Truyện dịch Người Tình (L'Amant) - Marguerite Duras

Thứ Hai, 16 Tháng Ba, 2020

Phần 1 : Người Tình (L'Amant) - Marguerite Duras

Phần 1 

Chương 1

Một ngày nọ, khi tôi đã già, một người đàn ông tiến đến bên tôi, ở lối vào một nơi công cộng. Ông ta tự giới thiệu mình, rồi nói, "Tôi biết bà đã từ nhiều năm rồi. Ai cũng nói khi còn trẻ bà rất là xinh đẹp, nhưng tôi lại muốn nói với bà rằng tôi nghĩ hiện giờ bà còn xinh đẹp hơn thời ấy nữa. Tôi yêu thích khuôn mặt bà như nó đang là lúc này hơn là khuôn mặt bà khi còn là thiếu nữ. Một khuôn mặt bị tàn phá."

Tôi thường nghĩ đến hình ảnh mà chỉ riêng mình tôi có thể nhìn thấy bây giờ, nghĩ đến cái hình ảnh mà tôi không bao giờ nói đến. Nó luôn luôn ở đó, vẫn ở trong cùng một sự im lặng đáng ngạc nhiên. Ðó là hình ảnh duy nhất của chính tôi mà tôi yêu mến, hình ảnh duy nhất mà qua đó tôi nhận ra chính mình, qua đó tôi lấy làm vui sướng.

 Ngay từ lúc mới khởi đầu của đời sống tôi, mọi sự đều đã là quá trễ. Cũng đã là quá trễ muộn rồi ngay khi tôi được mười tám tuổi. Giữa tuổi mười tám và hai mươi lăm, khuôn mặt tôi đã cuốn trôi theo một chiều hướng mới. Tôi trở nên già nua ở tuổi mười tám. Tôi chẳng biết là việc này có xảy ra giống như vậy đối với mọi người không, tôi không bao giờ hỏi ai về điều đó cả. Nhưng tôi tin rằng tôi đã từng nghe nói về cái cách mà thời gian có thể bất chợt trôi qua nhanh hơn đối với con người, ngay cả khi người ta đang trải qua những giai đoạn trẻ trung và vô cùng quý báu trong đời. Sự lão hóa của tôi rất đột ngột. Tôi đã nhìn thấy nó trải bày ra trên diện mạo tôi từng nét một, làm thay đổi mối liên hệ của chúng, làm cho đôi mắt to hơn, nét mặt buồn bã hơn, cái miệng dứt khoát hơn, và để lại những nếp nhăn hằn sâu trên trán. Nhưng thay vì bị mất tinh thần, tôi đã nhìn diễn tiến này với cùng một sự thích thú mà tôi có thể có được khi đọc một quyển sách. Và tôi biết rằng tôi đúng, tôi biết rằng một ngày nào đó sự lão hóa này sẽ chậm lại và sẽ đi theo nhịp độ bình thường của nó. Những người đã từng biết tôi lúc tôi mười bảy tuổi, khi tôi đến Pháp, đều ngạc nhiên khi họ gặp lại tôi hai năm sau đó, lúc tôi mười chín tuổi. Và kể từ đó tôi đã giữ mãi khuôn mặt ấy, một khuôn mặt mới mà tôi đã có từ ngày đó. Ðó là khuôn mặt của tôi. Dĩ nhiên nó vẫn bị già đi, nhưng tương đối ít già hơn là đáng lẽ nó phải bị. Nó bị ghi dấu bằng những nếp nhăn khô sâu trên làn da nứt nẻ. Nhưng gương mặt tôi đã không bị suy sụp hẳn, như một vài gương mặt xinh đẹp đã từng bị. Nó vẫn giữ được những đường nét cũ, nhưng thực chất của nó đã bị tàn phá. Tôi có một khuôn mặt bị tàn phá.

 Thế đấy, tôi mười lăm tuổi rưỡi.

 Trên chuyến phà qua sông Cửu Long.

 Cái hình ảnh kéo dài suốt chuyến qua sông.

 Tôi mười lăm tuổi rưỡi, không có tiết mùa nào cả nơi phần đất đó của thế giới, chúng tôi chỉ có một mùa, nóng bức, đơn điệu, chúng tôi ở trong một vòng đai dài nóng bức của trái đất, nơi không có mùa xuân, không có sự phục hồi.

 Tôi đang ở trong một trường nội trú tại Sài gòn. Tôi ăn và ngủ ở đó, nhưng theo học trường trung học của người Pháp. Mẹ tôi là một giáo sư và bà muốn con gái của bà có một trình độ học vấn trung học. "Con phải theo học trường trung học." Những gì đã từng là đầy đủ cho bà không còn đủ cho con gái bà nữa. Trường trung học và kế đó là một mảnh bằng kha khá nào đó về toán. Ðó là những điều đã được nói nhai nhãi vào tai tôi từ khi mới bắt đầu cắp sách đến trường. Không bao giờ tôi dám nghĩ đến việc có thể trốn thoát khỏi cái mảnh bàng về toán đó cả, nên tôi vui lòng trao cho bà niềm hy vọng đó. Mỗi ngày tôi nhìn bà hoạch định tương lai cho chính bà và cho con cái. Rồi đến khi bà không thể hoạch định ra một điều gì lớn lao cho những đứa con trai của mình nữa, thì bà liền trù tính những tương lai khác, những tương lai để dùng thay thế, nhưng chúng cũng vẫn phục vụ cho mục đích của chúng, chúng phác họa thời gian nằm phía trước. Tôi nhớ đến những lớp học về kế toán của người anh kế tôi. Ở Trường Hàm Thụ Phổ Thông - đủ các năm học, đủ các trình độ. Tụi con phải ráng theo cho kịp, mẹ tôi vẫn thường nói. Nhưng chuyện học hành chỉ kéo dài được ba ngày, không bào giờ được đến bốn hôm. Không bao giờ. Chúng tôi phải bỏ học Trường Phổ Thông mỗi khi mẹ được bổ nhiệm đến nơi khác. Và lại bắt đầu lần nữa ở nơi kế đó. Mẹ tôi đã tiếp tục như thế trong suốt mười năm. Chẳng có gì tốt đẹp cả. Anh kế tôi trở thành một viên thư ký kế toán ở Sài gòn. Không có một trường kỹ thuật nào ở các thuộc địa cả, và chúng tôi mang ơn điều đó, vì nhờ vậy anh cả tôi mới có được chuyến đi sang Pháp. Anh ở lại Pháp trong nhiều năm để theo học trường kỹ thuật. Nhưng anh đã không duy trì được việc học. Chắc hẳn là mẹ tôi cũng biết chuyện đó. Nhưng bà không có sự lựa chọn nào khác, anh phải được tách rời khỏi hai đứa con kia. Trong suốt nhiều năm anh không còn là một phần tử của gia đình nữa. Chính vào lúc anh đang ở xa, mẹ tôi đã mua miếng đất. Ðó là một việc làm kinh khủng, nhưng đối với chúng tôi, những đứa trẻ con còn ở lại, chuyện đó không đến nỗi khủng khiếp như sự hiện diện của tên giết người, tên giết con nít ban đêm, đêm của gã săn người.

 Người ta thường nói với tôi là việc trải qua suốt thời thơ ấu trong ánh mặt trời quá mạnh mẽ đã tạo ra chuyện ấy. Nhưng tôi không bao giờ tin điều đó. Tôi cũng nghe nói là chính sự nghèo khổ đã làm cho chúng tôi trở nên ủ ê. Nhưng không, không phải thế. Vâng, bọn trẻ con ở đây trông giống như những người già nhỏ choắt vì nạn đói kinh niên, điều đó thì đúng. Nhưng đối với chúng tôi thì không, chúng tôi không bị đói khát. Chúng tôi là những đứa bé da trắng, chúng tôi có xấu hổ vì phải bán đi bàn ghế trong nhà, nhưng chúng tôi không đói, chúng tôi có một người giúp việc và chúng tôi được ăn uống. Phải thừa nhận là đôi khi chúng tôi đã phải ăn đến đồ lòng ruột - cò vạc, cá sấu con - nhưng đồ lòng ruột này đã được nấu nướng và được người làm dọn lên, và đôi khi chúng tôi cũng khước từ không ăn và lấy làm thích thú với sự xa hoa trong việc từ chối như thế. Không, điều gì đó đã xảy ra khi tôi mười tám tuổi, đã đưa đến sự định hình gương mặt này. Hẳn là vào lúc ban đêm. Tôi sợ chính tôi, tôi sợ Thượng Ðế. Trong ánh sáng ban ngày, tôi ít sợ hơn, và cái chết dường như ít quan trọng hơn. Nhưng nó luôn luôn ám ảnh tôi. Tôi đã muốn giết - người anh cả của tôi, tôi đã muốn giết anh, để có một lần thắng thế anh, chỉ một lần, và nhìn anh chết. Tôi đã muốn làm vậy để lấy đi khỏi tầm nhìn của mẹ tôi cái đối tượng thương yêu của bà, đứa con trai đó của bà, để trừng phạt bà về việc yêu thương hắn quá nhiều, quá trầm trọng, và trên hết như tôi đã nói với chính mình - để cứu thoát người anh kế, người mà tôi xem như người em trai của tôi, đứa con nhỏ của tôi, cứu thoát anh khỏi việc sống một cuộc đời đã bị người anh cả đè chồng lên, thoát khỏi tấm màn đen phủ che ánh sáng đó, thoát khỏi cái luật lệ được ban phát và đại diện bởi người anh cả, là một con người nhưng đó lại là luật lệ dành cho thú vật, thứ luật lệ lấp đầy từng khoảnh khắc, từng ngày trong đời người anh kế với nỗi sợ hãi, nỗi sợ hãi đã chạm đến tim anh và giết chết anh một ngày nào đó.

 Tôi đã viết nhiều về những thành viên trong gia đình tôi, nhưng lúc bấy giờ họ đều còn sống, mẹ tôi và những người anh tôi. Và tôi đã đi vòng quanh họ, đi vòng quanh tất cả những điều này mà không thực sự nắm bắt lấy họ.

 

Chương 2

Câu chuyện của đời tôi không hiện hữu. Không hiện hữu. Không bao giờ có bất kỳ một tâm điểm nào cho nó. Không lối ngõ, không đường nét. Có những nơi chốn lớn rộng để bạn giả vờ như vẫn thường có một ai đó ở đấy, nhưng điều đó không có thực, không có một ai cả. Câu chuyện về một phần nhỏ tuổi trẻ tôi thì tôi đã viết rồi, không ít thì nhiều - tôi muốn nói là cũng đủ để người ta có thể có một cái nhìn khái quát về nó. Về phần này, tôi muốn nói đến lúc đang băng qua sông. Ðiều tôi đang làm bây giờ vừa khác biệt mà cũng vừa tương tự. Trước đây tôi đã nói về những thời kỳ trong sáng, những thời kỳ ngập tràn ánh nắng. Giờ đây tôi sắp nói về những thời kỳ ẩn giấu của cùng một tuổi trẻ đó, của một vài sự kiện, cảm nghĩ, biến cố mà tôi đã chôn vùi. Tôi bắt đầu viết trong những khung cảnh làm cho tôi dè dặt. Viết, đối với những con người đó, vẫn còn là một điều gì có tính chất đạo đức. Ngày nay dường như việc viết vẫn thường không là gì nữa cả. Ðôi khi tôi nhận ra rằng nếu viết không phải là tất cả mọi điều, không phải là tất cả những mâu thuẫn trộn lẫn, không phải là sự tìm kiếm điều hư ảo và sự thiếu thốn, thì nó không là gì cả. Nếu trong mỗi thời kỳ, nó không là tất cả mọi điều trộn lẫn vào nhau thành một thực thể không thể diễn tả nào đó, thì viết không là gì cả mà chỉ là sự quảng cáo mà thôi. Nhưng tôi luôn luôn không có ý kiến gì cả, tôi có thể thấy rằng tất cả mọi sự lựa chọn bây giờ đang mở ra, dường như không còn những chướng ngại nữa, viết tựa như là lúng túng tìm một nơi chốn nào đó để ẩn trốn, để được viết, để được đọc. Tính chất không thích đáng căn bản của nó không còn được chấp nhận nữa. Nhưng từ chỗ này thì tôi thôi không suy nghĩ về nó.

Giờ đây tôi thấy rằng khi tôi còn rất trẻ, mười tám, mười lăm tuổi, tôi đã có một khuôn mặt báo trước cái khuôn mặt mà tôi sẽ nhận lấy vì rượu trong tuổi trung niên rồi. Rượu đã hoàn thành điều mà Thượng Ðế đã không làm. Tôi đã mang khuôn mặt của một kẻ nghiền rượu đó từ trước khi tôi uống rượu. Rượu chỉ chứng thực nó mà thôi. Khuôn mặt đó đã có sẵn chỗ để tồn tại trong tôi. Tôi đã biết điều đó cũng như những người khác, nhưng kỳ lạ thay, tôi đã biết trước khi nó xảy đến. Cũng giống như nơi chốn cho dục vọng đã tồn tại trong tôi. Ở cái tuổi mười lăm tôi đã có khuôn mặt của sự hoan lạc, dù rằng tôi không biết gì về hoan lạc cả. Khuôn mặt đó không thể nào nhầm lẫn được. Ngay cả mẹ tôi hẳn đã phải nhìn thấy điều đó. Những người anh tôi đã thấy. Mọi chuyện đã khởi đầu với tôi như thế với khuôn mặt đầy tội lỗi, mỏi mệt đó, với những quầng thâm quanh mắt đó, đến trước cả thời gian và kinh nghiệm.

 Tôi mười lăm tuổi rưỡi. Ðang qua sông. Ðang trở lại Sài gòn và tôi có cảm tưởng như đang trên một cuộc hành trình, đặc biệt là khi tôi dùng xe đò, và sáng nay tôi vừa đáp xe đò từ Sa Ðéc, nơi mẹ tôi là hiệu trưởng của trường Nữ trung học. Lúc ấy đang vào cuối một kỳ nghỉ hè nào đó, tôi không nhớ rõ. Tôi vừa trải qua kỳ nghỉ hè trong ngôi nhà nhỏ được cấp phát nhờ vào công việc của mẹ tôi. Và hôm ấy tôi trở lại Sài gòn, trở lại ký túc xá. Xe đò tỉnh khởi hành từ khu chợ ở Sa Ðéc. Như thường lệ, mẹ đến tiễn tôi đi, và nhờ người tài xế trông nom giùm. Bà luôn luôn đặt tôi dưới sự trông chừng của những người tài xế xe đò, để phòng khi có tai nạn, hoặc hỏa hoạn, hoặc hiếp dâm, hoặc bị chặn cướp, hoặc một sự rủi ro chết người nào đó trên phà. Như thường lệ, bác tài xế để tôi ngồi bên cạnh ông phía trước, nơi lô ghế dành cho hành khách da trắng.

 

Chương 3

Tôi nghĩ rằng chính là trong chuyến đi này mà hình ảnh đó đã trở thành biệt lập, tách rời khỏi những chuyện khác. Lẽ ra là nó có thể hiện hữu, có thể là một bức ảnh đã được chụp, hệt như một bức ảnh nào khác, ở một nơi nào đó, trong những hoàn cảnh khác. Nhưng nó đã không được chụp. Chủ đề thì quá mơ hồ. Ai lại có thể nghĩ đến một điều như thế? Bức ảnh có thể chỉ được chụp nếu ai đó có thể biết trước được rằng biến cố đó, chuyến qua sông đó sẽ quan trọng như thế nào trong cuộc đời tôi. Nhưng trong khi chuyện đó đang xảy ra, thì ngay cả sự hiện hữu của nó cũng không ai biết đến. Ngoại trừ Thượng Ðế. Và đó là lý do tại sao - không thể có cách nào khác hơn nữa - hình ảnh đó không hiện hữu. Nó đã bị bỏ sót. Bị quên lãng. Nó đã không bao giờ được tách ra hoặc lấy đi khỏi những cái khác. Và chính nhờ điều này, nhờ vào việc bức ảnh đã không được tạo ra này, mà hình ảnh đó có được cái công dụng của nó:công dụng tiêu biểu cho một điều gì tuyệt đối và công dụng làm kẻ sáng tạo ra một điều gì tuyệt đối.

 Như thế đó, chính là trong khi vượt qua một nhánh sông Cửu Long, trên một chuyến phà chạy đường Vĩnh Long - Sa Ðéc trong cánh đồng lúa bùn sình mênh mông phía nam Nam Kỳ. Cánh Ðồng Chim.

 Tôi ra khỏi xe đò. Tôi bước đến bên lan can phà. Tôi nhìn dòng sông. Thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nói với tôi rằng trong suốt cuộc đời, tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy lại những dòng sông đẹp đẽ, lớn rộng và hoang dã như những dòng sông này nữa, dòng Cửu Long và những nhánh của nó, chảy về biển, những khu vực mênh mông nước chẳng mấy chốc tan hòa vào những vũng biển sâu thẳm. Trong những đồng bằng hút mắt chung quanh, những con sông chảy xiết như thể mặt đất nghiêng dốc xuống.

 Tôi luôn luôn ra khỏi xe đò mỗi khi lên phà, ngay cả vào ban đêm, bởi vì tôi luôn luôn sợ hãi, sợ những dây cáp có thể đứt rời và chúng tôi có thể bị cuốn trôi ra biển cả. Trong dòng nước khủng khiếp đó, tôi nhìn những thời khắc cuối cùng của mình. Dòng nước mạnh bạo đến nỗi nó có thể cuốn trôi mọi thứ - những tảng đá, ngôi nhà thờ, một thành phố. Có một trận cuồng phong nào đó đang ào ạt thổi bên dưới mặt nước. Gió rít dữ dội.

 Tôi đang mặc một chiếc áo bằng lụa thật, nhưng đã mòn xơ xác gần như trong suốt. Chiếc áo đó nguyên là của mẹ tôi. Một ngày nọ bà quyết định là màu áo quá sáng đối với bà nên bà trao nó cho tôi. Ðó là một chiếc áo tay trần với cổ áo thật rộng. Nó có màu lụa nâu đen vì đã mặc nhiều lần. Ðó là chiếc áo mà tôi còn nhớ. Tôi nghĩ nó thích hợp với mình. Tôi mang một sợi dây nịt da, có lẽ là của một trong hai ông anh của tôi. Tôi không thể nhớ lại những đôi giày tôi thường mang trong những ngày đó nữa, chỉ còn nhớ một vài chiếc áo mà thôi. Tôi thường đi những đôi dép bằng vải bố, không mang vớ. Tôi đang nói đến khoảng thời gian trước khi học trung học ở Sài gòn. Dĩ nhiên, kể từ đó tôi luôn luôn mang giày. Trong cái ngày đặc biệt đó, chắc là tôi phải mang đôi giày cao gót có dát vàng thật "chiến" đó. Tôi thấy không còn đôi nào khác có thể mang được, nên phải mang đôi đó. Mẹ đã mua cho tôi với giá thật hời. Tôi mang đôi giày kim tuyến đó đi học. Ðến trường với đôi giày dùng cho ban đêm có trang trí những cánh hoa nhỏ lóng lánh. Tôi rất ưa thích đôi giày đó. Tôi không thích đôi nào khác cả, và cho tới ngày nay tôi vẫn còn thích được mang đôi giày đó. Những đôi giày đế cao này tôi mang lần đầu tiên trong đời, chúng rất đẹp, chúng làm lu mờ tất cả những đôi giày đã có trước đó, những đôi có đế thấp, dùng để chơi đùa chạy nhảy, làm bằng vải bố trắng.

Dù vậy, không phải là đôi giày đã làm cho cô gái trông lạ lùng đến thế, ăn vận kỳ khôi đến thế đâu. Không, chính vì cô đang đội một chiếc mũ vành phẳng của đàn ông, một chiếc mũ dạ màu nâu hồng có dây ruban lớn màu đen.

 Tính chất mơ hồ quyết định của hình ảnh đó nằm ở chiếc mũ.

 Tôi đã quên không nhớ mình lại đội chiếc mũ đó trong trường hợp nào. Tôi không thể nghĩ ra được là ai đã có thể đưa nó cho tôi. Chắc hẳn là mẹ đã mua vì tôi đã yêu cầu bà. Có điều chắc chắn là đó cũng là một món hàng được giảm giá tối đa nữa. Nhưng tại sao lại mang chiếc mũ đó chứ? Vào lúc bấy giờ không một phụ nữ nào, không một cô gái nào đội mũ dạ của đàn ông trên thuộc địa đó cả. Ngay đến những phụ nữ bản xứ cũng không. Chắc chuyện đó đã xảy ra như thế này: Tôi chỉ thử đội nó để nghịch mà thôi, nhìn mình trong mảnh gương ở cửa hàng, rồi tôi chợt thấy rằng, bên dưới chiếc mũ đàn ông đó, cái vóc dáng vụng về gầy gò, sự bất xứng của tuổi nhỏ, đã biến thành một điều gì khác. Ðã ngưng là một sự áp đặt thô bỉ, không thể tránh né của tạo hóa. Trái lại, đã trở thành một sự lựa chọn đầy khiêu khích đối với hóa công, một sự lựa chọn của tinh thần. Bất chợt, tôi nhìn thấy chính mình như một kẻ khác, như một người khác có thể được nhìn, bên ngoài chính tôi, sẵn sàng cho tất cả mọi người, sẵn sàng cho tất cả mọi đôi mắt, trong cái vòng lưu chuyển của những thành phố, những cuộc hành trình, khát vọng. Tôi lấy chiếc mũ, và không bao giờ rời bỏ nó nữa. Việc có nó, chiếc mũ này, mà chỉ một mình nó không thôi cũng đã làm cho tôi trở thành một toàn thể, nên lúc nào tôi cũng đội nó. Ðối với những đôi giày chắc là cũng rất giống như thế, nhưng đứng sau chiếc mũ. Chúng trái ngược với chiếc mũ, giống như chiếc mũ trái ngược với tấm thân thể nhỏ bé của tôi, và như thế chúng lại thích hợp với tôi. Tôi cũng luôn luôn dùng chúng, đi khắp nơi với những đôi giày này, chiếc mũ này, ngoài trời, trong mọi thời tiết, vào mọi dịp. Và xuống phố.

 Tôi tìm thấy một bức ảnh của con trai tôi khi nó hai mươi tuổi. Nó ở California với bạn, Erika và Elizabeth Lennard. Nó gầy gò, gầy đến nỗi người ta cũng có thể nghĩ nó là một người Uganda da trắng. Nụ cười kiêu hãnh, nhạo báng của nó đập vào mắt tôi. Nó đang cố gắng tạo cho mình cái hình ảnh sai lạc của một gã bụi đời trẻ tuổi. Ðó là cái hình ảnh mà nó thích nhìn thấy ở chính nó, nghèo nàn, với cái nhìn của đứa bé tội nghiệp đó, cái thái độ của một người trẻ tuổi gầy gò nào đó. Bức hình này gần gũi nhất với bức hình không bao giờ được chụp của cô gái trên phà.

 Người đã mua chiếc mũ màu hồng vành phẳng với dây ruban đen lớn là bà ta, người phụ nữ trong một bức ảnh khác, mẹ tôi. Tôi nhận ra bà dễ dàng hơn trong bức ảnh đó, so với những bức ảnh chụp gần đây. Ðó là sân trong ngôi nhà cạnh Hồ Tây ở Hà Nội. Chúng tôi chụp chung, bà và chúng tôi, các con của bà. Tôi được bốn tuổi. Mẹ tôi ở chính giữa bức ảnh. Tôi nhận ra cái cách đứng vụng về của bà, cái cách bà không mỉm cười, cái cách bà chờ bức ảnh được chụp cho xong. Căn cứ vào gương mặt cau có, vào sự xộc xệch nào đó trên quần áo, vào diện mạo uể oải của bà, tôi có thể nói rằng lúc ấy trời nóng bức lắm và bà đã mỏi mệt, buồn nản. Nhưng cũng chính trong cái cách ăn mặc rất là lộn xộn của chúng tôi, bọn trẻ chúng tôi, mà tôi có thể nhận ra cái trạng thái mà mẹ tôi vẫn thỉnh thoảng bị rơi vào, trạng thái mà ở vào cái tuổi lúc chúng tôi chụp ảnh đó, chúng tôi đã biết trước những dấu hiệu cảnh cáo - cái cách bà bất chợt không thể nào lau rửa cho chúng tôi, mặc quần áo cho chúng tôi, hoặc đôi khi ngay cả cái cách bà cho chúng tôi ăn uống. Mỗi ngày mẹ tôi đều trải qua sự thất vọng sâu xa này về đời sống. Ðôi khi nó kéo dài, đôi khi nó biến mất với đêm tối. Tôi may mắn có một bà mẹ thất vọng với một sự thất vọng thuần khiết cho đến nỗi đôi khi ngay cả những hạnh phúc cuộc đời, ở mức độ sâu sắc nhất, cũng không thể làm cho bà quên lãng nó hoàn toàn. Ðiều tôi không bao giờ biết là những suy nghĩ thực tiễn nào đã khiến cho bà xa rời chúng tôi như thế, mỗi ngày. Có lẽ lần này là vì cái sự việc khùng điên mà bà vừa làm, căn nhà bà mới mua - căn nhà trong bức ảnh - căn nhà mà chúng tôi tuyệt đối không cần đến, vào lúc cha tôi đã bệnh rất nặng, không còn xa cái chết là mấy, chỉ một vài tháng mà thôi. Hoặc giả bà mới vừa biết rằng bà đã vướng phải cùng thứ bệnh khiến ông đang chết dần mòn? Ðúng vào những ngày tháng đó. Ðiều tôi không biết được, và bà cũng không thể biết, là những nguyên cớ nào đã ám ảnh bà và đã làm cho sự buồn nản đó dâng lên trước mặt bà. Có phải đó là cái chết, đã ngay trong tầm tay, của cha tôi? Hay là sự tàn tạ của ánh sáng? Những hoài nghi về cuộc hôn nhân của bà? Về chồng bà? Về con cái? Hoặc về tất cả những điều phụ thuộc này nói chung?

 Chuyện đó xảy ra hàng ngày. Tôi chắc chắn về điều đó. Chắc nó phải đến rất là đột ngột. Vào một lúc nào đó trong từng ngày, sự thất vọng lộ nguyên hình của nó. Và tiếp theo đó là sự bất lực để đi tiếp, hoặc để ngủ, hoặc đôi khi không có gì cả, hoặc đôi khi, thay vào đó, là việc mua nhà cửa, việc di chuyển, hoặc đôi khi là trạng thái buồn rầu, chỉ là trạng thái buồn rầu, sự thất vọng. Hoặc đôi khi, bà giống như một bà hoàng, cho đi bất cứ thứ gì mà người ta xin bà, nhận lấy mọi thứ mà người ta cho, căn nhà bên Hồ Tây đó, tuyệt nhiên không vì lý do nào hết, trong lúc cha tôi đang hấp hối, hoặc chiếc mũ vành phẳng, vì đứa con gái quá mê thích nó, hoặc cũng giống như vậy với những đôi giày kim tuyến. Hoặc không có gì khác cả, hoặc ngủ, chết.

 Tôi chưa bao giờ xem những cuốn phim có các phụ nữ Mỹ da đỏ đội cùng một loại mũ vành phẳng đó, với tóc bện thành bím buông thả phía trước. Dạo ấy tôi cũng bện tóc, chứ không cuốn lên như thường lệ, nhưng cũng không giống như tóc của những phụ nữ đó. Tôi cũng có hai bím tóc dài thả phía trước giống những phụ nữ trong những cuốn phim tôi chưa bao giờ xem, nhưng những bím tóc của tôi là của một đứa bé. Kể từ khi tôi có chiếc mũ, tôi không còn cuốn tóc lên nữa để có thể đội mũ. Ðôi lúc tôi gạt hết tóc về phía sau, cố làm cho nó nằm sát xuống, để người ta không thể nhìn thấy. Mỗi đêm tôi chải và bện tóc trước khi đi ngủ, theo lời mẹ dạy. Tóc tôi dày, mềm mại, nặng nề, một khối đồng phủ xuống tận ngang hông. Người ta thường nói đó là đặc điểm xinh đẹp nhất của tôi, và tôi biết điều đó có nghĩa là tôi không đẹp. Tôi đã cho cắt mái lóc đặc biệt đó đi khi tôi hai mươi ba tuổi, ở Paris, năm năm sau khi tôi rời xa mẹ tôi. Tôi nói, "Cắt bỏ nó đi." Và họ đã cắt. Thình lình, có một sự quét sạch đi, tôi cảm thấy lưỡi kéo lạnh lẽo trên da cổ. Nó rơi rụng trên sàn. Họ hỏi nếu tôi muốn giữ mái tóc thì họ sẽ gói lại cho tôi mang đi. Tôi nói không. Sau đó người ta không còn nói tôi có mái tóc đẹp nữa, tôi muốn nói là họ không còn nói nhiều như trước kia nữa. Sau đó người ta chỉ nói rằng, "Cô ấy có đôi mắt đẹp. Và nụ cười của cô ấy không phải là không quyến rũ."

 Trên phà, hãy nhìn, tôi vẫn còn mái tóc đó. Mười lăm tuổi rưỡi. Tôi đã dùng son phấn rồi. Tôi dùng kem Tokalon, và cố che dấu những vết tàn nhang trên má, dưới mắt. Bên trên lượt kem Tokalon tôi đánh phấn màu tự nhiên - Houbigant. Phấn đó là của mẹ tôi, bà dùng nó khi đi dự những buổi tiếp tân của chính phủ. Dạo đó tôi cũng đã dùng son môi, màu đỏ đậm, màu anh đào, theo thời trang lúc bấy giờ. Tôi không biết mình đã lấy những thứ đó ở đâu ra, có lẽ Hélène Lagonelle đã lấy cắp của mẹ nó mà cho tôi, tôi đã quên rồi. Tôi không sức nước hoa. Mẹ tôi thì dùng xà bông Palmolive và eau de Cologne.

 

Chương 4

Trên phà, cạnh xe đò, có một chiếc limousine to màu đen với một người tài xế mặc sắc phục vải trắng. Vâng, đó chính là chiếc xe tang lớn trong những quyển sách của tôi. Ðó là một chiếc Morris Léon-Bollée. Chiếc Lancia đen của tòa đại sứ Pháp ở Calcutta vẫn chưa đi vào khung cảnh văn học.

Giữa tài xế và người chủ vẫn còn màn ngăn bằng kính. Vẫn còn những chỗ ngồi xếp lại được. Chiếc xe vẫn lớn như một căn phồng ngủ.

 Bên trong chiếc limousine có một người đàn ông rất thanh lịch đang nhìn tôi. Ông ta không phải là người da trắng. Ông ta mặc Âu phục - bộ đồ tussore màu nhạt của những người chủ ngân hàng ở Sài gòn. Ông ta đang nhìn tôi. Tôi đã quen với việc người khác nhìn mình. Người ta thường nhìn các phụ nữ da trắng ở thuộc địa, nhìn cả đến các cô gái da trắng mười-hai-tuổi nữa. Trong ba năm qua, đàn ông da trắng cũng đã bắt đầu nhìn tôi trên đường phố, và những người bạn trai của mẹ đã lịch sự mời tôi đến uống trà với họ trong khi vợ họ đang đi ra ngoài chơi quần vợt ở Câu lạc bộ Thể Thao.

 

Chương 5

Tôi có thể sai khi nghĩ rằng mình có thể đẹp như những phụ nữ thực sự đẹp, như những phụ nữ được người ta nhìn ngắm, đó chỉ là vì người ta đã thực sự có nhìn ngắm tôi khá nhiều. Dù vậy, tôi biết đó không phải vì chuyện nhan sắc, mà vì một điều gì khác, vâng, chẳng hạn vì một điều gì khác - tinh thần, chẳng hạn. Ðiều mà tôi muốn có vẻ như thì tôi đã có vẻ rồi, ngay cả có vẻ như xinh đẹp nếu đó là điều người ta muốn ở tôi. Ðẹp hoặc xinh xắn, xinh xắn đối với gia đình chẳng hạn, vì đối với gia đình không có gì hơn điều đó cả. Tôi có thể trở thành bất cứ điều gì mà người ta muốn tôi là. Và tôi tin vào điều đó. Tin rằng tôi cũng khả ái nữa. Và khi tôi tin như vậy, điều đó trở thành sự thật đối với bất cứ ai nhìn ngắm tôi và muốn tôi phù hợp với sở thích của họ, tôi cũng biết điều đó nữa. Và như thế tôi có thể khả ái một cách có tính toán mặc dù tôi bị ám ảnh về việc giết chết anh tôi. Trong cái chết đó, chỉ có một người đồng lõa, mẹ tôi. Tôi dùng chữ khả ái như mọi người vẫn thường dùng trong sự liên hệ với tôi, trong sự liên hệ với trẻ nhỏ.

Tôi đã biết một hai điều gì đó. Tôi biết là không phải quần áo đã làm cho phụ nữ trở thành xinh đẹp hoặc ngược lại, không phải việc chăm sóc nhan sắc, không phải vì những thứ kem đát tiền, cũng không phải vì vẻ độc đáo hoặc sự tốn phí của những đồ trang sức của họ. Tôi biết vấn đề nằm ở chỗ khác. Tôi không biết ở đâu. Tôi chỉ biết nó không phải ở chỗ phụ nữ nghĩ. Tôi nhìn những người đàn bà trên đường phố Sài gòn, và trong nội địa. Một vài người rất xinh đẹp, rất trắng trẻo, họ chăm sóc nhan sắc họ rất kỹ lưỡng ở đây, nhất là trong nội địa. Họ không làm gì cả, chỉ để dành chính bản thân họ, để dành chính bản thân họ cho Âu châu, cho những tình nhân, cho những ngày nghỉ lễ ở Ý, cho những lần nghỉ phép kéo dài sáu tháng mỗi ba năm, khi mà cuối cùng họ có thể nói về đời sống ở đây như thế nào, về đời sống thuộc địa đặc biệt này, về những sự phục dịch tuyệt vời của những gia nhân, cây cỏ, những cuộc khiêu vũ, những biệt thự màu trắng, lớn đến nỗi có thể bị lạc trong đó, được chiếm cứ bởi những viên chức nơi những nhiệm sở xa xôi. Họ chờ đợi, những người phụ nữ này. Họ mặc quần áo chỉ để mà mặc thôi. Họ nhìn ngắm chính họ. Trong bóng mát của những ngôi biệt thự, họ nhìn ngắm chính họ để sau này, họ mơ mộng ra những chuyện tình lãng mạn, họ đã có những tủ quần áo khổng lồ, nhiều quần áo đến nỗi họ không biết phải dùng vào việc gì, từng cái một thêm vào mãi như thời gian, như những ngày dài chờ đợi. Một vài người trở thành quẩn trí. Một vài người bị phụ rẫy vì một cô gia nhân trẻ tuổi biết giữ kín mồm miệng. Bị bỏ rơi. Người ta có thể nghe lời nói va chạm vào họ, nghe âm thanh của cú đấm. Vài người tự tử.

 Sự tự phản bội này của phụ nữ này luôn luôn gây ấn tượng nơi tôi như một lỗi lầm, một sự nhầm lỡ.

 Người ta không cần phải khơi gợi dục vọng. Hoặc là điều đó đã ở trong người đàn bà khêu gợi nó hoặc là nó không hiện hữu. Hoặc là nó ở đó, ngay trong cái nhìn đầu tiên hoặc nó sẽ không bao giờ có. Nó là sự nhận biết ngay tức khác về mối liên hệ dục tình hoặc nó không là gì cả. Ðiều đó tôi cũng đã biết trước khi tôi kinh nghiệm nó.

 Hélène Lagonelle là người duy nhất tránh thoát cái quy luật nhầm lẫn. Cô lạc hậu, vẫn còn như con nít.

 

Chương 6

Trong suốt một thời gian dài tôi không có những chiếc áo riêng của mình. Tất cả những chiếc áo của tôi đều như một thứ bao tải, làm bởi những chiếc áo cũ của mẹ mà chính chúng cũng đều chỉ rặt một thứ bao tải. Trừ những chiếc áo mà mẹ bảo chị Ðô may cho tôi. Chi là người quản gia không bao giờ rời mẹ tôi ngay cả khi bà trở về Pháp, ngay cả khi người anh cả tôi cố hãm hiếp chị trong căn nhà được cấp cho mẹ tôi khi bà dạy học ở Sa-Đéc, và ngay cả khi chị không còn được trả lương nữa. Chị Ðô đã được các bà sơ nuôi dạy, chị có thể thêu thùa và biết may pli, chị có thể may bằng tay, trong khi người ta đã không còn may bằng tay từ nhiều thế kỷ rồi, với những cây kim nhỏ như sợi tóc. Vì chị biết thêu, mẹ đã bảo chi thêu lên những tấm chăn. Vì chị có thể may pli mẹ đã bảo chị may cho tôi những chiếc áo có pli, những chiếc áo có viền ren, tôi mặc chúng như mặc những cái bao tải, chúng quê kệch, trẻ con, hai nếp pli phía trước và cổ áo kiểu Peter Pan, với chiếc váy có viền hoặc những chiếc áo cắt xéo để làm chúng trông có vẻ "chuyên nghiệp." Tôi mặc những chiếc áo này như thể chúng là những chiếc bao tải, với những dây thắt lưng làm hỏng kiểu áo và làm cho chúng trở nên phi thời gian.

Mười lăm tuổi rưỡi. Cơ thể gầy gò, gần như thiếu kích thước, bộ ngực vẫn còn trẻ nít, trang điểm son đỏ, phấn hồng. Và còn quần áo, những quần áo có thể làm cho người ta cười, nhưng họ nhịn. Tôi có thể nhìn thấy tất cả ở đó. Tất cả ở đó, nhưng chưa có gì xong cả. Tôi có thể nhìn thấy điều đó trong đôi mắt, tất cả đã có trong đôi mắt. Tôi muốn viết. Tôi đã nói với mẹ: Ðó là điều con muốn làm - viết. Lần đầu không có câu trả lời. Rồi bà hỏi, Viết cái gì? Tôi nói, Sách, tiểu thuyết. Bà nói cứng rắn, Khi nào mày có mảnh bằng về toán rồi thì mày có thể viết tùy thích, lúc đó tao không can dự vào việc gì nữa. Bà chống lại điều đó, nó không đáng gì, nó không phải là công việc thực sự, nó vô nghĩa. Sau đó bà nói, Một ý tưởng trẻ con.

 Cô gái đội chiếc mũ dạ đứng một mình trên sàn phà, tựa vào lan can, trong ánh sáng đục ngầu của dòng sông. Chiếc mũ làm trọn khung cảnh có màu hồng. Ðó là màu sắc duy nhất. Trong ánh mặt trời mờ mờ trên sông, mặt trời của một mùa nóng bức, hai bờ sông nhòa đi, dòng sông như chạm đến chân trời. Nó chảy lặng lẽ, không một tiếng động, như máu trong thân thể. Không có gió, chỉ có gió trong dòng nước. Ðộng cơ chiếc phà là tiếng động duy nhất, một động cơ cũ kỹ, trúc trắc với những cơ phận mòn nhão. Thỉnh thoảng, có tiếng nói thốt ra không rõ. Rồi tiếng chó sủa, đến từ mọi phía, từ bên trên sương mờ, từ các thôn làng. Cô gái đã biết người đưa phà từ khi cô còn là đứa bé. Ông cười với cô và hỏi thăm mẹ cô, Bà Hiệu Trưởng. Ông nói ông thường thấy bà qua phà ban đêm, nói bà thường đi qua sở đất bên Cam Bốt. Cô gái nói mẹ cô vẫn mạnh khỏe. Chung quanh phà là sông, ngập bờ, dòng nước cuồn cuộn của nó chảy băng qua những vùng nước tù đọng của những ruộng lúa, mà không bao giờ hòa lẫn. Con sông đã thu nhặt tất cả những gì nó gặp từ Biển Hồ và từ những khu rừng bên Cam Bốt. Nó cuốn theo mọi thứ, những mái nhà tranh, những cánh rừng, những đám cháy đã tàn, những xác chim chết, chó chết, cọp và trâu chết đuối, người chết chìm, người bù nhìn, những đám lục bình dính lấy nhau như những hòn đảo nhỏ. Tất cả mọi thứ đều chảy ra Thái Bình Dương, không có thời giờ để chìm, tất cả bị cuốn theo bởi cơn bão quay cuồng nằm sâu bên dưới dòng nước, lềnh bềnh trên bề mặt của dòng sông mạnh bạo.

 

 Tôi đã trả lời là điều mà tôi muốn hơn hết mọi điều khác trên đời là viết, không có gì khác ngoài điều đó, không có gì cả. Ganh tị. Bà ganh tị. Không trả lời, chỉ có một cái liếc nhanh rồi lập tức quay đi, một cái nhún vai, không thể nào quên được. Tôi sẽ là người đầu tiên rời bỏ. Vẫn còn vài năm để chờ trước khi bà mất tôi, mất một đứa con của bà. Ðối với mấy đứa con trai thì không có gì để sợ. Nhưng đứa con này, bà biết, một ngày nào đó nó sẽ bỏ đi, nó sẽ thu xếp để mà trốn thoát. Ðứng đầu lớp về môn Pháp văn. Ông hiệu trưởng trường trung học đã nói với bà, con gái bà đứng đầu lớp môn Pháp văn đó, thưa bà. Mẹ tôi không nói gì, không nói gì cả, bà bực mình vì không phải là những đứa con trai của bà đứng đầu môn Pháp văn. Người tôi thù ghét, mẹ tôi, tình thương của tôi, hỏi, Còn môn toán thì sao? Trả lời: Chưa được đứng đầu lớp, nhưng cũng sắp được rồi. Mẹ tôi hỏi, Bao giờ? Trả lời: Khi nào cô ấy quyết định về chuyện đó, thưa bà.

 

Chương 7

Mẹ tôi, tình thương yêu của tôi, sự vụng về không thể tin được của bà, với những chiếc vớ bằng vải do chị Ðô mạng lại, ngay ở những vùng nhiệt đới bà vẫn còn nghĩ là người ta phải mang vớ mới là một phu nhân, một người nữ hiệu trưởng, những chiếc áo không ra hình dạng gớm ghiếc của bà, cũng do chị Ðô sửa lại, bà vẫn có vẻ như vừa đi thẳng một mạch từ cái nông trại ở Picardy đông đầy những người chị em họ của bà đến đây, nghĩ rằng bạn nên mặc mọi thứ cho đến khi nào nó mòn rách thì thôi, bạn phải xài cho đáng đồng tiền, những đôi giày của bà, những đôi giày mòn gót của bà, làm cho bà bước đi một cách vụng về, khổ sở, tóc cột túm ra phía sau thành búi như tóc đàn bà Tàu. Chúng tôi mắc cỡ vì bà, tôi ngượng ngùng vì bà trên con đường trước trường học, khi bà chở tôi đến trường trên chiếc xe Citroen B12 cũ mèm khiến ai cũng nhìn, nhưng còn bà, bà không để ý gì cả, không bao giờ, bà nên được nhốt lại, đánh đập, giết đi. Bà nhìn tôi và nói, Có lẽ rồi mày sẽ trốn đi. Cả ngày lẫn đêm, chỉ một nỗi ám ảnh này. Không phải là người ta phải đạt được một điều gì đó, mà chính là người ta phải thoát ra khỏi nơi người ta đang ở.

Khi mẹ tôi vượt thoát lên, đi ra khỏi nỗi thất vọng của bà, bà nhìn thấy chiếc mũ đàn ông và đôi giày dát kim tuyến. Bà hỏi mấy thứ đó là gì vậy. Tôi không nói gì cả. Bà nhìn tôi hài lòng, mỉm cười. Không tệ lắm, bà nói, rất hợp với con, con hãy làm một cuộc thay đổi đi. Bà không thèm hỏi xem có phải bà là người đã mua các thứ ấy không, bà biết là bà đã mua. Bà biết rằng bà có thể làm được điều đó, rằng thỉnh thoảng, vào khoảng thời gian mà tôi vừa đề cập đó, người ta có thể xin được bất cứ những gì người ta ưa thích từ bà, bà không thể từ chối chúng tôi thứ gì hết. Tôi nói, Mẹ đừng lo, mấy thứ đó không đắt tiền đâu. Bà hỏi mua ở đâu. Tôi nói ở đường Catinat, thứ hàng đã được hạ giá. Bà nhìn tôi với vẻ thông cảm. Chắc bà phải nghĩ rằng đó là một dấu hiệu tốt đẹp, sự phô bày của óc tưởng tượng này, cái cách đứa con gái nghĩ đến việc ăn mặc như thế. Bà chỉ không chấp nhận cái trò hề này, tính chất không nghiêm chỉnh này, bởi vì bà, điềm đạm như một góa phụ, mặc toàn những màu tối sậm trông như một người nữ tu xuất viện, bà không chỉ chấp nhận nó mà thôi, bà còn yêu thích nó nữa.

 Sự liên hệ với sự nghèo khổ còn ở nơi đó, nơi chiếc mũ đàn ông nữa, bởi vì tiền bạc cũng cần phải được mang về nhà, cần được mang về nhà một cách nào đó. Chung quanh bà là những vùng hoang dã, trống vắng. Những đứa con trai là những vùng hoang dã, chúng không bao giờ làm gì cả. Ðất mặn cũng là một vùng hoang dã, tiền bạc mất đi không bao giờ trở lại, và mọi chuyện đều chấm dứt thật sự. Thứ duy nhất còn lại là đứa con gái này, nó đang trưởng thành, có lẽ một ngày nào đó nó sẽ tìm ra cách nào đó để mang về nhà khoản tiền nào đó. Ðó là lý do tại sao, dù rằng cô gái không biết điều đó, đó là lý do tại sao bà mẹ để mặc cô gái đi ra ngoài, ăn mặc như một cô điếm nhỏ. Và đó là lý do tại sao đứa bé đã biết cách làm thế nào để chuyển hướng sự quan tâm của người ta vào nó thành sự quan tâm mà nó hướng đến tiền bạc. Ðiều đó làm cho bà mẹ cô gái mỉm cười.

