Chủ Nhật, 10 Tháng Sáu, 2012

Hoa Quỳnh, nữ hoàng trong đêm

Ngày xưa có một nàng công chúa nhan sắc tuyệt vời, trong cung ngoài phố ai cũng ngưỡng mộ sắc đẹp của nàng. Nhà vua anh nàng muốn cưới nàng làm vợ nhưng nàng không chịu vì theo truyền thống Á Đông không có chuyện lấy nhau trong gia đình. Tức giận, nhà vua đày nàng ra một hòn đảo ở ngoài Biển Đông. Nàng đành sống ở đó và không bao lâu thì mất đi. Hồn nàng hóa kiếp trong thân một cây mà hoa nở ra hương sắc mặn mà, tiếng vang đồn ra khắp nơi. Nhà vua tò mò một hôm cũng lấy thuyền ra đảo xem hoa. Cập đảo vào ban tối, vua tự nhủ sáng mai lại xem cũng không muộn. Nhưng nàng công chúa không muốn vua thấy nàng, dù ở hình thể một đóa hoa, nên chưa đến sáng thì hoa tàn. Từ đây, hoa chỉ nở lúc đêm khuya. 
                Một huyền thoại khác cũng được lưu truyền. Thời nhà Tùy bên Trung Quốc, tại Lạc Dương Thành, ở ngôi chùa cổ kính Dương Ly, một tối khuya ngoài cửa chùa thình lình ánh sáng rực lên, hương thơm sực nức làm dân chúng bàng hoàng, đổ xô lại xem. Gần giếng nước trong sân chùa mọc lên một cây bông lạ, trên ngọn nở ra một đoá hoa tuyệt trần, cánh hoa trắng nõn, nhụy hoa điểm vàng, mùi thơm ngào ngạt bay toả khắp nơi, lan xa ngàn dặm. Tin đồn đến tai Tùy Dạng Đế lúc ấy trị vì ở Dương Châu. Là một ông vua hôn quân vô đạo, chơi bời trác táng, ông cũng muốn đi thưởng ngoạn đoá hoa. Cần có đủ mặt bá quan văn võ triều thần hộ giá, để tiện việc di chuyển, ông ban lệnh khai kênh Vạn Hà từ Trường An đến Dương Châu, hao tốn hàng triệu ngày công lao động và hàng vạn công nhân bỏ mình, gây ra nạn đói kém và dân chúng nỗi loạn khắp nơi, bước đầu của cuộc suy sập nhà Tùy. Chính ngay trong số bá quan tháp tùng có mặt Lý Uyên và con là Lý Thế Dân sau nầy lên ngôi lấy hiệu Đường Thái Tông. Ngay tối hôm đến Lạc Dương Thành, Lý Thế Dân và bằng hữu vội đi xem hoa, sợ ngày mai phải chen chúc với triều thần. Nhận ra chân mạng đế vương, hoa nhún mình xuống ba lần để nghinh đón. Xong, một cơn mưa to làm rụng đóa hoa. Sáng hôm sau, Tùy Dạng Đế chỉ còn thấy cuốn hoa úa rũ, tan tác, liền tức giận ra lệnh nhổ cây vứt đi. Từ đây hoa chỉ nở vào đêm và  đi vào truyền thuyết hoa quỳnh (1).
        Cách đây 250 năm, quỳnh đã được nói đến là một cây mọc hoang ở Nam và Trung Mỹ, ở Mexicô, Cuba, Guatemala cũng nhưng ở quần đảo Antilles. Cây thích mọc ở xứ khí hậu nóng, nhưng không ưa trực tiếp chịu ánh nắng mặt trời. Mặc dầu có khi mắc trên một cây khác, quỳnh không phải là một cây ký sinh như tầm gửi, cũng không phải là một cây cộng sinh như phong lan, mà mọc trong đất loại đất mùn, không cần nhiều nước, miễn là thoáng khí. Câu thơ của nhà thi hào Nguyễn Du trong cuốn Kim Vân Kiều Hài văn lần bước dậm xanh, Một vùng như thể cây quỳnh cành giao tuy cành giao có nghĩa ngọc quý như lá ngọc cành vàng, làm người ta thường lầm tưởng quỳnh và giao (còn gọi cây san hô xanh hay xương khô, thập nhị (**), ngọc thụ, quang côn thụ (***), tên khoa học Euphorbia tirucalli )  sống cộng sinh với nhau hay hợp lại thành cây quỳnh giao, thật ra giao là một cây dễ trụi lá và làm thành cột cứng để quỳnh vốn mềm mại dựa vào. Không phải tình cờ mà người con đầu lòng của cụ Phạm Quỳnh, một người rất hâm mộ truyện Kiều, được đặt tên Phạm Giao. Trồng quỳnh tương đối dễ. Thường có thể chỉ cắt một đoạn thân, có thể dưới dạng lá, cho cắm vào đất; sau đó những thân, cành và hoa mọc ra trên kẻ lá ấy. Các nhà khảo cứu Do Thái đã có thử cấy mô nhiều loại quỳnh (14). Cho hoa nở ra là một chuyện khác. Thường phải đặt chậu hoa vào nơi có ánh sáng nhưng đừng quá nóng, phải đợi nhiều năm và chăm nom cắt tỉa, đừng cho cành, lá mọc quá rườm rà, tưới nước vừa phải. Có người khuyên nên dùng phân dành cho xương rồng bán trên thương trường. Hoa có thể nở hai đợt, vào mùa xuân và vào mùa thu. Tùy loại, nhất là các giống lai, hoa có nhiều màu sắc khác nhau, có số lượng ít nhiều trên mỗi cây và thời gian nở dài hay ngắn, ngày hay đêm.
                Tên tôn vinh bên nước ta "Nữ hoàng trong đêm" tương đương với tên gọi Tây phương Queen of the Night, Reine de la Nuit, Königen der Nacht, Regine della Note, Reina de la Noche,… Tên khoa học tương đối phức tạp hơn vì có nhiều loại trong cùng một họ Xương Rồng Cactaceae. Vì Tây phương gọi cactus, rất dễ hiểu có những tên Phyllocactus grandis, P.grandiflora. Lấy gốc từ tên vị nữ thần mặt trăng Hy Lạp Selene, một mỹ nhân e lệ, tên chi Selenicereus đã được đặt ra. Chi nầy gồm có ít nhất bốn chục loài mà loài được biết nhiều nhất là S. grandiflorus Britt. et Rose (còn có tên Cactus grandiflorus) đã được nhà thảo mộc Thụy Điển Carl von Linné nhận dạng từ 1753. Vì cây phát triển trên một thân dạng lá, nên còn có tên chi Epiphyllum dựa lên các danh từ Hy Lạp epi (nghĩa là trên) và phyllum (nghĩa là lá). Có khoảng một chục loài lai giống Epiphyllum khác nhau ở màu sắc (trắng, vàng, hồng, cam, tím) và kích thước hoa (10-35 cm). Hai tên E. oxypetallum Haw. và E. akermannnii Haw. thường được dùng để chỉ định những hoa quỳnh ở Việt Nam, nở ban đêm. E. oxypetallum ( bên Nhật Bản được gọi gekkabijin (15), còn mang tên Phyllocactus grandis) gốc thân hình trụ, phần trên và cành dẹt như lá có gân giữa cứng, khoẻ, mép thân uốn lượn và có khía tròn, màu xanh bóng, dày (**) , hoa mặt ngoài ửng hường, các phiến trong trắng, tiểu nhụy nhiều, noãn sào hạ, vòi nhụy trắng (*). E. akermannnii (gọi là quỳnh đỏ) thân dẹt màu xanh bóng có múi nhỏ và phân cành ngắn, hoa lớn nở ở đầu cành, ngoài có lá bấc dạng vẩy, cánh hoa dài, mảnh màu đỏ tươi ở ngoài, màu đỏ hồng ở trong, nhị nhiều, bầu có vòi màu đỏ nhạt (**). Gần đây nghe nói ở Đà lạt có một giống quỳnh Nhật màu vàng đỏ, nở ban ngày. Ngoài ra, tương tự trong họ Xương rồng còn có E. truncatus là cây càng cua hay huỳnh hoa, Hylocereus undatus là cây thanh long hay tường liên. 

        Một vài công tác khoa học cho ta biết thêm ít nhiều về thành phần các cây quỳnh. Chất sắc xác định trong Phyllocactus grandiflora là một bêta-xanthin gọi là portulaxanthin (7). Epiphyllum sp. cũng như Hylocereus undatus chứa đựng những sterol, nổi trội là sitosterol kèm theo stigmasterol (11). Kinetin ở lá và đọt cây (6) và tyramin trong chương trình tìm kiếm những chất amin có tính chất trợ tim (9) đã được tìm ra trong Selenicereus grandiflorus. Ở Ấn Độ, chính đọt non cây đã được dùng để thay thế chất digitalin từng có thành tích trên tim. Phần chiết khô cây nầy với ethanol chứa đựng một lượng nhỏ isohamnetin (1-3,6%) (13) còn phần chiết tươi cống hiến một alcaloid là hordenin trước kia được gọi cactin (10). Tetrahydroso quinolin cùng nhiều alkaloid phức tạp hơn dimethy hydroxy bêta-phenylethylamin tức hordenin đã được tìm ra trong những cây trong họ Xương rồng (8). Các nghiên cứu về dược học của Epiphyllum oxypetallum được thực hiện tại Đài Loan (2).  Người Nhật Bản khảo cứu tác dụng cây nầy lên các tế bào biểu bì để tìm cách tăng gia độ ẩm nước da (15). Họ tìm ra được trong hoa chất thơm benzyl salicylat (12). Hoa quỳnh được xem là có vị ngọt, tính bình, có tác dụng chống viêm, chống sưng, cầm máu. Hoa được dùng để chữa ho ra máu, sưng cổ họng, xuất huyết tử cung. Hoa cũng được nấu chung với thịt heo để trị sưng phổi, ho hen, và các bệnh đường. Sắc và uống 3-5 hoa. Có thể giã nát, đắp lên vết thương, sưng, đau, hay thoa bóp giảm đau thấp khớp. Thân có vị chua, mặn, tính mát, có tác dụng chống sưng. Toàn cây có tác dụng thanh phế, trị ho. Tác dụng cây nầy lên hệ thống thần kinh giao cảm, tốc độ bất thường nhịp tim, hiện tượng chảy ngược van hai lá, sự suy nhược thần kinh qua những triệu chứng của tim,… đã được những nhà khảo cứu Hoa Kỳ tìm hiểu (3). Đặc biệt, họ đem thử  hột Cactus grandiflorus lên tim để xem những triệu chứng trong mục đích dùng nó làm thuôc chữa bệnh (5). Trong liệu pháp vi lượng đồng cân, ngoài cơn đau viêm họng, cây được dùng để chữa co giật, xuất huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu. Nước vắt từ cây đem uống chữa được những chứng thiếu kém hơi thở, nhiễm khuẩn bóng đái. Trong dân gian, cây nằm trong các liều thuốc cầm máu, ngưng khạc ra máu, kinh nguyệt khó khăn. Nó có thể dùng để chữa suy nhược và những chứng xúc cảm (13). 

        Cây cũng được liệt vào các thuốc kích dục. 

        Trong thiên nhiên biết bao là cây hoa khoe sắc tỏa hương, nhưng trong số những hoa nở ban tối, có lẽ chỉ có hoa quỳnh là xứng nhất được mang danh "Nữ hoàng trong đêm". Thảo nào các cụ đời xưa bên ta tổ chức ngắm hoa, tận hưởng một thú vui tao nhã theo phương cách Á Đông. Thường các cụ mời bạn bè lại nhà rồi trong khi chờ đợi hoa nở, các cụ cùng nhau thưởng thức một tuần trà đậm đà. Có khi một vài chén rượu trắng giúp các cụ sáng tác những câu thơ mà các cụ vui thích cùng nhau ngâm nga. Tôi qua bên Pháp quá lâu nên hết còn có dịp nếm cái tinh khiết của cuộc ngắm hoa của các cụ thời xưa. Nhưng vừa rồi, sau hơn hai mươi năm chờ đợi, khá lâu có lẽ vì không biết cách săn sóc cây trồng, sau một chuyến đi xa về khuya, tôi và nhà tôi ngạc nhiên thú vị thấy cây quỳnh ở nhà mình trổ hoa ở Xô thành, miền nam Paris, chưa đến sáng thì tàn. Đóa hoa quỳnh đầu tiên của chúng tôi trên đất Pháp ! Thì ra cây cũng như người, giống tốt miễn gặp đất lành là mặc sức mọc rễ, đâm chồi, nở hoa. Không có thì giờ loan báo bạn bè, chúng tôi chỉ biết cùng nhau hai đứa cụng nhau hai mái đầu bạc chia sẽ nỗi hân hoan. Chúng tôi ngây ngất ngắm mãi không chán những cánh hoa nõn nà trong trắng như cô gái trinh bạch, bao quanh từ lòng sâu một dãy nhụy hoa vàng lạt, đầu đỏ, mảnh khảnh yểu điệu như những vũ nữ trên một chiếc thuyền rồng, dẫn trước là vòi nhụy trông như một cái chong chóng nhiều cành. Riêng phần tôi tỉnh cơn mê, chiếu đèn chụp hình ngang dọc, trong ngoài cho khỏi tiếc sau nầy, vì theo kinh nghiệm đã sống, không biết bao giờ mới lại có hạnh phúc ngồi ngắm hoa quỳnh ở nhà mình. Sắc đẹp phù du, vẻ đẹp chung thủy (4) , làm sao nói lên toàn vẹn cảm xúc của mình truớc một đóa hoa đẹp lộng lẫy như hoa quỳnh. Đỗ Phủ đã từng thốt lên : Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân, hoa đẹp đến nỗi chỉ một cánh hoa thôi rơi cũng đủ để làm giảm bớt cái đẹp của mùa xuân. Nhưng hoa quỳnh may thay nở đến vài giờ, một cánh cũng không rụng, thời gian dù ngắn cũng đủ cho ta mơ say, xao xuyến.

Em ơi, đêm thơm một đóa quỳnh            
Cùng em hương vương không gian
Cho ta mơ say mộng ngát tình
Quyện màu sắc thắm môi em.
         (Dạ quỳnh hương - thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao 
         - nhạc Phạm Anh Dũng )

Nghiên cứu và Phát triển 4(69).2008, tr. 82-87 có bổ sung


        Tham khảo

        (*) Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt Nam, Mekong ấn quán, Santa Ana USA (1991) I 912
        (**) Trần Hợp, Cây cảnh, hoa Việt Nam, nxb Nông nghiệp, Hà Nội (1993) 128-9
        (***) Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, nxb Khoa học và Kỹ thuật , Hà Nội (1986) 569-70
  1-phỏng theo Lý Lạc Long, Hương sắc quỳnh hoa, Thu Quan vantuyen.net ; www.cinet.vnnews.com/suutam/quynh.htm
        2-Trần Việt Hưng, Dược thảo bông hoa, dẫn S.Y. Chow , C.F. Chen, S.M Chen, Pharmacological effects of  Epiphyllum oxypetallum, Taiwan Yi Xue Hui Za Zhi (Đài Loan tạp chí) số 12.1977; vnthuquan.net
        3-H.W. Keiter, Cactus (Selenicereus spp.), The Electric materia medica, Pharmacology and Therapeutics, 1992 ; henriettesherbal.com
    4- Hải Đà – Vương Ngọc Long, Tản mạn về hoa quỳnh, khoahoc@doisong 22.06.2006 ; www.vuonghaida.com/HOAQUYNH/HQ.htm
        5- J.S. Hepburn, G.W. Boericke, R. Ricketts, E.D. Boone, Laboratory study of twenty drugs on normal human beings, with comments on their symptomatology and therapeutic use, J. Amer.Inst. Homeop.43 (1950) 130-34
        6- L. Engelbrecht, K. Nogai, Action of kinetin on the inhibition of metabolism by chloramphenicol, Flora (Jena) (2) 154 (1964) 267-78
        7- M. Piattelli, L. Minale, R.A. Nicolaus, Further research on betaxanthins, Rendiconto dell’Accademia delle Scienze Fisiche e Matematiche Naples 32 (1965) 55-6
        8- S.D. Brown, J.L.Jr. Massingill, J.E. Hodgkins, Cactus alkaloids, Phytochem. (11) 7 (1968) 2031-6
        9- H. Wagner, J. Grevel, New cardioactive drugs. II. Detection and isolation of cardiotonic amines with ion-pair HPLC, Planta Medica (1) 44 (1982) 36-40
        10- H. Petershofer-Halbmayer, O. Kubelka, J. Jurenitsch, W. Kubelka, Isolation of hordenine ("cactine") from Selenicereus grandiflorus Britt. + Rose and Selenicereus pteranthus (Link + Otto) Britt. + Rose, Scientia Pharmaceutica (1) 50 (1982) 29-34
        11- T.A. Salt, J.E. Tocker, J.H. Adler, Dominance of delta 5-sterols in eight species of the Cactaceae, Phytochem .(3) 26 (1987) 731-3
        12- N. Matsuura, The analysis of the aroma ingredients of the flower of Queen of the Night (Epiphyllum oxypetalum Haw.), Koryo 214 (2002) 129-33
        13- S.S. Chatterjee, M. Noeldner, K. Schoetz, Use of plant  extracts containing rutin and isorhamnetin for treating depressive states and depression and other emotional disorders, PCT Int. Appl. WO 2004078189 (2004) 18 tr.
        14- N. Tel-Zur, S. Abbo, D. Bar-Zvi, Y. Mizrahi, Clone identification and genetic relationship among vine cacti from the genera Hylocereus and Selenicereus based on RAPD analysis, Scientia Hortic. (Amsterdam) (1-4) 100 (2004) 279-89
        15- S. Suzaki, Moisturizing effect of Gekkabijin (Epiphyllum oxypetalum Haw.) extract, Frag. J. (10) 33 (2005) 51-6

Võ Quang Yến
23 tháng 12 năm 2009

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art