Chủ Nhật, 24 Tháng Sáu, 2012

Bàn Thờ Tổ

Chú Nhân vì trọ học ở Hà Nội nên khi làng tôi có lệnh đột ngột di cư vô Nam, chú ấy đã không hay biết nên cu ki ở lại miền Bắc cùng với một vài gia đình thất tán phương xa. Làng tôi di cư không được bao lâu thì chú ấy quay trở về trong lạc lõng, bỡ ngỡ đến tột cùng . May thay! Sau đó có vài gia đình cùng làng, làm ăn buôn bán ở các nơi cũng lục tục kéo về. Thế là chú ấy có chỗ tựa nương.
Ðộc thân lại không mắc vướng giai cấp nên chú ấy dễ dàng được kết nạp. Trong suốt mấy chục năm trời được tuyên truyền, nhồi sọ nên trong đầu óc chú luôn có mặc cảm là dân làng chúng tôi đã theo Mỹ vào Nam để phạm tội, nhúng tay vào máu giết chóc dân lành và làm tay sai cho đế quốc Mỹ để thống trị và đàn áp dân chúng. Chẳng thế mà sau khi miền Nam sụp đổ, mặc dù chú đã có mặt tại quân khu 7 nhưng chú đã không lai vãng, tìm đến thăm thân nhân. 
Mãi cho tới năm 1978, chú mới tìm đến dân làng. Khi ấy thì ông bà tôi đều đã qua đời. Chú chỉ hỏi thăm qua loa và sắc diện chú lúc nào cũng lạnh nhạt như tượng đồng. Chú về với dân làng nhưng trong lòng chú làm như vẫn còn mang nhiều nghi kỵ. Chú về như một người dò la, quan sát hơn là với tình cảm thân thuộc đối với thân nhân ruột thịt. Chú về chớp nhoáng rồi đi và chú lại biệt tăm, biệt tích mãi cho tới ngày nghỉ hưu chú mới về lại.
Dân làng kể rằng ngày chú về thăm, chú đi xe jeep của Nga, mặc quần áo cán bộ cao cấp trông oai vệ lắm và nhiều người đã nhận ra diện mạo của chú. Nhiều người muốn nhảy tới để ôm chầm lấy chú sau những năm dài xa cách đầy thương nhớ. Thân nhân và những người đồng lớp của chú thì hy vọng rồi đây nhờ chú mà con cái của họ sẽ thoát vòng tù tội sau những năm tháng dài trong các trại tù cải tạo. 
Bà con cũng kể rằng chú rất độc đoán và cố chấp. Hễ có ai nói động tới chế độ là chú lên lớp giảng giải và đe dọa ngay. Ðối với chú cái gì thuộc về chế độ là toàn hảo. Các cấp lãnh đạo của đảng là những vị minh quân, những thần thánh, khó có thể sai lầm….Tất cả dân làng đều thất vọng, bẽ bàng. Chú lạnh nhạt và khô khan qúa và chẳng một lời nói và một cử chỉ thân tình. Vào thăm nhà ai, không thấy trưng cờ và ảnh bác Hồ là chú tỏ vẻ không vui, nhắc nhở. Hình như không ai nghe theo lời chú, chú lánh xa dân làng và dân làng cũng lánh xa chú.
Bẵng đi một dạo lâu lắm, tôi chẳng nghe ai kể về chú thì nhận được thư chú. Thư chú viết từ Hà Nội và chú cho biết là chú đã nghỉ hưu. Ðề nghị tôi giúp đỡ để chú khôi phục di dời những ngôi mộ tổ. Thế là ngôi nhà cổ xưa của ông bà nội tôi được khôi phục chỉnh trang và chúng tôi lên đường về quê thăm chú và thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
***
Chiếc máy bay Airbus của hãng hàng không Thái chao đảo bay lượn 2 vòng để sửa soạn đáp. Nước phù sa sông Hồng đỏ thắm như máu, tôi nhìn rõ giòng sông Cầu uốn lượn và khúc sống Cà Lồ trong xanh nối liền giữa sông Cầu và sông Hồng. Rồi ngã ba Xà, bên sông Như Nguyệt, nơi tiếp giáp giữa những làng Mai Thượng, Lương Xuân, Trung Nghĩa. Nơi xưa kia anh hùng Lý Thường Kiệt anh dũng đánh tan quân Tống ở gò xác và làm bài hịch "Nam quốc sơn hà, nam đế cư". Nhìn xuống mặt đất, tôi thấy quê tôi một màu đỏ như máu do nước sông Hồng dâng cao. Aûm đạm và buồn thương làm sao ấy! Quê hương tôi bom cày đạn phá, bao đời di tản trắng tay và bao ngừơi ra đi không trở lại. Sầu đắng tủi hờn:
Làng cũ quê tôi đã bao lần 
Trắng đời di tản khóc thương nhau
Ruộng đồng những lúc vừa đâm trổ
Ðã phải chia lìa tay trắng tay!
Phi trường Nội Bài vắng ngắt tẻ lạnh chứ không nhộn nhịp như Tân Sơn Nhất, hai ba chiếc máy bay nằm trực đợi khách. Những người phu bịt mặt, uể oải quét dọn. Những chiếc xe công an chạy qua chạy lại trên phi đạo. Có lẽ lâu lắm mới lại có một chiếc tàu bay cất cánh hoặc đáp xuống. Những biểu ngữ vàng đỏ được gắn khắp phi trường với những bích chương quảng cáo đè dán lên nhau
Phi trường Nội Bài không có cảnh bát nháo xô bồ như ở Sài Gòn. Không có cảnh tài xế taxi, xe ôm lôi kéo khách, không có cả những em bé ăn xin, đánh giày hay những người bán hàng nhan nhản đó đây. Khí trời Hà Nội se lạnh, cơn gió bấc thấm da thấm thịt nên người Hà Nội ăn bận khá tươm tất lịch sự.
Chú Nhân đến đón chúng tôi. Tôi vô cùng cảm động và thoáng giật mình khi thấy chú ấy giống bố tôi qúa! Cái trán hói, những sợi tóc lăn quăn thưa thớt trên vầng trán có nhiều vết nhăn. Chú ôm choàng lấy tôi và tôi cũng thế. Lần đầu tiên chú cháu tôi gặp mặt sau gần 50 năm trời xa cách. Chúng tôi nhận biết và ôm choàng lấy nhau như một sợi dây linh thiêng cột sẵn. Chúng tôi khóc nức nở cho tới khi có tiếng động cơ kêu rú vang trời. Về nhà chú mà chúng tôi vẫn giọt ngắn giọt dài.
Ðường qua Phù Lỗ, Ðông Anh có nhiều khu lồi lõm, ổ gà. Dọc hai bên đường những thuở ruộng khô cháy và nhỏ bé, chia ô vuông gọn ghẽ như bàn cờ. Những cô thợ cấy khom mình reo mạ, những con trâu uể oải kéo cầy. Xa xa, ngọn Núi Ðôi nhấp nhô ẩn hiện sau lũy tre làng Xuân Dục, nơi làng quê tôi đã một lần lánh cư.
Dân chúng ở đâu mà đông qúa! Ðường chật người đông, xe cộ lấn lách, còi xe kêu nhức tai. Những cái chợ chồm hổm lấn chiếm lòng đường. Những vũng nước, xe qua lại vung bắn tung tóe. Những người tìm việc cầm cái cưa, cái đục ngồi ôm gối ở những ngã tư đường chờ mong người đến kiếm, một hình ảnh thật lạ lùng mà tôi chưa hề thấy ở bất cứ đâu. Những đám cãi vã, chửi mắng nhau, kêu la inh ỏi. Cái gì cũng lạ mắt và thay đổi nhiều qúa với khi xưa. Hà Nội với tôi bây giờ xa lạ qúa!
Thịt chó, bún chó, cháo chó trưng bảng nhiều qúa! Tôi nhìn mà muốn nôn ọe! Những con chó được thui vàng béo ngậy, bày treo lơ lững bên cạnh những bó hành xanh tươi. Những ông hàng thịt băm dao inh ỏi. Những bà bán hàng chua chát chửi nhau nặng lời. Hà Nội bây giờ khác ngày xưa nhiều qúa!
Chú tôi kể rằng cảnh Hà Nội xưa tuy có thay đổi nhưng còn đó. Người Hà Nội xưa thì đa số đã đi xa rồi. Hà Nội bây giờ pha trộn tùm lum. Nghe kể mà tôi thấy đau lòng qúa! Bây giờ về lại Hà Nội cái gì với tôi cũng xa lạ.
Tuy chật chội nhưng nhà chú thật ngăn nắp. Giữa nhà là một phương đình và trên cao nhất là di ảnh ông Hồ, bên cạnh là hình cụ tổ và ông bà tôi. Chung quanh tường là những bằng tuyên dương, tưởng lục với những màu in đỏ vàng sáng chói. Tôi nhìn bàn thờ không thấy tượng ảnh, thánh gía. Chắc là chú đã bỏ đạo. Tôi thầm hy vọng ngày mai về lại làng xưa, tôi sẽ không còn thấy cảnh này và trên bàn thờ tổ thì di ảnh của tổ tiên tôi sẽ chiếm ngự nơi chốn cao thiêng nhất.
***
Vui miệng, chú kể cho chúng tôi nghe nhiều về những điều tuyên truyền trong chiến tranh. Chính vì thế mà chú mang nhiều hận thù với bà con giòng họ trong Nam. Lúc ấy, chú đinh ninh rằng tất cả bàn tay của thân nhân mình trong Nam đều vấy máu! Ðều làm tay sai cho Mỹ. Chú quyết chí lên đưởng và tâm niệm rằng tìm được thì bắt hết! Giết hết mới cam! Chú hứng thú kể:
- Khi dân làng đi Nam, chú không hề hay biết. Trở về thì làng không còn một ai. Dân các nơi kéo tới chiếm làng và sau đó thì một vài gia đình làm ăn ở xa trở về. Khi về lại thì nhà cửa đã bị người khác chiếm mất rồi. Tranh đấu và thưa kiện mãi cũng chẳng đòi lại được. Sau đấy vào cải cách nên mọi người đều phải làm ăn tập trung, vào tập thể hết!
Chú hít một điếu thuốc lào, tiếng vo ve vang dòn, chú ngửa mặt, nhả một luồng khói dày đặc lên trần nhà rồi chống xe điếu vào cằm, gật gù tiếp:
- Về làng không bao lâu thì chú được động viên đi bộ đội. Sau đó trở thành "cốt cán", tham gia chiến dịch đấu tố từ làng này, tới làng nọ. Khi ấy chú hăng lắm! Ðược nghe tuyên truyền rằng những kẻ đi Nam là những kẻ phản quốc theo My õ- Diệm, giết hại dân lành vô tội. Lúc đầu chú không tin, lâu dần nghe hoài, nghe ngày này tới ngày khác nên chú tiêm nhiễm lúc nào không biết. Chú tin như thế, chú tin là dân làng ta hư hỏng, thoái hóa hết rồi. Chú hy vọng một ngày nào đó được đi Nam chiến đấu, chú sẽ tìm tới hỏi tội ….
Bây giờ thì chú đã biết hết và biết một cách rõ ràng rằng dân làng vô tội và vì sao phải ra đi. Chú biết, nhưng mấy chục năm trong quân ngũ, trong tuyên truyền, nhồi sọ, chú vẫn cảm thấy khúc mắc và khó kết thân làm sao ấy! Nhiều lúc chú muốn tìm về với bà con thân nhân nhưng khi gặp mặt thì chú lại mang mặc cảm cách biệt. Mấy lần tìm tới nhau nhưng hàng rào ngăn cách vẫn cao qúa! Nhiều lúc chú muốn đốn ngã hết để tìm về với nhau nhưng mội khi tìm tới nhau thì hàng rào cách biệt và tự ái lại dâng cao.
Sáng hôm sau thức dậy, chú cháu tôi về thăm làng. Nhà ông nội tôi thì chú để cho thằng con trai lớn của chú ở và chăm lo hương khói cho ông bà tổ tiên. Cũng như nhà chú ở Hà Nội, di ảnh ông Hồ nằm nơi cao thiêng nhất và dưới cùng mới là di ảnh của ông bà tổ tiên. Thấy lạ tôi hỏi chú:
- Thưa chú bác Hồ đâu phải là tổ tiên của gia đình mình sao chú lại để di ảnh của bác ấy trên chỗ cao thiêng nhất của bàn thờ?
- Con nói sao kỳ vậy! Bác Hồ là cha gìa của dân tộc, là người vạch ra con đường giải phóng đất nước trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ thì tại sao mình lại không dành cho Bác chỗ cao qúy nhất!
- Cái đóù là tùy quan niệm của chú! Con tôn trọng ý nghĩ và niềm tin của chú nhưng đây là nhà thờ gia tộc họ Hoàng thì tại sao một người không cùng họ lại chiếm chỗ cao thiêng nhất! Như vậy thật là tủi hổ cho gia tộc!
- Chú đã bảo rằng Bác là vị cha kính yêu của cả dân tộc thì gia đình nằm trong dân tộc. Tại sao Bác lại không ngự trị trong chổ cao thiêng và tôn kính nhất!
- Chú có thể xây đền thờ cho bác Hồ của chú trong lòng chú, chú có thể bỏ tiền ra xây đền, xây lăng cho bác Hồ của chú ở bất cứ đâu rồi đưa ông ấy về ngự trị nhưng xin chú đừng để ông ấy ngồi trên đầu, trên cổ tổ tiên mình. Mỗi người có một chỗ đứng riêng, xin chú đừng nhầm lẫn. 
- Các anh như vậy là qúa lắm rồi! Tự ái dân tộc để đâu; Tự hào dân tộc trong 2 cuộc chiến để đâu? Tại sao anh lại nói quàng nói bậy vậy! Anh có biết tuyên bố như anh là phản động, phản quốc không?
- Chẳng có gì là phản động cả! Con xác nhận là con tôn trọng ý nghĩ và niềm tin của chú nhưng xin chú hiểu cho rằng con về đây để qùy lạy, van bái tổ tiên con, những người có công đức sinh thành ra con. Những người khác nếu đáng kính hay là thần thánh thì họ đã có những đền miếu ở nơi khác. Ðây là nhà thờ họ Hoàng thì không thể để một người họ Lê, họ Nguyễn ngự trị trên chỗ cao nhất được!
Thấy không khí căng thẳng và sự đôi co gần như là sắp vào ngõ bí, thím tôi chen vào:
- Thôi thì hai chú cháu đốt nhang khấn vái ông bà tổ tiên đi chứ! Sắp trưa rồi! Còn phải cơm nước rồi đi thăm người này người nọ cũng như mồ mả tổ tiên chứ!
Chú tôi có vẻ hậm hực ra mặt nhưng hình như cũng muốn dung hòa cho xong nên khi thím tôi vừa nói xong thì chú tiến tới bàn thờ lấy diêm đốt nhang rồi chia cho thím cháu tôi và thằng con lớn của chú.
Chú khấn vái lời gì không rõ, chỉ thấy chú lẩm bẩm đôi lời, phân nhang ra làm nhiều phần rồi một phần để trên lư hương dưới di ảnh bác Hồ, những phần còn lại trên lư hương của tổ tiên. Tới phiên tôi, khấn vái xong, tôi đưa tất cả nhang vào lư hương của tổ tiên mà thôi. Chú đưa mắt lừ tôi, không nói một lời.

Nếu không vô tình cắt nghĩa cho cô bạn gái của con tôi phải thận trọng đề phòng "kẻ cắp, móc túi" khi ra đường thì mặc dầu có xảy ra biến cố cãi cọ về chuyệän bàn thờ thì øcó lẽ chú cháu tôi đã gần, đã thân cận với nhau và hàng rào cản phân cách giữa chú và gia đình đã được dẹp bỏ. Không ngờ chú tôi tự ái cao qúa! Ðúng như lời kể của dân làng.
Tôi cắt nghĩa cho cô bạn gái của con tôi là ra đường phải cẩn thận vì ở đây có nhiều kẻ móc túi, ăn cắp…Thế là chú ấy nổi xung và khi cô bé gái vừa đi khỏi, chú đã "quạt" cho tôi một trận. Nhục mạ tôi đủ điều và còn đòi từ cha con chúng tôi. Chú giảng:
- Các anh đúng là lũ ngoại lai vong bản! Ai đời về thăm quê hương lại nói xấu quê hương với người ngoại quốc!
- Thưa chú! Con đâu có nói xấu gì quê hương đâu!
- Thế sao anh lại cắt nghĩa cho chúng nó là ra đường phải coi chừng ăn cắp, móc túi! Bộ đất nước này toàn là kẻ cắp à! Nói như thế thì không nhục mạ quê hương, đất nước là gì?
- Thưa chú! Cắt nghĩa như vậy chỉ là một việc cẩn trọng đề phòng trong điều kiện thực tế có như vậy. Không có gì là nhục mạ, chỉ trích cả! Phòng bệnh hơn chữa bệnh mà chú!
- Người ta nói "xấu che, tốt khoe". Tại sao cái xấu, cái điều tồi dở như vậy anh lại khoe với ngoại nhân? Các anh ỷ có nhiều tiền, lắm bạc về đây ăn tiêu đủng đỉnh rồi coi thường quê hương, đất nước như vậy thật là một lũ vong bản!
- Chẳng có gì là vong bản cả chú ạ! Hơn hai chục năm nay sinh sống tại một thành phố lớn ở Aâu Châu, con chưa hề gặp, chưa hề bị móc túi vậy mà nhan nhãn khắp các nhà gare xe lửa, phi trường, các công viên đông người qua lại người ta đều treo bảng "Coi chừng bị móc túi!"….Có gì là nhục nhã là xúc phạm tới tổ quốc đâu. Chẳng qua đấy chỉ là những lời nhắc nhở đứng đắn đầy thận trọng, giúp cho người qua lại tránh phải cảnh mất mát, thiệt thòi nếu có.
- Anh lên mặt giảng đạo cho tôi đấy à! Tôi nói thật với các anh. Nghe lời giải thích của các anh với một kẻ ngoại nhân như thế là nhục mạ là chà đạp lên cái nền văn hiến của đất nước này. Bộ đất nước này toàn những người ăn cắp à! Tự ái dân tộc để đâu! 
- Vâng như chú biết đấy! Cũng vào dịp Tết năm ngoái, vợ chồng thằng Ðăng ở Mỹ về chẳng bị kẻ gian lấy cắp hết giấy tờ rồi phải chạy ngược, chạy xuôi, học gạch ra mới xin lại được à!
- Tại chúng có của không biết giữ thì ráng mà chịu! Ở đâu mà không có kẻ gian! Ngay trong chùa cũng còn có những Lỗ Trí Thâm đam mê tửu sắc thì huống chi là người phàm, xác thịt!
- Chính vì thế, con mới căn dặn các cháu kỹ càng để tránh những phiền hà, rắc rối!
- Chuyện chưa xảy ra mà các anh làm như đất nước này là những hang ổ chẳng bằng!
- Thưa chú! Nếu ở đây, ở mọi nơi người ta đều đề bảng "Coi chừng ăn cắp" thì có lẽ sẽ bớt bị mất cắp hơn, vợ chồng thằng Ðăng đã không bị mất cắp giấy tờ, không bị mất mát thời giờ vô ích!
- Tiên sư bố anh! Anh bảo chúng tôi ăn cắp ấy à! Từ nay, tôi cấm các anh vác mặt về đây. Nghèo khổ, sống chết kệ cha chúng tôi. Không khiến các anh thương xót! Các anh là một lũ ngoại lai vong bản. Nói xấu quê hương với người nước ngoài. Thật là nhục nhã!
Chửi bới chúng tôi một mạch rồi chú tức giận bỏ đi, để mặc chúng tôi nhìn nhau buồn tủi.
