Taxi Sài Gòn là một nét văn hóa đặc trưng của vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Taxi chạy khắp mọi nẻo đường, hành khách muốn đi phải vẫy xe ngừng lại, vì thời ấy taxi không có tổng đài để giao dịch, khách vào là bẻ cờ cho đồng hồ tính tiền chạy.
Bến xe taxi là những nơi các bác tài kinh nghiệm có nhiều khách vãng lai như bến Bạch Đằng, công trường Mê Linh, chợ Bến Thành, vùng Lăng Ông Bà Chiểu… Ban đêm thì xe tập trung ở các rạp hát bóng (cinema), nhất là rạp hát cải lương hay đại nhạc hội.
Phổ biến nhất là Renault 4CV. Loại xe này được nhập cảng vào Việt Nam cuối thập niên 1940, sau đó được dùng thành xe taxi vì giá rẻ, dễ bảo trì đáp ứng nhu cầu vận chuyển cho khách vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.
Đến cuối năm 1968, đô thành Sài Gòn – Gia Định có 7.400 taxi, 2.440 xích lô máy. Đến năm 1971, xe Lam là phương tiện vận chuyển quan trọng nhất Sài Gòn cũng như các tỉnh miền Nam vì hệ thống xe buýt đã ngưng hoạt động và chưa phục hồi. Theo báo chí lúc đó thì toàn miền Nam có 30.668 chiếc, số xe Lam lưu hành gấp 7 lần xe taxi.
Sau này thì taxi Sài Gòn còn có thêm dòng xe Dauphine. Sản xuất từ năm 1956 đến 1967, Dauphine là loại xe thông dụng máy đặt phía sau, thân khung liền vỏ, hộp số tự động có ba số, không tự động có 3 hoặc 4 số, 4 cửa, động cơ 845 phân khối. Dauphine được đưa ra thị trường nhằm thay thế cho dòng xe rất thành công trước là đó 4CV. Cùng thời với Volkswagen Beetle, Morris Minor, Mini and Fiat 500, đây là những dòng xe đi đầu trong chiến lược sản xuất xe thông dụng, giá phải chăng ở Âu Châu thời bấy giờ.
Một số lớn Dauphine cùng các dòng xe Nhật khác được nhập cảng vào Việt Nam Cộng Hòa qua chương trình hữu sản hoá 1968 làm taxi. Theo đó, năm 1966 – 1967, chính phủ Sài Gòn đã tiến hành một chương trình mang tên “Hữu sản hoá” nhằm cung cấp phương tiện hành nghề chuyên chở công cộng cho những ai cần việc làm và cũng để cải thiện đời sống giới thợ thuyền, phát triển hạ tầng cơ sở vận tải.
Đợt hữu sản hóa đầu tiên mang tên “Tự chủ” được thực hiện bằng cách cho giới lao động đang cầm lái thuê mượn tiền, và cho trả góp, để mua loại xe mà họ đang sử dụng để kiếm sống (giá rất rẻ). Những chiếc xe hơi sản xuất tại Nhật như Datsun, Mazda, v.v. cũng được trao cho những tài xế taxi.
Với những chiếc taxi trong đợt này, ngoài màu sơn truyền thống lúc đó là “vàng mui, và xanh dương thân”, xe còn được in thêm hàng chữ “Hữu sản hóa, đợt Tự chủ” lên hai bên hông xe. Những chiếc taxi “mới” này đã hòa vào với các giòng xe khác để làm thành một thí dụ khá sinh động cho hình ảnh Hòn ngọc Viễn Đông.
Theo Maivantran.com
Minh Nhật tổng hợp