Thứ Ba, 12 Tháng Sáu, 2012

Con sáo của em tôi

Sau khi cha tôi mất, gia đình càng ngày càng túng bấn, một mình mẹ tôi không đủ sức nuôi nấng hai đứa con mồ côi nơi thành thị nên mẹ đưa hai anh em tôi trở về làng cũ. Bên nội xóa bỏ tên cha tôi trong gia phả vì cha tôi xé tờ khai sinh mà ông tôi cố tình điền tên tuổi người vợ cả vào chỗ tên tuổi mẹ tôi . Ông tôi muốn gạt mẹ khỏi cuộc đời cha tôi bấy giờ và cuộc đời tôi mai hậu. Việc ấy rất giản dị như ông đã xóa bỏ tên chú Nghị vì chú mê cô đào cải lương gia nhập ban hát, lang thang rày đây mai đó. Bên ngoại từ bỏ mẹ tôi ngay từ dạo mẹ có mang ba tháng vì mẹ trốn nhà, vượt luật lệ cổ truyền, theo cha tôi làm vợ lẽ. Thành thử lớn lên anh em tôi mù mịt cả ý niệm gia tộc. Mẹ tôi thường kể rằng trước khi lấy mẹ tôi, cha tôi đã có vợ . Người vợ ấy cha tôi không yêu thương, nên bốn năm liền bà tôi cứ hoài công mong bế cháu. Ông tôi buồn phiền, thở dài thườn thượt, ông nghĩ đến nghiệp chướng xa xôi nào, lúc này sự quả báo hiện hình khiến dù con gái. Thật vô phúc. Cha tôi đi vắng luôn luôn, cha năng ở nhà ông phó Nhị hầu hạ ông để hòng ông truyền hết ngón đàn thập lục.
        Cha tôi phải giặt quần áo, đấm bóp chân tay hay kiếm rượu, đồ nhắm cho ông Phó, phục dịch ông đủ điều. Rốt cuộc ông Phó vẫn giữ lại đôi ngón sở trường, ông sợ dạy hết, mai mốt cha tôi giỏi hơn ông. Bởi vậy, tài nghệ của cha tôi chưa nổi bật, và chưa đủ thời giờ nghiên cứu âm nhạc quê hương thì cha tôi đã gặp mẹ tôi. Cuộc tình duyên này làm đảo lộn đời cha và ảnh hưởng rất nhiều đến anh em tôi sau này...
        Ông nội tôi biết chuyện tức sôi ruột, chửi bới cả gia đình nhà mẹ tôi. Tiếng dữ đồn tới xóm làng bên kia sông. Ông ngoại tôi đuổi mẹ tôi khỏi cửa. Bấy giờ mẹ tôi có mang tôi được ba tháng. Cha tôi lén lút gởi mẹ tôi nương náu nhờ người bà con xóm cuối thôn. Bà nội tôi thương con cả, lại nghe tin mẹ tôi có chửa nên bớt giận. Bà nội xin ông nội nhận mẹ tôi làm vợ lẽ cha tôi. Cuộc hôn nhân không giá thú. Việc tưởng vậy êm thắm. Ai ngờ ông ngoại tôi lồng lộn tìm bắt mẹ tôi, đánh đập mẹ tôi một trận tàn nhẫn. Tệ hơn nữa, ông ngoại tôi lại gọt hết tóc, bôi vôi trắng xóa đầu mẹ tôi rồi mới đoạn tình phụ tử. Mẹ tôi phải trùm khăn vuông kín mít ngót hai năm trời.
        Mẹ về sống dưới gian nhà mái dột, vách bùn trát nham nhở bên cạnh chuồng trâu của đại gia đình họ Nguyễn nhà tôi. Suốt thời gian đèo bòng cái hình hài tôi, cái bọc đau khổ, mẹ tôi chịu đựng bao nhiêu điều tủi nhục. Hết người vợ cả hẹp hòi, ích kỷ của cha tôi hằn học ghen tuông, lại đến các cô tôi kiếm cớ sinh sự. Vợ cả cha tôi bảo mẹ tôi độn vải đầy bụng để đánh lừa ông tôi. Ông tôi nhiều bận chỉ mặt mẹ tôi dọa nạt rằng nếu đúng tháng mà không sinh nở thì sẽ tống cổ mẹ tôi đi. Chú Nghiêm thỉnh thoảng về thăm nhà cũng hạch sách mẹ tôi. Ông tôi quý chú Nghiêm lắm. Trong khi cha tôi mải đàn sáo, chú Nghị giang hồ phiêu bạt, chú khéo léo chiều ông tôi. Bởi thế chú Nghiêm được xuống tỉnh học, đỗ đạt giỏi giang. Chú khinh bỉ mẹ tôi, sự khinh bỉ chú học mót của đám dân trưởng giả thành phố. Mẹ tôi đau khổ trăm chiều, ngày làm quần quật như con vật, tối ôm bụng khóc một mình. Tội nghiệp mẹ tôi, tôi chả biết ví mẹ giống ai. Ðầy tớ nhà ông tôi còn sung sướng còn nói đùa nghịch, chứ mẹ tôi thì câm nín suốt ngày đêm. Cha tôi hy vọng mẹ tôi sinh con trai và đứa đầu lòng sẽ là nhịp cầu bắc qua những tâm hồn người bên nội với tâm hồn mẹ tôi. Chắc chắn mẹ tôi hết tủi cực.
        Ðến ngày mẹ tôi trở dạ, ông tôi cất vội vàng túp lều nhỏ ở xó vườn, cạnh khóm chuối tiêu. Tôi cất tiếng khóc ban đầu nơi ấy, ở túp lều xó vườn, cạnh khóm chuối tiêu, cạnh những con người hà tiện tình thương mến. Vì đêm tôi mở mắt chào đời, cha tôi đi vắng nên cớ sự xảy ra như tôi đa nói đoạn đầu. Tuần lễ sau cha tôi về, cha nghiến răng xé nát tờ khai sinh rồi đưa mẹ con tôi xuống tỉnh ly. Tôi vĩnh biệt họ hàng bên nội bằng mấy tiếng "oe oe". Tôi lớn dần, lớn dần để thu vào tầm mắt non nớt hình ảnh cuộc đời cha tôi : hình ảnh gã nhạc công hậu trường sân khấu cải lương, hình ảnh ông lái thuốc bắc, hình ảnh ông thư ký sở tư, hình ảnh ông thợ chữa xe đạp và sau rốt là hình ảnh ông lang chế thuốc cao đơn hoàn tán. Mãi tới ngày cha tôi mất, tôi mới thù hằn những hình ảnh méo mó đọa đầy linh hồn cha tôi. Sao đời cha tôi nhiều hình ảnh thế? Và đời tôi nữa, hình ảnh thẫm nét nhất là một đêm mù mịt bên khóm chuối tiêu. Thế mà anh em tôi lại phải về quê ngoại. Tôi không hiểu tại sao mẹ tôi chịu nhục nhã, nương náu dưới túp nhà lá bỏ hoang vườn sau, trước đây ông bà ngoại dành riêng cho bọn thợ gặt mỗi vụ mùa. Mẹ tôi chỉ nghĩ đến anh em tôi. Trời ơi, tôi muốn khóc quá.
