Thứ Bảy, 02 Tháng Mười, 2021

Đức Mẹ và ý nghĩa biểu tượng của hoa Bách hợp trong hội họa cổ điển

Phúc âm Luke ca ngợi hoa Bách hợp có vẻ đẹp vượt trên cả nhà vua huyền thoại Solomon ở thời điểm huy hoàng nhất. Trong tín ngưỡng Kitô giáo, hoa Bách hợp là một biểu tượng rất quan trọng, tượng trưng cho sự tinh khiết, vô tội. Loài hoa này còn có ý nghĩa biểu tượng cho sự phục sinh của Chúa Jesus, xuất hiện phổ biến trong lễ Phục sinh. Ngoài ra, trong hội họa cổ điển, nó cũng thường xuất hiện cùng với hình ảnh Đức Mẹ.
Đức Mẹ và ý nghĩa biểu tượng của hoa Bách hợp trong hội họa cổ điển - 1
Bức “Truyền tin” của Paolo de Matteis vẽ năm 1712, lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Thánh Louis, Missouri, Hoa Kỳ. Trên tay Tổng lãnh thiên thần là nhành hoa Bách hợp. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Kinh Thánh kể rằng Tổng lãnh thiên thần Gabriel đã đến gặp Đức Mẹ và truyền lại lời phán bảo rằng bà sắp trở thành mẹ của Chúa và hãy đặt tên Ngài là Jesus. Câu chuyện truyền “Thiên ý” này trong Kitô giáo được gọi là “Truyền tin”.

Lễ Truyền tin diễn ra vào ngày 25/3, một ngày linh thiêng 9 tháng trước ngày Chúa giáng sinh 25/12. Tại phương Tây, khi lễ Truyền tin được tổ chức vào mùa Xuân thì hoa Bách hợp cũng nở rộ. Trong nghệ thuật cổ điển, Truyền tin là chủ đề tranh được đặc biệt yêu thích.

Các tác phẩm nghệ thuật sớm nhất mô tả về chủ đề Truyền tin xuất hiện tại những nhà thờ Gothic, có niên đại từ khoảng thế kỷ 12. Lúc đầu, cảnh Truyền tin được mô tả cùng một bình hoa Bách hợp. Sau này, bình hoa Bách hợp được thay thế bằng nhành hoa Bách hợp nằm trên tay của Tổng lãnh thiên thần. Nhìn chung, cảnh Truyền tin được miêu tả bằng rất nhiều phong cách sáng tác khác nhau, nhưng điểm chung của các tác phẩm này là hoa Bách hợp – biểu tượng cho sự thuần khiết vĩnh cửu của Đức Mẹ, vô nhiễm nguyên tội mà hoài thai Chúa Jesus.

Trong bức “Truyền tin” của Jan van Eyck vẽ năm 1434-1436, Đức mẹ và Gabriel được miêu tả bên trong một nhà thờ. Ánh sáng chiếu từ ô cửa xuống Đức Mẹ, bởi vì Chúa Jesus là “Ánh sáng của thế gian” (Phúc âm Matthew). Những viên gạch trên mặt đất là nội dung của Kinh Cựu ước.

Đức Mẹ và ý nghĩa biểu tượng của hoa Bách hợp trong hội họa cổ điển - 2
Bức “Truyền tin” của Jan van Eyck vẽ năm 1434-1436, lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia ở London. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Đức Mẹ mặc một chiếc áo choàng màu xanh lam, màu của hoàng gia vào thời Van Eyck. Chiếc ghế phía trước tượng trưng cho ngai Chúa. Giữa Đức Mẹ và chiếc ghế có một bình hoa Bách hợp, tượng trưng cho sự tinh khiết kết nối giữa Đức Mẹ và Chúa Jesus.

Leonardo da Vinci thể hiện bức “Truyền tin” theo một cách khác. Ông đã chọn hoàn cảnh diễn ra sự kiện Truyền tin là một khu vườn. Khu vườn ấy khiến người xem tranh liên tưởng tới sự trong trắng, ngay thẳng và điềm lành. Đức Mẹ ngồi trước một tòa nhà theo phong cách thời Phục Hưng, mang đến một cảm giác vĩnh cửu. Tổng lãnh thiên thần Gabriel cầm trên tay nhành hoa Bách hợp. Loài hoa này còn là biểu tượng của thành phố Florence, cũng là địa điểm sáng tác của bức tranh.

Đức Mẹ và ý nghĩa biểu tượng của hoa Bách hợp trong hội họa cổ điển - 3
Bức “Truyền tin” của Leonardo da Vinci, năm 1472-1475, lưu giữ tại Bảo tàng Uffizi, Florence, Ý. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Một cách thể hiện sự tinh khiết của hoa Bách hợp thật độc đáo là trong tác phẩm “Những bông hoa trong chiếc bình kỳ lạ” của nữ tu sĩ Orsola Maddalena Caccia. Bà rất giỏi trong việc thể hiện các chủ đề Kitô giáo thông qua ngôn ngữ thị giác. Cách bố cục và thể hiện tranh của bà cũng mang đến cho người xem một loại linh cảm tín ngưỡng đặc biệt.

Đức Mẹ và ý nghĩa biểu tượng của hoa Bách hợp trong hội họa cổ điển - 4
Bức “Những bông hoa trong chiếc bình kỳ lạ” của Orsola Maddalena Caccia, vẽ khoảng năm 1635, lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Ngoài chủ đề về Lễ Truyền Tin, hoa Bách hợp thường được dùng trong các tranh mô tả những sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Mẹ và Chúa Jesus. Chẳng hạn sự kiện ba nhà thông thái tìm đến Chúa Jesus mới chào đời mà sau này được kỷ niệm vào lễ Hiển linh 6/1 hàng năm. Trong bức thảm treo tường do Edward Burne Jones, William Morris và John Henry Dearle thực hiện năm 1888-1894, hoa Bách hợp tràn ngập khung cảnh. Mặc dù loài hoa này không nở vào mùa Đông, nhưng ý nghĩa biểu tượng của nó thì rất rõ ràng.

Đức Mẹ và ý nghĩa biểu tượng của hoa Bách hợp trong hội họa cổ điển - 5
Tác phẩm thảm trang trí được thiết kế bởi Edward Burne Jones, William Morris và John Henry Dearle, dệt năm 1894, lưu giữ tại Đại học Manchester, Anh quốc. (Ảnh: Public Domain)


Ngày nay, loài hoa Bách hợp mà người ta gọi là Bách hợp Phục sinh (Easter Lily) kỳ thực có nguồn gốc từ Nhật Bản. Chủng hoa Bách hợp này chỉ mới đến Anh quốc vào năm 1777 và đến Hoa Kỳ sau Thế chiến thứ nhất. Chúng hầu như không xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật quá khứ.

Dựa theo bài gốc “Lilies of the Virgin Mary: An Easter Reflection”
Đăng trên The Epoch Times
Tác giả: Kara Blakley
Minh Nhật lược dịch

Kara Blakley là một nhà sử học nghệ thuật tự do. Cô lấy bằng Tiến sĩ về lý luận và lịch sử nghệ thuật tại Đại học Melbourne, Úc.

Chú thích Hoaxuongrong.org. Người Công Giáo Việt nam thường gọi :
Chúa Jesus : Chúa Giêsu
Phúc âm Luke = Phúc âm thánh Luca
Phúc âm Matthew = Phúc âm thánh Mátthêu

 

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art