Thứ Năm, 03 Tháng Mười, 2019

Về nguồn gốc địa danh Đà Lạt

Khi tìm hiểu về nguồn gốc địa danh Đà Lạt, có ý kiến cho rằng tên thành phố này xuất phát từ việc lấy những chữ cái của câu tiếng la tinh " Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem " mà ghép thành. Từ việc hình thành thành phố cao nguyên có khí hậu trong lành mát mẻ với vai trò của người Pháp, đặc biệt là bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin, ý nghĩa của câu trên ( Cho những người này niềm vui, những người khác sự mát lành ) với vỏ bề ngoài có vẻ văn chương, " bác học ", dễ thuyết phục nhiều người nếu chưa tìm hiểu cặn kẽ, chu đáo.

Trước hết, tại sao từ Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem lại thành ra Đà Lạt, hay rõ hơn là Dalat ? Đây là một hiện tượng ngôn ngữ có nhiều trong tiếng Pháp ( hoặc tiếng Anh ), gọi là acronyme / acronym , tức là một từ được cấu tạo bởi những chữ cái đầu những từ khác. Những từ như radar hay laser là ví dụ rõ nhất của acronyme. Radar xuất phát từ " RAdio Detecting And Ranging " và laser là " Light amplification by the stimulated emission of radiation" . Một loạt tên gọi các tổ chức đều dùng theo kiểu này: ONU ( Organisation des Nations Unies - Tổ chức Liên Hiệp Quốc ), OTAN ( Organisation du Traité de l'Atlantique Nord - Tổ chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương ) ... Các tổ chức viết theo tiếng Anh cũng tương tự như thế : UNESCO ( United Nations Educational, Scientific, Cultural Organization, Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hoá Liên Hiệp Quốc,) UNICEF (United Nations Children's Fund, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc).

Acronyme gần giống ( chứ không phải là ) chữ viết tắt ( abréviation ). Điểm khác biệt là acronyme đọc lên như một từ, còn abréviation, chữ viết tắt, thì đọc từng chữ cái một. Căn bệnh SIDA ( tiếng Anh là AIDS ) được đọc như một từ, và ít ai để ý tới những từ tạo thành vì là thuật ngữ khoa học, khó hiểu, khó nhớ. Còn các từ sau đây là từ viết tắt, được đọc từng chữ cái một: TGV ( train à grande vitesse, tàu cao tốc ) , BBC (British Broadcasting Corporation) CNN (Cable News Network). Khi đọc giờ theo tiếng Anh ta quen dùng những từ viết tắt AM và PM do các từ la tinh ante meridiem và post meridiem, có nghĩa là trước ( ante ) hay sau ( post ) buổi trưa.

Như vậy, acronyme là từ mới, thành lập bằng cách lấy chữ cái đầu những từ khác. Còn một hiện tượng thú vị khác có liên quan là: từ những từ có sẵn, người ta lấy những chữ cái đầu để sáng tạo ra những từ khác, tức là làm theo quy trình ngược lại, tiếng Pháp gọi là rétroacronyme, tiếng Anh backronym.

Kiểu cấu tạo từ này chỉ để khôi hài, châm biếm, nhiều khi là một biện pháp chơi chữ:
Thương hiệu các dụng cụ thể thao nổi tiếng Adidas ( do tên người sáng lập Adi Dassler) được diễn dịch là All Day I Dream About Sports ( Suốt ngày tôi mơ tới thể thao ) hoặc Argent Dépensé Inutilement Dans Achat Sportif (Tiền xài phí để mua đồ thể thao ).
Tiếng Pháp có từ SDF chỉ những người vô gia cư ( Sans domicile fixe ) được chế thành Solitaire Dans la Foule ( cô đơn trong đám đông ). Người sành rượu cognac đều biết mấy chữ VSOP chỉ loại rượu được ủ lâu năm (từ 7 đến 10 năm ), do các từ Very Special Old Pale , được giải thích khôi hài là Verser Sans Oublier Personne ( Rót không quên ai )!

Chẳng riêng gì tiếng Anh tiếng Pháp, trong tiếng Việt ta cũng có nhiều cách chơi chữ như thế này.
Nhà văn Đái Đức Tuấn (1908 - 1968 ) lấy bút hiệu TchyA, khiến mọi người đoán : "Tôi chỉ yêu Adèle" hoặc " Tôi chẳng yêu ai / Tôi chưa hề yêu ai ". Thành phố Ban Mê Thuột / Buôn Ma Thuột, viết tắt BMT, có người đọc là Buồn Muôn Thuở hay là Bụi Mù Trời.
Và từ lâu lắm, những tên gọi thuốc lá đều được đọc bằng nhiều cách rất tếu:
SALEM: Sao Anh Làm Em Mệt và đọc ngược Mà Em Làm Anh Sướng
CAPSTAN : ( một câu đọc xuôi, một câu ngược ):
Chiếc áo phong sương tình anh nặng
Nợ ân tình sao phụ anh chi

Cho anh phát súng tim anh nát
Nhưng anh tin số phận anh còn

PALL MALL : Phòng ai lạnh lẽo, mình anh lạnh lùng
Hay : Phải anh là lính, mời anh lên lầu.

Rồi tới nhãn hiệu bia:
CARLSBERG : Các Anh Ráng Lấy Sức Bế Em Ra Giường
HEINEKEN : Hôn Em Ít Nên Em Khều Em Nhéo.
Nếu Em Khoái Em Nằm Im Em Hưởng.
HALIDA : Hãy Liều Đi Anh
HUDA : Hãy Uống Đi Anh ( xuôi )
Anh Đã Uống Hết (ngược).

