Truyện dịch Người Tình (L'Amant) - Marguerite Duras

Thứ Hai, 16 Tháng Ba, 2020

Phần 3 : Người Tình (L'Amant) - Marguerite Duras

Chương 13

Mẹ tôi nói với bà quản đốc ký túc xá, Chuyện đó không sao cả, tất cả những điều đó đều không có gì quan trọng. Thế bà không thấy là mấy thứ đó hợp với con bé sao, những chiếc áo nhỏ cũ kỹ đó, chiếc nón màu hồng đó, và còn đôi giày vàng nữa? Mẹ tôi say sưa với niềm vui sướng khi bà nói về các con của mình, và chuyện đó làm cho bà trở nên duyên dáng hơn bao giờ. Những cô giáo trẻ ở ký túc xá lắng nghe bà với sự chú tâm đầy cảm động. Tất cả mấy người đó, mẹ tôi nói, tất cả bọn họ đều lảng vảng chung quanh nó, tất cả bọn đàn ông ở đây, dù có gia đình hay chưa, tất cả đều lảng vảng chung quanh nó, khao khát theo đuổi nó, theo sau một điều gì đó mà họ chưa xác định được, hãy nhìn xem, nó vẫn còn là một đứa con nít kia mà. Người ta có nói về chuyện nhục nhã à? Tôi muốn nói là, làm sao mà sự trong trắng có thể bị ô nhục được chứ?

Mẹ tôi nói huyên thuyên. Bà nói về câu chuyện mãi dâm rành rành và cười, bà cười về chuyện tai tiếng, về cái trò hề, về chiếc mũ buồn cười, về nét thanh lịch tuyệt vời của cô nhỏ băng ngang dòng sông. Và bà cười về những chuyện không thể cưỡng chống lại được ở những thuộc địa Pháp như nơi đây: tôi muốn nói, bà nói, cái con nhỏ da trắng hư hỏng này, con bé này bị giấu giếm cho trong những nhiệm sở nội địa cho đến bây giờ, rồi bất chợt xuất hiện ra giữa ánh sáng ban ngày và đi ngủ qua đêm với đồ cặn bã triệu phú người Tàu đó trước mắt mọi người, với viên kim cương trên ngón tay nó như thể nó là vợ của một ông chủ nhà băng. Rồi bà khóc.

 Khi bà nhìn thấy viên kim cương bà nói bằng một giọng nhỏ nhẹ, Nó gợi cho mẹ nhớ tới chiếc nhẫn nhỏ mẹ có hồi mẹ đính hôn với người chồng đầu tiên của mẹ. Tôi nói: ông Dark. Chúng tôi cười. Ðó chính là tên ông ta, bà nói, nó đúng là tên ông.

 Chúng tôi nhìn nhau hồi lâu, rồi bà nở một nụ cười ngọt ngào, hơi chế nhạo, đầy sự hiểu biết thật sâu xa về con cái của mình và về những gì chờ đợi chúng sau này khiến tôi gần như muốn kể hết cho bà nghe về chuyện xảy ra trong Chợ Lớn.

 Nhưng tôi đã không kể. Tôi không bao giờ kể.

 Bà chờ đợi một hồi lâu trước khi lên tiếng trở lại, bà nói, một cách thật đáng yêu, Con cũng biết thế là hết rồi, phải không con? Con biết là bây giờ con sẽ không bao giờ có thể lấy chồng ở thuộc địa này rồi chứ? Tôi nhún vai, mỉm cười. Tôi nói, Con có thể lập gia đình ở bất cứ nơi đâu, khi nào con muốn. Mẹ tôi lắc đầu. Không. Bà nói, Ở đây ai cũng biết chuyện cả rồi, ở đây con không thể lấy chồng được, vào lúc này. Bà nhìn tôi và nói những điều không thể nào quên được: Bọn họ thấy con quyến rũ phải không? Tôi trả lời, Dạ; họ thấy con quyến rũ bất kể mọi chuyện. Lúc đó bà mới nói, Mà cũng bởi vì những gì làm cho con là chính con.

 Bà tiếp tục nói: Có phải chỉ vì tiền mà con gặp ông ta không? Tôi do dự, rồi nói chuyện đó chỉ vì tiền. Bà lại nhìn tôi một hồi lâu lần nữa, bà không tin tôi. Bà nói, Mẹ không giống như con, mẹ thấy trường học khó khăn hơn và mẹ rất là nghiêm trang, mẹ giữ như vậy quá lâu, quá trễ, mẹ đã đánh mất sự thích thú về khoái cảm của mình.

 Ðó là vào một ngày nào đó trong kỳ nghỉ hè ở Sa Ðéc. Bà đang ngồi nghỉ ngơi trong chiếc ghế xích đu, chân tựa trên một chiếc ghế khác, bà đã tạo ra một luồng gió giữa cánh cửa phòng khách và cánh cửa phòng ăn. Bà có vẻ bình yên, không gây gổ. Bất chợt bà nhìn thấy cô con gái của bà, bà muốn nói chuyện với cô.

 Chuyện đó xảy ra không lâu trước hồi kết cục, trước khi bà từ bỏ khu đất bên con đê đắp. Không lâu trước khi chúng tôi trở về Pháp.

 Tôi nhìn bà đang thiếp ngủ.

 Thỉnh thoảng mẹ tôi lại tuyên bố, Ngày mai chúng ta đi đến tiệm chụp hình. Bà than phiền về giá cả nhưng vẫn chịu tốn phí vào những bức ảnh gia đình. Chúng tôi nhìn vào những bức ảnh, chúng tôi không nhìn nhau nhưng chúng tôi có nhìn vào những tấm ảnh, mỗi người nhìn riêng biệt nhau, không một lời bình phẩm, nhưng chúng tôi nhìn những tấm ảnh, chúng tôi nhìn chính chúng tôi. Nhìn những người khác trong gia đình từng người một hoặc cùng chung với nhau. Nhìn trở lại chính chúng tôi khi chúng tôi còn rất trẻ trong những tấm ảnh cũ, rồi lại nhìn chính chúng tôi lần nữa trong những tấm ảnh gần đây. Hố ngăn cách giữa chúng tôi vẫn càng ngày càng sâu đậm. Mỗi khi xem xong, những tấm ảnh lại được gói cất để dành trong những mảnh vải mềm cất trong tủ quần áo. Mẹ tôi bắt chúng tôi chụp ảnh để bà có thể nhìn thấy xem chúng tôi có phát triển bình thường không. Bà xem xét chúng tôi đầy đủ từng chi tiết, giống như những bà mẹ khác xem xét con của họ. Bà so sánh những tấm ảnh với nhau, bàn cãi xem mỗi đứa chúng tôi đã lớn lên như thế nào. Không ai trả lời bà cả.

