Trường nữ trung học Gia Long còn được gọi là trường Nữ Sinh Áo Tím vì trước năm 1953, đồng phục của trường là áo dài tím. Màu áo dài tím tồn tại ở ngôi trường này trong suốt 38 năm, kể từ năm 1915 khi trường được đưa vào hoạt động. Và 22 năm tiếp theo, từ 1953 cho đến cuối Tháng Tư năm 1975, màu áo đồng phục của trường là áo dài trắng với phù hiệu của trường là hoa mai vàng, đây là quyết định của cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Châu, người Việt đầu tiên làm hiệu trưởng, cũng là cựu học sinh áo tím của trường.
Cũng từ năm 1953, khi tiếng Việt được dùng trong mọi cơ sở của người Việt Nam, trường đã được đổi tên là trường nữ trung học Gia Long, chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp được đổi hoàn toàn sang tiếng Việt, với hai ngoại ngữ được giảng dạy là tiếng Pháp và tiếng Anh.
Những cựu nữ sinh Gia Long đầu tiên mặc áo dài trắng của trường nếu vẫn còn sống thì năm nay đã trên 80 tuổi, và những cựu nữ sinh cuối cùng của ngôi trường mang tên Gia Long (niên khóa 1974-1975) năm nay đã 60 tuổi. Những cựu nữ sinh ấy chắc hẳn vẫn còn nhớ da diết về ngôi trường một thời đã đi vào những vần thơ chép tay và những giai điệu trữ tình.
Cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Phạm Duy đã gọi tên nữ sinh Gia Long trong bài hát “Con Đường Tình Ta Đi”. Bài hát này một thời làm xao xuyến bao trái tim của nam thanh nữ tú – học sinh Sài Gòn trước năm 1975. Lời bài hát có đoạn:
Hỡi người tình Văn Khoa,
bóng người trên hè phố
Lá đổ để đưa đường,
hỡi người tình Trưng Vương.
Hỡi người tình Gia Long,
hỡi người trong cuộc sống
Con đường này xin dâng
cho người bình thường
Hỡi người tình xa xăm,
có buồn ra mà ngắm
Con đường thảnh thơi nằm,
nghe chuyện tình quanh năm…
Nếu nhạc sĩ Phạm Duy chỉ gọi tên “người tình Gia Long”, sau những cái tên “người tình Văn Khoa”, “người tình Trưng Vương”… thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã ưu ái hơn, khi viết riêng một bài hát về cô nữ sinh Gia Long, đó là nhạc phẩm “Cô Nữ Sinh Gia Long” dưới bút danh Phượng Linh.
Theo tác giả Jason Gibbs, tiến sĩ về Lý thuyết và Sáng tác âm nhạc Đại học Pittsburgh (Pennsylvania), nhà soạn nhạc, chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, trong bài viết “Nguyễn Văn Đông, đường đời mưa bay gió cuốn” đăng trên BBC Tiếng Việt ngày 23 Tháng Ba 2018, cho biết Nguyễn Văn Đông là sĩ quan quân đội, là nhạc sĩ sáng tác, nhưng đồng thời ông cũng là một thương nhân, từng lập ra một số hãng đĩa và nhà xuất bản. Nguyễn Văn Đông không chỉ sáng tác tân nhạc mà còn viết nhạc nền và làm đạo diễn cho khoảng 50 tuồng cải lương với trái tim dạt dào cảm xúc, mà ông Jason Gibbs đánh giá là “trong nửa đời sản xuất 43 năm, ông đạt được những thành công phi thường”.
Phượng Linh là một bút danh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, được ông ký khi sáng tác những ca khúc thể loại phổ thông dành cho đại chúng như Đom Đόm, Khi Đã Yêu, Thầm Kín, Cay Đắng Tình Đời, Đoạn Tuyệt…, nόi lên tâm sự người thiếu nữ và sự dang dở trong tὶnh yêu.
Tuy vậy, những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nói chung và bản “Cô Nữ Sinh Gia Long” nói riêng không theo giai điệu Bolero như những sáng tác vào thời đó mà mang một làn gió mới thổi vào hồn người nghe cảm xúc bềnh bồng, bay bổng. Khi lắng nghe những bản nhạc của ông, khán giả mường tượng ca từ tuôn ra như một làn sương mỏng đang bay lên trước mặt, ca từ trước nâng ca từ sau dần dần bay lên, quyện với tiết tấu da diết, phả vào lòng người nghe cảm xúc mát dịu.
Bản nhạc “Cô Nữ Sinh Gia Long” được ông sáng tác trong tờ nhạc ghi ngày 9 Tháng Bảy năm 1966, với nhịp điệu Slow Rock, được trình bày lần đầu tiên qua hai giọng ca Chế Linh và Diệu Thanh trong dĩa hát Continental số 23 phát hành trước năm 1975.
Cách đây năm năm, Paris By Night đã giới thiệu bản “Cô Nữ Sinh Gia Long” với lời đề “Tưởng Nhớ Cố Nhạc Sĩ Đại Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Đông” khi ông từ trần vào Tháng Hai 2018. Phiên bản này được ca sĩ Ngọc Ngữ và Châu Ngọc Hà song ca rất ăn ý và mượt mà.
