Chuyên mục sách Sách Hướng Dẫn Cử Hành Thánh Lễ

Thứ Hai, 31 Tháng Mười Hai, 2018

Chương 2 & Chương 3 : Thánh Lễ Theo Nghi Thức Của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI...

Chương 2 : Thánh Lễ Theo Nghi Thức Của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI

Thánh lễ chúng ta cử hành ngày hôm nay thường được gọi “Thánh lễ theo nghi thức của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI”. Ngày 3 tháng 4 năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ký “Tông hiến công bố sách lễ Rôma đã được sửa đổi theo sắc lệnh Công đồng chung Vaticanô II”. Tài liệu này dẫn nhập một án lệnh mới về thánh lễ cũng được kèm theo một “Quy chế tổng quát sách lễ Rôma” quan trọng. Sách lễ Rôma được phát hành vào năm 1970, và được sửa đổi lại vào năm 1975. Khác với sách lễ trước đó đến từ thời Công đồng Trentô, sách lễ Rôma không có những bài đọc trích ra từ sách Thánh. Vì Sách Bài đọc cũng được phát hành cùng với sách lễ Rôma dưới hình thức hai cuốn sách. Tất cả những sách này được dịch ra tiếng địa phương, và sách lễ Rôma bản dịch Việt ngữ được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 10 tháng 05 năm 2005, và Giáo Hội Việt Nam thi hành từ lễ Chúa Phục Sinh ngày 16 tháng 04 năm 2006.

1. Tinh thần cuộc canh tân

“Quy Chế tổng quát sách lễ Rôma” (viết tắt Quy chế) mang một hình thức khác hẳn với “quy tắc chữ đỏ của sách Lễ năm 1570”. Trong Quy chế không còn là bản liệt kê những nghi thức, nhưng một dẫn nhập vào việc cử hành. Trong Quy chế giáo thuyết và mục vụ giữ vai trò ưu tiên và đưa ra ý nghĩa cho những đề mục. Theo ý nghĩa nguyên thủy tiếng Latinh của từ “Institutio”, Quy chế là một “lời chỉ dẫn” mang ưu tư sư phạm. Những quy luật được đưa ra đều được giải thích, quy chiếu về truyền thống, và để ý đến điểm mục vụ của Giáo hội. Một Giáo hội cho con người như một “bí tích” cứu rỗi do Đức Giêsu Kitô mang tới.

Lời mở đầu của Quy chế biểu lộ sự liên tục trong giáo thuyết Công giáo về thánh lễ, “chứng tích về một đức tin không thay đổi”, “công nhận truyền thống liên tục”. Quy chế nhắc lại bản chất hy tế của thánh lễ, mầu nhiệm sự hiện diện thực sự của Đức Chúa dưới những hình thức bánh và rượu, ý nghĩa chức tư tế thừa tác và chức tư tế vương giả của giáo dân. Quy chế gợi lại những từ trong quy tắc chữ đỏ sách lễ theo nghi thức của Đức Giáo Hoàng Piô V “quy tắc cổ xưa của các thánh giáo phụ” đã giúp để cập nhật hóa cho thế kỷ của chúng ta.

Tinh thần sách lễ Rôma mới được diễn đạt đặc biệt trong cái lo lắng liên tục và ưu tiên coi cộng đoàn như người chủ chốt đầu tiên trong cuộc cử hành thánh lễ. Thánh lễ bình thường và đúng nghĩa là một thánh lễ có sự hiện diện của anh chị em giáo dân. Từ điểm quy tắc đó sinh ra những thích nghi theo những hoàn cảnh đặc biệt như một thánh lễ được dâng mà không có người giáo dân tham gia. Đó là một trường hợp bất khả kháng. Quy chế cũng đưa đến cái nhìn mới như các sách phụng vụ không còn dành riêng cho các linh mục hay các thừa tác viên khác, và linh mục được kêu gọi phải để ý tới lợi ích thiêng liêng của các tín hữu hơn là ý riêng của mình. “Ngoài ra trong việc lựa chọn các phần thánh lễ, ngài nên nhớ cần phải thực hiện với sự nhất trí của các thừa tác viên và những người khác có giữ một phận vụ nào đó trong công việc cử hành, kể cả giáo dân, trong những gì trực tiếp liên quan đến họ” (số 313).