 Mẹ tôi chỉ cho chụp ảnh những đứa con của bà. Không bao giờ chụp thứ gì khác nữa. Tôi không có bất cứ một bức ảnh nào về Vĩnh Long, không một bức nào hết, về khu vườn, về dòng sông, về những đại lộ có trồng những hàng me thẳng tắp hai bên hồi Pháp chiếm đóng, không có tấm ảnh nào về ngôi nhà, về những căn phòng ngủ quét vôi trắng như ở cơ quan với những chiếc giường sắt sơn đen thếp vàng lớn, được thắp sáng như những phòng học bởi những ngọn đèn đường màu đỏ, những chụp đèn bằng kim loại xanh, không có một hình ảnh nào về những nơi chốn khác thường đó, những nơi chốn luôn luôn tạm bợ, xấu xí không thể diễn tả, những nơi chốn phải chạy thoát đi, là nơi mẹ tôi phải cắm trại cho đến khi nào, như bà nói, bà định cư thật sự, nhưng chỉ ở Pháp, trong những vùng mà cả đời bà đã nói đến, và những vùng đó cũng đổi thay tùy theo tính khí của bà, tuổi tác của bà, nỗi sầu muộn của bà, đâu đó giữa Pas-de-Calais và Entre-Deux-Mers. Nhưng đến khi bà dừng chân vĩnh viễn, khi bà định cư ở vùng sông Loire, thì căn phòng của bà lại chỉ là một bản sao thảm hại của căn phòng ở Sa Ðéc. Hẳn bà không còn nhớ nữa.

 Bà không bao giờ cho chụp ảnh những nơi chốn, những phong cảnh, chỉ chụp chúng tôi mà thôi, những đứa con của bà, và hầu hết là bà cho chụp chúng tôi chung cả đám để đừng tốn kém nhiều quá. Một vài tấm ảnh của chúng tôi được chụp một cách tài tử bởi những người bạn của mẹ tôi, những người đồng nghiệp mới vừa sang thuộc địa, họ chụp ảnh các phong cảnh vùng nhiệt đới, những cây dừa và những người phu mộ để gửi về gia đình.

 Vì một lý do bí ẩn nào đó mẹ tôi thường đưa ra cho gia đình bà xem những tấm ảnh của con cái bà khi bà nghỉ phép trở về bên nhà. Chúng tôi không muốn đi và gặp những người đó. Các anh tôi không bao giờ gặp họ. Lúc đầu, bà thường mang tôi, đứa con nhỏ nhất, theo bà. Rồi sau đó trở đi tôi ngừng không đi nữa, vì mấy bà dì tôi không muốn các cô con gái của họ gặp tôi nữa vì thái độ ngang chướng của tôi. Vì thế mẹ tôi chỉ còn lại những bức ảnh để mà trưng bày ra, và bà đã trưng bày chúng ra, một cách tự nhiên, hợp lý, cho mấy người chị em họ của bà xem ảnh con cái bà. Bà thấy bà có bổn phận phải làm như vậy, do đó mà bà làm, và gia đình bà chỉ còn lại những người chị em họ đó thôi, vì thế bà phô ra cho họ xem những bức ảnh gia đình. Chúng ta có thể thoáng thấy một điều gì đó về người đàn bà này, qua cách cư xử này không? Cái cách bà thực hiện mọi việc cho đến tận cùng cái kết thúc cay đắng mà chưa từng mơ tưởng đến chuyện bà có thể đầu hàng, từ bỏ - những người chị em họ, sự cố gắng, cái gánh nặng. Tôi nghĩ là chúng ta có thể. Chính trong sự dũng cảm này, trong con người này, nỗi phi lý này mà tôi nhìn thấy một sự cứu rỗi đích thực.

 Khi bà già rồi thì cũng vậy, tóc đã bạc trắng, bà đi đến tiệm chụp hình, một mình, và cho người ta chụp ảnh bà trong chiếc áo màu đỏ sậm đẹp nhất của bà với hai món nữ trang, một mặt dây chuyền hình trái tim và chiếc trâm hình tròn nhỏ bàng ngọc bịt vàng. Trong tấm ảnh, tóc bà được chải rất đẹp, quần áo bà cũng thế, bà trông rất duyên dáng dù bà không thực sự quan tâm chăm sóc. Nhưng người dân bản xứ khá giả cũng thường đến tiệm chụp ảnh, chỉ một lần trong đời họ thôi, khi họ nhìn thấy cái chết đã sắp đến gần. Những bức ảnh của họ rất lớn, tất cả đều cùng một cỡ, được treo trong những chiếc khung mạ vàng trang trọng gần bàn thờ tổ tiên. Tất cả những bức ảnh của những con người khác biệt nhau này, mà tôi đã nhìn thấy khá nhiều, gây những hiệu quả hầu như giống hệt nhau, và sự giống nhau này thật là thú vị. Ðó không phải chỉ vì tất cả những người già cả đều trông giống nhau, mà bởi vì chính những bức chân dung của họ đã được tô sửa một cách không thay đổi theo một cách thức mà mọi nét riêng biệt, nếu còn sót lại chút nào, đều bị giảm đến mức tối thiểu. Tất cả các khuôn mặt đều đã được chuẩn bị trong cùng một cách thức để đối mặt với vĩnh hằng, tất cả đều được làm cho dịu xuống, tất cả đều được làm cho trẻ lại một cách đồng dạng. Ðây là điều mà người ta mong muốn. Sự giống nhau chung này, sự xử lý khéo léo này, có thể biểu hiện được đặc điểm cái kỷ niệm về sự quá vãng của họ trong gia đình, và cùng một lúc làm chứng cho sự cá biệt và xác thực của sự qua đi đó. Họ càng giống lẫn nhau bao nhiêu thì họ càng tùy thuộc vào hàng ngũ gia đình một cách hiển nhiên bấy nhiêu. Hơn nữa, tất cả những người đàn ông đều đội cùng một loại khăn đóng, tất cả những người đàn bà đều chải tém và búi tóc lại như nhau, và cả đàn ông lẫn đàn bà đều mặc áo dài với cổ đứng như nhau. Và tất cả họ đều có một thứ nét mặt mà tôi còn có thể nhận ra ở bất cứ nơi nào. Nét mặt của mẹ tôi trong ảnh với chiếc áo đỏ cũng giống như vậy. Thanh tú, một vài người đã nói thế. Những người khác thì cho là khép kín.

 

 Họ không bao giờ nói với nhau về chuyện đó nữa. Ðó là một điều đã được ngầm hiểu rằng chàng sẽ không đặt vấn đề với cha chàng vè việc để cho chàng được cưới nàng nữa. Người cha sẽ không thương xót đứa con trai một chút nào cả. Ông ta không thương hại bất cứ ai. Ðối với tất cả những người Tàu khách trú đang nắm giữ nền thương mại trong tay, thì người đàn ông với ngôi nhà có những sân thượng màu xanh kia là người ghê gớm nhất, người giàu có nhất, là người mà tài sản bành trướng xa nhất ra ngoài phạm vi Sa Ðéc, đến tận Chợ Lớn, thủ đô của người Tàu ở Ðông Dương thuộc nước Pháp. Chàng trai ở Chợ Lớn biết quyết định của cha mình và quyết định của cô gái giống như nhau, và cả hai quyết định đó đều không thể thay đổi được. Ở một mức độ thấp hơn, chàng bắt đầu hiểu rằng chuyến đi sẽ tách rời chàng và nàng là một điều may mắn tốt đẹp cho mối tình của họ. Rằng nàng không phải là loại người để lập gia đình, nàng sẽ bỏ chạy xa trước bất cứ cuộc hôn nhân nào, nên chàng phải từ bỏ nàng, phải quên nàng đi, phải trả nàng lại cho những người da trắng, cho những người anh của nàng.

