Thứ Bảy, 04 Tháng Năm, 2019

Những Tiểu Đệ nặng tình cùng đất Việt

Trong căn nhà nhỏ, không tu phục, cũng chẳng mang chức thánh, các tu sĩ dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu (mọi người quen gọi là dòng Tiểu Đệ) sống giản dị, gắn bó với nhau như một gia đình trong khu dân cư đông đúc. Ngoài thời khắc cầu nguyện, hằng ngày các Tiểu Đệ lao động để nuôi sống bản thân… Đó là lối sống đơn sơ, thánh thiện, bắt chước Chúa Giêsu ở Nazareth xưa.

Sống giữa dòng đời…

Ngôi nhà rộng vài chục mét vuông, nằm khuất trong một con hẻm nhỏ trên đường Tôn Thất Thuyết, Q.4, TPHCM là cơ sở chính của dòng Tiểu Đệ tại Việt Nam. Nhỏ bé và đơn sơ, như mọi nhà trong xóm, chỉ khác ở chỗ, nhà được đặt tên Nhà Huynh Đệ. Trong nhà phân chia phòng tiếp khách, phòng nguyện, gian bếp, phòng đọc sách. Không ai có phòng riêng. Tài sản đáng giá chỉ là chiếc xe đạp cũ kỹ làm phương tiện đi lại.

Những Tiểu Đệ nặng tình cùng đất Việt - 1
Dù bận rộn công việc, các Tiểu Đệ vẫn dành thời gian trong ngày để sống trọn vẹn cho Chúa


Sống trong nhà huynh đệ có hai thành viên, hàng xóm hay gọi họ là chú Năm (người Pháp), chú Bảy (người Bỉ), hiện tuổi đều trên 80 nhưng đã sinh sống tại Việt Nam từ hơn 50 năm qua. Gần đây có thêm một người gọi là chú Bảy nhỏ mới từ nhà dưới Mỹ Tho lên để phụ giúp hai anh lớn tuổi. Trong lối xóm mọi người đều gọi họ là anh, là cậu, là chú chứ không ai kêu bằng thầy. Hình ảnh hai ông Tây sáng đi lao động, chiều về lo việc bếp núc, sống gần gũi cùng hàng xóm, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ cần đã quá đỗi quen thuộc, như một cụ cao tuổi trong xóm ôn tồn: “Bấy lâu nay chúng tôi đối với nhau bằng tình bạn”.

Yêu mến tinh thần của cha Charles de Foucauld. Năm 1933, gần 20 năm sau ngày mất của cha Charles, cha René Voillaume bắt đầu sáng lập dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu, sống theo tinh thần của cha Charles de Foucauld. Từ đó, anh em Tiểu Đệ có mặt trên khắp thế giới dưới hình thức những Nhà Huynh Đệ. Dòng chính thức là dòng Giáo hoàng từ năm 1968 sau khi Tòa Thánh phê chuẩn Hiến chương. Có thời điểm (khoảng năm 1960) dòng Tiểu Đệ hiện diện tại 42 nước, nhưng tới nay con số đã giảm đi vì nhiều nơi không còn ơn gọi hay do bất ổn về chính trị.

Dòng Tiểu Đệ hiện diện tại Việt Nam từ năm 1954, do hai thầy người Pháp Bernard (anh Sáu Vọng) và Charles Bazin đặt nền móng. Trong số 12 Tiểu Đệ, Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, nguyên Giám mục GP Cần Thơ và nguyên TGM TGP Huế từng là một thành viên. Hiện dòng có 6 Tiểu Đệ, sống tại 3 nhà: nhà chính, 3 người; các nhà tại quận 9 (TPHCM), quận 1 và tại Mỹ Tho, mỗi nhà 1 người.

Noi gương Đức Giêsu ở Nazaret xưa, các anh em Tiểu Đệ sống đời tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Ở đây, mọi người coi trọng tình huynh đệ, xem nhau như anh em máu mủ. Không có tu phục vì họ muốn sống như mọi người trong khu xóm. Theo linh đạo của Đấng sáng lập, từ đầu anh em đã không đặt nặng vấn đề có chức thánh. Không làm những công việc mục vụ quen thuộc, các Tiểu Đệ chọn cách sống Tin Mừng giữa đời thường, vậy nên tình huynh đệ luôn được lan tỏa ra ngoài, với đồng nghiệp, lối xóm, với những người tiếp xúc.

Có lẽ, do cách sống có phần hơi “khác thường” so với những hội dòng khác nên dòng Tiểu Đệ có khá ít ơn gọi. Trong hơn 60 năm hiện diện tại Việt Nam, dòng mới chỉ có 12 Tiểu Đệ. Thầy Giêrađô Trương Thành Biên (chú Bảy nhỏ) giải thích: “Ơn gọi của dòng hơi đặc biệt, khác nhiều với những suy nghĩ mà người giáo dân ta thường nghĩ về các tu viện: một không gian rộng lớn, thâm trầm; những chiếc áo chùng; các chức vụ trong Giáo hội... Trong khi anh em sống âm thầm, lao động hằng ngày nên ít người biết đến”.

Lao động và cầu nguyện

Ý muốn mang Chúa đến với mọi người, ủi an những người nghèo khổ, nên từ ngày đầu tìm nơi hiện diện, anh em đã chọn những khu xóm tồi tàn đông người lao động. Các Tiểu Đệ đến không phải với mục đích giảng dạy nhưng để sống cùng, chia sẻ cuộc sống, thân phận như một người anh em “dịu hiền” và “không biên giới”. Họ chọn những công việc tay chân nặng nhọc, cảm nhận và đồng hành thân phận hẩm hiu cùng người nghèo, để từ đó biết rõ hơn những vất vả, khó khăn của người lao động. Anh Bảy đùa: “Anh em đi làm đôi khi còn dở hơn người ta vì toàn phải đi học việc. Nhưng ở đâu cũng phải luôn cố gắng để làm chứng về Chúa, và trở thành cầu nối tạo nên sự hòa đồng và tình yêu thương giữa mọi người”. Việc lao động không chỉ nhằm nuôi sống bản thân mà còn để giúp đỡ lẫn nhau những khi trái gió trở trời phải nằm viện, hay khi có người thất nghiệp.

Những Tiểu Đệ nặng tình cùng đất Việt - 2
Những anh em Tiểu Đệ Chúa Giêsu


Vốn là một dòng chiêm niệm nên dù bận rộn công việc, các Tiểu Đệ vẫn đều đặn dành thời gian trong ngày để sống trọn vẹn cho Chúa. Thầy Năm nhẹ nhàng cắt nghĩa: “Tên của dòng là Tiểu Đệ, có nghĩa là em trai Chúa Giêsu, nên việc cầu nguyện chính là trung tâm đời sống của anh em bên người anh chí ái Giêsu”. Những giờ cầu nguyện thường diễn ra trong thinh lặng để mọi người kín múc được tình yêu nơi Chúa, cầu nguyện cho những người nghèo khổ xung quanh và những linh hồn đang lưu lạc.

Với lối xóm chung quanh, Nhà Huynh Đệ mở cửa hằng ngày và trở nên chốn lui tới của mọi người khi vui cũng như khi buồn. Khuôn viên nhỏ phía trước trở thành tài sản chung để bà con gởi chậu cây cảnh, chiếc xe bán cháo lòng hay vài đồ dùng trong nhà… Các Tiểu Đệ cũng nhận lại sự thân tình nơi xóm giềng qua những bó rau xanh, giỏ trứng gà hay câu chào hỏi. Tất cả tạo nên một tình liên đới mộc mạc, chan chứa yêu thương.

Những Tiểu Đệ nặng tình cùng đất Việt - 3
Thầy Bảy và Thầy Năm (phải)


Dắt xe ra cổng, chúng tôi thấy người phụ nữ đẩy chiếc bạt căng dùng để bán hàng nhờ mở dùm hết cửa. Chị nói nhà chật, bán xong cất bên này. Rất tự nhiên, các Tiểu Đệ phụ một tay, chỉ cho chị chỗ để kèm theo là một nụ cười, và được nhận lại cũng bằng một nụ cười thân thiết… 

Chú Năm Yếng (thầy Yves Lê Quang Yếng) sinh ra và lớn lên tại Ile Saint-Louis (khu phố nằm phía sau nhà thờ Đức Bà, thuộc quận 4 ngay trung tâm thành phố Paris, Pháp). Thầy sinh năm 1926, qua Việt Nam năm 1957. Trước khi lên Nhà Huynh Đệ tại Sài Gòn, thầy sống tại nhà Bình Thủy, Cần Thơ, và làm nghề phụ hồ. Vốn là người có sức khỏe yếu nên sau nhiều lần bị bệnh, không thể làm được việc nặng, thầy lên thành phố sống cùng anh em và chuyển qua làm nghề bỏ báo dạo cho nhiều nơi.

Chú Bảy Thạch (thầy Phêrô Nguyễn Văn Thạch) sinh năm 1933, lớn lên ở làng Denderleeuw, thành phố Gand, miền Flandre Orientale, Vương quốc Bỉ. Thầy qua Việt Nam năm 30 tuổi, dành hai năm để đi học tiếng Việt và sau đó dấn thân trong nhiều công việc lao động như làm ống nước sạch, công nhân bến cảng...

Ở Việt Nam đã lâu nhưng rất ít khi các thầy về lại nước mình. Trước năm 1975, thầy Năm có về ba lần, còn sau đó thì chưa từng một lần về lại. Riêng thầy Bảy thì năm 2011 là lần đầu tiên thầy về lại Bỉ sau hơn 50 năm sống ở Việt Nam. Bởi theo các thầy, đã chọn Chúa làm gia nghiệp thì ở đâu anh em chung quanh cũng đều là người thân của mình. Ngoài ra, công việc đang làm và việc nhà dòng không cho phép bản thân bỏ dở.

Giờ đây, cả hai thầy đã là những công dân Việt Nam thực thụ. Thầy Năm đều đặn hằng tháng nhận được tiền trợ cấp từ hội Người cao tuổi, còn thầy Bảy tháng nào cũng được lãnh lương hưu từ công việc làm tại bến cảng trước đây.

 

ĐÌNH QUÝ

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art