Hồn hoa thấm đậm đa văn hoá của du khách khiến Đà Lạt bỗng xôn xao áo lụa, chải chuốt điểm trang hơn. Niềm tiếc, nỗi nhớ, cái nhìn của người trở về chốn xưa là thương, là tưởng thưở hồn nhiên, hoài khuôn mặt đơn sơ, nuối dáng vẻ trắng trong cô bé tuổi hoa bướm ngày nào vậy.
Mấy mươi năm rồi, Đà Lạt xưa của tôi là Đà Lạt của kiến trúc Tây Phương, là Đà Lạt của những ngôi biệt thự nằm rất yên tĩnh, vắng vẻ, an bình và nên thơ. Của những cơn mưa dai dẳng rả rích, lay phay trải dài những con đường đất đỏ, ướt mềm con dốc nghiêng nghiêng. Những rừng thông và dương sỉ xanh ngắt che bóng một, hai cô sơn nữ vai gùi, tay xách, tay ôm bước vội bên đường. Đâu đó xa xa rải rác những ngôi nhà sàn chân cao thả khói ban chiều lơ lửng. Tôi nhớ những chuyến xe đò vun vút quẹo qua từng khúc quanh nguy hiểm, để tâm trí du khách đậu lại sợ hãi trên những ngôi miếu nhỏ thờ vong hồn người tử nạn ở góc đường. Và nhớ những dãy đồi trà ngan ngát xanh típ tắt cuối con đèo qua Bảo Lộc. Thương thương làm sao dàn xu xu đầy trái vươn mình bên từng khoảng vuông mênh mông toàn là bắp núi.
Những địa danh gợi nhớ Đơn Dương,Trại Hầm, Trại Mát, Trạm Bò, Đèo Ngoạn Mục, Nhà thờ con gà, Chợ Hoà Bình và nhiều nhiều thứ đáng nhớ khác đọng lại trong trí tôi khi tôi theo bố ghé thăm Đà Lạt ngày xưa. Tôi yêu những trái thông khô phủ đầy mặt đất những nẻo đường qua. Tôi thích mứt khoai, mứt mận, bánh phồng loại nho nhỏ bằng bàn tay bán rong ở bến xe, trái bơ, khô nai và những thức vặt vãnh đặc sản khác của Đà Lạt. Trong trí cô bé Sài Gòn lúc ấy của tôi con gái Đà Lạt thật đẹp với những khăn phula, má đỏ, môi hồng. Nhìn dáng vẻ sang cả người thiếu nữ đứng bán sách khu phố gần chợ Hoà Bình bên nét điềm đạm người con trai da trắng, áo len đen thành phố sương, lòng tôi hay bất cứ du khách ghé chơi nào không thoáng nhen nhúm chút mơ hoa và mơ yêu?
Nói đến hoa, ai đến nơi này không mến chốn đất đỏ thiên đường của cỏ hoa chen sắc và cả hoa biết nói nữa. Có sống ở nơi cái nóng rịn rịt mồ hôi đuổi theo từng bước chân như Sài Gòn người ta mới cảm được nỗi hân hoan khi chạm nếm giọt mưa dầm lạnh lất phất đất cao nguyên. Mưa tưới tấm giọt phù sa dung nham ngày cũ làm nở vạn đoá hoa Đà Lạt. Cô bé say mê ngắm màu tím Pensés, Mimosa rực vàng. Để mắt êm ả rập rờn cánh bướm trên từng dậu Tigôn hồng nhạt bé xinh bờ tường những căn biệt thự. Óc bận rộn lay ký ức tìm câu chuyện cảm động đọc đâu đó về người con trai vì hái đóa tím dại cho người yêu mà té chết bờ vực sâu, trước khi chết còn thiết tha nhắn lại "Forget me not".
Từ ngàn xưa hình ảnh những cặp tình nhân đã gắn liền với đất trời Đà Lạt, nên mỗi khi nói đến đi hưởng tuần trăng mật người ta liền nhớ đến nơi này. Khung cảnh thơ mộng, khí hậu mát lạnh của Đà Lạt rất thích hợp với tình yêu. Lên Đà Lạt mà lên một mình để nhìn đồi núi mênh mông, tê tê với cái lạnh se da của sương, man mát với cái ướt của mưa phùn, hỏi ai không thấy mình cần một bờ vai ôm, một vòng tay ấm? Thoát sự cuốn hút nhộn nhịp của phố thị, buông giây bon chen của thành đô, tìm về một góc phố êm ả, ấy mới phút thú vị đời người. Khách có thể thả bộ loanh quanh trên những con đường tĩnh lặng và tìm ra mấy khi tâm mình được yên ắng mà lắng xuống một cách dịu dàng như thế.
Ghé cà phê Tùng để ngắm phố, ngắm người, nghe vài cung tơ Pháp cũ của Sylvie Vartan, Chirstophe, khách lãng du dễ để sóng lòng lao đao theo bước chân ai ngoài khung cửa. Cà phê Tùng đã có mặt ở Đà Lạt hơn nửa thế kỷ. Nằm ở trung tâm khu phố Hòa Bình, vị thế cà phê Tùng là lợi điểm hàng đầu của nó. Chỉ cần nhìn qua khung kính, du khách có thể theo dõi bóng dáng các thiếu nữ thướt tha qua lại, nên nó một thời là nơi đóng đô của các cậu thanh niên và các đấng mày râu. Cái tên Tùng không những gợi hình những gốc tùng xanh ngắt mà còn khơi lại bao kỷ niệm, góc hồi ức của những chàng trai tha phương một chốn trở về ấm cúng. Đà Lạt có biết bao nhiêu quán cà phê, bao nhiêu nơi thanh lịch cho du khách dừng chân, tại sao những người muôn năm cũ có quay về lại chỉ muốn đến Tùng? Muốn ngồi xuống bên bức tường ám khói, cạnh những bức tranh cũ ngấm vết thăng trầm mà tưởng lại những con người cũng tầng tầng ám khói.
Chiều nay tôi theo một người bạn đến Tùng, thăm lại những bức tranh úa màu thời gian của bác Đinh Cường, uống từng ngụm cà phê đăng đắng để nghe hồn nhỏ đều từng giọt. Tiếng thăm hỏi bà cụ chủ quán của anh bạn như mơ hồ, lãng đãng. Bà cụ kể ông cụ chết cách đây vài năm, khi đứng trước cửa quán bị một anh xe ôm lạc tay lái bay lên lề đường tông vào. Con cái giờ đi ra nước ngoài hết, cụ sống âm thầm trông coi cửa tiệm như một cái bóng khói ám dấu tường mỏi mệt.
Nghe bà cụ khơi lại những vết bụi trên lớp tro quá vãng, anh bạn tôi bùi ngùi thăm hỏi những cư dân Đà Lạt thân quen cũ. Cụ ngao ngán nói giờ chỉ còn đủ đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay Đà Lạt đang ngập lụt với dân định cư muốn chuyển hộ khẩu từ Bắc,Trung và miền Tây vào. Bây giờ, phỏng chừng, Đà Lạt có khoảng 26% dân miền Bắc nhập cư, 22% Trung, 18% miền Tây, 14% Dân tộc và 38% cư dân Đà Lạt cũ. Thật ra thì từ bao thế kỷ trước Đà Lạt đã là một thành phố toàn dân nhập cư, người dân tộc mới là dân chính gốc Đà Lạt. Anh bạn tôi an ủi cụ, người đến kẻ đi, đất lành chim đậu, mật độ dân số cao, thành phố mới phát triển nhanh và tiến hoá chứ bác ơi. Nhưng có điều sự phát triển, kéo theo kiến trúc xây dựng hỗn loạn quá, trông rối mắt và mất đi đường nét thẩm mỹ lai Pháp ngày trước. Gần đây có một bài báo phàn nàn về Đà Lạt ngổn ngang tình trạng xây dựng trái phép. Hằng năm có thêm hàng trăm căn nhà xây không phép được mọc lên mà chính quyền và ngành chức năng ở đây gần như chỉ đứng bên lề. Tình trạng này góp phần phá vỡ quy hoạch của thành phố Đà Lạt, làm bộ mặt thành phố xấu đi.
Cụ ngồi thở than và dẫn dụ anh bạn tôi đổ cái nhìn về quá khứ, về thế giới đen trẳng những ngày anh bạn tôi thơ thẩn chờ ai cổng trường Lycee Yersin. Phút ấy tôi mới chợt nhận ra nét "rất Tây" của anh bạn mình. Tôi tự hỏi có phải cái Tây của phố núi và những từ ngữ: Pasteur, Lycée, Grand, Petit, Couvent, Oiseaux, Domaine de Marie...v... v..., trong đời sống hàng ngày đã nhiễm vào con người Đà Lạt làm cho cư dân Đà Lạt ngày đó có một nếp văn hoá rất thoáng và cởi mở không ? Còn các chàng trai Đà Lạt bị ảnh hưởng những cung cách Tây mà trở nên rất ga lăng, rất Tây không?
Có lẽ tâm thức hoài cổ và hoài Tây của bà cụ cũng là tâm thức của những cư dân Đà Lạt xưa. Trong một bài báo tôi tình cờ đọc, có một thanh niên hiến đời mình vào thú sưu tầm đồ cổ và gia dụng dùng trong các ngôi biệt thự Pháp cũ. Anh sở hữu một bộ sưu tập đồ cổ khoảng 3.000 món. * Điều làm nên sự khác biệt của tay chơi này với những nhà sưu tầm khác là tính địa phương của cổ vật. Hầu hết chúng là những món gắn liền với đời sống xã hội của Đà Lạt từ những ngày đầu khu nghỉ mát cao nguyên được người Pháp thành lập.
Điều đáng quý là dù sống một cuộc sống kham khổ, thiếu trước hụt sau anh vẫn không bán những cổ vật ấy đi. Anh lưu giữ chúng như lưu giữ những hình ảnh phản chiếu của một thời quá vãng, một thuở văn hoá Việt nam dập dìu những tiếng Lơ, La, Moa, Toa đậm đà màu thuộc địa.
Anh bạn nhân câu chuyện kể thêm về niềm "tự hào dân tộc" của mình. Ngày xưa, có một bài báo ở đất Nam (ý nói đất Sài Gòn cũ), đánh giá Đà Lạt là thành phố "trí thức" nhất miền Nam. Sự đánh giá đúng hay sai này "tùy thuộc vào người đối diện" nhưng tiêu chuẩn được đặt ra là "So với dân số, Đà lạt là thành phố có tỷ lệ trường cấp đại học cao nhất.
Miền Nam trong thập niên 60, chỉ có bốn trường đại học thì Đà Lạt đã chiếm một tức Viện Đại Học Đà Lạt, còn ba Viện kia là Đại Học Sài Gòn, Vạn Hạnh và Huế (Khi ấy chưa có Đại học Minh Đức ở Sài Gòn và Đại Học Cần Thơ ở Cần Thơ) . Ngoài ra Đà Lạt còn 3 đại học quân sự là Trường Võ Bị Đà Lạt, Trường Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt (Lúc đầu học trình các trường này ngắn hơn nhưng sau cùng thì học trình cho cả 2 trường đều là 4 năm tức tương đương bậc Cử Nhân) và Trường Đại Học Tham Mưu cho các sĩ quan Trung Cấp (từ Trung uý cho đến Trung tá).
Đà Lạt lại có 2 đại học thần học của Công giáo là Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế và Giáo Hoàng Học Viện. Đặc biệt nơi này được giảng dạy bởi các giáo sư thần học ngoại quốc. Có khoảng trên 100 giáo sư từ phương Tây sang cư ngụ và giảng dạy. Nói tóm lại, nếu xét các định chế cấp bậc đại học ở đủ mọi lãnh vực thì Đà Lạt có thể dám chiếm tới 40 tới 50% tổng số của cả miền Nam thời ấy. Đó là chưa kể Đà Lạt có tới 4 hoặc 5 trường trung học chương trình Pháp vốn được xem là có giá trị cao ở đất Nam.