 Kể từ khi chàng bị mê hoặc bởi tấm thân thể của nàng, cô gái đã thôi không còn bị phiền muộn bởi thân thể gầy gò của mình nứa. Và cũng tương tự như thế, kỳ lạ thay, mẹ nàng cũng không còn lo lắng về nó như trước kia, như thể bà cũng đã vừa khám phá ra rằng sau cùng thì nó cũng có vẻ tin tưởng được, có thể chấp nhận được như mọi thân thể khác. Người tình ở Chợ Lớn nghĩ rằng sự phát triển của cô bé da trắng đã bị còi cọc đi bởi sức nóng quá độ. Chàng cũng đã được sinh ra và lớn lên trong cái sức nóng đó. Chàng khám phá ra sự liên hệ máu huyết giữa họ. Chàng nói suốt những năm tháng nàng đã sống ở nơi đây, trong vùng khí hậu không thể chịu đựng này, đã biến nàng thành ra một cô gái của Ðông Dương. Nàng cũng có một cườm tay thon nhỏ như họ, cũng có một mái tóc dày trông như thể đã thấm hút đi hết sức lực của người mang giữ nó, và nó cũng dài như mái tóc của họ, và nhất là làn da của nàng, trên khắp thân thể nàng, làn da đến từ nước mưa chứa ở đây để dành cho phụ nữ và trẻ con tắm. Chàng nói so sánh với đàn bà ở đây, phụ nữ ở Pháp có làn da khô khan hơn và thân thể họ, hầu như thô ráp hơn. Chàng nói những thức ăn ít bổ dưỡng ở miền nhiệt đới, hầu hết là cá và trái cây, cũng có liên hệ đến điều đó nữa. Cũng thế, vải vóc và tơ lụa được dùng để may mặc ở đây nữa, với chính những quần áo rộng rinh, thoáng mát đã giúp cho làn da trần trụi, thoải mái.

 Người tình ở Chợ Lớn đã quá say đắm với tuổi mới lớn của cô gái da trắng, nên chàng đã bị lạc lối. Sự hoan lạc chàng nhận từ nàng mỗi tối đã thu hút tất cả thời gian của chàng, tất cả cuộc đời chàng. Gần như chàng không còn trò chuyện với nàng nữa. Có lẽ chàng nghĩ nàng sẽ không còn hiểu được những gì chàng nói về nàng nữa, về tình yêu trước đây chàng chưa bao giờ biết đến và cũng không thể nói gì về nó được. Có lẽ chàng cũng nhận ra rằng họ đã không bao giờ nói chuyện với nhau, trừ những khi họ rên la với nhau trong phòng ngủ buổi tối. Vâng, tôi nghĩ chàng đã không biết, chàng nhận ra rằng chàng đã không biết phải nói như thế nào nữa.

 Chàng nhìn nàng. Tiếp tục nhìn nàng, khi đôi mắt chàng khép kín. Chàng hít thở khuôn mặt của nàng, chàng hít vào. Chàng hít nàng vào, đứa trẻ, đôi mắt chàng nhắm lại, chàng hít hơi thở của nàng vào, hít cái hơi ấm tỏa ra từ nàng. Càng lúc chàng càng khó có thể nhận ra những giới hạn của thân thể này, nó không giống như những thân thể khác, nó chưa hoàn tất, nó vẫn tiếp tục phát triển trong căn phòng, nó vẫn chưa có một hình thể, vẫn hình thành một cách liên tục, không những chỉ ở nơi nó có thể nhìn thấy được ở đó mà còn ở mọi nơi chốn khác, vượt lên trên cái nhìn, hướng về nỗi hiểm nguy, hướng về cái chết, nó nhanh nhẹn, nó ném chính mình một cách nguyên vẹn vào sự hoan lạc như thể nó đã lớn, đã trưởng thành, nó không lừa dối và nó thông minh một cách đáng kinh sợ.

 

Chương 14

Tôi thường nhìn xem chàng làm những gì với tôi, chàng sử dụng tôi như thế nào, và tôi nghĩ không bao giờ còn có bất cứ ai khác có thể hành động như thế, chàng hành động vượt lên trên niềm hy vọng của tôi và trong sự hòa hợp với số phận của thân thể tôi. Vì thế tôi trở thành đứa con nhỏ của chàng. Và chàng cũng trở thành một điều gì khác nữa đối với tôi. Tôi bắt đầu nhận ra sự mềm mại không diễn tả được của da thịt chàng, của bộ phận đó của chàng, tách rời khỏi chính chàng. Chiếc bóng của một người đàn ông nào khác ắt đã phải đi qua căn phòng, chiếc bóng của gã sát nhân trẻ tuổi, nhưng lúc bấy giờ tôi không biết điều đó, chưa có một ý niệm mơ hồ nào về việc đó cả. Chiếc bóng của tên thợ săn trẻ tuổi hẳn cũng đã đi qua căn phòng, nhưng chiếc bóng đó, vâng, tôi biết, thỉnh thoảng hắn có mặt trong nỗi khoái lạc và tôi đã kể cho người tình trong Chợ Lớn nghe, nói với chàng về cái thân thể và bộ phận của kẻ kia, về sự ngọt ngào không thể diễn tả, về sự can đảm của hắn trong khu rừng và trên những dòng sông có những cửa sông chứa giữ những con beo đen. Mọi thứ đều rung ngân với lòng ham muốn của chàng và khiến chàng chiếm đoạt tôi. Tôi trở thành đứa con của chàng. Và chàng làm tình với chính đứa con nhỏ của chàng mỗi buổi tối. Rồi đôi lúc chàng kinh hãi, bất chợt chàng lo lắng về sức khỏe của nàng, như thể bất chợt chàng nhận ra rằng nàng có thể chết đi và điều đó bất chợt làm chàng sợ hãi rằng chàng có thể mất nàng. Rồi việc nàng quá gầy ốm cũng làm chàng chú ý, và đôi khi điều này làm chàng lo sợ bất ngờ. Rồi lại còn chứng nhức đầu nữa, vẫn thường khiến cho nàng nằm rũ liệt, bất động, xanh lét, với chiếc khăn ướt đắp trên mắt. Rồi sự ghê tởm đời sống đôi lúc chiếm đoạt nàng, mỗi khi nàng nghĩ đến mẹ và bất chợt la hét và khóc lóc giận dữ với ý nghĩ đã không thể làm thay đổi mọi việc, không thể làm cho mẹ nàng sung sướng hơn trước khi bà chết, không thể giết chết những kẻ chịu trách nhiệm về chuyện ấy. Khuôn mặt chàng tựa sát khuôn mặt nàng, hứng nhận những dòng lệ của nàng, kéo sát nàng vào chàng, điên cuồng với lòng ao ước đầy nước mắt và sự cuồng nộ của nàng.