“Cô Nữ Sinh Gia Long” tưởng như chỉ được nữ sinh Gia Long và người mến mộ nữ sinh Gia Long yêu thích, thế nhưng ca từ và giai điệu của nhạc phẩm đã vượt ra khỏi ngôi trường. Nhạc phẩm đã phác họa trọn vẹn mối tình hậu phương – tiền tuyến, nói lên tâm tình của các cô nữ sinh thơ ngây luôn biết ơn “người trai lính chiến”, cũng như thể hiện tâm tư của người chiến sĩ bảo vệ nền cộng hòa, sẵn sàng chấp nhận “phong sương dãi dầu” để “tô màu thắm sắc ấy”.
Sau 57 năm ra đời, nhạc phẩm “Cô Nữ Sinh Gia Long” không chỉ được những ca sĩ chuyên nghiệp trình bày mà còn được thể hiện bằng những giọng ca không chuyên. Biết đâu họ chính là nữ sinh Gia Long, đang ôn lại kỷ niệm một thời với ngôi trường, với “người trai lính chiến”, với tình cảm thật đẹp?
Tình cảm của các nữ sinh Gia Long dành cho những quân nhân ngoài chiến trận thể hiện trong những bó hoa gửi tặng các anh. Còn khi “non sông thái hòa”, cũng là lúc các anh tìm về mái trường để cảm ơn lại những cô nữ sinh Gia Long trong tà áo trắng tinh khôi, bằng những bông hoa mà các anh hái từ chiến trường… Có biết bao mối tình nảy sinh giữa nữ sinh Gia Long và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa thời ấy sau bài hát này?
1.Đường xa cô gái Gia Long về đâu,
Dừng chân cho nhắn thăm cô vài câu
Bao cô dưới cùng mái trường
Khi xưa đã tặng hoa mừng
Nay có còn theo bút nghiên không?
2.Người trai lính chiến em hằng chờ mong,
Ngày vui sông núi anh lập đầu công.
Hoa xưa vẫn vẹn sắc màu
Trao anh chiếm đoạt công đầu
Một bóng hình em đã ghi sâu…
ĐK: Thân trai chiến trường đời phong sương dãi dầu
Để tô màu thắm sắc ấy.
Non sông thái hoà đem hoa khắp nhà,
Nhớ ơn người lính trai quốc gia.
… Này cô xuân nữ Gia Long thành đô,
Màu hoa thép súng xin dành tặng cô.
Hoa em vẫn vẹn sắc màu
Trao anh chiếm cả tấm lòng
Một sắc màu em đã ghi sâu…
Không chỉ những thế hệ trước 1975 mới yêu thích bản nhạc “Cô Nữ Sinh Gia Long” mà cả lớp khán giả “hậu sinh” sau 1975 – chẳng có ký ức gì về ngôi trường, cũng thích ngay khi nghe bài hát này lần đầu tiên, vì giai điệu mượt mà và ý nghĩa sâu lắng, tích cực của ca từ.
Một bài hát đã chiếm được cảm tình của khán giả từ thế hệ này qua thế hệ khác thì đúng là một ca khúc vượt không gian và thời gian.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ cuối Tháng Tư 1975, khi ngôi trường Gia Long bị mất tên, phải khoác lên cái tên “khác lạ” là Nguyễn Thị Minh Khai, và từ niên khóa 1978-1979 cũng không chỉ dành riêng cho nữ sinh nữa mà đã thâu nhận cả nam sinh. Từ niên khóa đó, trường cũng bỏ luôn các lớp 6-7-8-9 mà chỉ đón nhận học sinh từ lớp 10. Lịch sử trường nữ trung học Gia Long đã vĩnh viễn khép lại từ cuối Tháng Tư 1975.
Đối với thế hệ phụ nữ U70- U90 còn sống ở Sài Gòn hay đang sống ở hải ngoại, nếu đã từng học trường nữ trung học Gia Long trước 1975 thì họ vẫn có niềm hãnh diện không bao giờ phai về ngôi trường của mình. Thật ra, ngôi trường chỉ bị mất tên Gia Long trên giấy tờ, còn trong tâm tưởng, “cô nữ sinh Gia Long” vẫn là hình ảnh đẹp tuyệt vời, khắc ghi trong nhiều trái tim của những người thuộc thế hệ 4X, 5X, 6X.
Dù bị đổi tên, nhưng điều kỳ diệu là kiến trúc thời Pháp gần 100 năm qua của ngôi trường vẫn được bảo tồn tốt và sân trường vào buổi trưa hè nắng chói chang Tháng Sáu, vẫn còn đó cây phượng vĩ như một chứng tích, như cái hồn của ngôi trường Gia Long vẫn còn đó trong tâm tưởng…
… Hoa em vẫn vẹn sắc màu
Trao anh chiếm cả tấm lòng
Một sắc màu em đã ghi sâu.
Tidoo Nguyễn