Thứ Tư, 06 Tháng Mười, 2021

Những nữ tu gốc Việt mang sứ vụ ‘đổi đời’ cho người vô gia cư

LOS ANGELES, California (NV) – “Mama, hôm nay đem gì cho chúng tôi đấy?,” “Sister, hôm nay có món nào nóng nóng không?,” “Soeur có vớ không, tôi cần mấy đôi, trời trở lạnh rồi”… Những câu hỏi tới tấp từ nhóm người vô gia cư góc đường Beacon và James M. Wood, Los Angeles, khi vừa thấy chiếc xe của soeur Thúy Vũ dừng lại.

Những nữ tu gốc Việt mang sứ vụ ‘đổi đời’ cho người vô gia cư - 1
Soeur Thúy Vũ (phải) gọi mọi người ra và trao tận tay những món ăn hay vật dụng cho người vô gia cư (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
 

Soeur Thúy Vũ là nhân viên làm việc tại Good Shepherd Center (GSC) – một chương trình của trung tâm Catholic Charities – nơi phục vụ bác ái cho người nghèo thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles.

Phục vụ hết tình, hết mình

Hoạt động của GSC chỉ dành cho nữ giới, với khu nhà Languille và Hawkes Residence; và giúp đỡ cưu mang phụ nữ có con nhỏ ở Farley Residence và Angel Guardian Home. GSC không có người vô gia cư là nam giới.

Nhiệm vụ của soeur Thúy là tìm nguồn thực phẩm và các vật dụng cần thiết cho người vô gia cư ở Languille, hiện có 30 phụ nữ đang cư ngụ. Không những thế, soeur còn đến những khu vực có người vô gia cư sống ngoài đường để tặng đồ ăn, thức uống, và những vật dụng cần thiết khác. Đó là chương trình Outreach Program.

“Trước kia mỗi khi ra ngoài, tôi thường đi với một thiện nguyện viên, nhưng thời đại dịch COVID-19, tôi chỉ đi với Chúa,” soeur Thúy trả lời khi chúng tôi hỏi soeur có sợ không, những lúc gặp những người vô gia cư ngoài đường.

Soeur kể: “Khi ra đường cho thức ăn, đôi khi cũng gặp khó khăn và nguy hiểm, nhưng cứ mỗi lần lên xe, tôi lại nhủ lòng ‘Chúa ơi đi với con nhé.’ Mỗi khi gặp người vô gia cư, tôi hay nói với họ: ‘Tôi thấy Chúa trong bạn’ (I see God in you). Vì thế, nếu có ai muốn gây sự với mình, chính những người vô gia cư đứng ra bảo vệ tôi.”

Có lần đến khu vực người vô gia cư sống ở vỉa hè, soeur Thúy thấy có nến và hoa ở một góc trên đường số 6. Một phụ nữ nhìn thấy soeur, chạy ra nói: “Soeur này, tôi biết soeur thương chúng tôi, chúng tôi cũng thương các soeur, nhưng thôi, soeur đừng xuống đây nữa, vì nguy hiểm lắm. Ngày hôm qua ở chính chỗ này có người bị chặt đầu đó!”

Soeur Thúy kể lại với chúng tôi như vậy, và nói soeur không sợ, cả khi biết một ngày nào đó, soeur sẽ chết ở ngoài đường. Và cứ thế, soeur gắn bó với người vô gia cư ở ngay trung tâm thành phố Los Angeles đã 17 năm qua.

“Mình làm việc với tinh thần phục vụ. Mà đã phục vụ thì phải hết tình, hết mình. Tôi thương họ. Họ thương tôi. Nên tôi chỉ biết làm hết sức mà thôi,” soeur nói.

Những nữ tu gốc Việt mang sứ vụ ‘đổi đời’ cho người vô gia cư - 2
Soeur Thúy Vũ (phải) đem thức ăn đến cho người vô gia cư ở Los Angeles. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


Đại dương cần nhiều giọt nước

Theo soeur Anne Lành Trần, giám đốc GSC, mấy chục năm về trước, ở Los Angeles không có nhiều người vô gia cư như hiện nay. Nhưng từ khi ấy, GSC đã mang sứ vụ tông đồ, là giúp người phụ nữ đơn thân và con cái của họ, để họ có thể vượt qua khó khăn, và tự lập. Nghĩa là, trung tâm sẽ giúp người từ chỗ không nhà cho đến lúc họ tự tìm được việc làm và có chỗ ở ổn định.

Soeur Lành là người lập ra chương trình Outreach Program, soeur Thúy chính là hình ảnh của soeur Lành cách đây hơn 30 năm. Khi ấy, soeur Lành cũng mỗi tuần ba lần, đem thức ăn, quần áo, vật dụng cần thiết cho người vô gia cư. Soeur làm công việc này từ năm 1985 đến năm 2002.

Nhưng mục đích chính của trung tâm không phải đi “nuôi” người vô gia cư ở ngoài đường, mà là đi gặp gỡ, tiếp xúc, và khuyến khích họ về trung tâm để ở.

Những nữ tu gốc Việt mang sứ vụ ‘đổi đời’ cho người vô gia cư - 3
Soeur Anne Lành Trần, giám đốc Good Shepherd Center. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


Khóe mắt của soeur Lành rơm rớm nước mắt khi nhắc tới những người sống ở ven đường: “Lúc gặp những người vô gia cư nằm trong thùng tre, mở ra mới biết họ bị bệnh, tôi liền chở đến nhà thương.”

Rồi gương mặt người nữ tu lại sáng lên, khi kể về một trong những người từng được soeur giúp. Cô ấy là “con nghiện” rất trẻ. Khi được soeur thuyết phục về trung tâm ở, rồi đi cai nghiện, cô quay trở lại làm việc cho trung tâm cả chục năm, cho đến khi nghỉ hưu.

“Mấy chục năm gắn bó với người vô gia cư, niềm vui nhất của tôi là thuyết phục được ai đó về trung tâm ở,” soeur Lành cho biết. “Nhiều người ở ngoài đường rất lâu, sau một, hai năm chúng tôi kiên trì thuyết phục, họ bằng lòng về trung tâm. Những lúc như thế, tôi vui lắm!”

Từ năm 2002 đến 2010, soeur Lành nhận nhiệm vụ làm Tổng Phụ Trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Los Angeles, trước khi quay trở lại làm giám đốc GSC cho đến nay.

Những nữ tu gốc Việt mang sứ vụ ‘đổi đời’ cho người vô gia cư - 4
Soeur Anne Lành Trần thăm hỏi người vô gia cư năm 1985. (Hình: Good Shepherd Center cung cấp)


“Trạm dừng chân” của những cô gái, bà mẹ và trẻ em không nhà

Theo soeur Lành, hằng năm, các cơ sở của GSC giúp được từ 700 đến hàng ngàn phụ nữ độc thân hoặc bà mẹ đơn thân, cùng với cả trăm trẻ em là con cái của những bà mẹ này.

Gặp chúng tôi trong khu nhà Farley Residence, cô Canelis Monero, 35 tuổi, tâm sự: “Mẹ con tôi ở đây được các nữ tu giúp đỡ nhiều lắm. Không kể nơi ăn, chốn ở, các soeur còn giúp liên lạc các nơi để con cái tôi được chăm sóc sức khỏe rất tốt. Hai đứa còn được vô trường học đàng hoàng. Ở đây, tôi cảm thấy rất yên lành.”

Mới 19 tuổi, cô Nubia Solano đã là một “bà mẹ đơn thân.” Cậu bé con của cô Solano sắp tròn 2 tuổi. Hai mẹ con hiện đang được các nữ tu chăm sóc chu đáo.

Cô Solano nói: “Gia đình tôi ở Nebraska. Tôi cũng có vài người thân ở California, nhưng không muốn nói chuyện với họ. Đó là lý do tôi vào đây. Hiện tại tôi đang kiếm nhà để ổn định trước, rồi mọi chuyện tính sau. Ở đây tôi cũng có quen được với mấy chị. Họ rất dễ thương.”

Những nữ tu gốc Việt mang sứ vụ ‘đổi đời’ cho người vô gia cư - 5
Cô Nubia Solano và con trai 2 tuổi đang được Good Shepherd Center cưu mang. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


Cô Karla Torres, nhân viên của GSC, cho biết: “Tôi thấy thương cảm những bà mẹ đơn thân vô cùng, nhưng cũng thích thú để làm công việc giúp người này.”

Cô Torres làm việc tại GSC được ba năm, và cho biết sẽ gắn bó với công việc này lâu dài, vì thích tiếp xúc và giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, là phụ nữ và trẻ em.

Theo quy định, những người vô gia cư sống ngoài đường, nếu đồng ý vào trung tâm, sẽ được tư vấn riêng từng người, cho đến khi họ có được việc làm và nhà ở ổn định.

Soeur Trần Diễm Mai là người phụ trách việc phỏng vấn và tư vấn, cũng như theo dõi từng trường hợp từ khi người vô gia cư vào trung tâm cho đến khi họ có cuộc sống ổn định.

Theo soeur Mai, những người vô gia cư cũng là người… vô sản, chẳng có bất cứ thứ gì. Trung tâm cũng không có gì để cho họ, trừ chỗ trú chân, thức ăn và vật dụng trong nhà. Nhưng GSC lại có những đối tác khác, hoặc các chương trình của chính phủ để giới thiệu cho họ đi học, tìm việc làm và nhà cửa.

“Đa số những phụ nữ này đều không có chuyên môn và học dở dang, có vấn đề về gia đình, bỏ nhà đi khi còn rất trẻ. Chúng tôi gửi các cô đến các chương trình huấn huyện việc làm, tôi cũng khuyến khích các cô trở lại trường để hoàn tất chương trình trung học. Đó là trình độ tối thiểu để các cô đi xin việc. Sau khi có việc làm ổn định, họ mới nghĩ đến việc học thêm chuyên môn.”

Những nữ tu gốc Việt mang sứ vụ ‘đổi đời’ cho người vô gia cư - 6
Cô Karla Torres, nhân viên của Good Shepherd Center. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


Soeur Mai cho biết, hơn 80% các cô gái vô gia cư đến trung tâm, lập gia đình và đổi đời. Nhiều cô gái trẻ “có vấn đề” với gia đình, sau khi được các nữ tu đứng ra hòa giải, lại trở về với cha mẹ.

Nhưng không phải ai vô gia cư cũng không có chuyên môn hoặc ít học. “Có người từng là bác sĩ, y tá, họ bị mất việc, hoặc gặp khủng hoảng trong cuộc sống, nên trở thành người vô gia cư,” soeur Mai nói. “Những người này gặp cơ hội vào đây với chúng tôi, họ đứng lên dễ dàng lắm.”

Nhưng những người như soeur Mai nhắc tới không nhiều. Và vì thế, ngoài đường vẫn là “nhà” của nhiều người vô gia cư.

Những nữ tu gốc Việt mang sứ vụ ‘đổi đời’ cho người vô gia cư - 7
Soeur Trần Diễm Mai. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


Những giọt nước giữa đại dương

Vậy trung tâm sẽ lấy kinh phí ở đâu để giúp người vô gia cư? Soeur Lành cho biết: “Trước nay trung tâm hoàn toàn tự lập và nhờ đóng góp của các cá nhân, tổ chức, hội đoàn. Hằng năm chúng tôi gửi thư đi các nơi, ít nhất vào hai dịp, Thanks Giving và Christmas, cùng Mother’s Day. Sau này trung tâm có ký hợp đồng với thành phố và quận hạt, ba năm một lần, được chính phủ trợ cấp phần lớn kinh phí.”

Nhưng có vẻ như “muối bỏ bể” khi số người cần được giúp đỡ khá nhiều.

Theo soeur Lành, toàn bộ nhân viên ở GSC có trên dưới 40 người, gồm nhân viên làm toàn thời gian và bán thời gian.

Với người vô gia cư, vì theo quy định họ chỉ được ở trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ được giúp kiếm việc làm và rời đi. Kẻ đi, người đến. Cứ thế, trung bình mỗi năm GSC giúp cho hàng ngàn người.

Những nữ tu gốc Việt mang sứ vụ ‘đổi đời’ cho người vô gia cư - 8
Soeur Thúy Vũ thoăn thoắt đến tận nơi người vô gia cư sinh sống bên đường. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


Nhưng một thực trạng hiện nay là đa số người vô gia cư vẫn thích sống ngoài đường, cho được tự do. Trong số họ có người tốt, có người không phải xấu, nhưng gì họ quá đói, thì làm bậy, ngay cả phải đi ăn cắp.

“Khi nhận được thực phẩm, có người ngồi ăn ngấu nghiến, xong hỏi: ‘Soeur thấy tui ăn giống heo không? Là vì ba ngày nay tôi không có gì bỏ bụng. Cảm ơn soeur, nếu không có soeur, hôm nay tôi lại phải đi ăn cắp.’ Nghe họ nói thế thì mình rất thương,” soeur Thúy kể.

Soeur Lành cho rằng những việc của các nữ tu ở đây là, “nhỏ như giọt nước.” Nhưng như lời Mẹ Theresa: “Đúng là những gì chúng ta thực hiện chỉ là một giọt nước giữa đại dương. Nhưng nếu thiếu nó, đại dương sẽ thiếu một cái gì đó.”

Chính vì thế, soeur Lành nói: “Nếu nhiều người làm, sẽ cứu được nhiều người hơn.”

Và sứ vụ của các nữ tu ở Good Shepherd Center sẽ không bao giờ kết thúc, khi vẫn còn người vô gia cư sống vất vưởng bên đường.

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art