        Ở đây, chúng tôi sống lủi thủi cô độc. Mẹ tôi dọn quán bán nước chè tươi, xôi chè, canh bún ngoài bến đò Ðồng - đức, bòn nhặt từng hào chỉ. Thường mẹ dậy sớm sửa soạn đồ hàng, cơm nước buổi sáng để anh em tôi ăn. Mẹ nắm thêm hai nắm nhỏ phòng trưa đói còn lót dạ tạm. Chập tối mẹ lần mò về nhóm bếp thổi cơm. Bữa nào hàng ế ẩm, mẹ con tôi ăn canh bún, ăn xôi chè thay cơm. Mẹ tôi luôn luôn vui vẻ dù thỉnh thoảng cậu mợ, dì bác tôi mỉa mai đủ điều. Họ nói những lời mà bây giờ tôi hãy còn nhớ. Tôi không thể tưởng tượng nỗi tê tái nghiến nát cõi lòng mẹ khi bà ngoại gọi mà là "đồ đĩ", bác tôi bảo mẹ là "con lăng loàn" và mợ tôi nói bâng quơ "cóc chết ba năm quay đầu về núi". Tôi thấy mẹ tôi cúi đầu lẳng lặng, nước mắt nhỏ giọt trên mái tóc em tôi, thì tôi đoán rằng mẹ buồn. Hồi ấy, tuy tôi bó bỏng nhưng tôi đã biết xét đoán những con mắt soi mói, những lời tiếng bấc chì, những bộ mặt ích kỷ của mọi người họ hàng bên ngoại. Tôi thương mẹ. Tôi thương em gái tôi hơn, chưa được hưởng sung sướng thì cha vội lìa đời. Tôi hằng mơ ước một mai khôn lớn, tôi sẽ kiếm tiền nuôi mẹ, sẽ tậu nhà ở tỉnh, mẹ tôi thôi bán hàng, em tôi cắp sách đi học. Nghĩ vậy tôi thèm đọc sách lắm. Khốn nỗi mẹ tôi nghèo cực, lấy tiền đâu mà mua. Tôi đành học ôn mớ sách cũ nát và dạy em tôi từng trang, từng đoạn dè sẻn, sợ hết chữ.
        Ðám con cái cậu mợ tôi vào hùa cha mẹ chúng bắt nạt anh em tôi. Hễ em tôi hở ra món đồ chơi nào là chúng nó tìm cách ăn cắp. Tôi đòi, chúng xúm nhau đánh đập tôi sưng tím cả mặt mày. Em tôi khóc, mẹ tôi thở dài đau đớn. Dần dần cuộc sống quen nếp. Anh em tôi biết thân phận, bắt chước mẹ tôi, tập nhịn nhục, tập nghiến răng và hy vọng. Anh em tôi đùa nghịch với nhau, chẳng dám lai vãng đến thềm nhà ông bà ngoại.
        Tôi hay bắt dế, bắt chuồn chuồn, bắt công cống cho em tôi chơi. Bạn bè của chúng tôi có chừng chỉ có con chim chích chòe sáng nào cũng đậu trên cành soan ca hát líu lo rồi tung cánh bay xa tìm mồi. Em tôi thích chim. Tôi vụng về, không trèo cao được. Tôi hẹn sẽ bắt tặng em tôi một con sáo khi mùa xuân sang. 
        Mùa xuân, hoa soan vườn nhà nở nhiều, mầu tím dịu mắt. Mẹ tôi nói hoa soan nở chỉ tổ đuổi muỗi mệt xác. Cùng lượt hoa soan khoe sắc, sáo trên rừng đổ xô xuống đồng bằng hàng đám, cơ man. Em tôi nhìn những con sao đen, lông muôn muốt, viền mắt vàng vàng, ra chiều thèm ước. Tôi theo bọn trẻ con bến đò, lấy rổ rách, vất cạp rồi buộc lại tựa hình cái đó đơm tép. Xong, tôi bó manh chiếu bên ngoài bịt chặt một đầu, còn đầu kia để ngỏ cho sáo ra vào. Tôi buộc tổ sáo trên cành sung thấp nhất. Hai hôm sau vợ chồng nhà sáo bắt đầu tha rác về tổ của anh em tôi. Chúng tôi hoan hỉ đợi chờ. Em tôi chưa chi đã vọi lo cái lồng nhốt con sáo. Tôi bảo em tôi phải mong ba tháng. Em tôi sốt ruột. Ngày nào cũng hỏi thăm sáo. Mẹ mắng em, em dỗi bỏ cơm. Tôi dỗ dành em mới chịu ăn.
        Ít lâu sau tôi trèo lên thăm tổ. Tôi thò tay tận phía trong và biết sáo đẻ bốn trứng. Tôi lôi ra xem. Trứng sáo to bằng ngón tay cái của tôi, màu xanh xanh vân vân đẹp quá. Tôi kể chuyện em nghe. Em nhẩy reo ầm ỹ. Mẹ tôi dọa rằng :
        - Rắn ưa tìm tổ chim ăn trứng. Con liệu hồn, nó cắn thì chết.
        Tôi phát run, thề sẽ chừa thói liều lĩnh nguy hiểm. Nhưng em tôi muối coi trứng sáo, em cứ nằn nì đem xuống một trứng. Tôi đành mạo hiểm lần nữa. Lúc tôi đang lúi húi trước cửa sổ thì vợ chồng đôi sáo bay về. Chúng nó lượn trên đầu tôi, kêu inh ỏi. Tôi bỏ trứng vào túi áo, tụt xuống, sướt cả tay, máu chảy đầm đìa. Em tôi thỏa mãn sự tò mò, em trông tôi, thương hại. Tôi an ủi em và trả lại trứng cho sáo. Tối hôm ấy mẹ tôi đánh tôi hai roi tội không vâng lời. Mẹ nói :
        - Còn trèo nữa, sáo sẽ bỏ tổ.
