Bà con chòm xóm
Một buổi chiều cuối năm, nằm tưởng nhớ lan man về làng quê, tôi mấy lần tự bắt gặp mình nghĩ tới chị Bốn Chìa Vôi. Hình ảnh chị xua đi lại trở về. “Ơ hay!” tôi ngạc nhiên về mình. “Vẫn chị Bốn! Thì chị Bốn. Xem chị có gì nào!”
Trong nhân cách chị có nhiều đặc điểm, nhưng đối với người làng điều thường được nêu lên như một tiêu biểu là chị không sợ thằn lằn rắn nước. Con người, đa số, vẫn đố kỵ loài bò sát; chị Bốn không đố kỵ. Chị biết khai thác đặc điểm của mình, khiến mọi người chú ý. Một nhóm bạn bè đang ngồi tán dóc, chị chạy tới mời ăn me. Đàn bà con gái nào lại không thích me? Mỗi người giành lấy một quả xong, chị Bốn rút từ trong bọc ra một gói nhỏ. Trời, sao mà chu đáo thế: lại có cả muối ớt nữa kìa. Vài bàn tay nóng nảy giật nhanh gói giấy, mở ra: con thằn lằn luống cuống nhảy hoảng vào lòng một chị nào đó. Cả bọn la như cắt cổ.
Chị Bốn Chìa Vôi có thể bắt nhốt vào túi áo một con rắn nước, lấy kim băng cài lại cẩn thận. Để rồi chỉ mở túi khi đã ngồi sát kề vài người bạn. Rắn vọt ra, kẻ nhanh nhất cũng không tránh kịp.
Người ta sợ những con vật hiền lành vô hại, sợ một cách vô lý. Chị Bốn không vô lý, thế là chị bị coi như nham nhở, lì lợm. Giá là “hôm nay”, chị được cho là rất chì. Chì thì không có gì tệ. Nhưng ở địa phương, hồi đó, người ta đánh giá thấp thái độ ấy. Có người bảo: Con đó ma vật không chết, thiên lôi đánh không chết v.v... Toàn thị là những nhận xét có tính cách thóa mạ. Trong chỗ địa phương, giàu có chẳng được mấy kẻ, hầu hết là dân nghèo với nhau. Từ lối xưng hô cho đến cách nhận xét nhau nghe có vẻ sỗ sàng mà thân mật. Xóm giềng với chị Bốn Chìa Vôi là anh Ba Càng Cua, chú Năm Cán Vá, anh hai Mỏ Gảy, cậu Ấm Sứt v.v... ai nấy đều thông cảm sự giễu cợt của bà con chòm xóm, không oán trách gì. Trường hợp đáng để ý là một người tên Hai Cư. Anh ta cũng lớn lên trong cảnh nhà nghèo khổ, không có tham vọng. Bỗng có người tuổi tác tốt bụng mách cho biết nội tổ của anh ta từng có quan tước, nếu chịu mất hai đồng bạc cho làng, anh có thể làm đơn xin tập ấm để được miễn sai. Anh nghe theo, anh được chỉ vẽ, giúp đỡ, cuối cùng được thành một ấm tôn. Anh mở tiệc khao làng và họ hàng thân thuộc. Ngay trong tiệc vui ấy anh đã nghe loáng thoáng cái tiếng “ấm sứt”. Anh lặng người đi một lát. Rồi anh bâng khuâng, trầm ngâm, như một người bắt đầu chịu trở nên chín chắn, từ bỏ những ngông nghênh rồ dại nhất thời để trở về với những cái thiết thực. Rốt cuộc, anh nhếch miệng cười nhẫn nại, chấp nhận. Tiếng “ấm sứt” phổ biến nhanh chóng. Dân làng mừng rỡ, không ganh tị tí nào đối với chút quyền lợi anh được hưởng, nhưng còn sự danh giá thì họ đã bảo toạc ngay cho anh biết là không có đâu.
Chị Bốn ngày nhỏ tên là Bình. Nhưng càng lớn chị càng toe toét, nói bậy nói bạ, bừa bãi lung tung; cho nên bị coi không xứng là miệng Bình, dù là bình vôi. Do đó, bèn đặt tên là Chìa Vôi.
Kể ra đặt như thế cũng bừa bãi, chẳng có ý nghĩa gì. Tôi thuật lại bấy nhiêu điều là để chứng tỏ ở đây người ta sống gần gũi, cởi mở. Cho đến cái tên của nhau ai nấy cũng tha hồ bôi bác lên đấy tùy thích, cái tên riêng của cá nhân không còn thuộc về cá nhân mà là kết quả những ý kiến tập thể. Sự can thiệp ngang nhiên, không e dè nể nang gì cả. Thoạt đầu, có người bất bình chút ít, rồi đâu lại vào đó.
Chị Bốn nham nhở đến nỗi mang tên là Bốn Chìa Vôi, lại còn bị rủa là thiên lôi đập ba búa không chết. Không sợ loài bò sát, đó chỉ là tính tiêu biểu, thật ra chị còn lắm điều ngổ ngáo khác. Chẳng hạn nói tục. Các nhà nghiên cứu chuyện tiếu lâm đồng ý rằng đề tài trào lộng chính của dân quê ngày xưa là cái tục. Có những vị còn đi xa hơn, cho rằng như thế không phải vì dân lao động nghèo khổ ham thích cái tục hơn hạng nho sĩ trí thức; họ nói tục chính vì óc tranh đấu bài phong tức là vì một lý tưởng cao đẹp. Hạng giàu có nho sĩ sống trong lễ giáo giả dối, tránh chuyện tục tĩu; kẻ vô sản đầy tinh thần cách mạng bèn xổ tục ra, có ý tỏ sự chống đối, khinh khi, khiêu khích, có ý muốn quăng những cái tục ấy vào mặt bọn giàu sang trí thức.
Tôi không có dịp trông thấy chị Bốn Chìa Vôi quăng cái tục vào từng lớp thống trị. Chỉ thấy chị thường nói trong lúc chuyện trò, làm lụng. Giữa đồng nước lênh láng tiết tháng mười, chị vừa cấy mạ vừa kể chuyện. Xung quanh chị, đàn bà con gái thỉnh thoảng nhao nhao, kêu oai oái, kêu lóe chóe, kêu ầm lên, như không chịu nổi. Thế nhưng họ chịu được tất. Hơn nữa, ai nấy đều hau háu đối với chuyện của chị Bốn Chìa Vôi. Họ tranh nhau nghe, họ kêu, rồi họ cười ngắc nghẻo, họ oằn người, gập người lại mà cười.
Nhìn cảnh tượng những người lao động nói cười ầm ĩ như thế giữa công việc, giữa trời nước bao la, dễ có cảm tưởng họ sung sướng vui vẻ, họ đang dự vào một sinh hoạt lành mạnh, làm sảng khoái tinh thần. Thú thực, chưa có lần nào trước cảnh ấy tôi có ý nghĩ chị Bốn Chìa Vôi đang đầu độc trí óc bạn bè. Có lẽ những câu chuyện tiếu lâm đã thành hình trong dân gian theo kiểu ấy. Có điều các khảo cứu không hay chú ý tới nỗi khổ tâm, hy sinh, của người sáng tác. Tôi được biết có lần chị Bốn Chìa Vôi bị chồng đánh một trận tơi bời, vì trong lúc cao hứng, hăng say, chị đã mang cả chuyện riêng trong buồng the ra làm trò cười.
Xưa, tôi cũng lây cái thành kiến của người làng mà coi nhẹ chị Bốn, mặc dù đối với tôi chị Bốn Chìa Vôi bao giờ cũng tốt. Ngày nay, tưởng nhớ đến chị trong niềm hối hận chân thành, tôi chỉ muốn đem tất cả sự hiểu biết lõm bõm của mình mà tìm ra một ý nghĩa cách mạng trong thái độ của chị. Bèn nghĩ rằng cái tục là cái cấm kỵ (tabou) trong cuộc sống xã hội loài người với nhau, bò sát là một cấm kỵ khác; thiên hạ tránh né những cấm kỵ ấy, chị Bốn ngang nhiên bất chấp, ấy không phải là chống đối, phản kháng, là hành vi “nổi loạn” sao? Những kẻ văn nhược nho nhã chúa sợ rắn, sợ thạch sùng, sợ các tiếng tục tĩu, những kẻ ấy đớn hèn đã đành. Còn trong hạng lao động khả kính, đầu làng cuối xóm thiếu chi người, tại sao ý thức nổi loạn lại cứ nhất định nhóm lên từ đầu óc một người nghèo rớt mùng tơi, nhà dột cột xiêu, từ một chị đàn bà lôi thôi lếch thếch, vú bõ lòng thòng? Đó chẳng phải là điểm vinh dự riêng cho chị Bốn sao?
Cái tốt đặc biệt của chị Bốn tôi không quên được là chị thường cho chim. Chị là người đàn bà độc nhất trong vùng có thể bắt được chim. Bởi vì chim chóc không phải như con cua, con ốc, con chí, con rận. Phải lanh lẹ, phải giỏi leo trèo mới bắt được chim. Đàn bà không sở trường về cái ấy.
Lần đầu tiên chị Bốn cho chim, chị cho tôi một lượt hai con se sẻ. Tôi quýnh lên. Tôi nằn nì hỏi chị làm thế nào bắt được. Chị cười tít mắt, bảo đang đi giữa đường, tự dưng thấy hai con sẻ đuổi nhau bay tới, sà xuống đất, vùi nhau cắn lộn, chị đưa tay ra chộp như chơi. Tôi ngẩn ngơ ganh tiếc: Một cơ hội như thế tại sao lại không xảy đến cho tôi? Nắm chim trong tay đã đành là thích thú, nhưng so với cái lúc chộp được một lúc hai con chim đang cắn lộn thì thú ấy chẳng thấm vào đâu. Vậy mà cái dịp may dị thường chẳng thuộc về tôi đang lồng lên ao ước, lại thuộc về chị Bốn là kẻ dửng dưng không biết gì khoái thích!
Lần khác, chị cho tôi bốn con sáo ngà vừa bể bộng xểnh. Tôi lại tra vặn làm sao bắt được. Chị cuời rũ rượi kể rằng đang làm cỏ chợt thấy con sáo mẹ tha mồi về một bộng cây mù u bên bờ ruộng và sáo con trong bộng thò đầu ra, chị chạy đến bắt trọn, thế thôi. Tôi dẫy nẩy lên, bắt chị phải cam đoan lần sau thì chị không được vội vàng như thế nữa: cứ để yên và chạy về mách tôi.
Nhưng lần sau và những lần sau nữa cũng không phải là cơ hội để tôi tự tay tóm được con chim tự do. Mỗi lần chị Bốn được chim vào một trường hợp khác nhau. Hoặc một con sáo ham ăn giun xán tới những luống cày vỡ, bị người ta dùng roi cày quất chết tức, chị Bốn xin con sáo chết, đem bỏ ở chỗ đất ướt một lát, nó sống lại. Hoặc một con cò bị kẹt giữa lùm tre dày sau một đêm mưa gió. Hoặc một con cò khác bị mắc vào bẩy giò mà chị Bốn tình cờ bắt gặp trước khi người đánh bẩy trông thấy.
Tôi kết luận rằng chị Bốn Chìa Vôi quả không có tài nghệ gì. Chị chỉ có sự may mắn. Giá tôi mà gặp con cò mắc kẹt trong bụi tre thì tôi cũng lôi ra được như chị, lại giá có người dùng roi quất lăn kềnh một con sáo bên chân thì nhất định tôi cũng nhặt lên được. Tôi quả quyết như thế. Và từ ganh, tôi ức với chị Bốn Chìa Vôi. Tại sao lần nào cũng vẫn lại chị có mặt ở những chỗ ấy mà không phải là tôi?
Tôi còn nhỏ, chưa biết phục thiện. Thực ra, không phải không có lý do mà chị Bốn Chìa Vôi gặp chim. Xem hình dáng chị thì biết. Áo của chị kết năm hột nút thì đã rụng mất ba; hở cả bụng cả ngực. Đầu chị rối bời, tóc thì hoe vàng, đuôi tóc xơ xác. Suốt ngày từ sáng tinh sương cho đến tối mịt, lúc nào chị cũng tất tả ngược xuôi, dầm mưa giãi nắng. Chị kiếm củi, mò cua, bắt ốc, lúc ở bờ ao mép suối, lúc ở ven rừng ven đồi... Tình hình trong vùng có gì đáng chú ý chị chú ý tới trước tiên, có gì đáng trông thấy chị trông thấy trước tiên. Năm Cán Vá hò hẹn với bà thím dâu ở suối chăng? Đám mì của ông Tư bị kẻ chăn bò đào trộm củ đem lên gò nướng chăng? Tre năm nay trỗ bông nhiều? Chuột đồng gặp gió tây vừa chết lác đác ở các cửa hang? Cây trâm sau đình làng trái sắp chín tới? Không có gì chị Bốn Chìa Vôi không biết. Như thế, không những chị thường gặp chim chóc, chị còn bắt gặp gà rừng đang ấp và hốt trọn cả ổ trứng, chị gặp rắn đực rắn cái quấn nhau để về xóm thuật lại cho mọi người nghe, chị gặp dơi ngủ trong đọt chuối, gặp chồn cắn nhau v.v...
Ngày xưa, tôi không rõ lý do khiến chị Bốn gặp chim, nhưng tôi yên trí là biết rõ lý do khiến chị cho chim. Vì sao chị chọn tôi, mà không chọn đứa trẻ nào khác? Thật minh bạch: vì tôi dễ thương nhất chứ còn gì nữa.
Sau này, dần dần tôi tưởng hiểu được chị Bốn Chìa Vôi hơn. Sự việc không giản dị đến thế.
Chị Bốn vẫn xưng với mọi người là bà con họ hàng với chúng tôi. Trong khi ấy gia đình chúng tôi không phi bác cũng không xác nhận. Sự thực chị Bốn cùng mang họ Đặng. Nhưng ngôi thứ của chị trong thân tộc như thế nào không rõ, gặp chị chúng tôi cứ tùy tuổi tác mà xưng hô: kẻ gọi chị, gọi cô, người kêu mày, kêu con v.v... Ngày giỗ, ngày Tết, chị đến nhà chúng tôi, lăng xăng giúp đỡ.
Bình nhật, mỗi lần chị tới nhà là gặp việc gì làm việc ấy luôn tay. Trông thấy bà tôi ngồi buồn, chị đề nghị xổ tóc bắt chí. Trong khi tìm chí, chị vui miệng hẹn hôm sau sẽ đem đến cho nắm bồ kết. Đưa tới một nắm bồ kết, một mớ rau đắng, chị mang về chén mắm, trái cà, trái dưa muối v.v...
Đối với các cô tôi, chị cũng không đáng ghét. Mỗi lúc nhìn trước ngó sau quanh quất không thấy bóng bà tôi, chị Bốn liền kể một chuyện tục. Các cô tôi phản đối, đấm thùm thụp lên lưng chị. Nhưng khi bà nghe tiếng, hiện đến hỏi, thì ai nấy đều toa rập chối đây đẩy, vừa bảo là không có gì vừa cười rúc rích với nhau.
Hễ cứ lâu ngày không thấy chị Bốn Chìa Vôi đến, tôi lên tiếng hỏi. Bà tôi kêu: “Cái thằng! Không thấy nhắc đến sách vở bao giờ. Lại đi nhắc con ấy.” Các cô tôi cười. Tuy nhiên, tôi thấy rõ không có sự phản kháng nào rõ rệt.
Một năm trời làm đói. Tháng mười mất mùa, tháng ba lại mất mùa nữa. Cả làng thiếu ăn, trẻ con ốm tong teo. Bấy giờ, ngày nào chị Bốn cũng lảng vảng đến nhà tôi một lần. Về sau, cùng đường xoay trở, chị đến ở hẳn với chúng tôi. Rồi chị đem theo thằng con nhỏ nhất. Sau rốt, mang luôn đến con chị kề của đứa bé. Chị bảo với mọi người: có bà có con nhất định phải nhờ bà nhờ con một phen. Ngầm ý nói dù có bị đuổi cũng không chịu đi.
Mùa tháng mười năm sau, bắt đầu gặt hái được là chị đem con về, tất tả kiếm ăn, không kéo dài cảnh nhờ vả thêm một ngày.
Ngày nay các cô tôi thường nhắc lại vụ đói năm ấy để oán trách chị Bốn Chìa Vôi. Phải, có nhiều người trong chúng tôi oán trách chị.
Số là từ khi làng mất an ninh, dân làng kéo ra quận ra tỉnh lánh nạn một số lớn. Gia đình tôi về tỉnh lỵ; chị Bốn thì không thể tưởng tượng có thể sinh sống ở chỗ thành phố, nên chị ở lại làng. Trong khi ra đi lén lút vội vàng, chúng tôi không đem theo cả gia sản mà cũng không thể bán được cho ai. Những thứ gì còn lại, chị Bốn hứa sẽ trông nom giúp. Thế rồi, ít lâu có người bỏ làng ra tỉnh kể rằng hai con bò của chúng tôi bị “Giải phóng” tịch thu chia cho đồng bào, mà một con thuộc về phần chị Bốn. Sau đó, lại có người khác kể rằng ruộng đất của chúng tôi “Giải phóng” cũng chia cho đồng bào canh tác, riêng phần chị Bốn hưởng được hai đám. Dĩ nhiên chị Bốn là đồng bào, nhưng tại sao cái gì của chúng tôi chị cũng thụ hưởng được nhiều hơn mọi người. Có điều ám muội gì trong đó? Lần khác, có tin chị Bốn bán dừa của chúng tôi. Lại lần khác nữa, chị đem cỗ thọ đường bằng ván mít của bà tôi hiến cho bộ đội “Giải phóng”. Bà tôi kêu trời. Các cô tôi mỗi người góp một chi tiết, nhắc lại những sự giúp đỡ của chúng tôi đối với chị Bốn trước kia, và trách mắng thậm tệ “quân ăn cháo đái bát”.
Chúng tôi với chị Bốn thành ra người của hai thế giới. Không ai biện bạch với ai được lời nào. Không có đối thoại. Sự thực, chị Bốn Chìa Vôi đã nghĩ ngợi ra sao, đã hành động với dụng ý gì, chúng tôi không rõ. Chỉ nghe lời người khác thuật lại, nay một việc mai một việc, chắc chắn là vừa thuật vừa thêm mắm thêm muối cho đậm đà câu chuyện, thế rồi chúng tôi kết tội chị Bốn bội bạc, vong ân, chúng tôi lồng lên phẫn uất.
Trong tâm trạng ấy, chúng tôi kiểm điểm lại tính nết của chị, và toàn thấy những nét trí trá, tinh quái. Cái người con gái biết mua chuộc kẻ này bằng con chim, kẻ kia bằng câu chuyện tục kể lén v.v..., người ấy thực đã quỉ quyệt, thao túng chúng tôi không chừa một ai. Càng nghĩ các cô tôi càng tức giận, vì đã thua cái tinh khôn của một kẻ tuổi tác chỉ đáng đàn em, lại không có học hành gì.
Cứ thế cho đến hôm tôi trông thấy người ta khiêng chị Bốn Chìa Vôi vào bệnh viện, người rách bươm tơi tả.
Sau khi chúng tôi bỏ làng đi độ ba tháng thì làng cũng không thuộc về chính phủ nữa. Thôn trưởng bị bắt lên núi. Rồi quận cũng tìm ra người khác để đặt làm thôn trưởng, nhưng từ khi nhậm chức, chú Tư Huệ Héo — tức em ruột anh Ba Càng Cua — liền bỏ nhà xuống quận lưu vong. Ở làng, phe “Giải phóng” lập ban tự quản.
Như thế, cả hai phía cùng nhau cai trị dân làng. Một phía thuộc về chú Tư Huệ Héo, một phía thuộc về chú Ba Thiên, tức cháu gọi Hai Mỏ Gảy bằng cậu.
Ba Thiên tịch thu ruộng và bò của chú Tư. Một ngày tháng bảy, vào canh tư, trời còn tối, một trung đội nghĩa quân từ dưới quận kéo lên vây xóm. Bố trí chưa xong thì một phát súng nổ quá sớm làm cho bọn cộng sản nhào ra chạy. Có hai tên trúng đạn, một bị gãy chân, một bể ngực chết. Tuy vậy cả hai đều thuộc hạng không quan trọng, còn Ba Thiên đã kịp trốn thoát.
Mờ sáng, nghĩa quân vào làng, người ta thấy Tư Huệ Héo đi theo, tập trung dân chúng, điểm mặt từng người, phổ biến chính sách. Xong rồi, chú Tư tới nhà Ba Thiên lùa tất cả bò mình lẫn bò Ba Thiên về quận. Đến lượt chú Ba bị tịch thu trở lại: Lùa bò, gánh lúa, còn nhà thì đốt bỏ.
Sau vụ ấy, Ba Thiên bắn tin xuống quận cho Tư Huệ Héo hay là có ngày “Giải phóng” sẽ tới tận quận hỏi tội y. Còn Tư Huệ Héo thì lén lút phàn nàn với một vài người thân tín rằng hôm đó có một anh nghĩa quân non gan, ngại đụng độ lớn, nên giả vờ lỡ tay làm nổ phát súng để đuổi địch chạy thoát, nếu không Ba Thiên đã bị bắt rồi. “Nhưng giữa nó với tôi còn có ngày gặp nhau mà. Nó đừng nóng nảy vô lối: rồi trước sau tôi cũng chẻ ba thẻ tre đem manh chiếu rách rước nó xuống quận một lần cho bà con coi chơi”.
Tin nhắn đi nhắn lại qua trung gian những người đàn bà đi chợ quận. Cũng qua thứ trung gian ấy, chú Tư đòi bẻ cổ hết những ai cày ruộng của chú do bên kia cấp phát. Ba Thiên họp đồng bào, đánh tan hoang mang, bảo đảm rằng chính sách sẽ được thi hành tới cùng.
Chị Bốn Chìa Vôi có được chia ruộng của chú Tư. Mặc dù có sự bảo đảm, nhân một hôm đi chợ, chị vẫn lẻn gặp chú Tư để điều đình xin coi như chị cày thuê với một giá tương đối rẻ. Sự việc tiến hành trong vòng bí mật. Tiền thuê ruộng sẽ giao tới tay chú Tư làm ba lần. Tư Huệ Héo lấy làm hài lòng; trong lúc cao hứng còn khoe rằng hôm đưa nghĩa quân lên vây xóm chú đã nắm vững tình hình, biết rõ con đường hầm rút lui của từng tên trong bọn Ba Thiên. “Chậm năm phút nữa thì nó chạy đằng trời”. Chú Tư nhếch miệng cười. Chú có đặc điểm là dẫu cười, cái cười cũng khổ sở, méo xệu. Vì vậy mà tên Huệ được đổi ra Huệ Héo.
Hai hôm sau, con Sáu Ty bỗng dưng chận chị Bốn Chìa Vôi lại, hỏi ấm ớ:
— Mợ đi thương lượng với nó rồi hả?
Chị Bốn khựng người lại:
— Mầy nói cái gì vậy Sáu? Tao không hiểu.
Sáu Ty cười khẽ:
— Mợ khó hiểu thì có.
Rồi giọng nó đay nghiến:
— Của nhân dân chia cho, mợ không cày thì trả lại, người khác cày. Tại sao mợ lại đi phục hồi chủ quyền cho nó?
Chị Bốn vẫn chống chế, mà van lơn:
— Sáu! Mày nghi ngờ gì mợ đấy? Có gì mày cứ nói toạc ra, rồi khuyên bảo cậu mợ. Mày hiểu chính sách, chớ cậu mợ đâu có hiểu, Sáu!
— Mợ đã tìm thằng Tư Huệ Héo điều đình riêng.
Chị Bốn giãy nảy lên lên thề thốt:
— Ai nói với mày vậy? Nó vu cáo mợ, mày không cãi cho mợ mày được một câu sao Sáu. Tao thề có Trời có Phật...
Con Sáu Ty ngoay ngoảy bỏ đi:
— Nay mai rồi mợ sẽ cãi lấy.
Chị Bốn tuyệt vọng, gọi vói theo:
— Sáu. Ngày mốt giỗ bác Hai, mày nhớ đó chớ, đừng để cậu mợ mời lần nữa nhé.
Sáu Ty là cháu của chị Bốn Chìa Vôi. Mẹ nó chết sớm. Ngày nó còn bé, chị Bốn thỉnh thoảng tới nhà, lôi nó ra tắm rửa, kỳ cọ, giặt giũ quần áo cho nó. Bây giờ Sáu Ty làm cán bộ, trở lại khắt khe với chị. Ở cái tuổi của chị, lớn lên trong hoàn cảnh của chị, chị không tự cắt nghĩa nổi sự hằn học của con Sáu Ty. Chị không tranh giành quyền lợi của cải của nó, tại sao nó có thể ghét chị đến thế? Lý do chính trị là cái gì, chị không hiểu.
Những lần bị Sáu Ty chèn ép, làm khó làm dễ thái quá, chị đi phân trần với người này người kia: Mới ngày nào chị vừa kỳ ghét trong nách trong háng của nó vừa la mắng nó, cốc lên đầu nó, chị coi nó như con như cái. Một đứa con nít như thế! Chị than trời trách đất.
Chị gặp Sáu Ty hôm trước, thì hôm sau ban tự quản thôn gọi chị tới cho biết là phần ruộng tịch thu của Tư Huệ Héo chia cho chị bị rút lại cấp cho ông Tam Khoang.
Sự đen đủi này tiếp theo sự đen đủi khác. Thằng con trai của chị mới mười bảy tuổi tự dưng nhảy đại vô “lực lượng”. Ở địa phương chị, người ta vẫn gọi tắt như thế cái lực lượng võ trang của mặt trận Giải phóng. “Vô lực lượng thì có súng để mang. Vô lực lượng, ta đòi làm thịt đứa này, đòi hạ đứa nọ, nửa đêm bất thần về làng, thiên hạ cuống cả lên; không vô lực lượng thì cũng phải đi lính quốc gia, mà lính quốc gia ở ngoài sáng, lực lượng ở trong tối dễ bắn ra v.v...” Không biết ai đã dụ dỗ, rủ rê nó mà thằng nhỏ bỏ nhà theo lực lượng. Chị Bốn Chìa Vôi hết nghi người này lại ngờ kẻ khác; chị oán chị trách.
Ba Càng Cua có hai đứa con trai, một đứa vô nghĩa quân, đóng tại quận, một đứa học trung học, đi Quang Trung, gắn lon trung sĩ. Ba Càng Cua vẫn ở lại làng. Nhưng sau khi thằng con chị Bốn Chìa Vôi vô lực lượng ít lâu, bỗng một hôm, vào mùa gieo, trời chưa sáng, đường còn lờ mờ ánh trăng, Ba Càng Cua đánh bò gồng gánh ra đồng. Người ta yên chí là đi gieo. Cứ thế, qua khỏi các chỗ canh gác, gia đình Ba Càng Cua đi thẳng xuống quận lánh cư. Đến trưa, ập vào xét nhà Ba Càng Cua thấy thứ gì thứ nấy đã dọn sạch. Thì ra trong cái gánh mà người ta tưởng là gánh lúa giống để gieo ấy anh ta trói nhốt năm con gà, với mắm muối, thuốc, lư đồng v.v...
Xuống quận được dăm ba hôm, Ba Càng Cua bắt đầu phát biểu cảm tưởng lai rai. “Con Sáu Ty ngày nào nó cũng lọt vào nhà người ta vài bận. Nhà có bao lúa nào nó dòm lủng bao, có niêu cơm nó dòm lủng niêu. Con đó còn sống ngày nào, xóm làng còn điêu đứng ngày ấy. Con Bốn Chìa Vôi, con mẹ trời đánh sinh ra thằng con trai nghịch hết nói được. Nó mà nhảy núi chuyến này, nguy hiểm lắm. Tôi cho thằng đó nguy hiểm nhất.” Bấy giờ người ta mới nhớ ra trước kia giữa nó với thằng con trai của Ba Càng Cua có nhiều chuyện hiềm khích rắc rối.
Chẳng bao lâu sau đó, cậu nghĩa quân này bị phục kích, trúng đạn hỏng mất con mắt bên trái, gò má lủng lốm đốm.
Mấy lần chị Bốn Chìa Vôi đi chợ quận bị mụ vợ Ba Càng Cua đón đường, may mà đón hụt. Anh Ba Càng Cua lồng lên như gà mắc đẻ. Anh quả quyết đến lúc phải tảo thanh gấp cái làng ấy, nếu không cả quận này không yên. Anh chủ trương mở hành quân cấp tốc về làng. Ý kiến ấy, anh tìm Tư Huệ Héo để trình bày, rồi gặp người nào — nhất là lính — anh cũng nói. Anh hy vọng ý kiến tới tai ông quận. Nhưng anh nói mãi, ý kiến chẳng đi tới đâu. Bỗng một hôm, một chiếc máy bay lướt nhanh qua làng, có kẻ nào đó dùng súng trường “bia” một phát. Chiếc oanh tạc cơ quành lại, bắn, bỏ bom loạn xạ. Mười ngôi nhà cháy, hai người chết. Trong hai kẻ xấu số, một là chồng chị Bốn Chìa Vôi, bị cắt đúng nửa thân người. Đêm ấy chôn cất xong xuôi, mờ sáng hôm sau, cả làng đón một cuộc hành quân. Lần này Ba Thiên cũng lại suýt bị tóm, nhưng vẫn chưa bị tóm. Đạn đuổi sau lưng y. Cán bộ thôn hao hết thêm ba mạng. Ban tự quản gần tan rã. Thế nhưng Sáu Ty thì thoát, và Ba Thiên cũng chỉ suýt bị bắt.
Rồi Hai Mỏ Gảy lánh cư. Rồi Năm Cán Vá cũng bỏ làng ra đi. Nhưng chị Bốn Chìa Vôi thì ở lại, để thỉnh thoảng còn hy vọng gặp thằng con trong lực lượng. Chị cần dỗ dành để nó rời bỏ lực lượng, ít ra nó đừng có “bia” vu vơ vào một chiếc phi cơ bay lẻ, vào một anh địa phương quân lơ thơ về thăm vợ v.v..., đừng có gây rắc rối làm cho cả làng bị tai họa lây. Chị Bốn Chìa Vôi ở lại làng, chịu khổ chịu sở mà ở lại. Nhưng mãi không gặp được đứa con. Chị ở lại chỉ để có dịp chôn xác con Sáu Ty.
Sau đó, một đại đội quân quốc gia về đóng tại làng. Ba Thiên bỏ nhà nhảy núi. Cậu em vợ của chú Ba cũng nhảy theo. Trước khi đi, nó năn nỉ rủ đứa con gái đầu lòng của chị Bốn Chìa Vôi. Đứa con gái khóc tỉ tê. Chị Bốn biết được, chị quát mắng; cậu kia van nài, xin cho nó cưới. Cứ cho nó cưới, rồi thì vợ nó ở lại làng cũng được. Chị Bốn không cho.
Anh em Ba Thiên đi rồi, bốn tháng sau đứa con gái chị Bốn phải lòng một anh hạ sĩ quốc gia. Chờ mãn tang anh Bốn, chị cho cưới. Đám tiệc gần tàn, lúc ấy vào khoảng tám giờ rưỡi tối. Có người đứng ngoài rào nói vọng vào nhà: “Khách khứa hai họ còn cả trong ấy chứ? Xin có quà mừng nhá.” Tiếp theo, một trái lựu đạn rơi xuống, nổ ngay trên thềm nhà, bốc văng mái trước, phá nát hết cửa lớn cửa nhỏ. Đứa con gái thoát nạn, không bị thương tích gì. Nhưng anh hạ sĩ chết ngay tại chỗ, còn chị Bốn Chìa Vôi thì đứt đi nửa ống chân, khắp người lỗ chỗ đều có mảnh lựu đạn ghim.
Mở mắt, bắt gặp tôi tình cờ lảng vảng trong bệnh viện tỉnh lỵ, chị Bốn Chìa Vôi mừng rỡ, kêu lên: “May ơi là may! lại gặp bà con. Ông Trời có con mắt, không nỡ hại người hiền lương lòng ngay dạ thẳng.”
Chị nức nở. Chị cảm động. Chị đội ơn Trời Phật đã xui khiến người ta đưa chị đi bệnh viện kịp thời, xui khiến chị gặp lại tôi. “Thế nầy là tui không bơ vơ, tui có chỗ nương tựa rồi. Tui sống rồi. Nó hại tui, nhưng Trời Phật thương tui, bà con thương tui v.v...”
Tôi thuật lại câu chuyện, cả nhà không biết nói sao. Chỉ có chút thắc mắc là chị Bốn nỡ đem cỗ thọ đường của bà tôi bán đi. Chỗ thắc mắc ấy, tới khi các vết thương gần lành, hàng ngày ra vào gặp nhau trò chuyện, rồi chị Bốn cũng dò hiểu tâm lý chúng tôi. Và chị chắp hai tay trước ngực van vái: “Xin Trời Phật chứng giám, tui có lòng nào, xin cho bom đạn phân thây tui ra.” Xong chị buông tay xuống trợn tròn mắt, kể đầu đuôi tự sự: Đêm nọ, vào quá một giờ sáng, cán bộ gọi cửa, đồng bào thức giấc trông thấy “giải phóng” kéo về thật đông. Nhà nào có thọ đường của ông già bà cả đều bị trưng thu trưng dụng. Quyết định xong, thi hành liền. Bao nhiêu cỗ thọ đường trong làng bị họ khênh ra hết. Khênh ra ngoài bóng tối, lao xao một lát, rồi biến đi đâu mất. Như thế tức là vừa có đụng độ gần đâu đây, bên lực lượng bị thiệt hại nặng về nhân mạng. Sáng ra ban tự quản cấp cho mỗi thọ đường có chủ thứ tốt năm trăm, thứ xấu ba trăm. Chị Bốn ChìaVôi nêu lên vấn đề cỗ thọ đường của bà tôi. Sáu Ty hỏi: “Ai là chủ đây?” Chị đáp: “Có tui. Tui nhận thay.” Sáu Ty: “Ủa, lại mợ.” Thế rồi nó bác bỏ, nhất định nó bác bỏ, không cho chị nhận xu nào. Chị Bốn lại chắp hai tay trước ngực: “Có Trời Phật chứng giám, con đòi chúng nó năm trăm đồng có phải để con tiêu đâu. Định tâm giữ đó rồi nộp lại bà. Bà đã gởi gắm thứ nọ thứ kia cho con, con không giữ nổi để chúng nó lấy cả đi mà không bồi thường đồng nào, con còn mặt mũi nào gặp lại bà.” Chị đau đớn, gần khóc. Ruộng của chúng tôi, bò của chúng tôi, chị đòi cày, ấy cũng là để giữ lấy nộp lại bà. Không thì mặt mũi nào.
Nhưng con sáu Ty, khiếp, nó nghiệt ngã không tưởng tượng được. Nó xoi mói, vạch kẽ từng ly từng tí. Mỗi lần chị đi nộp lúa đảm phụ, nó chê lúa lép, đem ra giê lại; lúc đưa vào cân, thiếu mấy trăm gam nó cũng đuổi về không nhận. “Con hết lời với nó: ‘Sáu, mày nghĩ lại, hồi nào mợ hốt cứt hốt đái cho mày, mợ rửa háng rửa khu cho mày. Mày nhận cho mợ đi, thiếu bao nhiêu rồi mợ sẽ đem thêm tới nộp đủ.’ Nhưng mặt nó cứ như sắt nguội. Thưa bà, lòng dạ nó không như lòng dạ mình đâu. Mình thì dễ xiêu, chứ nó...” Nó, con Sáu Ty, nó là thứ người kỳ lạ lắm kia. Chị Bốn Chìa Vôi chồm tới, níu vai cô tôi, kéo lại thì thầm một lát. Cô tôi xô chị ra: “Mụ nói cái quỉ gì đấy? Có thật không?” — “Trời Phật chứng giám, nó không còn ở đời nữa, tui đặt điều thêm thắt cho nó làm gì. Vừa với thằng Ba Thiên vừa với thằng Bướm. Ít nhất hai thằng...” Chị níu vai cô tôi, thì thầm vào tai. Một lát, cô tôi xô chị ra, đỏ mặt: “Mụ nói yêu nói quỉ”. Chị Bốn nhiệt liệt: “Có Trời Phật... Con mà nói dối! Rõ ràng khi con trông thấy thì đũng quần nó hãy còn ướt nhẹp...” Chị vội vàng đưa hai bàn tay bụm miệng lại. Nhưng chậm quá, mọi người vừa kêu la phản đối vừa sặc lên cười. Thấy thế, chị tự cho phép bỏ bàn tay che miệng ra, và tiếp tục kể. Hôm con Sáu Ty bị phục kích bắn ngã, đồng bào ai nấy đều bảo nhau như thế là phải, không tránh khỏi: nó mang nợ với đồng bào nhiều quá, nó phải trả. Nghĩa quân dưới quận nhắn về làng bảo: “Thân nhân con Sáu Ty, ai chôn cất thì hãy cột chân mà lôi, đừng nâng đầu.” Vừa lôi xác nó nhúc nhích một cái là quả lựu đạn cài sẵn dưới đầu phát nổ ngay. “Con nghe tin. Con vội vàng tay xách một ấm nước đầy tay mang theo chiếc chõng tre. Con chạy thẳng ra gò định khiêng nó lên chõng, rửa ráy sạch sẽ, mặc lại đồ đạc tử tế cho nó trước khi đặt nó vào áo quan. Thưa con đã kỳ cọ khắp người nó trước kia, bao giờ con cũng coi nó như còn nhỏ. Con thương nó. Nhưng trời ơi, lúc tới nơi lật manh chiếu ra trông thấy cái xác không đầu, con không còn hồn vía nào nữa. Con quăng cái ấm đổ nước tung tóe, nhảy ngược lại, con khiếp quá, không dám hé mắt nhìn nữa. Thưa có Trời Phật chứng giám... con thương nó lắm kia. Mình ăn ở lòng ngay dạ thẳng v.v...”
Vừa bắt đầu chống nạn đi lại được, chị Bốn Chìa Vôi đã hoạt động. Chị nấu giúp ấm nước cho người này, mua giùm lon sữa, trái chuối cho người khác v.v... Chị được các bệnh nhân khác cho tiền tiêu. Chúng tôi có cảm tưởng một mai lành bệnh hẳn, chị có thể xin một chân giúp việc nhẹ trong bệnh viện có lẽ cũng không khó. Như thế chị sống ở thành phố, xa lánh chỗ nguy hiểm. Bây giờ chị tàn tật rồi, không làm được việc nặng, về quê làm gì sinh sống nổi?
Trong lúc ấy, một vài người ở làng trốn ra bảo với chúng tôi: “Nghe nói đứa con trai của mụ Bốn ném lựu đạn vào nhà giết chị đấy. Chị nó lấy lính quốc gia là lấy kẻ định giết nó. Nó phá đám cưới. Còn con Sáu Ty? Thì chính là mụ Bốn dẫn đường chỉ lối cho nghĩa quân phục kích chứ còn ai vào đấy?”
Chị Bốn không phải không nghe phong thanh những lời như thế. Chị khinh thị: “Quân ấy chỉ được cái đểu giả. Thời buổi này nhà nào ở thôn quê không thế: con bên này cha bên kia, anh bên này em bên kia. Hễ cứ em bị bắn chết là tụi nó đồn anh hại, cha bị mìn là con hại. Nó chia rẽ. Nhưng nó qua mặt con này sao được? Rõ ràng tiếng nói ngoài rào tối hôm đó là tiếng thằng Bướm, con này lạ gì”. Chị cười gằn khó hiểu.
