Chùa Vàng Chùa Bạc
Ðến xem cung điện hoàng gia Campuchia, tôi hơi thắc mắc về những chủ nhân của nơi đây, do đó sau chuyến đi, khi trở về Mỹ tôi đã tìm hiểu về họ và tìm thấy đôi điều lý thú như sau.
Vài câu chuyện về hoàng gia Campuchia
Hoàng cung Phnom Penh là nơi cư ngụ của hoàng gia Campuchia. So với triều Nguyễn ở nước ta thì hoàng gia Campuchia có nhiều may mắn hơn vì còn tồn tại tới ngày nay và được người dân mến trọng hơn. Nhưng vì sao ở phần trước đây, hướng dẫn viên Thon nói có tượng vua bên nội và tượng vua bên ngoại. Ta hãy tìm hiểu đôi chút về gia phả của hoàng gia Campuchia.
Ang Duong Ðại Ðế
Xin bắt đầu với vua Ang Duong, tiếng Việt là Nặc Ông Dương, lên ngôi năm 1841 (thời vua Thiệu Trị ở nước ta). Ông này được dân Campuchia gọi là Great King (Ðại Ðế). Trong thời gian ông trị vì, nước Campuchia nằm trong vùng tranh chấp giữa Việt Nam và Thái Lan. Ông nghiêng về phía Thái và chống Việt. Ông đã từng viết thư cho Pháp để yêu cầu giúp đỡ. Năm 1859 ông đã từng đặt chân đến Châu Ðốc. Vua Ang Duong chết năm 1860. Con trai ông là Ang Vodey lên ngôi tức vua Norodom. Vua Norodom được gọi là vị vua thời đại mới bởi vì năm 1863, ông và người Pháp ký hiệp ước đặt Campuchia dưới sự bảo hộ của Pháp. Hai năm sau, dân Khmer nổi lên chống Pháp. Người Pháp cho rằng ông ngầm ủng hộ kháng chiến. Cuộc nổi loạn này chỉ chấm dứt khi ông nói rằng người Pháp đã nhượng bộ rất nhiều. Thực chất là từ sau đó ông chỉ là một ông vua bù nhìn. Trong thời đại của ông, kinh đô của Campuchia được người Pháp dời từ Oudong về Phnom Penh mà ông cũng không có ý kiến gì. Sau khi vua Norodom chết năm 1904, em kế của ông là Ang Sar lên ngôi tức vua Sisowath. Ông này theo Pháp nên được làm vua. Vua Sisowath chết năm 1927, con là Sisowath Monivong lên kế vị.
Cuộc hôn nhân cùng dòng máu
Như đã nói ở trên vua Ang Duong có hai người con là Norodom và Sisowath. Bên dòng lớn của vua Norodom có một người cháu nội trai tên là Suramarit. Bên dòng kế của vua Sisowath có một cháu nội gái tên là Kosamak. Hai người nầy có cùng ông cố là vua Ang Duong nhưng đã thành hôn với nhau. Năm 1922 họ sinh con trai đầu lòng đặt tên là Norodom Sihanouk. Như vậy vua Ang Duong là ông sơ bên nội của Sihanouk hay cũng là ông sơ bên ngoại. Do đó vua Norodom là vua bên nội, còn vua Sisowath và Sisowath Monivong là vua bên ngoại.Vua Monivong chết năm 1941. Ðáng lẽ người kế vị là con trai ông ta tên là Sisowath Moniveth, nhưng Pháp đã chọn Sihanouk làm vua vì nghĩ rằng ông nầy dễ sai khiến hơn. Ðiều nầy là một sai lầm.
Con nhường ngôi cho cha
Vua Sihanouk làm vua từ năm 1941 tới năm 1955 thì muốn nắm thêm quyền hành về chánh trị nên từ chức và nhường ngôi lại cho cha mình là Norodom Suramarit. Còn ông ta thì làm thủ tướng. Khi vua Suramarit băng hà năm 1960 thì Sihanouk giữ chức thủ tướng kiêm quốc trưởng tới năm 1970 thì bị Lon Nol lật đổ. Ông còn làm quốc trưởng từ năm 1975-1976 dưới thời Khmer Ðỏ nhưng sau đó mất quyền về tay Khieu Samphan.
Làm vua lần thứ hai
Sau khi Việt Nam rút quân năm 1989, do sự dàn xếp của Liên Hiệp Quốc, các phe chống đối ở Campuchia đồng ý một hiến pháp mới theo đó Campuchia là một nước quân chủ lập hiến. Do đó từ năm 1993, Sihanouk trở lại làm vua đất nước này. Sihanouk có 7 người vợ. Năm 2004, Sihanouk chuẩn bị trao quyền lại cho con trai. Hoàng thân Nararith là con thứ của người vợ đầu tiên đáng lẽ được làm vua, nhưng ông này có đảng chánh trị nên không được hoàng tộc ủng hộ. Con trưởng của hoàng hậu thứ 7 là bà Monique tên Norodom Sihamoni được hoàng gia chọn kế vị. Ông này sinh năm 1953, là một vũ sư, từng là đại sứ của Campuchia ở UNESCO, hiện còn độc thân. Ông đã từng đi nước ngoài rất nhiều và biết nói nhiều thứ tiếng như: Anh, Pháp, Nga, và Tiệp Khắc. (Mẹ của vua hiện nay tức Hoàng Thái Hậu là bà Monique Izzi, sinh tại Sài Gòn năm 1936, có cha là người Pháp lai Ý ở đảo Corse, mẹ của bà là người Khmer sinh ở Nam Vang).
Những kiến thức trên đây giúp cho chúng ta hiểu thêm đôi điều về hoàng gia Campuchia và hết thắc mắc về tên những con đường ở Phnom Penh như Monivong, Sisowath, Norodom...
*****
Rời hoàng cung, chúng tôi đi về phía Nam để qua cổng vào thăm Chùa Vàng Chùa Bạc.
Chùa Vàng Chùa Bạc:
Tên chùa là Wat Preah Keo. Tưởng là hai chùa, thật ra chỉ có một mà thôi. Bên vách tường vòng quanh chùa có vẽ những cảnh trong sử thi Ramayana nhưng đã bị phai mờ hư hại nhiều. Chùa tên là Chùa Bạc vì được lát bằng 5000 viên gạch làm bằng bạc mỗi viên nặng 1kg. Chùa được xây bằng gỗ năm 1892 dưới thời vua Norodom theo kiểu chùa Ngọc Phật của Thái Lan. Dưới thời Pol Pot, chùa được bảo tồn tuy rằng 60 phần trăm hiện vật đã bị mất. Sau nầy năm 1962 chùa đã được trùng tu.
Trong chùa có một tượng Phật đứng làm bằng vàng tạc năm 1906. Tượng nặng 90kg và có gắn 9584 viên kim cương. Viên lớn nhứt nặng 25 cara. Bên trên còn có tượng Phật làm bằng ngọc xanh. Ðây là tượng Phật ngồi cao chừng 30cm. Hiện giờ trên thế giới chỉ có mấy nước như Thái Lan, Tích Lan, Miến Ðiện... là có tượng Phật làm bằng ngọc xanh như ở đây. Ngoài ra, trong chùa còn rất nhiều tượng Phật khác, tượng nào cũng rất quý giá.
Phía sau các tượng Phật có để “long xa”. Thật ra đây chỉ là một cái ghế có các thanh dọc để 12 người khiêng đức vua ngồi trên đó và diễn hành trong ngày đăng quang. Ở Campuchia, ghế ngồi của vua hay phủ vàng, phần làm bằng vàng của cái ghế nầy nặng 23kg.
Trước sân chùa có tượng vua Norodom cỡi ngựa. Hai bên có hai tháp làm bằng xi măng trắng bên trong là tro cốt của hai vua Norodom và Ang Duong. Sân chùa trồng hoa rất đẹp. Phía sau chùa có nhiều tháp nhỏ khác cũng để tro cốt của những người trong hoàng tộc trong đó có tro cốt một công chúa.
Ở phía Nam chùa có một tiệm bán đồ lưu niệm. Sau đó là kiến trúc một căn nhà tiêu biểu của dân tộc Khmer. Bên cạnh đó là triển lãm về ngoại giao của hoàng gia. Ta sẽ thấy hình vua Sihanouk bắt tay các lãnh tụ trên thế giới cả phe tả lẫn phe hữu. Trên đường ra là triển lãm lễ đăng quang của vua mới: Norodom Sihamoni. Ông nầy là con thứ của Sihanouk. Nhưng ông có số làm vua vì ông anh cả là hoàng thân Ranarith muốn làm chánh trị nên có đảng riêng. Vua Campuchia chỉ có hình thức và nghi lễ mà không có thực quyền nên không được làm chánh trị. Vua Sihamoni hiện còn độc thân. Ông Sihanouk có rất nhiều con và con của ông chỉ học ca, vũ, nhạc, kịch... nghĩa là các món ăn chơi chớ không học văn hóa, quân sự, hay chánh trị. Vua Norodom Sihamoni hiện nay là một vũ sư có tài còn chị của ông là công chúa Norodom Buppha Devi cũng là một vũ sư nổi tiếng về vũ apsara của dân tộc Khmer.
