CHƯƠNG VI
Thằng ở từ ngoài chạy vào, nói lớn:
- Xe đã tới .. Thưa cậu xe đã tới.
Phan giật mình. Chàng nhìn vẻ vội vã cuả mọi người, từ ông ngoại, cậu mợ Hai đến Hằng, nước mắt muốn ứa ra. Dù sao ông ngoại và gia đình cậu mợ Hai cũng là những người thân nhất cuả chàng ở thành phố này. Nhất là Hằng, kể từ ngày có Nụ, chàng lại mến hơn. Không biết có ngày gặp lại không.
Hằng nói trong nước mắt, lặp lại câu nàng đã từng nói nhiều lần:
- Anh Phan, cố gắng thu xếp vào sớm đi.
- Được, yên trí.
Chàng nói thế, nhưng trong lòng thực phân vân. Nếu phải ở lại, biết đâu, hai năm nữa sẽ có tổng tuyến cử thì mình lại gặp nhau.
Ông ngoại cũng nói:
- Thôi, thu xếp sớm với nhà chung rồi vào nhá, Phan.
Cậu Hai cười:
- Một mình Phan thì nó nhét đâu chả có chỗ. Nhưng nhớ đừng để tụi nó vào rồi mới đi, nhiều khi kẹt đó.
- Vâng, cháu sẽ cố gắng.
Mọi người chuyển đồ lên xe, kể cả thằng ở. Phan đứng trước cửa, nhìn theo chiếc xe vượt qua khỏi khu Văn Miếu, quẹo phải vào đường Nguyễn Thái Học rồi khuất dạng. Phan thở dài, trở vào trong. Quầy tủ vẫn còn y nguyên, chú Sung hẹn mười giờ tới chở đi, cửa hiệu vắng vẻ quá ... Đâu đây, Phan vẫn còn mường tượng thấy Hằng ra vào cười nói trước cửa, thấy mợ Hai đứng cân thuốc, thấy ông ngoại vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa trộn các vị thuốc trong mâm đồng. Giá lúc này chỉ cần có thằng ở cũng đỡ cô đơn ... Chẳng còn ai ... Không, còn một người, Nụ. Tự nhiên Phan cảm thấy thương Nụ quá. Nụ có thể thay thế Hằng được không. Hy vọng là vậy. Phan lên tinh thần. Mặc dầu mới quen nhau, nhưng Phan va Nụ đã trải qua những giờ phút mà tự nó đủ là những kỷ niệm nhớ đời.
Còn sớm, Phan vội khoá cửa, đi bộ ra chợ Con Bò ăn sáng. Phan vô tình tới ngay chiếc bàn hôm nào ngồi ăn mì với cụ Nam, thế mà đã gần hai tháng rồi. Không biết bây giờ ông cụ ra sao. Lúc nào có thể ra thăm Nụ được. Sức khỏe là một điều kiện. Buổi sáng thu, trời lạnh, được bát phở nóng ăn thực thú hết chỗ nói. Phan ngồi chơi, uống nước đến gần mười giờ mới về nhà.
Chú Sung đã đứng chờ trước cửa. Phan lật đật chạy lại:
- Xin lỗi ông Sung, vừa chạy ra chợ ăn chút điểm tâm.
- Ông cụ đi rồi.
- Phải, chừng nửa giờ thôi. Bây giờ, tôi giao chià khoá cho ông, ông ở lại kiểm kê, rồi chở đi dùm. Ngày mai tôi sẽ lại ông.
Ông Sung gật đầu, nghiêm nghị nói:
- Ông Phan yên trí đi, ngộ giúp cho.
Trao chià khoá xong, Phan dắt xe lững thửng ra phiá Văn Miếu. Giờ này, bãi cỏ xanh đẫm nước mưa buổi đêm, nhưng không khí khá trong lành. Tuy nhiên mây đen còn bao phủ bầu trời. Phan đi dọc theo bồn cỏ, mùi đất xông lên ngai ngái. Nhớ hồi còn nhỏ, thời trọ học nhà ông. Buổi tối muà hè nóng nực, mọi người ra bãi cỏ trải chiếu ngồi chơi, uống đá chanh, nước gạo, trân châu cuả mấy xe nước bên vệ đường. Sao mà nó mát ruột vậy. Có những buổi trưa, mấy anh em rủ nhau vào trong Văn Miếu, cỡi lên những con ruà đá nằm từng hàng dọc theo mấy bờ tường, chung quanh cỏ mọc xanh um. Bây giờ thì mọi người chẳng còn ai ở lai. Chắc giờ này, Hằng đã sang tới Gia Lâm.
Chưa bay đâu ... Ít nhất cũng phải sau trưa. Biết đâu chuyến bay hoãn, Hằng lại trở về nhà mấy hôm. Thôi đừng nghĩ quẩn không tội nghiệp cho mọi người phải chịu vất vả. Lá phong vàng to bằng bàn tay nằm lẫn với những lá sấu nho nhỏ, vương đầy lối đi.
"Ngọn gió thu phong rụng lá vàng,
Gió rơi hàng xóm, lá bay sang,
Vàng rơi mấy lá năm già nửa,
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng."
Thơ Tản Đà cũng buồn thật. Phan chẳng có ai để mà bị phụ tình. Có Nụ. Bậy nào. Phan mỉm cười khi nghỉ tới người bạn duy nhất còn ở thành phố này. Cả đời Phan chẳng có bạn bè. Một tu sĩ đi giúp xứ, phải giữ hạnh kiểm để còn được gọi về học tiếp. Léng phéng đàn đúm với bạn bè trai gái là chết. Nhưng bây giờ ... Phan đã có uy tín với các cha, nên vấn đề cũng dễ dãi hơn nhiều.
Qua ngã ba Hàng Cháo ... Ngày trước đã có một thời ở con đường nhỏ này. Buổi sáng, chạy ra mua bánh mì ba-tê nóng hổi, ăn ngấu ăn nghiến để còn đi học. Trước mắt là ngã ba Hàng Bột, Nguyễn Thái Học, bức tường thành cổ cuả quân đội Pháp thời thuộc địa chạy dài một bên đường. Ngày Phan mới biết đi xe đạp, đã có lần chàng lấy lén xe cuả cậu Hai phóng lên con đường này, quẹo trái đạp miết. Đến khi trời tối, lạc loanh quanh trong khu Kim Mã xa xôi, Phan Sợ quá, xuống xe không dám đi tiếp nữa. Mãi sau gặp được ông cảnh sát đạp xe đi tuần ngang qua, mới kè chàng về đến nhà. Tụi nhỏ Hằng, Tuấn cứ chế diễu Phan mãi. Bao nhiêu kỷ niệm gợi lại trong trí Phan để cuối cùng chàng thấy được là những gì sẵn có thì chẳng quí, đến khi mất rồi mới hối tiếc.
Mười một giờ rồi. Phan dừng chân. Giờ này đến đón Nụ là vừa. Phan cảm thấy vui vui khi đạp xe về hướng Bạch Mai. Nụ đang chờ chàng ở cửa bệnh viện. Chàng hơi nhăn mặt:
- Kià, sao không ở trong phòng.
- Buồn quá. Nhớ Hằng ghê. Hằng đi chưa ?
- Có thể đang lên máy bay.
Nước mắt chạy trên má, Nụ nghẹn lời:
- Thế là hết ... chẳng bao giờ được gặp Hằng nữa!
Phan đến bên yên ủi:
- Mỗi người một số phận, Nụ ạ Hằng nó không thể ở lại Bắc được. Nó đi để có tương lai. Nhớ nó, nhưng mình không muốn thấy nó cực khổ. Chúng mình đã quen rồi, nó thì không.
Nụ gạt nước mắt theo Phan vào trong.
Phan dừng lại ở cửa phòng hành chánh, khẽ nói:
- Nụ vào thay quần áo, thu dọn đồ đạc để còn về. Tôi tới bàn giấy làm thủ tục xuất viện.
Đợi cho Nụ vào phòng, Phan đến cám ơn sơ Margarette. Bà ta cũng buồn khi được tin Hằng đi sáng nay. Phan trả nốt tiền còn thiếu, rồi lấy giấy tờ, trở lại phòng Nụ.
Phan gõ cửa, Nụ cũng không trả lời. Chàng nói vào:
- Tôi đây Nụ, xong chưa.
Có tiếng Nụ khẽ cười:
-Xong rồi.
Phan hé cửa, thấy Nụ đã thay bộ đồ ni cô. Nhưng cái măng tô đen hôm qua để trên giường, bên cạnh gói đồ. Phan mở rộng cửa bước vào. Chàng cảm thấy thiếu tự nhiên ... khi nghĩ mình vào phòng cuả một người con gái.
Nụ thì sượng sùng nhìn xéo Phan. Phan đến bên, khẽ nói:
- Mình có thể về bất cứ lúc nào.
Bỗng Nụ thì thầm:
- Hằng đi rồi, bây giờ làm sao ?
Phan không đoán được ý Nụ, dè dặt:
- Nụ à, mình sẽ có những khó khăn sau này. Tôi hứa với Nụ là sẽ giúp Nụ tận tình.
- Giúp. Anh chỉ nghĩ đến giúp với đỡ. Người ta đi ở chuà rồi ... còn cần gì nữa chứ.
Phan hiểu ra, đành nói:
- Đến chuà thăm Nụ thì cũng được. Nhưng giá có những...
Phan không dám nói đến cần có lý do, vì biết nói ra, thế nào Nụ cũng không bằng lòng. Phan đành bỏ lững câu nói.
Nụ cự:
- Nói tiếp đi.
Phan suy nghĩ, rồi nói:
- Tôi muốn làm cách gì để Nụ ở chuà đỡ vất vả hơn trước. Nếu Nụ lại về trồng rau,
gánh nước ... sức khỏe yếu lắm sao chịu nổi ... rồi lại bệnh.
- Bệnh thì nằm nhà thương.
Phan lắc đầu:
- Không được, lúc trước còn có Hằng. Bây giờ Nụ bệnh thì lôi thôi lắm.
- Anh sợ phải đến thăm, đúng không?
- Không đâu. Để tôi nghĩ cách nào vẹn toàn ... Bây giờ mình đã có tiền rồi . ..
Nụ ngạc nhiên:
- Hai đứa mình? Cuả anh thì có.
Phan cười:
- Bây giờ chỉ còn lại hai đứa mình thôi, kể gì đến tiền. Nếu họ để Nụ nghỉ, mình có
thể giúp thêm tiền cho họ mà.
Nụ có vẻ giận:
- Không.
Phan lại đỡ gói đồ, nói:
- Thôi được, bây giờ về. Để rồi tính.
Nụ không nói nữa, lẳng lặng theo chàng ra về.
Phan đạp xe theo sau xích lô cuả Nụ. Bất chợt chàng nảy ra một ý kiến hay. Làm ăn. Đúng, tìm cách để Nụ gây dựng một cơ sở gì làm ăn trong chuà ... như làm đậu phụ, nấu đồ chay ... để bán. Chàng giúp chuà vốn. Nhờ đó, Nụ sẽ nhàn hạ hơn, không những khỏi giải nắng dầm sương như trước mà còn được các sư nữ trong đó nể vì Phan cảm thấy thích thú. "Mình có lý do để tới thăm Nụ. thường xuyên. Ấy tội sa hoả ngục đấy." Phan hồi hộp khi nghĩ đến Nụ . Xe về đến chuà lúc nào chẳng hay. Phan thắng xe gấp. Chàng đưa xe vào cổng chuà, chạy lại đỡ gói đồ xuống cho Nụ. Thực khổ! Vô tình Phan nắm phải tay nàng. Bàn tay mềm mại, ấm áp. Cả hai đều hốt hoảng rụt vội tay về.
Phải một lúc sau, Nụ mới bước xuống xe, tha thiết:
- Anh Phan vào chuà chơi chứ?
Phan lắc đầu:
- Để lúc khác, Nụ. Bây giờ tôi phải về lo cái nhà giao cho người ta, không họ trách chết. Mai mốt xong việc, tôi sẽ tới thăm. À, mà có chuyện này thực hay, sẽ cho Nụ biết sau.
Nu phụng phịu:
- Nói bây giờ đi.
Phan cười:
- Chưa được. Người ta còn phải tính toán để nói thế nào cho Nụ phục mới được chứ.
Thôi Nụ vào đi.
Nụ miễn cưỡng vào một mình, nhưng còn mặc cả:
- Mai đến cơ, không thôi.
Phan gật đầu:
- Nếu lo xong chuyện thì đến. Không ngày kia.
Nụ lắc đầu, không nói nữa, đẩy cổng đi nhanh vào trong chuà. Phan đợi Nụ đóng cửa xong, chàng trả tiền xích lô, rồi nhảy lên xe đạp mau.
"Mấy hôm nay mình làm những gì vậy ? Lúc nào trong đầu cũng đầy hình ảnh cuả Nụ. Có lỗi với bổn phận không. Có tội với Chuá không. Không, mình nghĩ đến Nụ với những tình cảm thực trong sáng, không chút bợn nhơ ... thì sao có lỗi được. Mình mong Nụ sẽ là một Hằng thứ hai cuả mình. Lạy Chuá tôi!"
Nghĩ đến đó, Phan thấy nhẹ hẳn ngườị Chàng chợt nhớ bài đồng dao hay hát hồi nhỏ. "Thiên đàng, Địa Ngục hai bên
Ai khôn thì dại, ai dại thì khôn,
Đêm nằm nhớ Chuá, nhớ Cha,
Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn,
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi gần chết được lên Thiên Đàng."
Chàng mỉm cười, lòng đầy tự tin. Không ngờ một bài hát giản dị thế mà ý nghiã sát với thánh thư cuả Thánh Phao-Lô. Trưa, đã thấy có chút ánh nắng le lói trên những ngọn cây sấu cao vút bên kia bãi cỏ. Phan đạp xe về hướng nam, qua cửa Văn Miếu lúc nào không hay. Bất chợt chàng nhớ ra, khẽ nói một mình: "Chết bỏ xoáy rồi, đêm qua mưa, đi lối này phải bơi qua phố Sinh Từ mới đến được chợ Cửa Nam." Từ nhiều năm nay, mỗi khi có mưa lớn là phố Sinh Từ biến thành một con sông như ở thành phố Venice.
CHƯƠNG VII
Phan dời phố Hàng Buồm, đạp xe về bờ hồ Hoàn Kiếm. Kết quả thực không ngờ. Thế là chàng đã tìm cho Nụ và chuà Bích Câu một việc làm có thể kiếm tiền mà không phải vất vả với mấy luống rau, cụm cà. Ông bạn cuả cậu Hai đã bằng lòng dạy cho các ni cô nghề làm tương. Ông này có cửa tiệm bán nước mắm ở phố Hàng Buồm từ mười mấy năm nay. Vựa mắm khá lớn cuả ông ở bên Gia Lâm cũng có làm tương. Nhưng theo ông khi chính phủ bên ngoài về tiếp thu Hà Nội thì thị trường tiêu thụ sẽ rất rộng rãi. Vì lúc đó, không những chỉ bán cho những thành phố lớn như hiện nay, mà còn gồm tất cả các tỉnh Bắc Phần và bắc Trung Phần. Nếu nhà chuà sản xuất tương, ông sẽ mua hết để phân phối đi các nơi. Vốn liếng không lo vì hiện nay Phan còn tới gần vạn bạc do số tiền cũ còn lại cộng thêm tiền bán thuốc và quầy cuả tiệm ông ngoại.
Phan vừa đạp xe, vừa tính mọi kế hoạch tổ chức để chuà Bích Câu có thể thực hiện được công việc làm ằn này. Bỗng Phan nghe thấy nhiều tiếng ồn ào, rồi đàng trước xuất hiện những nhóm chừng bốn năm người đi rầm rập rên lề đường, tay cầm cờ đỏ sao vàng vừa đi vừa phất, miệng hô những khẩu hiệu nghe không rõ, rồi tiếp theo là hững tiếng hoan hô hoặc đả đảo ... Ô kià, họ chưa về mà. Tự nhiên lòng Phan vô cùng hồi hộp. Chàng đạp xe mau về phiá trước. Trên đường đi, một vài chiếc xích lô không có khách đạp nhanh như gió, trên mui xe cũng phất phới cờ đỏ. Ra tới bờ hồ, một ngạc nhiên nữa là ở trên Tháp Ruà, đã ngạo nghễ một lá cờ đỏ khác, đang phần phật bay trước gió. Biết trước là sẽ có ngày hôm nay, nhưng Phan không khỏi đau nhói trong tim. Chàng nhìn khắp phố phường, từ toà bưu điện cổ kính đến ngôi cao ốc tân kỳ đang xây dở dang ở đầu Hàng Đào và nhất là Hồ Hoàn Kiếm với Đền Ngọc Sơn, nhà thủy tạ ... mà không thể tưởng tượng được rằng thành phố thân mến nay lại có ngày đổi chủ một cách phũ phàng như thế. Dầu gì thì những toan tính vẫn phải tiến hành, Phan tiếp tục đạp xe tới chuà Bích Câu.
Nụ đang đợi chàng ở ngay sân chuà, có vẻ hoang mang. Khi thấy Phan lại, nàng mừng rỡ:
- Anh Phan, Nụ lo quá. Lúc nãy, có một bọn vào đây bán mười đồng một lá cờ Đỏ Sao Vàng rồi bắt phải cắm trước cổng chuà. Anh nghĩ có tức không?
Phan giật mình, nói ngay:
- Đâu rồi ? Nụ cho người ra cắm ngay đi. Tui này là bọn thời cơ, còn nguy hiểm hơn người bên ngoài nữa. Trong lúc thành phố chưa có chủ, chúng nó có thể làm hại mình, nếu mình tỏ ra chống đối.
Vừa lúc đó, sư bà chủ trì từ trên thềm bước xuống. Phan lễ phép cúi chào. Sư bà chào lại, rồi đến bên:
- Ông Phan ...
Nụ nói ngay:
- Bạch thầy, anh Phan con nói mình phải treo cờ không họ có thể làm khó dễ.
Sư bà mời Phan vào trong nhà trai. Lần đầu tiên, Phan bước chân tới chốn thiền môn tĩnh mịch, chàng cũng cảm thấy ở đây có một không khí trang nghiêm, mộ đạo ngạt ngào trầm hương.
Sư bà rót nước mời Phan, miệng nói:
- Các sư ở trong này chẳng màng chuyện bên ngoài, không ngờ ngày nay lại xảy ra những chuyện như vậy.
Nụ khẽ nói:
- Bạch thầy, mỗi thời một khác.
Phan cũng đỡ lời:
- Bạch sư bà, tôn giáo là mục tiêu tấn công đầu tiên cuả những chính quyền cộng sản. Mình phải hết sức thận trọng không để bị nghi ngờ, vu cáo lầm. Nhiều người ở trong khu kháng chiến về đều nói như vậy. Bên ngoài lúc này rất lộn xộn, những phần tử xấu có thể lợi dụng để trả thù cá nhân. Vậy các ni cô ra ngoài phố cũng cần phải thận trọng.
Sư bà gật đầu:
- Cám ơn ông Phan đã chỉ dạy. Mấy vị ni trẻ cuả nhà chuà, người di cư, người xin về quê. Hiện nay Diệu Hạnh là ni cô lanh lợi nhất ở đây, lại có người anh như ông Phan giúp đỡ ... nên nhà chuà đã quyết định từ nay mọi chuyện bên ngoài sẽ giao hết cho Diệu Hạnh lo. Nụ đứng cạnh mỉm cười sung sướng.
Nhân cơ hội này, Phan nói:
- Bạch sư bà, thời gian sắp tới rất khó khăn cho chúng ta, nhất là vấn đề sinh nhai. Họ vào đây, tất cả mọi người, kể cả các vị tu hành đều phải lao động để sống, không còn ai cúng đường như trước nữa. Do đó, mấy hôm trước con có bàn với Diệu Hạnh là tìm việc gì để chuà có thể kiếm tiền tự túc. Rất may, con có một người quen, hiện là chủ nhân vựa nước mắm Mạnh Phát ở phố Hàng Buồm. Ông Mạnh Phát bằng lòng dạy các vị ở chuà cách làm nước tương để bán.
Mắt sư bà và Nụ đều sáng rở. Nàng reo lên:
- Mô Phật, thế thì tốt lắm rồi.
Phan cười, nói:
- Mình làm được bao nhiêu, ông ta sẽ mua hết.
Sư bà hơi lắc đầu, buồn bã:
- Lập một "nhà máy" như vậy tốn tiền cuả lắm, nhà chuà lấy đâu ra vốn?
Phan cười, gạt đi.
- Sư bà khỏi lo. Ông ta tính các dụng cụ tốn chừng hơn một ngàn, vật liệu làm tương chừng vài ngàn. Còn chai lọ, in nhãn chừng ngàn nữa. Có chừng bốn năm nghìn là mình bắt tay làm được rồi. Sau này, quen nghề, hàng bán được nhiều sẽ tính. Số tiền này dưới quê Diệu Hạnh nay mai sẽ gởi lên cho chúng ta, sư bà yên tâm đi. Nụ vừa ngạc nhiên, vừa hảnh diện. Nàng hỏi:
- Thế bao giờ mình khởi sự ?
- Ngay từ ngày mai mình sẽ nhờ ông Mạnh Phát mua dùm dụng cụ, đồng thời nhà chuà gởi người đi học. Ông ta nói học chừng vài ngày là có thể làm được.
Sư bà tươi hẳn mặt:
- Theo ông Phan thấy, những người già cả như các sư ở đây có thể làm được chứ ?
- Vâng, theo ông Mạnh Phát thì công việc cũng nhẹ nhàng thôi, lớn tuổi vẫn làm được, chắc chắn không nặng nhọc như làm vườn cấy rau đậu ạ.
Sư bà gật đầu:
-Thế thì phúc đức cho nhà chuà rồi.
Sư bà ngước mắt nhìn Nụ:
- Vậy, mai con thu xếp thì giờ theo ông Phan đi học đi. Con có muốn đưa sư nào theo không?
Nụ suy nghĩ:
- Bạch thầy, con nghĩ cứ thử đi trước. Nếu cần, hôm sau sẽ cho người theo.
- Vậy cũng được.
Sư bà đứng dậy:
- Thế muôn sự nhà chuà nhờ ông Phan. Nhà chuà cũng còn được vài ngàn tiền quỹ, số còn thiếu mượn ở dưới quê, khi làm ăn khá giả thì nhà chuà sẽ xin trả lại cả vốn lẫn lời.
Phan đưa mắt chờ Nụ, nàng nói ngay:
- Bạch thầy đừng ngại chuyện đó. Con xuất gia rồi, tiền cuả nhà cho con cũng là cuả tiền chung cuả chuà mình thôi.
Sư bà rất hài lòng, đứng lên cười vui, nói:
- Thôi thầy xin kiếu. Diệu Hạnh cứ bàn chuyện với ông Phan rồi cho thầy biết sau.
Đợi cho sư bà vào trong, Nụ trách:
- Anh đề nghị phụ tiền cho chuà thực sao ?
Phan gật đầu:
- Miễn sao mình làm được việc công ích thì tôi không tiếc đâu.
Nụ làm hiệu cho Phan ra ngoài. Tới hàng hiên tiền điện, Nụ khép cửa lại, rồi nói:
- Mình xuống sân nói chuyện tốt hơn.
Hai người bước nhanh xuống mấy bậc thềm, rồi đi xa về phiá góc sân. Nụ cự:
- Anh hẹn sao mà mãi tới hôm nay mới lại ?
- Thì cũng phải lo công chuyện chứ.
Bỗng Nụ hỏi bất ngờ:
- Anh chưa cho Nụ biết về gia đình anh đấy. Nói đi.
Lạy Chuá! Phan có quyết định ngay:
- Tôi mồ côi từ nhỏ Nụ ạ. Trước đây tôi ở chung với ông ngoại tôi và gia đình Hằng. Nhưng mấy năm nay thì ở riêng rồi.
Nụ nhìn Phan hỏi nhanh:
- Ở một mình?
Phan cười:
- Với một vài người nữa.
Mắt Nụ máy động. Phan hiểu ý cười:
- Với mấy cụ già đó. Khó tính lắm.
- Hôm nào Nụ tới chơi ...
Phan kêu khổ trong bụng, nhưng ngoài mặt tỉnh bơ:
- Được. Nhưng coi chừng sư bà. Mình đừng tự do quá không tốt đâu.
Nụ cụt hứng, nhìn xuống:
- Thôi vậy.
Phan an ủi:
- Thế nào cũng có ngày mà.
Thấy ở đây đã lâu, sợ Nụ thêm nhiều chuyện, Phan nói:
- Như vậy là xong việc rồi. Chiều nay báo cho ông Mạnh Phát để ngày mai tôi sẽ đưa Nụ tới đó học. Còn vấn đề tiền bạc đừng lo. Mình còn nhiều tiền lắm.
Nụ lườm Phan:
- Hoang vừa vừa chứ.
- Yên trí đi. Thôi tôi về.
- Thư thả đã. Còn bảo gì nữa không.
Phan lắc đầu:
- Hết rồi. Nhớ giữ gìn sức khoẻ ... Để còn đi học đó.
Thấy không giữ được Phan nữa, Nụ gật đầu:
- Nụ nhớ mà. Thôi về đi.
Phan sực nhớ vụ treo cờ, nhắc:
- Nụ, treo cờ ngay đi.
Nụ gật đầu.
Phan ra ngoài, Nụ đứng trong cửa hé mở, nói:
- Anh cũng cần cẩn thận. Đàn ông nhiều nguy hiểm hơn đó.
Nụ nói không rõ nghiã, nhưng Phan hiểu và cảm động vì sự quan tâm cuả nàng. Phan đạp xe về nhà chung. Hai bên đường chàng đi qua, lác đác có nhà đã cắm cờ Đỏ Sao Vàng trước cửa. Phan nghĩ bụng: "Thời thế bắt vậy mà. Dù không ưa gì nó, nhưng khi đã ở lại thì mặc nhiên phải chấp nhận sự thật."
Về đến nhà thờ, Phan không ngạc nhiên khi thấy ông bõ đang đứng ở đó, tay cũng cầm một lá cờ đỏ có cán đàng hoàng.
Ông ta mừng rỡ:
- Thầy đã về đấy à.
Phan nói ngay:
- Mười đồng lá cờ phải không?
- Sao thầy biết?
- Thôi tìm chỗ cắm đi.
- Cắm ?
- Ừ, họ bảo sao mình làm vậy, không lại lôi thôi ra.
Phan dắt xe vào nhà bếp. Cha xứ đã đợi chàng ở trước thềm phòng khách:
- Nghe nói ngoài phố xôn xao lắm phải không?
- Thì cũng chỉ có bọn đi hô hào treo cờ Đỏ Sao Vàng.
- Ông Tân lúc nãy ghé qua nói là vài hôm nữa là họ về rồi ... Ngoài phố không còn cảnh sát, công an nữa. Nghe cha xứ nói, Phan nhớ lại thấy đúng ...
- Trên nguyên tắc, tới mồng mười tháng mười cơ cha ạ.
- Có thể họ vào sớm.
- Con nghĩ mình cẩn thận lúc tranh tối tranh sáng, những tụi đón gió trở cờ, tụi chống Công Giáo có thể gây thiệt hại cho mình đó.
- Họ nói, ở Phố Huế, Chợ Hôm, phố Hàng Đào bán cờ Đỏ Sao Vàng cả tuần nay rồi. Bây giờ tụi nó mang cờ tới tận nhà ép mua và bắt treo ngay.
- Con cũng bảo ông bõ cắm đi cho rồi.
- Thầy nói phải.
Mười hai giờ, hai cha con trở vào nhà khách nguyện kinh trưa. Tiếng đọc kinh thì thầm nghe thật buồn.
Ông bõ đứng chờ ngoài hành lang. Đợi hai người đọc kinh xong, ông lên tiếng:
- Trình cha, cha quản lý nhắn người về nói cha và thầy sơi cơm trước, ngài còn bận ngoài ngân hàng.
Hai cha con tới phòng ăn. Ông bõ sắp cơm lên bàn, hai người uể uải ngồi vào ăn.
Phan nói nhỏ:
- Cha liên lạc với địa phận xem có chỉ thị gì không. Con sợ, họ về đây sẽ có chính sách mới ngay đối với mình đó cha à. Mình phải sửa soạn thái độ trước không lúc đó lúng túng...
Cha xứ gật đầu:
- Mấy hôm trước Đức Cha cũng đã có cho biết mình phải chuẩn bị tư tưởng cho một giáo hội sau bức màn sắt như ở các nước cộng sản khác. Mình sẽ thi hành những bổn phận công dân, nhưng Giáo Hội vẫn trực thuộc Hội Thánh La Mã, không thể tách rời.
Phan bỗng thấy hình như ít lâu nay mình đã cách xa sinh hoạt trong nhà chung.
Ông bõ đứng bên nói:
- Con đã cắm cờ trước cổng trường học rồi.
Phan cười:
- Ờ, ông khéo đó.
- Con nghĩ, nhà thờ là chốn tôn nghiêm, ai lại cắm cờ đỏ.
Phan chỉnh ngay:
- Mình làm thế cũng được, nhưng ông phải giữ lời ăn tiếng nói, không bị vạ miệng thì khốn.
- Thì con chỉ nói trong nhà.
Cha xứ nghiêm mặt:
- Thầy Phan nói đúng. Trong lúc này, mình phải giữ ý lắm mới được.
Đồng hồ trên tường đánh một tiếng. Cha xứ nhìn lên, hỏi bâng quơ:
- Sao cha quản lý về muộn vậy ?
Phan bỏ bát đuả xuống, nói:
- Hôm qua con đã tính toán tiền bạc ở nhà trường với cha quản lý rồi. Ngài nói hôm nay ra ngân hàng xem trương mục cuả nhà chung mình thế nào. Chắc vì thế mất nhiều thì giờ chăng.
Vừa lúc đó, cha quản lý về tới cửa. Mọi người vui mừng. Ngài vào nhà, thở dài:
- Chuá ơi, ngân hàng hôm nay đông như kiến. Chờ gần hai tiếng mới tới lượt mình.
Ngài đặt cái cặp xuống ghế ngồi, lắc đầu:
- Tình hình sao đó, người ta rút tiền ra nườm nượp.
Cha xứ hỏi:
- Còn mình?
- Con cũng rút. Nghe nói, ngày mai các ngân hàng đều đóng cửa cho tới khi bên kia về, có luật lệ mới. Con sợ họ không đủ tiền để người ta rút ra đâu.
Phan đề nghị:
- Theo con, bắt đầu từ lúc này, nếu không có việc thực cần thiết, hai cha đừng ra ngoài nữa. Có gì, con đi tiện hơn. Về kẻ liệt, nếu có ai gọi, cũng để con lo cho.
Cha xứ gật đầu:
- Thế cũng được. Đợi xem tình hình thế nào rồi hãy hay. À, thầy Phan thử xem điện thoại nhà mình còn không. Lúc này là lúc mình luôn luôn phải giữ liên lạc với địa phận.
Phan tới chỗ điện thoại, chàng nhấc ống nghe thử, thấy điện thoại vẫn tốt, nói:
- Vẫn tốt. Nhưng mình cũng phải thỉnh thoảng kiểm soát.
Cha quản lý ngồi vào bàn ăn. Ngài cũng ăn qua loa cho xong bữa. Tình hình thay đổi ngoài phố khiến mọi người đều nao lòng.
Nhân lúc ông bõ dọn chén bát xuống nhà, cha quản lý hạ giọng, nói nhỏ:
- Ở ngoài ngân hàng, người ta nói là khi bên kia về, sẽ có những vụ đấu tố đấy.
Cha xứ trợn mắt:
- Giữa thủ đô mà cũng có đấu tố.
- Người ta còn nói, nguy hiểm nhất là những người làm ... Họ sẽ bị xúi bẩy tố khổ ngay những người chủ hiện họ đang ở. Nhà mình ...
Cha xứ hiểu ý cha quản lý, ngắt lời:
- Ông bõ nhà mình không đến nỗi đâu.
Cha quản lý lắc đầu:
- Người ta nói những người này dù không muốn, nhưng cán bộ vừa xúi bẩy, vừa áp lực bắt làm; nếu không cũng bị liên lụy. Vì thế, chẳng ai dám từ chối, dù họ có thương chủ biết mấy chăng nữa.
Phan nói để hai cha yên lòng:
- Lời đồn đãi cũng không tin được đâu cha. Nhưng nếu Chuá định thì cũng đành chịu thôi. Mình lo cũng vô ích, mà nhiều khi lại tội cho ông ấy, nếu ông ấy biết sự nghi ngờ cuả mình.
Cha xứ gật đầu:
- Thầy Phan nói phải. Cứ coi như không có chuyện gì. Người ta nói mặc người ta.
Buổi chiều, khi Phan đang kiểm soát công việc dọn dẹp nhà trường, thì ông bõ vào, nói:
- Thầy Phan, dọc phố Huế, nhà nhà treo cờ Đỏ Sao Vàng cả rồi. Nghe nói, quân đội giải phóng sẽ vào thành bằng đường này.
Phan nhìn mọi nơi một lượt, thấy cũng đã khá sạch sẽ, chàng nói:
- Họ sẽ qua bờ hồ đây. Mình ra xem cũng gần. À, bõ lo đóng cửa các phòng học lại cẩn thận. Phòng nào mất cửa, lấy các miếng ván ở ngoài sân kia đóng bít lại. Theo tôi, nếu may mắn, sang năm trường mình mới có thể hoạt động trở lại. Nhưng được hay không còn chờ quyết định cuả nhà cầm quyền mới.
Nói xong, chàng nhớ tới vụ làm tương, nói với ông bõ:
- Tôi ra phố có chút việc, chừng một giờ thì về. Cha xứ có hỏi, nói dùm tôi.
Ngoài phố, thực vắng vẻ. Các tiệm buôn hầu như không mở cửạ Ngoài bờ hồ, trước cửa bưu điện, có nhiều sạp bán cờ, lác đác khách lại mua.
Khi Phan tới hiệu Mạnh Phát thì ông chủ đang đứng trước cửa, mắt hết nhìn đầu phố lại tới cuối phố, coi bộ lo lắng. Thấy Phan, ông hỏi:
- Trên đó có gì lạ không?
- Dạ thì cũng có ít nhà treo cờ Đỏ Sao Vàng ... ngoài ra, cũng không có gì lạ.
Ông gật đầu, nói như tự trấn an:
- Nghe nói họ có thể về sớm hơn dự tính ... Chẳng sao, trước hay sau thì cũng vậy thôi. Mình là dân, cứ tự nhiên, chẳng có sợ gì.
Nhớ ra việc cuả Phan, ông nói:
- Anh cứ đưa người tới học đi.
Phan cười:
- Bác giúp cho như vậy là may cho nhà chuà lắm rồi. Xin bác nói dùm mấy ông cung cấp cho cối xay, máy lọc, vân vân, cùng vật liệu để làm. Hết bao nhiêu cháu xin gửi.
Ông Mạnh Phát gật đầu:
- Được, anh cứ yên tâm. Ai thế nào tôi không biết, chứ cái nghề này cuả mình, thời nào cũng sống.
Phan nghĩ, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, chàng đưa cho ông ta một ngàn, rồi nói:
- Cháu gửi bác một ngàn để ứng trước một phần, xin bác giúp cho. Mai cháu đưa họ tới học việc.
Ông Mạnh Phát cầm tiền, gật đầu:
- Cũng được. Mai chừng mười giờ. Có thể chỉ cần một ngày là đủ.
- Vâng, vậy thì tốt quá.
Thấy đã được việc, Phan kiếu từ ra về.
CHƯƠNG VIII
Muà đông, sáu giờ sáng, trời còn tối đất... Nhưng thời gian này, có lẽ cả Hà Nội đã phải thức giấc. Đó là món quà đầu tiên mà Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tặng cho dân cuả một thành phố vừa bị tiếp thụ Tuỳ theo nhân số, mỗi gia đình "được" cử đại diện dự buổi mít tinh nhân ngày ra mắt cuả Hồ Chủ Tịch và Chính Phủ tại vườn hoa Ba đình. Và để sửa soạn cho ngày "trọng đại" này, hai phần ba dân Hà Thành mỗi sáng phải có mặt tại các địa điểm đã chỉ định từ 7 giờ để tập diễn hành. Mọi người già, trẻ, nam, nữ đều được đoàn ngũ hoá theo từng khu phố.
Tháng trước, ngày mà quân đội bên ngoài theo hai đường tiến vào thành phố, một từ Hà Đông về dọc theo Hàng Bột, một từ Bạch Mai về ngả Phố Huế, dân chúng cũng có phần nô nức. Cờ đỏ sao vàng rợp phố phường. Người ta đứng dọc hai bên lề đường, tay cầm cờ đỏ phất lên mỗi khi một đơn vị quân đội đi ngang qua. Nhưng có một điều mà mọi người thất vọng vì quân đội chiến thắng quê muà và bệ rạc quá .... Và trong ngày đón tiếp đã có những lời bàn tán thiếu cảm phục, những cái nhìn, những nụ cười gần như chế diễu cái khí thế oai hùng một cách khôi hài cuả "Quân Đội Nhân Dân". Vì thế, vừa nắm chính quyền, họ đã có những biện pháp đánh phủ đầu, mà một trong những biện pháp đó là đày đoạ dân thành gần một tháng trong cái lạnh cắt da cuả những buổi sáng sớm trên đường phố, mà nhà nước gọi là chương trình tập diễn hành mừng ngày Hồ Chủ Tịch và Chính Phủ ra mắt đồng bào.
Nhà chung có bốn người. Ông bõ bị phong thấp, không chịu được lạnh, cha quản lý yếu, hay bị bệnh; còn lại cha xứ và Phan "được" tham gia ngày lễ đó. Mỗi buổi sáng, Phan lên đánh thức cha xứ dậy lúc sáu giờ, làm vệ sinh cá nhân chừng mười lăm phút, rồi đội nón ra đi. Hai cha con đến đầu đường Quang Trung vào quãng bảy giờ thiếu mười lăm. Ở đây, dân phố cũng đã tụ tập đông đảo. Dưới ánh đèn nê-ông mờ nhạt, mọi người ngồi co ro bên lề đường, hoặc dựa gốc cây hút thuốc lá vặt trong cái lạnh lẽo cuả một buổi sớm muà đông. Bây giờ, cán bộ thổi còi tập họp theo từng đoàn thể để điểm danh. Tiếp theo, các đoàn viên phải ngồi xổm giữa đừơng để học tập về những vấn đề trật tự trong lúc diễn hành như địa điểm tập trung, vấn đề mang theo đồ ăn trưa, nước uống, việc vệ sinh, bỏ rác ...
Tập diễn hành mất rất nhiều thì giờ. Mấy ngày đầu học những động tác nghiêm, nghỉ, quay đàng trước, quay đàng sau. Tập dậm chân tại chỗ cũng mất cả tuần. Họ cứ lập đi lập lại những cái mà người ta chỉ một thời gian ngắn có thể làm được. Sang tuần thứ hai mới bắt đầu bước đi thực sự, lượn đi, lượn lại trên một quảng đường chừng một trăm thước trên đại lộ Quang Trung. Trong khi diễn hành, cán bộ hô đi hô lại bốn khẩu hiệu:
"Hồ Chủ Tịch Muôn Năm."
“Mọi người hô: "Muôn Năm."
"Đảng Lao Động Việt Nam Bất Diệt."
“Mọi người hô: "Bất Diệt."
"Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà Muôn Năm."
Mọi người hô: "Muôn Năm."
"Đả Đảo Bè Lũ Mẹ Mìn Ngô Đình Diệm."
Mọi người hô: "Đả Đảo”.
Ngày đầu tiên, có lẽ vì những kẻ bị chinh phục còn ngượng miệng, nên cán bộ luôn luôn phải la lên:
- Hô to lên...
- Hô to hơn nữa ...
Nụ đã cùng với hai vị sư bà còn khoẻ mạnh tham gia tập diễn hành tại khu Văn Miếu. Đã mấy ngày nay, Phan không tới thăm Nụ, chắc lúc này, nàng cũng khổ sở vì caí lạnh cuả những sáng muà đông. Nhiều lúc, Phan tưởng tượng cái cảnh Nụ đi một hai, miệng hô "hoan hô", "đả đảo", tay vung lên mà cười thầm trong bụng. Nhưng, chàng cũng lo lắng cho sức khoẻ cuả nàng. Vừa khỏi bệnh Nụ đã phải thức khuya, dậy sớm lo việc làm nước tương với mấy bà sư già, mà sau này Phan mới biết là nhiều khi các bà nhắc cái chổi quét vài nhát trước sân chuà cũng đã thở hồng hộc. Từ việc nhỏ tới việc lớn, Nụ đều phải nhúng tay, bây giờ lại phải tập tành nữa. Phan cũng phục cô nàng, từ nhỏ đến giờ chỉ biết gõ mõ, tụng kinh, nay xoay ra làm ăn, coi bộ cũng khá vững vàng. Ông Mạnh Phát dạy hai cách làm tương, một có thể bán ăn ngay và không để lâu được; đằng khác, loại làm mất thì giờ hơn, nhưng có thể đóng chai, gửi bán ở các tỉnh xa. Tương cuả Nụ đã bán được đợt đầu, tuy chưa đạt được tiêu chuẩn cao, nhưng ông Mạnh Phát cũng đã mua, khiến cả chuà mừng như bắt được vàng.
Kể từ ngày bên ngoài về tiếp thu thủ đô thì tất cả sinh hoạt cuả Hà Nội đều bị xáo trộn. Các trường học hoãn ngày khai giảng vì chương trình giáo dục mới chưa phổ biến, nay tạm dùng làm nơi hội họp cuả khu phố. Các cửa hàng, cơ sở thương mại, sản xuất hoạt động cầm chừng, vì chính sách kinh tế, tài chính mới chưa ban hành. Tiền Đông Dương chưa thu hết, nên tiền "cụ" còn mất giá. Hơn nữa, dân Hà Nội đã được đoàn ngũ hoá, sáng tập diễn hành, chiều đi "khai hội", tức tới những địa điểm được chỉ định để học tập chính sách cuả chính phủ mới nên không còn thì giờ lo chuyện gì nữa. Đám thanh thiếu niên thì bị hấp dẫn bởi các trung tâm sinh hoạt riêng. Các cô các cậu thoát được vòng kiềm toả cuả gia đình, chỉ mong ngóng đến tối được tới đây gặp nhau, nắm tay, ôm eo nhau vòng trong vòng ngoài nhảy "hoà bình":
"Yêu hoà bình, tổ quốc chúng ta,
Yêu hoà bình, quê hương ngàn đời
Toàn dân đoàn kết, bước chân đi đoàn ta hoan ca ..."
Không hiếm các thiếu nữ mất trinh bởi thanh niên khu phố hay cán bộ chỉ đạo. Đó là đòn lôi kéo giới trẻ vô cùng hiệu nghiệm cuả nhà cầm quyền.
Vì tình hình chung, "nhà máy" sản xuất nước tương cuả Nụ không hoạt động mạnh như những ngày đầu. Nụ buồn lắm. Nàng đã từng hy vọng chỉ nửa năm đầu có thể gở được vốn. Nếu ông Mạnh Phát bằng lòng mua thêm, nàng sẽ sắm thêm cối xay, thùng lọc và mướn thêm người để tăng số lượng sản xuất. Hiện tại, Phan cũng không giúp gì được hơn, ngoài lời khuyến khích, an ủi, hoặc nói vào dùm để ông Mạnh Phát không chê hàng cuả Nụ. Hơn nữa, bây giờ trong xứ cũng đã bắt đầu thiếu người. Đức Cha vừa nhờ cha quản lý đi công tác giúp các xứ xa, nên Phan phải thay ngài lo hết mọi chuyện, kể cả việc đi kẻ liệt. Đó là nhiệm vụ phải tới thăm nom, đưa mình thánh cho các bệnh nhân không thể tới nhà thờ xem lễ. Ngoài ra Phan còn phải kiên nhẫn an ủi những gia đình bổn đạo có người di cư, nhất là các cụ già không còn con cái ở nhà săn sóc.
Còn hai ngày nữa là tới ngày đại lễ thì cha xứ bị ngã bệnh trong lúc đang tập. Phan chỉ được biết khi mọi người tan hàng. Ngài được cán bộ cho ngồi ở trước cổng một ngôi biệt thự gần đó. Toàn thân ngài lạnh ngắt, không còn bước nổi. Phan phải cấp tốc thuê xích lô đưa ngài vào nhà thương Phủ Doãn. Gần chín giờ, Phan về đến nhà xứ. Bên trường học cửa mở toang, mấy anh bộ đội, chiến sĩ Điện Biên, binh phục màu cứt ngựa mới tinh ra vào tự do. Từ ngày về thành phố, từng đơn vị nhỏ dăm người, họ được trải rộng ra khắp nơi, chiếm ngự tất cả những nơi công cộng như trường học, nhà thờ, chuà chiền, công, tư sở. Có bọn che bạt trú quân ở ngay một góc phố. Những đơn vị này có hai nhiệm vụ, giữ gìn trật tự, an ninh và chơi đuà với trẻ em trong khu phố. Hàng ngày, trẻ nhỏ bu quanh họ, nô đuà vui vẻ. Mấy anh kể những chuyện anh hùng quân đội, những trận đánh nổi tiếng mà các anh đã tham dự Tối đến, cùng với các cán bộ tuyên truyền tổ chức ca muá, nhảy hoà bình. Nhờ chiến thuật đó, họ nắm được giới trẻ, và qua những em nhỏ này, họ khai thác tin tức trong gia đình các em. Những chống đối, dự định di cư dễ dàng bị khám phá. Có người xâm nhập vào tận nhà dân chúng. Họ chỉ gặp người lớn trong gia đình lần đầu. Những ngay sau, từ sáng sớm, họ đã có mặt, la cà trò chuyện với các em, mục đích là dò xét người lớn. Đôi khi có những phụ huynh các em nghĩ ngợi, mời họ ăn cơm, họ bằng lòng ngay. Không có gì dân Hà Nội có thể qua mặt được đoàn mật thám này.
Thấy Phan đi qua, vài anh em quen mặt mỉm cười đưa tay vẫy chào. Phan cũng lịch sự vẫy lại. Ông bõ đón Phan ở cửa. Không thấy cha xứ, ông ngạc nhiên hỏi:
- Cha chưa về hả thầy.
Phan buồn bả:
- Ngài bệnh. Tôi vừa chở đến nhà thương Phủ Doãn.
Ông bõ sợ hãi:
- Giê-Su, có nặng không thầy ?
- Hiện tại đỡ rồi. Nhưng ngài chưa thể về được.
- Khổ thực.
Phan nói nhỏ:
- Không may mà lại hoá ra may ... để ngài nằm trong đó cho qua cái ngày lễ ra mắt thì hơn.
Ông bõ cũng gật đầu đồng ý, nhưng bỗng lại lắc đầu:
- Chết! Như vậy, chủ nhật này mình không có lễ.
Phan khẽ gật đầu. Chàng thực không thể tưởng tượng sự việc lại xảy ra sớm vậy. Chính phủ mới về chưa đầy hai tháng mà giáo xứ chàng đã thiếu linh mục. Có lẽ từ ngày lập xứ đến nay, đây là lần đầu tiên nhà thờ lo không có cha làm lễ ngày chủ nhật.
Thấy vẻ băn khoăn cuả ông bõ, Phan an ủi:
- Để tôi gọi sang bên địa phận xin một cha về. Nếu chẳng may không có cha, mình cho bổn đạo đọc kinh rồi tôi sẽ cho họ rước lễ.
Ông bõ không được bằng lòng, lắc đầu:
- Thật từ bé đến giờ, tôi chưa từng thấy ...
Bước vào văn phòng, Phan cảm thấy sự quạnh quẽ ở đây thấm tới tận tâm hồn mình. Chàng bối rối đến sợ hãi. Cả một giáo xứ rộng lớn với hàng nhiều ngàn giáo dân, phút chốc chỉ còn trơ mình chàng, một thầy giúp xứ. Giữa thủ đô mà còn thế, ở những nơi khác thì khó khăn đến chừng nào.
Phan gọi điện thoại sang địa Phận:
- Thưa cha, con Phan ...
Bên kia, tiếng cha chính địa phận:
- Phan hả, gì thế con?
- Trình cha, cha xứ con sáng nay bị bệnh lúc tập ở ngoài phố. Con đã đưa ngài vào bệnh viện Phủ Doãn.
Cha chính lặng người, sau hỏi:
- Tình trạng hiện thời thế nào ?
- Thưa, ngài tỉnh rồi, nhưng còn yếu lắm. Con sợ ngài phải ở trong đó cả tuần.
- Thôi, để ngài nghỉ ...
- Nhưng tuần này chúng con không có cha dâng lễ chủ nhật.
Cha chính nghĩ ngợi:
- Thôi được, để cha sẽ sang đó.
Ông bõ lấp ló ngoài cửa. Phan đặt điện thoại xuống,
vẫy tay gọi ông vào, cười nói:
- Xong rồi. Cha chính địa phận sang mình dâng lễ ngày chủ nhật này.
- Có vậy chứ. Nhưng mình thường có ba lễ, nay chỉ còn một.
- Thôi đành vậy. Mình cứ thông báo cho mọi người cùng đến dự lễ.
Ông bõ nhắc:
- Đến giờ thầy kiệu mình thánh cho kẻ liệt rồi. Mấy nơi nhỉ ?
Phan chợt nhớ, nhưng gặt đi:
- Thôi, tôi không kiệu mình thánh ngày thường nữa. Mình thiếu người, nên chỉ có thể tới vào ngày chủ nhật thôi.
Trước đây, những người già cả muốn được chịu Mình Thánh Chuá, nhà xứ có thể đưa bánh thánh cho họ hàng ngày. Nhưng tuần vừa qua, vì thiếu người, cha xứ và Phan quyết định là chỉ đưa vào ngày chủ nhật mà thôi. Ông bõ cũng đồng ý nên gật đầu không nói gì nữa.
Bỗng ông nhìn trước, nhìn sau, rồi nói nhỏ:
- Thầy Phan, sáng nay có tên bộ đội dẫn mấy đứa trẻ vào vườn nhà xứ chơi.
Phan giật mình. Ở ngoài nhà trường rộng rãi thế, không đủ chỗ để chúng vui chơi sao mà phải tìm vào tận vườn nhà chung. Mục đích cuả chúng chỉ là để dò xét mình. Ghê thực. Biết vậy, nhưng Phan cũng chỉ để bụng. Chàng bảo ông bõ:
- Mặc họ. Cứ để họ muốn đi đâu thì đi.
Ông bõ tỏ vẻ khó chịu. Phan nhớ tới sự lo ngại cuả cha quản lý về điều ông bõ sau này có thể bị ép tố khổ người nhà chung, nên chàng không dám tỏ thái độ gì chống đối trước mặt ông ta. Biết đâu sau này nó lại là một cái cớ để ông tố mình. Thực khổ, mọi nghi ngờ đã nhen nhúm giữa những người thân với nhau rồi.
Ông bõ ra ngoài. Còn lại một mình, Phan thực sự chán nản. Tập diễn hành. Lễ ra mắt. Chỉ làm tội người ta thôi. Hậu quả trước mắt là cha xứ bị cảm lạnh đến độ phải vào bệnh viện ... Còn Nụ Nụ có sao không? Phan bỗng thấy sót ruột.
Phan vào bếp dắt xe ra. Ông bõ đứng trước thềm, hỏi:
- Thầy có ăn trưa ở nhà không?
Phan gật đầu:
- Có. Nhưng nhà chỉ còn hai người, bõ làm sao phiến phiến đi.
- Chiều nay có buổi họp hàng tháng cuả Legio Maria.
Phan dừng chân, nghĩ ngợi một lúc, rồi nói:
- Bõ ra mời ông Hinh ba giờ vào gặp tôi đi. Bây giờ muốn hội họp đều phải có phép cuả công an quận, chứ không như xưa nữa.
Phan thư thả đạp xe về hướng chuà Bích Câu. Cả tuần nay chàng không gặp Nụ. Tất cả những gì có thể làm được để giúp nàng và nhà chuà, Phan đã làm. Tưởng là chẳng còn gì để mà bận tâm nữa. Nhưng, trong những ngày không gặp nhau, lúc nào Phan cũng băn khoăn về Nụ. Chàng tưởng tượng từ những việc thắp nhang, tụng kinh tới công việc làm tương, tập diễn hành cho cả đến sự thắc mắc Nụ hàng ngày giải trí bằng cách nào, và ngoài chàng ra, nàng có bạn bè nào khác không ... Trước đây, chàng nghỉ rằng Nụ sẽ là người thay thế Hằng để chàng đỡ cô đơn trong cái thành phố này, nhưng xem ra, chưa bao giờ Phan nghĩ tới Hằng hàng ngày và có nhiều quan tâm đặc biệt như chàng đã có đối với Nụ. "Mình sẽ phaỉ giữ cái giới hạn an toàn để khoỉ sa ngã." Phan nhủ lòng mình như vậy. Cổng chuà mở rộng. Bên trong thấp thoáng bóng áo vàng. Phan dựng xe vào tường, lật đật vào trong.
Hai nữ cán bộ đang đứng nói chuyện với vị sư già trụ trì chuà. Thấy Phan, cả ba đều quay ra.
Sư bà mừng rỡ, nói:
- Anh Phan.
Phan đến bên, chào mọi người, rồi hỏi:
- Bạch sư bà, có chuyện gì ạ?
Hai nữ cán bộ, da bánh mật, tóc cắt ngắn ngang tai, mặc đồng phục màu vàng còn mới, nói:
- Khu phố muốn dùng sân nhà chuà vào mỗi buổi tối để cho các bạn trẻ liên hoan, nhưng bà sư bảo đây là chuà sư nữ, để đàn ông tới không tiện. Bây giờ nam nữ bình quyền, bà sư không thể nói như vậy được.
Phan thấy lý luận cuả mụ này không có căn bản chút nào, nhưng tình thế này, không thể cưỡng lại được, nên nói:
- Bạch sư bà, đồng chí cán bộ đây nói phải, các cán bộ cuả chính phủ không phân biệt nam với nữ, đều tốt cả. Việc lấy sân chuà cho các em trong khu phố sinh hoạt là cần thiết. Mọi sự đã có ban trật tự trông coi, sư bà khỏi phải e ngại. Sư bà tuy không bằng lòng, nhưng cũng miễn cưỡng gật đầu ưng thuận.
Nữ cán bộ nhìn quanh sân rồi nói:
- Tối mai sẽ khai hội. Bà sư cho quét dọn sân sạch sẽ nhé. Thôi chúng tôi về.
Đợi hai người cán bộ đi khỏi, Phan an ủi sư bà:
- Tình thế bây giờ không giống trước. Họ nói gì là mình phải theo. Dù sư bà không bằng lòng, họ vẫn tới, mà mình lại trở thành người chống đối.
Sư bà thở dài:
- Thời buổi này thay đổi nhiều quá.
Sao Nụ không ra tiếp cán bộ. Lạ nhỉ. Phan sợ nàng đau nằm trong nhà, nên hỏi:
- Bạch sư bà, Diệu Hạnh đau không giúp sư bà tiếp khách vậy ?
Sư bà lắc đầu, thở dài:
- Diệu Hạnh xuống trại mồ côi Kim Liên. Bên đó, các ni sư bỏ đi gần hết, trại lại thiếu cả tiền nuôi các em nên chuà mình lại phải giúp đỡ. Chưa biết sau này sẽ giải quyết ra sao.
Như vậy Nụ còn khỏe mạnh. Phan yên lòng. Chàng góp ý:
- Bạch sư bà, sau này, các vấn đề xã hội, mình trao lại cả cho chính phủ, tỷ như cái trại mồ côi bên đó. Chuà mình nay mai tự túc được cũng khó, lấy đâu giúp ai.
Sư bà gật đầu:
- Mô Phật, không ai dám nghĩ tới sự trốn lánh trách nhiệm. Nhưng tình thế này, chắc rồi cũng phải làm như vậy. Để bàn lại với Diệu Hạnh.
Bất chợt, sư bà hỏi làm Phan lúng túng:
- Anh có việc cần bảo Diệu Hạnh chứ?
Phan cười, hơi ngượng trong lòng:
- Không, con đi ngang qua đây, vào thăm chuà thôi.
- Cũng may có anh tới kịp lúc, nếu không nhà chuà lại tạo phiền phức với bọn họ.
- Từ nay, xin quý vị mềm dẻo hơn đối với người cuả nhà nước. À, còn việc làm nước tương thì sao ạ?
- Vẫn tiếp tục. Nhưng Diệu Hạnh vừa phải đi tập diễn hành, vừa phaỉ làm việc vất vả, nghĩ cũng tội. Bây giờ mọi cái nhà chuà đều phải nhờ ni ấy.
Phan tạm yên lòng. Thế cũng được rồi, còn hơn gánh nước trồng rau như thời trước. Chàng nghĩ không tiện ở lại chờ Nụ, nên chào từ biệt:
- Thôi, con xin phép sư bà.
- Vâng, anh về.
Rời chuà, Phan uể oải đạp xe trở về. Tuy yên lòng vì Nụ không bị ngã bệnh như cha xứ, nhưng chàng tự nhiên cảm thấy buồn buồn. Về tới nhà, đi ngang qua trường học, Phan thấy mấy đứa trẻ và bọn lính đang chạy rầm rập, bắn súng miệng:
- Pang ... pang ... pang ...
- Xiu ... xui ... xiu ...
Chàng cười thầm. "Chắc là mấy anh chiến sĩ Điện Biên đang chơi trò công đồn với tụi trẻ ... Chính sách dụ dỗ con nít cuả chính quyền thực giỏị Lấy được cảm tình và tin yêu cuả chúng rồi thì bảo sao chúng chẳng nghe. Ở trong khu tư, cảnh con cái tố khổ bố mẹ thiếu gì... Ngay cả cái ông Trường Chinh cũng ở trong số những "quí tử" đó.
Bữa cơm trưa quá buồn tẻ. Chưa bao giờ nhà xứ lại vắng vẻ, thê lương đến thế. Phan bảo ông bõ cùng ngồi ăn cơm cho xong bữa, ông ta từ chối mãi mới chịu vào bàn ăn. "Có lẽ từ mai, mình phải thưa với cha xứ giữ cái lối ăn cơm này mới được, không bên ngoài nó lại nói mình phong kiến."
Ông bõ phàn nàn:
- Bên nhà trường, mình đã thu dọn sạch sẽ như vậy, bây giờ tụi nó hàn ra như cái bãi rác. Bực quá!
Phan lắc đầu:
- Thôi mặc họ Mình cứ lờ đi, đừng sang đấy làm gì nữa cho thêm bực.
- À, con đã mời ông trưởng đoàn Legio Maria rồi.
Phan chợt thấy một cái gì không ổn cần phải sửa. Chàng nói:
- Này bõ, từ nay đừng xưng con với tôi nữa.
Ông bõ ngạc nhiên:
- Có gì mà phải thay đổi. Các cha, các thầy phải được kính trọng chứ.
Phan cười:
- Bõ cứ xưng tôi là được rồi. Mình cũng xưng tôi với Chuá đấy thôi, có phải vì thế mà mình không kính trọng Chuá đâu.
- Con không quen.
- Sao lại không quen ... mình cứ dùng đi rồi sẽ quen ngay đấy mà.
- Vâng thì con ...
Phan ngắt lời:
- Lại con.
Ông bõ cười:
- Vâng thì ... tôi sẽ cố gắng.
Suốt gần một tháng tập diễn hành trong cái lạnh căm căm cuả những buổi sáng sớm đầu đông, những đêm khai hội muộn màng, ngủ gà ngủ gật để rồi nghe cán bộ phê bình lên đầu lên cổ, cuối cùng, đoàn người tham dự Lễ Ra Mắt cuả Hồ Chủ Tịch cuả các khu phố phiá nam không tới được vườn hoa Ba Đình. Họ phải tụ tập quanh hồ Hoàn Kiếm. Ở đây, trên các cây lớn đã được gắn loa phóng thanh để mọi người nghe lời hiệu triệu cuả chủ tịch nhà nước Hồ Chí Minh. Sau đó là những khẩu hiệu hoan hô, đả đảo, mạnh khu nào khu ấy hô, tạo nên cảnh hộn loạn, không ai nói ai nghe nữa. Quá trưa, buổi lễ chấm dứt, mọi người bẽ bàng giải tán. Nhưng đến chiều, chưa kịp ăn cơm, các cán bộ tuyên truyền đã đến tận từng nhà "mời" mọi người ra bờ Hồ Gươm xem đốt pháo bông ăn mừng ngày trọng đại. Ai lười, muốn ở nhà cũng không xong, vì cán bộ cứ lượn đi lượn lại cho đến khi mọi người ra khỏi nhà mới thôi. Trong thành phố có nhiều địa điểm đốt pháo bông, bờ hồ Hoàn Kiếm, dốc Yên Phụ, hồ Thiên Cuông...
Khi Phan ra tới bờ hồ thì trời vừa tối. Mọi người được tự do tìm chỗ đdứng, không phải tập trung từng khu phố như buổi sáng. Dưới ánh sáng mờ mờ cuả các cột điện ở bên kia đường, các thanh niên, thiếu nữ có dịp tay nắm tay ngồi đầy cả các bãi cỏ ven hồ. Nước hồ bốc lên mùi rong thối, những vũng nước tiểu ở dưới gốc cây cổ thụ khai rình cũng không làm người ta ngại. Trong lúc chờ đợi, một vài nhóm tay nắm tay thành vòng tròn, nhảy hoà bình, vỗ tay hát những bài ca mới, vang cả đường phố. Không khí thực tưng bừng náo nhiệt. Tuy nhiên, cũng có những người bất đắc dĩ phaỉ ra đây, ngồi co ro từng đám im lặng trong kiên nhẫn chịu đựng. Mấy cụ già cứ thở dài thườn thượt, chỉ mong sớm chấm dứt để còn về nghỉ ngơi. Phan đi lang thang dọc bờ hồ, từ cuối đường Gia Long tới gần đền Ngọc Sơn, chỗ nào cũng đông nghẹt những người. Mấy anh chị cán bộ, chiến sĩ, ba hoa, phét lác, cười nói bô bộ Trong lòng Phan thực trống trải. Giữa không khí tưng bừng, vui nhộn chung quanh, chàng cảm thấy lẻ loi, xa lạ. Bỗng Phan nhớ tới Nụ. Biết đâu Nụ cũng ở trong đám đông nàỵ Phan nhớn nhác tìm kiếm nàng. Chàng cảm thấy lòng nao nức khi nghĩ là chốc nữa đây sẽ được gặp Nụ. Đền Ngọc Sơn là nơi mà nếu ra đây, có lẽ Nụ sẽ đến. Phan chen lấn giữa rừng người để cố đi về hướng đền. Mặc mùi hơi người, mặc tiếng rầy la vì bị làm phiền, Phan cứ dùng hai tay vạt người mà đi. Trời đêm lạnh mà mồ hôi Phan ướt đậm hai bên thái dương, nhơm nhớp sau lưng áo. Nhưng khi tới được đầu cầu Thê Húc, chàng lại thất vọng nảo nề vì cổng vào đền khép kín. "Phải rồi, nếu để tự do, thì đám người hỗn độn này sẽ làm sập chiếc cầu gỗ này mất, mình khờ quá." Phan vừa nghĩ, vừa than thở đứng nhìn lơ đảng ra ngoài hồ. Sương đêm đã xuống mờ mờ, gió bấc từng cơn thổi tạt vào mặt lạnh buốt. Những vệt sáng cuả ánh đèn dọc hai bên thành cầu Thê Húc phản chiếu trên mặt nước chập chờn ẩn hiện.
Phan đang phân vân chưa biết đi đâu cho hết một buổi tối vô vị thì giữa hàng ngàn tiếng động hỗn loạn, thoáng có ai, giọng rất quen thuộc gọi:
- Anh Phan ... Anh Phan ...
Nụ. Có phải nàng thật không. Phan nhìn về phiá Tháp Bút. Trong bóng tối, lố nhố nhiều người đang cười nói, không thể phân biệt được ai với ai. Phan cố đi nhanh về hướng đó. Không còn kể ai trước mặt, chàng cứ xông vào giành lối đi. Nhưng vừa bước được mươi bước, Phan giật mình vì có người níu áo giữ lại:
- Đi đâu vậy. Đây cơ.
Phan mừng quá. Đúng Nụ rồị Chàng quay nhanh lạị Nụ mặc măng tô, bụm khăn vuông đen, đôi mắt sáng ngời, miệng tươi như trăng rằm.
Bỗng có ánh chớp sáng lòe, tiếp theo là nhiều tiếng nổ lớn ầm ầm như sấm động. Pháo thăng thiên. Trên trời từng nhóm sao màu sắc rực rỡ, như những chiếc dù vĩ đại tuyệt đẹp úp xuống mọi người. Tiếng reo hò, vỗ tay ào ào vang cả một góc trái. Nhưng, bên tai Phan không còn tiếng nổ nào át được tiếng gọi cuả Nụ:
- Anh Phan.
Nụ thở hổn hển không biết vì nhọc hay vì cảm động. Phan ghé sát bên nàng:
- Mình ra đàng này.
Tiếng pháo tiếp tục nổ từng chập khiến nhiều người phải bịt tai. Mùi thuốc khét lẹt. Thêm vào đó, từ chung quanh bờ hồ, từng tràng súng nổ ran, đạn lửa đỏ rực xẹt ngang đầu. Bầu trời sáng như ban ngày. Mọi người đều đổ xô cả ra mé hồ để xem cho rõ, bỏ lại khoảng trống đàng sau bừa bãi rác rến cuả những giấy gói đồ ăn, lá bánh dày bánh giò ... Nụ theo Phan thoát khỏi đám đông, yên lặng bước trong khoảng trống trải cuả đường phố, lòng lâng lâng như đi trong vũng chiêm bao. Dưới những đợt pháo bông vừa sáng rực, rồi lại tắt ngụm khiến quãng đường hai người đi qua lúc tỏ lúc mờ, hai cái bóng đen in trên đường khi thì đi song song trước mặt, lúc lại ngã sát vào nhau, lúc quấn lại thành một, vòng về đàng sau và rồi lại tiếp tục hiện ra song song trước mặt chẳng khác gì hai thân xác đang xoắn xuýt với nhau khiến lòng Phan trào dâng những rung động khác thường.
- Này Nụ, bóng cuả chúng mình đang đuà dỡn với nhau kìa ...
Những bước chân cuả Nụ cũng đang chao đảo bên Phan, có lúc như sắp té vào chàng. Nghe Phan nói, Nụ vừa thở, vừa nói:
- Hừ, dỡn gì ... đang cãi nhau thì có ...
Phan cười khan. Ừ, cứ mỗi lần ở riêng với nhau là có chuyện. Nhưng hai cái bóng mất hút khi hai người đi vào vùng mờ tối dưới cái mái rộng trước rạp chiếu bóng Philharmonique. Rạp đã đóng cửa, ở đây chỉ còn mấy hàng đèn nê-ông mầu chạy bảng hiệu. Quá nửa, là những hàng cây vật vờ khoả lấp trong bóng đêm.
Phan giữ Nụ lại, chàng đưa nàng tới ngồi nghỉ bên bệ gạch trước cửa rạp.
- Mình tạm nghỉ một lát.
Hai người yên lặng ngồi bên nhau như đồng tình trong sự xa lánh mọi người để hồn chơi vơi trong khoảng không gian thắm thiết cuả riêng mình. Từ Nụ, đến bây giờ Phan mới ngửi thấy thoáng mùi cuả bồ hòn, một thứ quả vò ra, nấu lên cũng có bọt như xà phòng, mà ở nhà quê thường dùng để giặt áo hay gội đầu, thơm mát, ngất ngây.
Ánh đèn chớp xanh đỏ khiến khuôn mặt tươi tắn cuả Nụ thay đổi màu sắc một cách ngộ nghĩnh.
Phan nhìn Nụ, cười, nói nhỏ:
- Hôm trước đến chuà, Nụ đi đâu.
Nụ trách:
- Chẳng chịu chờ.
- Biết đến bao giờ mới về mà chờ.
- Vội thế cơ à.
- Không phải. Nhưng cũng phải về chứ.
- Chẳng quan tâm gì đến người ta nữa.
Phan lắc đầu, nói lời mà ngay chàng cũng chưa có thể xác quyết:
- Tôi coi Nụ đâu có khác gì Hằng. Có thể làm được gì cho Nụ vui, tôi nào có ngại.
Nụ lắc đầu:
- Nụ có phải là em thực cuả anh đâu.
- Không phải em, nhưng cũng thân tình như thế.
- Không biết.
Vừa nói, Nụ vừa lắc đầu, môi mím lại nhìn xuống đất.
Phan cảm thấy lòng nao nao vừa hồi hộp, vừa sợ hãi, cố gượng cười gỉa lả. Chợt Nụ ngước lên nhìn Phan. Nụ khóc? Nước mắt không thành giọt để tràn xuống má, nhưng ngưng đọng trên hàng mi khiến đôi mắt long lanh như hai vì sao lấp lánh trên khuôn mặt in nét thắm đặm diễm tuyệt cuả nàng. Thế giới chung quanh, đang vang đội những tiếng hò reo, tiếng nổ ầm ầm, chan hoà ánh sáng rực ra cuả pháo bông, như lià xa, và ở đây, chỉ còn tiếng đập rộn ràng cuả hai trái tim.
Thời gian như ngừng đọng. Và rất lâu.
Bỗng Nụ đứng vùng dậy, nói:
- Nụ về.
- Sớm vậy.
- Trong chuà còn bao nhiêu việc. Nụ không thể đi lâu.
- Khuya rồi, còn việc gì nữa.
Như không để ý tới lời Phan, Nụ chạy bay ra ngoài đường khi thoáng thấy một chiếc xích lô từ xa đi tới. Không mặc cả, Nụ lên xe, rồi quay lại vẫy tay từ biệt.
Phan ra theo, nhưng không kịp, đành đứng ngẩn ngơ nhìn hút bóng chiếc xích lô khuất ở đầu phố. Chung quanh, người ta đang rộn rã reo vui, nhưng trong lòng Phan là cả một sa mạc quạnh hiu.
CHƯƠNG IX
Phan đặt bút xuống, với tay lấy ấm nước trong giỏ tích, rót một chén. Tháng này, cha quản lý đã được địa phận thuyên chuyển đi làm chính xứ bên Hà Đông. Thế là việc quản lý tài chính cuả nhà chung từ nay lại do chàng đảm nhận. Phan nhấp từng ngụm nước nóng cho ấm bụng. Mùi vị nước vối khác hẳn nước trà, uống quen thành nghiện, nhưng không mất ngủ. Những người có tuổi như cha xứ, ông bõ rất ưa thứ nước này, vừa ngon, vừa rẻ.
Mấy tháng nay, một phần vì nhân số giáo dân giảm đi do cuộc di cư vào Nam hoặc trở về quê cũ, một phần vì các sinh hoạt chính trị, xã hội trong thành phố, khiến công ăn việc làm bị đình trệ cả, người ta chi tiêu tiền túi thì lâu ngày núi cũng lở, ai cũng tính chuyện rút lại, tiết kiệm từng đồng, nên tiền dâng cúng cho nhà thờ giảm đi nhiều. Vì vậy, vấn đề tài chính cuả nhà xứ thường gặp khó khăn.
Từ ngày tiếp thu thủ đô, chính phủ mới không có một hành động cụ thể nào đáng chú ý ngoài việc tổ chức ngày ra mắt tại vườn hoa Ba Đình. Hình như mọi người không quan tâm tới sự hiện diện cuả chính quyền trung ương, không biết Hồ Chủ Tịch, thủ tướng hay các bộ trưởng ở đâu, sinh hoạt thế nào. Cũng có lần ông Hồ tới thăm một vài nơi như trường Nguyễn Trãi, chợ Đông Xuân, nhưng không tổ chức đón tiếp rầm rộ ... Hàng ngày dân chỉ tiếp xúc với lớp cán bộ hạ tầng mà thôi. Người ta biết nhiều tới tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Văn Tiến Dũng từ những huyền thoại được các chiến sĩ Điện Biên kể cho bọn con nít nghe ở đầu đường, xó chợ ...
Hơn nữa, có những tin đồn khiến ai cũng sợ hãi như đấu tố, cấm đạo, quốc hữu hoá các cơ sở tư nhân ... khiến cho mọi người sống trong phập phồng lo lắng. Ai cũng nghĩ rằng chiến tranh đã chấm dứt, nhưng đời sống có yên ổn hay không vẫn nằm trong tay những người mới tiếp thu đất Bắc này. Tất cả những vấn đề này, đối với Phan không quan trọng bằng việc Nụ mới bỏ Hà Nội đi sau đêm cả thành phố liên hoan ngoài bờ Hồ Gươm. Phan chưa bao giờ tự ý châm một điếu thuốc lá. Nhưng bây giờ, bỗng chàng cảm thấy thèm một hơi thuốc.
"Nhớ nhà châm điếu thuốc,
Khói huyền bay lên câỵ"
Chàng biết có phải Phan đang nhớ nhung không. Có nhà đâu mà nhớ nhỉ. Chỉ có Nụ thôi. Nhưng cứ muốn châm một điếu thuốc. Chàng mở chiếc hộp khám xà cừ đựng thuốc lá cuả cha xứ dùng để tiếp khách. Bao thuốc Cotab trắng, có vòng đỏ với những điếu thuốc sợi vàng thực hấp dẫn. Khói thuốc thấm làm Phan khoan khoá. "Nhưng bao giờ Nụ trở lại chùa Bích Câu ? Đi đã cả tuần rồi .. Sao vậy chứ ?"
- Thầy Phan.
Phan giật mình, vội giập điếu thuốc, như đứa trẻ hút lén bị người lớn bắt gặp. Ông bõ đang ở cửa ra vào:
- Đã đến giờ đưa Mình Thánh cho cụ Kim ở Ngõ Huyện.
Ông cụ ốm nặng, ước ao được rước Chuá. Gần đất, xa trời, chả biết ngày nào cụ đi; vì thế, dù không phải là chủ nhật, Phan đã hứa đưa Mình Thánh tới cho cụ. Phan đứng dậy, với cái áo rét treo trên mắc, mặc vội vào:
- Cha xứ về chưa ?
- Thưa chưa.
Phan nhìn đồng hồ. Năm giờ chiều. Cha xứ về địa phận họp từ tám giờ sáng. Chắc là quan trọng lắm.
Ông bõ định trở ra, nhưng nhớ thêm điều gì, quay lại, nói:
- Sáng nay lúc thầy ra phố có cậu Thanh bên nhà sách Gia Long ghé qua nói thầy có muốn lấy sách gì bên đó thì sáng mai lấy sớm đi. Nay mai, tất cả sách vở ở bên đó đều phải nộp cho nhà nước.
Những văn hoá phẩm cũ đã bị cấm bán ra ngay từ những ngày đầu vừa tiếp thu thành phố. Nhưng lệnh tịch thu nay mới chính thức ban hành. Phan quen Thanh vì chàng là khách hàng cuả hiệu sách cuả anh ta ở đường Gia Long đã bảy tám năm rồi. Bây giờ chàng có tới lấy một số sách nào đó chăng nữa, mai đây, thế nào chả có lệnh mọi người phải nộp hết sách cũ, nên cũng vô ích thôi. Nghĩ thế, Phan nói:
- Mai kia, nếu Thanh tới, bõ cứ nói tôi không cần sách gì cả. Bao giờ rãnh tôi sẽ sang thăm.
Phan ra nhà thờ, lấy một Bánh Thánh để cẩn thận trong chiếc hộp mạ vàng tròn như cái đồng hồ quả quít, có dây đeo lên cổ, rồi trịnh trọng trở ra. Ông bõ đã dắt xe ra cho chàng, đang chờ ngoài sân.
Phan đạp xe qua phố Nhà Thờ, đi về hướng Ngõ Huyện. Đây là một trong những phố cổ nhất cuả thành phố Hà Nội. Rất hẹp, hai chiếc ô-tô không thể tránh nhau, nên mới gọi là ngõ. Có những khúc lát bằng gạch màu xám đen, mấp mô, đạp xe qua, bánh long lên như đi trên đường trải đá. Nhà cửa thấp lè tè, tối tăm cũ kỹ. Vào giờ này, từ đầu tới cuối phố vắng hoe.
Phan dựa xe bên tường, trước khung cửa sơn màu xanh nhạt nhà cụ Kim. Cô Lan, con gái cụ ra mở cửa. Vì Phan đang mang Bánh Thánh, nên hai người chỉ cúi đầu chào nhau. Thấy Phan vào, cụ bà mừng ra, bật thêm đèn cho nhà sáng sủa. Ở giường trong, cụ Kim đang lim dim, cũng cố mở lớn mắt, miệng lắp bắp chào Phan. Trên cái bàn ngủ kê đầu giường, cây thập tự giá bằng đồng để giữa hai cây nến đã đốt sáng từ lâu, giọt nến chạy dài trên thân. Cả ba đến bên giường bệnh. Phan làm dấu thánh giá trước, rồi cất Kinh Lạy Cha để cả nhà đọc theo. Sau đó, chàng trịnh trọng mở hộp, lấy Mình Thánh Chúa đặt vào lưỡi cụ Kim. Cụ Kim dọn mình chịu lễ rất sốt sắng.
Sau đó, Phan lấy lời an ủi cụ:
- Cụ yên tâm dưỡng bệnh. Nếu lúc nào có thể, con sẽ rước Mình Thánh cho cụ. Cụ cũng thông cảm cho nhà xứ, neo người lắm.
Cụ bà đỡ lời:
- Cám ơn thầy, một tuần ông nhà tôi được rước Chuá một vài lần cũng phúc lắm rồi. Cả xứ ta, bây giờ chỉ còn lại cha với thầy ... để lo cho bao nhiêu bổn đạo. Cha và thầy làm việc quá sức mà sụm xuống thì còn khổ nữa.
Để cụ Kim nằm nghỉ, ba người trở ra phòng khách. Phan quay sang hỏi Lan:
- Cô Lan có biết bao giờ được đi dạy lại không ?
Lan là giáo sư đệ nhất cấp trường Trưng Vương. Trường nàng cũng cùng chung số phận với các trường khác là chưa được lệnh khai giảng niên khoá mới. Ban giám đốc cũ di cư vào Nam gần hết. Lan buồn bã:
- Chưa biết đến bao giờ thầy ạ. Những giáo sư cũ, ai muốn trở lại trường, nghe đâu phải được huấn luyện lại .. Con nghĩ cũng chán quá ... Học trường cao đẳng sư phạm ra, dạy mấy năm rồi mà còn phải đi học nữa ..
Phan cười:
- Chắc không phải học văn hoá, mà là chính trị .
- Giáo dục là giáo dục, sao lại đưa chính trị vào học đường?
- Rồi cô Lan xem. Tôi sợ họ sẽ áp dụng chủ nghiã cộng sản vào tất cả sinh hoạt trong xã hội, kể cả tôn giáo. Cô Lan thấy đó, cả trường lý đoán là trường đào tạo linh mục cuả địa phận cũng còn đóng cửa đấy thôi.
Lan chợt nhớ ra, nói mau:
- Anh Khôi con bác phán Đức cuả con mới từ Hải Phòng về, anh ấy nói đồng bào mình vẫn còn tiếp tục đổ về đó đợi máy bay hay tàu thủy để di cư vào Nam.
- Ông ta về luôn đây à?
- Thưa không. Anh ấy dùng giấy thông hành ... để về thăm gia đình ở Hà Nội, rồi sẽ trở về Hải Phòng. Ngược lại, người ở Hà Nội không thể được cấp giấy để thăm thân nhân ở Hải Phòng, vì họ sợ mình lại di cư.
Bà cụ Kim lắc đầu:
- Thầy ạ, con thấy tình hình ở đây khó khăn lắm. Bảo cái Lan nó muốn di cư thì cứ đi. Nhưng nó ngại chúng con còn ở lại. Nếu nhà con khỏe mạnh thì đỡ biết mấy ...
Câu nói ấy có nghiã là nếu cụ Kim khỏe thì gia đình này đã di cư rồi. Chàng ái ngại nhìn cái cảnh ông cụ Kim dở sống dở chết trên giường bệnh, an ủi:
- Thôi bà cụ ạ, dâng sự khó cho Chuá. Nếu Chuá định cho chúng ta phải chịu sự gì thì mình cũng vâng theo Thánh ý thôi.
Lan thở dài:
- Trước, con cứ tưởng hết chiến tranh là sung sướng rồi, ai dè, hết chiến tranh, không hẳn là đã có hoà bình, nhất là hoà bình trong tâm hồn. Hôm trước con có nạp đơn xin thi làm thông dịch viên cho Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát đình Chiến, để có thể được đi đây, đi đó thì cũng đỡ. Nhưng cậu con đau thế này thì cũng không đành lòng.
Phan lắc đầu:
- Không sao. Tôi nghĩ cô Lan cứ thi đi. Mình vẫn đi về cơ mà, chứ đâu có phải đi hẳn. Cô vừa nói, bây giờ các giáo sư còn phải đi học thêm chính trị, chính em nữa .. cũng nhiều khê lắm, mà chưa chắc họ đã để cho mình tiếp tục dạy. Đã đặt nặng vấn đề chính trị, thì họ sẽ lại chọn người theo thành phần giai cấp cách mạng, nhất là những môn văn, sử ...
- Vâng, có lẽ con cũng cứ thi.
Phan đứng dậy cáo từ. Bà cụ và Lan hết lời cám ơn, Phan nói:
- Rất tiếc chúng con không đủ người để tới với cụ ông nhiều hơn. Nhưng con hứa, khi nào có thể được, con sẽ kiệu Mình Thánh cho.
Phan rời Ngõ Huyện, lòng thực phân vân bất định. Chàng đâm nghi ngờ cả cái quyết định mà từ bấy lâu nay đã được coi như không còn thắc mắc. Nhớ cái áo rét đang mặc do chị cả gửi cho hồi mấy tháng trước, không biết chị sẽ buồn đến mức nào nếu thực sự chàng ở lại. Phan đạp xe chầm chậm trở lại Hồ Gươm. Buổi chiều mới sáu giờ, mặt trời đã tắt từ lâu. Không gian âm u một màu xám ngắt. Gió lạnh, những chiếc lá cuối cùng còn sót lại cuả muà thu qua nằm rải rác trên đường nhựa nhớp nháp. Phan lái tới nhà thủy tạ lúc nào không hay. Cái nền cao kia, nơi mà đêm nào chàng và Nụ đứng lau nước mưa. Mái ngói cũ kỹ, tường rêu phong trông không nên thơ chút nào, nhưng nơi đây ghi dấu một kỷ niệm đẹp, quá đẹp cuả đời chàng. Phan dựng xe, thư thả vào trong. Quán vắng ngắt. Cô chủ quán đang thẩn thờ đi quanh mấy dãy bàn vắng. Thấy Phan vào, cô tươi nét mặt, vồn vã:
- Mời anh vào trong.
Phan cám ơn, đi lại chiếc bàn hôm trước. Chàng không thể, đúng là không thể không mường tượng hình ảnh cuả Nụ ngồi trên chiếc ghế đó ... Bên ngoài, trời không mưa, nhưng mặt hồ mờ mờ sương chiều. Xế cửa sổ, bên bờ hồ, mấy khóm liễu sướt mướt, ngả nghiêng, vật vả, khiến cho cảnh sắc càng thêm ảm đạm:
"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng,
Đây muà thu tới, muà thu tới,
Với áo mơ phai dệt lá vàng."
Và muà thu đã qua rồi, nhưng dư vị cuả đêm trăng kỷ niệm vẫn còn như men rượu làm tâm hồn Phan chao đảo ngày đêm. Cốc cà phê sửa đã để trước mặt, mùi hương vẫn đậm đà, nhưng uống vào, đắng từ chót lưỡi thấm tới tận cõi lòng cô quạnh. Phan uể oải đứng dậy ra về lúc cốc cà phê vẫn còn nóng bỏng.
Xe qua trước rạp Philharmonique, người ta đang xếp hàng, chen nhau mua vé vào xem phim Điện Biên Phủ. Bệ gạch đêm nào trông thật thân thương. Người đã đi rồi, chẳng để lại một chút gì nơi đây ngoài cái chỗ ngồi đó. Chẳng lẽ ta buồn vì sự vắng mặt cuả Nụ ở thành phố này đến thế kia ư ? Trời thật lạnh lẽo, mà lòng Phan còn lạnh lẽo hơn. Gió bấc làm tê da mặt, sao không làm tê luôn bộ óc, để chàng khỏi phải nhớ nhung sầu muộn.
Khi Phan về đến nhà xứ, ông bõ đang dọn một đống rác như núi trước cổng trường. Thấy bóng Phan, ông ngưng nhát chổi, nói:
- Thầy về mau. Cha xứ đang chờ trong văn phòng.
Phan dựa vội xe ở tường hoa, đi nhanh lên mấy bậc tam cấp để vào văn phòng.
- Xin lỗi cha, con đi loanh quanh bờ hồ cho thoáng một chút ...
Đang ngồi trầm ngâm dưới ánh đèn mờ, thấy Phan vào, cha chính xứ ngửng lên:
- Vào đây, có mấy việc rất quan trọng cần nói với con này.
Phan lật đật kéo ghế ngồi cạnh cha, nghiêng mắt nhìn tập hồ sơ trên tay ngài, hỏi:
- Thưa chuyện gì vậy ạ?
Cha lật mấy trang giấy ghi chép, rồi nói:
- Trước tiên, cha muốn báo cho con một tin vui là Đức Cha đã có lệnh gọi con về học trường thần học rồi.
Tin vui thực bất ngờ. Đó là hy vọng cuả một đời tu sĩ, cuả một thầy giúp xứ, vất vả suốt hai năm qua, nay đã có kết quả tốt đẹp. Phan sung sướng quá nhảy dựng lên:
- Lạy Chuá. Con xin cám ơn Đức Cha và Cha.
Để cho Phan qua cơn xúc động, cha xứ thong thả nói tiếp:
- Nhưng Đức Cha cũng cho cha hay là các thầy kỳ này chưa tựu trường ngay được vì ... còn phải được sự chấp thuận cuả nhà nước.
Phan hết sức ngạc nhiên. Sao nhà nước lại có thể xen vào giáo quyền chứ ? Chàng khẻ la lên:
- Lạ vậy ? Thưa cha, sao phải có phép cuả nhà nước. Xưa nay đâu có chuyện quái gở vậy ?
Cha xứ buồn rầu nói:
- Con biết đó, Toà Khâm Sứ nay đã dọn vào Sài Gòn rồi. Bây giờ, chính phủ mới không có quan hệ ngoại giao với Vatican. Vì vậy, chúng ta như bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Nhà nước họ lấy quyền cai trị để bắt ép chúng ta phải theo lệnh cuả họ. Mình không tuân cũng không được. Hiện tại, trường thần học cuả mình họ cũng coi như một trường thường vậy. Mai đây, trường nào được mở cửa, ai được dạy, ai được đi học đều do nhà nước quyết định. Tiêu chuẩn chúng sẽ là chọn lựa ở những thành phần gia đình cách mạng, gia đình nông dân, lao động ...
Mối lo sợ trước đây nay đã thành sự thực, Phan lắc đầu:
- Thế ra, họ cứ chối họ không phải là cộng sản, nay thì rõ ràng như ban ngày rồi.
Cha xứ gật đầu:
- Trước đây dù không ai tin, vì tình hình chính trị thời đó họ vẫn nói như thế. Nay đã làm chủ được một nửa nước rồi, họ đâu còn ngại gì nữa. Nếu họ áp dụng chính sách về tôn giáo như các nước cộng sản khác thì sau này, cho đến việc bổ nhiệm không những là các linh mục, mà cả giám mục nữa, cũng phải tuỳ thuộc vào nhà nước, Vatican không còn toàn quyền như trước đây. Bên Phật giáo, họ tổ chức khác mình nên dễ xoay sở hơn. Còn bên mình liên kết chặt chẽ với Giáo Hội Ro-ma, không biết rồi mai sẽ ra sao. Một số linh mục theo kháng chiến khi xưa đã về cả đây. Nhưng những vị này không ai tới gặp Đức Cha mình cả, vì họ ở trong một tổ chức được gọi là Hội Công Giáo Yêu Nước, và đã từ lâu, họ không còn liên hệ gì với Hội Thánh Rô-ma. Sau này, có thể họ dám trở thành những người quyết định các chính sách tôn giáo mà mình phải tuân hành.
Phan thực khó chịu, khẽ nói:
- Thế, Đức Cha không có phản ứng gì về những lệnh ngược ngạo đó sao ?
Cha xứ lắc đầu:
- Hôm nay, các cha ở địa phận về họp lén tại Toà Giám Mục, nhiều vị cũng đưa ra ý kiến làm kháng thư gửi cho nhà nước, nhưng Đức Cha không cho phép. Ngài nói tình thế chưa rõ ràng, cho dù có bị ngăn cản một vài điều, nhưng miễn sao mình còn cơ hội ở với giáo dân là được rồi ...
- Mình không làm ngay, họ được đàng chân, lấn đàng đầu ... sau này thành cơ ngũ rồi, mình khó có thể thoát được vòng kiềm toả cuả họ.
Cha xứ thở dài:
- Tình thế sẽ rất khó khăn đó con ạ. Xem ra, số tu sĩ cuả chúng ta ra đi cũng khá nhiều. Còn lại phần đông là các cha lớn tuổi ... Đức Giám Mục cũng đang cho kiểm tra lại toàn địa phận. Nghe nói, bên Phát Diệm đi đến hai phần ba, bên Bùi Chu cũng hơn một nửa.
Phan chợt nghĩ ra một điều làm chàng sợ hãi, nói:
- Như vậy, nếu họ kiểm soát việc đào tạo linh mục cuả ta ... cầm chân không cho các thầy thụ phong ... thì mười năm nữa, hai mươi năm nữa, khi các vị lớn tuổi qua đi thì Giáo Hội cuả chúng ta sẽ đi về đâu ?
Cha xứ, mặt thực buồn thảm:
- Đó là Thánh Giá Chuá sẽ trao cho chúng ta ... như Giáo Hội thời xa xưa.
Phan lắc đầu, bất mãn:
- Khi xưa, trong ba thế kỷ, vua quan ta bất quá giết chừng trăm ngàn người ... đã làm xôn xao giới Thiên Chuá Giáo. Ngày nay, họ dùng chiến thuật này, bên ngoài không phản đối được ... vì đâu có thấy máu chảy thịt rơi, nhưng nguy cơ Giáo Hội mấy triệu người bị tiêu diệt còn ghê gớm hơn xưa rất nhiều.
Chợt cha xứ lật mấy tờ giấy dưới tay, rồi nói:
- À, những cơ sở tôn giáo như nhà thờ, chuà, trường học, một số sẽ bị xung công để nhà nước dùng vào việc công ích. Đợt đầu tiên, đã có đây ...
Cha xứ lấy tay dò mấy hàng chữ, rồi nói:
- Trường Sainte Marie được dùng làm Viện Vi Trùng Học, trường cuả xứ mình dùng làm kho chứa gạo dự trữ cho thành phố ... còn cả đống đây này. Bên Phật giáo cũng có mấy nơi bị lấy làm cơ sở hợp tác xã ...
Phan chợt nghĩ tới chuà Bích Câu và "nhà máy" làm nước tương cuả Nụ, nhưng chàng không dám hỏi cha xứ.
Qua cửa sổ, bên ngoài trời đang tối dần ... Hai cha con nhìn nhau thở dài ngao ngán.
Bỗng cha xứ ôn tồn nói:
- Phan à, các thầy trẻ như con ở lại không được bao nhiêu. Dù bây giờ họ chưa quyết định cho ai được vào trường hoặc ngay cả sau này được thụ phong linh mục hay không, các con cũng vẫn là hy vọng cuối cùng cuả Giáo Hội chúng ta tại đất Bắc này.
Ngài chép miệng, than thở như đàn bà:
- Chả bù với trong Nam, không những trước đây đã đông, nay thêm các cha di cư vào đó lại càng đông hơn ... có biết đâu, chúng ta đang giẫy giụa, vùng vẫy để rồi dần dần bị tiêu diệt.
Bỗng mắt ngài lại sáng lên:
- Nhưng chắc chắn, Chuá sẽ chẳng bao giờ bỏ chúng ta, phải vậy không con?
- Thưa cha, con cũng tin như vậy.
- Thôi, chuyện đâu còn đó, chúng ta có lo cũng vô ích thôi. Việc trước mắt là nay mai, họ sẽ tới tiếp thu trường học, con thay cha ra giao trường cho họ quản lý. Mình có giữ cũng chả mở lại được, chẳng đứa nào nó thèm học ... mà có muốn cũng đâu được nào.
Ông bõ nghe trường bị nhà nước lấy, vừa chửi, vừa khóc. Phan phải la ông ta mấy lần, không lại bị vạ miệng.
Một tuần sau, cổng nhà trường đã có bảng mới: "Kho dự trữ luá gạo thành phố", và một ban quản lý tới chiếm ngay văn phòng. Ngày ngày hai buổi họ thổi cơm, làm bữa, khói bay mù mịt. Không biết có mấy mạng ở bên đó mà lúc nào cũng ồn ào như cái chợ.
Một buổi sáng, có người thanh niên lạ tới gặp Phan, đưa cho chàng phong thư cuả chị cả ngoài Hải Phòng. Anh này không vào nhà xứ, vội vàng kiếu từ về ngay. Phan muốn hỏi tên cũng không kịp. Trong thư, Phan ngạc nhiên vì chỉ vẻn vẹn có vài chữ: "Em dùng giấy thông hành này xuống đây. Anh chị chờ. Phấn." Phan mở tấm giấy trắng bằng nửa tờ giấy viết thư ra xem. Đó là loại thông hành cuả người từ Hải Phòng được phép về Hà Nội thăm gia đình, để sau đó trở lại Hải Phòng. Phan nghĩ, nó cũng giống như giấy cuả anh Khôi, bà con với cô Lan. Nhưng khác với Khôi, chắc người thanh niên này vì lý do gì đó, không trở lại Hải Phòng nữa ... hoặc họ có cách khác để đi chăng.
Phan thực hoang mang. Tình chị em chỉ còn lúc này. Nên đi hay ở. Còn Nụ? Nàng có ở Hà Nội nữa đâu. Nhưng trước khi đi, chàng cũng cần phải biết rõ ràng tình hình cuả nàng. Cách nào. Chính chuà cũng không biết thì làm sao đây. Cả ngày hôm đó, Phan cứ bồn chồn trong dạ, chẳng thiết làm gì. Cứ vẩn vẩn, vơ vơ, suy nghĩ không ra suy nghĩ. Nghỉ ngơi thì không yên lòng. Quyết định thì không dứt khoát.
Đành vậy. Buổi tối, trong lúc ăn cơm, chỉ có hai cha con, Phan đưa thư cuả chị cho cha xứ đọc. Cha xứ nhíu lông mày, lắc đầu:
- Cha cũng chịu thôi. Nhưng, có điều, để yên lòng, con nên đi Hải Phòng một chuyến.
Phan thực ngạc nhiên. Khác hẳn lúc trước, cha xứ hình như không sợ phải ở lại một mình trong cái nhà xứ rộng rải, vắng vẻ này nữa. Tình hình đã thay đổi, ai ở lại sẽ phải chấp nhận những đau thương, mất mát to lớn cho đời mình. Cha xứ muốn để tự chàng quyết định lấy.
Cha nhìn thẳng vào mắt Phan tiếp:
- Con cứ thu xếp đi. Cha không sợ mất con. Hãy cầu nguyện, chỉ có Chuá mới giúp con có một quyết định dứt khoát. Hãy nhớ truyện "Quo Vadis."
"Quo Vadis, con đi đâu ?" Đó là lời Chuá hiện ra hỏi thánh Phê-rô khi ông sợ hãi bỏ trốn khỏi sự ruồng bắt trong thành La Mã thời cấm đạo xa xưa. Nghe câu hỏi đó cuả Chuá, Phê-rô đã suy nghĩ rồi trở vào thành để cuối cùng chịu xử đóng đanh trên thập giá.
Phan vừa cảm động, vừa đau khổ. Lòng cha thực vĩ đại. Chàng bối rối quá sức. Nhưng cha đã nói vậy, chàng quyết định sẽ đi Hải Phòng. Dù sao, đi hay ở, chàng cũng phải gặp người chị duy nhất một lần.
Cha xứ an ủi:
- Con cứ thu xếp đi. Mọi chuyện ở đây đã có cha và ông bõ. Nếu vào Nam, hay tin cho cha hay.
Lời nói cuả cha xứ như "lưỡi dao thâu qua lòng Phan." Nước mắt tự nhiên tràn ra, chạy dài trên má. Sự xúc động dâng lên làm nặng thái dương, nghẹt đặc hai lỗ mũi. Còn lại mình cha thì làm được gì cho bổn đạo ở cái xứ rộng lớn này. Cha xứ cũng khóc, tay ngài run run nắm chặt lấy tay Phan. Yên lặng.
Cuối cùng, Phan nói:
- Cha đã dạy thế, con xin vâng theo.
Bữa cơm như bỏ ngang, vì cả hai cha con không còn nuốt nổi. Phan đứng dậy rót nước mời cha xứ. Hai cha con yên lặng uống từng ngụm nước vối đã không còn đậm đà như trước. Bên ngoài, chiều đang xuống. Tiếng gió đập vào cửa kính đều dều, buồn rưng rức.
CHƯƠNG X
Trời mới mờ sáng. Thánh lễ chỉ còn hai cha con với nhau, không một bổn đạo nào tới dự .. Cha xứ bắt tay Phan, ban phép lành, rồi nói:
- Thôi con đi.
Phan không dám nói một lời hứa hẹn. Cha lẳng lặng mở cửa sau Cung Thánh để về nhà xứ. Phan mặc thêm áo lạnh, cầm chiếc cặp da trong dựng ít đồ thực dụng, bái qùy trước bàn thờ, tắt đèn rồi mở cửa hông ra ngoài sân. Ông bõ chờ chàng ở bên tường hoa. Ông thở dài:
- Thầy đi bình yên. Nhớ cầu nguyện cho nhau.
Phan gật đầu:
- Trông chừng nhà xứ, tôi sẽ về sớm. Nhớ ai có hỏi, nói tôi về quê thăm gia đình ít ngày.
Chiếc xích lô do ông bõ gọi đã chờ sẵn ở lề đường, Phan nói nhỏ:
- Tôi lạnh. Anh cho mui xe lên đi.
Trong khi anh xe làm theo lời khách, Phan quay lại nhìn bao quát khung cảnh nhà thờ. Hai tháp chuông cũ kỹ, cao vợi, chiếc đèn sao độc nhất của mùa Giáng Sinh tẻ nhạt chưa từng thấy từ xưa đến nay, trơ vơ trên cửa tháp chuông. Phan chui vội vào xe, giấu hàng nước mắt đang chan hòa trên má. Xe đạp được mười thước, Phan ngoái cổ lại, nói nhỏ:
- Anh cho ra ga Hàng Cỏ.
Chiếc xe chạy mau trên đường nhựa, ngang một vài đường phố mà chàng và Nụ từng đi qua, Phan bồi hồi nhớ tới nàng. Không biết rồi đây, có được gặp lại Nụ nữa hay không. Chỉ còn mười ngày nữa là Tết, nhưng đường phố không có gì đặc biệt đón xuân như những năm qua, trừ một rừng cờ đỏ còn sót lại từ ngày tiếp thu thủ độ Có lẽ cả chính quyền lẫn dân chúng còn đang sống dò dẫm với không khí qúa mới mẽ của mình. Tất cả đều cảnh giác. Nghĩ tới cảnh giác, để an toàn cho chuyến đi, Phan thả vội màn che trước xe xuống.
Chiều hôm qua, Phan có đến chùa Bích Câu, nhưng Nụ vẫn chưa về. Chắc nàng về quê thăm nhà ... Nhưng không hiểu sao lâu thế. Nhất là khi đi, chẳng nói với chàng một lời, khác hẳn với trước kia, mỗi chuyện, nàng mỗi bàn bạc và hỏi ý kiến Phan. Hay nàng giận, tới ở một chùa khác. Nghĩ tới điều này, lòng Phan thực lo lắng. Phan có để lại mấy chữ, báo cho Nụ biết chàng xa Hà Nội ít hôm ... Trời, ít hôm hay chẳng bao giờ về nữa!
Bỗng xe thắng lại, tiếng bánh cao su lết trên đường làm Phan giật mình. Đã tới ga. Anh xe mở tấm vải che trước, đứng chờ Phan xuống, không nói một lời. Bên ngoài, người đi kẻ lại thưa thớt. Phan xách cặp xuống, hỏi gía rồi trả tiền. Chàng đi nhanh lên mấy bậc thềm, mở cửa vào trong. Trong ga, đầy người, thực xô bồ, ồn ào. Phần đồng là quần đen áo nâu. Nhiều người trải chiếu nằm ngủ la liệt. Đồ đạc chồng chất, kể cả lồng gà, rọ lợn. Vì dùng giấy của người ở Hải Phòng về, nên Phan ăn mặc tươm tất, áo sơ mi trắng, quần tây dài, khóac thêm chiếc áo lạnh. Phan tới trình giấy, mua vé tầu. Người bán vé nhìn chàng chăm chăm, nhưng chả có ý kiến gì được vì trên thông hành không có ảnh. Phan bình tĩnh chờ đợi. Ở Hà Nội bây giờ hai hệ thống tiền giấy song hành, tiền "cụ" và tiền Đông Dương, nhưng gía đổi rất hạ, một đồng Đông Dương chỉ ăn có một trăm tiền "cụ." Phan dùng tiền "cụ" lấy vé, rồi chen đám đông ra ngoài. Con tàu nằm dài trên đường sắt trước mặt. Sát bên tường nhà ga, nhiều hàng ghế đã có người ngồi đợi. Phan tìm một chỗ ở tận cuối dãy nhà. Ngoài trời, sương vẫn còn mù mù. Mấy người bán hàng bánh dầy, bánh giò, lượn đi lượn lại trước mặt. Phan mua chiếc bánh giò nóng ăn cho đỡ đói. Bánh khác xưa quá, khô, toàn bột, nhân chỉ có một chút thịt bằm, còn trộn toàn là mục nhĩ và hành củ. Ăn thực nhạt nhẽo.
Phan chưa đi Hải Phòng bằng xe lửa kể từ sau ngày thành phố Hà Nội bị tiếp thu. Nhưng nhờ kinh nghiệm học hỏi qua anh Khôi mấy hôm trước, Phan đã chuẩn bị tất cả. Trên đường đi, hành khách sẽ bị khám xét rất kỹ ở nhiều trạm kiểm soát, cũng quay cót giống như hồi Phan đi Hà Nội với Nụ. Vì thế, Phan chỉ mang tiền vừa đủ chi dùng. Mấy nghìn Đông Dương còn lại, chàng gửi cả cha xứ, nếu chàng di cư thì cha cũng có chỗ dùng hơn là mang đi, tụi cán bộ khám được sẽ tịch thu mất. Càng ít đồ, càng đỡ phiền. Phan không quên mua mấy chiếc "carte postale" có hình ảnh Hà Nội, ra cái điều mang về làm kỷ niệm. Trông trước trông sau, Phan thấy rất ít người ăn mặc như chàng. Quần áo màu tối, nâu, đen, kaki, xám hình như là cái mốt của thời đại "dân chủ cộng hòa". Tám giờ, tiếng còi của nhân viên nhà ga ré lên báo hiệu giờ được lên tàu. Người ta từ trong tông cửa túa ra như nước chảy. Tiếng la, tiếng cải nhau dành lên trước om xòm. Họ mang lên tàu đủ thứ hàng, từ lồng gà, vị, rọ nhốt lợn, gồng gánh rau cỏ, trái cây, những bó mía. Đám người đi buôn này có giấy phép của chính quyền, họ ngang nhiên như là những người của chê độ, có đặc quyền hơn các kẻ khác. Khi Phan lên đến nơi thì các toa tàu hỏa đã chật cứng, lối đi thì đầy dẫy quang gánh, đồ đạc, hòm xiểng. Phản ảnh sự bình đẳng của chế độ, tàu không còn chia ra các hạng vé như xưa, mà chỉ có một loại vé "hạng nhất", nhưng bây giờ, hạng nhất này còn tệ hơn cả hạng ba ngày trước. Có thể nói là hạng tư đồng hạng. Cuối cùng, Phan cũng kiếm được một chỗ bên kẹt cửa, chung quanh đầy hàng hóa, người khác ngại vào ngồi nên còn bỏ trống.
Cái khó chịu nhất trên tàu không phải vì chật chội mà do sự ồn ào, từ tiếng súc vật kêu, tiếng trẻ con khóc, tiếng cải vã, cho đến tiếng chửi đổng, hỗn độn, hạ cấp không bao giờ dứt. Tám giờ rưỡi, tàu nặng nhọc khởi hành. Từ Hà Nội tới Hải Phòng, tàu ngưng lại tại bốn trạm kiểm soát. Tất cả mọi hành khách đều phải rời tàu, theo các cán bộ vào những phòng quay bằng cót để được khám xét. Đường tàu hỏa không có cái cảnh bán hàng rong như trên đường ô-tô, vì các người này được phép bán ngay trên các toa tàu. Ở đây lại thể hiện một bộ mặt khác của chế độ. Đó là cái hống hách của cán bộ. Họ không coi ai ra gì hết. Không những người trẻ mà cả người lớn tuổi, đều được họ gọi bằng anh, dù người ta đáng tuổi ông bà, cha mẹ của họ. Nếu có gì bị nghi ngờ, họ hạch sách, la lối lớn tiếng. Có nhiều cụ sợ xanh mặt trước mấy đứa cán bộ nhãi ranh.
Ăn uống, đi vệ sinh trên tàu thực là bất tiện. Đồ ăn thì ruồi bu kiến đậu, đói mà không dám mua ăn. Nhà cầu thì trống huếch trống hoác. Đi tiêu, đại tiện xuống luôn đường rầy chứ chẳng có thùng thảng gì để chứa nữa. Cái nhà cầu kiểu này thực lạc hậu hết chỗ nói. Tàu càng đến gần Hải Phòng thì càng vơi dần. Những anh chị buôn bán, gồng gánh xuống dọc đường gần hết. Lúc đó, Phan mới để ý tới những bộ mặt ưu tư, buồn xo của một số hành khách. Họ cũng như chàng, yên lặng, tìm chỗ khuất nẻo để ngồi cho qua cuộc hành trình. Nhưng ánh mắt lấm lét nhìn nhau, những cái mỉm cười đồng tình khiến Phan nhận ra được họ cũng thuộc thành phần như chàng. Bốn giờ chiều thì tàu hỏa vượt qua ranh giới quốc-cộng ... Mới chừng dăm tháng mà chàng tưởng như đã lâu lắm. Những hành khách còn lại nhìn nhau cười vui vì đã thoát vòng kiềm tỏa của bên kia. Lúc này, người ta mới lên tiếng hỏi thăm nhau, nói chuyện vui vẻ. Năm giờ hơn tàu tới ga Hải Phòng.
Một quang cảnh khác hẳn ở ga Hàng Cỏ. Đứng trên tàu nhìn xuống, người ra đón ăn mặc chỉnh tề, tươm tất, áo dài đủ màu sắc tung bay trước gió. Những đòan đón tiếp đồng bào của Phủ Tổng Ủy Di Cư ân cần lên tận tàu giúp đỡ mọi người. Phan thấy lòng thực buồn. Nếu mình cũng được ra đi nhẹ nhàng như những người kia thì hạnh phúc biết chừng nào .... Những chuyến xe camion chở đồng bào di cư dần dần đi hết. Những người từ Hà Nội trở về cũng có thân nhân đón tiếp không kém ồn ào, vui vẻ. Sân ga phút chốc vắng lặng. Phan cảm thấy thực lẻ loi. Chàng đến một quán phở bên đường ăn vội cho đỡ đói. Nhịn gần cả ngày rồi còn gì. Những cảnh sinh động này rồi một ngày nào đó, cũng sẽ tắt. Chàng tưởng tượng ngày nào quanh đây sẽ rợp bóng cờ đỏ. Bất giác Phan thở dài.
Chiếc xe xích lô đưa Phan về thành phố vào lúc trời đã hòang hôn. Con đường Cát Dài xe cộ khá đông. Một thành phố tuyến đầu của cuộc di cư vĩ đại đang lên cơn sốt vì từng đoàn người trốn khỏi bên kia đổ về đây đợi ngày vào Nam. Các anh xích lô tha hồ kiếm tiền. Hàng quán dọc bên đường mọc lên như nấm. Kẻ đi, người lại rất tấp nập. Xe quẹo vào phố Hàng Kênh của chị cả làm tim Phan đập rộn rã. Hơn một năm rồi, chị em chưa gặp lại nhau. Thấy bóng Phan trước cửa, cả nhà chị ra đón. Anh Phong, chị Phấn và lũ cháu lóc nhóc reo hò rộn cả phố. Phan cảm động đến chảy nước mắt trước cái tình gia đình ruột thịt. Nhưng một điều làm Phan giật mình ngạc nhiên là nhà chị đã thu dọn trống trơn. Đó là dấu hiệu sắp bỏ đi, giống như nhà cậu mợ Hai mấy tháng trước. Biết thế, nhưng sợ sự thật não lòng, nên Phan không dám lên tiếng hỏi.
Để Phan tắm rửa nghỉ ngơi sau một cuộc hành trình mệt nhọc, chị em mới có dịp ngồi bên nhau tâm sự. Chị Phấn không có vẻ già đi chút nào. Anh Phong thì vẫn là một ông công chức mực thước, nói cười chừng mực. Câu mà Phan sợ chị hỏi nhất là câu: Em có quyết định đi không ? Vì thế, vừa vào chuyện, chàng đã nói:
- Em báo một tin để anh chị mừng cho em là Đức Cha Hà Nội đã gọi em về trường Phi-Lô rồi.
Phan giấu hẳn việc nhà trường hiện đang bị đóng cửa, để tạo cho chị một ấn tượng là chàng sắp sửa trở thành linh mục.
Quả nhiên chị Phan thở dài, nói:
- Như vậy, chị cũng không dám rủ em đi nữa. Tất cả đều do em quyết định thôi.
Phan an ủi Chị:
- Nhưng, vấn đề đi vẫn là một chuyện khác. Em có thể xin giấy Đức Cha ngoài này để vào Nam tiếp tục học.
Phan nói thế, chứ nếu chàng có di cư, chắc không đủ can đảm để xin cái giấy chứng nhận đó.
Chị Phấn nhìn khắp nhà, nói:
- Căn hiệu này vài hôm nữa, chị sẽ trả cho chủ nhà để vào trại. Mình ở trong đó, vấn đề sắp xếp chuyến đi mới dễ dàng. Nếu cứ ở ngoài này thì không biết đến bao giờ mới tới lượt mình.
Anh Phong gật đầu:
- Thành phố này có tới bốn trại tiếp cư: Trường Ngô Quyền, trường Saint Joseph, và lớn nhất là trại Cimenterie ở bên kia Cầu Sắt. Anh chị mai này sẽ sang bên đó.
Phan cười:
- Nếu vậy, em cũng sẽ vào đây với anh chị cho vui. Có thể mình ăn Tết ở đó, anh nhỉ?
Chị Phan thở dài:
- Chẳng còn mấy ngày nữa. Cái Tết cuối cùng trên đất Bắc. Buồn qúa!
Phan nhìn ra xa, nói với chị nhưng như tự nhủ mình:
- Kỳ này em chưa đi với anh chị được. Nhưng về Hà Nội, em thu xếp với nhà chung, có thể em sẽ đi vào một trong những chuyến chót. Mấy tháng nữa, anh nhỉ?
Anh Phong nói ngay:
- Còn lâu. Theo chương trình thì ngày cuối cùng của Hải Phòng là mồng mười tháng năm, năm mươi lăm (10-5-1955). Còn tới hơn ba tháng nữa.
Phan gật đầu:
- Thế còn chán thì giờ.
Anh Phong cười:
- Đúng. Nhưng điều quan trọng là cậu có quyết đi hay không.
CHƯƠNG XI
Trời như tối sầm lại. Phan thất vọng não nề. Đã bao lâu, Nụ chưa trở về chùa. Cánh cổng chùa khép lại, Phan có linh cảm từ nay, chàng sẽ chẳng có cơ hội trở lại chốn này, nơi mà từ bấy lâu, chàng đã bỏ công sức, tiền bạc chỉ để mong sao cho Nụ có một nơi nương tựa lâu dài. Ngoài trời mưa phùn, gió bấc lạnh buốt, nhưng lòng Phan còn gía băng hơn. Mặc gió, mặc mưa, chàng nhảy lên xe cắm đầu đạp. Trong lòng chàng bây giờ đầy những thắc mắc về Nụ và nỗi xót xa của một mối tình vô vọng và đứt rời bởi những mâu thuận không thể hàn gắn. Chung quanh, bóng đêm chập chùng bao phủ, thấp thóang ánh đèn điện leo lắt, mờ tỏ. Tiếng gió rì rào trên những tàng cây tối đen. Khoảng mông lung vô định của không gian, thoảng dật dờ không cùng của thời gian đưa đẩy vòng xe của Phan đến tận đâu đâu. Cho tới một lúc, Phan thấy mình lạc vào một khu phố hẹp, hai bên vỉa hè gồ ghề những phiến đá đen bóng nước mưa, lấp lánh dưới ánh đèn khuya. Và trong mưa bụi giăng giăng, có bước chân ai nặng nề trên đường ... Tiếng húng hắng ho. Bánh xe tiến mau như muốn bắt giữ tiếng động đã mang một chút sinh khí cho góc phố quạnh hiu này. Từ xa xa, thóang có bóng người khập khễnh, xiêu ngả theo từng cơn ho rũ. Xe tiến lại gần, và tiếng thắng gấp như xô đẩy bóng người xiêu dạt vào bờ tường nhà. Người đứng lại, nhưng tiếng ho vẫn tiếp tục. Phan quẳng vội xe, chạy lại đỡ lấy người. Mùi hương quen thuộc quá. Nụ. Sao Nụ lại ở đây, và trong thời gian khắc nghiệt này. Nàng thở dốc, lả trong tay Phan như chiếc lá thu lìa cành.
- Nụ. Trời ơi. Sao Nụ lại thế này ?
Tiếng rên sau cơn ho tạm ngưng:
- Phan. Có thật Phan đây không?
- Phải. Tôi đây.
Nụ khóc nấc, không thành tiếng trên vai Phan. Chiếc măng tô ướt sũng. Nụ run lẩy bẩy. Toàn thân nàng lạnh ngắt, kể cả khuôn mặt đang gục trên vai chàng. Phan cảm thấy chỉ có nước mắt là những gì ấm áp còn lại nơi cơ thể của người con gái đáng thương.
Nụ mệt nhọc nói qua hàm răng lập cập:
- Nhà Phan... cuối cùng Nụ đã tới được nhà Phan.
Cơn ho cắt đứt câu nói.
Phan phủi những khoảng nước còn đọng trên áo Nụ, nhăn nhó:
- Không. Đây không phải là nhà tôi. Nụ cần gì phải làm vậy. Nụ cứ ở chùa, khi nào rảnh tôi tới thăm mà.
Nụ khóc thút thít, lắc đầu nói:
- Không. Nụ không thể đợi ở đó để mong sự thương hại của anh. Tình cảm của Nụ đối với anh đâu chỉ là một sự biết ơn.
Phan khổ sở, chối:
- Tôi đâu có nghĩ thế.
Giọng Nụ trở nên thiểu não:
- Nụ bỏ chùa ra đi, đi khắp thành phố này. từng con đường ... từng căn phố để tìm bằng được nơi anh ở... để chứng tỏ cho anh biết rằng ...
Nụ xụt xịt mũi, rồi tiếp:
- Để anh thấy Nụ đối với anh một lòng một dạ.
Tim Phan thắt lại, xót xa:
- Thôi Nụ. Tôi hiểu rồi ... Bây giờ, tôi đưa Nụ về chùa ... Nếu Nụ cứ đi như thế này, cảm chết mất thôi.
Nụ vùng buông Phan ra:
- Không. Nụ không về ... Anh cứ đi đi. Mặc Nụ. Nụ sẽ tiếp tục tìm cho đến khi nào tới được nhà anh mới thôi. Dù Nụ có chết gục ở ngoài đường cũng cam lòng.
Mưa phùn mù mịt. Gió lạnh làm người Nụ muốn gập lại. Lạy Chúa, Phan thực khó xử. Cuối cùng, chàng đành giữ hai bàn tay lạnh buốt, run bần bật của Nụ lại, nói:
- Thôi được. Nụ muốn vậy, tôi đưa Nụ về nhà tôi.
Nụ lấy tay áo lau ngang mặt, người run run, đứng đợi bên lề đường. Phan dắt xe lại bên Nụ, nói:
- Nụ ngồi cẩn thận nhé.
- Còn xa không?
Quả thực lúc này Phan cũng không biết phải đi về hướng nào, nên đáp:
- Ngồi lên đi. Giữ chặt không ngã đó.
Đường rất trơn. Ánh đèn vật vờ héo hắt. Gió từng cơn ào ào chạy qua mấy góc phố. Phan cứ nhắm phía trước mà đi. Tiếng xích chuyển động, tiếng đi-na-mô đèn xè xè cọ vào lốp. Vệt sáng của đèn trước xe như xé bụi mưa. Nụ vừa ho, vừa run đến độ rung cả xe khiến Phan lái rất khó.
Vượt qua mấy con phố không biết tên, lòng Phan thực bối rối. Mắt nhìn không tới những bảng đường vốn đã treo cao trên những cột điện khuất lấp. Bỗng Phan để ý đến ánh sáng màu đỏ loáng thoáng trong mưa. Có phải ánh sao của mùa Giáng Sinh còn thắp trên tháp nhà thờ. Chàng nhắm cái vệt sáng đỏ lung linh đó đạp tới. Và trời đất mở ra, Phan không ngờ mình đã đến khoảng sân rộng trước nhà thờ của xứ mình.
Phan mừng rỡ đạp mau khiến Nụ phải bám chặt lấy chàng. Phan cho xe ngừng sát bên lề đường để Nụ xuống.
Nụ ngẩng nhìn lên hai tháp chuông cao vợi sững sờ, hỏi:
- Đây là đâu ?
- Nhà tôi.
Giữa lúc đó, từ trong tối, một người đi ra:
- Thầy Phan. Đi đâu về muộn vậy ?
Ông bõ. Phan đạp ngang pê-đan để dựng xe vào lề đường, nói:
- Ông bõ hả? Cứ vào trước đi. Để cổng mở cho tôi.
Nụ đứng lặng một bên, mặt tái mét vì lạnh. Phan kéo nàng vào ngồi trên bậc thềm, dưới mái hiên nhà thờ để tránh mưa gió.
Phan nhìn đôi mắt mở to vì ngạc nhiên của Nụ, ôn tồn nói:
- Nụ lạ phải không? Tôi ở trong nhà thờ ... vì tôi cũng như Nụ, là một tu sĩ.
Nụ lắc đầu như muốn chối bỏ lời Phan. Phan tiếp:
- Nụ à, dù khác tôn giáo, nhưng từ nhỏ, chúng ta đều đã tự nguyện chọn đời tu hành. Ước vọng của chúng ta là gì, nếu không phải là được theo gương Phật, gương Chúa lấy lòng từ bi, bác ái để phục vụ tha nhân? Bây giờ là lúc hơn bao giờ hết, người đồng đạo đang cần sự hy sinh của chúng ta, chúng ta nỡ vì mối tình riêng mà phản bội lý tưởng của mình, và khiến cho bạn mình trở nên con người tội lỗi, đáng khinh bỉ sao? Nụ khóc nức nở. Những giọt nước mắt của một mối tình đành đọan. Phan tha thiết:
- Nhưng chúng ta có quyền có một tình bạn thân thiết để trong cuộc đời này, dù gặp gian lao, tủi hổ, chúng ta sẵn sàng chia xẻ, giúp đỡ nhau vượt thoát. Đó là niềm an ủi lớn lao, nó sẽ giúp chúng ta luôn luôn tìm được hạnh phúc trong đdời tu trì khổ hạnh. Hãy dâng mối tình trong sạch của chúng ta cho Đấng Chí Tôn.
Nụ không khóc nữa, chỉ còn húng hắng ho. Sau cùng, nàng nhìn sâu vào mặt Phan, gật đầu, nói nhỏ:
- Anh nghĩ thế cũng phải. Tại anh không nói sớm hơn.
Rồi nàng thở dài, đứng dậy, lấy ra một tờ giấy trắng đưa cho Phan:
- Anh giữ giùm tờ giấy này. Nụ không còn dịp dùng nó nữa.
Phan vội mở ra coi. Dưới ánh điện mờ trước cửa nhà thờ, Phan nhận ra đó là một tờ thông hành giống như tờ mà chàng dùng để đi Hải Phòng, nhưng mang tên Nguyễn Thị Nụ. Phan hết sức ngạc nhiên, hỏi:
- Nụ cũng có...
Nụ cười buồn:
-Thôi, bỏ đi. Nụ về đây.
Vừa nói, nàng vừa bước xuống bậc tam cấp. Ngoài trời mưa bỗng nặng hạt, ào ào đổ xuống. Phan luống cuống định chạy ra:
- Để tôi đưa ..
Nụ quay lại:
- Không được. Đã biết như vậy ... nên giữ gìn cho nhau ...
Vừa nói, Nụ vừa tất tả đi bừa ra ngoài đường phố. Bỗng một ánh chớp lóe sáng, tiếp theo là tiếng sấm long trời. Nụ sợ hãi thét lên. Phan không kịp suy nghĩ, nhảy bổ ra ngoài mưa. Nhưng chân Phan chưa chấm đất thì trời đất như quay cuồng, xô đẩy chàng rơi xuống một vùng không gian sâu thẳm, bồng bềnh, tan loãng ... Khi Phan tỉnh trí thì thấy mình đang nằm trên giường. Trời tối đen. Mưa ào ào rơi.
Nằm trong chăn mà Phan lạnh run. Chàng thực bồi hồi nghĩ tới chuyện vừa xảy ra, có lẽ là một giấc mơ, và trong đó chàng đã thuyết phục được Nụ!
Chiều qua, Đức Cha gọi Phan để khen ngợi chàng sau chuyến đi Hải Phòng về, ngài nói, cái gay cấn nhất là tranh đấu với chính bản thân mình, một khi đã thắng nó, thì không còn sợ bất cứ một khó khăn nào. Quả là đúng. Bên ngoài trời đang mưa lớn. Ánh chớp xẹt qua cửa sổ, phóng từng vệt sáng ngang mắt, tiếp theo là những tiếng sấm ì ầm. Thoáng thấy một vật nằm trên chăn, Phan vội bật ngọn đèn ở đầu giường. Chàng vô cùng hoang mang vì đó là mảnh giấy thông hành mang tên Nguyễn Thị Nụ. Phan cảm thấy chuyện gặp gỡ vừa qua như có thật, và bây giờ, ngoài kia, dưới trời mưa tầm tã, biết đâu Nụ đã gục ngã ở một góc phố nào rồi.
Qua cửa sổ, Phan nhìn thấu vào trời khuya, lòng đau đớn muôn vàn. Bỗng có tiếng gõ cửa rất nhẹ, rồi tiếng ông bõ thì thào:
- Thầy Phan, thầy còn để quên xe ở bên ngoài đó.
CHƯƠNG XII
Bốn giờ chiều .. Tiếng động cơ giảm dần, máy bay bắt đầu tuột dốc cao độ, cả khối người bị nhồi lên hạ xuống, cứ như rơi bẵng giữa không gian khiến hành khách lên ruột. Không còn bao lâu nữa, Hằng sẽ được đặt chân xuống đất Bắc, trở lại thành phố xa xưa mà nàng đã bỏ đi từ gần ba chục năm về trước. Ngồi cạnh Hằng là Hiền, con trai của nàng.
Tháng tư năm 1975 khi Việt Cộng chiếm miền Nam thì Thái, chồng Hằng, đang công cán ở Nữu Ước. Do đó, gia đình nàng bị kẹt lại. Sau bảy tám năm Thái làm thủ tục bảo lãnh, đến nay mọi người đã có giấy xuất cảnh. Ngoài ba mẹ Hằng, nàng còn muốn đưa thêm cha Tuấn là người anh duy nhất của nàng cùng đi. Cha Tuấn muốn ở lại, nhưng vì gia đình chỉ có hai anh em, Hằng cố gắng thuyết phục người, và cũng vì vậy, nàng phải ra tận Bắc để chạy chọt cho cha được xuất ngoại. Đường hàng không ngày nay tuy đã được nhà nước cải tiến, nhưng máy bay của Liên Xô để lại đã quá cũ, nên dù trời đẹp, thân tàu cũng lắc dữ dội. Tiếng động cơ lại nổ lớn làm cho hai tai ù, nhức nhối. Đã có kinh nghiệm, vừa khi lên máy bay, Hằng uống một viên thuốc say sóng, vừa để khỏi bị chóng mặt, vừa muốn cắt ngắn đường dài bằng một giấc ngủ vùi.
Máy bay nghiêng cánh, Hiền ghé sát tai mẹ, nói:
- Chắc phi cơ sắp đáp rồi, mẹ nịt day lưng lại đi.
Chàng vừa nói, vừa kéo dây lưng ra cho mẹ.
Sân bay thấp thoáng dưới làn mây mỏng, không lớn mấy, có vẻ như đang xây dựng dở dang. Đây là phi trường Nội Bài, không phải là Gia Lâm như ngày Hằng rời đất Bắc. Không ngờ hôm nay, nàng trở lại trong cảnh huống này. Máy bay hạ thấp, nhà cửa, đồng vắng lớn dần ... trông xơ xác, nghèo nàn, xen lẫn với những hố bom dấu tích thời chiến tranh mà hơn mười năm vẫn còn y nguyên. Bánh xe phi cơ chạm đất, hành khách như sắp bị hất tung ra khỏi ghế. Một vài người phải la lên vì sợ hãi. Phi cảng buồn tênh. Hành khách vội vã, không thấy ai có thân nhân ra đón, nên ở đây thiếu vắng những nụ cười hội ngộ.
Ra khỏi được hàng rào thuế quan, Hằng còn choáng váng vì những thủ tục rườm rà, mất quá nhiều thì giờ. Tắc-xi không sẵn. Nhưng cuối cùng, hai mẹ con nàng cũng tìm được một chiếc.
Anh tắc-xi lăng xăng xếp hành lý lên xe. Hằng nói trước:
- Chúng tôi là dân trong Nam về thăm gia đình chứ không phải là Việt kiều đâu nhé. Bác cho chúng tôi về khách sạn Dân Chủ ở phố Tràng Tiền.
Trời miền Bắc chớm thu u ám như ngày Hằng di cư. Hai bên đường, vẫn những cánh đồng khô, cỏ cây vàng úa, những mái tranh xiêu vẹo ... Hằng mệt mỏi ngã lưng trên ghế xe, mắt lim dim vì cảnh bên ngoài chẳng có gì đáng xem.
Bỗng Hằng nói:
- Có lẽ mẹ con mình sẽ về sớm hơn dự định.
Hiền quay sang bên, hỏi:
- Mình không đi đâu ngoài Hà Nội sao ?
- Gia đình nhà mình cũng chẳng còn ai ở lại ngoài Bắc, ngoài bác ấy ra ... Lúc ở nhà, mẹ đã định phải tìm bằng được ông ta để hỏi cho ra nhẽ cái chuyện mấy mươi năm về trước ... nhưng bây giờ, tự nhiên thấy nản quá.
Hiền lắc đầu, an ủi:
- Con nghĩ chưa chắc bác ấy đã như mình nghĩ đâu.
Hằng bực bội:
- Hai bên đã thống nhất rồi, mà gần mười năm cũng không thấy ông ta liên lạc với gia đình ... Chắc là xấu hổ chứ gì. Không ngờ người như vậy lại bị mê hoặc bởi một ni cô ...
Hình như Hiền cũng đã biết chuyện về ông bác tên Phan ở lại Hà Nội năm xưa, nên cười:
- Thôi được, con nghĩ dù gì, đã về đây, mình cũng nên tới một vài nơi cũ xem sao. Biết đâu mình sẽ tìm được tin tức của bác ấy để khỏi thắc mắc.
Hằng yên lặng nhìn ra ngoài. Hiền tiếp:
- Thôi mẹ suy nghĩ gì cho thêm buồn bực. Tới Hà Nội hãy hay.
Xe vượt sông Hồng Hà bằng cầu Chương Dương, một cây cầu xi măng khá lớn do Trung Cộng kiến tạo. Xa xa là cầu Long Biên nhịp cao, nhịp thấp, mầu đen nằm vắt ngang giòng sông nước phù sa đỏ ngầu. Từ phi trường Nội Bài xe chạy gần một giờ mới về tới Hà Nội. Hiền mở lớn mắt nhìn cái thủ đô được bao người ca ngợi, nhưng chàng cảm thấy hơi nản vì đường phố chật hẹp, nhà cửa vừa nhỏ, vừa cổ lỗ. Hằng ngồi thẳng người lên, nhìn ra, thất vọng, nói:
- Thành phố này trông còn cũ kỹ hơn hồi mẹ đi .. Nhà cửa không xây dựng gì thêm, mà còn hư hại, tiêu điều hơn trước.
Tới Hồ Hoàn Kiếm, ngắm Tháp Rùa xa xa, rồi Đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Hiền cũng thích thú vì được tận mắt thấy những di tích lịch sử. Nhưng nhìn kỹ, quanh hồ rác rến bừa bãi, vài chiếc ghế đá sứt mẻ chơ vơ .. và nhất là mùi tanh tưởi của nước hồ xông lên nồng nặc khiến cảnh dù đẹp cũng mất đi phần nào hấp dẫn. Phố Tràng Tiền nay thấy sao mà hẹp vậy. Khu phố tây nổi tiếng khi xưa, giờ đây vắng vẻ. Nhà Gô-Đa vang danh một thời ở góc phố, nay biến thành một tiệm tạp hóa tầm thường. Khách sạn Dân Chủ ở ngay đầu đường, số 29. Đây là một căn phố rất cũ, là khách sạn Hà Nội trước kia cải tiến, có gắn máy lạnh để khai thác túi tiền các du khách. Vì có chuyến máy bay về, khách sạn thực nhộn nhịp. Mới sụp tối, đèn xanh đỏ đã bật lên rực rở. Hàng ăn khá ngon, có cả sàn nhảy đầm. Về Hà Nội lần này, dù đã xa lâu năm, nhưng Hằng không có một chút xúc động như một người đi tìm những kỷ niệm êm đềm xa xưa. Đã rất lâu rồi, Hà Nội trở thành một địa danh không còn thân thương như xưa nữa, có thể vì nó gắn liền với một chế độ mà nàng chán ghét. Do đó, đêm đầu tiên ở đây, nàng chỉ muốn đi ngủ sớm để lấy lại sức sau một chuyến máy bay mệt nhọc.
Sáng hôm sau, Hiền theo đoàn du lịch đi xem thắng cảnh Hà Nội. Hằng một mình tại Bộ Nội Vụ ở phố Hàng Bài để lo việc xuất cảnh cho cha Tuấn. Nhờ có người quen giới thiệu trước, nàng chỉ cần hiện diện để nộp giấy khiếu nại, sau đó, mọi việc sẽ có người thu xếp.
Ra khỏi cơ quan này, đã hơn mười giờ sáng. Hằng đứng bên lề đường gọi xích lô tới nhà xứ cũ của Phan. Xích lô thời đại này rất hách. Nhờ người quen cho biết trước, Hằng mặc cả đàng hòang.
- Về nhà thờ đường Nhà Chung bao nhiêu ?
Anh xích lô vẫn ngồi trên yên xe, lạnh lùng nói:
- Sáu ...
Hằng bình tĩnh:
- Sáu trăm. Phải chứ ?
Biết là không bịp nổi, anh xe cười gật đầu. Hằng lên xe. Trước đây, đã có người từ trong Nam ra, cũng mặc cả xe, nghe nói năm, cứ tưởng là năm trăm, ai dè tới nơi,tên xích lô đòi tới năm nghìn. Cãi nhau mãi hắn mới chịu lấy một nửa là hai nghìn rưỡi. Chỉ mười phút sau, xe đã tới nơi. Tháp nhà thờ còn giữ nguyên màu xám đen thời trước, phía trên, có những chỗ cỏ mọc xanh một đám. Cửa nhà thờ đóng kín, vắng vẻ. Bậc gạch bị bể nhiều chỗ, có lẽ đã lâu, chưa được sửa chữa. Hằng nhìn thấy trường học nhà xứ, nơi khi xưa nàng thường tới thăm Phan, nay biến thành nhà kho thành phố mà lòng thực bùi ngùi. Hằng đến bên cổng nhà xứ, cửa khép hờ. Nàng sẽ đẩy ra, nhìn vào trong. Vườn hoa ngày nay hoang phế, cỏ dại mọc xanh um, lẫn trong đó mấy hàng bắp vàng úa. Hằng đập cửa mấy lần, mãi mới thấy một cụ gìa quần áo nâu, bạc phếch từ trong chậm chạp đi ra.
Tiếng ông cụ khàn khàn, mệt nhọc, hỏi:
- Ai hỏi gì đấy ?
Hằng thóang thấy nét quen quen, mừng rở hỏi:
- Có phải ông bõ đây không?
Ông cụ ngửng đầu lên, dương đôi mắt lèm nhèm nhìn Hằng:
- Phải, tôi đây ... Bà muốn gì?
Hằng vui vì gặp được người quen xa xưa, nói ngay:
- Ông bõ không nhận ra tôi ạ? Tôi là Hằng, em thầy Phan đây.
Ông bõ gãi đầu:
- Cô Hằng ... Thực cô Hằng đây à?
- Vâng. Tôi mới ở trong Nam ra hồi hôm.
Hằng nói pha tiếng Nam, ông bõ có vẽ không hiểu. Cuối cùng, ông hỏi lại:
- Cô Hằng về chơi hay có việc gì không?
- Có chút công chuyện. Nhưng cũng muốn về thăm lại nhà xứ, thăm anh Phan.
Ông bõ lắc đầu, buồn bã:
- Người đi đã lâu rồi .. mấy năm rồi ...
Hằng ngẩn ngơ:
- Đi đâu, bõ có biết không?
Ông gật đầu:
- Biết chứ. Người xin phép Đức Cha về làm việc ở địa phận nhà rồi.
Hằng hồi hộp hỏi một câu mà nàng rất sợ .. câu trả lời khác ý mình:
- Thế anh Phan đã chịu chức linh mục chưa ?
Ông bõ gật đầu:
- Rồi chứ. Người chịu chức từ hồi sáu nhăm (1965). Nhưng mãi sau nhà nước mới cho người làm mục vụ ..
Hằng vẫn còn thắc mắc về Phan trước đây, nên hỏi:
- Từ khi tôi đi, mấy năm sau thì anh Phan đi học "phi-lô"?
Ông bõ nghĩ ngợi rất lâu:
- Cả ba bốn năm đấy, cô ạ. Thời gian đó, người vất vả lắm. Cha xứ đau luôn, cả cái nhà chung này đều một tay người lo lắng.
Hằng khẽ hỏi:
- Còn cha xứ ?
Ông bõ buồn bã:
- Người mất lâu rồi ... Sau khi cha Phan về địa phận nhà, người buồn quá, được hơn một năm thì mất. Kể cũng tội, địa phận đâu còn bao nhiêu tu sĩ, cha Phan dù được đi học "phi-lô", nhưng vẫn trông coi nhà xứ như cũ. Nhưng sau khi cha Phan đi, cha xứ trở nên chán nản quá sức, có thầy giúp xứ mới, nhưng đâu có được như cha Phan trước kia.
Ông bõ thở dài:
- Cha xứ hiện nay cũng là một cụ già ...
Hằng dúi vào tay ông bõ mười ngàn, khẽ nói:
- Cám ơn bõ nhé. Mai tôi định về quê, cố gắng tìm thăm anh Phan một chuyến, vì gia đình tôi cũng sắp đi nước ngoài rồi. Có chút tiền biếu bõ ăn trầu.
Ông bõ xúc động đến trào nước mắt:
- Nhiều khi tôi muốn đi thăm người quá, mà chịu thôi.
Hằng an ủi:
- Được, nếu gặp anh Phan, tôi sẽ chuyển lời bõ tới anh ấy. À, mà từ ngày đó, anh ấy không về thăm Hà Nội à?
Ông bõ lắc đầu:
- Không. Nghe nói luật lệ nhà nước không cho phép. Không biết bây giờ người có khoẻ không.
Hằng từ giã ông bõ mà lòng thực buồn. Tuy biết qua được chuyện của Phan, nhưng Hằng cũng muốn tìm hiểu thêm, nên nàng thuê xe tới chùa của Diệu Hạnh. Vừa rẻ vào Hàng Bột, lòng Hằng đã xao xuyến vô cùng. Bao kỷ niệm xa xưa hiện về. Những hàng cây mát, khu Văn Miếu, chợ Con Bò ... Nàng bảo xe đạp qua về nhà cũ. Căn phố vẫn như xưa, nhưng tiều tụy hơn nhiều. Trước thế nào, ngày nay căn nhà vẫn vậy. Mầu sơn cửa, màu vôi tường cũ, bạc phếch, dơ dáy. Đứng ngoài ngó vào khung cửa đóng kín, chiếc sân thượng phơi đầy quần áo. Mặc dầu trong căn nhà đó, nàng đã sống suốt thời niên thiếu, nhưng Hằng cảm thấy lạc lõng quá.
Hằng đi bộ tới chùa Bích Câu. Phố xá lầy lội. Nhiều chỗ, đường đã tróc nhựa, để lại một vũng nước mưa nhơ nhớp. Lạ quá, cổng chùa mở toang, bên trong sân nhiều người qua lại. Hình như đây đã thành một bàn giấy của một cơ quan nào đó. Hằng vào trong sân, lên hết mấy bậc tam cấp, gặp một người đàn bà đứng tuổi chận lại:
- Nhà chị đi đâu đây ?
Hằng dừng lại, ấp úng:
- Tôi muốn hỏi mấy bà sư trong này.
Chị ta lừ mắt, chỉ vào phòng đầu nhà, nói:
- Ở trong kia.
Hằng đi vào. Trong phòng sáng mờ mờ, một bà sư gầy yếu, đang nằm trên chiếc phản ngay lối cửa ra vào.
Thấy khách, bà sư cũng không buồn ngồi dậy. Hằng đến bên, hỏi:
- Bạch sư bà, tôi muốn hỏi thăm.
Sư bà, giọng mệt nhọc:
-Bà hỏi thăm gì vậy ?
- Thưa, tôi muốn gặp ni cô Diệu Hạnh.
Sư bà mở to mắt nhìn Hằng, lắc đầu:
- Ai ? Đây không có ai là Diệu Hạnh cả.
Hằng ngạc nhiên, hỏi:
- Thế còn sư bà nào ở đây không ạ?
Bà sư ho khan, rồi nói:
- Có bà chủ chùa, nhưng đi công tác rồi, mai mới về.
Ở đây thay đổi nhiều quá. Bà sư này chắc mới đến tu đây, nên không biết Diệu Hạnh. Vậy có hỏi thêm, bà ta cũng không biết gì hơn. Còn sư bà chủ trì là ai ... Mai mới về kia. Hằng chán nản, khẽ cám ơn rồi lẳng lặng ra về, lòng đầy thắc mắc. Diệu Hạnh không tu ở đây nữa ? Nàng đi từ bao giờ ? Hiện nay ở đâu ? Hay là theo anh Phan về dưới đó ? Nếu như thế thì còn tệ hơn nàng tưởng nữa. Hằng càng nghĩ, càng bực bội trong lòng. Phải về quê tìm Phan mới được.
Hôm sau, Hằng nhờ khách sạn thuê xe hơi, luôn cả tài xế, một ngày hai trăm năm mươi nghìn đồng. Xe rời Hà Nội từ tám giờ sáng, dùng quốc lộ Số Một xuôi nam. Tới Ninh Bình, xe chuyển sang quốc lộ Số Mười để về quê cũ. Hơn bốn mươi năm xa quê hương, nay đột ngột trở về, Hằng không còn nhớ được bao nhiêu đường đất. Vì thế, xe đến nơi mà nàng cũng không hay. Nhớ lại mấy dãy phố nằm dọc hai bên quốc lộ, những căn phố cao nhất cũng chỉ có tới ba tầng lầu, nhưng nơi đây, đã một thời vang danh. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, biết bao nhiêu người từ các thành thị lớn đã tản cư về đây để được sống những ngày tháng tương đối bình an và đầy đủ, vì đây là thị xã duy nhất không bị tiêu thổ. Hằng bảo tài xế dừng xe ở giữa phố để cố gắng định phương hướng. Dân địa phương thấy xe lạ, bu quanh chỉ chỏ, bàn tán. Hằng đi dọc phố, nhà cửa có lẽ không thay đổi, nhưng người thì hòan tòan xa lạ Đi giừa lòng quê hương mà Hằng có cảm tưởng như mình ở một hành tinh nào tới đây. Hiền yên lặng lẽo đẽo theo bên. Cuối cùng, Hằng nói:
- Mẹ cũng không còn nhớ bao nhiêu. Nhưng có lẽ mình đi hết phố này, sẽ tới một chiếc cầu lợp ngói rất cổ, mà ngày trước ai cũng đều gọi là Cầu Ngói, sẽ có đường dẫn vào nhà thờ lớn. Nhà ông ngoại con còn xa hơn nữa.
Hiền gật đầu:
- Con thấy phong cảnh ở đây cũng êm đềm lắm, nhất là nhừng dòng sông này ...
Hằng chợt nhớ ra:
- Sông Ân Giang.
Nàng lẩm nhẩm một bài hát:
“Trăng đã lên, bâng khuâng mây in trên dòng Ân Giang,
Sóng nước lăn tăn, huy hòang trầm trăng sáng,
Theo nước lên mang mang gió phương xa cũng vừa dâng,
Chiều Ân Giang trôi sao êm đềm...
Hỡi sông thân yêu mà năm tháng trời xanh mây trắng hằng soi bóng
Với bao con thuyền nhẹ buông...
Mỗi lần rời bước xa lòng quê hương
Trái tim ta không hề quên gió trăng trên dòng nước Ân Giang.
Đây triền sông mà ta hằng yêu mến,
Ta về đây tìm sống lại những ngàỵ..
Đây là nơi mà biết bao kỷ niệm,
Giữ hồn ta lại cố hương trọn đời ..."
Một thoáng thôi, biết bao kỷ niệm của thời thơ ấu hiện về ... Hằng giật mình khi Hiền đột nhiên hỏi:
- Mình sẽ tìm bác Phan ở đâu ?
- Chỉ có cách vào nhà thờ lớn.
Hai mẹ con trở lại xe. Anh tài xế về đây lần đầu, có vẻ áy náy, không yên. Thấy Hằng trở lại, anh ta mừng rở, hỏi:
- Bà đi chứ. Đứng ở đây lâu .. bất tiện đấy ...
Hằng hiểu ý anh ta. Hai mẹ con lên xe. Hằng nói:
- Anh cứ chạy thẳng đây. Nhớ khi nào tôi bảo thì hãy quẹo nhé.
Xe qua Cầu Ngói, Hằng chỉ cho Hiền xem, nói:
- Ngày xưa, lúc mẹ tám, chín tuổi, đi học qua đây, vẫn mua xôi nóng ở trước cái cầu này ... Đây, quẹo vào con dốc theo con sông nhỏ này về hướng bắc là tới trường mẹ học, thời đó do các sơ dòng... cai quản.
Phố xá rộng rãi, và tuy người qua lại thưa thớt, nhưng thiếu trật tự nên xe phải đi chầm chậm. Chợ búa họp trong những ngôi đình dọc bờ sông. Tiếng rao hàng, tiếng nói chuyện lao xao. Dân tình coi vẻ nghèo nàn, lam lũ chứ không sáng sủa như hơn bốn mươi năm trước! Ở ngoài phố mà ai cũng vẫn áo cánh, nâu sòng hoặc đen. Đi cả nửa cây số cũng không thấy bóng một cái áo dài. Vì thế, dù Hằng và Hiền đã mặc áo cánh, quần tây giản dị, cũng gây chú ý cho mọi người, nhất là có tài xế lái xe ô-tô. Thực quê mùa hơn cả bốn mươi năm trước đây!
Tới con đường có những gốc phi lao cổ thụ, Hằng nhớ ra lối vào nhà thờ lớn, vội nói:
- Anh quẹo phải vào đường này.
Ngày xưa đường rất rộng rãi được trải đá xanh sạch sẽ. Hai hàng phi lao cao vút, xanh mướt, gió thổi rì rào thực đẹp. Bây giờ, nhà cửa làm bừa bãi, cái nhô ra, cái thụt vào, khiến con đường hẹp hẳn lại, cây cối tàn úa, trông không còn một chút thẩm mỹ.
Đi chừng vài trăm thước, Hằng đã nhìn thấy tượng Chúa Giê Su trắng toát, giang hai tay sừng sững giữa hồ, đàng xa là khu thánh đường bằng đá xám đồ sộ mà nghìn đời nàng cũng không thể quên.
Nửa giờ sau, xe lại trở ra đường cũ. Hiền hỏi:
- Bác Phan làm chính xứ, xứ Yên Bình, có xa đây không mẹ?
Hằng lắc đầu:
- Nghe cha phó địa phận vừa nói, chỉ cách đây chừng vài cây số thôi. Mẹ cũng nhớ lờ mờ cái nhà xứ có cái ao hồ nho nhỏ mà ngày xưa các vòi rồng mỗi năm tới xịt nước với nhau. Thời đó, ở đây làm gì có xe cứu hỏa như Sài Gòn. Mỗi khu có một máy bơm nước bằng tay, thùng chứa nước được đặt trên bốn bánh xe để đẩy đi tới nơi bị hỏa họan, người ta gọi nhừng xe này là vòi rồng. Mỗi năm các vòi rồng thi xịt nước với nhau một lần để tranh giải thưởng, rất vui và rộn rịp. Lũ trẻ mươi mười hai tuổi như mẹ và bác Phan thời đó, không năm nào bỏ qua.
Ra tới phố chính, Hằng bảo anh tài xế quẹo phải. Tư đây, phố xá đã vắng vẻ lắm. Một bên là bờ sông, một bên là dãy phố cũ kỹ, tồi tàn. Đi qua một chiếc cầu xi măng ngắn, xe đã ra khỏi thị xã. Hằng thóang thấy bên đường, sau lùm cây rậm rạp, có cửa hàng đề biển Hiệu Cơm Phở, nàng vội nói:
- Anh tài, ngừng đây, mình ăn trưa rồi hãy đi. Tôi thấy có hiệu phở.
Xe ngừng lại bên vệ đường. Ba người vừa bước xuống, một đám trẻ con, quần áo lôi thôi từ trong chạy xổ ra, bu quanh chiếc xe. Đứa nào cũng lấy tay sờ vào xe, bàn tán:
- Ô tô đẹp qúa chúng mày.
- Ở tỉnh về đó...
Có đứa lấm lét nhìn ba người, xì xào:
- Họ cũng đi buôn ngọc đấy chúng mày ạ .
Hằng thoáng nghe thấy, lấy làm lạ. Vào bên trong, quán vắng hoe. Lổng chổng ba cái bàn gổ, xung quanh mỗi cái kê bốn chiếc ghế dựa cũ kỹ. Thấy khách phương xa tới, một bà ăn mặc khá sạch sẽ, đầu vấn khăn trắng theo kiểu xưa để đuôi gà, răng đen, miệng ròn rã:
- Mời các vị vào trong nàỵ
Ba người được hướng dẫn tới bàn ăn. Người đàn bàrót ba chén nước, mời:
- Mời các vị sơi nước.
Hằng ngó dáo dác, nhưng không thấy bảng thực đơn, khẽ hỏi:
- Ở đây bà bán những món gì?
Người đàn bà nhanh nhẩu:
- Thưa phở, cơm...
Thì dĩ nhiên rồi, Hằng thấy hỏi đi hỏi lại thêm mất thì giờ, nên quay qua Hiền và anh tài hỏi:
- Con ăn gì ? Bác tài dùng gì ?
