Thứ Ba, 13 Tháng Mười Một, 2018

Vị Thánh nữ âm nhạc có di thể bất hoại

Bức “Saint Cecilia” hay bức tranh về vị Thánh âm nhạc miêu tả một người phụ nữ rất đặc biệt của Kitô giáo, bà là vị Thánh tử vì đạo đầu tiên của tôn giáo này đạt được nhục thân bất hoại, và là vị Thánh nữ bảo hộ cho âm nhạc của nhà thờ.

Cecilia là vị Thánh nữ bảo hộ âm nhạc của Kitô giáo. Bà thường được khắc họa trong tư thế kéo viola, hay đánh đàn organ. Còn khi được vẽ cùng các nhạc công khác, thì bà sẽ hát, bằng tất cả lòng thành kính dành cho Chúa trời. Người ta lưu truyền rằng cái tên “Cecilia” của bà mang ý nghĩa là “bông hoa bách hợp của Thiên đàng”.

Vị Thánh nữ âm nhạc có di thể bất hoại - 1
Bức “Saint Cecilia” hay bức tranh về vị Thánh nữ âm nhạc của danh họa thời Baroque, Guido Reni, vẽ vào năm 1606.


Bức “Thánh nữ Cecilia” là tác phẩm của danh họa thời Baroque, Guido Reni, vẽ vào năm 1606 và hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Norton Simon, thành phố Pasadena, California.

Bức tranh mô tả một thiếu nữ khỏe mạnh, mang dáng dấp của người xuất thân từ các nông trại hơn là một thiếu nữ quý tộc (dù Thánh nữ là một nữ quý tộc). Nguyên nhân là vì đây chính là kiểu khắc họa nhân vật điển hình của phong cách Caravaggio thời thế kỷ 17. Người thiếu nữ trong tranh đang kéo đàn viola, đằng sau lưng là cây đàn organ (pipe organ), một nhạc cụ phổ biến trong nhà thờ Kitô giáo. Thần thái của cô thuần khiết, ánh mắt tha thiết ngưỡng vọng hướng lên thiên đàng tạo cho người xem một cảm giác sâu lắng, trang nghiêm, thánh thiện.

Màu sắc trong tranh tương phản sắc nét, màu nền đen làm dịu bớt sắc đỏ của màu váy, làm nổi bật người thiếu nữ với làn da trắng, và tạo ra một không khí tĩnh lặng cho tranh. Từ biểu cảm cho tới quần áo hay cách cầm đàn của Cecilia đều được khắc họa rất chân thực và tự nhiên.

Reni đã miêu tả được vẻ đẹp ngoan đạo và tâm hồn thánh khiết của Cecilia, vị Thánh âm nhạc của Kitô giáo. Nhưng bên cạnh sự tinh tế của bức họa này, câu chuyện ra đời của nó cũng khiến người thưởng tranh không khỏi cảm thấy thú vị.

Nói về sự ra đời của bức “Thánh nữ Cecilia” thì phải kể câu chuyện về cuộc đời bà. Không ai có thể biết chắc chắn ngày sinh tháng đẻ thực sự của Cecilia, nhưng người ta tin rằng bà mất năm 177 SCN. Theo lịch sử Giáo hội, Cecilia là con gái của một gia đình quý tộc quyền quý. Từ nhỏ bà đã nguyện cống hiến sinh mệnh cho Chúa trời và giữ gìn sự trinh tiết của mình. Tuy nhiên gia đình Cecilia lại quyết định gả bà cho một nhà quý tộc trẻ tuổi tên là Valerian.

Vị Thánh nữ âm nhạc có di thể bất hoại - 2
Bức “Saint Cecilia with an Angel” của họa sĩ Orazio Gentileschi vẽ vào năm 1618-1621 mô tả cảnh Thánh nữ đang đánh đàn organ cùng với một Thiên thần.


Vào ngày cưới, khi âm nhạc bắt đầu ngân lên, Cecilia đã cầu nguyện với Chúa trời rằng: “Xin Ngài giữ trái tim và thân thể con được trong sạch để con không phải hổ thẹn”. Lời nguyện cầu của Thánh nữ Cecilia đã được đáp lại…

Đêm tân hôn, Cecilia nói với Valerian rằng bà đang được một Thiên thần bảo hộ, và rằng ông sẽ bị trừng phạt nếu xâm hại trinh tiết của bà. Khi Valerian yêu cầu được nhìn thấy vị Thiên thần, Cecilia đã nói rằng nếu Valerian chấp nhận được rửa tội bởi Giáo hoàng Urban I và đi trên con đường Via Appia (một con đường quan trọng của La Mã cổ đại) thì ông sẽ được chứng kiến Thần tích. Valerian làm theo, và thật sự nhìn thấy một vị Thiên thần đang bảo hộ Cecilia và đội lên đầu bà một vòng hoa kết từ hoa hồng và hoa bách hợp. Sau sự việc này, cả Valerian và em trai là Tiburtius đều cải đạo sang Kitô giáo.

