Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một, 2023

Ngôn Sứ Xưa & Nay

Lời tựa

Qua cuốn sách mang tựa đề Ngôn sứ, xưa và nay, nhà minh giải Kinh thánh Lê Phú Hải không chỉ trình bày Bộ Kinh thường được chuyển dịch qua tiếng Việt là Sách Các Tiên Tri trong Cựu Ước, mà còn dấy lên câu hỏi về âm hưởng của Bộ Kinh nầy trong xã hội hôm nay, cũng như trong cuộc sống của mỗi  người chúng ta.

Bộ Kinh được trình bày dựa trên những phương pháp nghiêm túc của khoa minh giải Kinh thánh và được soi dẩn bởi truyền thống đức tin và giáo huấn của Giáo hội công giáo. Với những chuẩn mực đó, tác giả đã minh giải thấu đáo các bản văn từ ngôn ngữ gốc của chúng, nêu rõ nội dung chung và chính yếu cũng như những điểm cá biệt của các sứ điệp mà các ngôn sứ chuyển đạt. Ngoài ra, tác giả đặc biệt lưu ý đến bối cảnh lịch sử và văn hóa xã hội liên quan đến việc hình thành các bản văn, và hơn hết đã nhấn mạnh đến ý nghĩa sứ ngôn và vai trò của các ngôn sứ, không những trong khuôn khổ đặc loại thần học công giáo mà trong sinh hoạt các nền văn hóa nói chung.

Những nét đặc trưng nầy thể hiện ngay từ tựa đề Ngôn sứ, xưa và nay mà tác giả đã đặt cho  cuốn sách của mình. Thay cho chữ tiên tri theo lối nói thông thường, tác giả muốn đưa người đọc đi ngay vào chiều kích thần học của lời Thiên Chúa nói với con người qua các ngôn sứ.  Để tránh việc nhầm lẩn với chữ tiên tri thường được dân gian sử dụng để chỉ chung chung những người có tài năng thấy trước hay nói đúng hơn đoán trước những sự việc nào đó sẽ xảy đến, tác giả đã chọn chữ ngôn sứ. Ở chương đầu cuốn sách, để gián tiếp trình bày về sự chọn lựa nầy, tác giả mô tả ý nghĩa đặc loại của ngôn sứ như sau : Trong ngôn ngữ Kinh thánh, theo truyền thống Do thái-Kitô giáo, ngôn sứ người của Thánh Thần và người của lịch sử, thường được gọi người của Thiên Chúa.

Ngôn sứ không phải người dùng tài trí riêng của mình để tiên đoán bất cứ sự việc nào sắp xảy ra, nhưng là người của Thiên Chúa, người được Thánh Thần Thiên Chúa cảm ứng và sai đi để mạc khải cho con người về ý nghĩa và ơn gọi làm người trong mối tương giao với Thiên Chúa ngay trong cuộc sống nầy. Trong mối tương giao thần thánh đó, Thiên Chúa ban cho con người nguồn sinh lực linh thiêng, ơn cứu độ, và dẩn dắt con người chu toàn nhân tính cao cả của mình. Đặc biệt, trong ánh sáng mạc khải Kitô-giáo, những gì Thánh Thần cảm ứng cho các ngôn sứ để họ chuyển đạt cho con người đều qui về sứ điệp Lời Thiên Chúa nhập thể và nhập thế làm người nơi Giêsu-Kitô, hiện thân mối tương giao thần thánh giữa Thiên Chúa và con người chúng ta.  

Qua việc trình bày ý nghĩa của ngôn sứ và sứ điệp đặc loại mà người của Thiên Chúa loan báo, người đọc nhận ra một lối tiếp cận với nguồn lực nguyên sơ làm điểm khởi phát chung của các nền văn hóa, nhất là những nền văn hóa hầu như đương thời với các ngôn sứ trong Kinh thánh.

Thật thế, trong lịch sử nhân loại, vào thời trục các thế kỷ đương thời với các tác giả Bộ Kinh Ngôn Sứ của truyền thống Do thái-Kitô giáo, những nền văn hóa ở Đông phương, đặc biệt văn hóa Ấn-Trung, cũng như Hy Lạp ở Tây phương đều khai sinh từ cảm ứng về ý nghĩa nhân tính đến từ Trời hay từ bên kia bờ, nghĩa là từ trực giác về một nhân tính được cấu thành do mối tương giao giữa con người với Thần Thánh vô đối, về một nhân tính vượt lên trên các nề nếp suy tư hay phán đoán nào bất kỳ của con người. Nhân tính siêu việt ấy được mạc khải qua nhiều cách diễn đạt khác nhau, đặc biệt hơn cả qua lời của Thi Ca theo nghĩa lời do Thần Thánh cảm ứng. Còn những người được Ánh Sáng phi thường hay Lửa Trời cảm ứng và đã thể hiện nhân tính cao cả nơi chính cuộc sống của họ, nhất là đã được chính Nguồn sinh lực thần thánh nầy thúc giục để chia sẻ với mọi người sứ điệp về ơn gọi hoàn thành mối tương giao làm nên phẩm giá của nhân tính, thường được gọi thánh hiền hay những tiên phong khai mở các nền văn hóa. Văn hóa Nhà Phật mô tả nhân tính siêu việt qua hình ảnh người giác ngộ, người gặp được Ánh Sáng siêu phàm bất ngờ đến với mình từ bên kia bờ, Ánh Sáng vượt lên trên mọi ước vọng và khả năng con người, Ánh Sáng soi dọi cho con người biết nhân tính thần thánh và dẩn đưa con người gặp gỡ tha nhân. Đạo Đức Kinh của Lão học mở đầu với lời thơ chỉ dẩn cho biết Đạo làm người không ai có thể làm ra hay suy nghĩ ra được, mặc dù Đạo Thường ấy không biết vì sao luôn hiện diện và phải được tuân phục trong cuộc sống con người. Đạo làm người hay nhân tính nầy cũng là nội dung thiết yếu của Nhà Nho. Khổng Tử xác minh rằng Đạo không phải do ngài tự mình sáng tác ra, nhưng đến từ Thần Thánh. Ngài chỉ là người cảm ứng được lời của Trời và có bổn phận thuật hay truyền lại mà thôi. Lời Khổng Tử cảm ứng là Kinh và cụ thể là Kinh Thi. Để diễn đạt nhân tính siêu việt nơi mối tượng giao giữa Trời với người, một nhân tính chỉ được hé lộ do lời từ Trời hay Kinh Thi, Sách Luận Ngữ thuật lại câu chuyện về di chúc Khổng Tử để lại cho con mình là Bá Ngư qua lời nhắn nhủ sau đây : Bất học Thi, vô dĩ ngôn [Không học Kinh Thi, không có lời để nói (về nhân tính)] .

Đồng hành với những thánh hiền phương Đông, các vị hiền nhân tiên phong khai sinh nền minh triết Hy Lạp cũng là những người được Thần là Nguồn Thi Ca mà Khổng Tử nhắc đến cảm ứng. Họ cũng  chuyển đạt một sứ điệp duy nhất đó là Đạo làm người (ἄνθρωπον σοφίαν)  như hiền nhân Socrate minh nhiên nói ra. Đạo ấy không phải sự hiểu biết hay khôn ngoan nào đó do con người tự chế tác, nhưng được soi dọi bởi lời của Thần giấu mặt đến với con người hoặc bởi lời Thi Ca mà ngôn ngữ Hy Lạp gọi là sấm ngôn (χρησμός) . Người được cảm ứng bởi sấm ngôn và được sai đi để chuyển đạt lời Thần Thánh nói với con người có tên gọi ngôn sứ hay thi sĩ. Socrate, người được truyền thống văn hóa tây phương xưng là thầy đã mô tả thấu đáo ý nghĩa ngôn sứ hay thi sĩ theo nghĩa đặc biệt nầy như sau :

Socrate :  Không phải do tài năng nào của mình mà các thi sĩ nói lời thơ, nhưng là do cảm hứng từ một quyền năng của Thần Thánh. Vì nếu dựa vào một tài năng trình bày lưu loát như người ta thường làm được trong các bộ môn nào đó, thì phải chăng thi ca cũng chỉ là một bộ môn nào bất kỳ hay sao ! Bởi vậy, Thần Thánh đã xóa hết tài năng lý trí con người để dùng họ làm thi sĩ, cho họ nhập Thần và trở nên những ngôn sứ  của Thần Thánh. Vì thế khi nghe lời thơ của các thi sĩ, chúng ta hiểu được rằng không phải do chính tài năng của họ mà họ có được những giá trị cao cả, bởi lẽ lúc ấy họ đã bị tước hết tài trí của mình rồi ; chính Thần Thánh lên tiếng nói với chúng ta qua trung gian các thi sĩ ! 

Socrate còn cho hay rằng Nguồn cảm ứng cho minh triết hay giáo huấn các thánh hiền tiên phong trong nền văn hóa Hy lạp là sấm ngôn  γνῶθι σεαυτόν (người ơi, hãy biết mình) . Sấm ngôn nầy là lời Thần Thánh mà nay chính Socrate cảm ứng và có bổn phản phải truyền đạt. Socrate còn minh giải về ý nghĩa sấm ngôn khi nhấn mạnh đến lời Thần Thánh giấu mặt nói với con người qua lời chào người ơi (ở ngôi thứ hai đối diện với Thần Thánh). Lời chào ấy hé lộ mối tương giao Thần-người, mối tương giao siêu việt mang lại ý nghĩa và phẩm giá cao cả của nhân tính, nâng con người vượt lên trên bất cứ sinh vật nào trong vũ trụ .

Trước Socrate vài thập niên, nhà hiền triết Héraclite cũng đưa vào đầu sách của mình sứ điệp về Λογος, lời vi diệu hay mối tương giao siêu việt làm nền tảng cho minh triết, lời mà không một tài năng hay hiểu biết nào của con người với đến được. Về phần mình, nhà hiền triết Parménide nói rõ hơn khi minh nhiên cho rằng sứ điệp minh triết là sấm ngôn hay lời thơ được Thần Thánh cảm ứng. Thần Thánh đến với con người trước, dẩn đưa con người vượt qua giới hạn ngày đêm của cảnh vực tự nhiên và sự hiểu biết hữu hạn để đi vào chiều kích siêu nhiên và bền vững của hữu thể hay yếu tính con người của mình. Nhưng rõ nét hơn nữa về ý nghĩa sấm ngôn và ngôn sứ là hai bản thi triết Prométhée bị trói của thi hào Eschyle và Œdipe-Vua của thi hào Sophocle. Hai bản văn đã dùng từ ngữ sấm ngôn nhiều lần, xác định sấm ngôn là nguồn mạc khải về ý nghĩa và sinh lực của nhân tính, đồng thời chỉ rõ nhân tính được cấu thành bởi mối tương giao Thần-Người. Eschyle diễn tả mối tương giao nầy qua hình ảnh của cuộc hôn nhân cao cả - γάμος μεγίστος - giữa con người mà nàng trinh nữ Iô là hình ảnh tượng trưng và Thần ban đêm hay Thần vượt lên ánh sáng ban ngày của sự hiểu biết nơi con người . Mối tương giao hay hôn nhân nầy phát sinh từ Lữa Trời hay Trái Tim nồng cháy yêu thương mà Đấng Thần Thánh dành cho con người . Con người được nhân ra như là người yêu hay đúng hơn là hiền thê của Đấng Thần Thánh. Người mang Lữa Trời đến  và loan báo cho con người ý nghĩa nhân tính nơi tương giao Thần-người cũng như ơn gọi hoàn thành nhận tính qua cuộc chiến phi thường – Ἀπόλεμος Πόλεμος – đem lại ý nghĩa hiện sinh, là ngôn sứ Prométhée, con của Bà Mẹ Thémis là Thần Công Lý Thémis. Mối tương giao làm nên nhân tính thần thánh nầy nơi thi phẩm Œdipe-Vua của thi hào Sophocle cũng do các sấm ngôn mạc khải qua hình ảnh mối quan hệ Cha-con giữa Thần Thánh và con người mà Người Cha giấu mặt Laïos và người con Œdipe là biểu tượng. Điểm đặc biệt hơn nữa nơi thi phẩm Sophocle là sấm ngôn đến với con người và mạc khải lý lịch bí ẩn hay nhân tính siêu việt được gắn liền với lời từ vết thương mà người Cha Laïos lưu lại nơi chân đứa con Œdipe ngay từ lúc mới sinh như một dấu tích không thể xóa nhòa hay như một lời thầm kín nhắc nhở con mình đừng quên mối tương giao Cha-con làm nên lý lịch chân thật hay nhân tính căn nguyên. Lời nhắc nhở của Thần Thánh phát ra từ vết thương đó chính là sấm ngôn, là Đại ký ức - Μνήμη-, nguồn của thi ca và cũng là tiếng nói của lương tâm hay lời của Thần Thánh luôn ở với con người và không ngừng lên tiếng nhắc nhở con người sống đúng với thân phận cao cả của mình.

Nếu ngôn sứ mà tác giả Lê Phú Hải minh giải là người của Thánh Thần và người của lịch sử, thường được gọi người của Thiên Chúa đã cống hiến một lối tiếp cận về nguồn căn của các nền văn hóa, thì việc nêu lên sự hiện diện các ngôn sứ giả lại giúp người đọc đào sâu mầu nhiệm về thân phận con người không những gắn chặt với khả năng lầm lạc từ nguyên sơ mà còn đắm chìm vào thực tại mê lầm. Hơn thế nữa, thân phận nầy còn hàm ngụ rằng không những con người có thể đánh mất nhân tính mình mà còn có thể biến mình thành ngôn sứ giả gieo rắc nguy cơ mang lại sự chết cho nhân tính của những người khác. Cũng vì nghiệp làm người như thế, nên các ngôn sứ thường là người chuyển lời Thần Thánh tố giác tội ác, đi kèm lời kêu gọi con người hoán cãi. Trong bối cảnh đó, ngôn sứ được gọi và được sai đi để loan báo ơn cứu độ của Thần Thánh, đưa con người chìm trong bóng tối sự chết của nhân tính quay về nguồn suối của mối tương giao lúc ban đầu. Ở đây, tác giả Lê Phú Hải cũng không quên nhấn mạnh rằng, trong ánh sáng mạc khải Kitô giáo, ơn cứu độ mà các ngôn sứ loan báo chính là Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người.

Thực ra, ngôn sứ giả được diễn tả nhiều cách trong Cựu Ước, trước hết qua hình ảnh bàn tay hái trái cấm, bàn tay biến sự hiểu biết và ước muốn riêng của con người thành ý muốn và quyền năng của Thiên Chúa, tự mình định đoạt thiện ác, nói cách khác là tôn vinh ánh sáng tài sức con người nhằm tự mình làm ra nhân tính vốn do Thiên Chúa ban cho. Ngôn sứ giả cũng là bàn tay làm ra bò vàng, biến Thiên Chúa siêu việt thành một thần tượng giả tạo, một sản phẩm trí tưởng tượng và dục vọng con người, nhằm vất bỏ Thiên Chúa trong cuộc sống. Và ngôn sứ giả còn là bàn tay làm ra tháp Babel để tự mình xây đắp một nhân tính tự mãn: con người một mình và chỉ dựa vào tài sức riêng mình thần hóa chính mình, biến mình thành truyệt đối thay cho Thiên Chúa siêu việt là  Đấng ban cho mình nhân tính siêu việt nhờ mối tương giao gắn bó với Ngài.

Những khuôn mặt ngôn sứ giả như thế trong Thánh Kinh lại mở lối cho người đọc nhận ra rằng khôn ngoan hay minh triết các nền văn hóa Đông Tây cũng đề cập đến thân thế kỳ lạ của con người từ nguyên sơ đã gắn liền với hai khả năng đối nghịch nhau, không phải chỉ biết hướng đến Điều Thiện mà còn có thể làm nên  Điều Ác. Thật thế, một cách mặc nhiên hay minh nhiên, không nền văn hóa nào không chuyển đạt sứ điệp đặc biệt về cuộc chiến làm người giữa hai khuôn mặt đối nghịch của nhân tính nơi mỗi con người và nơi mỗi cộng đồng còn đang sống. Và không một nền văn hóa nào không chuyển đạt sứ điệp về cuộc chiến đặc loại của kiếp làm người hay cuộc vượt qua đem lại ý nghĩa cho nhân sinh, thường được gọi là đạo lý hay đạo làm người. Cuộc chiến đẩy lui nhân tính bị giam hảm trong cõi chết nơi cuộc sống cao ngạo của con người tự mãn, để con người được tái sinh tìm lại nguồn sống mối tương giao của con người với Thần Thánh và với người khác.

Nếu bất cứ nền văn hóa Đông hay Tây xuất hiện hầu như cùng thời với Bộ Kinh Các Ngôn Sứ Cựu Ước đều nói đến thân thế kỳ lạ của con người mang hai khuôn mặt đối nghịch và kêu gọi con người dấn thân vào cuộc chiến làm người, thì hai thi phẩm tiêu biểu của Eschyle và Sophocle vừa nêu đã trình bày sứ điệp đó một cách linh động và rõ nét hơn cả.

Hai nhân vật Prométhée và Œdipe là hình ảnh thân thế con người mang hai bộ mặt đối nghịch. Có một Prométhée con của Thần Công Lý là ngôn sứ cảm ứng Lửa Trời và mang Lửa ấy đến con người khi loan báo một nhân tính được Lửa Trới ban sinh lực, nâng con người lên làm hiền thê của Thần Thánh. Nhưng cũng có một Prométhée vốn là con Bà Mẹ Công Lý nhưng bị chính Prométhée tha hóa thành Bà Mẹ Đất. Prométhée là kẻ trộm Lửa Trời hay là Nguồn Yêu Thương của Thần Thánh, nói cách khác là kẻ làm giả Lửa Trời biến Lửa ấy thành ánh sáng hiểu biết, thành lửa dục vọng riêng của con người muốn tự mình làm nên nhân tính của mình. Kẻ trộm Lửa nầy tôn phong một Zeus ban ngày, hình ảnh một tuyệt đối hư ảo do trí năng và ước muốn mình tạo ra. Kẻ cao ngạo đó còn tự cho mình là vị cứu tinh duy nhất của nhân loại do công lao đem lửa trộm đến để tạo ra vô số những mẫu nhân tính giả tạo khác nhau đi kèm với những ảo vọng muôn hình muôn sắc, và hơn hết để giúp con người quên đi thân phận có thể chết hay có thể đánh mất nhân tính của mình. Kẻ trộm Lửa ấy cũng không hề biết đến, đúng hơn là vứt bỏ, nhân tính mang sinh lực mối tương giao cao cả giữa con người và Thần Thánh siêu việt. Đặc biệt, bản văn minh nhiên gọi tên kẻ trộm Lửa ấy là ngôn sứ giả (ψευδωνύμως… Προμηθέα) .  Đặc biệt hơn nữa, ngay trong phần dẩn nhập, thi phẩm nầy trình bày công cuộc cứu độ con người phát xuất từ sự can thiệp đầy quyền năng của Đấng Thần Thánh ẩn mặt, đưa Prométhée giả ra khỏi thế giới mê lầm mà chính kẻ làm điều quá lạm (Ὕβρις) nầy là tác giả. Công việc giải thoát nầy được mô tả qua hình ảnh bi thương và nghịch đời của con người bị đóng đinh vào chân tay vào giá gỗ, bị đâm thủng trái tim và bị treo lên khỏi mặt đất. Việc giải thoát hay cứu độ là tác động do Thần Thánh khởi phát, nhưng cũng cần có sự tham gia của chính con người qua hình ảnh một Prométhée quyết tâm đi vào cuộc chiến khổ đau và siêu phàm được thi phẩm trình bày ở phần kết luận. Những hình ảnh bi thương của công cuộc giải thoát gợi lên cuộc chiến gian nan để làm người, nhưng cũng mạc khải sức mạnh ơn cứu độ giúp bàn tay con người ngưng làm ra những nhân tính dị dạng, giúp chân con người ngưng phiêu lưu chạy theo các hy vọng hảo huyền, giúp tâm con người không còn mù quáng vì tham vọng cao ngạo muốn tự mình làm ra nhân tính của mình.