Chàng chiếm đoạt nàng như chàng chiếm đoạt chính đứa con mình. Chàng đã chiếm đoạt chính đứa con chàng cùng một cách. Chàng đùa chơi với thân thể của đứa con chàng, lật dở nó, phủ nó lên mặt chàng, môi chàng, mắt chàng. Và nàng, nàng tiếp tục buông thả chính mình trong cái cách thức giống hệt như chàng đã định lúc khởi đầu. Rồi đột ngột chính nàng là người cầu khẩn, nàng không nói để làm gì, còn chàng, chàng la hét bảo nàng hãy im đi, rằng chàng không còn muốn liên hệ gì với nàng nữa, không muốn có những cơn hoan lạc này với nàng nữa. Rồi bây giờ, một lần nữa, họ lại ghì chụp lấy nhau, khóa chặt vào nhau trong nỗi kinh hoàng, và bây giờ sự kinh hoàng lại dịu đi, và rồi họ lại chiu thua nó lần nữa, giữa nước mắt, tuyệt vọng, và hạnh phúc.

 Họ im lặng suốt cả buổi chiều dài dặc. Trong chiếc xe đen chở nàng trở lại ký túc xá nàng ngả đầu trên vai chàng. Chàng quàng tay quanh người nàng. Chàng nói đó là một điều tốt đẹp, chẳng mấy chốc chuyến tàu từ Pháp sẽ đến để mang nàng đi xa và chia lìa họ với nhau. Họ im lặng trong khi đi. Có lúc chàng nói với người tài xế đi chung quanh dòng sông. Nàng ngủ, kiệt sức, trên vai chàng. Chàng đánh thức nàng dậy bằng những nụ hôn.

 Ðèn trong phòng ngủ màu xanh. Có mùi nhang, họ luôn thắp nhang vào buổi chiều tối. Hơi nóng ngột ngạt, tất cả những cửa sổ được mở rộng, và không có một hơi gió nào. Tôi tháo giày ra để không tạo ra tiếng động, nhưng tôi không lo lắng, tôi biết bà giáo đang trực sẽ không thức giấc, tôi biết bây giờ tôi đã được chấp thuận trở về ban đêm vào bất cứ lúc nào tôi thích. Tôi đi thẳng đến chỗ của H.L., luôn luôn có một chút bồn chồn, luôn luôn e ngại rằng có thể cô đã trốn đi lúc ban ngày. Nhưng mà cô còn đó. Cô ngủ thật say giấc, H.L.. Một giấc ngủ bướng bỉnh, gần như thù nghịch, tôi nhớ thế. Phô diễn vé khước từ. Hai cánh tay trần của cô vung ra trong sự buông thả chung quanh đầu. Thân thể cô không nằm một cách ngay ngắn như thân thể của các cô gái khác, chân cô co lên, không nhìn thấy được gương mặt, chiếc gối xô lệch. Tôi đoán là cô đã chờ tôi nhưng rồi ngủ thiếp đi khi chờ đợi, mất kiên nhẫn và giận dữ. Chắc là cô cũng có khóc nữa, rồi rơi vào giấc ngủ quên. Tôi muốn đánh thức cô dậy, để nói chuyện thì thầm. Tôi không nói về người đàn ông trong Chợ Lớn nữa, chàng không còn nói chuyện với tôi. Tôi cần nghe những câu hỏi của H.L.. Nhưng tôi không thể đánh thức cô dậy. Một khi cô thức dậy như thế này, ngay giữa đêm, H.L. không thể ngủ trở lại được nữa. Cô ngồi dậy, muốn đi ra ngoài, và cô đi, đi xuống cầu thang, dọc theo hành lang, đi ra ngoài một mình trên cái sân chơi rộng trống vắng, cô chạy, cô gọi tôi, cô vui sướng biết bao, điều đó không thể cưỡng lại được, và đến khi mà cô không còn được phép đi ra ngoài với những cô gái khác, thì đó cũng là điều mà cô nhận chịu. Tôi ngần ngại, và rồi thôi, tôi không đánh thức cô dậy. Trong mùng, hơi nóng ngột ngạt, khi bạn khép mùng lại thì gần như không thể chịu đựng nổi. Nhưng tôi biết đó là vì tôi mới vừa từ bên ngoài vào, từ bờ sông nơi luôn luôn mát mẻ vào ban đêm. Tôi đã quen với chuyện nóng bức này, tôi nằm yên, đợi cho nó qua đi. Nó qua hết. Tôi không bao giờ thiếp ngủ ngay được dù với những sự mệt mỏi mới trong đời tôi. Tôi nghĩ về người đàn ông ở Chợ Lớn. Có lẽ chàng đang ở trong một hộp đêm đâu đó gần quán La Source với người tài xế của chàng, có lẽ họ đang im lặng uống rượu, họ uống rượu nếp khi họ đi với nhau. Hoặc là chàng đã về nhà, chàng đang ngủ thiếp đi với đèn thắp sáng, vẫn không nói gì với người khác. Ðêm hôm đó tôi không thể chịu đựng nỗi những ý nghĩ về người đàn ông trong Chợ Lớn nữa. Không chịu đựng nỗi cả những ý nghĩ về H.L. Dường như là họ hạnh phúc, và dường như sự vui sướng đó đến từ bên ngoài chính họ. Và tôi không có gì giống như thế này. Mẹ tôi nói, Cái con này sẽ không bao giờ thỏa mãn được với bất cứ thứ gì. Tôi nghĩ tôi đang bắt đầu nhìn thấy đời sống mình. Tôi nghĩ tôi đã có thể nói rằng, tôi có một ước muốn mơ hồ là được chết đi. Từ bây giờ trở đi, tôi sẽ đối xử với chữ đó và cuộc đời tôi như những điều không thể tách rời. Tôi nghĩ tôi có một ước muốn mơ hồ là được một mình, ngay khi tôi nhận thức rằng tôi đã không bao giờ còn được một mình nữa rồi từ khi tôi bỏ tuổi nhỏ lại phía sau, và bỏ lại gia đình của gã thợ săn. Tôi sẽ viết. Ðó là điều tôi nhìn thấy vượt lên trên khoảnh khắc hiện tại, trong cõi sa mạc mênh mông có chứa đựng những hình dáng cuộc đời tôi đang vươn ra trước mắt.