Hai người cười cỏ vẻ không có ý kiến. Hằng nói buông:
- Bà cho cơm, vài món ăn...
Người đàn bà gật đầu:
- Chúng cháu có thịt gà luộc, rau cải xào lòng gà, thịt kho tàu ...
- Vậy được.
Trong lúc ngồi đợi cơm, ba người nhấp mấy ngụm chè khô nhạt nhẽo. Bên ngoài, bọn trẻ con đã chia làm hai, mấy đứa còn bu quanh chiếc xe, mấy đứa đứng thập thò ngoài cửa, chỉ chỏ, thì thầm với nhau.
Cơm dọn ra, mọi thứ dều nóng nên ăn cũng tạm được. Riêng có thịt gà luộc, đúng loại mái tơ, béo ngậy thịt thơm phức, chấm muối, ăn kèm với lá chanh sắt nhỏ rất ngon miệng.
Hằng vui miệng, hỏi:
- Nghe tụi nhỏ nói, ở đây có người ở tỉnh về buôn ngọc à? Ngọc gì vậy bà?
Bà chủ hàng cười:
- Vâng, có. Chả là mấy tháng nay, nghe nói có người tìm thấy ngọc gì đó ở trong núi, giáp với Thanh Hóa. Họ mang về bán ở trên thị xã ... Dân ở đây cũng có nhiều người vào trong đó để tìm ngọc, nhưng chúng cháu chỉ nghe thấy thế chứ chưa trông thấy ngọc gì cả.
À, thì ra là vậy. Hằng cười, nói:
- Người mình mà khai được mỏ ngọc thì tốt quá, bà nhỉ.
Bà chủ lắc đầu:
- Nghe nói, khách ở tỉnh về mua, họ cũng dìm gía lắm ...
Bụng đói, bữa cơm nóng ăn cũng ngon miệng, Hằng trả tiền, rồi cám ơn bà chủ. Trước khi ra xe, Hằng hỏi:
- Này, bà chủ, xứ Yên Bình cũng gần đây chứ?
Bà ta gật đầu:
- Vâng, gần lắm. Bà đi qua mố cầu gỗ chừng một cây số nữa là tới nơi. Bà thăm ai ở đó?
Thấy bà chủ này hơi thóc mách, Hằng nói cho qua:
- Người họ hàng bà ạ.
Tụi trẻ thấy người ra, lảng vào đứng gần những gốc cây, nhưng mắt vẫn dõi theo khách lạ. Hằng bỗng cảm thấy thương tụi nhỏ. Giờ này không đi học hành, lại chỉ lang thang đầu đường xó chợ... ngày qua ngày thực uổng phí thời giờ.
Xe tới khúc đường đá xấu, hơi dằn. Qua hai cây đa cổ thụ, bỗng chiếc cầu gỗ ngày xưa thấp thoáng bên sông.
Hằng nói, giọng xa xăm:
- Hiền, nhà ông cố ngoại ở bên kia sông kìa.
Nhìn theo tay Hằng chỉ, Hiền chỉ thấy một dãy nhà bổi lụp xụp, nghèo nàn.
Hằng hiểu ý, nói:
- Nhà ông ở sau những dãy nhà đó. Phải đi qua một cái cổng thực sâu mới tới tòa nhà của cụ. Ngày xưa, mỗi độ Tết đến, vui không thể tưởng được...
Hiền cười:
- Thời xưa, chứ bây giờ mình có về dây cũng không thể sống nổi đâu mẹ nhỉ.
Hằng gật đầu, u uất:
- Mẹ thấy, bây giờ, địa phương này nghèo hơn thời xưa nhiều lắm ... Mẹ xa đây hơn bốn chục năm rồi, mà thấy thị xã không có một kiến trúc nào mới.
- Mình có qua đó thăm không mẹ?
Hằng lắc đầu:
- Không, chỉ thêm buồn thôi.
Xe đi tới vùng hai bên không còn phố xá. Nhà cửa ở rải rác. Có những khúc đi qua ruộng vườn. Bỗng Hẵng để ý tới tháp chuông màu trắng ở giữa những lùm cây xanh trước mặt, nàng chỉ tay, nói:
- Anh tài, có lẽ mình tới chỗ nhà thờ kia. Anh để ý dùm.
- Vâng.
Mười phút sau, xe ngừng lại. Con đường đất hai bên cỏ mọc xanh rờn dẫn vào nhà thờ tuy bằng phẳng, nhưng không dủ rộng để xe vào, Hằng nói:
-Thôi, anh cho xuống đây, chúng tôi đi vào được.
Hai mẹ con đi bộ vào trong. Vừa tới một cái ao không rộng lắm, chung quanh bờ, cỏ mọc hoang dại, chưa kịp định phương hướng, đã thấy có một người đàn ông, ăn mặc như lực điền, áo nâu, quần đen từ trong dãy nhà lá tất tả đi ra.
Hằng đón bên đường. Người đàn ông trung niên, tóc cắt ngắn, khuôn mặt hiền từ, vui vẻ hỏi:
- Thưa bà cần gì ạ?
Hằng cúi chào:
- Thưa ông, đây có phải nhà xứ Yên Bình không ạ?
Ông ta gật đầu:
- Vâng.
- Chúng tôi tới thăm cha Phan.
Người đàn ông gải đầu, cười:
- Vâng, người là cha chính xứ chúng tôi ...
- Thế ông là...
- Thưa bà, tôi làm chánh trương ở đây ...
Rồi ông ta có vẻ ái ngại, nói:
- Bà tới thăm, nhưng rất tiếc cha xứ chúng tôi vắng nhà ...
Hằng hụt hẫng:
- Cha đi vắng? Thế bao giờ người về?
- Thưa chừng vài ba ngày nữa.
Hằng choáng váng:
- Chúng tôi ở tận trong Nam ra ..
Ông trương cố gắng giải thích:
- Thưa bà với cậu, ngày nay, mọi địa phận còn rất ít linh mục. Một cha phải coi nhiều xứ. Như cha xứ chúng tôi đây, ngoài xứ chính này, ngài còn phải săn sóc linh hồn cho bổn đạo ở năm xứ khác nữa .. Mà bà tính, mỗi xứ đâu có gần nhau .. Phương tiện không có gì ngoài cái xe đạp cũ. Trời nắng đã vậy, trời mưa gió, lạnh lẽo thực là khổ cực cho cha.
- Vậy hiện nay người ở xứ nào ?
Ông trùm suy nghĩ, rồi nói:
- Có thể, bây giờ người đang ở xứ Tân Mỹ hoặc Như Tân ... cách dây cũng tám, chín cây số. Mỗi chủ nhật, ngài đi làm lễ ít nhất cho ba xứ ... tuần sau lại ba xứ khác... Thế bà là ...
Hằng cười buồn:
- Cha Phan với tôi là anh em con cô con cậu ruột.
Ông trương lắc đầu:
- Thực là tiếc. Bây giờ có muốn đi tìm người, cũng chịu chết ... Bao giờ bà về trên đó?
Hằng lắc đầu, chán nản:
- Đành uổng công vậy. Chúng tôi phải về ngay ...
Nghĩ đến Diệu Hạnh, Hằng hỏi:
- Cha ở đây, có thân nhân tới thăm nom không?
Ông trương gật dầu:
- Thưa có ... thỉnh thoảng cũng có mấy ông mấy bà ở thị xã về thăm ... Cha nói họ hàng xa của người.
Hằng thắc mắc ... lòng nao nao, chỉ sợ một trong những người đó là Diệu Hạnh ... Ba người vừa nói chuyện, vừa đi về dãy nhà lá. Hằng để ý tới cảnh qúa nghèo nàn ở đây. Ngoài khu nhà thờ cổ lỗ, màu vôi trắng đã rêu phong loang lổ từng đám ở bên kia bờ hồ, chỉ còn dãy nhà lá duy nhất này. Không lẽ cha chính xứ phải ở trong căn nhà tồi tàn này sao. Hằng thấy thực thương cảm cho hòan cảnh của ông anh họ.
Hiền hỏi ông trương:
- Đây là nhà xứ, thưa ông chánh trương?
Ông ta bẽn lẽn:
- Vâng. Đây vừa là nhà ở của cha xứ, vừa là bàn giấy của xứ đạo.
Hằng nhớ ra, hỏi:
- Hồi nhỏ, tôi thấy hình như có nhà phòng của cha xứ bằng gạch.
- Vâng ... nhưng thời chiến tranh, máy bay Mỹ đã bỏ bom tan nát rồi.
Hằng sực nghĩ tới cảnh tan hoang trong khu nhà thờ lớn địa phận mà lúc trưa nàng có thấy tận mắt, ngạc nhiên nói:
- Hồi đó, không biết có lính tráng gì ở trong các khu nhà thờ không mà nó thả bom tàn phá như vậy ...
Hiền cũng hơi bất mãn:
- Con cũng thấy ngạc nhiên quá. Chẳng lẽ nhà thờ, nhà xứ cũng là mục tiêu oanh tạc như các vị trí quân sự?
Ông trương lắc đầu:
- Thực ra lúc phi cơ bay qua, ai cũng lo xuống hầm trú ẩn, có súng ống bắn lên cũng đâu có ai biết ...
Có thể đó là kế hoạch hiểm độc mà nhà nước này dùng để gây hận thù giữa người Thiên Chúa Giáo và Hoa Kỳ...
Trong nhà mới thực cùng khổ. Nơi cha Phan ở, chỉ là một cái chõng tre, buông màn màu nâu cũ. Bàn giấy nhà xứ là một cái bàn gỗ cổ, mấy cái ghế cọc cạch hai ba kiểu khác nhau. Ông trương mời hai người ngồi chơi, rót hai chén nước vối đặc đãi khách.
Hằng nhìn khắp nơi mà cám cảnh cho cha Phan. Nếu không phải vì Diệu Hạnh mà phải về đây để trốn tránh người quen như nàng nghĩ, thì quả thực cha rất đáng kính phục. Nghĩ tới cha Tuấn, Hằng bỗng cảm thấy có lỗi, nếu vì tình riêng gia đình mà nàng cố cám dỗ cha đi Mỹ. Cha Tuấn có ở lại phục vụ con chiên trong Nam, xem ra không thể sánh được với sự hy sinh của cha Phan ở nơi khỉ ho cò gáy này. Nếu cha Tuấn đi Mỹ, thì mục đích để làm gì ? Đã đi tu thì phải coi nhẹ gia đình. Chúa đã từng nói: "Nếu muốn theo Ta thì người phải bỏ gia đình, cha mẹ, vợ con mà đi theo ta". Những đồng bào đã ra được tới nứơc ngoài rồi, không có cha Phan, cha Tuấn, họ cũng không mất đạo. Nhưng ở đây ... biết bao linh hồn đang cần sự có mặt của các cha. Các cha ở đây đích thực là hình ảnh của Chúa Cứu Thế . Hằng thầm mong sẽ không có Diệu Hạnh quanh quẩn bên Phan để cha trọn kiếp tu hành, xứng đáng là tông đồ của Chúa.
Bỗng Hằng để ý tới bức hình đen trắng treo ở trên tường, thẳng cái bàn làm việc của ông trương, nên hỏi:
- Ông trương, ảnh cha xứ phải không.
Ông trương nhìn lên, gật đầu:
- Vâng. Người chụp hồi mới về đây .. tức đã mười bốn năm rồi ...
Hằng và Hiền tới gần hơn để ngắm bức hình. Tóc cha Phan đã bạc trắng, gò má cao, da dẻ nhăn nheo, trông như ông cụ gìa bảy tám mươi ... thế mà trước đây đã mười bốn năm. Bây giờ... sau những năm phục vụ khổ cực, không biết hình dáng của cha tiều tụy đến chừng nào. Nhớ hồi năm mươi lăm (1955), Phan là một thanh niên cường tráng, đẹp trai, không ngờ ngày nay ... Hằng xúc động đến trào nước mắt, nghẹn ngào nói với Hiền:
- Bác ấy trông già quá .. Tính ra mới hơn năm mươi thôi ...
Hằng vừa lau nước mắt, vừa nói:
- Giá mẹ gặp bác ấy ở ngoài đường, sợ cũng không nhận ra.
Hiền cũng cảm động:
- Các cha ở ngoài Bắc thực vĩ đại... Con không thể ngờ được có những linh mục vất vả với bổn đạo đến thế...
Ông trương nói xen vào:
- Người làm việc không lúc ngừng nghĩ, chỉ trừ khi đau yếu ...
Hằng vội hỏi luôn:
- Thế cha có khỏe không ông trương.
- Thưa khỏe ... Nhưng làm việc như vậy cũng là nhờ ơn Chúa giúp sức, còn người thường sao chịu nổi, thưa bà.
Hằng thấy ở lại nơi này, chỉ thêm buồn. Nàng đưa cho ông trương một phong thư, nàng đã viết nó đề phòng khi không được gặp cha Phan, chẳng ngờ phải dùng thực:
- Xin ông nói với cha có tôi là Hằng từ trong Sài Gòn ra thăm ... Nhưng tiếc cha không có ở nhà. Ông trương đưa dùm thư cho người ... Nếu sau này có dịp, chúng tôi sẽ lại về nữa. Bây giờ cũng đã muộn rồi, chúng tôi xin phép kiếu từ nhé.
Ông trương cầm phong thư, đứng dậy tiễn khách:
- Thực không may. Giá cha ở nhà, chắc người sung sướng lắm.
- Vậy mấy người bà con kia.
- Vâng, thì dù sao cũng là họ xa .. người đâu có được vui như khi được gặp bà với cậu đây.
Hằng lấy ra sấp tiền, đưa cho ông trương:
- Tôi có chút quà mọn, gửi ông trùm mua hoa nến cho nhà thờ...
Ông trương không từ chối, cầm lấy, nói:
- Vâng, xin cám ơn bà. Tôi sẽ về trình với cha.
Hằng đứng nhìn bao quát hết khu nhà thờ một lần cuối cùng, rồi ngậm ngùi cùng Hiền ra về.
Quả thực, nếu Hằng muốn ở lại cũng chẳng biết ở đâu, nào ngờ giữa quê hương mà không có được lấy một người quen. Theo lời đề nghị và kinh nghiệm của người tài xế, Hằng quyết định trở về Hà Nội ngay buổi chiều.
Ngồi trên xe, Hằng nói với Hiền:
- Mẹ có gửi cha phó địa phận năm lạng vàng.
Mai mốt bác Phan về, sẽ lấy để chi dùng. Hy vọng là bác ấy có chút phương tiện để sửa sang nơi ăn chốn ở. Nghĩ ông ấy phải sống suốt đời trong những căn nhà tồi tàn đó, ngày ngày đạp xe đi hết xứ nọ tới xứ kia để làm lễ, thực tội nghiệp ... Chẳng lẽ, một người có tinh thần hy sinh cho Chúa đến như vậy mà có thể ...
Hằng không dám nói hết câu. Hiếu hiểu ý, gạt ngay:
- Mẹ à, đừng nghĩ như thế. Con thấy bác Phan không thể là người như vậy đâu.
Hằng chỉ còn áy náy một điều là Diệu Hạnh bây giờ ở đâu ...
Bây giờ chiều hôm đó, hai mẹ con Hằng đã về đến Hà Nội. Suốt đêm, Hằng cứ trằn trọc vì hình ảnh nghèo nàn của xứ đạo Yên Bình, về khuôn mặt già nua, tiều tụy của cha Phan. Rồi Diệu Hạnh, rồi cảnh chùa Bích Câu ... Hằng bỗng có một quyết định là sẽ phải trở lại chùa đó một lần nữa.
Chín giờ sáng hôm sau, Hằng một mình thuê xe trở lại chùa Bích Câu. Trong sân chùa, nhiều đám thiếu niên đang hội họp. Các cán bộ áo ka-ki, nữ váy đen, nam quần tây dài đồng mầu đang khoác lác trước các thiếu niên ngồi thành từng hàng ở sân chùa. Hằng không để ý tới họ, đi thẳng lên trước tiền diện. May quá, nàng gặp một vị sư bà, vừa từ trong đi ra. Bà này trông cũng lạ mặt, chừng hơn năm mươi, áo cà sa tươm tất, tràng hạt quanh cổ, dài tới bụng. Thấy Hằng, bà ta ngừng lại, hỏi:
- Bà cần gì ?
Hằng cúi chào, đoán là chủ chùa, nói:
- Thưa sư bà, chúng tôi mới từ trong Nam ra, muốn tới thăm một người bạn cũ tu ở đây.
Bà ta hơi ngạc nhiên, hỏi:
- Từ hồi nào ?
- Thưa trước năm mươi lăm (1955).
- À, tên gì?
Hằng kinh ngạc vì cách nói chuyện của bà này khác hẳn với các vị tu hành nhà Phật, nên nói:
- Thưa pháp danh của chị ấy là Diệu Hạnh.
Bà ta ngẩn ra, suy nghĩ:
- Diệu Hạnh ... Diệu Hạnh ...
Rồi lắc đầu:
- Từ khi tôi về chùa này, cho tới nay, các sư ở đây người thì đi tu chùa khác, người thì bỏ về nhà, người thì chết ... tôi cũng chả biết có ai tên là Diệu Hạnh không.
Hằng giật mình... Bà này là một cán bộ của nhà nước về đây quản lý chùa này cũng không chừng. Để tìm hiểu, nàng hỏi:
- Thưa, những người chết thì chôn ở đâu ạ?
- Xa lắm... nhưng hình như có để ảnh ở trong phòng kia ...
Hằng đánh bạo, nói:
- Sư bà có thể cho coi ...
- Được, thử vào xem sao ...
Bà ta vừa nói, vừa trở lại căn phòng ở đầu chùa, căn phòng mà Hằng đã từng tới mấy hôm trước. Bà sư vào trước mở tung cái cửa sổ đầu phòng. Ánh sáng ùa vào, căn phòng sáng sủa hơn. Cái bà đau yếu hôm nào không còn nằm ở đây nữa. Hằng theo bà sư vào mãi tận phía trong. Góc phòng có che một chiếc màn vải tây điều cũ kỹ. Bà sư vén chiếc màn lên, Hằng thấy đó là một chiếc kệ, ở trên có năm, bảy chiếc ảnh bán thân to bằng bàn tay ...
Trong khi bà sư giữ chiếc màn đó, Hằng đến gần, chú mục nhìn từng tấm hình. Cuối cùng, Hằng sững sờ khi nhận thấy trong đó có hình của Diệu Hạnh ... gầy gò, héo hắt, hai mắt lỗ đáo. Bên dưới ảnh ghi rõ: Viên tịch ngày 20-4-55. Diệu Hạnh đã chết, thực không ngờ!
Hằng quay ra, thẫn thờ, nói:
- Thưa sư bà, bạn tôi mất rồi.
Nàng cầm tấm hình đưa cho sư bà thấy. Bà này hững hờ, gật đầu:
- Thì đành chịu vậy thôi.
Hằng khẽ nói:
- Tôi có thể xin bức ảnh này được không?
Sư bà hầu như chẳng coi trọng những bức ảnh này, không cần nghĩ ngợi, gật đầu:
- Được, lấy đi.
Tấm màn được bỏ xuống, Hằng đưa cho bà sư một nghìn, nói:
- Tôi cũng là chỗ quen biết với chùa này, có chút tiền cúng chùa ..
Bà sư nhận liền...
- Vậy cám ơn bà...
Bà ta tự nhiên vui vẻ ra, nói:
- Hôm qua đi công tác về, nghe ở nhà nói có người tới thăm chùa… có phải là bà không?
- Vâng... Tôi tới hỏi thăm Diệu Hạnh, nhưng sư bà đau nằm ở phản kia nói không biết... nên hôm nay tôi mới trở lại.
Có chút tiền, bà sư trở nên lịch sự hơn, tiễn Hằng ra tận cửa:
- Khi nào bà ra Bắc nữa, ghé chùa chơi nhé...
Hằng cười buồn:
- Vâng.
Hằng ra về, lòng vô cùng buồn bã. Tội nghiệp cho Diệu Hạnh, và cho cả cha Phan nữa ... Diệu Hạnh chết trước khi Hải Phòng đóng cửa. Nếu chỉ vì Diệu Hạnh mà cha Phan ở lại, thì người đã đủ thì giờ vào Nam rồi... Nàng rất ân hận vì đã nghi oan cho hai người, một là bạn tốt, một là người anh đáng kính, suốt gần ba chục năm qua.
Đêm hôm đó, Hằng ngồi viết cho Phan một lá thư rất dài, gửi về địa phận nhờ chuyển giao. Nàng đã thú tội hồ nghi với cha. Nàng khuyên cha giữ gìn sức khỏe, an ủi cha và nàng hứa khi sang được tới nước ngoài sẽ tìm cách giúp cha trùng tu lại nhà thờ, nơi ăn chốn ở.
Hằng kể chuyện và đưa ảnh của Diệu Hạnh cho Hiền xem, rồi nói:
- Bác Phan là một tấm gương sáng cho bác Tuấn nhà mình ... Mẹ sẽ không cám dỗ bác Tuấn đi .. như với bác Phan khi xưa nữa. Phục vụ Giáo Hội ở nhà mới là lý tưởng của mấy anh ấy. Mình cản trở là một lỗi lầm rất lớn đối với các anh ấy và có tội với Thiên Chúa.
Đã rất lâu, Hằng mới ngủ được một giấc yên lành như đêm nay ...
Hồ Linh
Cuối Thu 93