Chỗ đứng của cộng đoàn trong thánh lễ cũng quan trọng và không đối chọi lại với chức năng của các thừa tác viên. Như vậy mới nói lên được và kết thành dấu chỉ thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô. Vị chủ tế dù là Đức giám mục, linh mục có bổn phận “phục vụ Thiên Chúa và dân Chúa với phẩm cách và khiêm nhường”. Và “là người trong cộng đoàn tín hữu có quyền thánh chức để dâng hy lễ nhân danh Đức Kitô” (số 60) nên họ phải thi hành việc phục vụ đó. Những thừa tác viên riêng biệt khác cũng được nói tới theo nhu cầu của cộng đoàn. Có tất cả ba thừa tác viên được ưu tiên nhắm tới vì sự hiện diện của họ kết thành công thức thánh lễ bình thường: người đọc sách thường tình là một giáo dân (số 66); người xướng Thánh vịnh và người lo các phần việc trong cung thánh. Ngoài ra còn có những thừa tác vụ khác tùy theo hình thức cuộc cử hành cũng như con số người giáo dân tham dự (số 65; 68 và 69). Từ đó cho thấy một quan niệm về thừa tác vụ đặt trên nền tảng sự thật, chứ không như trước đó các linh mục phải giữ vai trò mặc áo phó tế, hay các chức vụ nhỏ khác… để lo cho việc cử hành thánh lễ. Quy chế số 59 nói rất rõ về thánh lễ do Đức Giám mục chủ trì: “điều này không nhằm làm tăng phần long trọng bề ngoài cho nghi lễ, nhưng nhằm làm sáng tỏ hơn mầu nhiệm Hội Thánh là bí tích hợp nhất”.

2. Từng phần của Thánh Lễ

2.1. Nghi thức nhập lễ

   a) Ca Nhập Lễ.

   b) Chào bàn thờ và cộng đoàn.

   c) Nghi thức sám hối.

   d) Kinh Vinh danh.

   e) Lời nguyện nhập lễ.

2.2. Phụng Vụ Lời Chúa

   a) Những bài đọc Kinh Thánh.

   b) Đáp ca hay bài hát xen giữa các bài đọc.

   c) Bài giảng.

   d) Tuyên xưng đức tin.

   e) Lời nguyện cho mọi người.

2.3. Phụng vụ Thánh Thể

   a) Chuẩn bị lễ phẩm.

   b) Kinh tạ ơn.

2.4. Nghi thức Hiệp lễ

   a) Kinh Lạy Cha.

   b) Nghi thức chúc bình an.

   c) Cử chỉ bẻ bánh.

   d) Rước lễ.

2.5. Nghi thức kết thúc

Kết luận

Sau khi Tông hiến công bố sách Lễ Rôma ra đời năm 1969, trong Giáo hội đã có một số phần tử lên tiếng chống đối và họ muốn trở lại nghi thức Thánh Lễ của Đức Giáo hoàng Piô V. Sự chống đối mạnh mẽ nhất đến từ Giám mục người Pháp Marcel Lefèvre, và đã đưa tới ly khai với Giáo hội. Hiện nay Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đang cố gắng đối thoại và đưa nhóm ly khai của Giám mục Lefèvre trở về với Giáo hội, bằng cách cho họ được quyền cử hành theo nghi thức đến từ Công đồng Trentô.

Ngoài ra, sau gần 50 năm được cử hành trong Giáo hội, sách lễ của Công đồng Vaticanô II cho thấy đó là một cuốn sách “sống động”; vì thế người ta thấy sách Lễ Rôma được phong phú hóa thêm với những Kinh Nguyện Thánh Thể mới. Ngày 30 tháng 4 năm 1988 cũng được chấp nhận “sách lễ Rôma cho các giáo phận của nước Zaire”.

 

Chương 3 : Tham Dự Cử Hành Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật

Trên đường đời cũng như trong cuộc sống đức tin, Thiên Chúa luôn luôn đi trước ta. Chính Người mời gọi và tụ họp chúng ta lại. Người chờ đợi tất cả mọi người trong đức tin Kitô giáo: “Nếu từ hồi đầu, các Kitô hữu vẫn cử hành Thánh Lễ dưới một hình thức không có thay đổi về bản thể qua bao thế kỷ và nơi các nền Phụng vụ khác nhau, thì chính là vì chúng ta biết mình bị ràng buộc bởi mệnh lệnh của Chúa đã ban, hôm trước ngày Ngài chịu nạn: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ Thầy” (1Cr 11,24-25).

