới gieo ra mấy cầu hò thống thiết để kêu gọi nghĩa-sĩ bốn phương mau mau ra cứu dân giúp nước, thu phục sơn-hà:
Chợ Đông-Ba đem ra ngoài giại,
Cầu Tràng-Tiền đúc lại xi mon.
Ôi người lỡ hội chồng con!
Về đây gá nghĩa vuông tròn với ta,
Tiếng hát ngư-ông giũa sông Nhật-lệ,
Tiếng kêu đàn nhạn trên áng Hoành-Sơn.
Một mình em ngồi giữa sông Hương,
Tiếng ca theo khúc đoạn-trường ai nghe!
Cũng một phần nhờ những câu thơ bóng bẩy, nhờ những câu hò trừu tượng kia mà cả một dân-tộc đã vùng dậy, đập tan xiềng xích nô-lệ, để vươn mình sống mạnh và sống tự-do.
Nói đến Huế mà không nói đến lăng tẩm thì thật là một điều sơ suất lớn lao Và Huế sẽ không phải Huế nữa, nếu không có những lăng tẩm là cõi sống của những người đã chết. Huế là nơi “tảng tóc mỉm cười và vui tươi thổn thức” (le deuil sourit la joie soupire). Lẽ dĩ nhiên bên cạnh một thành phố phồn hoa của những người đang sống, phải có một giang-sơn thần-bí giành riêng cho những người đã khuất. Đạo lý cổ truyền của ta dạy rằng: “Sinh ký tử quy”, nghĩa là người vĩnh biệt sẽ ca khúc khải hoàn trên con đường giải thoát. Vì vậy người Á-Đông không sợ chết, và tâm hồn của họ vẫn bình thản lúc sắp từ giã cõi trần. Cho nên bất cứ vị vua chúa nào, một khi đã lên ngôi cửu ngũ, liền nghĩ đến việc lựa chọn một nơi hợp với phong thủy để xây cất nơi yên giấc ngàn thu. Chính con người Á-Đông dám đùa với Tử-thần, nên mới tìm ra bí quyết trường-sinh bất tử!
Kinh-đô Huế là nơi điều hòa sự phồn-hoa đô-hội với cảnh u-tịch trang-nghiêm. Mỗi lăng có vẻ đẹp riêng, cho nên khách du-lịch, sau khi đã đắm say mầu sắc thanh-âm chốn thị-thành, sẽ không bỏ lỡ dịp cung chiêm lăng tẩm các vua xưa.
Là vì nơi đây:
Tứ bề núi phủ mây phong,
Mảnh trăng thiên cồ, bóng tùng vạn-niên.
Chúng ta tìm thầy ở đây những công trình kiến-trúc tuyệt-mỹ đã làm xiêu lòng khách du-lịch tứ-phương cùng những bài học thanh-cao ghi trên bia đá tượng-đồng.
Bởi thế khi chúng ta xem lăng, liền nảy ra một lòng tôn kính lạ lùng đối với người đã khuất, những người thợ vô danh, những kiến-trúc-sư khiêm nhã đã gây dựng bao công trình vĩ đại.
Có cả thảy tám lăng chính: Gia-Long, Minh-Mạng, Thiệu-Trị, Tự-Đức, Dục-Đức, Kiền-Phúc, Đồng-Khánh và Khải-Định. Các lăng tẩm đều xây ở phía Tây Kinh-đô Huế, hai bên bờ sông Hương.
Lăng tẩm Huế có thể xem như những kỳ-quan của thế-giới, vì kiến trúc cũng như vì khung cảnh trang nghiêm hùng-vĩ… Thượng-Chi tiên-sinh đã viết trong Nam-Phong tạp-chi năm 1918 rằng: “Lăng đây là gồm cả màu trời sắc nước, núi cao rừng rậm, gió thổi ngọn cây, suối reo hang đá. Lăng đây là bức cảnh thiên-nhiên tuyệt đẹp ghép vào một cảnh nhân tạo tuyệt vời. Lăng đây là cái nhân công tô-điểm sơn-hà, gợi nên một tâm hồn não-nùng u-uất như phảng-phất trong cung-điện âm-thầm, như rì-rào trên ngọn thông hiu-hắt. Không biết lời gì mà tả được cái cảm giác lạ, êm-đềm, ảo-não, nó chìm đắm khách du-quan trong cái cảnh tịch mịch u sầu ấy.”
Đến đây chúng ta dã kết thúc một cuộc du-ngoạn tổng quát nơi xứ Huề, trong không-gian và thời-gian. Chúng ta đã ngược giòng lịch-sử với Huế muôn thuở; chúng ta chiêm ngưỡng Huế đẹp và thơ; chúng ta phấn khởi với Huế kháng-chiến chống xâm lăng và chúng ta cũng đã thông cảm với Huế u buồn tịch mịch.
Đã có lúc Huế gần như chết với bao cảnh lầm than, đến nỗi đã có người than rằng:
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự,
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương!
Trọi trơ đỉnh Ngự chim tìm tổ,
Ngao-ngán giòng Hương cá lẩy mồi!
Ngày nay, hòa-bình đã trở lại trên giang-sơn nước Việt, Một chỉnh-thể mới đã ra đời, đang đưa dân ta đến những chân trời mới lạ. Cây cỏ đã bắt đầu mọc trên đỉnh Ngự và đò giang qua lại nhộn nhịp trên giòng sông Hương.
Huế đã sống lại trong cảnh huy hoàng, và đối với khách du-ngoạn, Huế sẵn có một mãnh-lực hấp dẫn lạ thường, là vì:
Kìa nước nọ non hãy còn như cũ,
Giang-sơn cẩm-tú ai nhủ em lo?
Chừ dây tái-tạo cơ-đồ,
Đã có cây cho chim đậu, lại có đò cho em đi!
Gia-Định, Trong-Đông Canh-Tý, 1960
Việt-Điểu THÁI-VĂN-KIỀM
Trích “Cố Đô Huế”
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách