Chủ Nhật, 10 Tháng Sáu, 2012

Tương quan giữa Sóng thần và Động đất

Nhật là quốc gia có động đất và sóng thần nhiều nhất thế giới

         Vào lúc 5 giờ 46 phút chiều Thứ Sáu 11 Tháng Ba, động đất dữ dội cường độ 8.9 có tâm điểm nằm ngoài khơi Tohoku Nhật Bản ở độ sâu 20 dặm, cách phía Đông thành phố Sendai 130 km, nhưng hướng lan truyền đi về phía Tây tức hướng đất liên. Tính từ năm 1900 đến nay, đây là trận động đất lớn hàng thứ 5 trong lịch sử thế giới.

         Cơn địa chấn gây nên báo động sóng thần (tsunami) ở dọc theo duyên hải nước Nhật, cùng nhiều nước gồm New Zealand, Úc, Nga, Đảo Guam, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Nauru, Hawaii, Bắc Marianas và Đài Loan. Hai thành phố ở Nhật bị ảnh hưởng nặng nhất là Sendai (Tohoku) và Tokyo (Kanto).

        Cảnh báo sóng thần do Nhật đưa ra được coi là cao nhất trong thang điểm báo động, cho thấy rằng sóng có thể cao đến 10 mét.

        Với cơn địa chấn mạnh 8.9 độ Richter, trận động đất ở Nhật được coi là mạnh thứ 5 trên thế giới kể từ năm 1900.

        Nước Nhật nằm dọc theo ‘vòng đai lửa Thái Bình Dương’ (Pacific Ring of Fire), nơi các phay địa tầng của vỏ quả đất va chạm nhau dọc theo rìa Thái Bình Dương. Nhật nằm trên phay Pacific, bên dưới Thái Bình Dương, phay này dịch về hướng Tây và nhấn sâu vào lòng quả đất, dọc theo rãnh sâu ở bờ Đông Nhật Bản. Trung bình, phay Pacific di chuyển 3.5 inch mỗi năm nhưng tiến trình này thường không liên tục.

        Sự chuyển dịch có thể bị ngưng lại khi hai phay dính vào nhau một lúc, khiến năng lượng tích lũy nhiều lên, bởi vậy cuối cùng khi lớp phay bắt đầu di chuyển trở lại thì đó là lúc tai họa xảy đến.

        Tiến trình khi lớp phay này bị đẩy xuống dưới lớp phay khác gọi là hiện tượng hút chìm (subduction), xảy ra dọc theo ‘Ring of Fire’, tạo nên động đất, trong đó có trận động đất cường độ 7.7 đánh vào vùng duyên hải Indonesia hồi tháng Bảy năm 2006.

        Động đất khiến đáy biển nằm trên lớp phay bị nâng lên bất ngờ theo chiều thẳng đứng, chuyển động này làm dịch chuyển khối nước nằm bên trên, tạo nên một loạt những đợt sóng lớn được biết là sóng thần (tsunami).

        Keith Sverdrup, giáo sư ngành địa vật lý ở trường Đại Học Wisconsin-Madison nhận xét: “Cũng tựa như khi ta ném một viên sỏi vào hồ nước và thấy sóng lan ra.” Sóng thần ở Nhật từ tâm địa chấn vừa lan về vùng duyên hải phía Đông nước Nhật, vừa lan về hướng Tây, theo một lộ trình dài hơn về vùng duyên hải phía Tây của Bắc Mỹ.

        Sóng thần là một hiện tượng bất ngờ vì hiếm khi xảy ra. Sóng do Tsunami tạo nên không giống với sóng do bão tố, thủy triều gây nên, nó làm biến đổi hệ sinh thái và địa thế vùng đất mà nó đánh vào.

Ông Sverdrup nói: “Chúng ta chưa có khả năng tiên đoán được bao giờ có động đất xảy ra, mà chỉ có thể nói rằng một vùng nào đó có thể xảy ra động đất; dựa theo thống kê quá trình có động đất trước đó để đoán được cường độ của địa chần ở một thời kỳ nào đó.”

        Khi một trận động đất xảy ra, người ta có thể đoán được có sóng thần đi kèm không, bằng cách xác định phải chăng có sự chuyển dịch thẳng đứng ở lớp phay địa tầng và bằng cách xem kết quả do Hệ Thống Cảnh Báo Sóng Thần đo lường mực nước dâng cao ở quanh lưu vực Thái Bình Dương.

        Hệ thống cảnh báo liền báo động cho cư dân ở khu vực có khả năng bị sóng thần ập vào. Ông Sverdrup nói: “Bất hạnh thay, càng ở gần tâm địa chấn càng ít có thời gian để báo động về sóng thần. Nhật là thí dụ điển hình vì họ không đủ thời gian để cảnh báo.”

         Với đợt sóng di chuyển về hướng Tây, sóng đi với vận tốc 500 dặm một giờ, bằng tốc độ một chuyến bay hàng không. Ở Nhật, cảnh báo sóng thần được đưa ra 5 phút sau khi động đất vừa xảy ra, kể cả ước lượng về độ cao của sóng.