        Anh em tôi lo ngại ngủ chẳng ngon giấc. Ngày tháng mùa xuân trôi vùn vụt. Một buổi sáng anh em tôi nghe rõ tiếng sáo con kêu trong tổ, em tôi hỏi :
        - Anh ơi! Sáo con có bú mẹ không?
        Tôi vuốt tóc em dịu dàng trả lời :
        - Em bú mẹ chứ sáo nào bú mẹ
        Em ngây thơ :
        - Thế làm sao nó lớn được?
        - À sáo mẹ mớm mồi.
        - Sáo bố làm gì hở anh?
        - Sáo bố đứng canh. Em nhìn thì biết. Kia kìa, trên cành cây gần tổ. Khi sáo mẹ mớm mồi cho các con, cũng như khi ấp trứng, sáo bố bao giờ cũng lởn vởn ngoài tổ em ạ!
        Tôi giảng nghĩa thế vì tôi nghe lỏm bọn trẻ con ngoài bến đò. Em tôi ngạc nhiên, ngây người đứng ngắm. Lát lâu em mỉm cười nũng nịu :
        - Sáo con ngủ, sáo mẹ có ru không anh?
        - Chắc có.
        - Anh biết à?
        - Thì anh đoán, chim cũng như người vậy em ạ!
        - Mẹ ru em bằng bài "Con cò mà đi ăn đêm", sáo ru con bằng bài gì hở anh? 
    - Anh chịu, chả biết được.
        - Giá sáo là người để em hỏi nó chắc thích lắm anh nhỉ?
        - Ừ.
        Ðám con cái ngỗ nghịch của cậu mợ tôi đã thấy chỗ tôi buộc tổ sáo. Tôi tức sôi ruột, tức muốn đốt nhà chúng nó. Chúng nó rình mò làm tôi không thể ra bến đò trông hàng giùm mẹ tôi những lúc đông khách. Anh em tôi thay phiên nhau canh gác. Mẹ tôi khuyên tôi nên chia sáo cho chúng nó. Tôi miễn cưỡng phải rỡ tổ đáng lẽ chờ vài hôm nữa sáo con già dặn hơn. Hôm tôi bắt sáo con, vợ chồng sáo bay lượn kêu thảm não. Sáo mẹ sà xuống sát đâu tôi như thể nó sắp mổ mắt tôi. Chẳng trách cha tôi xé tờ khai sinh, mẹ tôi chịu vất vả, khổ sở. Mẹ tôi mua giỏ bắt cua để tôi nhốt sáo. Cậu mợ tôi chọn lựa ba con đẹp, lớn ; phần tôi là con sáo đẹt, bé nhỏ, xấu xí nhất đàn. Tôi buồn, khóc mấy đêm ròng. Làm sao tôi nhớ hết mọi chi tiết vụn vặt cái hôm ông cậu bà mợ tôi chia sáo? Cậu tôi bóp con sáo xấu số của tôi khiến cho nó há mỏ ra. Em tôi run rây chỉ sợ nó chết? Mợ tôi bảo :
        - Bọn mày nuôi sáo làm quái gì, cơm còn không đủ ăn lại có cơm thừa nuôi sáo.
        Tôi cáu tiết cãi lại :
        - Sáo ăn cào cào chứ cần gì cơm gạo.
        Cậu tôi chẳng nể nang gì mẹ tôi cả, cậu chúi đầu tôi một cái thật mạnh. Tôi lao đao xuýt ngã. Cậu mắng mỏ :
        - Ðồ chết cha, đồ con hoang có khác. Anh em mày lớn lên thì thành đồ ăn cắp!
        Tôi nín lặng, em tôi chạy vào ôm lấy mẹ. Và cả tôi cũng lủi thủi cầm con sáo vừa đi vừa khóc. Tiếng khóc của em tôi, em tôi rõ ràng hơn. Mẹ tôi thương anh em tôi, mẹ bỏ bán hàng nửa buổi đan cái làn mắt thưa. Mẹ bảo nhốt sáo vào đấy rồi treo lên cây, sáo mẹ luyến con sẽ mớm mồi, như vậy sáo chóng lớn.
        Tôi nghe mẹ. Quả con sáo của anh em tôi được sáo mẹ chăm lo chu đáo. Ðám con cái của cậu mợ tôi ghen ghét. Chúng nó chăm chăm đòi bắn đôi sáo già. Tôi chỉ ngại nhỡ chúng bắn sáo của tôi. Bọn ranh con mất dạy, ích kỷ bắn súng cao su không trúng, chúng nó nhờ người thổi ống xì đồng. Buổi sáng hôm cái gã mắt chột rình rập ngoài vườn, anh em tôi lo cuống quýt. Em tôi nhìn sâu chim đủ loại : chào mào, chích chòe, liếu tiếu lủng lẳng trên vai hắn, em nói nhỏ : 
        - Khéo nó bắn chết sáo mất anh ạ!
        Tôi run run trả lời em :
        - Ðừng sợ em ơi! Mắt nó chột bắn chả tin đâu.
        Nhưng đôi sáo già đi kiếm mồi đã về. Tim anh em tôi đập mạnh. Tôi rõi mắt lên cành sung chờ đợi. Sáo bố đậu cách cái làn khá xa, sáo mẹ mon men lại gần mớm mồi. Trong lúc đó, viên đạn đất oan nghiệt từ ống xì đồng thổi phụt ra. Sáo bố trúng đạn rơi xuống ao. Em tôi giật nẩy mình kêu lớn :
        - Chết em rồi!
        Tôi cảm thấy như viên đạn trúng đầu tôi. Con sáo bố đã chết. Sáo mẹ bay lượn, rỉa rói ai oán hàng giờ. Em tôi ứa nước mắt :
        - Sáo của anh em mình mất bố rồi nó sẽ khổ lắm anh nhỉ?
