Thứ Tư, 22 Tháng Tám, 2018

Bếp cảm ứng điện từ hoạt động ra sao?

Bếp cảm ứng điện từ hoạt động ra sao? - 1
Bếp cảm ứng điện từ. (Hình: bestinductioncooktopreview.org)


Từ thời thượng cổ con người đã biết dùng lửa để nấu chín thực phẩm, nhất là thịt cá. Cho đến nay loài người vẫn tiếp tục dùng lửa hay những phương pháp tương tự để nấu nướng.

Nhưng vào thế kỷ thứ 20 thì các nhà khoa học đã khám phá ra hai phương pháp nấu thực phẩm mà không cần dùng lửa. Một là lò vi sóng (microwave oven), hai là bếp cảm ứng điện từ (electromagnetic induction), viết cho gọn là bếp cảm ứng.

 

Nguyên tắc hoạt động của bếp cảm ứng 

Bếp cảm ứng hoạt động theo nguyên tắc của điện từ (electromagnetism). Theo vật lý thì điện và từ trường liên hệ chặt chẽ với nhau. Một dòng điện chạy trong một sợi dây điện sẽ sinh ra một từ trường chung quanh sợi dây và ngược lại nếu từ trường thay đổi sẽ làm ra điện. Đây là nguyên tắc của động cơ điện. Đa số điện mà chúng ta dùng bây giờ được phát sinh ra từ những máy phát điện dùng nguyên tắc của điện từ.

Ở ngay dưới mặt kính của bếp cảm ứng là những vòng xoắn bằng đồng được nối vào một mạch điện xoay chiều. Khi bật bếp lên thì dòng điện chạy trong vòng xoắn và phát sinh ra một từ trường chung quanh đó. Vì là dòng điện xoay chiều nên từ trường luôn luôn thay đổi.

Khi đặt một nồi làm bằng thép hay gang lên trên bếp cảm ứng thì sự thay đổi của từ trường làm cảm sinh ra dòng điện ngay trong chất kim loại của nồi, do đó có tên là cảm ứng điện từ. Khi từ trường xoay chiều thì dòng điện cũng đổi chiều theo nên dòng điện này được gọi là dòng điện xoáy (eddy current) hay dòng điện fu-cô (Foucault current). Dòng điện fu-cô khác với dòng điện thường chạy trong dây điện. Thành phần kim loại của nồi đối kháng với dòng điện fu-cô như một điện trở và gây ra nhiệt. Sức nóng này chính là sức nóng dùng để đun nấu.

Bếp cảm ứng điện từ hoạt động ra sao? - 2
Nguyên tắc của bếp cảm ứng. (Hình: dc.edu.au)



Tiến trình của sự phát triển bếp cảm ứng 

Sự liên kết giữa điện và từ trường đã được các nhà khoa học bên Âu Châu khám phá ra và ngiên cứu từ thế kỷ thứ 19. Vào thập niên 1860 ông James Clerk Maxwell, khoa học gia xứ Tô Cách Lan (Scotland) đã tóm gọn những hiện tượng này bằng bốn phương trình toán học, bây giờ được gọi là những phương trình Maxwell.

Vì sự phát triển của ngành điện từ được nhiều nhà nghiên cứu đóng góp nên không rõ ai là người đã phát minh ra bếp cảm ứng. Nhưng nấu bằng cảm ứng điện từ được biểu diễn lần đầu trong Hội Chợ  Quốc Tế (World Fair) ở thành phố Chicago vào năm 1933. Sau đó thì không có phát triển gì thêm.

Vào thập niên 1970, công ty Westinghouse Electric đưa ra bếp cảm ứng đầu tiên và công ty Sears cũng có bán bếp cảm ứng lúc bấy giờ. Nhưng vì giá đắt, không được nóng lắm, không chắc chắn và ồn ào nên người tiêu dùng không thích bếp cảm ứng và ở Hoa Kỳ bếp cảm ứng không được phát triển.

Tuy nhiên bếp cảm ứng vẫn được phát triển và tiêu thụ bên Âu và Á Châu. Bây giờ thì kỹ thuật bếp cảm ứng đã tiến bộ rất nhiều nên ở Hòa Kỳ người tiêu dùng lại bắt đầu thích bếp cảm ứng.


Nồi nào thì dùng với bếp cảm ứng? 

Vì bếp cảm ứng dùng từ trường để gây ra điện và sinh ra sức nóng, nên không phải nồi nào cũng dùng được với bếp cảm ứng. Phải là những nồi làm bằng kim loại có tính chất sắt từ (ferromagnetic metal). Nếu bạn đi mua nồi mới thì chọn cái nào có chữ “induction compatible” (thích hợp với cảm ứng) hay “induction ready” (sẵn sàng cho cảm ứng). Có những nồi mới có một dấu hiệu tương tự như dấu hiệu sau, báo hiệu cho biết là nồi đó dùng cho bếp cảm ứng được.

Với những nồi niêu cũ thì bạn có thể thử xem cái nào dùng cho bếp cảm ứng được bằng cách để một cái nam châm dưới đáy nồi. Nếu cái nào hút nam châm mạnh thì cái đó dùng cho bếp cảm ứng được.

Bếp cảm ứng điện từ hoạt động ra sao? - 3
Dấu hiệu nồi dùng cho bếp cảm ứng. (Hình: en.wikipedia.org)

Thông thường thì nồi nào là bằng thép hay gang là đều dùng cho bếp cảm ứng được. Nồi bằng thủy tinh hay bằng gốm thì không dùng được cũng như những nồi làm bằng đồng hay nhôm. Ngược lại những nồi dùng được cho bếp cảm ứng đều dùng được cho bếp thường.


Ưu và khuyếđim ca nu bng bếp cảm ứng 

Bếp điện hay bếp khí đốt đều mất rất nhiều năng lượng ra ngoài. Bếp cảm ứng có hiệu năng hơn các loại lò khác vì năng lượng được truyền thẳng từ bếp cảm ứng vào nồi.

Những loại bếp thường thì nguồn nóng là ở ngoài. Nguồn nóng này làm nóng nồi, rồi hơi nóng mới tới thực phẩm. Vì nguồn nóng có thể không làm nóng nồi đều nên trong nồi có chỗ nóng hơn chỗ khác và bạn phải khuấy lên cho đều. Bếp cảm ứng làm nóng thức phẩm đều hơn là các loại lò khác vì chính nồi là nguồn nóng.

Hơn nữa, vì không có nguồn nóng mở như bếp điện hay bếp khí đốt nên bếp cảm ứng rất an toàn. Vì lý do này nên cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA đã nghiên cứu và phát triển bếp cảm ứng cho những phi thuyền của họ. Ngay như khi bếp cảm ứng được bật lên, mặt của bếp vẫn nguội nên bạn có để tay lên đó cũng không bị phỏng. Tuy nhiên cũng phải cẩn thận khi bếp cảm ứng đang được dùng để nấu thì hơi nóng của nồi có thể tỏa ra, truyền xuống và làm nóng mặt bếp.

Bếp cảm ứng nóng nhanh hơn bếp thường và cũng nguội nhanh hơn. Bếp cảm ứng còn có thể điều chỉnh nhiệt độ thấp rất tiện cho những thức ăn cần nấu lâu ở nhiệt độ thấp như là rim cá hay thịt.

Vì bếp cảm ứng chỉ là một mặt phẳng bằng kính nên rất dễ lau chùi và giữ gìn sạch sẽ. Về mặt thẩm mỹ thì bếp cảm ứng trông đẹp hơn những bếp khác.

Một khuyết điểm của bếp cảm ứng là giá cao, tuy nhiên khi có nhiều người dùng thì giá sẽ hạ xuống.

Một khuyết điểm nữa là không quen sử dụng. Vì nồi nấu bằng bếp cảm ứng có những đặc tính khác thường nên lúc đầu không quen dễ bị cháy hay nấu món ăn không được như ý muốn. Sử dụng lâu ngày mới thấy thích.

Trong tương lai khi giá thành giảm xuống sẽ có nhiều người mua và dùng bếp cảm ứng. Ngay bây giờ những nồi cơm điện loại đắt tiền đều dùng cảm ứng điện từ để nấu cơm, loại này có tên là IH (Induction Heating) rice cooker, tạm dịch là nồi cơm điện cảm ứng. Nhiều phê bình trên mạng nói là nồi cơm điện cảm ứng nấu nhanh hơn và cơm thơm, dẻo hơn. (Hà Dương Cự)


Nguồn tài liệu:
http://bestinductioncooktopreview.org
https://home.howstuffworks.com
www.explainthatstuff.com 

Bài viết khác