 Tôi quên những chữ trong bức điện tín gửi từ Sài gòn. Quên không nhớ là nó nói anh kế tôi đã chết hay là nói, Ðã được gọi về với Chúa. Hình như tôi nhớ là, Ðã được gọi về với Chúa. Ngay lập tức tôi nhận ra, chắc bà đã không thể gởi bức điện. Người anh kế tôi. Ðã chết. Thoạt tiên điều đó không thể hiểu nổi, rồi bất chợt, từ mọi phương hướng, từ những chỗ tận cùng của trái đất, nỗi đớn đau tràn đến. Nó chôn vùi tôi, cuốn trôi tôi đi, tôi đã không biết gì nữa, tôi đã ngưng hiện hữu, chỉ còn lại sự đau đớn, đau đớn gì, tôi không biết nỗi đau đớn nào, chẳng biết đó là nỗi đau đớn vì đã mất đi một đứa con vài tháng trước quay trở lại, hay là một sự đau đớn mới mẽ. Bây giờ tôi nghĩ đó là một sự đau đớn mới, tôi không bao giờ biết đứa con đã chết lúc mới sinh của mình và lúc ấy tôi đã không muốn tự tử chết như tôi muốn bây giờ.

 Ðó là một lỗi lầm, và sự sai nhầm thoáng qua đã tràn ngập vũ trụ. Sự tổn thương đó nằm ở mức độ của Thượng đế. Người anh kế tôi không bao giờ chết và người ta đã không nhận ra điều đó. Sự bất tử đã được giấu giếm trong thân xác của anh tôi khi anh còn sống, và chúng tôi đã không nhận ra rằng nó ngụ ở đó. Bây giờ cái thân xác của anh tôi đã chết, và sự bất tử ở với nó cũng đã chết theo. Và thế giới vẫn tiếp tục không có cái thân xác đã được thăm viếng đó, vẫn tồn tại mà không có sự viếng thăm của nó. Ðó là một lầm lỗi hoàn toàn. Và sự lầm lỗi, sự tổn thương, tràn ngập vũ trụ.

 

Chương 15

Từ khi anh kế của tôi chết, mọi thứ đều chết theo anh. Và qua anh. Cái Chết, một phản ứng dây chuyền của cái chết, đã khởi đầu với anh, đứa bé. Xác chết của đứa bé không bị ảnh hưởng, chính nó không bị ảnh hưởng, bởi những biến cố mà nó là nguyên nhân. Nó không biết tên của sự bất tử mà nó đã nuôi dưỡng trong hai mươi bảy năm của cuộc đời nó.

 Không ai nhìn thấy rõ ràng trừ tôi. Và bởi vì tôi thâu đạt được sự hiểu biết đó, sự hiểu biết đơn giản rằng cái thân xác của người anh kế tôi cũng là thân xác của tôi, tôi phải chết. Và tôi đã chết. Người anh kế tôi đã thu góp tôi về với anh, đã lôi kéo tôi về với anh, và tôi đã chết.

 Nên nói cho người ta biết về điều đó. Nên nói cho người ta biết rằng tính chất bất tử cũng có thể chết đi được, nó có thể chết, nó đã từng xảy ra trước đây và nó vẫn còn xảy ra. Nó chưa bao giờ tự mình loan báo như thế - nó có tính nhị nguyên nơi chính nó. Nó không hiện hữu trong chi tiết, nó chỉ hiện hữu trên nguyên tắc mà thôi. Một vài người nào đó có thể nuôi dưỡng nó, với điều kiện là họ không biết là họ đang làm gì. Cũng giống như một vài người nào đó có thể phát giác ra sự hiện hữu của nó trong họ, với cùng một điều kiện, là họ không biết là họ có thể làm như vậy. Chính ở trong khoảnh khắc nó được sống mà đời sống có tính chất bất tử, ngay chính trong lúc nó còn sống. Tính chất bất tử không phải là vấn đề thời gian nhiều hay ít, nó không thực sự là một câu hỏi về sự bất tử mà là về những điều gì khác còn ở ngoài sự hiểu biết của con người. Nói rằng nó không có khởi đầu hay kết thúc hoặc nói rằng nó khởi đầu và kết thúc cùng với đời sống của linh hồn đều là không xác thực, bởi vì nó cùng tham dự vào cả linh hồn và vào cả cuộc theo đuổi hư vô. Hãy nhìn những vùng đất chết ở sa mạc, hãy nhìn những xác chết của trẻ con: không có con đường cho sự bất tử ở đó, nó phải dừng lại và tìm kiếm một con đường khác.

 Trong trường hợp của người anh kế tôi, đó là sự bất tử không một chút tì vết, không một lời dẫn giải, bằng phẳng, thuần túy, độc nhất. Người anh kế tôi không có gì để la hét trong sa mạc, anh không có gì để nói, ở nơi đây hay ở bất cứ nơi đâu, không có gì cả. Anh không được dạy dỗ, anh không bao giờ thu xếp để học hành điều gì cả. Anh không thể nói, có thể đọc rất ít, viết rất ít, thậm chí đôi khi người ta có thể nghĩ rằng anh không thể chịu đựng đau khổ nữa. Anh là một người không hiểu biết và sợ hãi.

 Cái tình yêu man dại mà tôi cảm thấy với anh mãi còn là một sự bí ẩn không cùng đối với tôi. Tôi không biết tại sao tôi yêu thương anh nhiều đến thế, nhiều đến nỗi tôi muốn chết đi vì cái chết của anh. Tôi đã bị chia lìa với anh suốt mười năm khi chuyện đó xảy ra, và ít khi nào tôi nghĩ đến anh. Dường như tôi thương yêu anh mãi mãi, và không có điều gì mới có thể xảy ra cho tình yêu đó. Tôi đã quên đi cái chết.

Chương kết

 Chúng tôi không nói chuyện với nhau nhiều, chúng tôi rất ít khi nói chuyện về người anh cả của chúng tôi, hoặc về sự bất hạnh của chúng tôi, về sự bất hạnh của mẹ chúng tôi, về sự rủi ro của khu đất ở đồng bằng. Thay vào đó, chúng tôi trò chuyện với nhau về săn bắn, súng ống, máy móc, xe hơi. Anh rất hăng say nói về chiếc xe hơi cũ rã rệu của chúng tôi và nói cho tôi nghe, mô tả, những chiếc xe mà anh sẽ có trong tương lai. Tôi biết tất cả các hiệu súng săn và tất cả các nhãn xe hơi. Chúng tôi cũng nói, dĩ nhiên, về việc bị cọp vồ nếu chúng tôi không cẩn thận, hoặc bị chết đuối ngoài sông nếu chúng tôi đi tắm ngay chỗ dòng nước cuốn. Anh lớn hơn tôi hai tuổi.

 Gió đã ngừng thổi, và dưới những cành cây có một thứ ánh sáng siêu nhiên theo sau cơn mưa. Vài con chim đang cao giọng kêu chói tai, những con chim điên khùng. Khi chúng đang mài nhọn mỏ trên đó, bầu khí lạnh rung lên với tiếng ồn ào làm điếc cả tai.

