III. Một dân tộc được ghi dấu với địa dư độc đáo
Mở bản đồ Trung Đông ra ghi nhận xem biển và sa mạc ở đâu. Điều này giải thích nhiều nền văn minh phát sinh ra và khai triển nơi ba vùng chính, trong những đồng bằng và thung lũng.
1. Những nền văn minh lớn
Phía nam, trong lưu vực sông Nil, từ 3000 năm trước công nguyên, Ai cập đã là một cường quốc, có nhiều triều đại do các vua gọi là Pha-ra-on cai trị. Kinh đô khi ở miền bắc (Mem-phis), khi thì miền nam (Thebes). Các sử gia thường chia lịch sử Ai-cập theo các triều đại vua Pha-ra-on. Vì vậy, biến cố Xuất hành rất có thể xảy ra dưới triều đại Pha-ra-on thứ 19 tức là khoảng năm 1250.
Phía bắc trên cao nguyên Tiểu Á có dân Hít-tít sống rất phồn thịnh. Thế lực trải dài trong vòng 1500 năm, rồi sa sút dần và biến mất vào thời đại Thánh Kinh.
Phía đông là vùng Lưỡng-Hà (Mesospotamos, tiếng Hy lạp nghĩa là giữa hai con sông), cũng còn gọi là vùng Lưỡi Liềm trù mật. Nơi đây, nhiều nền văn minh rực rỡ chen nhau mọc lên, tiếp nối nhau rồi biến đi, mấy thế kỷ sau mới hiện hình trở lại. Đó là các nền văn minh SUMER, AKKAD và BABYLONE ở phía nam, ASSYRIE ở phía bắc. Hiện nay là lãnh thổ xứ I-rắc.
Đi về phía đông là I-ran hiện tại, sẽ xuất hiện hai nền văn minh MEDES và PERSES (Ba Tư).
Nhiều dân tộc khác đến từ phía tây, từ Âu châu ngày nay, xâm chiếm Trung Đông : Đó là người Hy lạp ba thế kỷ trước công nguyên, rồi người La mã hai thế kỷ trước công nguyên. Điều gì đã xảy ra khi nhiều văn minh lớn gần nhau ? Họ đã chống chọi nhau ! Cựu ước thường ghi : "Khi mùa xuân trở lại, khi các vua chúa lên đường chinh chiến..."; cũng như chúng ta thường nói : "khi mùa thu đến, ta đi săn...". Nhưng một khi muốn đánh nhau, thì họ phải đi gặp nhau hay đi tới xứ của kẻ khác, vì thế họ phải đi qua ngõ hẹp giữa Địa Trung Hải và sa mạc A-ra-bie.
Điều bất lợi duy nhất cho dân tộc nhỏ bé gọi là xứ Ít-ra-en lại nằm trên đường hành lang của các đế quốc trên. Bây giờ ta hiểu đời sống, vận mệnh, văn hóa Ít-ra-en bị lệ thuộc vào những cường quốc trên. Ít-ra-en nằm như trái độn giữa những cường quốc, và bị nước này hay nước nọ lấy làm tiền đồn, và họ cũng cố gắng ký giao ước với các lân bang trong dòng lịch sử.
2. Đất Ca-na-an.
Khi nói đến Ca-na-an trong Thánh Kinh tức là nói đến một xứ sở hay một dân tộc. Đất Ca-na-an bao gồm lãnh thổ xứ Pa-les-tine ngày nay, chia theo bề dọc thành nhiều miền. Dọc theo Địa Trung Hải có một cánh đồng dài bị núi Car-mel cắt ngang ra làm hai. Miền giữa có cao nguyên Ga-li-lê và vùng đồi núi Sa-ma-rie và Giu-đa. Sau cùng phía tây là vùng thung lũng kỳ lạ của sông Gio-đan. Ta chú ý mực nước : sông bắt nguồn từ chân núi Her-mon, 200m cao hơn mặt biển. Tới hồ Hu-lê, còn cao 68m hơn biển, nhưng khi chảy đến hồ Ti-bé-ri-a-de cách đấy chừng 15 cây số, đã ở 212m thấp hơn mặt biển, và khi đổ vào Biển Chết lại nằm 392m dưới mặt biển.
Chính trên đất này vào thế kỷ thứ 12 trước công nguyên, nhiều chi tộc đến định cư, năm 1000 họ trở thành vương quốc Đa-vít và Sa-lô-môn. Khi vua Sa-lô-môn băng hà, vương quốc thống nhất nổ tung làm hai : miền nam trở nên vương quốc Giu-đa lấy thành Giê-ru-sa-lem làm thủ đô; miền bắc trở thành vương quốc Ít-ra-en với thủ đô mang tên Tir-ça sau đó là Sa-ma-rie.
Cũng ở vào khoảng thế kỷ thứ XII, có người Phi-lít-tin đến cư ngụ tại bờ Địa Trung Hải ở phía nam. Vào khoảng vài thế kỷ trước công nguyên, người Hy lạp gọi miền này là xứ Pa-les-tine hay xứ của dân Phi-lít-tin. Có một tiểu vương quốc khác sẽ giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử It-ra-en : đó là xứ Da-mas.
Chúng ta đoán thấy lịch sử Ít-ra-en sẽ dựa vào lịch sử các dân tộc khác. Chúng ta sẽ xem bằng cách nào tư tưởng và não trạng dân Ít-ra-en sẽ được đánh dấu qua những nền văn minh khác.