        Nhiều yếu tố giúp biết được trận động đất nào có thể đưa đến sóng thần như: cường độ của cơn địa chấn, hướng di chuyển của chấn động, và địa thế của đáy biển. Don Blakeman, nhà địa vật lý thuộc Trung Tâm Thông Tin Động Đất Quốc Gia của Viện Thăm Dò Địa Chất Hoa Kỳ nói: “Động đất có cường độ dưới 7.5 hoặc 7.0 thường không gây nên sóng thần.”

        Động đất gây nên sóng thần khi nào chấn động đi theo chiều thẳng đứng, trong khi chiều ngang hiếm khi tạo được sóng thần. Vì độ cao của sóng tsunami bị ảnh hưởng bởi chuyển động thẳng đứng, do vậy sự thay đổi địa hình của đáy biển có thể làm tăng hoặc giảm độ cao của sóng khi nó đang di chuyển.

Trong suốt thời kỳ 1,313 năm tính đến năm 1997, Nhật là quốc gia được ghi nhận có nhiều sóng thần nhất trên thế giới với tổng cộng 195 lần.  Trung bình cứ 6.73 năm thì xảy ra một lần.

        Trận động đất lớn Hakuho được ghi nhận có sóng thần lần đầu tiên ở Nhật vào ngày 29 tháng 11 năm 684 ở ngoài khơi bán đảo Kii với cường độ khoảng 8.4 độ Richter, theo sau là một đợt sóng khổng lồ nhưng không có ghi nhận về số tử vong.

        Động đất cường độ 7.1 và sóng thần gây cho 23,000 người chết ở Kamakura năm 1293, do hỏa hoạn lớn.

        Khoảng 30 đến 40 ngàn người chết ở Wakayama do sóng thần cao nhiều mét, tiếp sau động đất 7.5 độ vào năm 1498.

        Ngày 28 tháng 10 năm 1707, động đất 8.4 độ và sóng thần cao 25.7 mét ở tỉnh Kochi tàn phá 29,000 căn nhà và gây tử vong cho 30,000 người.

        Năm 1771, động đất 7.4 độ gần đảo Yaeyama ở Okinawa và sóng thần cướp đi sinh mạng của 12,000 người. Nước tràn vào đất liền cao từ 30m đến 85.4m.

        Năm 1896, động đất lớn ở ngoài khơi duyên hải Sanriku, ở phía Đông Bắc Honshu, tạo nên sóng thần cao hơn 30m, khiến 27,000 người chết.

        Năm 1923, trận động đất Kanto mạnh mẽ ở phía Đông nước Nhật gây tàn phá Tokyo, Yokohama và vùng phụ cận, tạo sóng thần cao 12m. Tổng số có 100,000 người chết mà phần lớn do hỏa hoạn.

Sóng thần cao nhất được ghi nhận là siêu tsunami ở Lituya Bay năm 1958, sóng cao kỷ lục đến 524m. Gần đây nhất vào năm 1963, siêu sóng thần ở Vajont Dam đo được 250m.

        Sóng thần gây tổn thất về nhân mạng nhất là sóng thần ở Á Châu năm 2004 với 230,000 ở 11 nước quanh Ấn Độ Dương bị chết.

        Ba mức độ báo động về 'Sóng Thần' và ý nghĩa của từng mức

        Theo từ chuyên môn thì báo động về sóng thần được chia làm 3 cấp bậc là ‘Cảnh báo’, ‘Theo dõi’ và ‘Tham khảo’. Ý nghĩa cúa các mức báo động như sau.

         Cảnh báo

        Một báo động về sóng thần ở mức “cảnh báo” có nghĩa là tất cả cư dân trong khu vực bị “cảnh báo” gần bãi biển  hoặc  trong  các vùng  trũng phải di tản ngay lập tức vào nội địa  đến  vùng đất cao hơn,  và tránh xa  tất cả các hải cảng hay những vùng đất có hốc gió kể cả những nơi không ở sát ngay bờ biển.

        Khi đã ở trong tình trạng “cảnh báo”, khi con người có thể cảm nhận được vết nứt của đất, hay nhìn thấy mực nước dâng cao bất thừơng, thì sóng thần sẽ ập tới chỉ trong vòng vài phút.

 

        Theo dõi

        Một báo động về sóng thần ở mức “theo dõi”có nghĩa là tất cả  cư dân  trong  khu vực bị “theo dõi” phải chuẩn bị để di tản. Báo động ở mức “theo dõi” được ban hành  đến các khu vực  không  bị ảnh hưởng  bởi sóng thần  ngay lập tức.  Một khu vực được báo động ở mức “theo dõi” có thể được nâng lên cấp “cảnh báo” hay hay hạ xuống cấp “Tham khảo” hoặc bị hủy bỏ tùy tình hình.

         Tham khảo

        Một báo động về sóng thần ở mức “tham khảo” có nghĩa  là một  cơn sóng thần  có nguy cơ tạo ra nguy hiểm  cho những ai ở gần bờ biển có thể xẩy ra. Khi bị báo động ở mức “tham khảo” thì xác xuất có tình trạng nguy hiểm đáng kể có thể lan ra một vùng rộng lớn không cao lắm, tuy nhiên các dòng nước xiết gây nguy hiểm cho người bơi lội,  thuyền ,  và các  cấu trúc  ven biển  có thể  tiếp tục trong  vài giờ  sau sự xuất hiện của  làn sóng đầu tiên. (HG)

Triệu Phong

Bài viết khác