Lan man dông dài nãy giờ không phải là lạc đề mà để có dẫn chứng để đi đến nhận định: từ cái tên Đà Lạt có sẵn, ai đó mới sáng tạo ra câu tiếng la tinh kia, chứ không phải ngược lại. Cũng cần nói cho rõ, thực ra là từ cái tên Dalat, tức là tên viết theo tiếng Pháp. Thời Pháp thuộc, nhiều địa danh Việt Nam đều được sách báo, bản đồ người Pháp ghi theo cách đọc tiếng Pháp. Buôn Ma Thuột trở thành Banméthuot. Sài Gòn ghi là Saïgon, Hà Nội biến thành Hanoï ( viết dính vào thành một chữ, với ï, i có hai chấm, i tréma , để giữ âm " ôi ", nếu không người Pháp sẽ đọc là " oa " ).
Tên gọi đúng của thành phố này trước sau vẫn là Đà Lạt, không phải Dalat.

Vậy thì nguồn gốc địa danh Đà Lạt là gì?

Về nguồn gốc địa danh Đà Lạt - 1

Có ý kiến cho là Đà Lạt là cách đọc trại ( hay viết sai chính tả ? ) của Đa Lạc, nhiều niềm vui, viện dẫn địa danh của nhiều thôn xóm, khu phố của thành phố này như Đa Lợi, Đa Lộc, Đa Thành, Đa Lợi, Đa Thiện... Xem ra đây chỉ là một lý giải dễ dãi, hời hợt, thiếu chứng cứ, ít thuyết phục.

Cách giải thích được chính thức công nhận cho rằng: Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch, tên gọi của con suối Cam Ly. Khởi nguồn từ huyện Lạc Dương, dòng suối Cam Ly chảy qua khu vực Đà Lạt theo hướng bắc – nam, trong đó đoạn từ khoảng hồ Than Thở tới thác Cam Ly ngày nay được gọi là Đạ Lạch.
Theo ngôn ngữ của người Thượng, Đạ hay Dak có nghĩa là nước, người Lạch (hay còn viết Làc, Lat, M'Lates) là tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ người Kơ ho, sống lâu đời trên cao nguyên Lang Bian. "Lạch", theo tiếng địa phương, có nghĩa là "rừng thưa" dùng để chỉ vùng rừng thông, đồi trọc từ dãy Lang Bian trải dài xuống Tây Nam, bao gồm cả thành phố Đà Lạt ngày nay.

Tên gọi Đà Lạt (Đạ Lạch) có nghĩa nước hay suối của người Lạch (Lát) .

Ngay ông Cunhac, viên Công sứ đầu tiên của thành phố Đà Lạt cũng hiểu Đà Lạt như vậy. "À la place du lac coulait le petit ruisseau de la tribu des Lat et qu'on appelait "Dalat" (Da au Dak: eau en moi)". ( Ở chỗ hồ nước có dòng suối nhỏ của bộ tộc Lat chảy qua mà người ta gọi là Dalat - Da hay Dak nghĩa là nước theo tiếng Thượng ).
Và Stanley Karnow, một sử gia nổi tiếng của Mỹ, trong bài Return to Dalat đăng trong "Smithsonian Magazine", một tạp chí Nhân Văn Khảo Cổ uy tín,  cũng có ý kiến tương tự:

 Nằm ở độ cao khoảng 5000 feet ( 1500m ) so với mặt nước biển, cao nguyên có số dân thưa thớt gồm các sắc tộc miền thượng; năm 1893, Alexandre Yersin, một nhà khoa học gốc người Thuỵ Sĩ, với sở thích mạo hiểm, đã đi bộ lên vùng này. ( Yersin , người điều hành việc nghiên cứu tại Viện Pasteur Paris, sau này sang Trung Quốc, và phát hiện trực khuẩn gây bệnh dịch hạch lúc đó đang hoành hành ở châu Á và đe doạ phương Tây. ) Vẻ đẹp hoang sơ và khí hậu trong lành đã gây cho Yersin ấn tượng mạnh nên ông ra sức thuyết phục giới cầm quyền thực dân Pháp phát triển nơi này thành một trung tâm nghỉ dưỡng. Theo một vài nguồn tin, một quan chức không rõ tên đã đặt tên vùng đất này là Đà Lạt, có nghĩa là " con suối của dân tộc Lat ". Sau đó, một nhân vật có hiểu biết kinh điển đã tạo ra một châm ngôn quảng bá, một acronym ghép từ những chữ cái đầu tiên của câu tiếng la tinh " dat aliis laetitiam aliis temperiem - cho những người này niềm vui, những người khác khí hậu dễ chịu."

Nói tóm lại, nguồn gốc địa danh Đà Lạt không phải xuất phát từ câu " Dat aliis laetitiam, aliis temperiem ". Hiện nay thành phố cao nguyên này còn được nhắc đến với những tên gọi khác : " Thành phố Mộng Mơ ", " Thành phố buồn ", "Thành phố sương mù " "Thành phố ngàn thông", "Thành phố ngàn hoa", "Xứ hoa Anh Đào" hay "Tiểu Paris".

Thân Trọng Sơn

Đăng có chỉnh sửa từ bài viết cùng tên

Đăng trên tạp chí Chim Việt Cành Nam (Chimviet.free.fr)

Mời độc giả ghé thăm

Bài viết khác