Thứ Sáu, 03 Tháng Tám, 2012

Thành phố du lịch Siêm Riệp

Thành phố du lịch Siêm Riệp

Siêm Riệp cách Phnom Penh 314km đường bộ. Nhưng trước đây, đường bộ bị hư hại hoàn toàn nên Siêm Riệp chỉ thông thương ra bên ngoài bằng đường thủy qua Biển Hồ. Hai năm nay, quốc lộ 6 được sửa lại, đường sá thông thương, muốn tới Siêm Riệp cũng dễ. Tên của thành phố ở phía Bắc Biển Hồ nầy có nghĩa là “Ðánh thắng quân Xiêm”. Nhưng thật ra, có thời người Thái đã chiếm đóng nơi đây cho tới khi trả về cho Campuchia do một hiệp ước với Pháp năm 1863. Ngày nay Siêm Riệp là nơi thu hút 85% lượng khách du lịch đến thăm Cambuchia vì ở đây có di tích Angkor (Ðế Thiên Ðế Thích) nổi tiếng thế giới. Tuy lớn thứ ba sau Phnom Penh và Battambang nhưng Siêm Riệp là một thành phố nhỏ chỉ có vài trăm ngàn dân sinh sống.

Chúng tôi đến đây khi trời đang mưa lâm râm. Bên trái là Chợ Mới nơi có nhiều vựa trái cây. Quang cho biết trái cây nầy nhập cảng từ Thái Lan. Một số khác là do địa phương trồng trọt. Trái cây của người Campuchia không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nên ăn rất tốt.

Phố xá hai bên đường ở Siêm Riệp cũng mới mẻ và đẹp hơn các nơi chúng tôi đã đi qua hôm nay. Nhiều khách sạn 3-4 sao gắn đèn màu tạo nên một không khí vui tươi sống động. Ðây chỉ mới ở ngoài rìa. Vào trong thành phố, khách sạn lớn và sang trọng hơn nhiều. Nhưng không có khách sạn nào được xây quá 5 tầng. Chánh quyền không muốn có bất cứ kiến trúc nào cao hơn chiều cao của Angkor Wat.

Chúng tôi cũng thấy ở đây đang xây cất rất nhiều chung cư. Quang cho biết tùy khu vực giá chung cư từ 70,000 tới 200,000 đô la. Ðặc biệt người ngoại quốc có thể tới Campuchia mua nhà dễ dàng. Vì vậy, nhà đất ở Campuchia hiện giờ lên giá rất mạnh.

Trước khi về khách sạn, chúng tôi đi ăn tối tại nhà hàng New Bayon. Bữa ăn gồm 8 món gồm hai dĩa rau xào, hột vịt chiên khổ qua, một dĩa cá chiên, một nồi lẩu, hai món ăn truyền thống Campuchia là cá chưng với mắm bò hóc tên là amok và một món khác. Tôi không ăn món nầy nhưng mấy người Việt kiều Úc thì khen ngon. Họ nói đồ ăn ở đây ăn được, khá hơn khi đi du lịch Trung Quốc nhiều vì bên đó cho ăn ít thịt, nhiều rau, mà lại nhiều mỡ.

Sau khi ăn tối chúng tôi được đưa về khách sạn Angkor Land, một khách sạn 4 sao để nghỉ ngơi và đi chơi tự do. Quang và Hoàng nói là ai muốn đi đấm bóp thì hai anh sẽ đưa đi. Giá tiền là 10 đô la một giờ. Còn nếu ai muốn đi riêng thì đi xe tuk tuk với giá 1 đô la một người. Hai anh còn cho biết, Siêm Riệp về đêm tương đối an toàn. Du khách có thể đi chơi thoải mái mà không sợ bị cướp giật hay du đãng.

