Bài thơ "Cầu Mirabeau"
(dịch và bình)
Le pont Mirabeau
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu'il m'en souvienne
La joie venait toujours après la peine
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
Les mains dans les mains restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l'onde si lasse
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
L'amour s'en va comme cette eau courante
L'amour s'en va
Comme la vie est lente
Et comme l'Espérance est violente
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
Passent les jours et passent les semaines
Ni temps passé
Ni les amours reviennent
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
Guillaume Apollinaire
Cầu Mirabeau
Dưới cầu Mirabeau sông Seine trôi
Tình đôi ta
Nổi chìm sao bỗng nhớ
Nỗi buồn đi qua lại có niềm vui
Giờ mỗi điểm và đêm mỗi rơi
Ngày tiếp ngày đi ta còn đây
Tay nắm tay đôi ta đứng nhìn nhau
Tay bắc cầu
Sóng nước trôi hờ hững
Có gì đâu vẫn ánh mắt thiên thâu
Giờ cứ điểm và đêm cứ rơi
Ngày tiếp ngày đi ta còn đây
Tình đã rời xa như nước trôi mau
Tình đã rời
Bước đời sao quá chậm
Và Hy vọng bùng lên mãnh liệt sao
Giờ hãy điểm và đêm hãy rơi
Ngày tiếp ngày đi ta còn đây
Ngày tháng dần qua sau những tháng ngày
Thời gian cũ
Và tình không trở lại
Dưới cầu Mirabeau sông Seine trôi
Giờ vẫn điểm và đêm vẫn rơi
Ngày tiếp ngày đi ta còn đây
Hàn Thuỷ dịch
Anh Đặng Tiến sau khi nhận được bản thảo bài này đã gửi cho nhiều nhận xét quý giá, và sau đó lại cao hứng gửi tới bản dịch của mình, thật thích thú, xin cảm ơn anh, và xin cùng đăng để cung cấp những chọn lựa dịch thuật, và những cảm hứng thi ca, tương đồng hay dị biệt.
Bản dịch của Đặng Tiến :
Cầu Mirabeau
Dưới cầu Mi-ra-bô xuôi sông Xen
Và tình ta
Cần chăng mà nhớ mãi
Buồn sẽ qua và niềm vui trở lại
Hãy đến đêm hãy điểm giờ
Ngày tháng trôi tôi trơ vơ
Tay trong tay cùng nhìn nhau đối diện
Dưới vòng tay
Bắc cầu mãi trôi đi
Làn sóng mệt nhoài ánh nhìn vĩnh viễn
Hãy đến đêm hãy điểm giờ
Ngày tháng trôi tôi trơ vơ
Tình ra đi như con nước xuôi dòng
Tình ra đi
Đời sao là chậm chạp
Và sao là khốc liệt nỗi Chờ Mong
Hãy đến đêm hãy điểm giờ
Ngày tháng trôi tôi trơ vơ
Ngày lại qua ngày tháng tháng cũng qua
Thời gian qua
Như tình không trở lại
Dưới cầu Mi-ra-bô xuôi sông Xen
Hãy đến đêm hãy điểm giờ
Ngày tháng trôi tôi trơ vơ
Đặng Tiến dịch
12.08.2011
Lời bình của người dịch (H.T.) :
Độc giả thấy việc tự bình thơ mình dịch là tầm phào, xin bỏ qua. Nếu không cũng xin nhận trước lời tạ lỗi vì lời bình quá dài, đây là một bài thơ khó. Chính vì tự thấy bản dịch không lột tả được hết những gì mình cảm nhận khi đọc nguyên tác, cho nên phải tán thêm.
Khó đối với cả người Pháp, vì cho đến nay vẫn có nhiều lời bình giải khác nhau, việc bình giải bài thơ này đã từng là đầu đề thi tốt nghiệp phổ thông ban văn chương. Nghịch lý là : tuy khó hiểu sâu, nhưng nó lại rất hấp dẫn, rất lãng mạn, được đông đảo người yêu thích, mặc dầu mỗi người có thể hiểu một cách khác nhau. Có lẽ người ta thích và nhớ lâu cũng là vì tuỳ tâm trạng của mình mà mỗi lúc lại đọc bài thơ này một cách khác. Mà vẫn thấy hay.
Trước khi trình bày những cảm nhận và chọn lựa chủ quan của người dịch − vì ngay trong cái đa nghĩa vẫn có cách đọc của riêng mình − có lẽ cần tìm hiểu khung cảnh bài thơ ra đời cũng như những sáng tạo nghệ thuật của tác giả.
Khung cảnh :
Guillaume Appolinaire (1880-1918) là nhà thơ Pháp rất nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Ông đã thực hiện hay cổ vũ (trong hội hoạ) những cuộc cách mạng nghệ thuật thời đó, riêng về thơ, ông khá là nổi loạn và độc đáo.
Apollinaire có nhiều tình yêu, đơn phương và đa phương, năm 1907 ông gặp và yêu nữ hoạ sĩ Marie Laurencin, tình yêu của họ được mô tả như vừa nồng nhiệt vừa nhiều sóng gió, cho đến 1912 thì họ chia tay nhau. Ông viết bài thơ này sau đó và xuất bản trong tập thơ Alcools, năm 1913. Điều đáng chú ý là trước khi cho xuất bản Alcools ông đã bỏ hết các dấu chấm phảy trong tập thơ, theo phá cách của bạn ông là Blaise Cendrars − mà phá cách này cũng là một loại "tập cổ" mà thôi, ngày xưa các bài thơ được phổ biến truyền khẩu là chính, viết ra cũng chẳng có chấm phảy. Không hồ nghi gì, họ tập cổ như thế để cổ vũ cho cái mơ hồ và đa nghĩa1. Apollinaire còn làm những bài thơ mà hình dạng của nó khi in ra là phần quan trọng (vậy xin ai biên tập nhớ dùm, đừng in hoặc hiển thị bài thơ "Le pont Mirabeau" theo sát lề trái, tác giả viết mỗi câu đều ở giữa trang, với ai khác không sao nhưng với Apollinaire thì hơi khiếm nhã).
Nhìn tổng thể bài thơ :
Từ cổ xưa đến nay ở Pháp loại thơ có phiên khúc và điệp khúc luôn luôn tồn tại, nhưng thường trong một bài thơ số âm tiết của mỗi dòng là cố định, và loại thơ mười âm tiết thì rất hiếm kể từ mấy trăm năm trước cho tới thời hiện đại. Cấu trúc bài thơ này có ba điều lạ : dùng ba câu mười âm tiết trong các phiên khúc, nhưng câu thứ hai lại cắt làm đôi không đều, 4 âm tiết và 6 âm tiết, cuối cùng là dùng hai câu 7 âm tiết cho điệp khúc; tóm lại, 10/4/6/10 và 7/7, rất có thể là phần nào do Apollinaire thích hình ảnh thị giác của bài thơ. Hình thức này, cộng với việc không có chấm phảy, làm cho người Pháp cảm thấy có cái gì cổ kính mà lại có cái gì tân kỳ. Người dịch cố gắng theo dạng đó, nhưng thấy dùng một khổ ít âm tiết hơn thì thích hợp : 8/3/5/8 và 7/7, hy vọng cũng tạo được sắc thái ấy chăng ?
Bài thơ là một độc thoại của tác giả về cuộc tình vừa qua đi, kể lại và trầm tư.
Toàn bộ vần trong bài thơ là vần nữ (rimes féminines, tức có chữ 'e' cuối) man mác êm dịu, ba câu 10 đều vần với nhau (trong khi hai là đủ rồi), tuy vậy do câu giữa được cắt đôi khấp khểnh 4/6 nên vẫn không đơn điệu. Các phiên khúc toát ra sự thanh thản, nhưng được đánh nhịp bật dậy bằng hai câu điệp khúc không thanh thản chút nào. Bài thơ chia làm bốn đoạn, ba đoạn đầu phát triển bi kịch dần lên cao rồi đoạn cuối quay về theo một cấu trúc hồi quy, nó gợi nhớ xa xôi về những bài thơ đường luật. Thật vậy, nếu bỏ điệp khúc thì bài thơ còn lại rất có thể được phỏng dịch một cách cô đọng theo thể thất ngôn bát cú cổ điển. Ta hãy thử đọc như thế.
Bình giải chi tiết :
Phiên khúc đầu :
Một người đứng cô đơn trên cầu Mirabeau nhìn dòng sông Seine. Hắn nhìn nước trôi và nhớ lại2 những tình yêu của chúng ta (nos amours) cũng đã trôi đi, tại sao những ? có thể vì đã có những giai đoạn vui buồn yêu hận nối tiếp nhau, mỗi lần yêu là một tình yêu3, có thể là vì trong tình ta yêu người và tình người yêu ta có cái gì khác biệt4, ở đây chắc là có cả hai nghĩa đó. Có một chút hy vọng kín đáo ở chỗ nói đến niềm vui sau nỗi buồn. Để ý trong bài thơ này có một động từ duy nhất ở thì quá khứ, "venait" trong câu 4, nó xác định những phiên khúc sau cũng thuộc quá khứ, nhưng sẽ được mô tả bằng thì hiện tại (présent narratif).
Phiên khúc hai :
Hắn nhớ lại lúc yêu nhau, cùng đứng trên cầu5, tay trong tay, mắt trong mắt; hình tượng hai đôi cánh tay nối nhau dơ cao như chiếc cầu nói lên ước vọng về một tình yêu bền vững, cũng bền vững như cầu Mirabeau. Nhưng ở đây lại xen vào một cảm nghĩ hiện tại của hắn, anh chàng đang cô đơn nhìn nước sông Seine trôi : chắc là sóng nước kia nhìn những người yêu nhau đã chán ra rồi ! "Ừ, cũng như mọi mối tình ta đã chứng kiến trên chiếc cầu này, ai biết sẽ ra sao" là lời phán mệt mỏi của sóng. Cũng như hai câu thừa của thơ Đường, phiên khúc này phát triển chủ đề thêm một bước nhưng chưa nói hết ý, để dành cho hai câu chuyển khai triển. Hy vọng kín đáo đã trở thành một nhận xét hơi nghi ngại, pha chút thất vọng.
Phiên khúc ba :
Thế rồi đến lúc tình yêu rời quá xa, hầu như không đuổi kịp được nữa, bản thân hắn có cảm giác bất lực, tình cảm đó được diễn tả bằng hậu quả, hắn thấy cuộc đời quanh mình sao diễn ra quá chậm chạp. Lúc đó bùng lên hy vọng mãnh liệt, càng mãnh liệt khi càng cảm thấy bất lực6. Hy vọng gì ? bài thơ không nói, nhưng có thể hiểu đó là hy vọng được giải thoát, theo chiều này hay theo chiều khác, khỏi cái vòng luẩn quẩn khi buồn khi vui mà đầu bài thơ đã nhắc đến, một lần cuối (Hy vọng là danh từ chung độc nhất trong bài thơ viết hoa mà không phải đầu dòng, bởi vậy đó là hy vọng độc nhất, hy vọng cuối cùng). Thật tuyệt vời ! Chỉ có ba mươi âm tiết mà mô tả sâu sắc bi kịch của tâm lý thất tình.
Phiên khúc cuối :
Đỉnh cao của bi kịch này không thể kéo dài nữa, và kết luận là sự chấp nhận đổ vỡ. Thời gian đã đi qua lâu quá rồi và đã đến lúc nhận ra rằng tơ lòng đã đứt hẳn; và tình đã đi qua thì không trở lại, cũng như những chuyện tình khác thôi (do đó ở đây viết les amours, số nhiều, mà cũng không phải nos amours nữa, như trong phiên khúc đầu). Khái quát hoá chuyện của mình thành một sự thật đời thường như thế, là đã đem nó ra ngoài trái tim, và người nhớ lại chuyện tình đó có thể bình thản quay về hiện tại, đứng trên cầu Mirabeau, phía dưới có dòng dòng sông Seine đang trôi qua.
*
Điệp khúc :
Trên đây là bài thơ Đường, rất hay, nhưng chưa thể gọi là tuyệt phẩm, bài thơ chỉ thành tuyệt phẩm của thi ca Pháp với hai câu điệp khúc. Từ thời những người du ca, vai trò của điệp khúc là rút ra và nhắc lại cho người nghe ý nghĩa chung của câu chuyện, làm cho người ta dễ nhớ và dễ theo dõi khi nghe hát một câu chuyện dài mà những biến chuyển được kể theo từng phiên khúc. Ở đây (do các yếu tố lịch sử lâu dài) có lẽ tâm thức Á Đông khác với tâm thức Âu Tây, thơ Đường ít khi bộc lộ tâm trạng của mình, như trong điệp khúc này.
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
Trong điệp khúc của câu chuyện đang kể, Apollinaire khẳng định ta còn đây dù thời gian đi qua, đó là câu hai. Nhưng gay cấn là câu thơ đầu.
"Vienne" và "sonne" thuộc thể giả định (subjonctif, người dịch tạm gọi vì không biết từ khác thích hợp), thường là trước đó có chữ "que", nhưng trong thơ có thể bỏ. Và ý nghĩa của sự giả định đó tuỳ thuộc khung cảnh của câu văn, mà ở đây không có ! nó có thể là mệnh lệnh "đêm hãy đến... " hay là giả định có tính mô tả "dù đêm đến...", mà "dù đêm đến" thì cũng có thể có sắc thái chịu đựng (ta không muốn nhưng ta biết đó là chuyện phải xẩy ra), hay sắc thái chống đối (đến thì đến, ta mặc kệ nó)... một giả định mà không có khung cảnh rõ rệt thì hiểu sao cũng được, nói đúng hơn, khung cảnh của điệp khúc là cả bài thơ, và do đó tuỳ cảm nhận của người đọc về bài thơ.
Khi đang phân vân giữa "dù" và "hãy" thì anh Đặng Tiến nhắc đến chữ "cứ" trong bản dịch Hoàng Hưng7 : Cho đêm cứ về cho giờ cứ điểm. Người viết bài này không thấy chữ nào hay hơn8 cho điệp khúc này. Và, nhân khi đi tìm bản dịch Hoàng Hưng trên mạng, giật mình thấy đã có khá nhiều bản dịch, mà bạn đọc có thể xem ở đây . Nhưng xin thú nhận là thất vọng, một câu thơ gay cấn như thế mà nhiều tác giả dịch như một mô tả vô thưởng vô phạt: Tế Hanh dịch : "Giờ đã điểm, đêm đã tới", Xuân Diệu dịch "Đêm sang rồi, thời khắc đổi thay"... thế thì không thể hiểu tại sao phải nhắc đi nhắc lại.
Điều lý thú là, vì nó đa nghĩa như thế, cảm nhận của người đọc về điệp khúc có thể thay đổi theo phiên khúc vừa đọc ! có lẽ không nên tự giới hạn trong một cách hiểu. Điệp khúc đầu chỉ là một chấp nhận sự thực khách quan, thời gian trôi qua với ngày và đêm, với những hồi chuông điểm giờ, không ai có thể cưỡng lại, cũng như không thể cưỡng lại sự kiện là mỗi cuộc tình đều có lúc nổi chìm. Lần hai, cũng với những chữ ấy sự chấp nhận đã có sắc thái phức tạp hơn, và đặc biệt là chấp nhận sự tồn tại cô độc của mình qua thời gian, sau khi đã thấy cái ao ước về một tình yêu bền vững là điều nhàm chán của con người, mà không phải ai cũng đạt được. Nó vừa chấp nhận vừa thách đố với thời gian : ta sẽ vẫn là ta mặc dù ai đó có chung thuỷ hay không. Lần thứ ba, rõ ràng là nên hiểu điệp khúc với chữ "hãy". Giờ hãy điểm... là ao ước bi kịch phải mở nút theo một hướng nào đó, và đêm hãy rơi vừa là mệnh lệnh vừa là thách đố : dù hướng đó có là cái chết của tình yêu9 đi nữa. Điệp khúc cuối tự khẳng định mình cùng với sự khẳng định thời gian khách quan, một cách thanh thản.
Cảm nhận như thế nên người dịch đã phân vân rất nhiều giữa giữ nguyên một cách dịch (trong trường hợp đó chữ "cứ" là chọn lựa thích hợp nhất) hay thay đổi cách dịch điệp khúc theo từng đoạn. Cuối cùng thấy nên thay đổi, tuy nhiên mỗi lần chỉ thay chữ quan trọng nhất, hy vọng người đọc vẫn thấy đây là điệp khúc. Đành vậy, không thể dịch được một lần cho xong cái thể giả định vốn là rắc rối khó hiểu khó dùng nhất trong tiếng Pháp, mà lại được tác giả làm cho mơ hồ đa nghĩa thêm một cách tài hoa như thế.
Về chủ đề bài thơ :
Điệp khúc như thế, vậy chủ đề thực của bài thơ là gì ? nếu là tình yêu, tại sao trong điệp khúc, phần quan trọng được nhắc đi nhắc lại, không nói gì đến tình yêu ? Phải nhận ra rằng nếu chủ đề của câu chuyện là nói về tình yêu, thì chủ đề của điệp khúc là nói về thời gian, vậy tình yêu chỉ là bề nổi, là cái cớ, để tác giả trầm tư về thời gian. Nói chính xác hơn, tác giả thăng hoa từ kinh nghiệm đổ vỡ tình yêu của mình thành những trầm tư về thời gian. Phải chăng đó cũng là cách tự trị liệu tâm lý ?
Thời gian ?! Thánh Augustin đã nói : "nếu không ai hỏi thì tôi biết, còn nếu có ai hỏi thì tôi không biết nữa" nó là đủ thứ mà nó không là gì cả. Là một thi sĩ, dĩ nhiên tác giả không biến những trầm tư đó thành diễn văn duy lý, mà nói bằng biểu tượng. Vậy chỉ có thể nói về biểu hiện của thời gian qua những biểu tượng trong bài thơ mà thôi.
Trước hết thời gian là sự trường tồn, có gì trường tồn hơn thời gian đâu? Và thời gian cũng là sự đổi thay, người ta chỉ cảm thấy sự trường tồn khi bên cạnh đó có sự đổi thay. Cầu Mirabeau là sự trường tồn, nước sông Seine chảy là sự đổi thay. Cái "ta còn đây" trong điệp khúc muốn khẳng định sự trường tồn của mình trong độ dài của thời gian, theo đổi thay của tình yêu. Cho nên "giờ điểm", "đêm rơi", những thời điểm, phải là số ít, so với "ngày tiếp ngày (les jours)" phải là số nhiều. Độ dài thời gian và thời điểm theo chu kỳ vật lý là hai khái niệm mấu chốt trong trong thời gian khách quan.
Nhưng đổi thay trong thời gian cũng có hai loại : đổi thay tuyến tính như nước trôi, đối lập với đổi thay theo một vòng xoáy của chu kỳ tâm lý buồn vui, càng lúc càng dữ dội rồi đột biến mãnh liệt trong bi kịch; như cuộc tình và tâm tình tác giả. Cái "ta còn đây" muốn khẳng định sự trường tồn của mình, thực ra lại là biểu tượng của sự đổi thay trong tâm lý, hy vọng, nghi ngại, đau khổ, thanh thản...
Và thời gian còn là hiện tại và quá khứ, còn chưa nhận ra cái gì thuộc về quá khứ đã đi mất hẳn thì còn đau khổ (thời gian cũ và tình không trở lại). Đau khổ còn đến, khi không nhận ra thời gian chủ quan của bản thân bị so le với thời gian của ngoại cảnh, mặc dù rất thân thiết với mình (tình đã rời, bước đời sao quá chậm), vì thời gian như nước, có lúc trôi êm đềm, có lúc trôi mau.
Bản thân bài thơ là một chu kỳ, cấu trúc hồi quy này cũng là một biểu tượng cho nội dung trong chiều sâu của bài thơ.
Lời kết tặng :
Tôi hy vọng ngày nào sẽ đứng tựa thành cầu Mirabeau nhìn nước sông Seine chảy, và sẽ không thấy ở đấy những mối tình đang trôi qua, mà hy vọng được ngắm dòng nước phản chiếu trời xanh và mây trôi.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du10
Và cũng ước mong mình được như một cái cầu... bắc giữa hai nền văn hoá, như những người muốn làm dịch thuật.
Cảm ơn anh Phạm Toàn, mà lá thư nhắc tới cầu Mirabeau làm nảy ra một cuộc thảo luận trong ban biên tập Diễn Đàn về bài thơ này, khiến người viết nảy ra ý muốn dịch lại, cảm ơn anh Hoàng Hưng về chữ "cứ", và cảm ơn anh Đặng Tiến đã cho nhiều nhận xét quý báu.
Hàn Thuỷ
Chú thích
1 Phiên khúc đầu minh hoạ rất thú vị cho cái mơ hồ đa nghĩa đó. Nếu cứ chia câu mà phân tích cú pháp thì có thể hiểu hai cách : a) − tình trôi đi cũng như dòng sông trôi (câu 1 và câu 2) − nhớ lại là vui buồn theo nhau (câu 3 và câu 4), và b) − nhìn dòng sông trôi (câu 1) − nhớ lại tình yêu (câu 2 và câu 3) − thêm ý buồn đi vui đến (câu 4). Theo thiển ý tác giả muốn ta hiểu tất cả cùng một lúc : nhìn dòng sông trôi liên tưởng đến cuộc tình lúc vui lúc buồn cũng đã trôi đi. Và đó mới là sự thật tâm lý, mọi thứ trộn lẫn chứ không khúc triết như luận văn khoa học.
2 Về câu "Faut-il qu'il m'en souvienne" : nghĩa của câu này rất bình thường, đó là câu bâng quơ quen thuộc của ngôn ngữ nói, để nói ý tiếp theo một cách nhẹ nhàng. Thí dụ : Faut-il qu'il m'en souvienne, achète du pain en rentrant. (Ơ ! sao bỗng nhớ, lúc về anh mua bánh mì nhé"). Dĩ nhiên ở đây tác giả chỉ giả vờ làm nhẹ bớt kỷ niệm đau đớn của mình thôi.
3 Trésor de la langue française : les amours de qqn : ...les épisodes successifs d'un même amour... (một ý nghĩa là : những giai đoạn khác nhau của cùng một tình yêu... (từ mục "amour", thí dụ 144)
4 Thí dụ nếu dịch ngược câu "chúng ta yêu nhau, nhưng tình yêu của chúng ta khác nhau" thì phải viết ... nos amours...
5 Chữ "restons" không phải "hãy..." tuy nó không có chủ từ, và theo nghĩa đen thì đúng là thuộc thể mệnh lệnh (impératif) số nhiều, như nhiều người, kể cả người Pháp, đã hiểu. Nhưng bỏ qua chủ từ là chuyện thường trong thơ nếu có những yếu tố cho phép suy ra, ở đây "tay nắm tay" là đủ. Vì nếu không thì hiểu câu thơ sau thế nào ? hai người nhìn nhau đắm đuối nào biết sóng sông ở đâu ? nói gì đến chuyện sóng sông chán nản vì đã chứng kiến quá nhiều cái nhìn vĩnh cửu như thế rồi ! Chẳng lẽ vừa cùng nhau hứa hẹn thiên thu vừa tự nghi ngờ !!! Do đó đây là mô tả quá khứ của hắn, và ngay sau đó hắn nhận xét về giai đoạn yêu nhau đắm đuối đó.
6 lente vần với violente là chơi chữ rất thú vị : vie-o-lente (đời-sao-chậm).
7 Xem bài về Appollinaire "Ở biên giới của vô biên và tương lai" của nhà thơ Hoàng Hưng, trong đó có phụ đính bản dịch "Cầu Mirabeau" của anh.
8 Mặc dù cũng mất đi sắc thái mệnh lệnh.
9 Có một cách hiểu nữa bi thảm hơn, là tác giả ước ao cái chết theo nghĩa đen, và cũng có những chỉ dấu như thế, đêm ở đây tượng trưng cho cái chết, và Espérance viết hoa có thể hiểu là hy vọng được cứu rỗi (espérance hay espoir đều là hy vọng, nhưng espérance có sắc thái niềm tin nhiều hơn espoir), thêm nữa, nên để ý trong điệp khúc, l'heure vần với de-meure ( que je meure = hãy cho tôi chết, từ động từ mourir là chết). Liên tưởng gián tiếp bằng cách dùng vần là phổ quát, cũng như ta nói "chữ tài cùng với chữ tai một vần". Người dịch không cảm nhận bài thơ này bi thảm đến thế, tuy nhiên, biết đâu, trong vô thức của tác giả... hay có lẽ tác giả có dụng ý kín đáo cho biết : trong cái ý chí thách đố của ta còn đây đó; có cái gì, có lúc, hơi run rẩy, không sắt đá lắm đâu...
10 Hoàng hạc một đi không trở lại
Ngàn năm mây trắng ngẩn ngơ bay
Thơ Thôi Hiệu, bản dịch Hà Thượng Nhân