Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Thánh Théophane : Thánh Tử Đạo Việt Nam

Lời giới thiệu :

     Thánh Théophane Vénard là một trong 117 vị tử đạo Việt Nam. Trước Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II phong Hiển Thánh tại Công trường Thánh Phê rô - Roma – Ngày chúa nhật 19.6.1988. Tham dự Đại lễ này có hàng vạn Giáo dân từ bốn phương trời tuôn về kinh thành muôn thuở.

     Tiếc thay! không một vị Giám mục, không một vị Linh mục, không giáo hữu nào từ quê mẹ Việt Nam được nhà chức trách Việt Nam Xã hội Chủ Nghĩa cho phép đến giáo đô tham dự. Vì lý do gì bạn đọc đều biết. Trước khi lược thuật hạnh tích Thánh Théophane Vénard, Nhịp cầu xin được phép trình bày cảm nghĩ về thời Giáo hội Việt Nam bị bách hại một cách khủng khiếp qua năm thời đại :

- Trịnh Nguyễn 1745-1773 : 04 vị

- Cảnh Thịnh năm 1798 : 02 vị

- Minh Mạng 1820-1840 : 58 vị

- Thiệu Trị 1841-1847 : 03 vị

- Tự Đức 1847-1862-1883 : 50 vị.

     Đó là chưa kể hàng vạn giáo dân bị làm cỏ không cần phải xét xử, không cần phúc trình báo cáo, trong số ấy, có rất nhiều Nữ dòng Mến Thánh Giá. Thánh Tử đạo là những vị Vĩ nhân thật sự của nhân loại. Các thánh đã chết dưới ngọn đao phủ là chết cho Đức Kitô, như chính Đức Kitô đã chết cho nhân loại nói chung và cho các ngài nói riêng. Trong giây phút kết thúc cuộc đời, thì chính các ngài muốn góp phần vào công cuộc tử nạn của đức Giêsu Kitô.

     Nhiệm ý là chỗ đó và huy hoàng cũng là chỗ đó. Phải, các thánh tử đạo đã trải qua những giây phút nghiêm trọng nhất của một đời người, cũng như những tháng năm căng thẳng trước một quyết định tối hậu : Theo Đức Kitô hay theo Vua quan?

     Theo Đức Kitô là phải sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo Vua quan là thừa hưởng cuộc sống vinh quang phú quí nơi trần gian. Quả tình, giây phút ấy chỉ có các ngài với Thiên Chúa, chỉ có Linh hồn với vinh phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc hay nhân sinh.

     Người tử vì Đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường tình phụ tử, vì họ khao khát tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi; như vầng nhật nguyệt cao vời khôn tả. Họ đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không một mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút mực nào vẽ thành tranhvà không hùng biện nào tuyên dương cho trọn được.

     Người chết trong gông cùm mòn mỏi, đã đặt Tổ quốc đằng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ là không phải để người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy.

     Người chết trong ngục tù thê thảm không cảm nghĩ như người đời thường dự tưởng. Họ hiên ngang vì đã đang được chịu khổ vì Đức Kitô (tông đồ công vụ đoạn 5 câu 4). Họ cũng màng chi đến nhân loại truy tặng huy chương. Người Tử đạo là chết vì Đức Kitô. Đơn thuần và tinh khiết, trong sáng và huyền diệu, can trường và khiêm nhu. Nếu Giáo hội công giáo có suy tôn họ, là vì Giáo hội đã nhận diện ra những vẻ huy hoàng, những nét lẫm liệt, những đường kiệt tác nơi bản thân và hành động của họ. Phần họ, chẳng vì sự tôn phong nào mà thêm phần phúc, vì họ đã được đầy rẫy hồng ân Linh thánh, vì chính Chúa là hạnh phúc của họ. Họ có thiếu gì đâu!!!

     Bởi thế. Nghĩ rằng các Thánh tử đạo chết vì Tổ quốc là một điều nghịch lý. Nghịch lý cho quốc gia của họ đến truyền đạo và cũng nghịch lý cho quốc gia đã sinh thành ra họ. Những nhà truyền giáo ngoại quốc, trước khi rời bỏ quê hương, đã được tiễn biệt bằng một nghi thức rất là cảm động. Tất cả những bậc vị vọng nhất hiện diện trong buổi tiễn biệt, đều quỳ gối trước mặt họ và hôn chân họ. Nghi thức ấy long trọng tuyên bố với họ rằng : Từ đây họ đã thành kẻ xa lạ với quê hương. Họ sẽ miên viễn trường hát ca khúc : Đẹp thay bước chân người rao giảng tin mừng (Isai 52.7). Tổ quốc ấy không còn trông mong nơi họ nữa, ngọai trừ niềm vui hiến dâng lên Thiên Chúa... Những người con ra đi hiển dương công trình kiến tạo bằng giá máu của Đức Kitô. Từ đó, quốc gia sinh ra họ, kể như họ đã chết rồi; trước khi họ thực sự đổ dòng máu thắm, tô điểm cho quốc gia nơi mà họ xin nhận làm quê hương mới.

     Tuy nhiên, Tổ quốc mới nầy có khi đã hiểu lầm họ, có khi đã lợi dụng họ và có khi xử sự một cách tàn nhẫn với họ. Các vị Thừa sai đã chết tại Việt Nam, chẳng bao giờ nhằm tạo nên một hiềm thù giữa các dân tộc. Họ đón nhận thập giá như đón nhận chính Đức Kitô, Đấng đã tuyên sấm với họ : Nếu chúng con thuộc về thế gian, thì thế gian đã quý mến các con... Nếu thế gian thù ghét chúng con, thì chúng hãy nhớ rằng Thế gian đã thù ghét Thầy trước (Gioan 15/18.19). Định luật nầy đúng cho mọi nơi và áp dụng cho mọi thời.

     Có một hạng người nông cạn lý luận rằng : các vị Thừa sai quốc tịch Pháp đã chịu chết cho chính sách Thực dân Pháp tại Việt Nam. Là lý luận của số người muốn chạy tội cho một thời đại thiếu trưởng thành của các Vua Chúa Việt nam, đã theo đúng một đường lối chính trị ấu trĩ, ích kỷ, cố chấp; theo rập khuôn của Trung hoa.

     Đúng ra, chỉ có người Công giáo Việt Nam mới có đủ thẩm quyền đặt lại các vấn đề nầy với hậu sinh của các thời đại ấy hiện đang có mặt khắp đó đây. Thì trớ trêu thay! Hạng người nầy lại khoa trương cho rằng hành động sát nhân của các Vua Chúa là chính đáng và cần thiết.

     Nếu hậu duệ của các nạn nhân không tố cáo kẻ sát nhân, điều ấy không có nghĩa là kẻ sát nhân được thừa nhận là hợp lý và chính đáng. Tại sao những sự hy sinh cao cả của các vị truyền giáo ngoại quốc luôn luôn bị bôi nhọ bằng nhãn hiệu thực dân? Nghĩ cho cùng, đó là Thánh ý Chúa muốn “hành động tử đạo” phải được hoàn toàn hy sinh trọn vẹn nhất, vì tử đạo trong hoàn cảnh nầy là tử đạo cho cả ngoài thân xác lẫn trong danh tiết vậy. (Trích trong sách Thiên hùng sử, trang 1 đến 4. Do cộng đồng công giáo Việt nam. San José, California. Hoa kỳ, xuất bản lần thứ nhất).

      Thánh Théophane Vénard : Linh mục Hội Thừa sai Paris.(1829-1861)

     Tạp chí Những người ra đi (Bulletin des Partants) số 14, trang 440 dành riêng cho Hội thừa sai Paris. Đã phác họa chân dung vị Thánh tử đạo trẻ trung, linh mục Gioan Théophane Vénard như sau : Phải nói rằng khi anh chào đời, một đóa hồng nở trên môi, một tiếng chim cất tiếng líu lo bên tai. Bởi vì, khi anh diễn tả ý mình, lời anh tràn ngập những hình ảnh dễ thương dịu dàng, duyên dáng. Những mối tình thân từ thuở thơ ấu, cũng như sau nầy, anh vẫn duy trì bền vững, ngày càng đậm đà, ngọt ngào và thánh thiện.

     Đời anh là một bài ca trong lúc vui cũng như trong những lúc buồn. Từ những biến cố thời học sinh, cho đến lòng sốt sắng gia nhập hàng tư tế. Anh hát lên khi rời đất Pháp, anh hát lên khi thấy đất Việt Nam.

     Trong những lá thư dài và thường xuyên anh kể lại cho gia đình từng chi tiết anh gặp trên đời. Đối với anh, đời tông đồ sao mà thoải mái, vui tươi, dễ yêu đến thế! anh thi vị hóa tất cả : Với anh, việc cực nhọc thành nhẹ nhàng, gánh nặng trở nên nhẹ nhõm, bệnh tật không làm anh nản chí, anh coi như cơ hội thưởng nếm những giây phút nghỉ ngơi; các cuộc hành trình qua đồng lầy nước đọng, núi cao hay trên đường sỏi đá gập ghềnh, anh diễn tả dưới màu sắc tươi mát như những buổi đi dạo mùa xuân. Anh quả là cây huệ có sức mạnh của cây sồi.

     Chúng ta chỉ có thể đoán ra những cực hình anh chịu, vì anh mô tả chúng đàng sau những cánh hoa kỳ diệu, mà anh không ngừng gieo trồng, tung vãi mọi nơi cho đến khi nhắm lìa đời. Những cánh hoa đó nở rộ trong công việc của anh, nở trong những cực hình, nở trong cửi gỗ, nở trên những dụng cụ tra tấn và nở trên mảnh đất thấm máu đào của anh. Quan tòa cũng trở thành bạn hữu, Lý hình cũng tỏ lòng ngưỡng mộ. Đối với anh,nhát gươm chém đầu định mệnh chỉ là Ngắt nhẹ cánh hoa tuyển lựa để trang hoàng bàn thờ...”

      Thời thơ ấu

     Thánh Théophane chào đời ngày 21. 11. 1829 Tại thôn Saint Loup sur Thouet, tỉnh Deux Sèvres, miền Poitou, nước Pháp. Thân phụ là ông Gioan Vénard, thân mẫu là bà Maria Guéret. Hai ông bà sinh được trưởng nữ là Mélanie rồi hai năm sau, sinh cậu Vénard, tiếp theo là Henri và con trai út là Eusèbe.

Cái tên Théophane này, ta nghe hơi lạ tai, song thời buổi ấy, và trong miền Poitou thì rất thường được nghe, và nó có một ý nghĩa cao sâu vì Théophane nghĩa là Chúa tỏ mình ra. Cũng như trong lịch phụng vụ, hàng năm, sau lễ mừng Chúa Giêsu ra đời. Giáo hội mừng lễ Hiển linh, tức là Lễ Chúa tỏ mình cho dân ngoại. Nguồn gốc tên lễ nầy là một tiếng Hy lạp EPIHANENIA. Phiên âm tiếng Pháp là Epiphanie.

Thuở trước, một vị Thừa sai Pháp đổ bộ tại cửa bể Đà Nẵng nhằm vào ngày lễ Hiển linh tức là lễ tỏa rạng. Từ hai chữ tỏa rạng được chuyển từ người nọ đến người kia mà hóa thành Tourane, viết theo tiếng Pháp. Cũng vì vậy, tên Đà nẵng hay Tourane đều không phải là tiếng Việt thuần túy. Giống như địa danh Châu Ô, Châu Ri, Phan Rang là tiếng Chàm được Việt hóa. Ông Gioan Vénard là một ông giáo làng, học sinh đến học ngay trong nhà thầy giáo. Nhờ đó mà Théophane vừa biết đi biết chạy biết nói đã đến ngồi chung với bọn học sinh để được nghe bố giảng bài, và cũng từ đó Théophane chịu ảnh hưởng rất nhiều ở thân phụ.

     Théophane có dáng người thấp, thanh cảnh, đẹp trai cho nên xem ra trẻ trung hơn bọn trẻ con cùng lứa tuổi. Lúc mới lên sáu, Théophane đã tỏ ra thông minh, lanh lợi, ham học, sớm biết đọc biết viết. Đàng sau nhà, có khu vườn trồng hoa, trồng rau. Ngoài đồng gia đình cũng có một khu đất nằm thoai thoải theo sườn đồi Bel Air, chạy dài đến thôn Thouet, Théophane cũng tiếp tay với thân phụ để săn sóc vườn rau, vườn hoa, hoặc dắt con dê sữa ra đồng ăn cỏ.

     Théophane làm quen với một thôn nữ tên Julie Bonnet - cùng tuổi với Mélanie - chăn bò ở cánh đồng. Lên khoảng mười tuổi, mỗi lần cho dê ra đồng, Théophane ôm theo ra đồng cuốn sách tường thuật diễn tả hoạt động truyền giáo mà cha sở cho mượn. Trong sách tường thuật hạnh tích linh mục Charles Cornay, là vị linh mục Hội Thừa sai Paris, truyền giáo tại Bắc Việt được phước tử đạo ngày 20. 09.1837. Théophane đọc cho Julie cùng nghe. Đọc đến cuối truyện, cả Julie và Théophane đều trầm tư. Rồi đột nhiên, với giọng dõng dạc. Théophane nói :

     - Tôi cũng thế, tôi muốn sang Bắc Việt truyền giáo. Tôi cũng ao ước được chết vì đạo.

     Tuy nói vậy, nhưng thời gian trôi qua nhanh chóng, Théophane cũng lãng quên giây phút đột xuất ấy. Đến trường, Théophane là một học sinh đứng đắn, nghiêm chỉnh, đoan trang và hay suy nghĩ về tương lai mai hậu, nên thường tự hỏi :

     - Sau nầy mình làm gì nhỉ! Bác sĩ hay làm thầy giáo như bố vậy?”

     Théophane chưa biết đích xác mình sẽ làm gì, song vẫn ái ngại về học phí vì càng học lên cao, đương nhiên học phí càng nặng. Trong lúc suy tư về học phí, Théophane ra đồng gặp bố. Hai cha con vừa bách bộ vừa nói chuyện, Théophane mở đầu :

     - Thưa bố, đám ruộng nhà mình trị giá bao nhiêu nhỉ?

     - Bố cũng không biết chính xác là bao nhiêu. Nhưng con hỏi để làm gì ?

     - Thưa bố, nếu bố cho con, thì đó là phần gia tài của con. Con sẽ bán để lấy tiền học phí về sau nầy.

     - Về sau con định làm gì? Bác sĩ ư? Hay làm thầy giáo?

     - Thưa! Con thích làm linh mục hơn.

Ông Gioan trấn an con :

     - Được lắm, học phí để phần bố lo cho.

     Là người sùng đạo, cả hai ông bà đều sung sướng về ơn gọi của con. Ông bà nghĩ đến hạnh phúc và vinh dự của gia đình có con làm linh mục. Phần học phí, Ông Gioan sẵn lòng đảm trách bằng cách tăng gia lao động, hy sinh, chịu khó, ăn tiêu tiện tặn hơn, không cần phải bán ruộng đất. Khi ông Gioan đưa Théophane đến gặp Cha Chánh xứ, trình bày dự tính của con mình và xin Cha sở dạy La tinh cho con. Cha sở hân hoan đón tin vui mừng ấy, và cũng bắt đầu khai tâm cho Théophane.

     Vào trường trung học

     Tháng 10.1841. Théophane từ giã gia đình, mang hành trang ra tỉnh để vào trường trung học Doué la Fontaine ở Anjou. Théophane có thiện chí và chăm học. Để cho gia đình an tâm, Théophane viết thư thăm gia đình, trình bày kết quả việc học hành. Nội dung thư, ngoài những câu thăm hỏi thường lệ, Théophane viết :... thưa bố mẹ, con vội viết thư thăm bố mẹ, thăm chị em của con. Để bố mẹ và gia đình an lòng, con cố gắng chăm chỉ học hành để khỏi phụ lòng bố mẹ và thầy giáo con. Tuần nầy con đứng nhất...

Kính bái.

Théophane...”

     Là một học sinh được thầy khen bạn mến, tuy nhiên, Théophane cũng cần rèn luyện để dẹp cái tính nóng nảy trong những lần va chạm với bạn học. Sau hai niên khóa, Théophane cũng có bị phê bình về tính nóng nảy do tuổi thiếu thời gây ra - hay ít mà dở nhiều - không tránh khỏi; song thiện chí và thành tâm để sửa sai thì Théophane không thiếu.

     Kỳ nghỉ hè, Théophane trở lại gia đình. Nhờ sự trông nom của bố mẹ và của chị Mélanie, nhờ lối sống thoải mái ở đồng quê. Théophane tự thấy rõ mình hơn, nên quyết tâm sửa đổi những nết hư tật xấu mà nhà trường đã chỉ trích và phê bình. Mấy tháng hè cũng chóng qua. Théophane lại lên đường nhập học. Viết thư về gia đình, ngoài việc thăm viếng, Théophane có kèm thư riêng cho chị Mélanie ... Em tin cho chị biết, em cố sửa đổi tính nết của em, và em quyết tâm mỗi tuần lần hạt mân khôi kính mẹ Maria...”

     Ngày 28.04.1842, Théophane được rước lễ lần đầu. Hôm ấy, Théophane không làm sao bày tỏ hết được nỗi sung sướng trong tâm hồn mình. Bấy giờ, Théophane được 12 tuổi. Đầu năm 1843, đưa đến cho Théophane một tin buồn như sét đánh bên tai : Mẹ qua đời. Nguyên nhân là Bà Vénard, sức khỏe quá kém, cho nên khi sinh được Joseph Antoine - đứa con trai thứ năm, sinh vào năm 1842, bà Vénard không sống được bao lâu nữa, nên từ trần ngày 11.01.1843.

     Được tin động trời ấy, Théophane nước mắt chan hòa, chạy vào nhà nguyện, quỳ trước nhà tạm (Tabernacle) để khóc mẹ, cầu cho linh hồn sớm được hưởng nhan Thánh Chúa và cũng cầu xin cho mình có đủ can đảm chịu thử thách nầy. Trở lại phòng học, Théophane viết thư về gia đình, tả nỗi lòng trước cái chết của mẹ, an ủi mọi người và đoan chắc giờ nầy hồn mẹ được hưởng vinh phúc nơi cõi trường sinh... Phần cuối lá thư, Théophane khuyên chị Mélanie... em xin chị can đảm lãnh nhận trách nhiệm nặng nề Chúa trao phó trong tay chị, là thay mặt mẹ phụng dưỡng cha già, chăm nom hai em. Em sẽ cầu nguyện cách riêng cho chị và em cũng dành cho chị tình yêu thương mặn mà, nồng nhiệt của em... cuối thư, con kính bái cha và chào chị, em... Théophane.

     Ngày tháng trôi qua, hết niên khoá nầy đến niên khóa khác; nhờ siêng năng chăm chỉ, Théophane nhẩy băng lớp mà vẫn được đứng nhất. Thời gian là một lương y, cầu nguyện là môn thần dược. Théophane chóng lấy lại sự bình tĩnh, khôi phục lại thế quân bình cho tâm hồn, đặt mọi sự cậy trông vào Mẹ Maria ngày càng vững bền. Hôm ấy, Théophane thư cho chị Mélanie, cuối thư viết rằng ... Em hứa với Mẹ Maria, kể từ hôm nay, ngày 17.06.1847, hằng ngày em lần hạt mân khôi kính Mẹ...”

     Vào tiểu chủng viện rồi đại chủng viện

     Đến niên khóa 1847-1848. Théophane được chuyển qua Tiểu chủng viện Montmorllon để học Triết. Théophane thấy lòng mình vui vẻ thoải mái để chuẩn bị lên Đại chủng viện. Dọn mình để dần dần lãnh nhận các chức... Viết thư cho chị Mélanie rằng ...Em nóng lòng được phục vụ các anh em nơi xứ lạ, cho nên trong đầu óc em hằng ước mong được làm một linh mục Thừa sai, truyền giáo...

     Hè 1848, Théophane hưởng những tháng nghỉ ngơi đầm ấm trong gia đình cùng với họ hàng bà con. Tháng 10.1848, Théophane vào Đại chủng viện Poitiers. Tại đây, Théophane lại càng thấy vui vẻ thoải mái, không một chút do dự khắc khoải như còn ở cấp Trung học. Trong thư gởi về cho chị Mélanie, Théophane viết ...Đại chủng viện giống cảnh địa đàng... Ôi! thôi trong nhà Chúa, em được hạnh phúc dường bao.... Bây giờ, em như cá gặp nước, như rồng gặp mây. Trong phòng riêng hằng ngày em cầu nguyện, em học hành, em nghiên cứu, em được sống thân mật với Thiên Chúa...”Viết thơ về cho Eusèbe - đứa em trai út - sau nầy cũng được làm linh mục, Théophane viết... Em thấy không? trong tâm hồn ta có một động lực vô hình, thúc dục ta vào chủng viện. Tại sao lại phải vào chủng viện? và khi xong chủng viện rồi sẽ có gì nữa?... suy tư vậy ta chỉ còn một việc là cúi đầu nguyện xin ơn soi sáng, rồi mình cứ đi theo con đường mà Chúa nhân lành vô cùng dành cho ta từ thuở đời đời...”

     Càng ngày càng thấy Théophane dọn mình để sống cái đời sống mà mình đã đặt chân vào. Khiêm nhường, đoan trang, hiền hòa, ngày càng nẩy nở, tập sống đơn giản về cơm ăn áo mặc; chuyên cần viếng Thánh thể, cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng, lần chuỗi mân khôi.

     Ngày 23.12.1849, Théophane chịu phép cắt tóc. Viết thư về thăm gia đình. Riêng với chị Mélanie, thư rằng... Từ nay em vĩnh biệt thế gian, rồi thì ta còn mơ ước gì hơn Chúa nữa đâu... Với Eusèbe, Théophane viết... Em đừng tưởng rằng, nhơn đức thì phải làm ra vẻ khắc khổ đến nhức mày nhăn mặt... trái lại ta phải dịu hiền vui vẻ...”