Siêm Riệp về đêm

Nhận phòng khách sạn xong thì cũng khoảng 7:30 giờ tối. Trời đã bớt mưa. Hai vợ chồng nằm nghỉ một chút, sau đó lên đường khám phá Siêm Riệp về đêm. Quang đã cho biết là Siêm Riệp không lớn nên có thể đi bộ để thăm viếng. Ngoài ra, ở đây không có xe taxi mà chỉ có xe tuk tuk là loại xe có bốn chỗ ngồi do xe gắn máy kéo ở phía trước giống xe lôi ở miền Tây. Ða số tài xế xe tuk tuk biết sơ sơ tiếng Anh đủ để giao dịch.

Ra khỏi khách sạn thì anh tài xế xe tuk tuk tới hỏi chúng tôi muốn đi đâu. Tôi nói tôi muốn đi một vòng thành phố cho biết thì giá bao nhiêu. Anh ta nói 4 đô la cho 4 người (ở Campuchia, cái gì cũng nói giá bằng đô la!) Nếu đợi đủ bốn người thì mỗi người chỉ trả có một đô la. Thấy đợi lâu mà giá tiền xe không mắc lắm nên chúng tôi nói anh ta khởi hành và tụi tôi sẽ trả đủ tiền.

Ðầu tiên xe chạy ra đường Sivatha là một con đường lớn ở đây. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là Siêm Riệp là một thành phố mới phát triển chủ yếu về phục vụ du lịch. Hai bên đường đèn đóm sáng sủa và có rất nhiều khách sạn, tiệm đấm bóp, cà phê Internet, dịch vụ mua vé máy bay, bán tua du lịch... Khách du lịch Tây phương đi lại khá đông. Tuy nhiên đường sá hãy còn dơ dáy, nhứt là hôm nay mới vừa qua một cơn mưa nhỏ nên hơi lầy lội. Sợ nhứt là mấy con chó chạy rong đầy đường.

Xe ngừng ở Chợ Trung Tâm là một nơi bán hàng bách hóa để chúng tôi vào thăm, nhưng tôi nói thôi chạy thẳng xuống khu phố cổ cách đó không xa. Xe ngừng ở phía ngoài chờ. Chúng tôi đi bộ vào trong coi thiên hạ ăn chơi vì đây là phố đi bộ, ban đêm không cho xe vào.

Phố cổ: là nơi vui vẻ nhứt vào ban đêm nằm ở phía nam Siêm Riệp. Du khách Tây phương hiện diện khá đông nơi đây. Họ ăn uống trong các nhà hàng nấu kiểu Pháp, Thái, Ý, Ấn Ðộ, Trung Hoa... Họ đi mua sắm trong các tiệm bán đồ kỷ niệm như đồ giả cổ, tranh ảnh... Cũng có nhiều tiệm đấm bóp và quảng cáo là Traditional Khmer Massage. Nước nào cũng quảng cáo là mình có phương pháp massage tuyệt vời, nhưng tôi thấy một khi đã mệt mỏi rồi thì đấm bóp kiểu gì cũng đã hết.

Khu khách sạn: Xem một vòng để coi thiên hạ làm gì cho biết chớ không mua bán gì, sau đó chúng tôi trở lại xe để đi tiếp ngược lên phía Bắc nơi có một công viên cây cối rậm rạp. Bên trái là biệt thự của hoàng gia Campuchia. Biệt thự nầy kiểu Tây, dành riêng cho ông Sihanouk. Nhưng bây giờ ổng còn ở bên Trung Quốc chữa bịnh, mấy khi ổng về đây. Ở Siêm Riệp hiện nay còn nhiều biệt thự kiểu Tây được xây cất từ thời thuộc địa. Một số đã được tu sửa lại. Giữa công viên tôi thấy có một tượng Phật cao chừng 2-3 mét, đèn nhang sáng sủa và có mấy phụ nữ đang quỳ lạy, khấn nguyện.

