agensir.it, Michela Nicolais, 2021-02-20
“Không thể cứ thờ ơ: hoặc là thương yêu nhau hoặc là từ chối”. Nhà xã hội học Giulia Paola Di Nicola đã nêu bật các điểm hội tụ và khác biệt giữa bà Chiara Lubich và triết gia Simone Weil trong hội nghị “Vượt ngoài 900. Chiara Lubich trong thời của bà.” Giả thuyết đưa ra là một loại “con đường chứng nhân” giữa hai phụ nữ.
“Đây có phải chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi mà năm mất của triết gia Simone Weil, 1943, lại là năm ra đời của Phong trào Focolare không?” Nhà xã hội học Giulia Paola Di Nicola, giáo sư tại Đại học Chieti, đã nêu bật sự trùng họp này trong hội nghị “Vượt ngoài 900. Chiara Lubich đối thoại với thời đại chúng ta” được Phong trào Focolari tổ chức trực tuyến. Theo báo cáo viên, đây là “con đường làm chứng” được đánh dấu bởi các điểm hội tụ và khác biệt đáng kể.
Bà Chiara Lubich và triết gia Simone Weil có những điểm chung và điểm khác biệt nhau như thế nào?
Họ là hai phụ nữ đã đánh dấu thế kỷ XX bằng cách thúc giục cải tổ các phạm trù thống trị. Không thể cứ thờ ơ: hoặc là thương yêu nhau hoặc là từ chối.
Họ không gặp gỡ hoặc chia sẻ các sự kiện mang tính lịch sử như các Hội nghị và các công nghệ mới. Simone sinh năm 1909 trong một gia đình Do thái quý phái, có văn hóa lớn rộng, theo thuyết bất khả tri nghiêm ngặt. Khát khao sự thật và công lý dẫn bà đến sự từ chối chính mình cho đến khi bất ngờ gặp gỡ Đức Kitô. Chiara sinh năm 1920 có người mẹ có đức tin kiên cố như đá cẩm thạch vùng Trentino, cha của bà theo xã hội chủ nghĩa. Tin Mừng đưa bà đến một ánh sáng lôi cuốn mà từ đó bà hình thành một phong trào quan trọng: một trong những đổi mới sâu sắc nhất của thời đại chúng ta. Với bà, sự thật trùng hợp với Đấng Kitô trong Kinh thánh. Còn với Simone, đó là cuộc tìm kiếm những hạt giống trí tuệ nằm rải rác trong mọi văn hóa. Chiara đặt “các quyển sách trên gác mái”, Simone ngấu nghiến sách vở và khai thác tối đa trí thông minh của mình cho những mâu thuẫn đóng vai trò như thành trì cho niềm kiêu hãnh của lý trí và thuyết phiếm thần của đức tin. Chiara chọn Chúa, còn Simone thì được Chúa Kitô “nắm lấy.” Chiara được nhiều người bao quanh. Năm 2008 khi qua đời ở tuổi 88, tang lễ của bà là một khải hoàn. Simone có ít bạn bè, bà qua đời năm 1943 khi bà 34, đám tang của bà chỉ có bảy người tham dự. Linh mục đã không đến kịp giờ. Cả hai đều có kinh nghiệm chiến tranh đau khổ. Chiara chứng kiến sự sụp đổ của các lý tưởng và dứt khoát chọn lựa tình yêu Chúa. Simone, người có bản chất hòa bình, đã đi xa đến mức xin bạn của mình là ông Maurice Schuman sử dụng hòa bình trong các hành động chống lại chủ nghĩa Quốc xã. Cả hai đều thể hiện sự gắn bó đặc biệt giữa suy nghĩ và hành động, giữa thần nghiệm và cam kết chính trị xã hội.
Còn mối quan hệ của họ với Giáo hội?
Chiara dựa trên sự tuân phục của mình ở câu: “Ai nghe anh em là nghe Thầy”, Simone chỉ trích những giáo điều và thể chế nếu họ nghĩ rằng mình nắm được suy nghĩ. Chiara được các bí tích nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ; Simone tự nguyện không có bí tích dù được trải nghiệm thần bí mà hầu hết các tín hữu chưa biết. Đối với cả hai, nếu phẩm trật và các bí tích thiếu thì luôn có tình yêu thương và sự vâng phục dưới sự soi dẫn của Thánh Linh. Chiara chưa bao giờ “viết sách.” Ngoài một vài bài báo, Simone còn để lại vô số ghi chú được Albert Camus, Linh mục Joesph-Marie Perrin, cha mẹ của bà, Gustave Thibon, Simone Petrément xuất bản sau khi bà qua đời. Chiara truyền cảm hứng cho mọi người qua mạng lưới của phong trào. Simone có một ơn gọi ưu tú hơn, dù sau khi đã qua đời, bà vẫn còn tiếp tục thu hút sự ngưỡng mộ của nhiều người trên thế giới.
Cả hai đều cảm thấy cần có một sự thánh thiện mới, với Chiara là “tập thể” dựa trên tình yêu thương lẫn nhau, còn Simone “sáng chói”, “một cuộc cách mạng mới của vũ trụ.”
Cả ở Simone và ở Chiara đều có một viễn tượng về đức tin nhập thể chiếm ưu thế, được thấy trong Thập giá và nơi Chúa Giêsu bị từ bỏ, một biểu tượng hùng hồn nhất về mối quan hệ với Chúa Kitô.
Cả hai đều nhiệt tình với mầu nhiệm nhập thể. Nếu không có dụ ngôn từ Chúa thì Tin Mừng sẽ bay hơi theo thuyết duy linh và tín hữu kitô trở thành những người vô vị, Simone cảnh báo: Một tín hữu kitô, còn hơn thế nữa nếu người tín hữu này là nhà thần nghiệm, trước tiên họ phải ra khỏi nhập thể sau đó mới nhập thể lại. Trong cái gọi là “Thiên đường của năm 1949”, bà Chiara nói: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ không đi xuống ngọn núi này thêm một lần nữa nếu ý Chúa không khác đi.” Đối với cả Simone và Chiara, nhập thể bắt buộc phải có tình yêu phổ quát. Khi nói về mình, Simone nêu rõ: “Tôi có nhu cầu thiết yếu – và tôi nghĩ tôi có thể nói đó là “ơn gọi” – là đi qua giữa những con người và hòa nhập vào họ, biến mất giữa họ, để làm cho họ thấy con người thật của họ. Vì nếu tôi không yêu họ như con người thật của họ, họ không phải là con người thật mà tôi yêu, thì tình yêu của tôi không phải là tình yêu thật.” Một trong những câu suy niệm đẹp của Chiara đến trong đầu tôi: “Đây là sức hấp dẫn lớn của thời hiện đại: thấm nhập vào sự chiêm nghiệm cao nhất và hòa mình với mọi người. Hòa lẫn vào đám đông, báo cho họ biết điều thiêng liêng, như bánh thấm trong rượu”. Simone thì ấn tượng bởi Lời Chúa Giêsu: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20). Bà tin chắc, mối quan hệ giữa các cá nhân có trong Đấng Kitô thứ ba, trung gian giữa đơn vị hiệp nhất và sự khác biệt mà người Hy Lạp đã tìm kiếm rất nhiều trong lô-gích toán học và triết học. Cũng câu này của Thánh Mátthêu, Chiara dùng là câu cho nền tảng linh đạo của bà, bà giải thích đây là sự hiệp nhất của những người, không còn sống cho mình mà sống cho nhau, để Chúa Kitô ở giữa họ và để họ được ghép vào đời sống của Chúa Ba Ngôi.
Marta An Nguyễn dịch