Tại sao lấy ngày Chúa nhật?

Đức tin Kitô giáo loan truyền Đức Giêsu Kitô sống lại vào ngày thứ ba. Người đã hiện ra cho các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần (Ga 20,19-23), một ngày sau ngày Sabát (ngày thứ bảy) của người Do Thái, và là ngày “thứ tám” (Ga 20,26-29). Các môn đệ tiếp tục tụ họp nhau lại mỗi tuần lễ như người Do Thái vẫn thường làm, nhưng giờ đây các môn đệ tụ họp nhau vào ngày Chúa nhật chứ không phải ngày thứ bảy để tưởng nhớ Đức Giêsu Phục Sinh “các Kitô hữu không còn giữ ngày Sabát, nhưng ngày của Đức Chúa mà cuộc sống chúng ta được trỗi dậy nhờ Đức Kitô và nhờ qua cái chết của Người” (Thánh Inhaxiô thành Antiôkhia, thế kỷ thứ II công nguyên).

A. Ngày Sabát

Theo nguyên từ tiếng Hípri có nghĩa là nghỉ ngơi (St 2,2-3). Từ cổ xưa, đối với người Do Thái ngày thứ bảy trong tuần là một ngày đặc biệt được dành để hoàn thành những lề luật theo nghi lễ. Tới thời kỳ nước Do Thái thành một vương quốc (1000-931), có vài đoạn Kinh Thánh Cựu Ước ghi ngày Sabát được thực hành như sau:

- Ngày Sabát không được buôn bán (Am 8,5).

- Đi viếng thăm “người của Thiên Chúa” (2V 4,23).

Bước sang thời kỳ lưu đày (587-538), Sách Thứ Luật ghi ngày Sabát gợi lại sự giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập. Dân chúng vui mừng tìm lại tự do do bàn tay Thiên Chúa. Từ đây ngày Sabát là một trong những dấu chỉ đặc thù đức tin của người Do Thái. Ngày Sabát biến chuyển thành một ngày được thánh hoá (Xh 20,8-11; 31,13-17) và cần phải tránh làm mọi việc (Xh 23,12; 34,12). Ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng tuân giữ ngày Sabát như trong đoạn văn Sáng Thế về sự Sáng Tạo (St 2,1-3); trong ngày Sabát Thiên Chúa cũng không phân phát Manna cho dân Do Thái trên đường về Đất hứa (Xh 16,23-30). Sự nghỉ ngơi của Đấng Tạo Hoá được coi như lý do căn bản của luật ngày Sabát (Xh 20,8-10). Ngôn sứ Isaia chỉ trích lối tuân giữ ngày Sabát cho có lệ, trong thị kiến ông đã hạch tội những người đạo đức giả: “thôi đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương. Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày Sabát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác, rồi cứ lễ lạt linh đình” (1,13).

Sau thời lưu đày, khi có một số người Do Thái giữ ngày Sabát gắt gao hơn nữa thì cũng có một số khác không ngại cho những ngoại lệ (1Mcb 2,31-41; 2Mcb 15,2-4); nhưng dần dà Do Thái giáo càng tuân giữ nghiêm ngặt ngày Sabát và ngày này được đánh dấu bằng những buổi họp cầu nguyện (Lv 23,1-3).

Đến thời Chúa Giêsu, chính vì những sự chính xác tỉ mỉ của những lề luật trên đã gây những lý do tranh cãi chống đối giữa Đức Giêsu và nhóm Pharisêu. Đức Giêsu tuân giữ ngày Sabát và tham dự những buổi họp ở hội đường (Mt 6,2; Lc 4,16-31), nhưng Ngài chỉ trích người Pharisêu đặt quan trọng quá đáng vào ngày Sabát. Họ cấm ngay cả những việc làm bác ái trong ngày Sabát như việc lên án Chúa Giêsu chữa bệnh. Ngài đã phải lên tiếng: “ngày Sabát được lập ra vì loài người chứ không phải loài người được dựng nên vì ngày Sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabát” (Mc 2,27-28).