        Câu nói khiến lòng tôi se lại. Tôi nhớ cha tôi. Phải chi cha tôi còn sống thì anh em tôi đâu khổ sở thế này. Sáo mẹ thỉnh thoảng bay tới, nó chỉ dám sà vội qua cái làn, có khi sáo con chưa kịp há mỏ, mồi đã rơi mất. Sáo mẹ sợ sệt tất cả. Tôi chạnh nghĩ đến mẹ tôi mà buồn vời vợi.
        Em tôi lo cho sáo con, đòi mang xuống. Tự đấy sáo mẹ không trở lại nữa. Có lẽ nó đã chết vì cô độc hay đã về rừng. Chúng tôi nuôi sáo bằng chuối. Dần dần sáo lớn, tôi ra đồng đập cào cào lấy mồi nuôi sáo. Tội nghiệp sáo con côi cút, đêm ngày âm thầm chui rúc trong cái giỏ cua. Em tôi đang phân vân không hiểu mai kia sáo lớn nhốt vào đâu. Ước gì có cái lồng tre, chúng tôi mơ ước song mẹ tôi không thừa tiền chiều chuộng con.
        Giữa lúc đó thì chú Nghị đến thăm mẹ tôi. Họ hàng bên nội nhà tôi chỉ chú Nghị là kẻ có lòng. Bao nhiêu năm tháng qua rồi, từ ngày tôi sinh ra đời tới bây giờ, chú luôn luôn an ủi, giúp đỡ mẹ tôi. Tuy chú nghèo, tôi thường nghĩ giang hồ phiêu bạt như chú, giầu sao được. Chú Nghị tốt lắm, chú bên vực mẹ tôi thuở mẹ tôi bị cả gia đình chồng xúm vào cấu xé, đay nghiến chỉ vì mẹ tôi thương yêu cha tôi quá đến nỗi mẹ bằng lòng lấy cha tôi không cần giá thú. Hôm đưa xác cha tôi tới nghĩa địa, tôi thấy chú khóc nức nở khi những tảng đất phủ kín dần chiếc quan tài bằng gỗ mộc. Tôi còn đủ trí nhớ để hình dung ra bộ mặt khắc khổ phong sương của chú Nghị. Và hình dung ra thì tôi lại ghét cay đắng ông bà nội, các cô các chú tôi, nhất là người vợ cả ích kỷ của cha tôi.
        Dạo cha tôi ở Hà - nội, ban tuồng chú Nghị sau nhiều chuyến lang thang dọc. đường gió bụi, trở về trình diễn tại thành phố này. Chú dành ghế cho cha mẹ tôi xem tuồng liên miên. Mỗi buổi tan hát, chú dẫn đi ăn mì. Khi rảnh rang, chú dắt tôi tới vườn Bách - thú xem xiếc hoặc dạo mát loanh quanh trong công viên rồi ra ngồi ăn bánh tôm trên đường Cổ - ngư bên hồn Trúc - bạch. Mỗi phố tôi qua, chú dạy tôi cách trông chừng hai đường xe cộ lưu thông. Vì chú cháu tôi hay thơ thẩn buổi sáng, chú bảo tôi thở hít mạnh, chú giữ lưng tôi ngay thẳng tựa người lính tập đứng nghiêm. Tôi yếu đuối, chắn chắn sự yếu đuối ảnh hưởng phần nào những ngày mẹ tôi mang thai tôi, tâm hồn mẹ bị dằn vặt, thôi thúc thời gian đó. Huệ, Lê - Lợi, Lý - Thường - Kiệt, câu kết luận của chú bao giờ cũng hàm đầy ý khuyến khích :
        - Cháu gắng lên, mai mốt cháu sẽ giỏi, cháu sẽ hãnh diện làm con của cha mẹ cháu.
        Tôi không nghe chú nói tới quãng đời luân lạc chim nổi của một kép hát. Sau này vợ chú bỏ chú lấy người khác, chú nghiện rượu và thù hằn tất cả. Tôi không biết tại sao chú hay giấu điếm sự uẩn ức mà đáng lẽ nói được thì chú bớt giận dữ kẻ khác trên đời. Nhưng, ngay trong những cơn điên tàn bạo, chú tôi rất h iền hòa với mẹ tôi. Tôi nhớ dạo gia đình tôi sống ở ngoại ô Khâm - thiên, nhà tôi phải đi qua cái ngõ hẹp bẩn thỉu. Một buổi tối, tôi đang cắm cổ bước, vì tôi sợ ma, thình lình chú Nghị nấp sau đám giậu kêu "ú a ú ớ" cơ hồ tiếng ma quỷ giận hờn rồi xô ra chắn lối. Chú muốn dọa tôi nên chú chơi thế. Song lúc ấy tôi không thèm hiểu. Trong khoảnh khắc, đầu óc tôi tràn ngập sợ hãi, khích động. Tôi cáu tiết đá chú nột cái thật mạnh. Tôi mới lên mười nhưng tôi mang giầy, trong cơn tức giận tôi đá mạnh kinh khủng và cái đá làm sước ống chân chú Nghị. Máu chảy ròng ròng, chú đau đớn, rên nhè nhẹ rồi ngẩng lên mỉm cười. Chú ôm tôi xin lỗi. Tôi khóc thương chú khiến chú rớt nước mắt. Chú Nghị mang vết sẹo trên da tháng năm nối tiếp. Thỉnh thoảng vui vẻ, chú kéo ống quần khoe vết sẹo. Anh em tôi lại sà vào lòng chú nũng nịu.
        Ngày mẹ tôi dìu anh em tôi về quê ngoại, chú phiêu bạt mãi tận Sài - gòn. Thành thử chúng tôi trống rỗng buồn tẻ. Không ai bênh vực an ủi anh em tôi. Nay tự nhiên chú Nghị đến, hỏi chi anh em tôi không vui mừng sung sướng. Bên ngoại vẫn thù bên nội vì ngày mẹ tôi trốn nhà theo cha, ông nội cứ gọi tên ông ngoại chửi bới, trách móc. Lúc này chú Nghị có mặt ở đây, tôi thấy chú nhét bông đầy tai và đeo kính râm suốt ngày. Chú mua cho tôi vô số sách đẹp. Chú dạy anh em tôi học. Tôi thích chú Nghị nói chuyện lịch sử. Em tôi thì bận tâm về con sáo nhỏ. Em khóc khi chú dạy tôi toán pháp. Chú hỏi em tại sao, em bảo ước gì có cái lồng như bọn anh chị em con cậu con bác tôi. Chú Nghị vuốt tóc em, chú tháo cặp kính, mắt chú đỏ ngầu, chú thẫn thờ giây lát rồi ghé tai em tôi thầm thì. Em tôi nhảy lên reo múa. Mấy hôm sau, chú bỏ việc dạy học, ngồi cặm cụi vót tre đan lồng. Ba bốn ngày liền chú mới đang xong. Cái lồng sáo của em tôi đẹp chả thua gì lồng bán ngoài bến đò. Chú làm chiếc thang ngang lấy chỗ cho sáo đậu, chú buộc cóng đựng nước và cóng chưa có gạo, nước. Con sáo được nuôi trong lồng ra bỏ đi. Mẹ tôi giữ thế nào cũng chẳng nổi. Tôi hết hy vọng học chú. Hôm chú mới đến, chú hứa chú ở lâu, chú nói dối anh em tôi. Chú Nghị ra đi, ít tháng sau được tin chú chết, mẹ con tôi buồn não nuột. Từ đó, sớm chiều anh em tôi đành tâm sự với con sáo. 
        Tôi ra đồng đập cào cào, châu chấu làm mồi cho sáo ăn. Em tôi thích đút chuối cho sáo. Em cắn miếng chuối nhỏ, xâu vào đầu cây tăm. Em thổi sao miệng, chú sáo đói kêu "khách khách" trả lời rồi há mỏ ra đợi em tôi mớm ăn. Em còn cho sáo ăn thịt nữa. Những buổi trời ấm áp, em tôi tắm sáo, rửa lồng. Nhìn sáo phơi mình dưới ánh nắng, mắt em tôi bừng lên những tia sung sướng, hy vọng. Em hay thả sáo tự do nhởn nhơ khỏi lồng. Em đi trước, sáo theo sau tựa hồ đôi bạn côi cút thương yêu nhau. Con sáo của em khôn lắm, nó thường "làm nũng" em lúc em cho nó ăn. Nó nhảy lên cánh tay em rồi bậy trắng lòe áo. Em thích ôm sáo trong lòng đôi bàn tay hoặc để nó đậu trên vai rất âu yếm. Bữa nào sáo ăn ít, em sợ sáo ốm, sáo chết, em buồn có khi em khóc. Nhiều đêm trời mưa bão, em ngủ không yên, thức giấc là hỏi chuyện sáo.
        Ngày tháng trôi qua, con sáo của em tôi thay hình đổi dạng. Bộ lông đen mượt, nó nhẩy nhót luôn chân. Nó đã biết mổ gạo. Như thế anh em tôi khỏ cần lo cào cào, châu chấu, chuối, thịt nữa. Mẹ tôi bảo bóc lưỡi sáo vài lần thì nó mới nói được. Em tôi sợ sáo đau nên ngần ngừ. Nghe ai mách rằng cho sáo uống nước cua kẻo nó "sốt rét", em tôi định làm, song mẹ tôi mắng :
        - Sáo đẻ ở đồng bằng thì ngã nước cái gì, chỉ vẽ chuyện.
        Thế rồi anh em tôi cũng phải nhờ mẹ tôi bóc lưỡi sáo. Con sáo xấu xí út ít không ngờ đẹp quá. Bọn trẻ gạ gẫm mua, anh em tôi từ chối. Chúng nó tức giận bèn mang con mèo già hung ác tới dọa nạt. Anh em tôi thay phiên gác sáo.
        Bây giờ con sáo tập hót. Mắt nó còn viền vàng xinh đáo để. Thỉnh thoảng vắng người nó líu lo đôi tiếng. Hễ có người thì nó câm tiếng. Em tôi cho rằng nó xấu hổ. Một buổi trưa anh em tôi đang thiu thiu ngủ bỗng nghe con sáo kêu hoảng hốt. Em tôi vùng dậy, thấy ở thềm nhà gã mèo hung ác đứng gầm gừ nhìn lên. Em vác guốc ném trúng mèo, nó co đuôi chạy mất. Chúng tôi lo sợ. Mẹ tôi bắt mang lồng sáo ra ngoài hàng, tối mang về.
        Khách hàng ghé quán mẹ tôi, họ dạy anh em tôi cách tập sáo nói. Họ bóc hộ lưỡi rồi họ che kín mít lồng. Quả nhiên sáo không nhìn rõ ai, hót líu lo. Giọng nó trong vắt mà buồn làm sao. Trưa hè ở bến đò vắng vẻ, tiếng nó gợi cho anh em tôi bao nỗi nhớ nhung thương tiếc. Tôi lại nhớ chú Nghị, nhớ cha tôi. Dần dần em tôi dạy nó nói. Bài học vỡ lòng để sáo nói tiếng người là :
        - "Sáo dạ, sáo dạ, nhà có khách".
        Em tôi kiên nhẫn dạy sáo, mãi rồi con sáo côi cút của em tôi nói được. Em ngây thơ lắm, em dạy cả sáo hát, dạy nói những lời hết sức tha thiết :
        -"Sáo nhớ mẹ, sáo khóc ".
        Con sáo dường như hiểu nỗi lòng của em tôi nên cố gắng. Khi em hát, sáo hót và nói "Sáo nhớ mẹ..." Càng ngày sáo hót càng hay. Thấy là lạ, ông ngoại tôi xuống chơi nhà tôi nghe sáo nói. Việc này quá sự tưởng tượng của mẹ tôi. Từ ngày gia đình tôi về nương náu ở đây có khi nào ông ngoại tôi thèm thăm hỏi. Ông thích con sáo, ông đòi mượn. Em tôi lăn ra khóc từ chối. Sau hôm ấy, ông ngoại ghét anh em tôi hơn.
        Ở bến đò, vô khối người muốn mua, họ trả một trăm đồng nhưng em không bán. Mẹ tôi khuyên em nên bán vì trăm bạc sẽ may được cho hai anh em tôi mỗi đứa hai bộ quần áo diện tết. Em tôi không cần quần áo, nếu mẹ bán sáo thì em tôi sẽ nhịn đói đến chết. Cuối cùng mẹ chiều em. Anh em tôi có con sáo nên bớt cô độc. Trẻ con hàng xóm năng lui tới nhà tôi trừ bọn anh em họ độc ác của tôi. Trong quãng đời thơ ấu buồi tủi, anh em tôi thèm thuồng đủ thứ. May mắn mẹ đưa anh em tôi về quê chứ ở lại Hà - nội thì anh em tôi còn khổ sở dường nào. Ðiều chắc chắn là em tôi không có con sáo để trút nỗi niềm. Em tôi ưa ngồi một mình nói chuyện với sáo. Em tôi kể nỗi hiu quạnh của em làm như sáo hiểu nổi. Em hỏi sáo :
        - Mất bố mẹ sáo có khổ không?
        Rồi em nói tiếp :
        - Khổ ư? tội nghiệp nhỉ , bé bỏng thì chỉ bị bắt nạt thôi sáo ạ! Sáo đừng khóc nhé! À sáo ăn no chóng lớn, chớ bỏ bữa, gầy còm rồi chết thì tôi buồn đấy sáo ạ! Chả ai chơi thân với người nghèo như mình đâu.
        Con sáo đôi khi vô tình buột miệng :
        - "Sáo nhớ mẹ sáo khóc"
        Em tôi dỗ dành :
        - Ừ, sáo nhớ mẹ, tôi cũng nhớ cha. Sáo khóc à, thì khóc đi...
        Tôi nằm nghe, nước mắt trào ra cay đắng. Dạo ấy tôi mới chỉ mười ba tuổi, em tôi tám tuổi. Nhưng tôi sớm tiếp nhận nỗi u sầu vào tâm hồn. Và bao nỗi niềm tủi nhục thay phiên hất hủi mẹ con tôi nên tôi đã khôn ngoan, đã biết khinh bỉ họ hàng bên nội bên ngoại trừ chú Nghị. 
        Cuộc đời đọa đầy tôi ngay ở cái tuổi đáng được hưởng hạnh phúc, sung sướng. Thành ra nếu có ai nghi ngờ, tôi vẫn nói rằng suốt thời thơ ấu của tôi, tôi không biết trông trăng trông sao, không biết bẻ hoa bắt bướm mà chỉ biết be bờ ruộng đơm đó kiếm tép để ăn, ăn thừa thì mẹ tôi đem ra bến đò bán. Cùng tuổi tôi, đám con cái của cậu MỢ tôi còn vòi vĩnh cha mẹ, ngu ngơ chả hiểu gì. Thế mà tôi hiểu cách rang cám cho thơm, cắt màn cũ khâu thành vó, vót tre thành giọng, cất vó tôm. Tôi hiểu cách cưa ống nứa, đan hom đào giun xào với lá bòng thả ống lươn. Tôi hiểu cách đan rọ cá rô, ngâm thóc vào nước gạo cho thối nhử đàn cá. Tôi hiểu nhiều lắm, hiểu cả những lời bóng gió, mỉa mai của thiên hạ để sau này bước xuống cuộc đời đem tâm sự của một con chim hụt mũi tên.
        Mẹ tôi ví tôi như trái chín rấm. Tôi tưởng tôi là trái chín hoang. Vì trừ trái chín cây không thèm kể đến, trái chín rấm còn được người ta xếp vào lò hay bỏ vào vựa, vào chum, người ta nhét vào đầy lá soan cho mau chín chứ đời tôi, đời anh em tôi nhất định là hai trái chín hoang. Ngày nào đó, người ta thấy hai trái xanh quá, xấu xí quá, người ta ném vô bụi giậu. Mưa, nắng, gió bão tới tấp, chịu đựng nổi thì trái chín. Tôi biết tôi chịu đựng nổi bởi vì ngoài họ hàng bên nội bên ngoại còn mẹ tôi, còn chú Nghị. Ngoài đám con cái cậu mợ tôi hay bắt nạt, hếp đáp anh em tôi còn bọn trẻ con ở bến đò Ðồng - đức dạy tôi buộc tổ sáo... Và mai mốt tôi sẽ chín, chín chẳng để trả thù ai đâu, nhưng chín để kể lại chuỗi ngày tháng anh em tôi nuôi con sáo.
        Con sáo là niềm an ủi duy nhất, là niều kiêu hãnh duy nhất của anh em tôi. Trong khi chung quanh tôi, trẻ con nhà giầu nuôi sáo bằng lồng son, cóng sứ, thức ăn thì gạo trộn lòng đỏ trứng gà, nước uống thì pha sôm nhị hồng, sáo của chúng nó vẫn chết. Anh em tôi nuôi sáo chỉ có gạo trắng, nước lã, lồng tre mà sáo hót lại hót hay, sáo nói lại nói giỏi. Tưởng con sáo cũng nên kiêu hãnh. Với tình thương mến của anh em tôi, với cái lồng do chú Nghị đan, nó đã thành con sáo quý khác cả những sáo quý nhất trên đời.
        Tính ra anh em tôi nuôi sáo dã lâu. Năm ngoái mẹ tôi buôn bán phát tài, tết nhất cũng đủ bánh trái, thịt ăn mấy ngày. Anh em tôi mỗi đứa có bồ quần áo mới , có tiền xu, tiền hào chơi đáo, chơi cò quay, có tranh con lợn treo tường, có long đình, tượng bụt chơi làm đình làm chùa. Giá nghe mẹ bán con sáo thì tiếc chừng nào. Năm nay hàng quán ế ẩm. Suốt mùa đông mưa lê thê, bến đò vắng khách. Mẹ tôi lại đau yếu luôn luôn, phải nghỉ ở nhà. Con sáo cùng chung nỗi buồn, biếng ca hót lười bay nhảy, nó quên cả lải nhải mấy câu nói em tôi dạy thuộc lòng.
        Trời cuối tháng chạp mưa phùn rả rích. Gió bấc thổi vù vù. Rét thấu xương. Anh em tôi co ro trong ổ rơm, lồng sáo đặt bên cạnh. Mẹ tôi lại sốt từ hôm ông Táo lên chầu trời. Ba hôm nữa tết rồi mà mẹ vẫn nằm rên rỉ. Tôi lo ngại quá, tâm hồn thờ thẫn. Em tôi sốt ruột vì trời mưa. Nhà chỉ còn gạo, mẹ tôi chưa sắm sửa đồ cúng. Gà vịt cũng chưa mua. Cho đến tối ba mươi, mẹ tôi lên cơn sốt nặng. Mẹ tôi rên hừ hừ. Ðắp hai cái chăn, hai cái chiếu, mẹ vẫn còn rét. Anh em tôi ôm nhau khóc thút thít. Em hỏi những câu quái gở khiến tôi rùng mình.
        - Anh ơi! liệu mẹ có chết không?