***
Trước ngày về lại Aâu châu, tôi lại tìm về thăm chú và bái biệt mồ mả tổ tiên. Từ đó chúng tôi biết tin chú gặp nạn. Chúng tôi tìm tới nhà thương thăm chú. Thì ra chú là trung tá hưu viên. Cửa phòng bệnh của chu,ù người ta đề rõ như thế! "Hoàng Văn Nhân, trung tá nghỉ hưu".
Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy mặt mũi chú bị băng bó, chân trái chú bị treo cao với một khối bột to trắng bao vòng chân chú. Chú cảm động lắm khi nhìn thấy chúng tôi. Chú có vẻ vui vẻ hơn kỳ trước. Sau một vài câu thăm hỏi, chú ra lệnh là chúng tôi phải về nghỉ lại nhà chú cho thân tình. 
Chú kể rằng cách đây 3 ngày, chú đem giấy tờ đến sở ngoại vụ làm hồ sơ xin thông hành để lên đường đi thăm thằng con chú du học rồi ở lại Ba Lan. Không may cho chú, trên đường chú gặp cướp. Bọn cướp tốc độ chở nhau trên một chiếc xe phân khối lớn. Thấy chú có cập táp gài sau xe, dáng người to béo nên chúng tưởng là gặp được mồi bở. Thằng lái xe vượt kịp chú, thò chân đạp mạnh vào hông xe, thằng ngồi sau cướp lấy cập táp. Chú bị mất thăng bằng do cú đạp mạnh qúa, té lộn nhào xuống giữa lòng đường Hà Nội. Chú bị gãy chân, sứt đầu u trán rồi được đưa vào nhà thương băng bó vết thương và bó bột cái chân bị gãy.
Tôi ngồi bên cạnh xoa nắn cho chú và lấy bút ký tên vào khối bột băng chân chú. Chú ân cần bảo chúng tôi tối nay về nhà chú nghỉ ngơi để thím cháu, anh em có dịp tâm tình để tình nghĩa được mặn nồng rồi chú than rằng:
- Mẹ kiếp! Bao năm vào sinh ra tử không sao, bom bi, bom chụp không sao. B-52 cánh xòe cánh cụp không sao. Hòa bình rồi lại trở thành người thương phế giữa lòng Hà Nội thanh bình. Hà Nội bây giờ cướp giật như rươi! Ngay giữa ban ngày! Bây giờ thì chú đã hiểu rồi! Ra đường các con phải cẩn trọng đề phòng, đừng để bị móc túi!
Trầm ngâm một hồi rồi chú lại tiếp:
- Cướp giật như rươi vậy mà chúng nó không chịu cảnh báo cho dân chúng biết để đề phòng!
Tôi ân cần tiếp tục xoa nắn cho chú. Tôi nghe tiếng chú thở dài não nuột và nhìn thấy khóe mắt chú long lanh ngấn lệ. 
Giờ thăm viếng đã hết, chú có vẻ tiếc rẻ, ôm chầm lấy tôi khóc ngất. Chú ân cần kề tai tôi thầm thĩ:
- Nhớ về lạy ông bà con nhá! Bàn thờ tổ, chú đã đổi rồi!
Tôi nghe chú nói, cảm động không cầm được nước mắt! Tiếng chuông báo điểm giờ thăm viếng đã hết, thím cháu tôi buộc lòng phải ra về. Ra tới cửa, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng chú dặn bảo:
- Các con phải thận trọng! Hà Nội bây giờ nhiều cướp lắm!
Ra khỏi cửa phòng bệnh, tôi nhìn thấy trong phòng đợi một tượng bác Hồ to lớn, phía sau một hàng chữ đỏ chạy dài: "Xây dựng một đất nước Việt Nam tự do, độc lập, ấm no, hạnh phúc".
Trời Hà Nội se lạnh dưới cơn gió bấc. Tiếng gió rít gào, người qua lại tất bật vội vã. Bỗng đâu bên tai tôi nghe tiếng kêu la inh ỏi:
- Cướp! Cướp!

Hoàng Ngọc Lễ

Bài viết khác