Thứ Tư, 06 Tháng Mười, 2021

Cáp xuyên đại dương, những nguy hiểm tiềm ẩn

Cáp xuyên đại dương, những nguy hiểm tiềm ẩn - 1

Minh họa: Lars Kienle/Unsplash


Nếu bạn đọc bài viết này ở bên ngoài Bắc Mỹ, trên Internet thì chắc chắn những gì bạn đang xem là nhờ hệ thống cáp ngầm truyền tải dữ liệu đặt gần đáy đại dương. Ngoại trừ Nam Cực (việc truyền tải tín hiệu trông cậy hoàn toàn vào vệ tinh); còn Internet, điện thoại, Fax ở các châu lục khác đều phải đi qua hệ thống cáp ngầm dưới đáy biển. Internet truyền từ mảng vệ tinh trên quỹ đạo là chuyện của tương lai gần. 

Mới có 25% khả năng của hệ thống cáp được sử dụng

Mạng lưới cáp toàn cầu được thể hiện trên tấm bản đồ đặc biệt, trong đó tập trung vào một số cụm cáp chính nối các châu lục. Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường viễn thông TeleGeography đã lập ra bản đồ này trên trang web của nó. Hiện có khoảng 350 tuyến cáp ngầm được hiển thị, một số mới lên kế hoạch hoặc chưa hoàn thành. 

Bản đồ cho thấy có mỗi năm có trên dưới 10 tuyến cáp mới được lắp đặt. Tìm kiếm với Google, giao tiếp trên Facebook đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cáp dẫn đến nhà bạn bị đứt. Năm 2014, lần đầu tiên dung lượng truyền tải qua cáp phân bổ cho Google, Facebook và Microsoft đã vượt quá thị phần đăng ký, nên phải bổ sung. Có trên 56% thuê bao dung lượng truyền tải internet thuộc về các công ty tư nhân. Dung lượng thoại chỉ chiếm khoảng 1% tổng dung lượng tín hiệu và dữ liệu đi qua hệ thống cáp toàn cầu. Những công ty cung cấp nội dung kỹ thuật số như Google, Facebook và Microsoft đã đẩy nhu cầu truy cập internet lên rất cao. 

Dù tổng dung lượng đường truyền internet toàn cầu đang sử dụng đã tăng mạnh nhưng vẫn còn nhỏ so với khả năng của hệ thống cáp toàn cầu. Theo ước tính, chỉ có trên ¼ tổng dung lượng đường truyền có sẵn dưới biển đã được khai thác. Còn gần ¾ chưa sử dụng! Nhu cầu Internet phát triển nhanh nhất tại châu Phi, châu Á và Trung Đông. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đầu cuối còn thiếu để khai thác tốt nhất khả năng của cáp. Mỹ La tinh là khu vực tăng trưởng nhanh thứ tư. 

Mỗi năm đều có thêm nhiều công ty tham gia hoạt động kéo cáp và sửa chữa cáp dưới đại dương để thu lợi nhuận. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao bảo quản hệ thống cáp thật tốt, tránh sự cố bị đứt (gần như thường xuyên) và đặc biệt là tránh nguy cơ tấn công, khủng bố. Quân đội và tình báo Mỹ từng cảnh báo Nga có thể tấn công các tuyến cáp biển khi xảy ra tình huống căng thẳng với Mỹ. Còn đe dọa từ các nước khác nữa. Tránh để điều này xảy ra là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các cơ quan tình báo phương Tây. 

Cáp xuyên đại dương, những nguy hiểm tiềm ẩn - 2
Bản đồ cáp internet của TeleGeography


Điểm yếu nằm ngoài tầm bảo vệ

Nắm được bản đồ các tuyến cáp thông tin của đối thủ luôn là yếu tố quan trọng trong sách lược an ninh của mỗi nước. Hôm nay, mối lo lớn hơn nhiều và mức độ báo động cũng cao hơn vì hệ thống cáp biển không chỉ dùng để thông tin liên lạc điện thoại, điện tín mà còn dùng để truyền dữ liệu và kết nối mạng Internet toàn cầu. 

Sự lệ thuộc của các chính phủ, công ty và người dân vào đường truyền là “không tiền khoáng hậu”. Nếu Nga quyết định cắt cáp sợi quang tại các vị trí khó tiếp cận nhất thì hậu quả tức thời là luồng kết nối liên tục giữa các chính phủ, các nền kinh tế và các công dân sẽ bị tê liệt. 

Trong khi chưa có sợi cáp nào bị người Nga cắt thì trong tình hình căng thẳng Nga-phương Tây và việc Nga tăng cường hiện diện quân sự trên toàn cầu, cả trên bộ, trên không lẫn trên biển như hiện nay, sự cảnh giác của các cơ quan tình báo, quân đội Mỹ và đồng minh là không thừa. Một tư lệnh hải quân Mỹ tại châu Âu từng cảnh báo cường độ tầu ngầm Nga tuần tra gần vùng biển có cáp đường truyền của Mỹ đã tăng mạnh. Hồ sơ về các hoạt động hải quân của Nga được xếp vào diện “tuyệt mật”. Mỹ cũng không cho biết cách theo dõi tàu Nga và cách xử lý nhanh tình huống khẩn cấp nếu tàu Nga liều lĩnh cắt cáp. 

Một số quan chức chỉ nói chung chung là Ngũ Giác Đài và tình báo Mỹ xem việc bảo vệ cáp biển sâu là một ưu tiên trong chiến lược phòng thủ để bảo vệ nước Mỹ và các đồng minh trước “giả định” kẻ thù tấn công các đường truyền Internet toàn cầu. Tuy nhiên cũng có những dây cáp đặc biệt đặt tại các tuyến đường bí mật của quân đội và tình báo Mỹ. Chúng không xuất hiện trên bản đồ chính thức vì sợ bị những kẻ thù của nước Mỹ tấn công. 

