Thứ Năm, 23 Tháng Giêng, 2020

“Người thợ hồ” của Thiên Chúa

“Người thợ hồ” của Thiên Chúa

Ðược mệnh danh là “Mẹ Têrêsa” xứ Argentina, cha Pedro Opeka đã nỗ lực không mệt mỏi gần nửa thế kỷ qua để biến bãi rác khổng lồ trở thành nơi khởi nguồn của hy vọng.

Trong một thế giới bị giằng xé bởi xung đột, đầy rẫy những người bị buộc phải tha hương và ngày càng nhiều người rơi vào tầng lớp dưới đáy xã hội, chìm trong nghèo đói và tuyệt vọng, Madagascar - quốc gia nghèo thứ 8 trên thế giới - đang trải qua phép lạ thời hiện đại, khi hàng chục ngàn người được chuyển biến mạnh mẽ nhờ vào đức tin. Tất cả là nhờ vào nỗ lực không mệt mỏi của linh mục Pedro Opeka, 71 tuổi, người không ít lần xuất hiện trên danh sách đề cử giải Nobel Hòa bình.

17 tuổi, xây nhà cho thổ dân

Là anh cả trong gia đình 8 người con, cậu bé Pedro Opeka chào đời ở vùng ngoại ô Buenos Aires, thủ đô Argenina vào năm 1948. Cha mẹ cậu đã rời khỏi Slovenia đến định cư tại Argentina trước khi chào đón con đầu lòng. Luis, cha của Pedro, đã hun đúc cho con trai tình yêu Thiên Chúa, con người, sự tự do và lòng hăng say lao động. Vào năm 9 tuổi, Pedro được cha dẫn dắt tiếp xúc với công việc xây dựng. Đến năm 14 tuổi, cậu trở thành thợ hồ lành nghề và sau 3 năm đã có thể xây căn nhà đầu tiên cho người nghèo - những thổ dân Mapuche ở vùng núi Andes. Chàng thiếu niên không biết rằng, hành động ấy chỉ là khởi đầu cho sự nghiệp mà mình sẽ theo đuổi cả đời.

Nhiệt thành với Nhà Chúa, học giỏi và chơi bóng rất cừ, Pedro tự hỏi liệu có nên theo đuổi thể thao chuyên nghiệp hay trở thành một thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo? Con đường thứ hai đã được chọn, Pedro gia nhập tu hội Truyền giáo Thánh Vinhsơn. Năm 1968, ngài tới châu Âu, học triết học, thần học tại Slovenia và Pháp, kế đến là dành hai năm truyền giáo tại Madagascar. Ngài thụ phong linh mục tại Vương Cung Thánh Đường Luján (Argentina) vào ngày 25.9.1975 và quay lại Madagascar trong năm sau để phục vụ người dân tại đây. Ngài gắn bó với mảnh đất này trong hơn 4 thập niên: “Mục đích quan trọng nhất của chúng tôi là truyền giáo và giúp đỡ người nghèo”.

Theo thời gian, những thánh lễ của cha Pedro có đến hơn 10.000 người tham dự

Gần 15 năm đầu, vị linh mục trẻ chăm nom một cộng đoàn hẻo lánh thuộc vùng đông nam của đảo quốc, dạy dỗ và linh hướng cho những người dân ở đây. Cha Pedro thật sự sống hòa đồng với dân chúng, gặt lúa mưu sinh và chơi bóng đá, thậm chí còn là “ngôi sao” của đội nhà. Bằng cách đó, vị linh mục trở thành hình ảnh thân thuộc của mọi nhà. Năm 1989, cha Pedro (lúc này ở độ tuổi 40) được bề trên chọn làm Giám đốc Học viện của tu hội Truyền giáo Thánh Vinhsơn ở thủ đô Antananarivo. Đây cũng chính là nơi mà ngài cảm nhận rõ sự quan phòng của Thiên Chúa trong từng chặng đường của cuộc đời.

Từ những ngọn đồi rác

Cha hồi tưởng: “Ngày đến Antananarivo và thăm bãi rác khổng lồ của thành phố này, tôi không thể nào chợp mắt được trước cảnh tượng nghèo túng và cơ cực. Tôi thấy những ngọn đồi rác với hàng ngàn đứa trẻ nheo nhóc, chật vật tranh giành miếng ăn với thú hoang ở đây. Tôi chết lặng đi. Tôi tự nhủ với bản thân mình: đây không phải là nơi chỉ nói, mà phải hành động!”. Vị linh mục đã đi gặp các đứa trẻ và hứa với chúng: “Cùng nhau, chúng ta sẽ thoát khỏi cảnh nhếch nhác này!”. Ngay trước Giáng Sinh năm 1989, ngài thành lập hiệp hội Akamasoa (Những người bạn tốt).

Với sự giúp đỡ của một số thanh niên là giáo dân ở các giáo xứ mà ngài từng phục vụ, cha Pedro xây một ngôi nhà nhỏ bên rìa bãi rác cho đám trẻ. Ngôi nhà thứ hai lại mọc lên, rồi đến ngôi nhà thứ ba... Không lâu sau, một ngôi làng xuất hiện. Họ đặt tên cho nó là Manantenasoa, có nghĩa là “ngọn đồi của sự dũng cảm”. Với hy vọng có thể cải thiện chất lượng và sự bền vững của những ngôi nhà đơn sơ cũng như tạo thêm việc làm cho dân, cha Pedro tận dụng lợi thế từ mỏ đá và đá granite dồi dào ở địa phương. Nhóm của ngài nghiên cứu một số mỏ đá, trong khi vị linh mục bắt đầu dạy cho những người thất nghiệp ở Manantenasoa cách xây tường, sát cánh cùng họ trong cả quá trình. Xây dựng là nghề “gia truyền” của cha nên ngài rất giỏi. Từng ngôi nhà đẹp đẽ, sáng sủa bắt đầu mọc lên trên sườn đồi.

Mỗi năm, từ 55.000 đến 60.000 người được cha Pedro hỗ trợ

Kế đến, họ xây dựng một trung tâm ủ phân hữu cơ gần bãi rác, cung cấp nguồn phân bón cho nuôi trồng và mang lại việc làm mới cho trung tâm nông nghiệp của khu vực. Các con đường được trải nhựa nhờ hoạt động kinh doanh được phát triển trong cộng đồng. Những xưởng thêu thùa xuất hiện và dấu hiệu của ngành công nghiệp nhẹ bắt đầu tượng hình. Thợ mộc, thợ đóng tủ và các nghề khác nối tiếp theo sau. Trường tiểu học, trung học và trạm xá được xây dựng. Và Tin Mừng được giảng dạy qua lời nói và trong mỗi hành động của vị linh mục. Theo thời gian, những thánh lễ của cha Pedro có đến hơn 10.000 người tham dự.

Hơn 10.000 đứa trẻ theo học tại 37 ngôi trường của Akamasoa

Quá trình đã làm cho sự đẹp đẽ được hồi sinh từ đống tro tàn. Tại nơi từng là bãi rác trải dài dường như không có điểm dừng, các túp lều xập xệ và nỗi tuyệt vọng tràn ngập, giờ đây đã là 18 ngôi làng khang trang với sức sống tràn ngập trong từng ngôi nhà, trường học, vườn tược, hoa cỏ và những con đường sạch sẽ. Cha cũng cho lắp đặt hệ thống điện nước, cống rãnh, trồng cây (10.000 cây/năm) và xây dựng 4 nghĩa trang. Khoảng 25.000 người đang sinh sống và làm việc trong các ngôi làng của cha Pedro, hơn 10.000 đứa trẻ theo học tại 37 ngôi trường, từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. “Ngọn đồi của hy vọng” đã biến thành một khu đô thị mang tên Akamasoa.

Và trên hết, có một người luôn gần gũi và thân thiện đối với họ, người đã tạo nên phép lạ giữa đời thực tại đảo quốc ở Ấn Độ Dương.

Cảm giác khi ghi bàn

Con đường truyền giáo của cha Pedro chẳng khác nào quả bóng lăn trên sân cỏ cuộc đời. Ở tuổi thất thập, ngài vẫn vô cùng hào hứng với môn túc cầu: “Tôi được sút phạt, khoảng 10 quả, và ghi được 5 bàn thắng, từ bên trái/phải vào góc của khung thành ở khoảng cách 45m. Bọn trẻ hét lên trong niềm vui sướng: ‘Ghi bàn rồi!!!’. Tôi giơ hai tay lên cao, tự nhủ: Chúa ơi, xin cám ơn Người đang trao cho con cơ hội này, sức mạnh này, cho phép con ở độ tuổi này vẫn có thể sút tốt và mang đến nụ cười cho bọn trẻ!!!”.

BẠCH LINH

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art