Thứ Năm, 26 Tháng Giêng, 2023

Tại sao người Việt mừng Tết con mèo, không phải thỏ như Trung Quốc?

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) - Theo Âm lịch, người Việt Nam năm nay đón mừng Tết Quý Mão, tiếp theo năm Nhâm Dần vừa hết, trong khi người Trung Quốc chào mừng năm con thỏ.

Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Trung Quốc. Lịch pháp qua bao thế kỷ cũng theo lịch pháp Trung Quốc với thập can, thập nhị chi dựa trên quan niệm âm dương ngũ hành, đánh dấu một chu kỳ 12 năm tượng trưng bằng 12 con vật.

Tại sao người Việt mừng Tết con mèo, không phải thỏ như Trung Quốc? - 1
Công nhân trồng hoa phía trước tượng mèo bên bờ Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội chuẩn bị Tết Quý Mão.(Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)


Thập Thiên Can (10 Thiên Can) bao gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Đi trọn một đại chu kỳ phối hợp giữa thiên can (10) và địa chi (12) kéo dài 60 năm.

Tuy có nguồn gốc lâu đời ảnh hưởng Trung Quốc, Thập nhị chi trong lịch pháp Việt Nam tượng trưng theo thứ tự là tí (chuột), sửu (trâu), dần (cọp), mão (mèo), thìn (rồng), tị (rắn), ngọ (ngựa), mùi (dê), thân (khỉ), dậu), tuất (chó), hợi (heo/lợn).

Tuy nhiên, trong lịch pháp Trung Hoa, năm con bò khi chuyển sang lịch pháp Việt Nam lại thành con trâu, còn năm biểu tượng với con thỏ khi xuất hiện trong lịch pháp Việt Nam lại biến thành con mèo. Không ai biết đích xác tại sao lại có sự thay đổi như vậy. Cũng không thấy có một tài liệu hay bằng chứng lịch sử nào giúp giải thích cụ thể.

Trên đường phố tại Việt Nam, năm ngoái là nam con cọp thì hình ảnh cọp thấy khắp nơi. Năm nay, người ta thấy hình ảnh con mèo được làm thành tượng khổng lồ bầy ở công viên, vẽ thành những tấm tranh lớn treo trong nhà.

Nguyễn Hiếu Tín, một chuyên viên về văn hóa, phong tục cổ truyền Việt Nam giải thích với nhà báo AFP rằng sự khác biệt giữa con thỏ và con mèo trong Âm lịch một số nước gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam có thể nằm ở vấn đề trồng lúa.

Trung Quốc rộng lớn có những thảo nguyên, cánh đồng cỏ mênh mông, nơi loài thỏ phát triển sung mãn nên thỏ được dùng làm biểu tượng trong lịch pháp. Dựa trên thực tiễn của cuộc sống văn minh lúa nước, ruộng đồng của nông dân Việt Nam bị chuột cắn phá thường xuyên nhưng có giống mèo giúp người ta bảo vệ nguồn sống, trừ diệt cái tai ách đó nên mèo được dùng là biểu tượng.

Một cách giải thích khác là người ta không muốn hai năm liền có biểu tượng gần giống nhau. Hình dạng con mèo gần với con thỏ, trong khi phát âm “mao” nghĩa là con thỏ trong tiếng Trung Hoa thì lại gần với tiếng “meo” là tiếng kêu tượng thanh của con mèo trong tiếng Việt.

Năm mèo được coi là năm tốt, mang đến nhiều thuận lơi trong đơi sống cho người ta hay không? Một trang mạng bói toán có tên “vansu.net” cho rằng người phụ nữ sinh năm Quý Mão sang năm nay “gặp rất nhiều may mắn và thành công”. Thậm chí “Cả tiền vận, trung vận và hậu vận đều thảnh thơi, an nhàn hưởng phúc không phải muộn phiền bất cứ chuyện gì.”


Tại sao người Việt mừng Tết con mèo, không phải thỏ như Trung Quốc? - 2
Một sạp bán tranh ảnh mèo nhân dịp gần tết Quý Mão ở Hà Nội. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)


Còn đàn ông tuổi Quý Mão thì “có nhiều hay đẹp, mọi chuyện đều được như ý muốn. Sự nghiệp nhanh chóng được tạo dựng. Ở trung vận, gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Đến hậu vận được thảnh thơi hưởng phúc.”

Nhưng một số tờ báo tại Việt Nam đề cập tùy từng tuổi con mèo, người ta đều “đối diện nhiều khó khăn, bất ổn dồn dập trong cuộc sống” mà “tai ương có thể ập đến bất cứ lúc nào. Những người ở trong vòng hạn tuổi thì “tai ương bủa vây, công danh sự nghiệp chững lại, kế hoạch dễ đổ bể. Biến động về công việc khá nhiều…”

Hãng tin AFP phỏng vấn một người khác là dân làm văn phòng ở Hà Nội. Bà này cho biết bà chẳng quan tâm đến sự khác biệt giữa biểu tượng âm lịch của Việt Nam khác với các nước khác. Trong khi đó, bà tin rằng những người sinh vào năm Mão như bà thường là người năng động hơn, làm việc kiếm sống cần cù và cũng dễ hòa hợp với mọi người.

TN

https://www.nguoi-viet.com/

Bài viết khác