 Những chuyến tàu chạy đường biển thường đi ngược sông Sài gòn, tắt máy, được những chiếc tàu kéo kéo đi về những bến cảng tại chỗ thắt nút của sông Cửu Long nơi có cùng một vùng khí hậu ấm áp như thành phố Sài gòn. Chỗ thắt nút hoặc cái nhánh của sông Cửu Long này được gọi là Sông, Sông Sài gòn. Những chuyến tàu biển dừng ở đó cả tuần. Ngay khi họ vừa bỏ neo, người ta đã ở Pháp rồi. Người ta có thể ăn cơm tối ở Pháp và khiêu vũ ở đó, nhưng chuyện đó quá tốn kém đối với mẹ tôi, và dù sao đối với bà đó không phải là điểm chính. Nhưng đối với chàng, người tình ở Chợ Lớn, chắc là người ta có thể đi được. Nhưng chàng đã không đi vì chàng sợ bị nhìn thấy với cô gái nhỏ da tráng, quá trẻ. Chàng không nói, nhưng nàng hiểu. Trong những ngày tháng đó, và cách đây cũng không lâu lắm, chưa đầy năm mươi năm, chỉ có những chiếc tàu biển mới có thể đi đến khắp nơi trên trái đất. Những phần rộng lớn của tất cả các lục địa vẫn chưa có đường xá hoặc đường xe lửa. Hàng trăm, hàng ngàn cây số vuông vẫn chưa có gì ngoài những con đường mòn nhỏ thời tiền sử. Chính là những con tàu thanh lịch của công ty Messageries Maritimes, những chàng ngự lâm quân của ngành tàu biển, những chiếc Porthos, D'Artagnan, và Aramis, đã nối liền Ðông Dương với nước Pháp.

 Cuộc hành trình kéo dài hai mươi bốn ngày. Những chuyến tàu chở hành khách giống như những thành phố, với những đường phố, những tiệm rượu, những quán cà phê, những thư viện, những phòng khách, những cuộc hội họp, những tình nhân, những lễ cưới, những cái chết. Những xã hội tình cờ thành hình, ngẫu nhiên như ai cũng biết và không thể quên, nhưng chính vì cái lý do đó mà chúng có thể sống được, và đôi khi thú vị không thể nào quên. Ðó là những cuộc hành trình duy nhất mà phụ nữ từng thực hiện được. Và đối với nhiều người trong bọn họ, cũng như đối với một số đàn ông, chuyến đi đến vùng thuộc địa mới là cuộc mạo hiểm thực sự trong toàn bộ những chuyến đi. Về phần mẹ chúng tôi, những chuyến du hành đó, cùng với tuổi thơ của chúng tôi, luôn luôn là điều mà bà gọi là "những ngày hạnh phúc nhất trong đời bà."

 Những cuộc khởi hành. Chúng luôn luôn giống như nhau. Luôn luôn là những cuộc khởi hành đầu tiên trên biển cả. Người ta luôn luôn rời bỏ đất liền trong cùng một nỗi buồn phiền và tuyệt vọng, nhưng điều đó cũng không bao giờ khiến cho con người ngừng lại không đi nữa, những người Do Thái, những triết gia, và những kẻ du hành đi chỉ để mà đi. Và điều đó cũng chưa từng ngăn phụ nữ đừng để cho bọn đàn ông đi, những phụ nữ không bao giờ tự mình đi, những người ở lại phía sau để chăm lo nơi sinh đẻ, dòng giống, tài sản, lý do cho cuộc trở về. Hàng nhiều thế kỷ nay, với những con tàu, những cuộc hành trình kéo dài hơn và bi thảm hơn những chuyến đi ngày nay. Một cuộc hành trình phải mất một thời gian dài để vượt qua một khoảng cách nào đó. Người ta đã quen với những tốc độ con người chậm chạp đó trên cả đất liền và mặt biển, đã quen với những sự chậm trễ đó, những sự chờ đợi cho đến lúc có gió và thời tiết tốt đẹp đó, đã quen với những khả năng có thể đắm tàu, với mặt trời, và cái chết. Những chuyến tàu chở hành khách mà cô gái nhỏ da trắng biết thuộc về những chuyến tàu chở thư cuối cùng trên thế giới. Chính trong lúc ấy, khi cô còn trẻ, mà những đường hàng không đầu tiên đã được lập ra, và dần dần đã lấy mất đi những chuyến hành trình vượt qua biển cả của con người.

 Chúng tôi vẫn đi đến căn phòng ở Chợ Lớn mỗi ngày. Chàng vẫn đối xử như thường lệ, có một lúc chàng vẫn đối xử như thường lệ, tắm cho tôi với nước trong lu, bồng tôi đến giường. Chàng đến bên tôi, cũng nằm xuống, nhưng vào lúc ấy chàng không còn sức lực nữa, không còn khả năng nữa. Một khi ngày ra đi của tôi đã được đinh, dù rằng ngày ấy vẫn còn xa, chàng không còn có thể làm gì được với thân thể của tôi nữa. Ðiều đó xảy ra thật đột ngột, đến chàng cũng không nhận ra. Thân thể chàng không còn muốn làm gì nữa với cái thân thể sắp sửa rời xa, sắp sửa phản bội. Chàng nói, anh không thể làm tình với em được nửa, anh đã nghĩ rằng anh vẫn có thể, nhưng anh không thể làm được. Chàng nói chàng đã chết. Chàng mỉm cười dịu dàng, xin lỗi, nói rằng có lẽ chuyện đó sẽ không bao giờ trở lại. Tôi hỏi chàng có phải đó là điều chàng mong muốn không. Chàng nói, gần như mỉm cười, anh không biết, vào lúc này có lẽ đúng. Tính hòa nhã của chàng không bị ảnh hưởng bởi sự đau khổ. Chà ng không nói về nỗi đau khổ, không bao giờ nói một lời nào về điều ấy. Ðôi khi khuôn mặt chàng run rẩy, chàng nhắm mắt và nghiến chặt răng. Nhưng không bao giờ chàng nói một điều gì về những hình ảnh chàng nhìn thấy sau đôi mắt nhắm lại của chàng. Dường như là chàng yêu thương sự đau khổ,yêu thương nó như chàng đã yêu thương tôi, một cách dữ dội, có lẽ hướng về cái chết, và dường như bây giờ chàng còn yêu thương nó hơn tôi. Ðôi khi chàng nói chàng thích vuốt ve tôi bởi vì chàng biết tôi mong mỏi điều đó, và chàng thích nhìn ngắm tôi khi sự khoái cảm tràn đến. Vì thế chàng vuốt ve tôi, và cùng lúc chàng nhìn tôi, và chàng gọi tôi là đứa con nhỏ của chàng. Chúng tôi quyết định không nhìn nhau nữa, nhưng điều đó không thể, điều đó hóa ra là bất khả. Mỗi tối chàng ở đó bên ngoài trường trung học trong chiếc xe đen của chàng, khuôn mặt chàng ngoảnh đi vì hổ thẹn.