Tôi theo anh bạn đi thăm lại những ngôi trường cũ anh kể, nhìn lại nơi chốn "vang bóng một thời" của bao nhiêu mầm non đất nước ngày xưa đã mài đũng quần mòn ghế gỗ. "Vật đổi sao dời", tên trường đổi, có trường không còn. Anh bạn ngậm ngùi nhìn từng hàng ghế. Cái nhìn anh thẳm sâu hun hút dãy hành lang. Cánh cửa ký ức của anh có lẽ đang rộng mở đón hình ảnh cậu bé ôm cặp da ngây ngô, mặc đồng phục, đứng xếp hàng sau các bạn lần lượt vào lớp.
Hôm sau, anh bạn dẫn tôi viếng cao nguyên Lâm Viên. Tôi và anh hì hục leo dốc đồi của đỉnh Liang Bang. Lên được một đoạn khá rộng rãi, tôi đứng vắt vẻo trên cao nhìn xuống thung lũng xanh rờn điểm sọc đỏ, màu của đất thịt, thấy lòng lâng lâng và thanh thản lắm. Lác đác đâu đó những vệt khói lam vắt ngang lưng trời trông cao nguyên màu mỡ đẹp khôn tả. Hít đầy phổi không khí sạch và thơm, tôi bỗng dưng cảm được cái ơn đất trời thiêng liêng kỳ diệu. Anh bảo tôi, thở đi vì chỉ nơi này mới có hương của phấn thông, hương của ban mai và hò hẹn. Phía bên kia trái núi là một cảnh đời khác, không khí ô nhiễm và thiên nhiên bị phá hoại đến tàn nhẫn. Theo ngón tay anh chỉ xa mút mắt, tôi thấy bóng những người dân tộc cần cù lao tác bên những thửa vườn hay ruộng xanh non. Anh nói nhà, đất của họ đã bị lấy đi, bị biến thành đất quy hoạch để bán cho các kẻ có tiền. Họ bị đuổi sâu vào trong núi, bên những chung cư xây vội. Những ngôi nhà sàn nên thơ giờ đã lần hồi biến mất. Người ta còn đuổi họ đi để lấy chỗ khai thác Bauxite. Giọng anh buồn khi chạm đến nỗi đau tứa máu của Lâm Viên. Tôi thấy được rừng thông bị tàn phá để lấy gỗ. Thác Cam Ly cạn kiệt không còn nước đổ. Đi tới đâu cũng nghe nơi này bị bán cho ngoại quốc, nơi kia bị sang cho ngoại kiều. Khuôn mặt anh sụp xuống trong góc nhìn màu xám về Đà Lạt.
Sự thay đổi của Đà Lạt hôm nay làm giật mình kẻ trở về. Cái náo nhiệt xô bồ của phố xá đông nhộn làm vui tai người mới tới. Nét duyên dáng nồng nàn của miền núi và tính đa văn hoá của con người do sự tụ hội của du khách đến từ các nơi, tạo cho Đà Lạt một bản sắc đặt thù rất riêng. Nhịp tăng trưởng không ngừng của dân cư, kiến trúc và du khách,kích thích tăng trưởng kinh tế, thương mại, ngành du lịch, và nó còn kéo theo các ngành nghề khác nữa như giao thông, vận tải, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật. Nhưng chính tiềm năng dồi dào tài nguyên thiên nhiên đã hại Đà Lạt. Nó quyến rũ sự chiếm hữu của con người. Người ta đến để tận dụng khai thác và hủy hoại nó. Cái thuyết "tài mệnh tương đố" có phải đúng trong trường hợp này.
Bất cứ sự phát triển nào cũng có hai mặt tiêu và tích cực. Tuy nhiên, theo tôi dù cho Đà Lạt có thay đổi đến đâu đi nữa. Tâm thức hoài cổ của cư dân ngày cũ có vằng vặc cao vợi mấy tầng đi nữa. Tình mến yêu Đà Lạt của mọi người vẫn còn nguyên đấy. Chỉ cần một bức tranh, một bài hát, một nhắc nhở ân cần, tấm lòng người đi xa sẽ sẵn sàng quay lại để nhớ về và thương mến. Có lẽ Đà Lạt mãi mãi là bông hoa miền cao nở rộ trên triền đồi ký ức của những kẻ phải lưu vong xa xứ.
Tác giả: Trịnh Thanh Thủy