Cộng đồng người Việt có hơn 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S. Có những tộc người rất đông, nhưng cũng có những tộc người vô cùng ít ỏi, và di sản văn hóa truyền thống của họ đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Với mong ước bảo tồn những giá trị truyền thống đầy quý giá ấy, nhiếp ảnh gia người Pháp – Réhahn Croquevielle đã quyết tâm thực hiện bộ sưu tập ảnh về con người Việt Nam, tìm kiếm những món đồ truyền thống. Anh mong muốn rằng, qua nỗ lực của mình, người Việt sẽ biết quý trọng hơn những điều tốt đẹp mà mình đang có.
Chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng những bức ảnh tuyệt đẹp trong bộ sưu tập ảnh 54 dân tộc Việt Nam mà anh vẫn đang tiếp tục hoàn thiện trong suốt 6 năm qua.
Réhahn sinh ra ở Pháp, anh yêu thích du lịch và đã đặt chân đến hơn 30 quốc gia trước khi định cư tại Hội An, Việt Nam.
Anh gọi dự án này của mình là “Bộ sưu tập Di sản Quý giá”, là điều có ý nghĩa nhất trong cuộc đời anh.
Để hoàn thiện được bộ ảnh này quả là không hề dễ dàng.
Réhahn ước tính rằng sẽ phải mất hơn hai năm nữa để có thể chụp được chân dung của 14 dân thiểu số còn lại mà anh chưa có dịp gặp gỡ.
Nhiếp ảnh gia người Pháp này nói rằng đôi khi phải mất đến hai ngày anh mới tìm đến được bản làng của một dân tộc thiểu số.
Anh chia sẻ rằng những người dân tộc thiểu số thường sinh sống trong các bản làng biệt lập ở vùng núi xa xôi hẻo lánh, và không mấy ai biết đến sự tồn tại của họ.
Khi đến được bản làng, Réhahn thường dành thời gian để lắng nghe những câu chuyện của bậc trưởng lão và chụp hình nơi họ sinh sống. Anh tâm sự rằng mặc dù có thể không hiểu hết những điều họ chia sẻ, nhưng nó không quan trọng, bởi lúc này anh đang lắng nghe và cảm nhận bằng trái tim chân thành.
Réhahn chia sẻ rằng anh thấy đôi mắt của họ sáng lên mỗi khi nói về trang phục truyền thống và nền văn hóa của mình.
Nhưng đồng thời, những bô lão thường cảm thấy buồn lòng khi thế hệ trẻ của họ không còn tự hào về những di sản và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Phần lớn họ không để tâm đến việc giữ gìn văn hóa mà tổ tiên để lại.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến các dân tộc này đứng trước nguy cơ biến mất.
Song, cũng chính điều đó đã truyền cảm hứng để Réhahn có thêm động lực thực hiện bộ sưu tập về các dân tộc thiểu số này.
Anh hy vọng rằng dự án của mình sẽ giúp nâng cao nhận thức về việc bảo tồn nền văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Anh cũng nhận thấy, có quá nhiều người bàng quan với tình trạng nền văn hóa xung quanh họ đang chết dần chết mòn.
“Dường như một phần của lịch sử văn hóa đang chìm vào giấc ngủ ngàn thu nhưng không một ai muốn tìm cách đánh thức nó”.
Chẳng hạn như tộc người Brâu, hiện chỉ còn vỏn vẹn tổng cộng 397 người trên cả nước.
Cụ bà 78 tuổi này là truyền nhân cuối cùng ở Việt Nam vẫn đang chế tác trang phục truyền thống của dân tộc Ơ Đu. Hiện nay, chỉ còn khoảng 500 người Ơ Đu đang sinh sống trên địa cầu.
Réhahn cho hay trong khi phần lớn các dân tộc thiểu số mà anh đã gặp, họ đều rất tự hào về văn hóa của mình…
…thì có những người – cả già lẫn trẻ – lại không hề quý trọng di sản của mình.
Một số người thậm chí còn muốn từ bỏ nó.
Réhahn hy vọng bộ sưu tập của mình sẽ là một lời cảnh tỉnh những người trẻ tuổi của các dân tộc thiểu số.
Anh nghĩ rằng, nếu những người dân tộc trẻ tuổi này được chiêm ngưỡng nền văn hóa của mình qua lăng kính của một người khác, có lẽ họ sẽ nhận thức ra và biết quý trọng, biết bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Chúng ta đều biết rằng để tiến đến tương lai thì cần phải nhìn lại quá khứ, và sẽ tuyệt vời biết bao nếu nó có thể gợi nhắc mọi người về vẻ đẹp di sản văn hóa độc nhất vô nhị của dân tộc mình.”
Trong quá trình hoàn thành bộ ảnh, Réhahn cũng đã có cho riêng mình một bộ sưu tập trang phục truyền thống của 40 dân tộc.
Anh dự định sẽ xây dựng một bảo tàng văn hóa dân tộc thiểu số ở Hội An và trưng bày các bức ảnh chân dung, trang phục truyền thống, cũng như những câu chuyện của các dân tộc Việt Nam.
Hơn nữa, anh còn mong muốn sẽ đưa bộ sưu tập của mình đi triển lãm ở khắp nơi trên toàn thế giới.
Theo This Is Insider
(Ảnh: Réhahn Croquevielle)
Minh Minh