Thứ Năm, 05 Tháng Giêng, 2017

Khi nữ tu làm võ sư Karate

“Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Để nói về nữ tu Chantal Desmarais, chưa bao giờ câu khẩu hiệu của ông Pierre de Coubertin (nhà sáng lập Olympic hiện đại) lại thích hợp đến thế. Khi đã xong phận việc của dòng Nữ tu Bác Ái, sơ lại khoác võ phục, đeo huyền đai để trở thành một võ sư uy nghiêm.

Khi nữ tu làm võ sư Karate - 1
Khi nữ tu làm võ sư Karate

Cách đây nhiều thập niên, sơ Chantal, 51 tuổi, đã chọn ơn gọi làm tu sĩ: “Vào một giây phút nào đó, tôi đã nhận lời mời gọi phục vụ ChúaTôi cũng từng có ý định gia nhập quân đội Canada nhưng không có nữ tu nào trong quân ngũ, nên tôi bỏ ý định đó”. Sau hai buổi cầu nguyện và các công việc của một nữ tu, ít nhất 3 buổi tối/tuần, sơ thay áo dòng bằng bộ võ phục. Dưới tầng hầm nhà thờ Sainte-Camille, phía bắc thành phố Montréal Nord, nữ tu Chantal thành võ sư Chantal, huyền đai karate, được 60 môn sinh nể phục.

Giúp người yếu thế

Ngay từ nhỏ, sơ Chantal đã luôn muốn bênh vực người yếu thế. Sơ kể: “Khi còn đi học, tôi luôn giúp những bạn bị bắt nạt, vì ở trường thường xảy ra những vụ đánh nhauĐiều tôi muốn là mỗi người biết tôn trọng mình và người khác. Tôi không hung hăng. Tuy thế, dĩ nhiên nếu thấy ai có ý xâm hại người khác, không chắc là tôi sẽ khoanh tay và chìa má khác cho họ”.

Khi nữ tu làm võ sư Karate - 2

Trước khi vào dòng Nữ tu Bác ái ở tuổi 18, sơ Chantal đã chứng tỏ được năng khiếu thể thao và từng chơi nhiều môn. Vì vậy, ý tưởng thay khăn đội đầu của dòng bằng võ phục đến ngay từ đầu đời sống tu sĩ của chị: “Tôi đã là nữ tu khi bắt đầu tập karate. May mắn là tôi sống trong một cộng đoàn rất cởi mở nên được ủng hộ nhiệt tình. Mọi người nhanh chóng thấy tôi có năng khiếu về thể thao, đặc biệt về võ thuật. Vì tôi thích võ nghệ, nên karate đến với tôi rất tự nhiên. Tôi đã khởi đầu dạy môn này cho các thanh thiếu niên, sau đó người lớn cũng đến học”.

Sơ Pierre-Anne Mandato, người đã dẫn dắt sơ Chantal từ thuở còn là tập sinh nói: “Chị Chantal luôn có tinh thần thể thao. Một ngày kia, chị ấy đã đến gặp tôi và nói muốn gia nhập quân đội. Tuy nhiên, không phải bất cứ quân đội nào: phải là đạo quân của Chúa”.

Dòng Nữ Tu Bác Ái là một tu hội có truyền thống khuyến khích việc hoạt động thể chất ngay từ ngày sáng lập. Các vị bề trên đã ủng hộ sơ Chantal theo học ngành giáo dục thể chất. Sau đó, sơ đã dạy thể dục tại trường Marie-Clarac. Vài năm sau khi thành lập võ đường vào năm 1993, sơ Chantal đã nhận chứng chỉ huyền đai tại Nhật Bản. Nữ tu từ khước cho biết mình đã đạt mấy đẳng. Đối với chị, điều quan trọng nhất chính là triết lý của karate.

Võ sư được kính trọng

Một buổi chiều, trong võ đường ở Bắc Montréal, có hơn hai mươi võ sinh chăm chú theo dõi phần thị phạm của võ sư Chantal. Thành phần của lớp võ rất đa dạng, từ thanh thiếu niên các khu phố nghèo ở lân cận cho đến nhiều phụ nữ đã có chồng con, muốn rèn luyện võ thuật để tăng cường sức khỏe. Học trò của sơ Chantal có cả một thẩm phán Tòa án thành phố Québec.

Các môn sinh nhận xét về võ sư Chantal như thế nào? Sahela Hedaraly đã được ba mẹ cho học karate để tự vệ. Em vui vẻ kể lại: “Phải nói thật rằng sau buổi học đầu tiên, em đã không nhận ra cô giáo dạy mình là nữ tu. Sơ là một võ sư karate tuyệt vời, một phụ nữ vui vẻ, rất hài hước, biết cảm thông và luôn chịu khó tìm hiểu từng học trò. Sơ tùy theo điểm mạnh, điểm yếu của mỗi võ sinh để giúp tất cả có thể tiến bộ. Điều này, tôi nhận ra ngay từ buổi học đầu tiên”.

Khi nữ tu làm võ sư Karate - 3

Đối với sơ Chantal, karate không mâu thuẫn với các giá trị của Công giáo. Vị nữ tu bình luận: “Tôi không nghĩ Chúa muốn chúng ta là những con cừu ngơ ngác. Chắc chắn tôi không dạy theo chiều hướng huấn luyện võ sĩ thi đấu giành huy chương, cũng không hề chuộng bạo lực. Nhưng điều quan trọng nhất là cung cấp các giá trị cho cuộc sống, bởi lẽ đời sống cũng là một cuộc chiến. Làm sao “chiến đấu” để cuộc sống hoàn thiện hơn, với các giá trị đẹp đẽ, bằng cách khơi dậy lòng tự trọng: đó là nguyên tắc giảng dạy của tôi”.

Các môn sinh của võ sư Chantal được học kỹ thuật công phá: cách dùng tay không chặt bể gạch hoặc tấm ván. Mỗi võ sinh tập trung hết mức để thực hiện đúng các động tác, dưới ánh mắt nhân từ của võ sư. Chính tại điểm này, hình ảnh nữ tu và võ sư hòa quyện nhịp nhàng nơi sơ Chantal: “Kỹ thuật công phá không phải tinh hoa của karate. Nhưng đặc biệt, nó liên quan đến việc tự vệ. Còn tôi, tôi liên tưởng nó với các nỗi đau của cuộc sống, các thử thách con người phải chịu. Khi họ phải đối mặt với các tấm ván hay khối xi măng, thì trong cuộc sống, bạn cũng phải đối đầu với những khó khăn tương tự. Nếu không đối mặt được với các vấn đề và thách thức của bạn, bạn sẽ không bao giờ vượt qua hay giải quyết chúng!”.  

Chỉ vài ngày trước đó, ở tầng hầm của nhà thờ chánh tòa giáo phận Joliette, sơ Chantal đã quy tụ các linh mục và giáo dân để giải thích cho họ về quyển tân tự điển phụng vụ Rôma. Nếu được gặp vị nữ tu ở cả hai nơi, chắc chắn bạn sẽ không kềm chế được và nhận xét: “Với sơ, người ta có thể thấy rõ rằng chiếc áo không làm nên tu sĩ”. Nghe ai nhận xét như thế, sơ cũng cười giòn tan và đáp: “Đúng thế, chiếc áo hợp với tu sĩ, nhưng hay hơn nữa nếu nó tô điểm cuộc đời!”.

Đời sống và những nguyên tắc của một nữ tu có mâu thuẫn với tính “đối kháng” trong võ thuật? Sơ - võ sư  Chantal đã trả lời thật điềm đạm: “Bạn biết đó, nếu mỗi người đều có thể rèn luyện và áp dụng các bài học tuyệt vời của karate, có lẽ cuộc sống này sẽ bớt nhiều khổ đau để trở nên tươi đẹp hơn rất nhiều”.

Viết Hiệp (theo Radio Canada)

Từ bé gái bị bắt nạt đến võ sư đá gẫy 7 tấm ván

Chantal Desmarais nhỏ con hơn so với các bạn đồng trang lứa, nên thường bị bạn bè bắt nạt vào thời tiểu học, cho đến khi cha mẹ và ông bà thuyết phục được cô bé vùng lên để tự bảo vệ mình.

Chantal rất thích xem đấu vật chuyên nghiệp cùng với ông, trong đó cô đặc biệt chuộng đô vật Édouard Carpentier, có biệt danh là “Người Pháp có cánh”, người đã sáng chế những đòn tấn công kinh điển như nhờ đà giãn của dây để tung cú móc xoắn đầu. Một ngày, Chantal quyết định trả đòn trước những kẻ hay bắt nạt, thế là một đứa trong nhóm bị chảy máu mũi và gẫy vài cái răng. Kể từ đó, cô bé rất nổi tiếng và trở thành “vệ sĩ” cho em gái ở trường, đồng thời cũng chuyên bảo vệ những học sinh yếu ớt khác. 

Khi nữ tu làm võ sư Karate - 1

Nhiều năm sau, gia đình chuyển về khu La Petite Patrie và cô nhập học trường tư Marie-Clarac ở Montreal North, thuộc Dòng Nữ Tu Bác Ái. Quan điểm giáo dục rất cởi mở của dòng đã làm Chantal ngày càng trở nên gắn bó và quyết định gia nhập dòng vào năm 18 tuổi để dành trọn đời phụng sự Chúa. Kể từ đó, sơ dạy các nữ sinh chơi khúc côn cầu và võ thuật tại Marie-Clarac. Sơ hay nói vui: “Với tôi, xếp sau tình yêu với Chúa là tình yêu với khúc côn cầu và karate”.

Sơ Chantal dạy karate từ 3-5 ngày/tuần cùng một nữ tu đai đen khác là sơ Marie-Pierre tại võ đường Ookami và Ste-Julienne. Sơ Chantal chịu trách nhiệm giảng dạy các kỹ thuật cao cấp hơn như đòn chặt, sử dụng khuỷu tay hoặc chân để đấm/đá gẫy chồng ván gỗ hoặc tấm xi măng dày 5 cm. Sơ có thể dùng chân đá gẫy từ 6 đến 7 tấm ván chồng lên nhau, trong khi kỷ lục cho khuỷu tay là 3-4 tấm. Nữ tu khẳng định: “Bạn sẽ chẳng bị chấn thương nếu làm tốt”. Thỉnh thoảng tay chân của sơ cũng bị trầy xước ít nhiều, nhưng không bị thương gì nghiêm trọng. Một số học viên mới đến võ đường cũng tỏ ra ngạc nhiên khi phát hiện “sư phụ” của mình là một nữ tu, nhưng họ nhanh chóng quen dần với điều đó.

Nhàn Văn

 

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art