Thế rồi ít lâu, không gặp chị Bốn nữa. Hỏi lại thì ra chị đã rời tỉnh lỵ. Chị đã về làng.
Ở thành phố, nhà chúng tôi cũng được trang điểm một cách rất nhàm như hầu hết những nhà khác: Mặt tiền không còn được mấy tí đất, vài chậu hoa nép sát hè, dưới bóng một cây bông giấy đỏ. Thường, trong mười nhà trồng hoa phía trước, ở đô thị, đã có chín nhà trồng bông giấy. Giống cây mạnh lạ lùng, không cần chăm nom gì mà nhiều lá nhiều hoa. Càng khô nắng lại càng nhiều hoa.
Một buổi sáng, nhân theo dõi một nụ lan huệ tôi để ý đến một vệt trắng trên lá lan. Xem đi xem lại, tôi bỗng phập phồng phấn khởi: phân chim.
Tôi không còn bé nhỏ nữa, ồ không, tuổi nhỏ của tôi đã cách biệt xa tít, đã bị cuộc chiến tranh, nói đúng hơn là hai cuộc chiến tranh, che khuất từ lâu. Thật bất ngờ, tôi không tưởng tượng rằng hi vọng bắt được một con chim có thể gây nơi lòng mình một xúc động vui mừng như thế. Y như ngày nào còn bé thơ. Thế mới biết mối cảm tình giữa người và chim thực sâu xa vô hạn.
Ở thành phố, từ lâu chúng tôi không được gần gũi chim chóc. Tưởng đã quên chúng, nhưng kỳ thực đâu đó trong lòng vẫn tiềm tàng một khao khát nhớ nhung. Bỗng nhiên gặp một giọt phân chim, niềm vui bừng dậy. Thế ra đêm đêm vẫn có chim ngủ sát ngoài hiên nhà? Ở đâu? Trên một nhánh bông giấy nào đó chăng?
Buổi tối, tôi rình chờ, không thấy con chim nào về ngủ cả. Vài ba hôm sau, trên lá lan, lại có một hạt phân chim trăng trắng nữa. Tối đến, rón rén ra xem vẫn không thấy chim đâu. Thì ra mãi đến lớn, sống quá nửa đời người tôi vẫn không tìm được cơ hội tự mình bắt con chim tự do. Tôi chỉ có thể thưởng thức cái thú vuốt ve, ngắm nghía những con chim do chị Bốn Chìa Vôi cho. Tôi nghĩ đến chị Bốn.
Chị trở về làng làm gì? Chị đã mất một người chồng, một đứa con rể ở làng. Chị đã mất đi nửa ống chân và quá nửa ngôi nhà ở làng. Một đứa con gái dở dang và một đứa con trai thất lạc... Như vậy không đủ ê chề rồi sao? Chị còn trở về làng làm gì với thân hình thủng nhiều vết và với cặp nạng? Dĩ nhiên không phải vì mấy đám ruộng và mấy con bò của chúng tôi. Tôi lấy làm hổ thẹn và hối hận. Sao trước kia chúng tôi có thể bất bình với chị vì những thứ đó được nhỉ? Nó nhỏ mọn biết bao! Chúng tôi đã sợ hãi, đã bỏ chạy. Cái nơi mà chúng tôi lánh xa, chị Bốn nhất định lần về. Lần này, tôi tin thái độ của chị không do lòng tham lam. Để có thể thản nhiên trở về chỗ tử địa, chỗ sấm sét ấy, con người phải được hướng dẫn bởi một thứ tình cảm mãnh liệt. Không biết là thứ tình cảm gì, tốt hay xấu, nhưng nó phải thực mãnh liệt. Chỉ nghĩ đến mức độ mãnh liệt ấy đã cảm thấy mọi so đo tính toán đều nhỏ mọn, không xứng.
Chị Bốn Chìa Vôi về làng được ba tháng, có người nói chị bây giờ như con hổ thọt. Chị dữ tợn vô song. Thằng Bướm — em vợ của Ba Thiên — bị phục kích hai lần, đều do chị mách. Ba Thiên cho vợ về quận qui chánh. Thím Ba nhờ Hai Mỏ Gảy vận động với Tư Huệ Héo, tìm cách đưa chồng trở về. Nhưng chị Bốn Chìa Vôi thì cứ lồng lên: Nó mang nợ với đồng bào nhiều quá lắm. Nó phải trả. Hồi chánh thế nào được.
Chị Bốn đứng về phe nhất định đòi nợ. Họ rình rập, nghe ngóng, thề không để cho Ba Thiên lọt tới cơ quan hữu trách. Họ phải đón Ba Thiên giữa đường.
Lấy oán báo oán, oán oán chập chồng. Biết bao giờ gỡ xong. Nhưng họ say rồi, họ bị thu hút vào cơn lốc.
Một buổi sáng vô vị ở chỗ đô thị, nhìn giọt phân chim nhỏ trên lá tôi bồi hồi nghĩ đến chị Bốn Chìa Vôi. Cuộc đời của chị, ngày nay, bỗng nhuốm vẻ bi đát, khốc liệt, làm cho sự yêu ghét trách giận của những kẻ ở chỗ yên ổn như tôi đều không xứng đáng. Chị Bốn Chìa Vôi, người đàn bà thô tục, tuệch toạc ấy.
Cuối năm, chúng tôi càng chú ý nhiều hơn đến mấy chậu hoa trước hè. Do sự chăm sóc ấy, tôi có dịp làm gãy một nhánh lan.
Thứ lan huệ, hoa nó màu tím, cánh mỏng, trông rất mong manh. Nhất là hoa nở ở đầu chót một cọng tròn bằng que tăm mà dài ngót nửa thước tây, vì vậy càng có vẻ mong manh. Mỗi cơn gió thoảng làm chùm hoa gật gù gật gù, cánh hoa mấp máy rung rinh.
Tiếc nhánh hoa, tôi đem cắm nó vào một ly nước. Sáng hôm sau, vẫn còn tươi, tuy không nở thêm chiếc hoa nào. Đầu cành có hai hoa nở, một nụ lớn, hai nụ bé; và tình trạng vẫn nguyên như thế sau hăm bốn giờ.
Sáng ngày sau nữa, trông lên bàn, thấy nó vẫn còn đó, mong manh mà nguyên vẹn. Tôi ngạc nhiên. Nụ lớn bằng đầu ngón tay út, vẫn cứ no đầy, tuy không hé ra nổi. Suốt ngày hôm ấy, thỉnh thoảng tôi thăm chừng. Nó có vẻ cầm cự được đến chiều. Chiều, quả nhiên vẫn tươi.