Giáo Hội tiên khởi cũng dần dần vượt khỏi cách giữ ngày Sabát của người Do Thái. Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Côlôsê đã khuyến cáo: “Vậy đừng ai xét đoán anh em về chuyện đồ ăn, thức uống, hay về mục ngày lễ, ngày đầu tháng, ngày Sabát: tất cả những cái đó chỉ là hình bóng những điều sắp tới, nhưng thực tại là thân thể Đức Kitô” (2,16-17). Đối với tín hữu Galát muốn quay về những lề thói yếu hèn và không giá trị, Thánh Phaolô viết: “nay anh em đã biết Thiên Chúa, hay đúng hơn được Thiên Chúa biết đến, làm sao anh em còn trở lại những yếu tố bất lực và nghèo nàn ấy, còn muốn làm nô lệ chúng một lần nữa? Anh em cẩn thận giữ ngày, giữ tháng, giữ mùa, giữ năm! Anh em làm tôi sợ rằng tôi đã vất vả uổng công vì anh em” (Gl 4,9-11).

Tóm lại, các môn đệ cũng như Giáo đoàn tiên khởi đã nhìn thấy ngày hôm sau của ngày Sabát là ngày của một sáng tạo mới và họ gọi ngày đó là ngày của Chúa (Kh 1,10).

B. Ngày Chúa Nhật

Các sách Tin Mừng đều gọi ngày Chúa nhật là ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa Giêsu Phục Sinh: “Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ” (Mc 16,2). “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ” (Mc 16,9). “Sau ngày Sabát, khi mới lên đèn, bước sang ngày Thứ Nhất trong tuần, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria đi viếng mộ” (Mt 28,1-7). “Ngày thứ nhất trong tuần, trời vừa tảng sáng, nhóm phụ nữ đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn” (Lc 24,1). Tin Mừng theo thánh Gioan khẳng định những lần Chúa Giêsu hiện ra đúng vào ngày thứ nhất trong tuần (Ga 20,19.26) “Vào chiều ngày hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi ở của các môn đệ đều đóng cửa chặt chẽ vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa họ và nói: Chúc anh em được bình an!...”. Thánh Luca còn ghi thêm Chúa Giêsu hiện ra trò chuyện cùng hai môn đệ trên đường Emmau ngay ngày Người Phục Sinh (Lc 24,13). Ngoài ra những đoạn Tin Mừng về sự hiện ra cũng thường ghi sự kiện Chúa Giêsu chia sẻ bữa ăn với các môn đệ. Với hai môn đệ trên đường Emmau, Ngài cầm lấy bánh, đọc lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ (Lc 24,30), và họ nhận ra khi Ngài bẻ bánh (Lc 24,35). Chúa Giêsu còn hiện ra lúc các tông đồ đang hội họp và ăn cá nướng trước mặt các ông (Lc 24,42-43). Tất cả đều xảy ra ở ngày thứ nhất trong tuần.

Lúc ban đầu, chắc chắn các Kitô hữu tại Palestine vẫn tiếp tục giữ ngày Sabát như người Do Thái. Ngoài ngày hưu lễ ra, họ cảm nhận nhu cầu tưởng niệm biến cố Phục Sinh và họp để bẻ bánh (fractio panis). Nghi thức này rất có thể làm ngay chiều ngày thứ bảy hoặc rạng đông ngày hôm sau. Ngày thứ nhất trong tuần tức là ngày kế tiếp của ngày Sabát nhanh chóng trở thành ngày ưu đãi của người Kitô hữu. Họ gọi đó là ngày của Chúa (Kuriakè hèmena). Sách Tân Ước có ba đoạn văn ghi những dấu tích đầu tiên về sự chọn lựa ngày Chúa nhật như ngày đặc huệ của người Kitô hữu:

 Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô vào khoảng năm 55, thánh Phaolô ấn định một ngày cho việc lạc quyên giúp những người nghèo ở Giêrusalem. Công việc bác ái này phải làm trong ngày thứ nhất trong tuần: “Về việc quyên tiền giúp các người thuộc Dân Thánh, tôi đã truyền dạy cho các Hội Thánh ở Galát như thế nào, thì anh em cũng hãy thi hành như vậy, ấy là: ngày thứ nhất trong tuần, anh em mỗi người hãy trích riêng ra một nơi những gì đã may mắn dành dụm được, chớ đừng đợi khi tôi đến rồi mới quyên” (1Cr 16,1-2).