 Mẹ cô gái không dừng cô lại khi cô thử làm ra tiền. Cô bé nói, Con hỏi xin anh ta năm trăm đồng để chúng ta có thể trở lại Pháp. Mẹ cô nói, Tốt quá, đó là cái mà chúng ta sẽ cần đến để ổn định chỗ ở bên Paris, chúng ta sẽ có thể xoay sở được, bà nói, với năm trăm đồng. Cô bé biết rằng điều cô đang làm là điều mà mẹ cô muốn chọn lựa để cô làm, nếu cô dám, nếu cô có đủ sức mạnh, nếu nỗi đau khổ không hiện diện trong ý nghĩ cô mỗi ngày, làm cô kiệt sức.

 Trong những quyển sách tôi viết về tuổi nhỏ của tôi, bất chợt tôi không thể nhớ những gì tôi đã bỏ qua, những gì tôi đã nói đến. Tôi nghĩ tôi viết về tình yêu của chúng tôi đối với mẹ, nhưng tôi không biết là tôi còn viết về chuyện chúng tôi đã thù ghét bà như thế nào nữa, hoặc viết về tình yêu của chúng tôi đối với nhau và cả lòng thù hận ghê gớm của chúng tôi nữa. Câu chuyện gia đình tầm thường đầy hư hoại và chết chóc đó, chính là câu chuyện của gia đình chúng tôi đã xảy ra một cách nào đó, trong tình thương và trong thù hận. Và đó cũng là câu chuyện mà tôi vẫn không thể nào hiểu được cho dù tôi đã cố gắng đến thế nào đi nữa, nó vẫn vượt quá tầm tay tôi, lẫn trốn ngay trong những chốn sâu thẳm của thịt xương tôi, mù lòa như một đứa bé sơ sinh. Ðó là nơi chốn mà ở ngay bờ mép của nó, sự im lặng khởi đầu. Ðiều xảy ra ở nơi đó là sự im lặng, là sự lao nhọc chậm rãi của toàn thể cuộc đời tôi. Tôi vẫn ở đó, ngắm nhìn những đứa trẻ bị ma ám đó, bây giờ cũng cách xa sự bí ẩn như tôi ngày ấy. Tôi chưa bao giờ viết ra, dù tôi có nghĩ là tôi đã viết, chưa bao giờ yêu, dù tôi từng nghĩ là tôi đã yêu, chưa bao giờ làm được chuyện gì ngoài việc chờ đợi bên ngoài cánh cứa đóng kín.

 

Chương 8

Khi tôi ở trên chuyến phà sông Cửu Long, vào cái ngày của chiếc limousine đen, mẹ tôi vẫn chưa từ bỏ miếng đất bên bờ hồ. Thỉnh thoảng, giống như trước đây, cả ba người chúng tôi, chúng tôi lại lên đường vào ban đêm, để đi đến nơi đó sống một vài ngày. Chúng tôi ở lại bên hiên căn nhà bằng gỗ, hướng về núi Xiêm. Rồi chúng tôi lại trở về nhà. Không có gì bà có thể làm ở đó, nhưng bà vẫn cứ đi. Người anh kế và tôi ở bên cạnh bà nơi hiên nhà nhìn xuống khu rừng. Lúc ấy chúng tôi cũng đã lớn, chúng tôi không còn đi tắm sông nữa, chúng tôi không còn đi săn beo đen trong những đầm lầy ngoài cửa sông, hoặc đi vào rừng, đi vào những làng mạc trong những đồn điền trồng tiêu nữa. Mọi thứ đều đã lớn lên chung quanh chúng tôi. Không còn bọn trẻ con nữa, trên lưng trâu hoặc ở chỗ nào khác. Chúng tôi cũng trở nên lạ lẫm, và trạng thái uể oải từng xâm chiếm mẹ tôi đó cũng đã xâm chiếm chúng tôi. Chúng tôi không học hành gì được cả, chỉ nhìn rừng rậm, chờ đợi, khóc lóc. Phần thấp của khu đất đã mất hẳn không còn gì, còn những người đang trồng trọt ở những khoảng đất cao hơn thì chúng tôi để họ giữ lại phần thóc lúa, và họ ở lại không có lương, sử dụng những mái nhà tranh bền chắc mà mẹ tôi đã dựng lên. Họ thương mến chúng tôi như những người trong gia đình họ, họ hành động như thể họ đang gìn giữ ngôi nhà gỗ cho chúng tôi, và thật sự là họ có trông nom nó. Tất cả những đồ nhà bếp rẻ tiền vẫn còn đó. Mái nhà, đã hư nát vì những trận mưa bất tận, vẫn tiếp tục mục rã. Nhưng bàn ghế thì vẫn được lau chùi. Và cái hình dáng của ngôi nhà gỗ nhô ra rõ ràng như một bức họa, có thể nhìn thấy từ ngoài đường. Những cánh cửa được mở ra mỗi ngày cho thoáng gió và làm khô gỗ. Nhưng ban đêm thì đóng chặt để ngừa lũ chó hoang và bọn buôn lậu trong núi.

Bạn thấy đó, không phải là ở trong một tiệm rượu ở Réam, như tôi đã viết, mà tôi đã gặp người đàn ông giàu có với chiếc limousine đen đâu, mà chính là vào lúc chúng tôi rời bỏ mảnh đất bên con đê, hai hoặc ba năm sau, trên chiếc phà, vào cái ngày mà tôi đã kể với bạn, trong cái ánh sáng của sương mờ và hơi nóng đó.

 Một năm rưỡi sau cuộc gặp gỡ đó, mẹ tôi mang chúng tôi trở lại Pháp. Bà bán đi tất cả bàn ghế. Rồi đi thăm con đê một lần chót. Bà ngồi trên hiên trước nhà hướng về phía mặt trời lặn, nhìn sang phía núi Xiêm một lần cuối cùng vì bà sẽ không bao giờ nhìn thấy lại lần nữa, ngay cả khi bà lại rời nước Pháp, lại thay đổi ý định và trở lại Ðông Dương thêm một lần nữa và nghỉ hưu ở Sài gòn. Sẽ không bao giờ bà đi thăm và nhìn thấy lại ngọn núi đó, bầu trời xanh vàng bên trên khu rừng đó nữa.

 Vâng, tôi xin nói là khi bà đã già hẳn rồi bà lại làm việc đó lần nữa. Bà mở một trường Pháp ngữ, trường La Nouvelle Francaise, kiếm được đủ tiền để giúp tôi trong việc học và cung cấp cho đứa con trai lớn của bà cho tới khi bà mất.

 

Chương 9

Người anh kế tôi chết trong vòng ba ngày, vì bệnh sưng phổi. Trái tim của anh đầu hàng. Vào lúc ấy tôi đã rời xa mẹ tôi. Trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Mọi chuyện đều đi đến chỗ kết thúc trong ngày hôm ấy. Tôi không bao giờ hỏi bà những câu hỏi về tuổi nhỏ của chúng tôi, về chính bà nữa. Ðối với tôi, bà đã chết với cái chết của người anh kế tôi. Người anh lớn tôi cũng chết như vậy. Tôi không bao giờ vượt qua nỗi ghê tởm mà họ gợi lên trong tôi lúc ấy. Họ không còn chút ý nghĩa nào đối với tôi nữa. Tôi không cần biết gì về họ nữa kể từ ngày ấy. Thậm chí tôi không bao giờ biết bà đã thu xếp như thế nào để trả hết nợ cho bọn sét-ti, bọn Ấn cho vay nặng lãi. Một ngày nọ, họ không còn đến nhà nữa. Bây giờ tôi còn có thể nhìn thấy họ. Họ ngồi trong căn phòng tiếp khách nhỏ ở Sa Ðéc, quấn vải trắng, họ ngồi đó không nói một lời, hàng tháng, hàng năm. Người ta có thể nghe thấy tiếng mẹ tôi khóc lóc và mắng chửi họ, bà ở trong phòng và không ra ngoài, bà hét vọng ra ngoài bảo họ hãy để cho bà yên, họ câm, bình thản, mỉm cười, không nhúc nhích. Rồi một ngày nọ, họ đi khỏi. Bây giờ họ đều đã chết, mẹ tôi và hai anh tôi. Ðối với ký ức điều đó cũng quá trễ. Bây giờ tôi không còn yêu thương họ nữa. Tôi không nhớ là tôi đã có bao giờ yêu thương họ hay không. Tôi đã rời bỏ họ. Trong đầu tôi, tôi không còn có mùi da thịt của bà nữa, cũng không còn có màu mắt của bà trong mắt tôi nữa. Tôi không thể nhớ được tiếng nói bà, ngoại trừ một đôi khi nó trở nên nhỏ nhẹ vì sự mệt mỏi buổi chiều hôm. Tiếng cười của bà tôi không thể nghệ thấy nữa - không cả tiếng cười lẫn tiếng khóc của bà. Ðiều đó đã qua mất rồi, tôi không nhớ nữa. Ðó là lý do tại sao bây giờ tôi có thể viết về bà một cách dễ dàng, dài dòng như thế, đầy đủ như thế. Bà trở thành chỉ là một điều gì đó để người ta viết về mà không gặp khó khăn, bản viết thảo vội vàng.

Chắc là bà đã ở lại Sài gòn từ 1932 cho đến 1949. Vào tháng mười hai năm 1942 người anh kế của tôi chết. Bà không thể đi đâu được nữa. Bà ở lại đó - để cho gần nấm mộ, bà nói. Rồi sau cùng bà trở về Pháp. Con trai tôi được hai tuổi khi chúng tôi gặp lại nhau. Quá muộn màng cho chúng tôi để mà đoàn tụ. Chúng tôi biết điều đó ngay trong cái liếc nhìn đầu tiên. Không còn gì nữa để mà đoàn tụ. Ngoại trừ người anh cả, còn thì mọi chuyện còn lại đã xong hết rồi. Bà đã đi về để sống, và chết, trong hạt Loir-et-Cher, trong tòa lâu đài giả kiểu Louis XIV. Bà đã sống ở đó với chị Ðô. Bà vẫn còn sợ sệt vào ban đêm. Bà mua một khẩu súng. Chị Ðô luôn canh chừng nơi những căn gác trên tầng chót. Bà cũng mua cho người con trai lớn của bà một chỗ gần Amboise. Có rừng cây. Anh chặt cây xuống. Rồi đi thua bạc hết trong một sòng baccara ở Paris. Khu rừng biến mất chỉ trong vòng một đêm. Cái thời điểm mà ký ức của tôi bất chợt chùng xuống và có lẽ anh tôi đã làm cho tôi rơi lệ là sau khi chuyện thua mất hết tiền bán gỗ xảy ra. Tôi biết người ta đã tìm thấy anh nằm trong xe hơi ở Montparnasse, bên ngoài La Coupole, và biết rằng anh ta muốn chết. Những chuyện sau đó, tôi đã quên đi. Ðiều mà mẹ tôi đã làm, với tòa lâu đài đó của bà, thì thật không thể tưởng tượng nổi, tất cả vẫn vì đứa con trai lớn, đứa con đã năm mươi tuổi đầu mà không thể nào kiếm được chút tiền nào. Bà mua một vài cái lò ấp trứng dùng điện và đặt chúng trong phòng khách lớn. Bất thình lình bà có sáu trăm gà con, bốn mươi mét vuông gà con cả thảy. Nhưng bà đã nhầm lẫn thế nào đó với những tia sáng hồng ngoại, và không một con gà nào có thể ăn uống gì được, cả sáu trăm gà con đều có mỏ không khớp nhau hoặc không khép lại được, tất cả đều đói mà chết và bà đành bỏ luôn. Tôi đã đến tòa lâu đài vào lúc gà đang nở, cả một cuộc ăn mừng linh đình. Rồi sau đó mùi gà chết và mùi thức ăn của chúng lợm giọng đến nỗi tôi không thể ăn uống gì được trong lâu đài của mẹ tôi mà không nôn mửa.

 Bà chết trên tay chi Ðô và anh ta, người mà bà gọi là đứa con nhỏ của bà, trong căn phòng ngủ lớn ở tầng một, nơi mà trong những lúc sương giá lạnh buốt, bà thường để bày cừu vào ngủ, năm hoặc sáu con chung quanh giường bà, suốt mấy mùa đông, những mùa đông cuối cùng của bà.

 Chính ở nơi đấy, trong ngôi nhà sau cùng đó, ngôi nhà vùng sông Loire, khi cuối cùng bà đã từ bỏ việc tới lui xuôi ngược không ngừng nghỉ của bà, mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy rõ ràng sự điên loạn. Tôi nhìn thấy mẹ tôi điên loạn rõ ràng. Tôi nhìn thấy rằng chị Ðô và anh tôi đã luôn luôn ở gần bên sự điên loạn đó. Còn tôi, không, trước đây không bao giờ tôi nhìn thấy sự điên loạn đó. Không bao giờ tôi nhìn thấy mẹ tôi trong trạng thái mất trí cả. Tình trạng mà bà đã bị. Từ lúc mới sinh ra. Trong giòng máu. Sự điên loạn không làm bà đau ốm gì cả, bởi vì đối với bà nó giống như sức khỏe, được củng cố hai bên bởi chị Ðô và đứa con trai cả. Không một ai khác trừ họ nhận biết điều đó. Bà luôn luôn có nhiều bạn, bà giữ những người bạn đó trong suốt nhiều năm và vẫn luôn luôn kết giao thêm với bạn bè mới, thường là rất trẻ, giữa những viên chức đến từ nội địa, hoặc sau đó giữa những người ở Ðà Nẵng, nơi có nhiều người đã nghỉ hưu từ những thuộc địa của Pháp. Bà luôn luôn có người chung quanh, trọn đời bà, nhờ những gì mà họ gọi là sự thông minh sống động của bà, sự vui vẻ của bà, cùng tính đĩnh đạc vô song và không hề mỏi mệt của bà.

Tôi không biết ai đã chụp bức ảnh với niềm thất vọng đó. Bức ảnh trong sân nhà ờ Hà Nội. Có lẽ là cha tôi, một lần cuối cùng. Vài tháng sau ông được đưa trở về Pháp vì sức khỏe. Trước đó ông vừa đến Nam Vang vì một công việc mới. Ông chỉ ở đó vài tuần lễ. Không đầy một năm sau ông chết. Mẹ tôi đã không trở lại Pháp với ông, bà vẫn ở lại chỗ cũ, kẹt cứng ở đó. Ở Nam Vang. Trong ngôi nhà khang trang nhìn xuống dòng sông Cửu Long, đã có thời là cung điện của vua Cam Bốt, ngay giữa những khu vực kinh hoàng, rộng nhiều mẫu ấy, nơi mà mẹ tôi rất sợ hãi. Ban đêm bà cũng làm cho chúng tôi sợ nữa. Cả bốn mẹ con chúng tôi ngủ chung một giường. Bà nói bà sợ bóng tối. Chính trong ngôi nhà đó mà bà nghe tin cha tôi chết. Bà biết điều đó trước khi bức điện tín đến nơi, từ đêm hôm trước, vì một dấu hiệu mà chỉ có một mình bà trông thấy và có thể hiểu được, vì một tiếng chim gọi giữa đêm, run sợ và lạc lõng trong phòng làm việc nơi hướng bắc cung điện, trong phòng làm việc của cha tôi. Cũng chính ở nơi đó, vài ngày sau cái chết của chồng, mẹ tôi đã gặp tận mặt cha của bà. Bà bật đèn lên. Ông ở đó, đứng bên cạnh chiếc bàn trong gian đại sảnh hình bát giác. Ðang nhìn bà. Tôi còn nhớ tiếng thét, tiếng gọi đó. Bà đánh thức chúng tôi dậy, kể cho chúng tôi nghe những gì đã xảy ra, cái cách ông đã ăn mặc như thế nào, trong bộ đồ dành để mặc ngày Chủ Nhật màu xám đẹp nhất của ông, cái cách ông đứng như thế nào, cách ông đã nhìn bà như thế nào, nhìn thẳng vào bà. Bà nói, mẹ không sợ. Bà đã chạy đến cái hình bóng tan biến đó. Cả hai người đã chết vào cái ngày và vào cái giờ của con chim hoặc hình bóng. Do đó, không thể nghi ngờ được, sự thán phục của chúng tôi đối với những hiểu biết của mẹ tôi, về mọi thứ, bao gồm tất cả những gì có liên hệ đến cái chết.

 Người đàn ông thanh lịch bước ra khỏi chiếc limousine đen và đang hút một điếu thuốc lá Ăng-lê. Ông nhìn cô gái đội chiếc mũ dạ đàn ông và mang đôi giày vàng. Ông chậm rãi tiến đến bên cô gái. Rõ ràng là ông bị khích động. Thoạt tiên, ông không mỉm cười. Trước hết, ông mời cô hút thuốc. Tay ông run run. Ðó là sự khác biệt về chủng tộc, ông không phải là người da trắng, ông phải vượt thắng điều đó, đó là lý do tại sao ông run rẩy. Cô nói cô không hút thuốc, cũng không cám ơn. Cô không nói gì thêm nữa, không nói là, Hãy để cho tôi yên. Nhờ đó ông ta ít sợ sệt hơn. Ông nói với cô chắc là ông đang nằm mơ. Cô không trả lời. Không có gì để mà trả lời cả, cô phải nói gì? Cô đợi. Vì thế ông ta hỏi, Thế gốc gác cô ở đâu vậy? Cô nói cô là con gái bà hiệu trưởng trường nữ trung học ở Sa Ðéc. Ông ta suy nghĩ một chốc rồi nói ông ta có nghe nói về người phụ nữ đó, mẹ của cô, về sự không may xảy ra cho khu đất mà người ta nói là bà đã mua bên Cam Bốt, có đúng thế không? Vâng, đúng vậy.

 Ông ta lại nói, thật là lạ lùng biết bao khi gặp cô trên chiếc phà này. Buổi sáng còn quá sớm và một cô gái xinh đẹp như thế, cô không nhận thấy điếu đó sao, thật là cả một sự ngạc nhiên, một cô gái da trắng trên một chiếc xe đò bản xứ.

 Ông ta nói chiếc mũ rất hợp với cô, hợp với cô một cách thật hoàn hảo, rằng nó rất là... độc đáo... một chiếc mũ đàn ông, và tại sao không chứ? Cô quá xinh đẹp nên cô có thể làm bất cứ điếu gì cô ưa thích.

 Cô nhìn ông ta. Hỏi ông ta là ai. Ông ta nói ông ta vừa từ Paris trở về, ông ta là sinh viên ở đó, ông ta cũng sống ở Sa-Đéc, cũng trên con sông này, chỗ ngôi nhà lớn với các sân thượng rộng có lan can bằng sứ xanh. Cô hỏi ông ta người gì. Ông ta nói ông ta là người Tàu, gia đình ông ta gốc ở Hoa Bắc, tỉnh Phúc Kiến. Cô có vui lòng cho phép tôi đưa cô đến nơi cô muốn đi ở Sài gòn không? Cô nói cô bằng lòng. Ông ta bảo người tài xế lấy hành lý của cô gái khỏi xe đò và đặt vào chiếc xe hơi màu đen.

 Người Tàu. ông ta thuộc nhóm nhỏ những tay tư bản gốc Tàu, những người làm chủ tất cả những khu nhà đất của đám dân lao động ở thuộc địa. Ông ta đang qua sông để đi về Sài gòn ngày hôm đó.

 Cô bước vào chiếc xe hơi màu đen. Cánh cửa đóng lại. Một cảm giác nguy hiểm vừa đột ngột cảm nhận được xâm chiếm lấy cô, một nỗi mỏi mệt, ánh nắng trên sông như thoáng nhòa đi. Khắp nơi cũng chợt có một trạng thái âm âm lãng tai rất nhẹ, hoặc đầy sương mù.

 Sẽ không bao giờ tôi di chuyển bằng xe đò bản xứ nữa. Từ lúc ấy trở đi tôi sẽ có một chiếc limousine đưa tôi đến trường và từ trường trở về ký túc xá. Tôi sẽ ăn tại những nơi thanh lịch nhất trong thành phố. Và tôi sẽ luôn luôn hối tiếc cho mọi điều mình làm, cho mọi thứ tôi thâu đạt được, cho mọi thứ tôi bị mất đi, tốt hoặc xấu, chuyến xe đò, bác tài xe đò mà tôi thường cười đùa, những bà già nhai trầu ở những hàng ghế sau, bọn trẻ con ngồi trên giá để hành lý, gia đình ở Sa Ðéc, sự khủng khiếp của cái gia đình ở Sa Ðéc, sự lặng lẽ đầy truyền cảm của nó.

 Chàng trò chuyện. Nói chàng nhớ Paris, những cô gái tuyệt vời ở đó, đời sống phóng đãng, những cuộc rượu say mèm, ôi chao, ở La Coupole, ở La Rotonde, riêng anh anh thích La Rotonde hơn, những hộp đêm, đời sống "huy hoàng" mà chàng đã trải qua suốt hai năm. Nàng lắng nghe, để ý đến những gì có liên hệ đến sự giàu có của chàng, đến những sự biểu lộ chẳng hạn như chàng có đến bao nhiêu triệu đồng. Chàng tiếp tục nói. Mẹ của chàng đã chết, chàng là con một. Chàng chỉ còn có một người cha, người đang nắm giữ tiền bạc. Nhưng em có biết thế nào không, suốt mười năm qua ông ta chỉ ngồi nhìn sông, dính chặt vào bàn đèn thuốc phiện, ông ta quản lý tài sản từ chiếc giường sắt nhỏ của mình. Nàng nói nàng hiểu.

 Ông ta sẽ không để con trai mình đi lấy một con điếm nhỏ da trắng ở Sa Ðéc.

 Hình ảnh đó đã khởi đầu từ lâu trước khi chàng tiến đến cô nhỏ da trắng bên lan can chuyến phà, nó khởi đầu từ khi chàng bước ra khỏi chiếc xe màu đen, khi chàng bắt đầu tiến lại gần nàng, và khi nàng biết, biết rằng chàng run sợ.

 Ngay từ giây phút đầu nàng biết mang máng, biết rằng chàng đã bị nàng khuất phục. Và do đó biết rằng những người khác bên cạnh chàng có thể cũng bị nàng khuất phục nếu cơ hội xảy đến. Nàng cũng biết về những điều khác nữa, biết rằng bây giờ có lẽ đã đến lúc, nàng không còn có thể trốn tránh một vài bổn phận đối với chính nàng nữa. Và biết rằng mẹ nàng sẽ không hề biết gì hết về chuyện này, và các anh của nàng cũng vậy. Bấy giờ nàng cũng đã biết điều đó. Ngay từ lúc nàng bước vào chiếc xe hơi màu đen là nàng đã biết : nàng đã bị loại trừ ra khỏi gia đình lần đầu tiên và mãi mãi. Từ bây giờ trở đi họ sẽ không còn biết gì đến nàng nữa. Cho dù nàng có bị tách rời khỏi họ, bị mang đi, bị thương tổn, hư hỏng, họ cũng sẽ không bao giờ biết đến nữa. Cả mẹ lẫn các anh nàng đều sẽ không biết đến nữa. Từ đây họ chỉ còn biết đến số phận của họ. Ý nghĩ đó đã đủ làm cho người ta bật khóc, ngay trong chiếc xe limousine đen này.