Vị Thánh nữ âm nhạc có di thể bất hoại - 3
Bức “The Martyrs Valerian, Tiburzio and Cecilia” của họa sĩ Orazio Gentileschi vẽ năm 1620, mô tả cảnh Cecilia chứng minh cho chồng và em chồng thấy sự hiện diện của Thiên Thần.


Lúc ấy, Kitô giáo đang bị bức hại tại La Mã. Valerian cùng Tiburtius đã bị phát hiện là tín đồ Kitô giáo và bị sát hại. Cecilia cũng bị phát hiện ngay sau đó nhưng những kẻ bức hại không dám công khai sát hại Cecilia vì ảnh hưởng quý tộc của bà. Vậy là chúng đã nhốt bà trong phong tắm để khiến bà ngạt thở bằng hơi nước nhưng không thành. Tiếp đến, một tay đao phủ giàu kinh nghiệm lại tới để bí mật chặt đầu bà, nhưng không hiểu sao hắn không thể khiến đầu bà lìa khỏi cổ, và đã bỏ chạy, để lại Cecilia trong phòng tắm, trong tình trạng nửa cổ bị cắt ra, trong ba ngày ba đêm. Trong thời gian ấy, Cecilia nằm trong đúng một tư thế, người nghiêng về bên phải, tay ra dấu cầu nguyện… cho đến khi bà ra đi.

Vị Thánh nữ âm nhạc có di thể bất hoại - 4
Bức “The Martyrdom of St Cecilia” của họa sĩ Carlo Saraceni vẽ năm 1610, mô tả cảnh Thánh nữ bị bức hại.


Thánh Cecilia được chôn tại khu hầm mộ Callixtus. Bảy thế kỷ sau, Giáo hoàng Pascal I (817-824) cho xây dựng Nhà thờ Thánh Cecilia trên quảng trường Trastevere ở Rome, và muốn chuyển di thể bà về đó. Tuy nhiên ông không thể tìm thấy di thể bà và tin rằng nó đã bị đánh cắp.

Rồi trong một giấc mơ, Giáo hoàng Pascal đã được Thánh Cecilia khích lệ, và cuối cùng ông tìm thấy di thể của Thánh nữ vẫn nguyên vẹn, được che trong một chiếc màn thêu vàng với những miếng vải thấm máu dưới chân bà. Di thể bà được Giáo hoàng Paschal I đưa đi chôn cất tại nhà thờ Thánh Cecilia ở Trastevere.

Vị Thánh nữ âm nhạc có di thể bất hoại - 5
Nhà thờ Thánh Cecilia ở Trastevere (Ảnh qua Wikipedia)


Lần tiếp theo khi có người quấy nhiễu giấc ngủ của Cecilia là 777 năm sau. Trong đợt phục tích nhà thờ năm 1599, trước sự chứng kiến của vài nhân chứng khác, đích thân Hồng y Sfondrato đã mở chiếc quan tài bằng gỗ bách bên trong có chứa di thể của Thánh nữ Cecilia. Và di thể của bà vẫn nguyên vẹn, nằm nghiêng một bên, thấy rõ chiếc cổ bị thương.

Vị Thánh nữ âm nhạc có di thể bất hoại - 6
Tác phẩm điêu khắc “Martyrdom of Saint Cecilia” miêu tả lại di thể bất hoại mà Stefano Maderno đã chứng kiến trong chiếc quan tài. Tư thế tay của Thánh nữ ẩn dấu sự cầu nguyện và niềm tin vào Kitô giáo. Đây cũng chính là tư thế mà Thánh nữ đã nằm suốt 3 ngày 3 đêm trước khi ra đi.


Nhà điêu khắc Stefano Maderno đã khắc họa lại cảnh tượng mà ông nhìn thấy trong chiếc quan tài ngày hôm ấy lên tác phẩm nổi tiếng “Martyrdom of Saint Cecilia” (Tạm dịch: Thánh Cecilia tử vì đạo). Tác phẩm này hiện vẫn còn được lưu giữ trong chính nhà thờ Trastevere.

Vị Thánh nữ âm nhạc có di thể bất hoại - 7
Bức “Saint Cecilia” hay bức tranh về vị Thánh nữ âm nhạc của danh họa thời Baroque, Guido Reni, vẽ vào năm 1606.

Bên cạnh đó, Hồng y Sfondrato cũng ủy thác cho Guido Reni vẽ một tác phẩm về việc Thánh nữ sử dụng nhạc cụ để giao tiếp với Thiên đàng. Và đó chính là câu chuyện về sự ra đời của bức “Thánh nữ Cecilia”.


Lê Anh

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art