Thứ Sáu, 08 Tháng Sáu, 2018

Tìm hiểu thêm về hóa trị

Tìm hiểu thêm về hóa trị - 1

(Hình minh họa: Getty Images)
 

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Hóa trị, còn gọi là “hóa học trị liệu” (chemotherapy) là phương pháp chữa trị bằng thuốc hóa chất với mục đích hủy diệt các tế bào ung thư hay chặn đứng sự sinh sản, bành trướng của chúng.

Không phải tất cả phương cách hóa trị đều giống nhau vì, mỗi loại tế bào ung thư sẽ phản ứng một cách khác nhau tùy theo loại thuốc. Có khi cần đến tám loại thuốc khác nhau dùng kết hợp lại để đạt kết quả hữu hiệu hơn, và, các bác sĩ không ngừng nghiên cứu để tìm ra những phương cách mới ngày càng hiệu quả hơn.

Hóa trị thường đi đôi với những phản ứng phụ làm suy nhược cơ thể, nhưng gần đây, những phương cách hóa trị mới ít gây ra phản ứng phụ hơn.

Khi nào thì cần đến hóa trị?

Một khi các loại thuốc chữa trị ung thư được truyền vào máu, chúng sẽ luân lưu khắp cơ thể và tấn công các tế bào ung thư ở khắp mọi nơi. Vì thế, hóa trị được sử dụng khi mà bác sĩ có nghi ngờ là tế bào ung thư đã di căn, lan rộng ra một hay nhiều nội tạng khác. Tình trạng di căn xảy ra khi ung thư đã sanh sản một thời gian lâu mà không phát hiện kịp thời, một số tế bào sẽ tách rời ra khỏi khối u rồi lan ra các mô tế bào bên cạnh, hoặc chạy xa đến các nội tạng khác, như gan và phổi để tiếp tục sanh sôi nẩy nở ở đó.

Bước đầu của việc chữa trị ung thư là giải phẫu để cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ có thể cắt bỏ khối u chính và một số mô bị ảnh hưởng lan rộng gần đó, nhưng không thể cắt bỏ hết những tế bào ung thư đã di căn. Tương tự, chiếu điện, hay xạ trị, còn gọi là phóng xạ trị liệu (Radiotherapy) cũng chỉ tập trung ở một vùng ảnh hưởng nặng nhất của ung thư, tránh chữa lan rộng ra những tế bào bình thường cạnh đó. Vì thế, sau khi được giải phẫu, hóa trị thường được dùng để “càn quét” những tàn dư của ung thư.

Ngoài ra, một số loại ung thư, như ung thư máu, ung thư bạch huyết, cần đến hóa trị vì các tế bào ung thư máu trên nguyên tắc đã hiện diện trên toàn hệ thống máu.

Có khi, hóa trị được sử dụng trước khi mổ, với mục đích thu nhỏ bớt khối u để dễ cho bác sĩ cắt bỏ hơn.

Cuối cùng, hóa trị cũng đợc dùng với tính cách bảo trì, cho những tình trạng ung thư được để là vô phương cứu chữa, nhằm giảm bớt sự phát triển của ung thư.

Hóa trị tác dụng như thế nào?

Hóa trị, hiểu đơn giản là thuốc độc dùng để giết tế bào ung thư. Một loại hóa chất dùng trong hóa trị xưa nhất chính là loại hơi ngạt, gọi là mustard gas, được dùng làm vũ khí hóa học trong Đệ Nhất Thế Chiến.

Các loại hóa chất nầy đều có hại đến tất cả các tế bào, chúng giết tế bào ung thư cũng giết luôn tế bào mạnh khỏe, “giết lầm còn hơn tha lầm.” Vì vậy, mục đích của hóa trị là tìm ra các hóa chất có thể giết nhiều tế bào ung thư hơn là tế bào bình thường. Các bác sĩ, gần đây, ngày càng phát minh ra những loại thuốc hữu hiệu hơn, phân biệt sự khác biệt giữa tế bào ung thư và tế bào thường.

Sự khác biệt chính yếu giữa hai loại tế bào là tốc độ sanh sản của chúng: tế bào ung thư thường phân chia và sanh sản nhanh hơn, tạo ra những khối u, cũng vì thế. Một số tế bào ung thư sanh sản tùy thuộc vào những hormone khác nhau do cơ thể tiết ra. Một số thuốc, nhắm vào những yếu tố khác biệt nầy để giết ung thư.

Cụ thể, cơ thể chúng ta có hàng ngàn tỉ tế bào, hầu hết ít khi sanh sản, trừ trường hợp phải bảo trì sữa chữa hư hại. Tế bào ung thư thì ngược lại, tiếp tục sanh sản không ngừng nghỉ. Trong tiến trình nhân đôi để sinh sản, khối lượng DNA trong nhân tế bào phải nhân đôi. Thuốc chữa ung thư nhắm vào giai đoạn nhân đôi nầy để làm hư cấu trúc DNA và do đó hủy diệt tế bào.

Khác với bệnh nhiễm trùng, tế bào ung thư lại không bị hệ thống miễn nhiễm phát hiện là kẻ thù. Một số phương pháp chữa trị mới tìm cách huấn luyện hệ thống miễn nhiễm biết phát hiện tế bào ung thư là tế bào lạ để hủy diệt. Mới nhất, là kết hợp với sự khác biệt về các gene đột biến cho mỗi loại ung thư để dùng hóa trị được chính xác hơn.

Thuốc chữa bệnh ung thư được sử dụng như thế nào?

Thông thường, thuốc được truyền vào tĩnh mạch. Hầu hết, thuốc được pha loãng trong nước biển trước khi truyền vào mạch máu để tránh làm hư hại tĩnh mạch. Trong trường hợp bệnh nhân cần chữa trị thuốc nhiều lần, một đường ống được đặt vào một tĩnh mạch phía trên lồng ngực, được gọi là Hickman catheter. Qua đường ống này, chỉ cần gắn ống tiêm để tiêm thuốc vào. Đôi khi, một liều lượng thuốc thật cao được tiêm trực tiếp vào khối u để tránh phản ứng phụ đi khắp cùng cơ thể. Ví dụ, trong trường hợp ung thư bọng đái, thuốc được bơm trực tiếp vào bên trong bọng đái qua niệu quản.

Một số thuốc chữa ung thư có thể là thuốc uống hay thuốc nhét.

Thời gian chữa trị dài hay ngắn tùy theo loại ung thư, có khi chỉ cần qua một đêm, khi khác kéo dài qua nhiều tháng.

Phản ứng phụ của hóa trị

Vì hầu hết thuốc chữa trị ung thư đều nhắm vào các tế bào sanh sản nhanh, vì thế cũng ảnh hưởng đến những tế bào bình thường nhưng có tiến trình phân chia nhanh, ví dụ như tế bào chân tóc. Vì thế, hóa trị thường làm cho bệnh nhân mất tóc, hói đầu.

Một số tế bào sanh sản nhanh khác gồm có các tế bào trong bao tử và đường ruột, vì thế, phản ứng phụ gồm có nôn mửa và tiêu chảy.

Ngoài ra tế bào máu cũng bị ảnh hưởng, vì thế những bệnh nhân chữa hóa trị dễ bị nhiễm trùng hơn. Do hồng huyết cầu chuyên chở oxygen, bệnh nhân chữa hóa trị thường hay mỏi mệt, suy nhược hơn.

Hóa trị cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản vì thế đông lạnh tinh trùng hay đông lạnh trứng trước khi chữa trị là điều nên quan tâm.

Nói chung, thuốc chữa dùng trong hóa trị ngày càng tinh vi, chính xác và ít gây ra phản ứng phụ hơn. Tuy nhiên, phản ứng phụ là điều không thể tránh khỏi.

Thế nào gọi là thuyên giảm?

Bác sĩ thường dùng chữ thuyên giảm (remission) khi nói về thành quả của việc chữa trị.

Thuyên giảm toàn phần (complete remission) khi mà dấu hiệu của bệnh ung thư hoàn toàn thoái hóa, không thể tìm ra qua các thử nghiệm như MRI, X Quang, hay xét nghiệm máu.

Thuyên giảm bán phần (partial remission), khi mà chữa trị chỉ có thể giết được một số tế bào ung thư, cục u chỉ nhỏ hơn chút đỉnh và không có dấu hiệu tăng trưởng. Tình trạng nầy còn gọi là ổn định (stable condition).

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

Bài viết khác