 Theo sách Công vụ Tông đồ, trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba, thánh Phaolô đến thành Troas. Thánh Luca cũng đến ở đây một tuần lễ: “ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau làm lễ bẻ bánh” (Cv 20,7.11).

 Sang đến đầu thế kỷ thứ II, tác giả sách Khải Huyền đã ghi trong thị kiến khai mào mạc khải. Ông thấy Chúa Kitô sống lại và quang vinh trong ngày của Chúa (Kuriakè hèmana). Tĩnh từ “Kuriakè” (của Chúa) cũng đã được Thánh Phaolô dùng một lần trong thư nhất gửi tín hữu Côrintô nói về bữa Tiệc Ly của Chúa với môn đệ: “Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa” (1Cr 11,20). Như vậy, ngày Chúa Nhật đã trở thành một ngày cố định, ngày Phụng Vụ (Bẻ Bánh), ngày giáo đoàn hội họp nhau lại để nghe giảng dạy, ngày làm việc bác ái trong các giáo đoàn sơ khởi.

Ngoài những chứng từ đến từ Tân Ước, chúng ta còn những chứng từ cổ khác nói về những buổi họp phụng tự hằng tuần của người Kitô hữu như sách Didachè: “khi anh em họp, ngày của Chúa, hãy bẻ bánh và tạ ơn, sau khi đã xưng tội lỗi” (14,1). Thánh Inhaxiô thành Antiôkhia (thế kỷ thứ II) cũng cho biết việc giữ ngày Chúa Nhật như đặc điểm của người Kitô hữu: Những người khi trước sống theo trật tự cũ, nay đã đạt tới niềm hy vọng mới bằng cách không giữ ngày Sabát nữa, nhưng là sống ngày Chúa Nhật, ngày mà đời sống chúng ta được trổ sinh Chúa Kitô chịu chết và Phục Sinh (Ad Magnésiens 9,1-2). Thánh giáo phụ Justin (khoảng năm 165) cũng còn ghi: “Tất cả chúng tôi họp trong ngày của Chúa, vì đó là ngày thứ nhất mà Thiên Chúa lấy vật chất từ tăm tối tạo dựng thế giới, và cũng cùng ngày đó, Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta đã Phục Sinh từ cõi chết” (1 Apol 67,6).

Ngoài những chứng từ đến từ những người trong Kitô giáo, đặc biệt còn có chứng cớ hùng hồn của vị quan ngoại giáo Pline le Jeune, tổng trấn xứ Bithinia, miền Tiểu Á. Ông này có nhiệm vụ điều tra về các hoạt động của người Công giáo gửi cho Hoàng đế Trajan: “Các người Kitô hữu đang bị giam đã quyết rằng: tất cả lầm lỗi của họ chỉ ở chỗ họ hội họp nhau vào ngày nhất định, trước lúc hừng đông để cùng nhau ca hát tôn vinh Chúa Kitô là Chúa” (thư của Pline le jeune gửi cho hoàng đế Trajan). Người giáo dân thời đó đã ý thức rõ bổn phận phải tham dự buổi họp Phụng Vụ trong ngày Chúa Nhật. Và việc tham dự đó có thể nguy hiểm tới tính mạng, nhưng họ bất chấp như chuyện 31 đàn ông và 18 đàn bà bị điệu ra Tổng trấn Carthage ngày 12 tháng 2 năm 304 về tội hội họp bất hợp pháp trong ngày Chúa Nhật. Linh mục Saturninus đã cung khai trước toà: “Bổn phận của chúng tôi là cử hành ngày của Chúa. Đó là luật lệ của chúng tôi”. Chủ nhà Emeritus, người đã vui lòng dùng nhà mình làm nơi hội họp, thú nhận: “Phải, anh em bị bắt ở đây đã cử hành ngày của Chúa trong ngôi nhà của tôi. Chúng tôi không thể sống mà không cử hành ngày của Chúa được”.