Xa một chút nữa, có mấy khách sạn 5 sao to lớn như Grand Angkor Hotel. Bác tài xế nói Siêm Riệp hiện có 6, 7 khách sạn sang trọng như vậy. Giá một đêm chừng 675 đô la như Amansara, 340 đô la ở Sofitel hay 300 đô la ở La Résident d'Angkor... Còn nếu ở phòng VIP, giá một đêm có thể tới 2,000 đô la. Trong phòng đó có cả một sân golf nhỏ. Nói chung Siêm Riệp hiện nay có đủ tiện nghi cho người giàu có đến thăm và tiêu tiền. Xe còn chạy ngang Angkor Museum là Bảo Tàng Siêm Riệp. Nhà bảo tàng nầy có kiến trúc rất đẹp và chuẩn bị khánh thành. Ngoài ra, xe còn đi ngang một khu buôn bán hàng sang trọng đắt tiền nữa.

Thấy khu nầy tuy sang mà hơi tối, nên bà xã tôi hơi sợ, không biết ông tài xế xe tuk tuk nầy có đàng hoàng hay không. Nếu ổng chở mình tới chỗ vắng rồi “trấn lột” thì mình chết chắc. Tuy nhiên, tôi thấy anh ta mặc áo đặc biệt, có số hiệu trên lưng đàng hoàng thì nghĩ rằng anh ta là người làm ăn ngay thật chớ không phải kẻ gian.

Vừa nghĩ tới đó thì xe cũng đã về tới khách sạn Angkor Land, chấm dứt tua một vòng thành phố.

Ði massage chân: Ði xe tuk tuk để tham quan một vòng cho biết thành phố chớ chưa đã. Tôi mới đề nghị bà xã là để cho bà vào bóp chân ở một tiệm massage gần khách sạn, còn tôi sẽ tiếp tục đi một vòng nữa, sau đó chừng nửa tiếng sau sẽ trở lại đón bà.

Tôi đi ngược ra khu phố cổ, sau đó vào một siêu thị nhỏ để xem hàng. Hàng hóa ở đây bán với giá tiền đô. Hàng đẹp nhưng giá không rẻ vì toàn là đồ nhập cảng. Tôi mua một hộp sữa tươi 1/4 lít giá 1.8 đô la, một chai nước trái cây 1/4 lít giá 0.9 đô la. Mua hàng trả bằng tiền đô. Số tiền còn dư được thối lại bằng tiền ria của Campuchia. Như vậy cũng tiện. Qua Campuchia chúng ta không cần đổi tiền vì ở đâu tiền đô cũng xài được.

Trở lại tiệm đấm bóp, bà xã khen bóp chân quá đã mà chỉ tốn có 3 đô la cho thêm 2 đô tiền típ cũng mới 5 đô mà thôi (đấm bóp cũng trả bằng tiền đô!!!) và nói tối mai sẽ trở lại đây để được “bóp” nữa. Tiệm nầy ở kế bên khách sạn nên đi lại cũng tiện.

Về tới khách sạn, tắm rửa xong thì đã gần 10 giờ. Tuy TV có rất nhiều đài như đài CNN, Tây phương, Thái, Việt... tôi cũng không mê mà chuẩn bị đi ngủ vì đã khá mệt. Hôm nay đi chơi cũng nhiều, mà chương trình ngày mai sẽ là một ngày bận rộn nhứt chuyến đi nên cần giữ sức khỏe: đó là chúng tôi sẽ vào thăm đền Ðế Thiên Ðế Thích để khám phá Angkor huyền bí.

Vào Angkor lần thứ nhứt

Sáng ngày thứ hai của chuyến đi tức là ngày 26 Tháng Mười 2007, chúng tôi dậy sớm lúc 6 giờ sáng, sau đó ăn sáng kiểu tự chọn tại khách sạn để vào thăm Angkor lúc 7 giờ. Hôm nay hứa hẹn là một ngày hào hứng, nhưng sẽ khá cực nhọc.

Xe chạy về hướng Bắc, dọc đường nhiều khách sạn sang trọng, các khu nhà chung cư đang được xây cất cho thấy Siêm Riệp đang phát triển mạnh mẽ.