Tiếp nối Eschyle và đồng thời với Socrate, nhà thi triết Sophocle cùng truyền đạt cảm ứng về tương giao Thần-người làm nên nhân tính qua hình ảnh mối liên hệ Cha-con. Nhưng nét riêng sứ điệp Sophocle là  làm nỗi bật thân phận tại thế của con người từ nguyên sơ có khả năng đánh mất nhân tính của mình. Sấm ngôn nói với con người rằng thân thế nó tự căn có khả năng giết Người Cha ẩn mặt sinh ra mình, đồng thời mạc khải ngay từ lúc con người mới sinh, do Tình Yêu cứu độ, Người Cha ấy đã ghi một vết thương ở chân con mình để qua dấu tích không thể xóa nhòa nầy giúp người con nhận ra lý lịch mình trong cuộc sống. Nỗi đau vết thương nơi chân Œdipe là sấm ngôn, là Lời Người Cha ẩn mặt luôn nói với người con Œdipe trong đời sống ; nhưng khả năng đánh mất nhân tính của Œdipe thật kỳ lạ đến nỗi ngay sau nhiều lần được sấm ngôn nhắc nhở, Œdipe lại dùng ánh sáng trí khôn và ước vọng riêng của mình tráo đổi ý nghĩa mối tương giao Cha-con hàm ngụ nơi sấm ngôn, và tự mình và một mình tìm cách giải thoát mình khỏi vùng đất hư ão. Không ngờ rằng ngay trên đường tự mình giải thoát - Œdipe một mình, dựa vào khả năng của mình, đi tìm sự thật -, thì chính Œdipe lại ra tay giết Người Cha ẩn mặt. Œdipe tự mãn vừa là tượng trưng cho thân thế con người có khả năng đánh mất nhân tính mình qua hành vi giết Cha và quên lãng hay tự đánh mất mối tương giao căn nguyên Thần-người ;  Œdipe còn  là hình ảnh tiêu biểu tiên tri giả khi tuyên dương với dân thành Thèbes rằng chỉ cần ánh sáng trí tuệ riêng mình ông mà thôi thì tự mình ông có thể định nghĩa nhân tính và tìm ra phương cách giải thoát cho con người khỏi nguy cơ phải chết hay đúng hơn nguy cơ đánh mất nhân tính đang đe dọa cuộc sống. Cũng như Eschyle, Sophocle lại gọi ngồn sinh ra vị vua tiên tri giã là hành vi quá lạm (Ὕβρις) : giết Cha, biến Mẹ là Ý Muốn, Tình Yêu nồng cháy của Cha  thành vợ mình hay thành ý riêng, dục vọng riêng mình đồng thời biến tương giao Thần-người thành tương giao dị dạng chỉ có mình ta với ta  (ἄγαμος γάμος) làm phát sinh vô số những khuôn mặt nhân tính giả tạo. Và cũng như Eschyle, Sophocle truyền đạt sứ điệp giải thoát khỏi nguy cơ sự chết của nhân tính nơi cuộc chiến vinh quang mang lại sự sống (tὸ καλῶς δ´ ἔχον πόλει πάλαισμα), cuộc chiến làm tan biến nhân tính tự mãn qua hình ảnh vua-Œdipe và phục hoạt hay làm tái sinh nhân tính mang dấu tích mối tương giao Cha-con cấu thành lý lịch nguyên sơ và chân thật của con người. Trong cuộc chiến giải thoát con người và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống nhân loại, chính Tình Yêu, là Lửa và là Ánh sáng nơi Người Cha ẩn kín qua hình ảnh Bà Mẹ Jocaste, đích thân đi bước trước đến với Œdipe, soi sáng, ban thần lực thúc giục Œdipe tham gia.  Cuộc chiến thần thánh được bản văn xác minh là công trình chung của Tình yêu của Người Cha, sự dấn thân của người con và còn có sự công tác của những người khác trong cộng đồng nhân loại. Một cuộc chiến làm nên đạo lý làm người như thế không những xa lạ với con người chìm trong mê lầm do hành vi quá lạm muốn tự mình giải thoát cho mình, mà còn xóa đi ánh sáng mà người ấy tuyên dương là nguồn hiểu biết nhân tính và là phẩm giá tột bậc của con người.