        - Không, mẹ phải sống nuôi anh em mình thành người chứ.
        - Sao mãi mẹ chải khỏi gì cả?
        - Tại trời mưa lạnh, tạnh nắng là mẹ khỏi, em đừng lo.
        Tôi nói dối em tôi tại mưa lạnh, thực ra mẹ tôi chẳng uống thuốc men gì cả. Con nhà nghèo, ốm no bò dạy. Tôi thường bị sổ mũi, ho mà có cần mời thầy lang đâu. Nằm vài bữa, trở dậy lại khỏe như cũ. Tôi tin thế nên đỡ lo.
        - Dạo cha còn sống mẹ có ốm nặng không anh?
        - Anh chả nhớ rõ.
        Trưa nay, em ngủ nằm mơ thấy cha, em nhớ cha quá, ước gì cha sống lại... Em tôi khóc to hơn. Tôi ôm em vào lòng, thương mến. Bên ngoài trời còn mưa lai rai. Ðêm cuối năm mù mịt. Anh em tôi lo lắng không dám ngủ. Lúc mẹ tung chăn chiếu, anh em tôi nhảy bổ vào ôm mẹ. Hơi nóng và mồi hôi sau cơn sốt thoát ra sưởi ấm anh em tôi giữa đêm trừ tịch. Mẹ tôi vuốt tóc em.
        - Mai, ngủ thôi chứ con, mai dậy sớm mẹ mừng tuổi tiền mua pháo tép.
        Em tôi nũng nịu :
        - Con mua pháo ống lệnh cơ!
        - Ừ thì mua pháo ống lệnh.
        - Mới lại cái gương cho con sáo nó soi.
        - Gớm cô ả vòi vĩnh mãi.
        Mẹ tôi chiều con, mẹ nói hơi nhiều, giọng mẹ mệt nhọc. Tôi định hỏi mẹ cái gì, nhưng thương mẹ lại nghĩ không ra. Anh em tôi tắt đèn đi ngủ. Sáng mồng một tôi dậy sớm. Em tôi ngủ mê mệt, tôi đắp thêm chiếu cho em ấm áp ngủ lâu. Mẹ tôi hình như đã đỡ. Mẹ nhìn em tôi, lắc đầu ái ngại. Dưới ngọn đèn lù mù, tôi thấy nước mắt mẹ tôi lăn tăn trên gò má xanh xao, khắc khổ. Mẹ tôi nói nhỏ :
        - Hữu này, mẹ dặn con nghe nhé! Hôm nay đừng lởn vởn ngoài ngõ, đừng lấy tiền của ai cho.
        Mẹ tôi dặn tôi bằng thừa. Cậu mợ tôi dạy tôi nhiều bài học độc ác, giả đạo đức quá rồi, tôi thèm thuồng gì mà ngửa tay ra để người ta nhổ bọt vào. Nhưng tôi phải đáp :
        - Vâng ạ!
        Giọng mẹ tôi đứt từng câu ngắn :
        - Tại mẹ ốm... thành thử... tết này nhà mình... thiếu cỗ. Con nhớ... thắp hương... bàn thờ cha con nhé! Con lớn rồi, chả cần, chứ em con, ngày tết... không được miếng thịt...
        Mẹ tôi bỏ lửng câu nói, ôm mặt khóc tấm tức. Tôi bỏ ra ngoài sân. Trời lạnh hẳn. Phía nhà trên, gia đình ông ngoại đang giết gà, vo gạo, thổi xôi... Chiều qua nhà ông mổ lợn. Tôi muốn lên chầu chực để may ra ông thương hại thí cho một miếng về ăn tết. Song tôi nhớ tới chú Nghị, tới những bài học làm người chú dạy tôi nên tôi lại thôi. Dường như hồi chú ghé đây để đan cái lồng sáo, chú nhìn tôi rồi gật gù, bao giờ chú cùng gật gù sau buổi dạy học :
        - Cháu thông minh lắm, cháu giỏi lắm.
        - Nhưng mẹ cháu nghèo.
        - Hề gì, đói rách đâu phải là tội lỗi, cháu đừng buồn. Rồi ngày kia cháu sẽ lẻ loi, cháu sẽ thấy trong sự đau khổ người ta mới xét đoán mọi việc đứng đắn.
        - Rồi cháu có sung sướng không chú?
        - Chú không dám nói cháu sung sướng nhưng chú quả quyết cháu có tài, có nhiều tài...
        - Thật hả chú?
        - Thật chứ, song cháu chả nên quy lụy ai , quy lụy nó hèn con người đi thì rồi cái tài cũng đến xếp xó.
        Chú ưa kể chuyện cha tôi và ngón sở trường âm nhạc : đàn thập lục. Chú bảo ngày ông nội đuổi cha tôi khỏi nhà, cha tôi không có đồng xu nào dính túi. Thế mà cha tôi gây dựng nổi đời cha. Tại cha tôi chết sớm chứ không thể nào cũng có ngày cha về làng mua đất dựng nhà. Tôi kém cha tôi nhiều quá, tôi chỉ biết khóc. 
        Lúc này đứng nhìn thiên hạ đón xuân, tôi nghĩ đến em gái tôi, nghĩ đến miếng thịt gà, thịt lợn hay thịt chim khi em tôi tỉnh dậy. Anh em tôi chỉ có mỗi con sáo. Con sáo nuôi bao nhiêu ngày mới biết nói. Chẳng lẽ tôi giết nó? Chẳng lẽ em tôi ăn cơm với muối ngày đầu năm? Năm nay em tôi mười tuổi, mười mùa xuân bay vụt qua, mười mùa xuân tẻ nhạt, buồn thảm chấp nối thành thời thơ ấu của em tôi. Mùa xuân trôi theo kỷ nhiệm, có khi nào níu lại được? Tôi không muốn em tôi lớn lên phải nghẹn ngào nhắc tới một trang chua chát, xiên lệch trong cuộc đời. Vậy thì tôi sẽ giết con sáo. Tôi nghĩ tôi biết buộc tổ, biết nuôi sáo, nuôi bằng cái lồng của chú Nghị thì sáo nào chẳng biết nói, biết hót. Dẫu con sáo này chết, tháng sau tôi buộc tổ sáo khác. Mùa xuân tàn rất nhanh, tôi có đàn sáo mới, tôi nuôi một đôi để chúng quyến luyến nhau cơ hồ anh em tôi, chắc em tôi sung sướng lắm. Ý tưởng ấy khiến tôi bớt se sắt, bớt tủi nhục. Tôi len lén trở vào xách cái lồng sáo xuống bếp. Trời còn tối, sáo không nhận ra tôi. Nếu nó chết thì nó oán hờn sự nghèo khổ và bàn tay tàn ác nào đó. Vong hồn cha tôi sẽ phù hộ tôi. Giết nó, tôi đau đớn vô ngần nhưng tôi phải thương em tôi hơn. Em tôi phải được ăn thịt sáo nấu su hào ngày mồng một tháng giêng năm mới. Chỉ vì em, tôi quên tất cả.