Tóm lại, ngày thứ nhất trong tuần chính là ngày Chúa nhật. Ngày này gợi hình ảnh Thiên Chúa sáng tạo ánh sáng ở ngày đầu tiên (St 1,3-5). Ngày đó ánh sáng đã chiến thắng tăm tối. Ngày thứ nhất trong tuần còn mang ý nghĩa ánh sáng Chúa Kitô đã thắng sự chết và khai mào một sự sáng tạo mới. Ngày Chúa nhật không phải là ngày Sabát của Do Thái giáo và được bắt nguồn từ mầu nhiệm Phục Sinh. Chúa nhật là ngày Hội Thánh mừng kính Chúa Phục Sinh. Như vậy nội dung và đối tượng của ngày Chúa nhật của Giáo hội Công giáo là mầu nhiệm Vượt Qua.

Đối với các Thánh giáo phụ, các ngài thích gọi Chúa nhật là ngày thứ Tám vì nó gợi lên hình ảnh thế giới vĩnh cửu, bữa tiệc nước trời mà Chúa Kitô hứa cho những ai sống trung thành với Chúa ở cõi trần mau qua này. Những hàng gợi ý trên cho thấy giá trị thần học ngày Chúa nhật và mong chúng ta ý thức hơn trong đời sống đức tin. Nếu ngày Sabát tưởng nhớ lại sự Sáng tạo, Lời giao ước thì ngày Chúa nhật không những bao gồm những giá trị của ngày Sabát, lại còn mang ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là ngày tưởng niệm ơn Cứu chuộc, báo trước ngày trở lại vinh quang của Chúa Giêsu.

Nói chung, trong thời đế quốc La Mã, “ngày mặt trời” trở thành “ngày của Chúa” (dies dominica) và trở thành ngày Chúa nhật của chúng ta. Khi hoàng đế Constantinô nhìn nhận Kitô giáo vào năm 313, ngày Chúa nhật trở nên ngày nghỉ ngơi trong toàn cõi đế quốc La Mã. Dần dà ngày Chúa nhật được đồng hóa với ngày Sabát của Do Thái giáo bằng cách áp dụng cho ngày Chúa nhật luật nghỉ ngơi được rút ra từ Thập giới (Xh 20,8-11).

Đến thế kỷ XX, Công đồng Vaticanô II dạy và nói rõ lại chiều kích Kitô giáo của ngày Chúa nhật: “Theo tông truyền bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Phục Sinh vào mỗi ngày thứ Tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay ngày Chúa Nhật. Thật vậy, trong ngày đó các Kitô hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, để kính nhớ cuộc Thương Khó, Sống Lại và Vinh quang của Chúa Kitô, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã dùng sự Phục Sinh của Chúa Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động. Vì vậy, ngày Chúa Nhật là ngày lễ Nguyên thủy, phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa Nhật, bởi vì ngày Chúa Nhật là trung tâm và nền tảng của cả năm Phụng Vụ” (Hiến chế Phụng Vụ 106).

Những khó khăn giữ Lễ ngày Chúa nhật?

Trước đây ngày Chúa nhật cũng không được hiểu rõ và vì thế nhiều người đã coi trọng lễ kính các Thánh còn quan trọng hơn ngày Chúa nhật. Ngày nay ngày Chúa nhật cũng bị tầm thường hóa quá mức trong xã hội tân tiến. Ngoài ra, vì việc kiếm kế sinh nhai, đã có một số đông anh chị em phải đi làm vào ngày Chúa nhật. Với một vài lý do nêu trên cũng đủ cho thấy cái khó khăn giữ việc tham dự cử hành Thánh lễ ngày Chúa nhật.

Thật vậy, chung chung chúng ta sống trong một thế giới không còn là một thế giới Kitô giáo, nhưng một thế giới bị tục hóa và không còn quy chiếu gì về đạo giáo nữa. Nhiều người ngày nay không còn hiểu ý nghĩa của ngày Chúa nhật do đức tin Kitô giáo giảng dạy nữa. Ngày Chúa bị tầm thường hóa, và được coi như ngày cuối của một “Week-end” (cuối tuần) sau một tuần lễ dài làm việc. Chúng ta đã đánh mất chiều kích “ngày lễ và niềm vui” của ngày Chúa nhật, “ngày thứ nhất trong tuần” theo truyền thống Kitô giáo.