Nếu cáp bị cắt!

Na Uy, một đồng minh của NATO cũng rất quan tâm đến hiểm hoạ khó lường của lực lượng Hải quân Nga. Na Uy đã yêu cầu các nước láng giềng giúp đỡ theo dõi các tàu ngầm lúc ẩn lúc hiện của Nga. Tăng cường hoạt động của Hải quân Nga trên biển là trùng hợp với những gì Nga đang làm tại Crimea, mạn đông Ukraine và Syria, nơi Tổng thống Nga Putin muốn chứng tỏ là Nga có thể tiến hành một cuộc chiến ở xa bất cứ nơi nào trên thế giới nếu thấy cần thiết bằng không quân, hải quân và bộ binh. 

“Điều đáng lo nhất là ai cũng có thể vô tình hoặc lén lút tấn công hệ thống cáp dưới đáy biển bằng những phương tiện khác nhau – Michael Sechrist, cựu quản lý dự án của một chương trình nghiên cứu phối hợp giữa Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) được Bộ Quốc phòng cấp kinh phí một phần nói – Dây cáp có thể bị đứt vào bất cứ lúc nào và có nhiều cách đứt, từ kéo mỏ neo ngang qua nó hoặc do thiên tai. Thường thì điểm đứt nằm gần bờ, cách vài cây số nên việc sửa chữa không khó lắm, chỉ vài ngày đến một tuần là xong. Nhưng cố ý cắt, cố ý phá hoại lại là vấn đề khác!”. 

Sechrist từng công bố một nghiên cứu về nguy cơ đối với hệ thống cáp đặt dưới đáy biển. Điều mà Bộ Quốc phòng Mỹ quan tâm là không phải cáp đứt gần bờ mà là cáp bị cắt có chủ đích tại các khu vực biển sâu, nơi việc dò ra vị trí để sửa chữa là rất khó. Sechrist nhận định: “Bản đồ mạng lưới dây cáp dưới biển là không thể bí mật, chúng thường đi theo các lộ trình đã có từ thập niên 1860. Lý do là các công ty kéo cáp không muốn phiền hà với thủ tục giấy tờ cho các lộ trình mới. Đặt cáp mới trên các lộ trình đã qua thử thách bao giờ cũng thuận tiện hơn”. 

Cáp xuyên đại dương, những nguy hiểm tiềm ẩn - 3Vệ tinh thông tin của NASA (ảnh: NASA/Unsplash)

 

Do thám biển sâu đã có từ thời Chiến tranh lạnh

Vai trò của hệ thống cáp dưới biển ngày càng quan trọng Trị giá kinh doanh toàn cầu của chúng hơn $10 ngàn tỷ /ngày, bao gồm cả các giao dịch liên tục trên Internet của các định chế tài chính-ngân hàng. Vì vậy, bất cứ vụ đứt cáp nào cũng là một thảm hoạ. Dòng lưu thông tiền tệ sẽ bị ngưng. Hệ thống cáp toàn cầu hiện chuyển tải đến 95% lượng dữ liệu và thông tin hàng ngày trên thế giới. 

Cáp biển quan trọng đến nỗi Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đưa các khu vực đặt cáp của bộ (phần lớn quanh New York, Miami và Los Angeles) vào danh sách “các cơ sở hạ tầng cực kỳ quan trọng cần được bảo vệ tuyệt đối”. Việc quan tâm đến cáp biển là điều không mới. Tháng Mười, 1971, tàu ngầm Mỹ Halibut đi vào Biển Okhotsk phía Bắc Nhật Bản để săn tìm cáp viễn thông mà lực lượng hạt nhân Liên Xô đang sử dụng và Halibut đã cài được thiết bị nghe lén thành công. 

Điệp vụ tuyệt mật có tên Ivy Bells được tiến hành bí mật đến nỗi đa số thuỷ thủ trên tàu ngầm không biết “mục tiêu thực sự” của những gì họ đã làm. Thành công của Halibut được Mỹ nhân rộng ra và trở thành “tấm gương” cho nhiều nước noi theo. 

Cách nay nhiều năm, Hải quân Mỹ hạ thuỷ tàu ngầm Jimmy Carter mà theo các nhà phân tích tình báo, nhiệm vụ “che giấu” của nó là gắn các thiết bị nghe lén vào những sợi cáp dưới biển của những nước thù địch. Nhưng tàu ngầm không phải là tàu duy nhất tìm cách can thiệp vào hệ thống cáp dưới biển sâu mà những con tàu giả danh “nghiên cứu đại dương” như tàu Yantar của Nga cũng làm việc này. 

Đến nay Nga vẫn khăng khăng “Yantar không hề làm nhiệm vụ do thám mà chỉ được trang bị những công cụ nghiên cứu khoa học để thu thập dữ liệu về môi trường đáy đại dương. Ngoài nhiệm vụ nó không còn nhiệm vụ nào khác”. Nhưng Mỹ và các nước phương Tây không bao giờ tin vào giải thích này. Các căn cứ Bắc Cực mới xây dựng của Nga và việc Nga bỏ ra $2.4 tỷ vào Hạm đội Biển Đen đến năm 2020 chứng tỏ nước Nga cam kết phát triển cơ sở hạ tầng trong lực lượng hải quân”. 

Các phân tích tình báo của Mỹ cho thấy Nga cũng xây dựng những khoang lặn không người điều khiển dưới biển sâu mang theo những vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ sẵn sàng tấn công các cảng và vùng ven biển của nước Mỹ.

Lê Tây Sơn

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art