 Bây giờ cô bé sẽ chỉ phải tính chuyện với người đàn ông này, người đầu tiên, người duy nhất đã tự giới thiệu mình trên phà.

 

Chương 10

Ngày đó đã xảy đến thật mau chóng, một ngày thứ năm. Chàng đã đến mỗi ngày để đón nàng ở trường trung học và đưa nàng trở về ký túc xá. Thế rồi vào một buổi xế trưa ngày thứ năm nọ, ngày nghỉ học nửa buổi trong tuần, chàng đến ký túc xá và đưa nàng đi với chiếc xe màu đen.

Trong Chợ Lớn. Ðối diện với những con đường nối liền những khu vực người Tàu trong thành phố với trung tâm Sài gòn, những con đường theo kiểu Mỹ rộng lớn đông đúc xe điện, xe kéo và xe đò. Lúc đó mới vừa xế trưa. Nàng trốn cuộc đi dạo bắt buộc với các cô gái khác ở ký túc xá.

 Ðó là một khu phố bản xứ ở phía nam thành phố. Chỗ của chàng rất tân thời, thoạt nhìn có vẽ được trang hoàng hấp tấp, với đồ đạc được xem như tối tân. Chàng nói, không phải anh chọn đồ bàn ghế đâu. Căn phòng tối mù, nhưng nàng không yêu cầu chàng mở những lá sách. Nàng không cảm thấy điều gì đặc biệt, không ghét bỏ, cũng không ghê tởm, như thế có lẽ đó là sự ham muốn. Nhưng nàng không biết điều đó. Nàng đồng ý đến đây ngay khi chàng hỏi nàng vào chiều hôm trước. Nàng ở nơi mà nàng phải ở, được đặt để nơi đây. Nàng cảm thấy một chút sợ hãi. Dường như điều này không chỉ là những gì nàng mong đợi, nhưng còn là điều gì đặc biệt phải xảy đến cho nàng. Nàng chú ý nhiều đến ngoại cảnh, đến ánh sáng, đến tiếng động của thành phố tràn vào phòng. Chàng run rẩy. Thoạt tiên, chàng nhìn nàng như thể chàng mong đợi nàng nói, nhưng nàng im lặng. Vì thế chàng cũng không làm gì cả, không cởi quần áo nàng, mà nói là chàng yêu nàng điên cuồng, chàng nói điều đó một cách rất dịu dàng. Rồi lại im lặng. Nàng không trả lời. Nàng có thể nói là nàng không yêu chàng. Nhưng nàng không nói gì cả. Bất chợt, tức khắc, nàng hiểu, hiểu là chàng không hiểu nàng, chàng sẽ không bao giờ hiểu được nàng, chàng thiếu cái năng lực để có thể hiểu được một sự đồi trụy như thế. Và nàng biết rằng sẽ không bao giờ chàng có thể tiến vượt lên đủ nhanh để nắm bắt được nàng. Biết được hay không, điều đó tùy thuộc nơi nàng. Và nàng biết. Chính vì sự không hay biết của chàng đã khiến nàng bất chợt hiểu ra: nàng đã tôi cuốn chàng ngay từ trên phà. Nàng đã thu hút chàng. Ðiều đó đã tùy thuộc vào một mình nàng mà thôi.

 Nàng nói, em muốn thà anh đừng yêu em. Nhưng nếu anh yêu em, em muốn anh hãy hành động như anh vẫn thường làm với đàn bà. Chàng nhìn nàng kinh hãi, hỏi, Ðó là điều mà em muốn sao? Nàng nói đúng vậy. Chàng đã bắt đầu khổ đau từ đây, trong căn phòng này, lần đầu tiên, chàng không còn dối trá về điều đó nữa. Chàng nói chàng đã biết là nàng sẽ không bao giờ yêu chàng. Nàng để chàng nói ra điều đó. Mới đầu nàng nói nàng không biết. Rồi nàng để chàng nói điều đó.

 Chàng nói chàng cô đơn, cô đơn ghê gớm bởi vì mối tình chàng cảm thấy đối với nàng. Nàng nói nàng cũng cô đơn. Nàng không nói tại vì sao. Chàng nói, Em đã đến đây với anh như thể em có thể đi đến bất cứ nơi nào với bất cứ ai. Nàng nói nàng không biết nói thế nào, vì cho đến lúc này nàng chưa bao giờ đi vào giường ngủ với bất cứ một người nào. Nàng nói với chàng là nàng không thích chàng nói chuyện, điều mà nàng muốn là về phần chàng, là chàng hãy làm như chàng vẫn luôn luôn làm với những người đàn bà mà chàng mang về chỗ ở của chàng. Nàng xin chàng hãy làm điều đó. Chàng xé toạt chiếc áo, ném nó xuống đất. Chàng xé toạt chiếc quần lót nhỏ màu trắng của nàng và bồng nàng đến giường như thế, trần truồng. Rồi ở đó chàng quay mặt đi và khóc. Và nàng, chậm rãi, kiên nhẫn, kéo chàng lại gần và bắt đầu cởi quần áo cho chàng. Với đôi mắt nàng khép kín. Chậm rãi. Chàng làm như thể muốn giúp nàng cởi quần áo. Nàng nói chàng hãy nằm yên. Ðể em làm cho. Nàng nói nàng muốn làm điều đó. Và nàng làm. Cởi quần áo cho chàng. Khi nàng bảo chàng trở mình trên giường, chàng làm theo nhưng đầy thận trọng, nhẹ nhàng, như thể không muốn đánh thức nàng.

 Làn da mềm mại một cách lộng lẫy. Thân thể. Thân thể mảnh mai, không sức mạnh, không có bắp thịt, có thể là chàng đau ốm, có thể là đang dưỡng bệnh, người chàng nhẵn nhụi, không có chút gì nam tính ở chàng trừ bộ phận sinh dục, chàng yếu đuối, có lẽ là một miếng mồi ngon không nơi nương tựa để sỉ nhục, dễ bị thương tổn. Nàng không nhìn vào mặt chàng. Không hề nhìn chút gì đến chàng. Nàng chạm vào người chàng. Chạm vào sự mềm dịu của bộ phận sinh dục của chàng, làn da chàng, vuốt ve bộ phận quý báu của chàng, vật khác thường kỳ lạ của chàng. Chàng rên rỉ, khóc lóc. Trong tình yêu khủng khiếp.

 Rồi, vừa khóc, chàng vừa làm tình với nàng. Thoạt tiên, đau đớn. Và rồi tới phiên sự đau đớn được chiếm đoạt, thay đổi, được tôi kéo đi từ lừ, được tạo ra để hướng đến sự khoái cảm, bám chặt lấy nó.

 Biển, không hình thể, hồn nhiên vượt trên mọi so sánh.

 

Chương 11

Từ trước đó, trên phà, hình ảnh đó đã có mang giữ một điều gì đó đối với khoảnh khắc này.

Hình ảnh của người đàn bà với đôi vớ được mạng vá lại băng ngang căn phòng, và sau cùng bà ta nổi vượt lên như một đứa trẻ. Những đứa con trai đã biết điều đó. Nhưng đứa con gái thì chưa biết. Giữa bọn chúng với nhau, chúng không bao giờ nói chuyện về bà mẹ, về những sự hiểu biết mà chúng cùng chia sẻ về bà và cũng là điều đã tách rời chúng với bà: sự hiểu biết cuối cùng, có tính chất quyết định rằng bà mẹ của chúng chỉ là một đứa bé.

 Mẹ của chúng không bao giờ biết đến nỗi hoan lạc.

 Anh không biết là em chảy máu. Chàng hỏi tôi có đau không, tôi nói không, chàng nói chàng rất sung sướng.

 Chàng lau máu đi, chùi sạch cho tôi. Tôi nhìn chàng. Dần dần chàng được nhớ lại, lại trở nên đáng thèm muốn. Tôi tự hỏi không biết làm sao tôi có thể có được sức mạnh để đi ngược lại sự cấm đoán của mẹ tôi như thế. Một cách lặng lẽ như thế, với một sự quả quyết như thế. Làm thế nào tôi có thể thu xếp để theo đuổi những ý tưởng của tôi đối với "sự kết luận hợp luận lý" của họ như thế.

 Chúng tôi nhìn nhau. Chàng choàng tay ôm tôi. Hỏi tôi tại sao tôi đến đây. Tôi nói tôi phải đến, điều đó như một thứ bổn phận. Ðó là lần đầu tiên chúng tôi trò chuyện với nhau. Tôi kể cho chàng nghe tôi có hai người anh. Chúng tôi không còn tiền bạc gì nữa. Tất cả đều đã cạn hết. Chàng biết người anh cả của tôi, đã gặp anh ở mấy chỗ lụp xụp hút thuốc phiện ở địa phương. Tôi nói anh tôi đã lấy cắp tiền của mẹ tôi để đến những chỗ đó, lấy cắp tiền của người làm, và thỉnh thoảng bọn người trông coi các tiệm hút còn đến nhà đòi tiền của mẹ tôi nữa. Tôi kể chàng nghe về những con đê. Tôi nói với chàng rằng rồi mẹ tôi sẽ chết, mọi chuyện không thể tiếp tục như thế này được nữa. Chuyện mẹ tôi đang tiến gần đến cái chết cũng phải được gắn lền với những gì đã xảy ra cho tôi ngày hôm nay.

 Tôi nhận thấy tôi thèm muốn chàng.

 Chàng nói chàng tội nghiệp cho tôi, nhưng tôi nói không, tôi không đáng được tội nghiệp, không ai đáng được tội nghiệp cả, trừ mẹ tôi. Chàng nói, Em chỉ đến đây là tại vì anh giàu có phải không. Tôi nói đó là lý do tại sao tôi đã ham muốn chàng, với tiền bạc của chàng, khi tôi nhìn thấy chàng lần đầu tiên thì chàng đã ở trong chiếc xe hơi của chàng, trong tiền bạc của chàng, vì thế tôi không thể nói được là tôi sẽ làm gì nếu như chàng khác đi. Chàng nói, anh mong ước có thể mang em đi, có thể đi xa với em. Tôi nói em không thể nào xa rời mẹ mà không chết dần mòn vì buồn khổ. Chàng nói, chắc chắn là chàng đã không được may mắn với tôi, nhưng dù sao chàng cũng sẽ cho tôi một số tiền nào đó, đừng bận tâm nữa. Chàng lại ngả mình nằm xuống. Chúng tôi lại im lặng.

 Tiếng động của thành phố thật náo nhiệt, trong trí nhớ nó giống như âm thanh của một cuốn phim được mở quá lớn, làm điếc cả tai. Tôi nhớ rất rõ, căn phòng tối mù, chúng tôi không nói chuyện, căn phòng bị bao vây bởi tiếng ồn ào liên tục của thành phố, bị nắm bắt và bị cuốn đi với thành phố. Cửa sổ không có kính ngăn, chỉ có những lá sách và rèm che. Bạn có thể nhìn thấy bóng người qua lại trên lối đi trong ánh sáng trên rèm. Những đám người đông đúc luôn luôn lui tới như vậy. Những bóng người bị chia đều thành những sọc bởi những thanh dọc của lá sách. Tiếng guốc khua chói tai, tiếng nói chát chúa, tiếng Tàu là thứ tiếng được hét to theo cái cách giống như thứ tiếng nói trên sa mạc mà tôi thường tưởng tượng ra, đó là một thứ ngôn ngữ xa lạ không thể tin được.