Khu đền Angkor nằm ở phía Bắc thành phố Siêm Riệp 6km nên chỉ 10 phút sau là đã tới cổng bán vé. Có ba loại vé tham quan: 1 ngày là 20 đô la, 3 ngày: 40 đô la, 1 tuần: 60 đô la. Mua vé nhiều ngày thì phải có hình để làm thẻ. Muốn xem Angkor cho tường tận thì 1 tuần mới đủ vì nó rất to lớn. Nếu không thì ít ra cũng phải xem trong 3 ngày. Chúng tôi “cỡi ngựa xem hoa” chỉ trong một ngày mà thôi. Quang dặn chúng tôi phải giữ vé vào cổng cho cẩn thận vì vé dùng xem nhiều nơi, nếu mất thì có thể không vào được hay sẽ bị phạt 100 đô la. Dân Campuchia thì không phải mua vé, vì đây là tài sản của ông cha họ mà. Chỉ cần thu vé du khách là đủ rồi. Giá vé cũng không rẻ phải không các bạn.

Bạn biết ai là người thầu thu vé vào cửa Angkor hay không? Quang cho biết đó là công ty Apsara do một người Việt (gốc Miên) tên là Soc Kung làm chủ. Ông chịu trả cho chánh phủ 2 triệu đô la một năm để làm hệ thống đường giao thông bên trong, quảng cáo và khai thác dịch vụ vé vào cửa. Ðó là trên mặt chánh thức. Người ta đồn rằng ông phải chi 15% lợi tức cho các quan chức mới trúng thầu. Chuyện nầy là chuyện bình thường ở Campuchia, một nước nổi tiếng về tham nhũng. Hai năm đầu ông bị lỗ, nhưng gần đây ông ta lời to vì hàng năm có tới 1.5 triệu du khách tới thăm viếng khu đền lịch sử nầy. Ông ta cũng đầu tư vào ngành xăng dầu và khách sạn nữa. Cây xăng hiệu Sikimex thấy khắp nơi ở Campuchia là của ông ta. Ông còn tính mở thêm một bịnh viện tên là Chợ Rẫy ở gần Nam Vang vì thấy nhu cầu y tế của dân Campuchia khá nhiều. Sau 1975 ông còn nghèo lắm, vậy mà bây giờ đã là một đại gia. Ở các nước kém phát triển, nếu có gan thì có thể làm giàu nhanh chóng!!!

Ðường vào Angkor mát mẻ, hai bên đường cây cao bóng mát. Sáng nay trời đẹp, tuy hơi có mây nhưng không mưa. Vài người Tây phương đang thong thả đi xe đạp tham quan. Họ có nhiều ngày ở đây và đi một mình để tự khám phá. Ði chơi như vậy mới thật sự hiểu biết.

Xe đi ngang đền Angkor Wat, phía trước có một con hào rất rộng. Cảnh trí ở đây khá đẹp, nhưng chúng tôi chưa vào thăm vội mà sẽ đi Angkor Thom trước.

Cổng thành Angkor

Xe ngừng trước cổng phía nam của thành Angkor để chúng tôi thăm viếng và chụp hình. Bên tay mặt đường có dịch vụ cỡi voi để ai muốn ngồi vào trong trung tâm là đền Bayon cách đây 1.5 km thì đi. Giá tiền là 10 đô la một người.