Và cuối cùng, trong phần kết luận cuốn Ngôn sứ, xưa và nay tác giả Lê Phú Hải nêu lên câu hỏi liệu những ngôn sứ Thánh Kinh và sứ điệp của họ còn có gì để nói với con người chúng ta hôm nay không ?.

Phải chăng chúng ta đã từng nghe đâu đó Thượng Đế, Thần Thánh đã chết vì hôm nay và ngày mai của nhân loại phải là thời của con người, một thời mới phải do ý muốn con người dẫn lối và do chính trí óc và bàn tay con người làm ra ? Nói các khác phải chăng từ nay nhân tính con người phải là sản phẩm của chính con người để ý nghĩa tự do tuyệt đối và sự giải thoát chung cuộc của nhân loại được hoàn thành ? Nhưng đồng thời, phải chăng chúng ta cũng nghe đâu đó nỗi lo âu khi thấy sa mạc lớn dần trong một thế giới đang phiêu lưu vô định, mất dần  hứng khởi để làm người? Những câu hỏi như thế đã làm cho chính tác giả thắc mắc đặt vấn đề và làm cho người đọc tự hỏi : phải chăng qua từ nhiều thế kỷ nhân loại đã chứng kiến quá nhiều tiên tri giả xuất hiện, đã ồn ào đi vào mọi lãnh vực của cuộc sống con người, đã làm cho con người không lắng nghe được lời của Thánh Thần Thiên Chúa luôn nói với xã hội và nói trong lương tâm mỗi người chúng ta ?

Riêng đối với  kitô hũu chúng ta, trong ánh sáng đức tin, chúng ta tin Lời Thiên Chúa là Đức Kitô đã sống lại là Lời hằng sống. Nơi ánh sáng đức tin ấy, Kitô-hữu là chi thể, là em Đức Kitô, luôn được kêu gọi để biến cuộc sống, lời nói, chân tay … của mình thành ngôn sứ báo tin sứ điệp hy vọng phục sinh trong thế giới hoài nghi và khắc khoải hôm nay.