     Ông Vénard, ngày càng già yếu, thì càng được Théophane thư từ thăm viếng, ủi an, làm như là mình thường có mặt tại gia đình, cạnh cha già để hầu hạ phụng dưỡng. Théophane tự bảo : Chúa đã ban cho tôi người cha nhân hậu dịu hiền, thật quý giá hơn mọi kho tàng châu báu ở trần gian nầy, cho nên tôi phải gìn giữ kho tàng quý trọng ấy... Théophane thường nguyện rằng : Lạy Chúa là đấng cầm quyền sống chết, xin Chúa ban cho cha của con được sống lâu, sống rất lâu...” Bởi vậy, đã từ lâu, Mélanie muốn vào dòng tu nữ mà không được, vì còn phải nuôi dưỡng hầu hạ bố già và hướng dẫn hai em cho trọn tình hiếu để. Théophane thư cho chị rằng... Em cũng biết chị muốn xa lánh cuộc sống trần tục, song chị ơi! bố còn đó mà em thì không còn được sống gần bố để hầu hạ người; như vậy, vạn sự đang cần đến chị. Em xin chị đừng ngã lòng, trái lại, chị hãy vững lòng trông cậy vào Chúa quan phòng, rồi Ngài sẽ ban cho chị như nguyện...”

     Phần ông Gioan Vénard, vẫn uớc mong rằng sau nầy Théophane khi được lãnh chức linh mục rồi, sẽ làm cha phó cho một giáo xứ nào đó trong điạ phận nhà, hay là ngay tại giáo xứ Saint Loup, là nơi chôn nhau cắt rốn thì càng hay. Song, tương lai là ý nhiệm mầu của Chúa, ai mà biết trước được.

     Qua hè 1850, Théophane biết mình sẽ lãnh chức phó phụ tế. Viết thư về gia đình để báo tin mình sẽ được lảnh chức ấy ngày 21.12.1850, rồi thưa với bố ... Con biết rằng bố sẵn lòng dâng trọn đời sống của con, trong tay Đấng quan phòng. Bố sẽ vui lòng đến để long trọng dâng Théophane nầy, con của bố. Bố sẽ chúc lành cho con nhân danh của bố và cũng là nhân danh của mẹ con. Biết rằng bây giờ người không còn ở trần gian nữa, song, trên thiên cung, người cũng sẽ vui lòng cầu nguyện và phù hộ cho con vững tiến trên con đường tận hiến, để phụng thờ Thiên Chúa... Vậy là cụ Vénard ngầm hiểu Théophane mộng ước gì rồi.

     Vài ngày sau, khi Théophane lãnh chứa phó phụ tế, cụ Vénard viết thư cho con đại ý nói ... Con yêu dấu của bố! mặc dầu lòng bố tan nát, song không bao giờ bố làm ngăn trở bước tiến của con... bố để con hoàn toàn tự do lựa chọn con đường của con. Con hãy can trường theo tiếng gọi của Thiên Chúa Toàn năng. Chào con. Bố của con. Gioan Vénard.”

     Từ đây, mọi việc xếp đặt cũng tiến nhanh theo với thời gian. Đức Giám mục Poitiers nhận được thư của hội Thừa sai Paris, chấp nhận đơn của thầy Théophane. Ngày 15.2.1851, thầy Théophane từ giã Đại chủng viện Poitiers trước sự ngạc nhiên của bạn đồng môn. Tại Saint Loup, được tin ấy, cả gia đình mong chờ thầy Théophane về để tổ chứa lễ tiễn chân. Tối hôm ấy, cụ Vénard giang hai tay để đón con, ôm con vào lòng. Cả hai cha con đều cảm động, đều thổn thức, chẳng ai nói nên lời. Cái thinh lặng nặng nề ấy - nó chất chứa một nỗi vui mừng vừa thỏa thích mà cũng vừa nuối tiếc, vừa hoan lạc vừa hãnh diện. Vui vì Chúa chấp nhận của lễ hiến tế, thỏa thích vì chí tang bồng của tuổi thanh xuân có cơ hội mang hạt giống phúc âm đi gieo vãi trên cánh đồng truyền giáo bao la tận cùng phương đông. Hãnh diện vì gia đình có con làm linh mục, dâng thánh lễ phụng thờ Thiên Chúa. Hoan lạc vì đi truyền giáo tại một Quốc gia xa lạ mà đạo Thánh của Chúa đang bị bách hại.

     Biết đâu, nhờ ơn Chúa, vị Giáo sĩ Thừa sai sẽ được phúc tử đạo, làm chứng nhân của Đức Kitô; mà tử đạo thì được nên Thánh là điều chắc chắn được nắm trong tay rồi. Trong suốt hai tuần được sống trong gia đình ấm êm, thầy Théophane dùng thời giờ thăm viếng bà con họ hàng, người quen kẻ biết. Đêm cuối cùng, Théophane dành riêng cho chị Mélanie. Mélanie tỏ hết mối tình yêu mến em, khuyên em đủ thứ : nào là em phải kiên trung với ơn Thiên triệu; nào là em phải giữ gìn cách ăn nếp ở; nào là em đừng lo lắng việc cửa nhà vì đã có chị đây, chị sẽ tận tâm hầu hạ phụng dưỡng cha già, nào là... nào là... Ôi! lòng người bảo mẫu hiền hòa phúc hậu rạt rào, mênh mông, quý hóa thay!

     Thầy Théophane cũng an ủi chị, xin chị hy sinh hầu hạ cha già, hướng dẫn em Eusèbe; hoặc là chị vào dòng nữ tu như chị hằng mơ ước; hoặc chị nên lập gia đình với người đạo đức, phúc hậu.

     Đại chủng viện hội thừa sai Paris

     Ngày từ giã gia đình cũng đến nơi rồi. Sáng hôm ấy, mọi người bà con họ hàng thân thuộc cùng nhau đi tham dự Thánh lễ. Lễ xong, tất cả đưa nhau về nhà cụ Vénard, dùng bữa cơm thân mật gọi là bữa cơm Vĩnh biệt.

     Cụ Vénard, bình tĩnh, mời bà con nâng ly, cầu chúc thầy Théophane vững tiến trong sứ mạng của một vị thừa sai; xin Chúa cho Théophane can đảm nhận lãnh Thánh giá Chúa trao cho... Bữa cơm vừa tàn, thầy Théophane chúc gia đình, chúc bà con, xin mọi người giúp lời cầu nguyện... Sau cùng, thầy Théophane đứng dậy thưa với cụ Vénard :

     - Thưa cha, xin cha chúc lành cho đứa con của cha.

Cụ Vénard đứng dậy, đặt hai tay lên đầu con, ngước mắt lên trời, giọng run run, dõng dạc nói :

     - Con yêu dấu! Con nhận lấy lời chúc phúc của cha già. Cha xin dâng con cho Chúa. Xin Thiên Chúa nhân lành ban tràn đầy hồng ân của Ngài trên con, hôm nay và mãi mãi. Nhơn danh cha... và con... và thánh thần...”

Thầy Théophane và tất cả mọi người đồng thanh đáp :

     - Amen...

Cụ Vénard nói tiếp :

     - Vĩnh biệt con, vĩnh biệt con yêu dấu! chúng sẽ gặp nhau trên Thiên quốc!. Vừa nói, cụ vừa lấy khăn lau những giọt nước mắt nóng hổi từ từ lăn trên hai gò má nhăn nheo.

     Riêng Mélanie nước mắt ràn rụa, thổn thức, hai mắt nhìn theo em đang khuất dần,khuất dần, trên con đường dẫn đến ga xe lửa Poitiers. Thầy Théophane ra khỏi nhà, đi được mấy bước, cũng lấy khăn tay để thấm nước mắt, chốc ngoảnh lại nhìn mái ấm, lòng nao nao... Ôi! đời nào cũng vậy. Từ kim cổ đông tây cảnh biệt ly đau buồn thật!!! Tại ga xe lửa, linh mục Baudry đang chờ để tiễn thầy Théophane. Bắt tay từ giã, cha Baudry nói :

     - Rồi thầy sẽ lên đến Giám mục!

Thầy Théophane nói :

     - Không! con thích như vậy nầy!.

Vừa nói đưa tay lên cổ, ra dấu cắt cổ ý nói rằng muốn được tử đạo.

     Tại Đại chủng viện Hội Thừa sai Paris, thầy Théophane được đón tiếp nồng hậu và chóng làm quen với môi trường mới, được học thêm về thần học, được biết các hoạt động của các vị Thừa sai tại các xứ truyền giáo. Không khí tại Đại chủng viện rất thoải mái, các bạn môn sinh, mỗi người mỗi tính, song được đào tạo theo cùng một lý tưởng, một chí hướng chung, nên mọi người cùng mến nhau bởi một tình thương chân thật chứa chan. Thầy Théophane tiến bộ nhanh chóng. Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria làm cho đời sống thiêng liêng của thầy nở nang hằng ngày. Viết thơ về gia đình, ngoài những lời thăm hỏi chúc nhau, thầy viết thêm... con rất sung sướng được Mẹ Maria hộ phù, dìu dắt... con tự xem mình như là đứa con cưng của mẹ vậy... Các vị linh mục Giáo sư Đại chủng viện Thừa sai Paris sớm nhận thấy nơi thầy Théophane những đức tính của một vị Thừa sai nên rất hài lòng. Viết thơ cho đức Giám mục Poitiers, các ngài đều khen, và nói rằng thầy Théophane sẽ làm được nhiều việc lợi ích cho các xứ truyền giáo.

     Thọ phong linh mục

     Ngày 20.12.1851, thầy Théophane lãnh chức phó tế (diacre). Qua hôm sau, thầy đi kính viếng Đức bà Chiến Thắng (Notre Dame des Victoires) và rồi chuẩn bị lãnh chứa linh mục. Thầy Théophane, sẵn tính hiếu học, muốn biết cả toán lý hóa, thiên văn... và cũng muốn biết nhiều nghề. Thầy quan niệm rằng : Một giáo sĩ thừa sai, trước tiên là phải tự thánh hóa nhiên hậu sẽ tính đến học thức.”

      Ngày 26.04.1852, thầy thơ về gia đình, báo tin mừng là mình được phong linh mục ngày 5.6.1852 là ngày lễ đức Chúa Trời Ba ngôi. Được lãnh chức linh mục rồi, Cha Théophane chỉ còn mong ngày lên đường sang Bắc Việt để truyền giáo. Đất Bắc Việt là cánh đồng truyền giáo được nhiều vị Thừa sai kén chọn vì họ cho rằng đấy là môi trường tạo cho họ con đường lên thiên đàng ngắn nhất. Cha Théophane thường nói :

     - Ước gì một ngày nào đó, tôi cũng được đổ máu để làm chứng tá cho Đạo Thánh Chúa Kitô.

     Vĩnh biệt quê mẹ

    Ngày 20.08.1852, có sáu vị Thừa sai lên đường đi truyền giáo tại nơi xa xăm; phiên của cha Théophane chưa đến vì sức khỏe còn kém. Nguyên nhân là vì trước ngày được thọ phong linh mục, ngài đột xuất bị bệnh thương hàn, nhưng sau đại chủng viện làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Maria, thì cha Théophane được khỏe lại.

     Bị tạm cầm chân, chờ ngày xuất dương, cha Théophane viết thơ thăm cha xứ Saint Loup. Trong thơ đại ý nói :... Trông thấy anh em lên đường vui vẻ hân hoan, như đàn chim tung cánh bay tản ra bốn phương trời, mà riêng con phải nằm lỳ trong tổ, chờ có đủ lông cánh mới được bay, con buồn ghê vậy đó... Nhưng bất ngờ! Cha Théophane lại được chỉ định lên đường thế chân cho một vị Thừa sai bị trục xuất khỏi Việt Nam. Cha Théophane vội vã viết thơ về gia đình báo tin mừng nầy; nội dung như sau... Thưa cha, thưa chị, con xin vĩnh biệt cha già thân yêu và chị Mélanie quý mến... Con ra đi... con không hẹn ngày về... nhưng hẹn có ngày con sẽ gặp cha và chị trên nước trời. Con sẽ đáp tàu thủy tại Anvers và có lẽ con sẽ sang Trung Quốc... Xin cha và chị cầu nguyện cho con nhiều... Vĩnh biệt...

     Buổi lễ tiễn chân người ra đi được tổ chức ngày 16.09.1852. Theo chương trình, mọi người tập trung tại hoa viện đại chủng viện, trước pho tượng Đức Mẹ, Nữ Vương các Thánh Tử đạo, dâng cho Mẹ những tân chiến sĩ phúc âm, đoạn mọi người đưa nhau vào nguyện đường. Các Tân Thừa sai lên cung thánh, hướng về quan khách đông đảo tề tựu chờ đón. Sau bản nhạc Giáo sĩ Thừa sai lên đường, đến lượt các quan khách, bắt đầu là quan Giáo sư rồi đến các bậc vị vọng, đến quỳ trước mặt các tân Thừa sai, cúi xuống hôn chân từng người để tỏ lòng cung kính. Buổi lễ thật đơn sơ, thật ý nghĩa và cảm động, hầu hết mọi người chẳng ai cầm được giọt lệ chan hòa niềm thương yêu, khâm phục, vì biết trước rằng : Trong số người ra đi, sẽ có người không trông mong có ngày về quê mẹ, mà cũng có người sẽ được làm chứng nhân cho Đức tin Công giáo.

     Ngày 19.09.1852, sau khi dâng Thánh lễ lần cuối cùng trên đất quê hương yêu dấu. Cha Théophane về phòng, viết thư cho mọi người trong gia đình, mỗi người một lá thơ. Đến chiều, ngài cùng với bốn anh em nữa, giã từ Đại chủng viện  Thừa sai, vĩnh biệt Rue de Bac, đáp xe lửa, đến hải cảng Anvers (Bỉ). Đến Anvers, các tân thừa sai được thuyền trưởng De Ruyter hướng dẫn thăm chiếc thương buồm Philotaxe.

     Sáng ngày 23.09.1852, sau chín phát đại bác, tàu nhổ neo, chậm rãi rời thương cảng, dần dần ra khơi, lướt sóng. Đến Calais (Pháp) thì gặp bão, thân tàu không việc gì, song cột buồm bị gãy. Cha Théophane say sóng. Thuyền trưởng cho tàu vào hải cảng Plymouth (Anh quốc) để sữa chữa mấy ngày liền. Lợi dụng thời gian chờ sữa chữa cột buồm, các vị thừa sai lên bộ viếng thăm đồng quê Anh quốc và cũng để viết thơ về gia đình. Cha Théophane thơ cho chị Mélanie nói :... Cha với chị và với em được chung sống với nhau song, riêng em, từ đây cô đơn... lạy Chúa, từ đây, con một mình, ra đi nơi quê người đất khách xa lạ... Thương cha, mến chị, nhớ em... thật tình con cũng đứt từng khúc ruột... Nhưng tất cả chúng ta hãy nâng tâm hồn lên... Chị Mélanie của em ơi! xin chị hãy nhẩn nại, luôn luôn giữ nết dịu hiền như thuở nào, phần em, em phải đi theo sứ mạng Chúa giao phó cho em. Xin chị hy sinh và cầu nguyện nhiều cho em; cầu nguyện cho những người xa lạ của những miền xa lạ mà nay mai em sẽ chăm sóc và giảng dạy; cầu nguyện cho mọi gia đình, cho mọi dân, mọi nước, mọi chủng tộc, mọi văn hóa; đó là các Thánh thông công. Em đặt tay của em vào lòng bàn tay của chị, mà dùng hết can đảm để nói lên hai chữ Vĩnh Biệt, chị nghe rõ đấy chứ! em ban phép lành cho chị trong khi em phó thác chị trong tay Chúa Quan phòng. Em Théophane của chị. Ký tên...

     Ngày 10.10.1852, tàu Philotaxe rời Plymouth ra khơi. Thời ấy, kinh đào Suez chưa có nên tàu theo hướng nam Đại tây dương. Gió mạnh đẩy tàu đến bờ biển Brésil (Nam Mỹ). Sau ba tháng, tàu mới đến mũi Hảo vọng (Cap de Bonne Espérance) ở cực nam Châu phi, rồi sang Ấn độ dương (Océan Indien). Mừng lễ Giáng sinh 1852 và Tết nguyên đán dương lịch 1853, tàu vào hải phận Úc châu (Océanie) Đến đảo Java thuộc Nam dương quần đảo (Indonesie), tàu ghé bến để mua thực phẩm. Sau đó chẳng bao lâu, tàu cập bến Tân gia ba (Singapour) sau 144 ngày đêm lướt sóng trên các đại dương. Thuyền trưởng De Ruyter kính cẩn và cảm động, rơi lệ, chia tay đoàn Thừa sai.

     Cha Théophane tạm ở lại Singapour hai tuần. Ngài được gặp bốn chủng sinh Việt nam. Ngài xúc động vì ngài xem họ là con cháu, là anh em của các vị Tử đạo. Cha Théophane tỏ vẻ buồn lòng vì người Âu châu đã từng tỏ ra xem thường - nếu không nói là khinh dể người Á châu, và cũng vì vậy mà việc truyền giáo phải gặp trăm bề khó khăn.

     Ngày 1.3.1853, cùng với hai linh mục khác, Cha Théophane dùng tàu Anh quốc, theo biển Nam hải (Mer de Chine Méridionale) lên hướng bắc, cặp bến Hương Cảng, cũng tại đây, ngài tạm trú tại cơ sở truyền giáo, hưởng được bầu không khí đầm ấm thân mật, mọi người xem nhau như ruột thịt. Trong lúc chờ đợi bài sai, ngài nỗ lực học hán tự.

     Hương cảng là một hòn đảo nhỏ do Trung quốc nhượng lại cho Anh Quốc từ năm 1842, cho nên toàn là dân Trung Hoa. Cha Théophane thơ cho Cha Dallet là bạn tâm giao, thơ rằng... Rồi đây, chúng ta phải làm thế nào cho người Trung quốc, người Cao ly, người Nhật, người Việt Nam quỳ gối thần phục Chúa Kitô... tôi cũng thấy rằng công việc truyền giáo sẽ rất khó khăn nhọc nhằn, bây giờ tôi thấy cánh đồng cũng rất gần gũi với tôi. Tôi nghĩ rằng, nay mai dấn thân hoạt động, sức mạnh của Thánh linh sẽ hỗ trợ cho sự yếu hèn của tôi và ánh sáng của Thiên Chúa sẽ soi lối cho tôi, và gia tăng kinh nghiệm cho tôi...

Sang Bắc Việt

 Trong lúc chuẩn bị sang Trung quốc, Cha Théophane nhận được từ Paris, thơ của cha Darran. Thơ rằng :... Viên ngọc Á châu (ý muốn nói Việt Nam) được trao cho cha rồi đó... (tháng 02.1854) Cha Théophane vui mừng khôn xiết, vì đó là mộng của ngài từ khi còn bé, ngài cũng không biết làm sao cám ơn các đấng bề trên, ngài tự nói : Tôi quý mến các cánh đồng truyền giáo Bắc Việt. Tôi xem nó như là phần gia tài mà vị chủ gia đình trao cho tôi cày bừa, gieo vãi, chăm nom để rồi gặt hái hoa màu vậy. Tôi quý cánh đồng ấy, vì nó đẹp hơn cả các cánh đồng khác...nó được sánh như là viên ngọc Á châu vậy...

Cha Théophane viết thơ cho em Eusèbe ở Saint Loup. Thơ rằng :... Anh đã thấy nước Trung hoa, nhưng anh sẽ đi truyền giáo tại một nước khác... vì anh nhận được bài sai ở Bắc Việt, tại giáo phận đàng ngoài. Tại đấy, đạo Công giáo bị bách hại khủng khiếp, chính tại nơi đây mà cha Charles Cornay bị trảm quyết. Đầu mỗi giáo sĩ đã được treo giá. Nếu họ bắt được giáo sĩ, thì họ chặt đầu để lãnh thưởng khỏi phải ra tòa phiền phức, em nhớ nói với Pagiot, bạn thân của anh rằng : nên sắm hòm xương thánh để nay mai đựng linh cốt của anh. Bây giờ anh sung sướng không thể tả được, lòng anh tự do, thanh thản và và nhẹ như chim đang bay. Đây là cánh đồng sản xuất số người tử đạo chẳng khác gì hàng năm, mùa Xuân, trăm hoa đua nở để mùa Thu hái quả chín. (Cha Charles Cornay. Linh mục Hội Thừa sai Paris 1809-1837. Bị xử lăng trì ngày 20.09.1837, tại pháp trường Bảy Mẫu, quan cho chặt đầu trước, rồi mới đến chặt tay chân; cuối cùng chặt thân mình làm bốn khúc. Toán Lý hình thấy lòng can đảm của cha, họ móc gan của ngài rồi ăn sống. Đức Giáo Hoàng Lêô tôn ngài lên Á Thánh ngày 27.05.1900. Đức Gioan Phao lô II phong ngài lên Hiển Thánh ngày 19.06.1988.)

     Ngày 26.05.1854, cùng với một giáo sĩ khác, cha Théophane đáp thuyền đi Macao (bấy giờ là nhượng địa của Bồ Đào Nha) Ngày 2.06.1854, một chiếc thuyền của người Trung hoa, đưa ngài ghé thăm Quảng Châu Loan (nhượng địa của Pháp) sau đó thì đến vịnh Hạ long, rồi vào cửa Cấm. Cha Théophane được các thầy giảng hướng dẫn đến Tòa giám mục Đông Đàng ngoài, gặp Đức cha Hermojilla, dòng Đa minh, cha Théophane rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy nhà thờ chánh tòa chỉ là một mái tranh với bốn cột gỗ; tòa giám mục là một túp lều, nhưng bầu không khí lại rất đầm ấm thân mật giữa cảnh thốn thiếu trống trơn.

     Tạm nghỉ tại tòa giám mục mấy hôm, cha Théophane dùng cáng đến bến đò (embarcadère) để lên tòa giám mục địa phận Tây Đàng ngoài. Địa phận Tây Đàng ngoài đang thời kỳ phát triển do Đức cha Retord lãnh đạo. Số giáo dân là 180.000 người. Số linh mục là 80 vị. Có 1200 thầy giảng và 300 chủng sinh.

     Lộ trình bằng thuyền đầy nguy hiểm. Lúc ngang qua một trại lính có trên 400 binh sĩ, thuyền bị hỏi, song dân chèo thuyền đáp là thuyền chở Quan, binh sĩ không tin, bắt dừng lại và đánh mõ báo động. Nhờ đêm tối, thuyền nhẹ lại có đến ba mái chèo, nên binh sĩ không đuổi kịp. Khoảng ba giờ sáng, thì thuyền đến Vĩnh Trị là nơi đặt tòa giám mục. Đức cha Retord có mặt tại đó vì ngài đã chờ đợi từ mấy hôm nay. Ngài giang rộng hai tay, ôm cha Théophane vào lòng; cả hai đều mừng rỡ, đều cảm động đến rơi nước mắt. Hôm ấy là ngày 13.07.1854.

     Vĩnh Trị là một làng gồm toàn là người công giáo từ thế kỷ XVIII, là linh hồn của đời sống đạo đức toàn tỉnh. Lúc cha Théophane đến nơi thì việc giữ đạo hành đạo được dễ dàng, nhờ Quan Thủ hiến là Tổng đốc Nguyễn đình Hưng, nhạc phụ của Vua Tự Đức. Quan Tổng Đốc vẫn nhớ ơn thầy Phao-lồ Lê Bảo Tịnh chữa mắt cho Quan. Chủng viện hoạt động đều đều vì mang tên (Trung tâm văn hóa). Đức cha Retord là người có nhiều đức tính cao cả, nên được nhiều kính nể, kể cả hạng gần gũi quan quyền. Ngài đến Bắc Việt vào lúc giáo hội Việt Nam bị bách hại đến cao độ; ngài phải lẩn tránh rầy đây mai đó trong các hầm trú ẩn chật hẹp, ngộp thở. Tuy vậy, ngài luôn luôn tỏ ra vui tính, lạc quan. Đến khi lên làm Giám mục, ngài càng hoạt động hăng say. Thấy các linh mục của giáo phận - hết vị nầy đến vị khác - bị bắt, bị tra tấn dã man, bị trảm quyết, ngài phải xót xa đau lòng. Ngài thường viết thơ về Paris cho hội thừa sai, đại ý :... Tôi buồn vì chưa được hồng phúc dự phần Tử đạo.

     Sau những tháng lênh đênh trên Đại dương, sau lộ trình đầy gian nguy, bây giờ, Cha Théophane hăng hái, vui vẻ, bắt tay vào công việc, nụ cười luôn nở trên môi. Cha bắt đầu học tiếng Việt tại một ngôi trường làng Kẻ doãn, do các thầy giảng điều khiển. Tư chất thông minh, hiếu học; tinh thần tông đồ là động cơ thúc đẩy, chẳng bao lâu cha giải tội và giảng bằng tiếng Việt. Giáo dân Kẻ doãn niềm nở đón rước ngài; tuy vậy ngài cũng năng thay đổi nơi cư trú để tránh bố ráp bất thường.

     Cha Théophane phải ăn mặc theo quốc phục Việt Nam, cũng khăn đen áo dài, ăn uống cũng cơm canh, cũng bát đũa, nhưng ngài không thể ăn được món sinh cầm, thịt cầy, thịt rắn, kỳ đà, hột vịt lộn, nhộng tằm. Vì chưa hạp thủy thổ, nên cha lâm bệnh nặng đến nỗi phải lãnh các phép Bí tích sau cùng (xưng tội, rước lễ, xức dầu thánh). Nhưng, sau bắt đầu tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Maria, thì cha Théophane khỏi bệnh, rồi bình phục, để lại lo các việc mục vụ : Giải tội, rửa tội, giảng dạy.

     Đối với giáo dân Việt Nam, cha Théophane viết thơ về cho em là Eusèbe, đại ý : ... Người Bắc Việt rất lễ độ, đễ thương, tốt bụng... Đức tin của họ rất vững... Họ thích đọc kinh và giọng đọc kinh cũng khi trầm khi bổng, cũng ngân nga đều đặn nhịp nhàng, nghe còn hay hơn những điệu nhạc Âu châu... Dần dần, cha Théophane hoàn toàn sống hòa đồng với người địa phương - làm người Bắc Việt với quê hương Bắc Việt - người gây được tình cảm trong mọi tầng lớp người, không phân biệt nam, phụ, lão, ấu... Tình hình ở Suối vàng, yên tĩnh chẳng được bao lâu, thì có tin quan quân theo lệnh Triều đình Huế, cho đi lục soát bắt các vị thừa sai, các linh mục, hoặc giáo dân có tên tuổi. Vậy là chủng viện Vĩnh Trị bị giải tán, Đức giám mục trốn thoát nhờ được tin báo kịp thời. Cha Castex và cha Théophane, được đưa đi tạm trú tại nhà giáo dân, sau đó được các Nữ tu dòng mến thánh giá xứ Bút Đồng bí mật nuôi dưỡng và che dấu. Hai cha được trốn vào giữa hai bức phên (vách). Hai ngài định trở lại Suối Vàng, nhưng vì cha Théophane mưa ướt, lại bị bệnh; trong có vài tuần mà hai cha phải trốn tránh đến sáu bẩy lần. Cha Théophane bị suyễn, không xê dịch được. Cha Castex e sợ ngài chết đột ngột chăng, nên ban phép xức dầu thánh cho ngài. Khi tỉnh dậy, cha Théophane nói : Đời tôi như ngọn đèn treo trước gió, mạng sống tôi như treo vào sợi tóc. Dù thế tôi vẫn vui, vui, vui...

     Đến đầu thu, khí trời mát dịu, bệnh thuyên giảm nên cũng bớt lo về tính mạng. Biết rằng tình hình tại Vĩnh Trị cũng đã lắng dịu, Đức cha Retord đã về lại tòa giám mục, nên cha Cartex mướn thuyền đưa cha Théophane về Vĩnh Trị, hy vọng rằng ở đó có thuốc men, may ra cứu sống ngài. Tại Vĩnh Trị, Đức cha ôm lấy cha Théophane và nói : Con ơi! tội nghiệp cho con, con đã chọn con đường đau khổ.

     Mùa đông đến, sức khỏe của cha Théophane khá hơn nhiều, Đức cha cho tháp tùng đi hành hạt các Giáo xứ : Giảng dạy, ban bí tích tại Suối Vàng, các ngài ở lâu ngày để cử hành các nghi lễ suốt cả Tuần Thánh; sau đó, Đức cha trở về tòa giám mục, cha Théophane ở lại Suối Vàng.

     Mùa mưa đến, cha Théophane lại bị viêm phổi, tưởng không qua khỏi nên Đức cha bằng lòng cho mời ngoại khoa đến chữa. Lối chữa này là dùng một loại dược thảo, tán nhỏ, viên thành hoàn, đốt bằng than hồng rồi châm lên thân bệnh nhân. Cha Théophane phải chịu 500 phát như vậy, song, hai tay ôm thánh giá vào ngực, nghiến răng chịu đựng, không hở môi than thở, một lòng thầm thì cầu nguyện cho mình được bình phục để tiếp tục lo phần mục vụ. Lối chữa nầy, bệnh nhân phải chịu đau, song ngài thấy đỡ ngay, rồi lành hẳn. Tình hình lắng dịu được ba năm. Vua Tự Đức lại ra sắc lệnh bắt đạo một cách triệt để, quyết dứt khoát tiêu diệt đạo Thánh Chúa Kitô. Vua ra lệnh xử tử các giáo sĩ - ngoại quốc cũng như bản xứ - trọng thưởng những ai tố giác giáo sĩ, nghiêm trị những quan quyền dung tha hay độ lượng với giáo dân. Sống cảnh trốn tránh ngược xuôi.  Sở dĩ Vua ra sắc lệnh cay nghiệt như vậy, vì chiến thuyền Catinat đến bắn phá Đà Nẵng, và cũng chính giai đoạn, Tổng đốc Nam định Nguyễn đình Hưng trở mặt, hóa thành một địch thủ không đội trời chung với Công giáo. Cầm đầu 200 quân binh, cỡi voi trận, xông vào tàn phá mọi cơ sở công giáo. Ông ta ra lệnh triệt hạ Tòa giám mục, cha Phao-lồ Lê bảo Tịnh (1793-1857) can đảm, tự ra trình diện để Đức cha và các linh mục thừa sai có cơ hội thoát thân. (Cha Phao-lồ Lê bảo Tịnh, khi còn là chủng sinh, đã trốn vào rừng sâu, cố tình sống ẩn tu; song đức cha Longer buộc phải trở lại chủng viện; rồi sang truyền giáo tại Lào. Ngài bị bắt ngày 27.02.1857... bị trảm quyết ngày 6.04.1857 tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam định. Đức Giáo hoàng Piô X suy tôn cha Phao Lồ Lê Bảo Tịnh lên bậc Á thánh ngày 2.05.1909. Đức Giáo hoàng Gioan Phao Lô II tôn hiển thánh ngày 19.06.1988.

     Các vị thừa sai bị săn đuổi ráo riết, các ngài phải lận đận lao đao, rầy đây mai đó. Đức cha Retord trốn lên miền sơn cước, thi gan với sơn lam chướng khí. Ngài phái cha Théophane về Suối Vàng là miền tương đối yên tĩnh, ít có quân do thám, còn Castex thì lâm bệnh... Suối Vàng gồm có bốn Giáo xứ có linh mục Việt Nam trông nom, cha Théophane đại diện cho Đức cha, lưu động từ giáo xứ nầy sang giáo xứ khác để giảng cấm phòng, ban bí tích thêm sứ. Nhờ đức hy sinh của giáo sĩ, nhờ lòng đạo đức và gương nhơn lành của giáo dân nên tại Suối Vàng có nhiều lương dân xin tòng. Mặc dù được giáo hữu tận tâm bao che, cha Théophane đôi khi cũng bị tiết lộ do đám trẻ con, vô tình lúc chơi đùa, nói kháo láo với nhau. Mỗi lần như thế, giáo dân dùng ghe đưa người đi ẩn náu nơi nầy nơi khác. Viết thơ về cho chị Mélanie, ngài tả cảnh sống chui sống nhủi. Mùa nắng ráo còn đỡ, song mùa mưa lụt, tạo thành rùng rợn. Ngài nói : ... Hôm ấy, mưa lũ, nước dâng cao, em ẩn trong một căn phòng, giường của em chỉ cách mặt nước độ ba phân, em thấy cả cóc, nhái, rắn, cua...

     Sống trong hoàn cảnh như thế, song ngài vẫn tỏ ra vui vẻ, cũng cười đùa một cách thản nhiên, làm tròn nhiệm vụ, nêu gương sáng cho lớp thầy giảng. Họ cùng nhau kinh nguyện, học hành, không chút sợ hãi lo ngại. Đức độ của cha Théophane, mọi người lương giáo đều biết, nên họ rất quý mến ngài. Điều làm cho ngài khổ tâm là trong miền ấy có trên 300.000 dân bên lương, mà số tông đồ quá ít. Viết thơ chị Mélanie, ngài nói :... Xin chị hãy gia tăng lời cầu nguyện, để em có đủ phương tiện chu toàn sứ mệnh trên cánh đồng bao la bát ngát... Sỡ dĩ Suối Vàng được tương đối yên tĩnh hơn các nơi khác là nhờ quan Tổng đốc Hà nội.

     Nhưng oái oăm thay! Tổng đốc Nam định Nguyễn đình Hưng lại mật báo về Triều đình Huế, tố cáo Tổng đốc Hà nội dung dưỡng công giáo, chứa chấp đạo trưởng. Ngày 11.06.1858, trên 3500 quân sĩ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Triều đình, bao vây lục soát vùng Suối Vàng, cha Théophane và cha Theurel trốn lên miền sơn cước, được giáo dân tiếp tế lương thực, đêm đêm các ngài được nghe cọp gầm gừ trong các bụi rậm. Cơn bách hại nầy có mòi kịch liệt khắp toàn quốc. Quân do thám ham lợi lộc, tầm nã Tây dương đạo trưởng. Tại Nam định, Tổng đốc Hưng trở thành ác quỷ, mưu mô thâm độc. Nơi cổng thành, ông ta cho đặt tượng Thánh giá nằm dưới đất. Vào ra cổng thành, ai đạp lên thánh giá thì qua được; ai không đạp lên thì lập tức bị bắt, bị tra tấn dã man khủng khiếp. Ngày đêm, ông ta ngồi xử án liên tục. Ông ta chỉ cho chọn : hoặc là chữ Bất hoặc là chữ Xuất. Xuất là bỏ đạo thì sống, mà bất là chết. Phần đông đều chọn chữ Bất.

     Bị điệu ra pháp trường, họ hiên ngang vừa đi vừa hát lời ngợi khen Thiên Chúa. Các Thầy giảng, các chủng sinh thì bị thẩm vấn lâu hơn để, may ra tìm được Tây dương đạo trưởng hoặc linh mục Việt Nam. Về hình khổ thì nào kềm sắt nung đỏ kẹp vào da thịt nạn nhân, mùi thịt cháy xông lên, hoặc kềm nguội kẹp da thịt nạn nhân, hoặc đóng đinh tre vào móng tay móng chân; hoặc xử bá đao nghĩa là dùng dao lóc từng miếng thịt cho bày xương ra, hoặc cho voi dày ngựa xé... Giáo dân hàng trăm ngàn, hàng nghìn thà chịu chết chứ chẳng hề chối đạo.

     Tại vùng Suối Vàng, không bắt được đạo trưởng, thì họ bắt thầy giảng và chủng sinh. Có một thầy giảng, khi quan buộc phải đạp lên thánh giá, thì thầy đã cung kính hôn thánh giá và nguyện rằng : Lạy Chúa là đấng đã ban phát cho con bao nhiêu là hồng ân, nay quan quân bắt con chà đạp lên hình ảnh Chúa thì làm sao con nghe lời họ được!... Lại có một bà từ - người giữ nhà thờ - hiên ngang nói với quan : Nào có ai điên cuồng khờ dại đến nỗi đạp lên đầu cha mẹ mình không nào...”

     Phần các vị Thừa sai tạm yên trên sơn cước, song lâu ngày lương dân dòm ngó, nên lại phải trở lại đồng bằng. Nhờ giáo dân dùng thuyền che dấu, lênh đênh Kênh nầy mai sang kênh khác, vô định. Hằng ngày được giáo dân thay phiên nhau tiếp tế lương thực. Cũng nhờ mùa mưa lụt, cha Théophane trở lại Suối Vàng. Đêm nọ, bị rình rập, sợ bị tiết lộ, ngài trốn sang Bút Đồng, nhờ các Nữ tu dòng Mến Thánh giá bao che, nên tạm yên. Ngài dâng Thánh lễ, giảng dạy cho các Nữ tu, các trẻ con, ban các bí tích.

     Phần cha Saiget, áo rách quần xài, đói rét, lại sợ đêm đêm gầm gừ trong lùm cây. Lo sợ, ngài trèo lên mái, tháo tranh, chui ra, rồi đang đêm tìm về Bút Đồng, nhờ một thầy giảng khám phá ra, nên đưa ngài đi tìm nơi nương tựa. Trong thời gian nầy, mọi người đều lo ngại cho số phận của đức Cha Retord vì ngài bị săn đuổi ráo riết, ngài quanh quẩn trong vùng sơn cước, chen bụi lủi bờ, đôi khi phải nằm ngoài trời chịu trận với mưa gió, với muỗi rừng, nhọc nhằn, đói khát, không biết toan liệu thế nào. Suốt bốn tháng trời, ngài không dâng được một Thánh lễ, tất cả đều bị triệt hạ... phân tán, bị hỏa thiêu. Quả thật, các ngài đã đến đường cùng, không lối thoát. Đức cha Retord bị sốt rét rừng quá nặng, không có chút thuốc men nào; bệnh ngày trầm trọng, đến hấp hối. Ngày 22.10.1853, không giường không chõng, ngài nằm đất trần, không chiếu không chăn, và trút hơi thở cuối cùng. Cha Mathevon an táng ngài tại chỗ, nơi sơn lam cùng cốc, thảm thay!!!

     Phần cha Theurel, bạn thân của cha Théophane, được phong Giám mục kế vị Đức cha Retord. Người ta phải nhọc công tìm được ngài trốn trong một cái chuồng trâu. Vì tình thế cực kỳ khó khăn, nên lễ phong Giám mục cho cha Theurel đã diễn tiến rất đơn giản : Gậy tre thay cho gậy vàng; mũ giấy thay cho mũ bằng hàng lụa, chẳng có nhẫn, chẳng có bít tất, chẳng có găng tay. Hôm nay, ngài mới tròn có 29 tuổi. Với tấm lòng quả cảm, sức khỏe dồi dào, thông minh sáng suốt, Đức tân giám mục sẵn sàng thi gan với thời thế khó khăn điêu đứng vì cơn bắt đạo lên tới cực điểm. Nhận được tin nầy, cha Théophane lấy làm hoan hỉ, vì ngài với cha Theurel được thọ phong linh mục cùng một ngày, cùng nhau rời quê hương theo một chuyến tàu rồi được gặp nhau ở tại địa phận Tây Đàng Ngoài. Đức cha Theurel, vì lòng mộ mến tín nhiệm, nên chọn cha Théophane làm cha linh hồn vừa làm cố vấn nữa.

     Quan quân ngày càng xiết chặt vòng vây cho nên các nữ tu Mến Thánh giá phải lo di chuyển các ngài, đồng thời lo canh chừng đề phòng bất trắc. Các cha với hai thầy giảng, cùng chia nhau một căn phòng rộng độ sáu bước (3 mét) sau đó có thêm Đức cha Theurel nữa. Tuy hiểm nguy luôn luôn rình rập, các ngài vẫn tìm cách sinh hoạt mục vụ, nay trốn ở nhà này, mai nhà khác, có lúc phải bỏ Bút Đồng sang vùng khác. Riêng cha Théophane, vẫn giữ được nét vui vẻ, nụ cười duyên dáng không rời khỏi đôi môi. Lo tương lai của giáo hội Việt Nam, ngài dịch toàn bộ phúc âm, toàn bộ sách tông đồ công vụ, các bài thánh thư - nghĩa là toàn bộ Tân ước ra Việt ngữ.

     Ngày nọ, Đức cha Theurel, cha Théophane và một thầy giảng đang cầu nguyện thì có báo động và quân sĩ đang bao vây nhà các Nữ tu. Cả ba vị phải nhảy vào hang trú ẩn đàng sau bếp - một Nữ tu lanh tay chất mấy bó rơm với trấu (võ lúa) che lối vào hang. Lính lục soát nhà, chẳng thấy gì nên mới tới xới đống rơm... chị bề trên hỏi :

     - Các chú làm gì đấy?

     - Chúng tôi tìm tiền bạc và đồ nữ trang. Với nụ cười chế nhạo.

     - Ừ! các chú xới rơm và trấu lên mà tìm.

     Bị mất mặt, lính không xới đống rơm. Nhưng, luôn hoài nghi, tên cai đội để lính ở lại canh chừng nhà bếp. Gặp trời lạnh, lính lấy củi nhen lửa để sưởi ấm. Khói xông lên, cả ba vị đều bị ngộp thở, cắn răng không dám cựa quậy, chẳng dám ho hen, người toát mồi hôi hột. Cuối cùng, bọn lính lảng ra xóm khác. Ra khỏi nơi trú ẩn, được hít không khí thoải mái, các ngài thấy rằng ở mãi nơi tu viện ắt sẽ gặp hệ lụy cho các nữ tu, nên ngài ẩn tại nhà nầy sang nhà khác. Nhưng rồi biết đi đâu bây giờ. Đường bộ đường thủy, đêm ngày có binh lính canh gác nghiêm ngặt. Dầu vậy, viết thơ cho bạn là Pagiot ở Paris, cha Théophane vẫn bông đùa :... Chúng tôi, tất cả là ba mạng, trong số ấy có một giám mục, được một diện tích 2 mét vuông, nằm sát lưng nhau, cựa quậy nhúc nhích không được... thở bằng ba lỗ thông hơi rộng vừa đút ngón tay. Nếu bị động, chúng tôi lại “độn thổ”, đó là một cái hang xây sẵn, có ba lỗ thông hơi... có lẽ các anh hỏi rằng như thế làm sao mà chúng tôi sống được? làm sao mà chúng tôi không hóa điên được? làm sao chịu nổi cảnh sống với chuột đồng, chuột cống với ếch nhái, chẳng dám hở hơi thở mạnh, chẳng dám cười nói...ngày ngày cứ dồn dập nhận được những tin đau lòng : linh mục bị bắt, bị tra tấn dã man, bị xử tử; các giáo xứ bị triệt hạ, bị tàn sát... đau lòng nhứt là mỗi lần được tin có người giáo hữu nào đó chịu tra tấn không nổi, phải xuất giáo... không biết đến ngày nào mới yên được, anh bạn ạ! Tôi nói thật với anh là phải nhờ đặc biệt mới khỏi buồn rầu, mới khỏi ngã lòng nản chí...tôi có một linh mục bạn, ở một tỉnh khác, viết thơ cho tôi nói rằng ròng rã 18 tháng, ngài không thấy được mặt trời và thơ phải viết dưới một hầm trú ẩn sâu 10 bộ (3 mét 30).

     Thật ra, cha Théophane cũng tiên đoán rồi phiên mình, có ngày nó cũng đến, do đó mà đầu năm 1860, ngài đinh ninh rằng trước sau gì mình cũng sẽ bị bắt cho nên hằng ngày, ngài cầu nguyện ban cho mình được ơn chết vì đạo thánh Chúa; ngài xin phép Đức Giám mục cho mình dâng mạng sống cho Giáo hội Việt Nam, rồi ngài viết bản kinh phó thác mình cho Mẹ Maria; ngài lấy máu chính mình ký  tên vào bản kinh ấy.

     Tháng 04.1860, cha Théophane rời Bút đồng, ẩn núp từ nhà nầy sang nhà nọ, lòng vẫn thản nhiên vui vẻ. Ở Suối Vàng, không còn linh mục, nên ngài cùng với một thầy giảng tìm đường về lại Suối Vàng để nâng đỡ tinh thần giáo dân; cứ làng này sang làng kia, ban các bí tích, giải tội cho những người, vì không chịu nổi những cuộc tra tấn quá dã man nên đã xuất giáo. Tại đồng Lào, ngài được một quả phụ là bà Cân đón rước. Bà Cân nhà ở nơi hẻo lánh và có một người cháu gái bị mù. Cô này thường dạy giáo lý và dạy kinh cho trẻ con. Ở đây, cha được dâng Thánh lễ và ban các bí tích trong một thời gian. Nhưng làng nầy, dân cư phần lớn là người luơng, nên chánh quyền xã, thôn sợ sự đi lại của giáo dân bị tiết lộ. Vậy cha lại trốn đi nơi khác, mà chẳng có lúc nào yên, cũng chẳng có nơi nào được an toàn. Cùng đường, cha phải trở lại nhà bà Cân có người anh họ năng đến chơi nhà, thấy có dấu bất bình thường rồi lại có thầy Phê rô Nguyễn duy Khang ở đó nữa.

     Ngày nọ, nhân mùa lụt, nước dâng lên cao, có nhiều ghe thuyền chở đầy lương dân, chèo đến bao vây nhà bà Cân. Thấy ghe đến, bà Cân hoảng hốt kêu :

     - Cha ơi ! cha núp đi kẻo người ta đến bắt cha đấy!.

     Tên Cai đội nhảy lên, đứng chặn trước cửa nhà. Cha Théophane và thầy Khang vội núp vào hai bức vách để trốn. Tên cai đội hống hách :

- Nhà này chứa chấp đạo trưởng, mau nộp y cho ta. Bà Cân trả lời :

     - Tôi chỉ là một góa phụ, tôi có biết gì đâu! các ông cứ hỏi hương lý xã thì biết...

     Cai đội khứ khăng khăng còn bọn lính thì lục soát khắp nhà, chúng đập phá vách nhà, thầy Khang không lối thoát, phải ra mặt. Cai đội hỏi :

     - Chú mầy là đạo trưởng hay là người hầu hạ đạo trưởng?.

Thầy Khang đáp :

     -Tôi là người hầu hạ đạo trưởng.

Cai đội ra lệnh :

     - Xô ngã vách tường đi nào!.

     Giữa bụi bậm và phên vách ngổn ngang, cha Théophane thu giấu Thánh giá, tràng hạt mân khôi và sách kinh, bình tĩnh bước ra. Họ bắt ngài, trói cánh tay, dẫn ngài và thầy Khang xuống ghe. Một bà giáo hữu trong làng, người giàu có, trông thấy thuyền của hai vị, bà liền dùng một chiếc ghe khác, cố chèo đuổi theo thuyền của tên Cai đội và nói :

     - Tôi tặng các ông một số tiền, nếu các ông trả tự do cho vị đạo trưởng và người hầu hạ ấy!...

Cai đội mỉa mai nói :

     - Chúng ông muốn cho họ hưởng phúc thật đấy mà!

     Lão Cai đội không ngờ lời nói của y thật là chính xác. Cha Théophane vẫn bình tỉnh vì biết rằng ngày hạnh phúc của mình cũng gần đến rồi, song lo ngại cho thầy Khang, cha liền bảo với ông Chánh Tổng :

     - Nhờ thầy Chánh Tổng cho phép người hầu hạ tôi được tự do. Thầy Tổng cũng nên thương tình dân gian, đừng tố và hạch tôi người đã đón tôi và cho tôi trú ngụ. Tôi bằng lòng chịu tất một mình, nhưng người hầu hạ tôi, nhờ thầy Tổng thả về đi.

     Nghe vậy, thầy Khang lên tiếng :

     - Ông bắt cả hai cha con chúng tôi, thì nếu thả thì phải thả cả hai; mà nếu nộp lên quan thì cũng phải nộp cả hai...

     Về đến nhà, chánh Tổng tổ chức khao quân; mời bạn bè đến chung vui về biến cố nầy. Nhưng cũng lạ lùng thay, trong bữa tiệc, cha Théophane được ngồi vào bàn danh dự, được dùng những món ăn không có vì gặp ngày kiêng thịt.

     Trước tòa án

     Sáng hôm sau, cha Théophane và thầy Khang bị giải về Hà nội. Thầy Khang phải mang gông cùm, còn cha Théophane bị đóng vào cũi. Biết rằng chiếc cũi là phần của mình, cha Théophane quỳ xuống rồi bò vào trong cũi. Chẳng khác gì ngày xưa, trên đồi Golgôtha, sau khi bị quân dữ lột áo xong, Chúa Giêsu tự mình đến nằm trên thánh giá, giang hai tay để chịu đóng đinh vậy.

     Đoàn người đến phủ lý. Quan án đang bệ vệ ngồi để xử. Người ta đặt chiếc cũi ở giữa sân tòa, đối diện với quan; còn thầy Khang, vẫn mang gông đến đứng bên cạnh. Quan án lễ phép chào hỏi cha. Quan ra lệnh cho cha vào chiếc cũi rộng hơn và cho thầy Khang mang chiếc gông nhẹ hơn. Theo pháp luật thì nạn nhân mang xích xiềng. Do lòng nhân đạo, quan cho mang xiềng nhẹ hơn. Xiềng gồm có chiếc vòng sắt quanh cổ, dây xiềng chạc đến bụng thì rẽ hai ra qua ấy, chân cũng có vòng bao quanh mắt cá chân.

Cuộc thẩm vấn bắt đầu.

Quan hỏi :

      - Ông nầy khai trên giấy trắng mực đen, ông đã tá túc ở những nhà nào và ở những thôn xã nào?

Cha Théophane :

      - Tôi chẳng ở một nơi nào hay một nhà nào nhất định. Tôi đến Việt Nam để truyền đạo chánh; tôi đã đi từ làng nầy qua làng nọ, thôn nầy sang thôn khác. Tôi sẽ chẳng bao giờ nói cho quan biết tôi đã trú ẩn ở nhà nào, vì tôi biết rằng quan quân lùng bắt, hành hạ và sát phạt những người đã đón tiếp đạo trưởng.

     Quan chẳng hỏi thêm gì và cũng không cho mang cũi vào ngục thất. Như thế, cha được ngồi ngay giữa sân tòa. Khi vắng người, cha đọc kinh nhật tụng, lần chuỗi mân khôi. Những lúc lúc công chúng được phép vào tòa nghe xử án, Cha Théophane thấy trên vẻ mặt của họ, chẳng có vẻ gì là độc ác hay thù hận. Họ vào xem chỉ vì cái tính tò mò mà thôi. Ngài cũng lợi dụng cơ hội, nói với quần chúng : Thưa anh em, tôi bỏ quê hương của tôi, tôi sang Việt Nam là để tìm kiếm, tiếp xúc, gặp gỡ anh em. Hôm nay, anh em được phép vào thăm tôi, tôi rất vui mừng.

     Cha cũng viết được thơ về gia đình, đại ý nói... Thiên Chúa cho phép con bị bắt... con chưa biết số phận con sẽ ra sao, nhưng con chẳng thấy sợ sệt gì cả. Ơn Thiên Chúa ở cùng con và Mẹ Maria vô nhiễm sẽ phù hộ đứa con của mẹ... con tin rằng khi gia đình được tin con phải ra pháp trường, thì đồng thời cũng được tin con chiến thắng vẻ vang. Con nương tựa vào Đấng đã chiến thắng Hỏa ngục và mọi sức lực của Thế gian trên Thập giá xưa.

     Đêm mùng 3 rạng ngày mùng 4 tháng 10, người ta cho cha vào chiếc cũi nhỏ hơn, và mang loại xiềng xích nặng hơn, rồi đoàn người lên đường về Hà nội. Khi đi ngang qua làng Kẻ Vôi, người ta yêu cầu viên lý trưởng thay dân phu gánh cũi. Viên lý trưởng là Phao-lồ Mới, người sùng đạo, hiện đang chứa chấp Đức cha Theurel. Ông ta mặc chiếc áo của đức cha thường mặc hằng ngày, ông ta lân la đến gần cũi hỏi : Tên gì?. Cha đáp :

     - Vénard. Như thế, Đức cha được biết là cha Théophane bị bắt.

     Đoàn người tiến dần... thiên hạ đua nhau đến xem mặt vị Tây dương đạo trưởng. Họ thầm khen và thầm thương cho người trẻ trung đẹp trai đang ngồi trong cũi. Giữa cổng thành, sát mặt đất, quan đã cho đặt sẵn tượng Thánh giá. Thầy Khang không chịu đạp lên, quân lính nắm gông lôi bừa qua, song thầy co chân đánh đu theo gông.

Ngồi trong cũi, cha Théophane hỏi :

     - Cái gì thế? chuyện gì thế?.

Người ta đáp :

     - Cây Thánh giá.

Cha bảo :

     - Cất Thánh giá đi, bằng không tôi sẽ không qua đâu!!!.

Nói xong, ngồi trong cũi, cha lắc qua lắc lại xuýt té hết, cho nên lính phải cất Thánh giá.

Vào đến công đường, người ta đặt cũi xuống. Quan hỏi :

     - Anh tên gì? quê quán ở đâu? Đến Việt Nam để làm gì?.

Bình tĩnh, hồn nhiên, cha Théophane trả lời rõ ràng mạch lạc các câu thẩm vấn. Quan chép miệng, nói :

     - À! anh là Tây dương đạo trưởng, mặt mày trẻ trung đẹp đẽ, việc gì mà phải sang đây để chịu chết? Chính anh đã xúi giục chiến thuyền Âu châu sang đánh phá chúng tôi...”

Cha Théophane đáp :

     - Tôi vâng lệnh Vua Trời Đất sang đây để rao giảng chính đạo, đạo cho mọi người, bất cứ là ai ở đâu. Tôi không bao giờ bằng cách nầy hay cách khác, xúi giục chiến thuyền Âu châu sang khai chiến với Việt Nam.

Quan nói :

     - Thế thì anh hãy đi bảo các chiến thuyền đi gấp thì tôi tha cho anh...

Cha :

     - Bẩm quan lớn, tôi chẳng có quyền hành gì để đi thương thuyết một vấn đề như thế. Nhưng nếu Hoàng Thượng phái tôi đi, tôi sẽ phụng mạng đi yêu cầu các đạo binh hưu chiến, chiến thuyền Âu châu rút quân đi, đừng gây chiến với Việt Nam nữa. Nếu việc không thành, tôi sẽ trở lại đây lãnh án tử hình...

Quan :

     - Anh không sợ chết sao?

Cha :

- Tôi không sợ chết. Nhưng nếu nước Việt Nam giết tôi, tôi vui mừng hân hoan đổ máu tôi cho Việt Nam...”

Quan :

     - Anh có thù oán những kẻ lùng bắt anh không?”

Cha :

     - Bẩm quan lớn, hoàn toàn không. Đạo công giáo dạy phải yêu kẻ ghét mình và làm ơn cho kẻ làm khốn mình...

Quan :

     - Anh phải khai những nơi, và những người đã cho anh lẩn trốn...

Cha :

     - Bẩm quan, là phụ mẫu chi dân. Nếu tôi khai ra thì tất cả những người đã cho tôi trú ẩn ắt phải hệ lụy. Quan xét tôi có nên khai ra hay là không...

     Quan cũng xúc động trước những lời khai vừa lễ phép, vừa tình nghĩa nên làm thinh có vẻ nghĩ ngợi. Cuối cùng, quan sai mang Thánh giá đến và nói :

     - Anh hãy đạp lên Thánh giá thì được trả tự do ngay bây giờ!!!”

Cha cầm lấy Thánh giá trịnh trọng hôn kính rồi lớn tiếng nói :

     - Tôi giảng đạo Thánh giá cho đến ngày nay. Bây giờ quan lớn muốn tôi phản đạo thì sao cho phải lẽ. Tôi chẳng quý gì mạng sống ở trần gian nầy nên tôi chịu chết chứ chẳng bao giờ bỏ đạo.

Quan :

     - Nếu đã quý cái chết vì đạo thì việc gì phải trốn chui trốn nhủi, rầy đây mai đó?”

Cha :

     - Bẩm quan lớn, đạo chánh tự mình hủy hoại thể xác, cũng không cho phép tự mình nộp mình... trừ khi cùng đường trốn tránh ẩn núp không được nữa thì bị bắt... Nhưng Thiên Chúa đã tiền định là tôi, tôi cũng tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho tôi đủ sức chịu mọi thứ khổ hình đau đớn đến cực điểm, mà vẫn được trung kiên đến chết...”

     Tòa tuyên án : Cha Théophane sẽ bị trảm quyết. Thầy Khang bị khắc vào hai gò má bằng hai thanh sát nung đỏ hai chữ Tà đạo và bị phân tháp. Án của các ngài, quan chỉ cho hỏa tốc ngày 17.12.1860, đệ trình Triều đình Huế. Trong thời gian chờ đợi, cha được giam vào chiếc cũi rộng hơn, và quan vẫn tỏ thái độ nhân hậu với ngài, lính canh cũng thỉnh thoảng cho ngài ra ngoài cũi, đi lại đôi chút, hoặc giải quyết vấn đề vệ sinh. Giữa cảnh tù ngục, cha vẫn hân hoan vui vẻ, thản nhiên. Ngài hát Thánh vịnh, lần chuỗi mân khôi đọc kinh nhật tụng, hoặc cầu nguyện.

     Giáo dân cũng tìm đủ mọi cách để liên lạc với ngài. Như bà Anna Nghiên, chuyên bán nước vối, dâng nước cho ngài uống đỡ khát. Nhờ một giáo dân đưa đường, cha Phê rô Thịnh ngụy trang thường dân, lân la đến gần ngài để giải tội cho ngài bằng tiếng La tinh. Ông Phao-lồ Mới là lý trưởng, mặc áo lính để làm liên lạc viên giữa ngài với Đức cha Theurel. Đêm 24.12.1860, anh Dominique (binh sĩ) lợi dụng phiên gác, đến đứng cạnh ngài. Ngài thuật lại việc Chúa Giê-su sinh ra, nằm trong máng cỏ ở hang đá Bê-lem. Cha Théophane thông hiệp với toàn thể Giáo hội khắp hoàn cầu, hát bài Lễ giáng sinh.

     Biết cha Théophane ước mong được rước mình Thánh Chúa trong ngày Đại lễ ấy, giáo sĩ và giáo dân cũng giúp ngài toại nguyện. Cha Thịnh dâng Thánh lễ xong, đặt mình Thánh Chúa vào chiếc hộp nhỏ (custode) mang vào cổ cho bà Anna Xin. Bà Xin vào thành gặp bà Nghiên (người chuyên bán nước vối). Bà Nghiên lãnh chiếc hộp, lấy khăn trắng bọc lại, bên trên sấp mấy lá trầu, đến gần cũi, đưa trầu mời cha : Mời ông Tây ăn cau trầu ạ!. Vừa nói vừa nháy mắt, cha hiểu ý, đón khăn cau trầu, chầu mình thánh Chúa đến nửa đêm mới rước lễ. Giáo hữu cũng tìm cách cung cấp giấy bút để cha viết thơ từ giã Đức Giám mục, từ giã gia đình, từ giã bạn tâm giao, cuối thơ ngài ký : Théophane Vénard, tù nhân của Chúa Kitô... Trong thời gian chờ đợi Triều đình duyệt y bản án, quan cũng có đôi lần mời cha lên công đường dùng cơm với quan. Nhưng thời gian ấy kéo dài chẳng bao lâu.

     Trong lá thơ gởi cho gia đình, qua chị Mélanie, cha kể :... Em đã đến Kẻ Chợ - tên cũ của Hà Nội. Cả nhà thử tưởng tượng coi; em ngồi bó gối trong cũi gỗ, tám người lính khiêng hai bên. Đám đông dân chúng ồn ào bu lại nhìn xem. Em nghe họ nói : Chàng Âu châu này dễ thương quá. Anh ta thản nhiên và vui tươi như đi dự lễ tiệc, chẳng tỏ vẻ gì sợ hãi cả. Em cầu nguyện với Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, xin mẹ thương phù hộ cho người tôi tớ nhỏ bé của Mẹ. Mới đầu, quan tòa mời em uống một chén nước trà. Em vẫn bị ngồi trong cũi, nhưng uống cách hồn nhiên, rồi quan thẩm vấn như thường lệ : Tên tuổi em, đến Việt Nam để làm gì, trốn ở nhà ai, ở thôn xóm làng mạc nào... Nhờ ơn Thánh linh, em trả lời rành mạch mà không tiết lộ một người nào hay một địa phương nào. Quan có vẻ thương cảm thốt lên : Hắn còn trẻ quá! Rồi quan hỏi : Ai sai anh đến đây và đến để làm gì?. Em đáp : Không phải là Vua quan nước Pháp gởi tôi đi. Tôi muốn rao giảng đạo Thánh, đạo lành, đạo thật, đạo chính cho mọi người và các Đấng bề Trên trong đạo gởi tôi đến Việt Nam để truyền đạo...”

Trong thơ viết ngày 3.1.1861, gởi cho Đức cha Theurel, ngài nói : Gươm đã kề sát bên cổ mà con chẳng rùng mình chút nào. Thiên Chúa nhân lành đã hỗ trợ sự yếu đuối của con, nên con thấy vui mầng. Thỉnh thoảng con lại cất cao tiếng hát trong cung điệu nầy... Lạy Mẹ dấu yêu, xin thương đặt con, trong quê đời đời, bên Thánh nhan Mẹ... Lạy Mẹ Vô Nhiễm khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của đao phủ, xin Mẹ nhận lấy tôi tớ nhỏ bé, như trái nho chín được hái, như hoa hường nở rộ mùa Xuân, được ngắt về dâng kính Mẹ AVE MARIA.

     Lễ hiến tế

     Cha Théophane nhờ bà Nghiên sắm cho cha chiếc áo mới. Ngài nói : Tôi muốn ngày đi chịu chết, được mặc chiếc áo mới không tỳ ố... Tối ngày 1.02.1861, cha đọc kinh nhật tụng, chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giê-su vào đền Thánh. Đang đêm, lính hỏa tốc từ triều đình Huế đến Hà nội, vào nội thành, mang quyết nghị của Vua Tự Đức, y án trảm quyết cha Théophane. Sáng ngày, vừa thức giấc, cha được báo tin : Hôm nay, đạo trưởng phải ra pháp trường để lãnh bản án trảm quyết. Vài giờ sau đó, quan tuyên đọc bản án. Cha Théophane mặc chiếc áo mới do bà Nghiên may để mặc ngày tử đạo. Một cơ đội khoảng 200 binh sĩ, có hai sĩ quan cỡi voi trận, oai vệ và hùng dũng, long trọng áp giải vị anh hùng đức tin ra pháp trường. Anh Dominique thấy mặt mày của cha rạng rỡ - suốt nửa giờ hành trình - cha không ngừng hát Thánh ca rồi kết thúc bằng kinh Magnificat là kinh tạ ơn của mẹ Maria, trong dịp Mẹ viếng bà Thánh YSAVE (Luca 1/46.56)

     Đến pháp trường, bên bờ sông Hồng, lính tháo gông cùm cho cha. Cha tự động đứng trên chiếu đã được trải sẵn, mỉm cười duyên dáng, cảm ơn các bà giáo hữu hiện diện; ngài nhìn tứ phía cố ý tìm cha Thịnh để lãnh phép giải tội lần cuối cùng. Nhưng rủi thay, cha Thịnh không rõ giờ xử án nên đến không kịp. Một tên lý hình thấy chiếc áo cha còn mới, nó muốn lấy, nên nó nói là cha bị án lăng trì để cha cởi áo cho nó lấy. Nó còn đòi cha cho nó tiền để nó chém cho cách nào mau chết. Cha cười và nói : Có hề chi đâu. Không một đồng chinh nào hết. Càng lâu chết càng tốt. Chú cứ làm phận sự của chú đi...

Cha đưa tay cho hắn trói vào cột chôn sẵn. Ba hồi chiêng trống vừa dứt, lý hình vung gươm, chém lát thứ nhất, gươm trợt qua một bên vào gò má. Lát gươm thứ hai, y bổ đầu cha ra làm hai. Linh hồn cha rời khỏi xác, bay thẳng về Thiên cung.

     Ngày 2.02. Giáo hội mừng lễ Đức Bà Maria dâng Chúa Giê-su vào đền Thánh. Thật là một sự trùng hợp do Thiên định, vì ngày 2.02.1861. Cha Théophane dâng trọn mạng sống mình - như của lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa.

     Các giáo hữu xông vào, dùng khăn thấm lấy máu rồi nạp tiền để xin an táng thi hài của cha, và cũng chuộc lại y phục của cha. Thủ cấp của cha bị bêu trên cây ba ngày rồi thả trôi sông. Về sau, các ngư phủ, trong số ấy có lý trưởng Paul Mới, vớt được, đem trao lại cho đức cha Theurel. Nước mắt ràn rụa, Đức cha thương tiếc một bạn tâm giao, một cha linh hồn, một giáo sĩ thừa sai can trường đắc lực và cũng là một cố vấn sáng suốt của Đức cha. Ngày 3.02.1861. Đức cha dâng Thánh lễ tạ ơn.

     Năm 1865, linh cốt của cha Théophane Vénard được rước về trụ sở Hội Thừa sai Paris để giáo dân tôn kính.

     Đấy, cậu bé chăn dê hồi năm mới lên 9, ước mơ được chết vì đạo thì chúa đã nhậm lời. Nay, trên Thiên Cung, cậu cùng lớp lớp Thánh tử đạo đang hưởng nhan Thánh Chúa.

     Ngày 2.5.1909. Đức Giáo Hoàng Piô X, suy tôn cha Théophane Vénard lên bậc Á Thánh.

     Ngày 19.6.1988, trước hàng ngàn hàng vạn giáo dân Việt Nam hải ngoại, tại công trường Thánh Phê-rô (Rôma). Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lồ đệ II đã suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh chung với 116 vị Thánh tử đạo Việt Nam, gồm có :

     - 96 vị quốc tịch Việt Nam

     - 09 vị quốc tịch Pháp

     - 11 vị quốc tịch Tây Ban Nha.

     Lời nguyện tắt: Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho Giáo hội và Tổ quốc Việt Nam. Amen.

Gioan Baoxita Hồ Đắc Hóa.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art