 Ngày đã hết bên ngoài, người ta có thể đoán được điều đó nhờ vào âm vang của những tiếng nói, âm thanh của càng lúc càng nhiều khách bộ hành, càng lúc càng hỗn tạp. Ðó là thành phố của những khoái lạc tột đỉnh lúc đêm về. Và đêm đang bắt đầu, với mặt trời đang lặn.

 Chiếc giường chỉ được tách biệt với thành phố bởi những tấm lá sách đó, chiếc rèm vải đó. Không có gì vững chắc ngăn cách chúng tôi với những người khác cả. Họ không biết đến sự hiện hữu của chúng tôi. Chúng tôi thì thoáng thấy một điều gì đó của họ, tổng số những tiếng nói và những cử động của họ, giống như từng hồi còi, than van, mờ mịt.

 Mùi đường khét cháy len vào phòng, mùi đậu rang, mùi mì, mùi thịt quay, mùi cỏ, mùi hoa lài, bụi bặm, mùi nhang, mùi lửa than, ở đây người ta mang lửa trong những chiếc giỏ, rao bán ở ngoài đường, mùi của thành phố là mùi của những làng mạc trong nội địa, mùi của những khu rừng.

 Tôi bất chợt nhìn thấy chàng trong chiếc áo choàng tắm màu đen. Chàng đang ngồi uống whisky, hút thuốc.

 Chàng nói tôi vừa mới chợp mắt, chàng vừa tắm xong. Tôi đã rơi vào giấc ngủ gần như không hay biết. Chàng vặn ngọn đèn trên chiếc bàn thấp.

 Chàng là người có những thói quen - tôi chợt nghĩ đến chàng - chắc hẳn là chàng đã phải đến căn phòng này rất thường xuyên, chắc chàng là người phải làm tình nhiều lắm, là một người sợ sệt, chắc là chàng phải làm tình thật nhiều để chống lại nỗi sợ hãi. Tôi bảo chàng tôi thích cái ý tưởng về việc chàng có nhiều đàn bà, cái ý tưởng tôi là một trong những người đó, không thể phân biệt. Chúng tôi nhìn nhau. Chàng hiểu những điều tôi vừa nói. Sự biểu lộ của chúng tôi chợt thay đổi, không thực, bị vướng trong tội lỗi và cái chết.

 Tôi bảo chàng đến bên tôi, bảo chàng phải chiếm đoạt tôi lần nữa. Chàng tiến đến. Chàng có mùi thuốc lá Ăng-lê dễ chịu, mùi nước hoa đắt tiền, mùi mật ong, da thịt chàng đã thấm đẫm mùi nhung lụa, mùi trái cây của vải lụa, mùi của vàng, chàng đáng thèm muốn biết bao. Tôi nói với chàng về sự ham muốn này. Chàng bảo tôi hãy chờ một chốc. Chàng nói với tôi, nói là chàng đã biết ngay lập tức, khi chúng tôi băng qua sông, biết rằng tôi sẽ như thế này sau người yêu đầu tiên của tôi, rằng tôi sẽ yêu tình yêu, chàng nói chàng biết hiện giờ tôi lừa dối chàng và lừa dối tất cả mọi người đàn ông tôi giao tiếp. Chàng nói về phần chàng, chàng đã là nguyên nhân của chính sự bất hạnh của chàng. Tôi lấy làm hài lòng với tất cả những gì chàng nói ra trước như thế, và tôi nói điều đó. Chàng trở nên hung dữ, tuyệt vọng, chàng ném người lên mình tôi, cắn xé bộ ngực trẻ con, la hét, mắng chửi. Tôi nhắm mắt lại trong sự hoan lạc tột cùng. Tôi nghĩ, Chàng đã quên với chuyện này, chuyện này là sự bận rộn của chàng trong đời sống, tình yêu, không gì khác nữa. Bàn tay chàng lão luyện, tuyệt vời, hoàn hảo. Tôi may mắn, dĩ nhiên, dường như chuyện này là nghề nghiệp của chàng, dường như bằng một cách không ý thức chàng vẫn biết chính xác phải làm gì và phải nói gì. Chàng gọi tôi là một con đĩ, một đứa con gái bẩn thỉu, chàng nói tôi là tình yêu duy nhất của chàng, và đó là điều chàng nên nói, và người ta phải nói gì bây giờ khi mà người ta chỉ để mặc cho sự việc tự nó phải nói ra, khi người ta bỏ mặc thân xác một mình, để mặc nó theo đuổi và tìm kiếm và nhận lấy những gì nó yêu thích, và rồi khi mọi chuyện đều xong xuôi thì không có gì bỏ phí cả, sự lãng phí được bù đắp lại và tất cả bị cuốn theo dòng thác, trong cái sức mạnh của dục vọng.

 Tiếng động của thành phố thật gần, người ta có thể nghe chúng cọ chạm vào gỗ những cánh lá sách. Nó vang âm như thể tất cả những tiếng động đang đi xuyên qua căn phòng. Tôi vuốt ve thân thể chàng giữa những tiếng động, những người qua lại. Biển, sự mênh mông, đang tập hợp, đang rút đi, đang trở lại.

 Tôi yêu cầu chàng làm việc đó không biết bao nhiêu lần. Hãy yêu em. Và chàng yêu tôi, yêu tôi trong sự trơn nhờn ngọt ngào của máu huyết. Và thật sự nó đã hướng đến cái chết. Nó vừa hướng đến cái chết.

 Chàng đốt thuốc lá và đưa cho tôi. Và rất nhỏ nhẹ, sát trên môi tôi, chàng nói với tôi.

 Và tôi cũng trò chuyện với chàng, rất nhỏ nhẹ.

 Bởi vì tự chàng không biết đến điều đó, nên tôi nói ra điều đó cho chàng, thay mặt cho chàng. Bởi vì chàng không biết rằng chàng đã mang trong người sự thanh nhã cao quý, tôi nói điều đó cho chàng.

 Bây giờ buổi tối đã tới. Chàng nói là tôi sẽ nhớ buổi chiều này suốt đời, ngay cả khi tôi đã quên lãng khuôn mặt và tên họ chàng. Tôi tự hỏi không biết rồi tôi có sẽ còn nhớ đến ngôi nhà không. Chàng nói, Em hãy nhìn nó cho thật kỹ. Tôi nhìn. Tôi nói nó cũng giống như mọi nơi khác thôi. Chàng nói vâng, đúng vậy, nó luôn luôn giống như vậy.

 Tôi vẫn còn có thể nhìn thấy khuôn mặt, và tôi cũng vẫn còn nhớ họ tên. Tôi vẫn nhìn thấy những bức tường quét vôi trắng, tấm rèm vải ngăn giữa chúng tôi và thế giới bên ngoài, còn một cánh cửa khác, hình vòng cung, thì dẫn đến một căn phòng khác và dẫn đến một khu vườn lộ thiên - cây cỏ đã chết vì sức nóng - bao quanh bởi những dãy lan can màu xanh như những lan can ở ngôi biệt thự lớn ở Sa Ðéc với mấy tầng sân trước của nó nhìn xuống dòng sông Cửu Long.

 Ðó là một nơi chốn của sự hiểm nghèo, chìm đắm. Chàng xin tôi nói cho chàng biết tôi đang nghĩ ngợi gì. Tôi nói tôi đang nghĩ đến mẹ tôi, bà sẽ giết tôi nếu bà khám phá ra sự thật. Tôi thấy chàng đang có một sự cố gắng nào đó, rồi chàng nói điều đó, nói là chàng hiểu điều mẹ tôi muốn nói đến, sự ô nhục này, chàng nói. Chàng nói chính chàng cũng không thể chịu đựng nổi cái ý nghĩ đó một khi chàng lập gia đình. Tôi nhìn chàng. Chàng nhìn lại tôi, xin lỗi, một cách hãnh diện. Chàng nói, Anh là người Tàu. Chúng tôi cười với nhau. Tôi hỏi chàng buồn rầu như thế này có phải là chuyện thường xuyên không, như chúng tôi hiện giờ. Chàng nói đó là bởi vì chúng tôi đã yêu nhau vào ban ngày, với sức nóng cao độ. Chàng nói sau việc đó, thường rất là kinh khủng. Chàng mỉm cười. Nói, Cho dù người ta có yêu nhau hay không đi nữa, nó luôn luôn kinh khủng. Nói rồi nó sẽ qua đi khi trời tối. Tôi nói chàng sai rồi, đó không phải chỉ vì vào ban ngày, mà tôi cảm thấy nỗi buồn bã tôi hằng mong đợi và nỗi buồn đó chỉ đến từ chính tôi. Tôi nói tôi luôn luôn buồn bã. Tôi có thể nhìn thấy cùng một vẻ buồn bã đó trên những bức ảnh của chính tôi khi tôi còn nhỏ. Ngày hôm nay, tôi nhận ra nó chính là nỗi buồn mà tôi đã luôn luôn có, gần như tôi có thể gọi tên nó bằng chính cái tên của tôi, vì nó giống tôi biết bao. Tôi bảo chàng rằng ngày hôm nay nỗi buồn bã ấy là một sự lắng dịu, nỗi buồn bã ấy, sự dễ chịu là sau cùng đã được rơi vào sự bất hạnh mà mẹ tôi luôn luôn đoán trước sẽ xảy ra cho tôi mỗi khi bà than gào trong cái sa mạc của đời bà. Tôi nói tôi không hoàn toàn hiểu hết tất cả những gì bà nói, nhưng tôi biết căn phòng này là điều mà tôi đang chờ đợi. Tôi nói mà không chờ đợi một sự trả lời nào. Tôi bảo chàng là mẹ tôi đã gào to những điều bà tin là những thông điệp của Thượng Ðế. Bà đã gào to rằng mày đừng có trông đợi điều gì hết, đừng bao giờ, bất cứ điều gì từ bất cứ người nào khác, từ bất cứ chính phủ nào hoặc từ bất cứ Thượng Ðế nào. Chàng nhìn tôi nói, không chớp mắt, nhìn đôi môi tôi, tôi trần truồng, chàng vuốt ve tôi, có thể chàng không lắng nghe, tôi không biết. Tôi nói tôi không xem chuyện rủi ro của tôi hiện giờ là một vấn đề riêng tư. Tôi bảo chàng là chỉ có việc lo cơm ăn áo mặc để sống không thôi cũng đã thật khó khăn biết bao, tóm lại, chúng tôi không có gì hết mà chỉ dựa vào tiền lương của mẹ tôi. Tôi thấy càng lúc càng khó nói. Chàng nói, Rồi em định thu xếp tất cả chuyện này như thế nào? Tôi nói chúng tôi đã sống ngoài đường, sự nghèo túng đã làm sập đổ những bức tường của gia đình và chúng tôi đã bị bỏ rơi bên ngoài, mỗi người phải tự lo liệu lấy thân. Một cách không biết hổ thẹn, chúng tôi là như thế đó. Ðó là lý do tại sao em đã đến đây với anh. Chàng lại ở trên người tôi, bị nhận chìm xuống lần nữa. Chúng tôi giữ nguyên như thế, bị đóng đinh vào nhau, rên siết giữa những tiếng động của thành phố vẫn còn vang dội bên ngoài. Chúng tôi vẫn còn có thể nghe thấy nó. Và rồi chúng tôi không còn nghe thấy nữa.

Truyện khác