Chúng ta có tốt hơn những người khác khi tham dự cử hành Thánh Lễ mỗi Chúa nhật hay Thánh Lễ trong tuần?

Câu hỏi này được nêu lên vì đã có nhiều tranh luận giữa một số người mang tính quá khích: một số người cho rằng việc tham dự Thánh lễ là quá đủ và tự coi như đã sống đạo đầy đủ; một số người khác lại cho việc họ không tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật cũng chẳng sao, và họ làm việc bác ái còn hơn những người “đi lễ” thường xuyên vào ngày Chúa nhật. Cả hai thái độ phán đoán cực đoan trên đều cho thấy sự thiếu hiểu biết cho ý nghĩa tham dự cử hành Thánh lễ Chúa nhật theo Kitô giáo.

Thật vậy, chúng ta không thể so sánh coi ai tốt hơn ai vì chỉ một mình Thiên Chúa mới thật sự biết được lòng thật của con người. Nếu như chúng ta tham dự thường xuyên Thánh lễ ngày Chúa nhật hay có cơ hội dự Thánh lễ trong ngày thường là điều quá tốt. Thánh lễ là suối nguồn sức mạnh thiêng liêng và là nơi ưu tiên để ta gặp gỡ Đức Kitô. Văn hào François Mauriac nói: “Những Thánh lễ trong tuần, tôi ngồi (tham dự) như gần một ngọn lửa chỉ thiêu đốt cho một mình tôi”.

Khi tham dự cử hành Thánh lễ, người tín hữu không quên mang lời cầu nguyện cho những anh chị em không làm được việc đó với nhiều lý do: những nơi không có linh mục đến dâng lễ, những anh chị em bị bách hại đạo, những người đau ốm… Sự hiệp thông thiêng liêng vô hình đó rất hiện thực vì Giáo hội là một Thân Thể. Sự kết hiệp trong lời nguyện và nhất là nơi Thánh lễ hủy bỏ mọi giới hạn không gian và thời gian.

Kết luận

Đức Kitô là linh mục tiêu biểu nhất. Tân Ước khẳng định Người là “Thượng tế mà chúng ta cần đến” (Dt 7,26), và Người là linh mục duy nhất. Toàn bộ thư gửi người Do Thái khẳng định và giải thích điều đó. Nhưng Đức Kitô muốn các môn đệ cử hành Thánh lễ để tưởng nhớ đến Người. Và từ đó đã có những người tiếp nối để cử hành Thánh lễ. Và tất cả cộng đoàn được kêu mời đến để cùng cử hành Thánh lễ vì cộng đoàn là Thân thể Đức Kitô. Mỗi phần tử cộng đoàn cử hành Thánh lễ theo vai trò của mình, vì khi chịu phép rửa mỗi anh chị em đều được ghi dấu bằng dầu thánh để luôn luôn là “tư tế, ngôn sứ và vương giả”. Mỗi tín hữu sống chiều kích tư tế vì phép rửa mình đã nhận. Họ được kêu gọi hy sinh mạng sống, thánh hóa thế giới với những hành động thường ngày và với kinh nguyện. Chức tư tế này vừa cá nhân nhưng cũng được đảm nhận một cách chung trong cộng đoàn tín hữu. Chức tư tế phép rửa là một yếu tố cơ bản trong việc canh tân thần học đến từ Công đồng Vaticanô II. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại vào năm 1984: “Phép rửa của anh chị em làm cho anh chị em… thành một “dân tộc tư tế”. Nhờ thẩm định đó, mỗi một người trong anh chị em được mời gọi tự mình nên của lễ rộng rãi, làm vừa lòng Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô. Chính anh em cho việc tham dự Thánh lễ của mình cùng một ý nghĩa mà Đức Kitô đã trao ban trong hy sinh của Người. Người không chết để biến đi, nhưng để sống lại, hầu cho sứ mệnh nhận từ Cha được hoàn thành với sức mạnh của Thánh Thần. Những chi thể của Người được kêu mời tự do theo Thánh thần…; con đường đức tin và hiệp nhất mở ra, những quy tắc nhân loại mới được loan truyền”.

Sách khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art