Thứ Hai, 26 Tháng Tám, 2019

Thăm lăng mộ các bậc hiền nhân Sài Gòn-Gia Định xưa

Thăm lăng mộ các bậc hiền nhân Sài Gòn-Gia Định xưa - 1
Cổng vào Lăng Ông-Bà Chiểu. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Ở Sài Gòn hiện nay không phải ai cũng biết có những thân phận đặc biệt đang yên nghỉ, mà công lao của họ được sử sách ghi lại đời đời.

Lăng Ông – biểu trưng của Sài Gòn

Trước năm 1975, nếu biểu trưng của Hà Nội và miền Bắc là chùa Một Cột, ở Huế và miền Trung là chùa Thiên Mụ, thì Sài Gòn và miền Nam chính là Lăng Ông chứ không phải chợ Bến Thành hay bưu điện Sài Gòn, vì Sài Gòn nằm trong một chuỗi biểu trưng của đền-chùa-lăng tẩm.

Khi tổng trấn thành Gia Định, Tả Quân Lê Văn Duyệt qua đời năm 1832 thì Lăng Ông được xây dựng. Vùng đất quanh Lăng Ông cũng được triều đình ban cho, để tạo huê lợi trong việc hương khói, thờ phụng tả quân. Về sau, cạnh Lăng Ông có một ngôi chợ mang tên Bà Chiểu, dần dà người ta quen gọi là Lăng Ông-Bà Chiểu.

Cho đến nay, nhiều người cư ngụ dưới chân Cầu Bông gần đó, đều cho rằng trong tất cả các lăng mộ ở khắp vùng Sài Gòn-Gia Định, chưa có lăng mộ nào bề thế, kỳ vĩ và được người dân sùng bái, nhang khói mỗi ngày như Lăng Ông.

Ông T., năm nay 75 tuổi, vốn là cựu cư dân cư ngụ gần Lăng Ông, hễ có dịp thì ghé lại lăng và thơ thẩn trong khuôn viên lăng như để nhớ lại những năm tháng đã qua của đời mình.

Theo ông, trước 1975 vào những ngày lễ Tết, người ta đi lễ Lăng Ông rất đông. Trong lăng lúc nào cũng nghi ngút nhang khói, ai cũng cầm thẻ nhang đốt sẵn trên tay, nên người nào mà lớ ngớ là cháy áo như chơi.

Thăm lăng mộ các bậc hiền nhân Sài Gòn-Gia Định xưa - 2
Tượng Tả Quân Lê Văn Duyệt bằng đồng mới được đúc từ năm 2008 trong Lăng Ông. Tượng này dựa trên hình của tả quân in trên tờ giấy bạc của VNCH phát hành năm 1966. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Đi lễ Lăng Ông đông nhất có lẽ là người Hoa. Họ toàn cúng heo quay nguyên con, còn tiền thì từng xấp, từng xấp. Mà cúng rồi thì họ để lại cả heo quay lẫn… bó tiền. Lăng Ông còn nổi tiếng về xin xăm vì trong khu này còn có nhiều thầy bà bói toán, thầy tử vi nổi danh… vì vậy Lăng Ông trở thành một nơi người ta thích tới lễ bái, thờ phượng.

Còn bây giờ, ông cho hay, thấy rất ít người Hoa đi lễ Lăng Ông.

Ông T. trầm ngâm nói: “Có lẽ những người Hoa giàu có xưa kia đã đi hết rồi. Đám nhà giàu mới bây giờ đâu có thèm biết tới công đức của Ông.”

Với người Hoa của đất Sài Gòn-Gia Định xưa, Tả Quân Lê Văn Duyệt trong lòng họ chẳng khác nào một vị Quan Công của Đại Việt. Vì vậy người Sài Gòn xưa, khi ấm ức ai, chuyện gì chưa phân định rõ ràng, câu nói cửa miệng là: “Có ngon, tới Lăng Ông thề!”

Trương Vĩnh Ký – thiên tài ngoại ngữ

Nói đến miền Nam và đất Gia Định xưa không thể không nhắc đến tên tuổi của nhà văn hóa tiền phong Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Tuy không phải là nhà sáng lập chữ quốc ngữ, nhưng thời làm chánh tổng tài tờ Gia Định báo, tờ báo đầu tiên của người Việt in bằng chữ quốc ngữ, ông đã viết bài kêu gọi mọi người học chữ quốc ngữ.

Thăm lăng mộ các bậc hiền nhân Sài Gòn-Gia Định xưa - 3
Mộ học giả Trương Vĩnh Ký ở giữa và vợ con hai bên. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Petrus Ký (tên thánh của ông) biết 26 ngôn ngữ, trong đó đọc và nói được 15 thứ tiếng, viết được 11 thứ tiếng. Ngoài việc làm báo, ông để lại cho đời 119 tác phẩm, trong đó ngoài sách biên khảo ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, địa chí, sách du ký… ông còn dịch ra chữ quốc ngữ nhiều văn bản Hán, Nôm.

Có thể nói, trong lãnh vực ngôn ngữ, Petrus Ký là người thông kim bác cổ trong nhiều địa hạt văn hóa. Ông thật sự là người dẫn lộ cho văn hóa Đông và Tây gặp nhau trong thuở giao thời, tạo những tiền đề căn bản cho sự phôi thai báo chí, văn chương quốc ngữ và nền quốc học hiện đại sau này của người Việt.