Hôm sau, thức giấc, tôi ngước mắt tìm nó liền. Vẫn tươi. Sau bảy mươi hai giờ, chỉ được tiếp tế nước qua một nhánh nhỏ như que tăm, cả hoa cả nụ vẫn không hề hấn gì. Cánh hoa mỏng như tờ giấy, sức chịu đựng của nó bền bỉ lạ. Tôi càng tò mò.
Hôm sau nữa, cuống hoa bắt đầu nhăn rồi. Tuy vậy tất cả chưa sụm hẳn. Nó còn đương đầu nổi ít ra trọn ngày hôm ấy. Chín mươi sáu giờ? Mấy đóa hoa mong manh như thế, lìa khỏi thân cây, vẫn tiếp tục tươi tắn trong khoảng thời gian đủ cho quân đội Do Thái phát khởi và kết thúc một cuộc chiến tranh.
Chiến tranh có thể có những hình thức bạo liệt mà chớp nhoáng như vậy. Nghĩ đến cuộc chiến tranh ấy rồi nghĩ đến thứ chiến tranh trên đất nước mình! Nó phát khởi từ ngày chị Bốn Chìa Vôi chưa chồng cho tới ngày nay, đứa con trai của chị đến tuổi gia nhập “lực lượng”, vác súng “bia” lên trời đoành đoành. Nó phát khởi từ ngày chị Bốn Chìa Vôi rửa ráy kỳ cọ khắp người con Sáu Ty, cho đến ngày nay Sáu Ty trở thành cán bộ chấp hành chính sách một cách khắt khe, ngã gục, để không còn đầu cho chị Bốn rửa lần cuối.
Người ta vẫn trách nền văn hóa chúng ta thiếu những công trình đồ sộ: không có Vạn Lý Trường Thành, không có Đế Thiên Đế Thích, thậm chí cũng không có những kiến trúc bằng cỡ tháp Chàm. Hôm nay thì chúng ta có thể vênh mặt lên vặn hỏi: Thế cuộc chiến tranh phần tư thế kỷ của chúng tôi? Vĩ đại chớ?
Và chắc chắn không còn ai dám cãi. Đánh nhau vào hậu bán thế kỷ thứ hai mươi không phải là trò chơi. Hãy tính số bom rơi trên đất nước Việt rồi chia cho từng đầu người xem; hãy tính số phát đạn cỡ lớn cỡ nhỏ bắn ra trong một trận đánh tại Việt Nam xem; chúng ta có ngay những con số danh dự, khả dĩ so sánh với bất cứ thành tích của bất cứ cuộc chiến tranh quốc tế nào, từ Thái Bình dương qua Đại Tây dương.
Trong những trường hợp hùng biện long trọng, trên các diễn từ, tuyên ngôn v.v... ít khi các chính khách quên nhắc đến hơn hai mươi năm khói lửa, phần tư thế kỷ quằn quại v.v...; trong thơ phú văn chương, văn nhân nghệ sĩ cũng không ngớt nói đến phần tư thế kỷ quằn quại, hơn hai mươi năm khói lửa. Con số càng lớn, khả năng xúc động càng cao. “Phần tư thế kỷ... dân tộc đau thương...”, lắng kỹ mà nghe: trong câu văn, trong giọng nói của những kẻ đề cập đến cuộc chiến tranh vĩ đại in tuồng có ngầm phảng phất chút gì như sự kiêu hãnh! Không sao?
Đối với những người như chị Bốn Chìa Vôi, một phần tư thế kỷ trước, chỉ thấy ở chị mấy nét tinh ranh, tính chai lỳ, lối ăn nói tục tĩu. Đã hẳn không phải đó là những nết quí đáng mơ ước. Nhưng những gì nhận thấy ở chị một phần tư thế kỷ sau thực đáng ngại. Có phải đích là chị đã lập tâm hại con Sáu Ty? Tôi không dám tin hẳn lời đồn của nhiều người. Tuy vậy những khi chị Bốn Chìa Vôi thuật lại cái chết của Sáu Ty và kết thúc: “Con thương nó, con thương nó lắm kia”, trông nét mặt và nghe giọng nói của chị có cái gì rờn rợn. Chị có giết người hay không giết người, có “đòi nợ” hay không “đòi nợ”, những gì xảy ra ở chốn hỗn độn ấy đều vô bằng, khó minh xác; nhưng trong tâm hồn chị rành rành đã có một yếu tố mới. Nó làm cho lời ăn tiếng nói chị khác đi, hành vi phong thái của chị khác đi, khác trước một cách đáng sợ.
Mà chị biết làm sao được? Chị sống giữa hoàn cảnh như thế, trong hỏa ngục, trong giết chóc, xâu xé hàng ngày, chị phải tả xông hữu đột để tranh sống. Làm sao ngăn cản ảnh hưởng một hoàn cảnh ác liệt như thế khỏi thấm nhiễm vào tâm hồn chị? Ngày một ngày hai, chị biến cải. Cuộc chiến kéo dài lâu quá: Trong nguy biến chị phản ứng tàn nhẫn, rồi quen với những phản ứng ấy.
Mai sau, khói lửa với quằn quại chấm dứt, nhưng cái nét tàn nhẫn nọ rồi có sẽ lưu lại như một di tích trong tâm hồn chị và những người như chị, lưu lại như một thêm thắt vào cái vốn các đặc tính truyền thống của dân tộc chăng?
Chém giết, dù kịch liệt đến thế nào, trong một trăm, hai trăm giờ rồi ngừng, thì chuyện có thể trôi qua. Nhưng chém giết lọc lừa suốt phần tư thế kỷ, như thế liệu có thành một tập quán sinh hoạt gây tệ hại tâm lý lâu dài?
Tôi theo dõi con chim quí báu ở đô thị nép ngủ trước hiên nhà tôi. Buổi chiều, không hề trông thấy nó về. Tối, nửa đêm, tôi thình lình rón rén hé cửa bước ra, soi tìm. Vẫn không thấy. Một đêm mưa lạnh, tôi nghĩ nó phải tìm xuống đậu những cành thấp. Họa may dễ trông thấy hơn chăng. Tôi hé cửa, rón rén. Lại chẳng thấy gì.
Ngẫu nhiên, một buổi sáng, trên bàn viết tôi bắt gặp một vết phân trắng y hệt trên lá lan. Thế này thì là một chú thạch sùng rồi!
Trời, lẫn lộn chim chóc với bò sát. Sự ngộ nhận không thể tha thứ được. Cuối năm, tôi ghi nhận thêm một sự sai lầm nham nhở, bẽ bàng.
1967
Võ Phiến