Đường Nguyễn Huệ là một trong những con đường đẹp nhất của Sài Gòn, nằm trải dài từ trước trụ sở Tòa Đô chính (sảnh) trước năm 1975, Dinh Xã Tây Dinh Đốc Lý thời thuộc Pháp – đến Bến Bạch Đằng, với nhiều tòa nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán sầm uất. Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, đường Nguyễn Huệ lại biến thành một đường hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều khách viếng thăm, và trở thành một địa chỉ quen thuộc cho những vị khách du xuân. Nếu làm một chuyến đi về quá khứ, chúng ta sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị và bất ngờ trong lịch sử hình thành đường Nguyễn Huệ ở Sài Gòn.
Khởi thủy đường Nguyễn Huệ là 1 con kênh dẫn vào thành Gia Định (còn gọi Thành Bát Quái 1790-1835). Người Pháp gọi là Kênh Grand, người Việt gọi là Kênh Chợ Vải.
Kênh Chợ Vải (Kênh Lớn) và đường Charner nhìn từ phía sông Sài Gòn vào phía tòa Thị chính (lúc này chưa xây) và cũng chưa thấy có Nhà thờ Đức Bà (khởi công 1877, hoàn thành 1880). (Ảnh: Manhhai, Flickr)
Dãy nhà phố trên dường Charner. Hai con đường hai bên Kinh Lớn: một chạy xuống phía bờ sông Sài Gòn, qua phía trước Chợ Cũ là rue Rigault de Genouilly (bên trái), đường từ phía sông chạy lên là rue Charner (bên phải). Khi Kinh Lớn bị lấp vào năm 1887 thì hai con đường được nhập lại thành Boulevard Charner tức là ĐL Nguyễn Huệ sau này. (Ảnh: Manhhai, Flickr)
Dọc bờ kênh là một con đường được người Pháp đặt tên là đường Charner (đường bên phải trong ảnh), hay một tên gọi khác là đường Quảng Đông (Rue de Canton), bởi đa số người Hoa làm nghề buôn bán ở đây đều là người Quảng Đông. Phía đối diện bờ kênh là đường Rigault de Genouilly.
Cuối Kênh Chợ Vải nhìn ra sông Sài Gòn, có thể thấy có 1 cây cầu để nối hai bờ kênh, xa xa là Bến Nhà Rồng. (Ảnh: OntheNet)
Bên phía đường Canton chúng ta có thể thấy một ngôi chợ. Chợ đã hình thành từ trước khi người Pháp chiếm Sài Gòn, nằm cạnh bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.
Các nhà lồng chợ Charner, được xây dựng vào năm 1860 và là ngôi chợ đầu tiên của Sài Gòn. Hàng hóa thực phẩm cung cấp cho chợ này bằng con kênh đào chạy qua phía trước chợ gọi là Kênh lớn, vị trí nằm ngay giữa đường Nguyễn Huệ ngày nay. Con đường bên phải chợ là Rue Vannier, ngày nay là đường Ngô Đức Kế, đường bên trái là Rue Phủ Kiệt, nay là Hải Triều. Đường phía sau chợ là Rue Georges Guynemer (còn có tên khác trước đó là rue d’Adran). (Ảnh: Manhhai, Flickr)
Vào năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sáp nhập hai con đường ở hai bờ lại làm một thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường Kinh Lấp.
Đường bên phải là rue Vannier. Chữ viết tay trên hình ghi ngày 21 Avril 1908. Con đường bên hông chợ Bến Thành cũ… Chợ được dời về vị trí hiện nay vào năm 1914. Vị trí chợ cũ nay là tòa nhà Bitexco và kho bạc. (Ảnh: Manhhai, Flickr)
Thương xá Tax ngày xưa. (Ảnh: Manhhai, Flickr)
Bò kéo xe qua đường Charner, Saigon 1948. (Ảnh: LIFE)
ĐL Charner nhìn vê Dinh Xã Tây.
Đường Nguyễn Huệ ngày xưa (ảnh chụp từ trên cao). (Ảnh: Manhhai, Flickr)
Vào thập niên 50, Đại Lộ Charner – Nguyễn Huệ là một trong những con đường đẹp nhất của Hòn Ngọc Viễn Đông – Sài Gòn. Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, đại lộ Nguyễn Huệ đã biến đổi từng bước theo thời cuộc và cho đến ngày nay nó vẫn là con đường đẹp bậc nhất của Sài Gòn hoa lệ.
Saigon 1882 – CAFE RESTAURANT DE MARSEILLE – Quai de Commerce (bến Bạch Đằng ngày nay). (Ảnh: Manhhai, Flickr)
Kiosque hoa trên ĐL Nguyễn Huệ. (Ảnh: delcampe.net)
ĐL Charner với những kiosqe bán hoa. (Ảnh: Manhhai, Flickr)
Quán cơm trưa trên đường Nguyễn Huệ (1966). (Ảnh: vietnamese.org.au)
Taxi, xích lô máy ở góc Lê Lợi/Nguyễn Huệ Sài Gòn.
Chợ hoa Nguyễn Huệ (circa 1966-7). (Ảnh: Flickr)
(Ảnh: Tom Briggs)
Khắc Huy
Theo bài viết cùng tên đăng trên forum.trungtamasia.com