Thành Angkor Thom là kinh đô của đế quốc Khmer vào thế kỷ thứ 13. Chữ Angkor lấy từ gốc tiếng Phạn là Nagara có nghĩa là kinh đô, người Khmer phát âm từ Kinh đô là “Nôkor”, người Pháp lại đọc và ghi lại là Angkor. Chữ Thom có nghĩa là lớn. Angkor Thom có nghĩa là thành phố vĩ đại. Angkor Thom được xây dựng trong khoảng từ năm 1181 đến 1220 dưới thời Vua Jayavarman VII sau khi ông chiếm lại kinh thành nầy từ tay người Chiêm Thành. Toàn bộ khuôn viên nằm trong một khu vực hình vuông, mỗi bề dài 3km. Theo chu vi là hào nước rộng 100 mét. Hồi xưa, hào nầy có nuôi cá sấu. Sau hào là một bức tường bằng đá cao 8 mét, dầy 1 mét. Các viên đá được đặt khít khao lên nhau mà không dùng hồ vữa. Sau tường đá là tường đất rộng 25 mét để quân lính di chuyển. Tường thành có 5 cổng gồm ba cửa ở các hướng Tây, Nam và Bắc. Tường phía Ðông có hai cửa. Một trong hai cửa đó là Cổng Chiến Thắng. Mỗi cổng thành là một công trình kiến trúc đặc biệt to lớn.

Trước cổng phía Nam là một chiếc cầu rộng khoảng 20 mét bắt qua hào để đưa du khách đến khu trung tâm. Bên trái cầu có 54 tượng thần đang ôm rắn thần, bên kia có 54 tượng quỷ cũng đang ôm rắn. Các tượng nầy đã hư hại nhiều. Có cái không còn đầu. Cái nào có đầu thì chỉ là phục chế. Ở Angkor đâu đâu cũng thấy điêu khắc tương tự. Quang cho biết những tượng thần ở đây tạc theo sự tích “Khuấy biển sữa lấy thuốc trường sinh” như sau:

Người theo Ấn Ðộ Giáo (Hindism) tin vào thuyết luân hồi và ba vị thần:

Brahma: thần tạo dựng và là chủ của tất cả các thần (do đó người ta gọi Ấn Ðộ Giáo là đạo Bà La Môn đọc trại từ chữ Brahma).

Vishnu: thần bảo tồn.

Shiva: thần hủy diệt và tái sinh.

“Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh” là một câu chuyện thần thoại của Ấn Ðộ Giáo theo đó các thần và đám quỷ mỗi người nắm một bên con rắn thần Vasuki đang quấn mình quanh ngọn núi Meru rồi xoay tròn với mục đích làm ra thuốc trường sinh nhưng không có kết quả. Khi thần Vishnu đến thì núi bắt đầu lún dần xuống biển. Trong khi đó rắn thần phun nọc độc với ý định hủy diệt các thần và ác quỉ. Thần Brahma nhờ thần Shiva nuốt những nọc nầy. Nọc đọc làm phỏng cổ thần Shiva và biến chỗ đó thành màu xanh. Thần Vishnu hóa thân thành một con rùa để nâng đỡ ngọn núi Meru giúp cho việc quậy biển sữa kéo dài thêm trên 1,000 năm. Cuối cùng thuốc trường sinh được làm ra nhưng bọn quỷ chụp lấy. Thần Vishnu một lần nữa đánh thắng bọn ác quỉ và đoạt lại ly thuốc trường sinh. Cuộc quậy sữa cũng tạo ra voi thần có 3 đầu tên là Airavana, nữ thần sắc đẹp Lakshmi (sau nầy thành vợ thần Vishnu) và vô số vũ nữ Apsaras.

Cũng ảnh hưởng câu chuyện nầy mà kiến trúc trong Angkor đều xây theo kiểu một tháp cao ở giữa tượng trưng cho núi Meru (Tu Di), quanh thành là trần gian, xa hơn là những hào nước tượng trưng cho biển cả. Du khách trong đoàn ai thích tìm hiểu thì nghe Quang kể chuyện. Ða số chỉ thích chụp hình mà thôi. Ở đây có một ông thợ người Campuchia biết nói tiếng Việt đi theo đoàn để chụp hình, giá 2,000 ria (50 xu Mỹ) một tấm. Ði đến giữa cầu nhìn về phía hào nước thì thấy cảnh trí cũng đẹp vì có nước trong, có cây xanh in bóng khiến cho người xem có một cảm giác mát mẻ...

Minh Tâm

Bài viết khác