 Khi đã đến lúc nhổ neo, con tàu ném ra ba hồi còi, rất dài và ồn ào kinh khủng, khắp cả tỉnh đều nghe thấy, và bên trên bến tàu bầu trời trở nên đen kịt. Rồi những tàu kéo đến nơi, kéo con tàu ra giữa sông, sau đó chúng buông tháo những dây cáp ra và trở lại bến. Rồi con tàu lại chào tạm biệt, một lần nữa nó lại ném ra tiếng than van buồn bã bí ẩn khủng khiếp làm cho mọi người rơi lệ, không chỉ những người đang từ biệt nhau mà cả những người bàng quang nữa, rồi cả những người có mặt ở đó không vì một lý do nào đặc biệt, những người không có một hình bóng riêng biệt nào trong trí. Rồi, thật chậm chạp, dưới chính hơi khói của nó, con tàu bắt đầu lao vào cuộc hành trình trên sông. Trong suốt một hồi lâu người ta có thể nhìn thấy cái hình dáng cao lớn của nó đang hướng về phía biển. Nhiều người vẫn ở lại để nhìn, vẫy tay càng lúc càng chậm rãi, càng lúc càng buồn bã, với những chiếc khăn quàng và những chiếc khăn tay. Sau cùng, hình dáng của con tàu bị nuốt mất đi nơi chỗ cong của trái đất. Vào một ngày quang đãng, người ta có thể nhìn thấy nó bị chìm xuống chầm chậm.

 Ðối với nàng cũng vậy, lúc con tàu ném ra lời tạm biệt đầu tiên của nó, lúc cầu tàu được kéo lên và những chiếc tàu kéo bắt đầu kéo và đưa con tàu ra khỏi bờ đất liền, thì nàng bật khóc. Nàng khóc mà không để cho bất cứ ai nhìn thấy nước mắt nàng, vì chàng là người Tàu và người ta không nên khóc cho loại người tình đó. Khóc mà không để cho mẹ nàng và người anh kế của nàng nhìn thấy nàng đang buồn, không để cho họ nhìn thấy gì hết, là thói quen giữa họ với nhau. Chiếc xe to lớn của chàng ở đó, dài và đen với người tài xế mặc chế phục trắng đàng trước. Chỗ đó chỉ cách chỗ đậu xe của hãng tàu thủy Messageries Martimes một con đường nhỏ, riêng biệt. Ðó là điều mà nàng đã nhận ra. Ðó chính là chàng ở phía sau, chỉ đủ trông thấy hình dáng, bất động, kiệt sức. Nàng tựa người vào lan can tàu, giống như lần đầu tiên, trên phà. Nàng biết chàng đang nhìn nàng, Nàng cũng đang nhìn chàng, nàng không thể nhìn thấy chàng nữa nhưng nàng vẫn nhìn về phía cái hình dáng của chiếc xe đen. Rồi sau cùng thì nàng không thể nhìn thấy nó nữa. Bến cảng nhòa đi, rồi đến đất liền.

 Ở đó là biển Nam Hải, Hồng Hải, và Ấn Ðộ Dương, Kinh Suez, vào buổi sáng khi người ta thức giấc và nhờ vào sự vắng mặt của sự chuyển động mà người ta nhận biết mình đang đi vào vùng đất cát. Nhưng trước tiên là đại dương. Ðại dương xa xôi nhất, mênh mông nhất, vươn xa đến tận Nam Cực. Nó là khoảng cách xa nhất giữa những vùng đất liền, giữa Tích Lan và Somalia. Ðôi khi nó rất tĩnh lặng, và thời tiết tốt và êm dịu cho đến đỗi vượt qua nó giống như một cuộc hành trình vượt qua một thứ gì khác hơn là biển cả. Rồi trọn cả con tàu mở ra, những phòng tiếp tân, những cầu tàu, những khoang cửa sổ, và những hành khách trốn chạy khỏi những khoang tàu ngột ngạt và ngủ trên boong tàu.

 Có một lần, giữa chuyến đi vượt ngang đại dương, lúc đã khuya lắm rồi, có một người nào đó chết. Nàng không thể nhớ rõ là chuyện đó đã xảy ra trên cuộc hành trình đó hay trong chuyến đi nào khác. Một vài người đang chơi bài nơi quầy rượu hạng nhất, và trong đám người đó là một gã thanh niên, đến một lúc nào đó, không nói gì cả, gã buông bài xuống, rời quầy rượu, chạy băng qua boong tàu, và ném người xuống biển. Ðến lúc con tàu dừng lại được - nó đang đi hết tốc lực - người ta không thể tìm thấy xác nạn nhân nữa.

 Không, đến lúc này, khi nàng viết chuyện đó xuống nàng không nhìn thấy con tàu, nhưng nhìn thấy một chỗ nào khác, nơi mà người ta đã kể cho nàng nghe. Nơi đó ở Sa Ðéc. Ðó là con trai của một viên chức ở Sa Ðéc. Nàng biết anh ta, anh ta cũng học trung học ở Sài gòn nữa. Nàng nhớ lại anh ta, da ngâm đen, cao ráo, với một gương mặt thật hòa nhã và cặp kính gọng bằng sừng. Người ta không tìm thấy gì cả trong buồng anh trên tàu, không một bức thư vĩnh biệt. Tuổi tác của chàng vẫn ở lại mãi trong ký ức của nàng, làm nàng khiếp sợ, vẫn như vậy, mười bảy. Con tàu lại tiếp tục đi lúc trời sáng. Ðó là chuyện thê thảm nhất. Mặt trời lên, mặt biển trống không, và cái quyết định bỏ rơi việc tìm kiếm. Sự chia lìa.

 Rồi vào một lúc khác, trên cùng hải trình đó, trong chuyến vượt ngang cùng một đại dương, đêm đã bắt đầu như mọi khi, và trong phòng tiếp tân nơi boong tàu chính, có một thứ âm thanh đột ngột vang lên, một bài luân vũ của Chopin mà nàng đã biết một cách thầm kín, riêng tư, vì nàng đã cố gắng để học nó trong suốt nhiều tháng, mặc dù nàng không bao giờ có thể sắp xếp để chơi nó một cách đúng đắn, không bao giờ, và đó cũng là lý do tại sao mẹ nàng đã đồng ý để nàng bỏ chơi đàn dương cầm. Giữa tất cả những đêm này đêm kia chập chùng qua mất đó, cô gái đã trải qua đêm đó trên tàu, điều đó là điều nàng nhớ chắc chắn, và nàng đã có mặt ở đó khi chuỗi nhạc Chopin vang lên dưới một bầu trời được thắp sáng bởi những vì sao rực rỡ. Không một hơi gió và âm nhạc lan đi khắp mọi nơi trên con tàu mờ tối, như một lệnh truyền không biết được ý nghĩa từ trên trời, như một sự ra lệnh của Thượng đế mà ý nghĩa của nó không thể hiểu thấu. Và cô gái, đứng lên như đến lượt nàng để đi và tự tử, như đến lượt nàng tự ném mình vào biển cả, và sau đó nàng khóc vì nàng nghĩ đến người đàn ông ở Chợ Lớn và bất chợt nàng không chắc chắn rằng nàng đã không yêu chàng với một tình yêu nàng không nhìn thấy, bởi vì tình yêu đó đã đánh mất chính nó trong cuộc tình như nước trong cát và chỉ vào lúc này đây nàng mới tái khám phá ra điều đó, qua cái khoảnh khắc này của âm nhạc đang lan truyền qua biển cả.