Chùa Wat Phnom (Chùa Bà Penh):
Trước đây, tua du lịch Campuchia thường đưa du khách đi thăm Toul Sleng tức là nơi giam giữ và tra tấn tù nhân dưới thời Khmer Ðỏ và đi thăm Cánh Ðồng Chết. Nhưng sau nhiều chuyến đi có nhiều người về không ngủ được vì bị ám ảnh. Hướng dẫn viên Nguyễn Hoàng nói có một cô kia sau khi đi thăm nơi đó thì tối về uống rượu tới say xỉn luôn vì quá xúc động. Hiện nay, Saigontourist không tổ chức đi nơi đó nữa. Ai muốn đi thì hướng dẫn viên sẽ tìm cách đưa đi nhưng họ phải trả thêm tiền. Quang còn hù thêm là ở đó có ma. Khi dân chúng bắt đầu hồi cư về Phnom Penh, đêm đêm họ vẫn còn nghe tiếng người gào thét và kêu rú từ nơi đó. Toul Sleng là một nơi rùng rợn. Do đó, kỳ nầy không ai dám đi thăm trường học và là nhà tù ghê sợ đó hết. Thay vào đó chúng tôi đi chùa. Ðó là chùa nổi tiếng nhứt Phnom Penh. Chùa Bà Penh. Chùa nằm trên đồi cao 27 mét giữa một quảng trường lớn. Có bậc thang để đi lên. Hai bên bậc thang có tạc hình rắn Naga. Trước sân chùa có tháp trống. Bên trong chùa có thờ Phật, Khổng Tử, và thờ... thần Vishnu. Cột, trần, vách chùa đều được vẽ rất đẹp. Chùa xây từ năm 1373, được trùng tu nhiều lần. Lần sau cùng là năm 1926. Sau chùa là một tháp trắng rất cao đang được tu sửa. Tháp nầy chứa tro cốt của vị vua đầu tiên lấy Phnom Penh làm thủ đô là vua Ponhea Yat. Phía trái, trên đường đi xuống bên hông chùa là nơi thờ bà Penh. Quang nói thêm là đi Chùa Bà Penh thì bạn có thể cầu tài cầu lộc nhưng nhớ đừng bao giờ cầu xin về tình duyên vì Bà Penh là một... bà góa.
Chúng tôi theo đường bên hông chùa để đi xuống. Ở đó có một cái đồng hồ rất lớn nằm trên sườn đồi. Mặt đồng hồ làm bằng cỏ và hoa, nhưng hình như lúc đó đồng hồ bị hư và chỉ giờ không đúng.
Ði mua đá quý:
Sau khi thăm chùa, chúng tôi được đưa đi mua đá quý ở tiệm do một người Hoa làm chủ. Ðường sá tối Thứ Bảy kẹt xe kinh khủng. Toàn là xe ô tô đủ loại. Phnom Penh trong tương lai sẽ trở nên một Bangkok thứ hai nếu nói về nạn kẹt xe. Ðến được chỗ bán đá quý thì trời cũng nhá nhem.
Ở đây, người ta cho khách uống nước dừa miễn phí. Sau đó họ giới thiệu cách khai thác đá quý ở Palin gần biên giới Thái Lan. Họ nói họ sử dụng những nhân công là lính Khmer Ðỏ cũ. Chỉ có những người nầy mới biết rõ địa điểm và cách khai thác đá trong vùng mỏ. Họ còn chỉ rõ cách phân biệt đá thật và đá giả nhờ một dụng cụ điện tử để thử. Nếu đá thật thì cứng nên máy sẽ bíp. Nếu đá giả thì máy... làm thinh.
Cửa hàng nầy có nhiều đá đủ màu cũng khá đẹp. Nhưng họ nói thách cũng bạo lắm. Phải biết cách trả giá mới mua được. Mua xong thì không trả được. Một số du khách cũng mua được đá trong đó có bà xã tôi. Bà mua một viên ruby nhỏ để làm quà cho con gái.
Phnom Penh về đêm - Tượng Ðài Ðộc Lập:
Sau khi đi mua đá quý. Cả đoàn đi ăn tối. Lúc nầy cũng hơn 7 giờ và lại là chiều Thứ Bảy nên đường sá kẹt xe kinh khủng. Xe ô tô ở Phnom Penh khá rẻ nên tối nay họ đi đầy đường. Họ khoái đi SUV hiệu Ford hay Honda. Dọc đường chúng tôi thấy vào ban đêm đèn đóm ở Phnom Penh cũng sáng nhưng không có chỗ nào quá rực rỡ để gây ấn tượng. Tôi cũng thấy có nhiều tiệm sách, tiệm bánh, nhà hàng, tiệm Internet... Có một tiệm kia đèn rất sáng và có rất nhiều người ra vào tấp nập. Quang cho biết đó là một nơi bán vé cá độ đá banh. Một số loại hình cờ bạc được cho phép ở Campuchia.
Sau khi ăn tối, chúng tôi sẽ đi thăm sòng bài Naga. Trên đường đi xe chạy ngang một quảng trường thắp đèn sáng sủa. Ðó là Tượng Ðài Ðộc Lập. Tượng đài nầy xây cất năm 1958 để tưởng niệm những nạn nhân Campuchia chết trong chiến tranh. Tượng đài nầy còn gọi là tượng đài Chiến Thắng. Quang cho biết, ở gần đó còn có tượng đài Hữu Nghị, kỷ niệm việc Việt Nam đã đem quân qua Campuchia “làm nghĩa vụ quốc tế” xóa bỏ chế độ diệt chủng Khmer Ðỏ, nhưng hình như dân Campuchia tỏ ra không thích tượng đài nầy lắm.
Minh Tâm