Xác định vị trí thật của Cana, nơi Chúa hóa nước thành rượu
Việc tìm kiếm nơi từng diễn ra phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu đã khoanh vùng một địa điểm đáp ứng đủ điều kiện, cho phép các nhà khảo cổ tin rằng đây là Cana xứ Galilê.
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Ngài và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Ngài: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2, 1-4).
Phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu diễn ra tại Cana xứ Galilê. Khi bữa tiệc cưới tại Cana hết rượu phân phát cho khách khứa, Ngài yêu cầu những người hầu châm đầy nước vào 6 vại đá. Nhận ly rượu rót từ một trong các vại này, người quản tiệc phát hiện mình đang uống rượu.
Vậy thì nơi nào là chỗ Đức Giêsu từng biến nước thành rượu? Vị trí của Cana miền Galilê thật sự là ở đâu? Có ít nhất 5 cái tên có thể là Cana trong Kinh Thánh, nhưng theo báo cáo của nhà khảo cổ học Tom McCollough có tựa đề “Tìm kiếm Cana: Nơi Chúa Giêsu biến nước thành rượu” đăng trên chuyên san Biblical Archeology Review (BAR), chỉ có một vị trí cung cấp chứng cứ thuyết phục nhất.
Cách Nazareth khoảng 15 km là địa điểm được gọi là Khirbet Cana (hoặc Khirbet Qana - “tàn tích Cana”) ở vùng hạ Galilê. Quá trình khai quật Khirbet Cana đã bắt đầu từ năm 1998, dưới sự chỉ huy của giáo sư quá cố Douglas Edwards, chuyên ngành Kinh Thánh và khảo cổ học thuộc Đại học Puget Sound (Washington, Mỹ). Tiến sĩ Tom McCollough tham gia dự án trên cương vị giám đốc tại hiện trường vào năm 2000, và trở thành đồng giám đốc dẫn dắt dự án vào năm 2008. Có một số yếu tố khiến tiến sĩ McCollough cho rằng đã xác định được Cana xứ Galilê, nơi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên.
Hoạt động khảo cổ cho thấy Khirbet Cana là một ngôi làng Do Thái có quy mô vừa phải, có mối giao thiệp tốt với giới thượng lưu trong giai đoạn Hy Lạp hóa và La Mã (năm 323 trước công nguyên đến năm 324). Sở dĩ các chuyên gia xác định được Khirbet Cana thuộc về cộng đồng này là nhờ vào sự phát hiện một giáo đường Do Thái vào thời La Mã, một số miqva’ot (bồn nước cho nghi lễ thanh tẩy), 6 đồng tiền Maccabean (một trong những đồng tiền đầu tiên của người Do Thái), và mảnh gốm sứ được khắc chữ Hebrew, tức chữ Do Thái cổ.
Vì vậy, không nghi ngờ gì nữa, Khirbet Cana là một ngôi làng Do Thái nhộn nhịp và sống động nếu xét trên khía cạnh cổ vật, nhưng liệu nó có phải là Cana xứ Galilê được Kinh Thánh đề cập hay không? Các Kitô hữu trong giai đoạn Byzantine (330-1453) dường như tin như thế. Có lẽ chứng cứ thuyết phục nhất là các chuyên gia khai quật được một khu phức hợp dùng để thực hiện các nghi lễ bên dưới lòng đất vào thời điểm kết thúc mùa khảo cổ đầu tiên.
Cấu trúc tầng ngầm được chia thành ít nhất 4 hang, gộp lại thành một khu hoàn chỉnh. Hang đầu tiên, đã được khai quật, được lót bằng thạch cao từ thời Byzantine đến giai đoạn Thập Tự chinh (năm 415-1217). Những dòng chữ Hy Lạp ngoằn ngoèo trên thành hang động cho thấy sự hiện diện của người hành hương theo đạo Kitô: một số viết “Kyrie Iesou” (Chúa Giêsu), một số vẽ thánh giá và những dòng khác dường như ghi lại tên của người hành hương.
Thậm chí còn thú vị hơn nữa, các nhà khảo cổ học tìm thấy một cổ vật đặc biệt bên trong hang động đầu tiên: một quan tài có nắp đậy được khắc đầy hình ảnh thánh giá kiểu Maltese, được xoay nghiêng thành bàn thờ, cạnh trên của nó trơn láng, có lẽ là do những người hành hương đặt tay lên trong lúc cầu nguyện. Bên trên “bàn thờ”, các nhà khảo cổ tìm được một cái kệ với hai vại đá. “Có đủ chỗ để đặt thêm 4 vại nữa”, theo tiến sĩ Tom McCollough. “6 vại đá chứa nước đã được Chúa Giêsu hóa phép thành rượu. Tất cả những điều trên cho thấy Khirbet Cana được các Kitô hữu thuở xưa xem là Cana trong Kinh Thánh từ lâu”, theo tiến sĩ McCollough.
Như đã đề cập ở trên, có ít nhất 4 “ứng viên” khác cho vị trí Cana xứ Galilê. Trên thực tế, Khirbet Cana chưa được nhiều tín hữu biết đến. Tuy nhiên, dựa trên những thông tin thu thập được, tiến sĩ McCollough vẫn cho rằng Khirbet Cana là cái tên sáng giá nhất cho địa điểm này.
LING LANG
Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn