Chủ Nhật, 10 Tháng Sáu, 2012

Măng Cụt, giáng tiên mùa Đông

“Mùa đông về dằng dặc trong tiếng động nghìn trùng của mưa trên lá. Tưởng không còn gì để trông ngóng ở khu vườn trước lúc sang xuân, thì đến tháng mười một, măng cụt chín, như một quả vui đột xuất cuối năm. Đây là mùa thu hoạch chính của những khu vườn vùng Kim Long. Quả măng cụt, người Huế còn gọi là trái giáng châu, lúc chín màu tím sẫm, ở rốn quả nổi lên một hình hoa nhỏ, nhìn hoa có bao nhiêu cánh thì biết bên trong có bao nhiêu múi. Hình như nó chẳng có tác dụng gì cả ngoài việc khiến người ta ưa nhìn đến nó, giống như hạt cúc giả trên áo phụ nữ, vì thế bà Lan Hữu tạm giải thích rằng đó là cái bản năng tự trang sức của thiên nhiên ở nơi cây măng cụt” (5). 
        Cây măng cụt người Tàu gọi là sơn trúc tử tuy nó không mọc bên Trung Quốc, người Huế gọi gọn nhẹ cây  măng, mang tên khoa học Garcinia mangostana L., thuộc họ Bứa Guttiferae. Người Pháp gọi nó mangoustanier, Anh Mỹ mangosteen, có khi manggis. Cách gọi nầy của người nước ngoài có ảnh hưởng gì đến tên của ta không vì phần lớn các cây Garcinia khác đều mang tên bứa : bứa lửa, bứa nhà, bứa mọi, bứa núi ? (1). Còn tên gọi đài các ở Huế là giáng châu, như ngọc trên trời ban xuống, thì có lẽ từ cung đình mà ra. “Thiết nghĩ cây măng cụt sống được trên đất Kim Long phải có từ lâu, có lẽ từ thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần khi mở đất tới xứ Đồng Nai, nếu không cũng phải thời Gia Long lên ngôi nhận sản vật hai miền cung tiến ra kinh đô. Bởi tương truyền giống măng cụt do bà Từ Dũ đem từ trong Nam ra...” (6). Giáng cũng còn có nghĩa đỏ tía, châu chỉ định một cây có lòng đỏ, một màu đỏ thắm như trong châu sa, châu tử, châu thần thì cách lấy tên nầy đặt cho măng cụt cũng dễ hiểu thôi.

        Cây măng cụt nguồn gốc Mã Lai, Nam Dương, từ  Malacca qua Moluku, ngày nay bắt gặp khắp Đông Nam Á, ở Ấn Độ, Myanmar cũng như ở Sri Lanka, Philippines, được các nhà truyến giáo đạo Gia tô di thực vào miền Nam nước ta (2), rồi trồng nhiều ở các tỉnh Tây Ninh, Gia Định, Thủ Dầu Một. Ở đây khí hậu cũng nóng ấm nên cây dễ mọc, nhưng nó không tiến được xa lên miền Bắc lạnh lẽo, xa lắm là đến tận Huế. Có người đã từng ngạc nhiên : “Cây măng cụt chẳng hạn, từ miền Đông Nam Bộ nó nhảy qua suốt một dải miền Trung rồi xuất hiện trở lại ở những khu vườn Huế” rồi thắc mắc “Riêng tôi vẫn thấy một điều lạ chưa giải đáp được về cây măng cụt ở Huế, sao chịu về đây để chín bằng mưa dầm gió bấc, sao chín được bằng sức đông lạnh của Huế ? Dầu sao, nhờ có mùa măng, vườn An Hiên vẫn giữ được phong độ qua buổi vạn vật tàn phai” (5). Cách thức thích ứng nầy của cây măng cụt với thời tiết đã gây ra một hiện tượng khá lạ. “Mùa măng cụt ở Huế lại so le với mùa măng cụt ở Nam Bộ. Vì vậy khi măng cụt miền Nam hút trái, giống trái cây nầy được nhiều người ưa chuộng, măng cụt Huế đang mùa trổ quả lại được buôn ngược vào trong Nam. Riêng người Huế thì ăn được cả hai mùa trái cây của hai miền đất nước. Có được điều đó hẳnh do phong thổ ở Huế khác hơn. Hiện nay vườn măng cụt ở Huế sai quả nhất Kim Long phải kể đến vườn ông Lê Tự Thái, mỗi gốc cây có tuổi đời già hơn tuổi của mấy đời chủ nhân... Măng cụt Nguyệt Biều trồng nhiều song người Huế vẫn chuộng trái của vườn Kim Long ” (6).

        Măng cụt là một loại cây to, có thể cao tới 20-25m. Lá dày, dai, màu lục sẫm, hình thuôn dài. Hoa đực cụm 3-9 hoa có lá bắc. Hoa lưỡng tính có cuống có đốt. Quả hình cầu, to bằng quả cam trung bình, vỏ ngoài màu đỏ tím dày cứng, trong đỏ tươi như rượu vang, dày xốp, phía dưới có lá dài, phía đỉnh có đầu nhụy. Trong quả có từ 6 đến 18 hạt, quanh hạt có áo hạt trắng, ăn ngọt thơm ngon (2,4). Như các loại quả khác, măng cụt ngọt nhờ có nhiều chất đường : sucrose, fructose, glucose và có thể cả maltose (8). Nó thơm nhờ một số lớn các chất dễ bốc hơi. Phổ sắc ký lỏng tinh dầu chiết xuất phát hiện khoảng 50 hóa chất hữu cơ, trong số ấy hơn 30 chất đã được xác định (19). Nhiều nhất là (%) hexenol (27,27), tương đối ít hơn là octan (14,76) đứng trước hexyl acetat (7,87), a-copaen (7,28), aceton (5,65), furfural (4,89), hexanol (4,38), methyl butenon (4,34), toluen (2,80). Những chất khác đều dưới 2% nhưng góp phần với các chất trên cấu thành hương vị của măng cụt. Ngoài hexyl acetat và hexenyl acetat đặc biệt của măng cụt, mùi trái cây là do các chất hexenal, hexanol, a-bisabolen mà ra, thêm vào mùi xoài với a-copaen, mùi hoa lài với furfuryl methylceton, mùi huệ dạ hương với phenyl acetaldehyd, mùi cỏ với hexenol, hexanal, mùi cỏ héo với pyridin, mùi lá ướt với xylen, mùi hoa khô với benzaldehyd, mùi hồ đào với d-cadinen. Aceton, ethyl cyclohexan đóng góp tính chất dịu ngọt trong lúc toluen, a-terpinol đem lại mùi đường thắng, methyl butenol, guaien mùi dầu, valencen đặc biệt mùi mứt cam. Đáng để ý là nếu furfurl methylceton cống hiến hương thơm dễ chịu thì furfural lại cho thoáng vào một mùi hôi khó ngửi. Qua ví dụ một trái măng cụt, ta thấy hương vị thiên nhiên quả là phức tạp.
        Áo hạt măng cụt không thấy được khảo cứu. Phần lớn các công tác đều hướng về vỏ quả. Thành phần chính đã được xác định là một loạt xanthon mà những chất chính là mangostin (8,9,10), a-mangostin (32,33,34), b-mangostin (8,9,10), g-mangostin (9,32,35), những isomangostin (26), normangostin (10) bên cạnh trioxyxanthon (18,27), pyranoxanthon (28), dihydroxy methyl butenyl xanthon (34), trihydroxy methyl butenyl xanthon (32), pyrano xanthenon (15). Những garcinon A (17,20), B (17,20,32), C (17,20) , D (24), E (32,34), mangostinon (34), garcimangoson A,B,C (49), gartanin (10,11,25) , egonol (32), epicatechin, procyanidin từ măng cụt nguồn gốc Việt Nam (33), benzophenon glucosid (14) tuy số lượng ít cũng đã được tìm ra. Cũng có một vài bản báo cáo trình bày thành phần hóa học của lá măng cụt. Bên cạnh protein (7,8%), tanin (11,2%), đã được xác định những trihydroxy methoxy methyl butenyl xanthon (25), ethyl methyl maleimid glucopyranosid (37), cùng những triterpenoid như cycloartenol, friedlin, b-sitosterol, betulin, mangiferadiol, mangiferolic acid, cyclolanostendiol (30), hydroxy cyclolanostenon (31). Từ ruột thân cây, tetrahydroxy xanthon và dẫn xuất O-glucosid của nó cùng pentahydroxy xanthon, maclurin, cũng đã được tìm ra (12). Còn tử y thì chứa đựng mangostin, những calaba xanthon, dihydroxy và trihydroxy dimethyl allyl xanthon (26).

        Trái măng cụt thơm ngon cũng còn cống hiến nhiều môn thuốc. Từ lâu, ở Á châu, bên Ấn Độ, hệ thống khoa học đời sống ayurvedic đã kê nó vào nhiều thang thuốc cổ truyền, đặc biệt chống viêm, chữa tiêu chảy, ức chế dị ứng, làm giản phế quản trong cuộc điều trị hen suyển (27).  Nó cũng được xem như là những thuốc chống dịch tả, bệnh lỵ (15), kháng vi khuẩn, kháng vi sinh vật, chống suy giảm miễn dịch (31). Người Thái dùng nó để chữa vết thương ngoài da (31). Người Mã Lai, Phi Luật Tân dùng nước sắc vỏ chữa lỵ, đau bụng, đi tiêu lỏng, bệnh vàng da (2). Theo Đông y, vỏ quả măng cụt có vị chua chát, tính bình, đi vào hai kinh phế và đại tràng, có công năng thu liễn, sáp trường, chi huyết, dùng trị tiêu chảy, ngộ độc chất ăn, khi bệnh thuyên giảm thì thôi, dùng lâu sinh táo bón (3). Cách thức dùng tương đối dễ : bỏ vỏ quả măng cụt khô (60g) vào nước (1.200 ml), có thể thêm hạt mùi (5g), hạt thìa lìa (5g), rồi đun sôi, sắc kỹ cho cạn chừng một nữa, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 120 ml. Nếu là người lớn, đau bụng, có thể thêm thuốc phiện (2). Những công tác khảo cứu mới cho biết những tính chất của vỏ trái : nhờ chất epicatechin, nó chống oxi hoá (55) ; nhờ những flavonoid, nó ức chế  hoạt động sản xuất acid của trùng Streptococcus mutans GS-5 (56) . Bên phân garcinon E thì có tính chất độc hại cho các tế bào gan, phổi, dạ dày (51) .

        Trong số các xanthon, hoạt chất được khảo cứu sâu rộng nhất là những mangostin. Chúng có tác dụng mạnh lên các vi khuẩn Staphylococcus aureus ở nồng độ 7,8µg/ml (21,23) , lên các nấm Fusarium oxysporum vasinfectum, Alternaria tenuis, Dreschlera oryzae (42), Trichophyton mentagrophytes, Microsporum gypseum (22,23), Epidermophyton floccosum ở nồng độ 1µg/ml (22), Mycobacterium tuberculosis ở nồng độ 6,25 µg/mL (52) . Đem thử trên heo và chuột, nó có khả năng ức chế hệ thống phân vệ tế bào bám dính miễn dịch (16). Đặc biệt a-mangostin ức chế Bacillus subtilis ở nồng độ 3,13µg/ml, Staphylococcus aureus NIHJ 209p chịu đựng methicillin ở nồng độ 1,57µg/ml, tác dụng tăng cường nếu cho thêm vào vannomycin (36). g-mangostin thì chống sự oxi hóa lipid (40), ức chế sự  sản xuất nitrit từ lipopolysaccharid do các tế bào đại thực gây ra (54) . Cả hai a- và g-mangostin đều có tính chất chống dị ứng ; thuốc viên rất hiệu nghiệm trên các bệnh nhân bị chứng sổ mũi mùa (43). Cả hai ức chế sự co của động mạch chủ trên ngực thỏ đã bị histamin và serotonin tác động (39). Nói chung, cả hai đều là những chất đối kháng thiên nhiên tác dụng của histamin, tức là những tác nhân điều trị đác lực những bệnh biến dị ứng (44). Hai chất nấy, chiết xuất từ măng cụt nguồn gốc Việt Nam, lại có khả năng khử gốc, kháng oxi hóa (33). Một phần chiết măng cụt gồm có mangostin và g-mangostin ức chế HIV-1 protease (IC50=5,12 và 4,81µM) (35) . 

        Đứng về mặt ứng dụng, măng cụt được dùng trong thuốc tẩy, thuốc đánh răng, mỹ phẩm có tính chất kháng vi sinh vật (53) . Một chất xanthon trộn lẫn với gartanin hay ergonol ức chế Helicobacter pylori đã được dùng để chữa ung thư, loét hay viêm dạ dày. a-mangostin có công hiệu trên Helicobacter pylori ở nồng độ 1,56µg/ml (38). a- và g-mangostin ức chế glucosyl transferase phát xuất từ trùng sâu răng Streptococcus sobrinus và collagenase do vi khuẩn viêm lợi Porphyromonas gingivalis gây chảy mũi nên được dùng trong thuốc đánh răng (50) , có khả năng ngừa chặn sâu răng và mảng răng (47). Mangosten được trộn với nhiều hóa chất khác như cetyl alcool, cetyl phosphat, dimethicon, eicosen, disodium, magnesium stearat, dipropylen glycol, triethanolamin,… để làm một loại thuốc bảo vệ chống ánh nắng mặt trời (45). Nhờ tính chất ức chế hoạt động phosphodiesterase, ở nồng độ 50µg/ml trong một dung dịch 5% dimethyl sulfoxyd, nó được dùng để làm thuốc kích thích tiêu mỡ (48). Sau cùng, cũng nên biết để trái măng cụt tránh bị rám nâu khi tích trữ trong tủ lạnh, nó cần phải được lắc lay một phút trong một dung dịch 0,25% calcim chlorid + 0,5% citric acid (29). 

        Một cô gái Huế sống tha hương bên chân trời Đức băng giá, không có cây măng cụt trong vườn và chắc cũng không có nhiều quả măng cụt trong tủ lạnh, một lần về thăm thành phố quê nhà đã đặc biệt rung cảm thưởng thức trái cây với tị triết lý : “Hãy lắng nghe tiếng động của quả Giáng Châu đang rơi trong vườn, để đừng hất hủi không về với Huế nghèo nàn trong buổi cuối đông. Giáng châu trên cành dù cho chín tới vẫn chưa phải là giáng châu, phải đợi một thời điểm nống ấm vừa tầm – như tiếng nhắc nhở của nắng sớm qua hương hoa mộc – giáng châu rơi xuống, chạm đất - phải “rơi và chạm” như một nghi lễ hành thâm, như sự cúi xuống của giọt nắng đầu tiên – đó là bí mật vị ngọt thanh khiết vô song của những múi giáng châu trinh nguyên, hái trên cành không chạm đất giáng châu vẫn còn giữ một vị chua chưa đủ xứng danh là viên ngọc của trời riêng tặng cho đất… Nếu chín trong lòng nắng không ấm không nồng làm sao giáng châu trở thành một giáng tiên trong mùa đông ở Huế ?” (7) . Trong giấc mơ nơi đất khách nghe tiếng giáng châu “rơi và chạm” vào đất, giật mình thức giấc, thế nào cô gái kia không nhớ được về vườn nhà sai quả êm dịu trong ánh nắng mùa thu !

Xô thành, mùa giáng châu vườn Huế
Trích  Nghiên cứu và Phát triển số 4(38) 2002 (có bổ túc tài liệu)


        Tài liệu
        Đại cương
        1- Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ miền nam Việt Nam, Bộ Giáo Dục, Trung tâm Học liệu, Sài Gòn (1970)  267
        2- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội (1986) 442
        3- Bùi Kim Tùng, Món ăn bài thuốc II, Sở Khoa học Công nghệ Môi trường tỉnh Bà Rịa–VũngTàu  (1996) 40 
        4- Lê Trần Đức, Cây thuốc Việt Nam, nxb Nông nghiệp, Hà Nôi  (1997) 718
        5- Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoa trái quanh tôi trong Huế, Di tích và con người, nxb Thuận Hóa, Huế (1995) 
        6- Nguyễn Hoài Hương, Kim Long - Vườn xanh xứ Huế, Nhớ Huế 8 - Huế mùa xuân, nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh  (2000) 131
        7-Thái Kim Lan, Nắng Phú Xuân, Diễn Đàn forum, Paris (2) (2002) 43

        Khảo cứu
        8- G.S. Siddappa, B.S. Bhatia, The identification of sugars in fruits by paper chromatography, Indian J. Hort. 11 (1954) 19-23
        9- A. Jefferson, A.J. Quillinan, F. Scheinmann, K.Y. Sim, Isolation of g-mangostin from Garcinia mangostana, and preparation of the natural mangostins by selective demethylation, Aust. J.Chem. 23(12) (1970) 2539-53
        10- T.R. Govindachari, P.S. Kalyanaraman, N. Muthukumaraswamy, B.R. Pai, Isolation of three new xanthones from Garcinia mangostana, Indian J.Chem. 9(5) (1971) 505-6
        11- T.R. Govindachari, P.S. Kalyanaraman, N. Muthukumaraswamy, B.R. Pai, Xanthones of Garcinia mangostana, Tetrahedron  27(16) (1971) 3919-26
        12- D.M. Holloway, F. Scheinmann, Phenolic compounds from the heartwood of Garcinia mangostana, Phytochemistry 14(11) (1975) 2517-8
        13- C.S. James, C.T. Thomas, N. Kunjikutty, A note of the chemical composition and tannic acid content of the locally available tree leaves, Kerala J. Vet. Sci. 8(2) (1977) 247-9
        14- C.T. Du, F.J. Francis, Anthocyanins of mangosteen, Garcinia mangostana, J. Food. Sci. 42(6) (1977) 1667-8
        15- A.K..Sen, K.K. Sarkar, P.C. Mazumder, N. Banerji, R. Uusvuori, T.A. Hase, A xanthone from Garcinia mangostana, Phytochemistry 19(10) (1980) 2223-5
        16- C. Gopalakrishnan, D. Shankaranarayanan, L. Kameswaran, S.K. Nazimudeen, Effect of mangostin, a xanthone from Garcinia mangostana Linn, in immunopathological and inflammatory reactions, Indian. J. Exp. Biol. 18(8) (1980) 843-6
        17- A.K.. Sen, K.K. Sarkar, P.C. Mazumder, N. Banerji, Isolation of tree new minor xanthones from Garcinia mangostana Linn., Indian J. Chem., Sect. B  19B (11) (1980) 1008
        18- A.K.. Sen, K.K. Sarkar, P.C. Mazumder, N. Banerji, Minor xanthones of Garcinia mangostana, Phytochemistry  20(1) (1981) 183-5
        19- A.J. MacLeod, N.M. Pieris, Volatile flavor components of mangosteen, Garcinia mangostana, Phytochemistry  21(1) (1982) 117-9
        20- A.K..Sen, K.K. Sarkar, P.C. Mazumder, N. Banerji, R. Uusvuori, T.A. Hase, The structure of garcinones A, B, and C : three new xanthones from Garcinia mangostana, Phytochemistry 21(7) (1982) 1747-50
        21- W. Mahabusarakam, S. Phongpaichit, C. Jansakul, P. Wiriyachitra, Screening of antibacterial activity of chemicals from Garcinia mangostana, Warasan Songkhla Nakkharin 5(4) (1983) 337-9
        22- W. Mahabusarakam, S. Phongpaichit, P. Wiriyachitra, Screening of antifungal activity of chemicals from Garcinia mangostana, Warasan Songkhla Nakkharin 5(4) (1983) 341-2
        23- W. Mahabusarakam, P. Wiriyachitra, S. Phongpaichit, Antimicrobial activities of chemical constituents from Garcinia mangostana Linn., J. Sci. Soc. Thailand, 12(4) (1986) 239-43
        24- A.K..Sen, K.K. Sarkar, P.C. Mazumder, N. Banerji, Garcinone D, a new xanthone from Garcinia mangostana Linn., Indian J. Chem., Sect. B  25B (11) (1986) 1157-8 
        25- M. Parveen, N. Ud-Din Khan, A new isoprenylated xanthone from Garcinia mangostana Linn., Chem. Ind. (London) (12) (1987) 418
        26- W. Mahabusarakam, P. Wiriyachitra, W.C. Taylor, Chemical constituents of Garcinia mangostana, J. Nat. Prod. 50(3) (1987) 474-8
        27- K. Balasubramanian, K. Rajagopalan, Novel xanthones from Garcinia mangostana, structures of BR-xanthone-A and BR-xanthone-B, Phytochemistry  27(5) (1988) 1552-4
        28- M. Parveen, N. Ud-Din Khan, Two xanthones from Garcinia mangostana, Phytochemistry 27(11) (1988) 3694-6
        29- P. Sophanodora, C. Sripongpunkul, Prevention of browning in frozen mangosteen, Warasan Songkhla Nakkharin 12(3) (1990) 289-94
        30- M. Parveen, N. Ud-Din Khan, B. Achari, P.K. Dutta, Tritexpenoids from Garcinia mangostana, Fitoterapia 61(1) (1990) 86-7
        31- M. Parveen, N. Ud-Din Khan, B. Achari, P.K. Dutta, A triterpene from Garcinia mangostana, Phytochemistry  30(1) (1991) 361-2
        32- S. Sakai, M. Katsura, H. Takayama, N. Aimi, N. Chokethaworn, M. Suttajit, The  structure of garcinone E, Chem. Pharm. Bull. 41(5) (1993) 958-60
        33-  M. Yoshikawa, E. Harada, A. Miki, K. Tsukamoto, Antioxidant constituents from the fruit hulls of mangosteen (Garcinia mangostana) originating in Vietnam, Yakugaku Zasshi 114(2) (1994) 129-33
        34- F. Asai, H. Tosa, T. Tanaka, M. Iinuma, A xanthone from pericarps of Garcinia mangostana, Phytochemistry  39(4) (1995) 943-4
        35- S.X. Chen, M. Wan, B.N. Loh, Active constituents against HIV-1 protease from Garcinia mangostana, Planta Med. 62(4) (1996) 381-2
        36- M. Iinuma, H. Tosa, T. Tanaka, F. Asai, Y. Kobayashi, R. Shimano, K.I. Miyauchi, Antibacterial activity of xanthones from guttiferaeous plants against methicillin-resistant Staphylococcus aureus, J. Pharm. Pharmacol. 48(8) (1996, 861-5
        37- D. Krajewski, G. Toth, P. Schreier, 2-Ethyl-3-methylmaleimide N-β -D-glucopyranoside from the leaves of mangosteen (Garcinia mangostana), Phytochemistry 43(1) (1996) 141-3
        38- H. Hasegawa, S. Sakai, N. Aimi, H. Takayama, T. Koyano, Helicibacter pylori inhibitors containing xanthones from Garcinia mangostana, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 08231396 A2 19960910 Heisei  (1996) 5tr.
        39- N. Chairungsrilerd, K.I. Furukawa, T. Ohta, S.Nozoe, Y. Ohizumi, Histaminergic and serotonergic receptor blocking substances from the medical plant Garcinia mangostana, Planta Med. 62(5) (1996) 471-2
        40- M. Yoshikawa, T. Yoshizumi, Natural antioxidant g-mangostin isolation from mangosteen, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 08225783  (1996) 6tr.
        41- M. Iinuma, M. Yamada, Antibacterial agents containing xanthones for Gram-negative bacteria, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 09110688 A2 19970428 Heisei  (1997) 5tr.
        42- G. Gopalakrishnan, B. Banumathi, G. Suresh, Evaluation of the antifungal activity of natural xanthones from Garcinia mangostana and their synthetic derivatives, J. Nat. Prod. 60(5) (1997) 519-24
        43- K. Oizumi, K. Furukawa, , N. Chiranshilart, T. Ota, S. Nozoe, Antiallergic agents containing extracts of Garcinia mangostana pericap or magostin, and antiallergic foods containing them, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 10072357 A2 19980317 Heisei  (1998) 6tr.
        44- Y. Ohizumi, Search for receptor blocking substances from natural resources and their pharmacological studies, Int. Congr. Ser. (1998) 1157 (Towards Natural Medecine Rexsearch in the 21st Century) 103-112
        45- J. Gedouin, R. Vallee, Sunscreen composition containing mangostin, Fr. Demande FR 2754447 A1 19980417  (1998) 12tr.  
        46- S. Wahyuono, P. Astuti, W.T. Artama, Characterization of bioactive substance, a-mangosten, isolated from the hull of Garcinia mangostana L., Maj. Farm. Indones 10(3) (1999) 127-34
        47- K. Oshima, T. Mitsunaga, Glucosyl transferase inhibitors from plant extracts for dentifrice, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 11343247 A2 19991214 (1999) 9tr.
        48- J. Gedouin, R. Vallee, Use of cosmetic compositions containing a substance with a pyrone group, Fr. Demande FR 2 7774 905 (1999) 18tr.
        49- Y.L. Huang, C.C. Chen, Y.J. Chen, R.L. Huang, B.J. Shieh, Three xanthones and a benzophenone from Garcinia mangostana, J. Nat. Prod.  64(7) (2001) 903-6 
        50- K. Miyazaki, K. Osawa, Food and dentifrice containing anticaries and anti-pyorrhea agents, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2001247469 A2 2660911 (2001) 8tr.
        51- C.K. Ho, Y.L. Huang, C.C. Chen, Garcinone E, a xanthone derivative, has potent cytotoxic effect against hepatocellular carcinoma cell lines, Planta Medica 68(11) (2002) 975-9
        52 - S. Suksamrarn et all., Antimycobacterial activity of prenylated xanthones from the fruits of Garcinia mangostana, Chem. Pharm. Bull.(Bangkok) 51(7) (2003) 857-9
        53-Y. Kato, S. Hosoda, Mangosteen extracts, their preparation, and antimicrobial deodorant agents containing them, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2003231607 A2 20030819  (2003) 9tr
        54- C.C. Wang, L.G. Chan, I.H. Lin, L.L. Yang, Inducible nitric oxide synthase inhibitors of Chinese herbs IV : Garcinia mangostana, Abstracts of Papers, 228th ACS National Meeting, Philadelphia, PA, USA, August 22-26 (2004)
        55- J. Feng, T. Yamakuni, E. Katoh, S. Hosoda, Y. Ohizumi, Potent oxidative activity of unripe fruits of Garcinia mangostana L., Nat. med. (Tokyo) 58(4) (2004) 156-9
        56- Nguyen Thi  Mai Huong, Phan Tuan Nghia, Nguyen Thi Ngoc Dao, Do Ngoc Lien, Polyphenolic component of fruit skin of Garcinia mangostana L. and inhibitory effect on acid production by Streptococcus mutans GS-5, Tap Chi Duoc Hoc 44(6) (2004) 18-21

Võ Quang Yến
E-Mail: voquangyen@khoahoc.net
29 tháng 9 năm 2005

Bài viết khác