 Giống như sau này nàng đã nhìn thấy tính chất vĩnh hằng của người anh kế nàng, qua cái chết.

 Chung quanh nàng, người ta nằm ngủ, một cách bình yên, được bao bọc nhưng không bị đánh thức bởi âm nhạc. Người con gái nghĩ rằng nàng vừa nhìn thấy một đêm yên tĩnh nhất, chưa từng có trên Ấn Ðộ Dương. Nàng nghĩ cũng chính vào đêm đó mà nàng đã nhìn thấy người anh kế lên boong tàu với một người phụ nữ. Anh tựa vào lan can, bà ta vòng tay ôm chàng, và họ hôn nhau. Cô gái đã nấp mình để có thể nhìn thấy rõ hơn. Nàng nhận ra người đàn bà. Ðã từ lâu rồi, với người anh kế của nàng, hai người vẫn luôn luôn đi với nhau. Nàng là một người đàn bà đã có chồng, nhưng đó là một đôi lứa đã nguội lạnh, và người chồng làm ra vẻ không thèm để ý đến chuyện gì cả. Trong vài ngày cuối cùng của cuộc hành trình, người anh kế và người đàn bà ở suốt ngày trong phòng ngủ trên tàu của họ, họ chỉ đi ra ngoài vào ban đêm. Trong cùng những ngày đó người anh kế nhìn mẹ và em gái anh như thể anh không hề biết họ. Bà mẹ trở nên quyết liệt, lầm lì, ghen tức. Còn nàng, cô em gái, nàng khóc. Nàng hạnh phúc, nàng nghĩ vậy, và cùng lúc nàng sợ hãi cho những gì có thể xảy đến cho người anh kế của nàng sau đó. Nàng nghĩ chắc anh sẽ rời xa họ và bỏ đi với người đàn bà, nhưng không, anh đã trở lại với họ khi họ đến Pháp.

 Nàng không biết là sau khi cô gái nhỏ da trắng ra đi được bao lâu thì chàng vâng lệnh cha, làm theo lời dạy bảo, cưới cô gái mà gia đình đã chọn lựa từ mười năm nay, một cô gái, giống như những cô gái khác, ướt sủng vàng, kim cương, cẩm thạch. Cô ta cũng là một người Tàu từ phía bắc, từ tỉnh Phúc Kiến, và đã cùng thân nhân đến nơi đây.

 Chắc hẳn phải mất một thời gian dài trước khi chàng có thể chung sống với cô ta, có thể trao cho cô ta người thừa tự những của cải của họ. Kỷ niệm về cô gái nhỏ da trắng chắc hẳn phải còn đó, nằm ngay đó, tấm thân thể, ngang trên giường. Suốt một thời gian dài, chắc hẳn nàng vẫn còn là vị nữ hoàng cho những ham muốn của chàng, sự nối liền riêng tư của chàng với nỗi xúc động, với sự mênh mông của dịu dàng, của bóng tối và những sự sâu thẳm ghê gớm của xác thịt. Rồi cái ngày đó chắc hẳn phải đến khi nó có thể. Cái ngày mà lòng khao khát về cô gái nhỏ da trắng trở nên mạnh mẽ không thể chịu đựng, đến nổi chàng có thể tìm kiếm lại trọn vẹn hình ảnh nàng một lần nữa như trong một cơn sốt mê man và dữ dội, và chàng có thể thâm nhập vào người đàn bà khác với sự ham muốn về nàng, đứa con nhỏ da trắng. Bằng sự lừa dối, chắc hẳn là chàng thấy chính mình bên trong một người đàn bà khác, bằng sự lừa dối miễn là đáp ứng điều mà gia đình hai họ, mà Trời, và những tổ tiên miền bắc trông chờ ở chàng, đó là một đứa con kế thừa danh tính họ.

 Có lẽ cô ta cũng biết về cô gái nhỏ da trắng. Cô có những người hầu bản xứ ở Sa Ðéc biết về chuyện tình của họ và chắc là họ phải kể cho cô nghe. Không thể nào cô ta không biết đến sự buồn rầu của chàng. Chắc là cả hai cũng cùng một tuổi, mười sáu. Ðêm đó, cô có nhìn thấy chồng mình khóc? Và, nhìn thấy như thế, cô có an ủi chồng không? Một cô gái mười sáu tuổi, một vị hôn thê người Tàu của thập niên ba mươi, cô có thể nào đưa ra sự an ủi thích hợp nào cho một nỗi buồn phiền về ngoại tình mà cô là người bị thương tổn không? Ai biết được? Có lẽ là nàng sai lầm, có lẽ cô gái kia sẽ khóc lóc với chàng, và không nói gì suốt đêm còn lại. Và rồi có thể là tình yêu sẽ đến sau đó, đến sau những dòng nước mắt.

 Nhưng nàng, cô gái da trắng, nàng không bao giờ biết chút gì về tất cả những điều này.

 Nhiều năm sau chiến tranh, sau những cuộc hôn nhân, những đứa con, những cuộc ly dị, những sách vở, chàng đến Paris với vợ chàng. Chàng gọi điện thoại cho nàng. Anh đây. Nàng nhận ra chàng ngay lập tức qua giọng nói. Chàng nói, Anh chỉ muốn nghe giọng nói của em. Nàng nói, Chào anh, em đây. Chàng bị khích động, sợ hãi, như trước kia. Giọng nói chàng chợt run rẩy. Và cùng với sự run rẩy, đột ngột, nàng nghe trở lại tiếng nói của nước Tàu. Chàng đã biết là nàng đã bắt đầu viết sách, chàng nghe chuyện đó qua mẹ nàng khi chàng gặp lại bà ở Sài gòn. Nghe tin về người anh kế của nàng, và chàng đau buồn cho nàng. Và chàng không biết phải nói gì nữa. Rồi chàng nói với nàng. Nói với nàng rằng cũng giống như trước kia, chàng vẫn yêu thương nàng, chàng không thể ngừng yêu thương nàng cho được, không bao giờ chàng có thể ngừng yêu thương nàng, chàng yêu thương nàng cho đến chết.

Neauphle-le-Château, Paris

Tháng hai - tháng năm, 1984

Truyện khác