Hiện ông yên nghỉ trong khuôn viên tọa lạc tại số 520 đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. Nơi đây vẫn còn nguyên ngôi nhà rường cũ, rêu phong mà lúc cuối đời, ngán ngẩm chốn quan trường, ông lui về ẩn dật và chuyên tâm viết sách.

Thăm lăng mộ các bậc hiền nhân Sài Gòn-Gia Định xưa - 4
Ngôi nhà rường mà ông Trương Vĩnh Ký sống những năm tháng rời khỏi chốn quan trường cho đến ngày ông qua đời. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Trên mộ bia, được làm sẵn từ ngày còn chưa mất, ông Trương Vĩnh Ký cho khắc dòng chữ bằng tiếng La Tinh: “Miseremini mei saltem vos acimic mei” (Xin hãy thương xót tôi, ít ra là những bằng hữu của tôi) như nói lên nỗi lòng thiên cổ của một người Việt đã được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái của thế kỷ 19.

Ông nằm đây, hằng ngày được hai người cháu cố đời thứ tư là Trương Minh Mẫn và Trương Minh Đạt chăm sóc, giữ gìn nhà mồ.

Ông Mẫn thì bán cà phê vỉa hè phía trước khuôn viên của ông cố mình. Còn ông Đạt bán thức ăn sáng, và phục vụ cà phê phía trong khuôn viên.

Lâu lâu, có khách nào biết mà ghé thăm mộ phần Trương Vĩnh Ký thì hai ông vui vẻ dẫn khách đi thăm viếng, thắp nhang, dù ông Petrus Ký là người Công Giáo.

Theo ông Trương Minh Đạt, thời kỳ khó khăn nhất là những năm đầu sau biến cố năm 1975. Lúc đó ông phải chạy vạy kiện cáo hết từ thành phố tới ngoài trung ương để giữ lại mảnh đất rộng hơn 2,000 mét vuông, với nhà cửa, mồ mả của ông cố và dòng tộc để lại.

Hồ Biểu Chánh – nhà văn Nam Bộ rặt

Thăm lăng mộ các bậc hiền nhân Sài Gòn-Gia Định xưa - 5
Mộ của nhà văn Hồ Biểu Chánh cùng mộ hiền thê của ông trong khuôn viên An Tất Viên-Gò Vấp. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Trong cuốn “Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại,” nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đánh giá Hồ Biểu Chánh không chỉ là nhà văn tiền phong của miền Nam, mà còn là nhà văn quốc ngữ tiền phong của Việt Nam. Ngoài ra ông còn là tác giả của nhiều cuốn biên khảo lịch sử-văn hóa, soạn tuồng cải lương, soạn hát bội, tản văn, truyện ngắn, truyện dịch, phóng tác…

Nhưng, thuở ban đầu, ông không phải là nhà văn, mà làm quan và từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Dù làm quan nhưng đôi lần ông vẫn đóng vai người xà ích đánh xe ngựa chở khách để được lắng nghe những câu chuyện đời, biết phong cách ngôn từ của người dân quê, mà sau này ông đưa vào tác phẩm.

Sau khi rời bỏ chốn quan trường ông chuyên cần việc chữ nghĩa cho đến ngày tạ thế. Ông đã đưa những câu chuyện, hình ảnh, ngôn ngữ người miền Nam vào văn chương thành phong cách riêng của mình.

Thăm lăng mộ các bậc hiền nhân Sài Gòn-Gia Định xưa - 6
Bà Lê Thị Mỹ Dung, cháu ngoại nhà văn Hồ Biểu Chánh đã vào tuổi 80, bên ngôi mộ của ông tại khu An Tất Viên. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Văn chương ông, chẳng bao giờ ra vẻ trưởng giả để cho sang, mà hoàn toàn mộc mạc, thuần khiết như đời sống thanh bình, trù phú của người miền Nam xưa. Như trong sổ ghi chép của mình, ngoài bìa ông ghi “sổ ghi chép hàng ngày” chứ chẳng phải là “nhật ký!”

Nhà văn Hồ Biểu Chánh mất năm 1958 tại Phú Nhuận, Sài Gòn. Con đường chạy ngang ngôi nhà cũ mà ông đã sống và viết trong những năm cuối đời, được mang tên Hồ Biểu Chánh từ thời VNCH đến ngày nay.

Khoảng giữa thập niên 1990, sách của Hồ Biểu Chánh được tái bản ồ ạt với hàng chục đầu sách. Không những vậy, tiểu thuyết của ông còn dựng thành hàng chục cuốn phim, tạo thành một dòng phim mang tên Hồ Biểu Chánh. Đọc Hồ Biểu Chánh để thấy lại một miền Nam xưa, với ngôn ngữ rặt ròng Nam phương như “Cư Kỉnh,” “Hạnh Phúc Lối Nào,” “Lời Thề Trước Miễu,” “Tại Tôi”…

Theo bà Lê Thị Mỹ Dung, cháu ngoại nhà văn Hồ Biểu Chánh, hầu hết con cháu của ông đều di tản sang Hoa Kỳ hồi biến cố năm 1975. Chỉ có mẹ bà là Hồ Thị Vân Anh tình nguyện ở lại để giữ gìn phần mộ ông bà ngoại tại khuôn viên dòng tộc có tên An Tất Viên, mảnh đất rộng trên 3,500 mét vuông, đối diện chùa Tế Độ, phường 11, quận Gò Vấp. (Văn Lan)

Bài viết khác