Các vương cung thánh đường thời Hoàng đế Constantin
Sự cho phép chính thức đối với Kitô giáo bởi Đế quốc La Mã vào năm 312 đặc biệt là khi chính Hoàng đế Constantin ra lệnh xây dựng nhiều vương cung thánh đường uy nghi.
MỘT DOANH TRẠI TRỞ THÀNH NHÀ THỜ CHÍNH TÒA
Vương cung thánh đường đầu tiên được xây dựng trên địa điểm một doanh trại mà binh lính đã chiến đấu cho Maxentius chống lại Constantin. Khu đất này từng thuộc về gia đình Laterani và đã bị tịch thu bởi Nero. Chính tại đây Constantin đã cho xây dựng vương cung thánh đường rộng lớn đầu tiên, dâng cho Chúa Cứu Thế (và sau này cho Thánh Gioan). Lễ cung hiến được thực hiện vào ngày 9 tháng 11 có lẽ vào năm 319. Nó sẽ trở thành nhà thờ chính tòa Rôma, Saint-Jean-de-Latran. Nó được xây dựng lại vào thời Trung cổ, được Borromini sửa đổi và được tu sửa lại vào thế kỷ 19; bên cạnh vẫn còn tồn tại nhà rửa tội cổ xưa của Rôma, với hàng cột bát giác trên đó có thể đọc được những câu thơ do Đức Giáo hoàng Sixtus III (432-440) sáng tác ca ngợi "nguồn sự sống rửa sạch toàn thế giới".
TỪ "CHIẾN TÍCH" GAIUS ĐẾN VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ
Tông đồ Phêrô đã bị xử tử trong đấu trường Nero, và thi hài ngài đã được chôn cất gần đó, trong một ngôi mộ rất khiêm tốn. Nhưng ngôi mộ đã nhanh chóng trở thành đối tượng tôn kính: vào thế kỷ II, một linh mục La Mã tên Gaius đã nói về "chiến tích" các Tông đồ Phêrô và Phaolô, có thể thấy ở Vatican và trên đường Ostia. "Chiến tích" Thánh Phêrô là một tượng đài rất nhỏ, hai cột nhỏ được bao phủ bởi một mặt tiền tam giác. Constantin khoảng năm 320-325, đã bắt đầu xây dựng một vương cung thánh đường khổng lồ (dài 200m), mà vòm cuối nằm trên mộ Phêrô. Để làm điều này, cần phải thực hiện các công trình đất đai lớn, chôn một phần nghĩa trang ngoại giáo nơi Tông đồ đã được chôn cất (các di tích sẽ được tìm thấy trong các cuộc khai quật 1947-1950), và phá hủy một phần đấu trường Nero. Chỉ còn lại tại chỗ cột đá Ai Cập đánh dấu trung tâm - chạm vào phía nam vương cung thánh đường Constantin; chính Đức Giáo hoàng Sixtus V đã cho di chuyển nó vào năm 1586 đến vị trí hiện tại. Cấu hình của địa hình và mong muốn dựng bàn thờ ngay trên mộ Tông đồ buộc phải phát triển công trình từ phía tây về phía đông: do đó vương cung thánh đường Thánh Phêrô không hướng về phía đông mà "hướng về phía tây". Tuy nhiên, người cử hành tại bàn thờ vẫn cử hành hướng về phía đông, theo thông lệ, tức là hướng về Chúa Kitô, Mặt Trời mọc đến thăm viếng chúng ta - và do đó, cũng hướng về phía các tín hữu. Vương cung thánh đường Constantin tồn tại suốt thời Trung cổ, nhưng tòa nhà đã cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về sự xuống cấp. Đức Giáo hoàng Julius II quyết định phá hủy và đặt viên đá đầu tiên một tòa nhà mới vào năm 1506, việc xây dựng kéo dài hơn một thế kỷ. Một phần vương cung thánh đường cũ vẫn còn tồn tại; bị phá hủy không thương tiếc vào năm 1609 để xây dựng hành lang và mặt tiền hiện tại, tác phẩm của Đức Giáo hoàng Paul V Borghese.
TRÊN ĐƯỜNG OSTIA
Linh mục Gaius đã đề cập đến một "chiến tích" khác, của Phaolô, bên ngoài Thành phố, trên đường Ostia. Constantin ra lệnh xây dựng một vương cung thánh đường trên địa điểm mộ Tông đồ Phaolô; nhưng có kích thước khiêm tốn hơn nhiều so với Thánh Phêrô. Năm 386, hoàng đế Valentinian II ra lệnh xây dựng một tòa nhà rộng lớn hơn nhiều, được cung hiến vào ngày 18 tháng 11 năm 390. Vương cung thánh đường này được bảo tồn nguyên vẹn trong gần mười lăm thế kỷ; một đám cháy đã phá hủy nó vào ngày 15 tháng 7 năm 1823. Đó là chứng tích cuối cùng ở phương Tây một vương cung thánh đường thế kỷ IV. Chỉ một vài yếu tố được cứu, bao gồm vòm cuối và vòm cung khải hoàn; phần còn lại được xây dựng lại theo cùng một kế hoạch, nhưng sau một thế kỷ rưỡi vẫn có vẻ mới. Giống như ở Thánh Phêrô, mộ Tông đồ nằm ngay dưới bàn thờ, được phủ bằng một tấm đá đơn giản mang những từ này: Paulo apostolo mart. - Phaolô, Tông đồ, tử đạo.
(Cha Bruno Martin, chánh xứ nhà thờ chính tòa Saint-Étienne, giảng dạy lịch sử Giáo hội thời Trung cổ tại Đại học Công giáo Lyon.)