        Tôi mở cửa lồng thò tay tìm con sáo. Nó nhảy trốn, móng chân nó cào vào tay tôi đau buốt. Cuối cùng tôi tóm nó. Nó kêu ai oán, từ xưa nó chưa từng kêu như thế. Nó g giẫy giụa. Tôi vặn cổ nó chết tươi. Làm xong công việc tàn nhẫn đó, tôi nhóm lửa nấu nước làm lông. Tôi run run chặt dao trúng ngón tay. Máu tôi hòa cùng máu con sáo. Tôi xào thịt với hành mỡ thơm lừng rồi đổ nước đun thật lâu. Trong khi chờ đợi, tôi gọt su hào. Lúc ở bếp bước ra, trời hừng sáng. Tôi đem lông sáo và cái lồng giấu phía sau nhà. Tôi ngồi bệt xuống đất, ôm mặt khóc. Pháo nổ vang trời đất, chuông trống khua inh ỏi. Lòng tôi sôi bùng bùng, tan nát. Tôi nhớ chú Nghị, tôi nhớ cha tôi. Những người thân yêu có thể che chở cuộc đời mẹ con tôi đều bỏ đi cả. Bây giờ mùa xuân về, mẹ con tôi cô độc, nghèo nàn. Tôi đâu đớn trút nỗi buồn vào hai bàn tay non nớt, bóp bẹp cái lồng sáo. Niềm vui thơ ấu của anh em phần bị chết chóc, phần bị dúm dó, gẫy vụn. Tôi cứ ngồi tưởng tiếc. Mãi khi nghe tiếng mẹ gọi , tôi mới trở vào. Mẹ tôi hỏi :
        - Tại sao con khóc?
        Tôi đưa vạt áo thấm nước mắt, trả lời :
        - Thưa mẹ khói làm con cay mắt đấy ạ!
        Rồi tôi mỉm cười, nhưng nụ cười gượng gạo ấy giấu sao nổi một tâm tư đang cuồn cuộn muôn vàn ý nghĩ. Tôi nghe tiếng mẹ thở dài. Tôi đánh thức em tôi dạy. Mẹ tôi mừng tuổi cho mỗi đứa hai đồng. Tôi tặng cả em. Em tôi sung sướng nhận ngay không hỏi lôi thôi như những ngày thường. Gió xuân vừa tạt qua đôi má thơ ngây của em. Tôi nói :
        - Mai, đi rửa mặt rồi vào ăn cỗ em!
        Em reo to : 
        - Có cỗ hở anh?
        - Ừ, cỗ to lắm.
        - Anh cúng cha chưa?
        - Ðã.
        Tôi nói dối em chứ ai lại cúng cha bằng thịt sáo. Em tôi chưa biết gì cả. Khi ngồi ăn, em mơ màng chuyện đâu đâu. Em khen thịt ngon. Bất chợt em hỏi tôi : 
        - Thịt gì đấy anh?
        - Thịt chim.
        - Anh mua à?
        - Không.
        - Thế ai cho, ông ngoại hở?
        Tôi im lặng nghĩ câu trả lời. Em tôi tự nhiên buông đũa, đứng dậy, cuống quít : 
        - Con sáo của anh em mình anh ạ! Ta mừng tuổi nó chứ?
        Thấy tôi rầu rầu không nói, đứa em gái sầu thảm của tôi ngây người đứng ngó. Và em chạy vụt ra sân ngơ ngác tìm kiếm xong lại chạy vô gậm giường? Chẳng thấy lồng sáo đâu, em hỏi :
        - Nó ở đâu hở anh?
        - Chắc trộm bắt mất rồi em ạ!
        Em tôi thẫn thờ bước khỏi ngưỡng cửa. Lòng tôi rối bời. Nước mắt trào dâng lên, nhỏ giọt xuống bát canh su hào thịt sáo. Tôi cứ ngồi, nước mắt cứ rơi, lặng thinh như phiến gỗ. Tôi đợi em vào để xin lỗi. Tôi hối hận, tôi muốn chạy ngay ra ngõ gào khóc bi thương ngộ may có Phật hiện hình thì xin ước cho con sáo sống lại. Nhưng cõi đời tăm tôi của anh em tôi, Phật là chú Nghị, chú chết rồi, tôi ước nguyện gì đây? Mãi chả thấy em trở vào, tôi hoảng hốt chạy về phía nhà sau. Ở đấy có bộ lông sáo sũng nước và cái lồng tre chú Nghị đã đan cho em tôi. Em tôi ôm cái lồng vào tay thương tiếc. Tôi đi nhẹ tới gần em. Bước chân tôi run rẩy trên nền đất quê ngoại. Tôi khẽ gọi :
        - Mai, em Mai... 
        Em không ngoảnh lại. Tôi biết em ghét tôi lắm. Em đứng dậy, vẫn ôm cái lồng, lững thững đi ra bờ ao. Tôi phải nói thế nào để em tôi hiểu tại sao tôi giết con sáo? Tôi toan giãi bày, nhưng khốn nạn, sự nghẹn ngào rình mò đúng lúc vít chặt lấy cổ họng tôi. Tôi chỉ còn biết ấp úng :
        - Em ơi! Anh xin...
        Tôi buông chưa dứt lời, em quay lại nhìn tôi, đôi mắt chớp mau. Bốn con mắt anh em tôi lúc ấy mờ đi dưới cái màng sám hối, đau thương. Bộ mặt đau khổ của tôi nói với em nhiều rằng tôi quý con sáo nhưng tôi yêu em. Em tôi chừng hiểu chuyện, em buông đôi tay. Cái lồng và bộ lông con sáo rơi xuống đất. Em chạy xô tới ôm lấy tôi, khóc nức nở.

Duyên Anh

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art