GS Nguyễn Đăng Trúc

Strasbourg tháng 1/2023

Chương I

Đại cương về ngôn sứ Kinh thánh

1. Trào lưu ngôn sứ ở miền Cận đông cổ

2. Sách Ngôn sứ và Thư Quy Kinh thánh

    2.1. Thư quy Kinh thánh Cựu ước

    2.2. Những sách Ngôn sứ trong Thư quy Kinh thánh

3. Những dạng thái trào lưu Ngôn sứ Kinh thánh

    A. Ý nghĩa từ «ngôn sứ»

    B. Việc sử dụng từ “nâbî” trong Cựu Ước

    C. Các thuật ngữ song song với từ “nâbî’ ”

    D. Có bao nhiêu ngôn sứ Kinh thánh ?

Những ngôn sứ can thiệp vào cuộc sống trong những trình thuật Kinh thánh

a. Những nhóm ngôn sứ

b. Những ngôn sứ vô danh    

c. Những ngôn sứ Nam Nữ được nêu danh

d. Những ngôn sứ giả

e. Những nhân vật Kinh thánh nhận tước hiệu Ngôn sứ

4. Nguồn gốc trào lưu ngôn sứ Kinh thánh

a) Những nhóm xuất thần

b) Các ngôn sứ triều đình

c) Các ngôn sứ và thánh chiến

d. Những ngôn sứ văn sĩ

d.1. Những người của Lời

d.2. Phạm vi và ý nghĩa thông điệp ngôn sứ

5. Ngôn sứ và tình trạng sứ ngôn

6. Ngôn sứ giữa dòng lịch sử

6.1 Trào lưu ngôn sứ và vương quyền

6.2 Trào lưu ngôn sứ và trường phái biên soạn

- Trường phái Đệ nhị luật

- Trường phái Tư tế

- Những văn bản ngôn sứ

7. Trào lưu ngôn sứ sau thời lưu đày

    7.1 Các Ngôn sứ đối mặt với thực tế của sự trở về

    7.2 Những Ngôn sứ thời vua Akháp, Ítraen (875-853 trước công nguyên)

      7.21. Cuộc đối đầu giữa ngôn sứ với nhà vua

      7.22. Ngôn sứ và các ngôn sứ

      7.23 Êlisa và việc kết thúc nhà Akháp

8. Trào lưu ngôn sứ: những chỉ trích tôn giáo và xã hội

9. Ítraen giữa các quốc gia láng giềng

10. Những sấm ngôn trên các quốc gia

11. Những thành phố thường được nói đến trong các sách ngôn sứ

    • Ninivêa

    • Tyr

    • Babylon

12. Từ vựng và những thành ngữ ngôn sứ

121. Một Lời nói đến từ Thiên Chúa

a) Ngôn sứ giữa bàn tay Thiên Chúa.

b) Ngôn sứ dưới ảnh hưởng Thần Khí Thiên Chúa

c) Ngôn sứ, sứ giả Thiên Chúa

122. Một lời thiện cảm

123. Một lời dấn thân

a) Lời Thiên Chúa gửi đi

b) Lời kèm theo những hành vi biểu tượng

c) Lời huy động những người nhận được

13. Ngày của Chúa

    Ngôn sứ Giôen và Ngày của Chúa

14. Làm thế nào biết những ngôn sứ giả ?

    141. Người bói toán, thầy bói, người đoán mộng, bùa chú và pháp sư

    142. Thông điệp các ngôn sứ giả

    143. Điều gì khiến các ngôn sứ giả đặt cược

    144. Dấu hiệu xác thực lời tiên tri

    145. Khi Thiên Chúa làm cho vấn đề nhầm lẫn

15. Trào lưu ngôn sứ và huyền bí (khải huyền)

16. Lời tiên tri chấm dứt và mong đợi thời cánh chung với sứ ngôn trở lại.

 

Chương II

Một nhân vật khác đi vào cuộc đời ngôn sứ

A. Tóm lược bối cảnh niên đại từ năm 750 đến 500, tương ứng khởi đầu phần lớn các văn bản Ngôn sứ Cựu ước.

B. Ơn gọi Ngôn sứ

    I. Ngôn sứ Isaia

    II. Ngôn sứ Amốt

    III. Ngôn sứ Giêrêmia

C. Thân mật thần thiêng

D. «Gánh nặng» Giavê

Chương III. Ngôn sứ, người nói với con người

    Ngôn sứ với những chủ đề chính

Chương IV : Con người trước những ngôn sứ

Chương V : Hôm qua... Hôm nay

    A. Lệch cán cân

1. Làm thế nào để tạo nên những người nghèo

2. Chu kỳ địa ngục

3. Những hình phạt đe dọa con người

4. Thoát khỏi đồi bại

5. Mỗi người đều bị đe dọa

6. Một sự thật không có tình yêu là một sự thật bị phản bội

7. “Sự dịu dàng của Thiên Chúa!

    B. Chính trị thế giới mới

1. Một thế giới mới ...

2. Cần thiết thay đổi não trạng

3. Men các ngôn sứ ném vào làm dậy bột

4. Hy vọng thiên đường tìm thấy lại

5. Công bình Thiên Chúa không có "giai cấp" hay ranh giới

    C. Những người mang ánh sáng

      1. vượt ra khỏi vòng vây truyền thống ...

      2. ... dấy lên một người mang lại ánh sáng

      3. ... Người trao ban cuộc sống của mình

      4. dấu chỉ vượt qua cái chết

  D. Những ngôn sứ giữa chúng ta

 E. Ngôn sứ là ai?

    1. Ngôn sứ không phải người thiên khải

    2. Ngôn sứ không phải thầy bói

    3. Lời tiên tri như tranh chấp quyền lực triệt để

    4. Ngôn sứ, người nghèo của Thiên Chúa

F. Cho một Giáo hội Ngôn sứ

G. Đời tu trì dấu chỉ ngôn sứ 

VI. Kết luận

Sách khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art