Thứ Tư, 01 Tháng Tám, 2012

Thủ Ðô Washington, D.C.

Thủ Ðô Washington, D.C.

Washington, D.C. có tên Hán Việt là Hoa Thịnh Ðốn, là thủ đô của Hoa Kỳ nằm ở vùng phía Ðông giáp với Ðại Tây Dương là một trong những địa điểm du lịch được ưa chuộng nhất nước Mỹ vì nơi lưu dấu lịch sử với nhiều nhà bảo tàng, đài kỷ niệm quốc gia và những kiến trúc to lớn là cơ quan chính quyền Hoa Kỳ như tòa nhà lập pháp Capitol, Bạch Cung v.v... Là một quốc gia dân chủ nên những dinh thự dù là cơ quan nhà nước cũng mở rộng cửa đón dân chúng và du khách vào thăm viếng.

Rời thành phố “trái táo to” New York chúng tôi đi Washington, D.C. bằng xe điện Amtrak sau khi từ giã hai đứa cháu gọi bằng cậu ngày xưa đã cùng thuyền với tôi rời khỏi đất nước. Hai cháu sau khi lái xe đưa chúng tôi vào nhà ga Penn Station sẽ trở về New Haven, Connecticut, nơi ngày xưa tôi cũng đã từng ở, đổ mồ hôi nhọc nhằn trong những tháng đầu đến nước Mỹ. Vào nhà ga mua vé đi liền trong chuyến sớm nhất, rất may cũng có chỗ cho 2 vợ chồng chúng tôi, nếu cẩn thận hơn theo lối người Mỹ họ thường đặt vé trước qua số điện thoại 1-800-USA-RAIL hay qua trang mạng của Amtrak (www.amtrak.com). Mua vé xe điện qua trang mạng cũng tương tự như mua vé máy bay, chỉ cần nhận số đã đặt vé gọi là “Reservation Number” rồi vào nhà ga sẽ đánh số vào máy để lấy vé lên tàu điện. Nếu đặt vé trước ngày đi một thời gian xa, Amtrak có thể gởi vé đến địa chỉ mình yêu cầu. Ðây là lần đầu tiên chúng tôi đi xe điện Amtrak một công ty lớn nhất về chuyên chở hành khách bằng đường sắt của Hoa Kỳ có mặt trên 46 tiểu bang với 500 nhà ga nên có nhiều điều hơi bỡ ngỡ.

Từ New York đi Washington, D.C. rất đông hành khách nhất là vào buổi sáng như hôm nay vì đây là phương tiện di chuyển nhanh chóng và tiện lợi giữa 2 thành phố quan trọng nhất nước Mỹ. Trên bảng lịch trình những chuyến tàu hôm nay, thấy chuyến đầu tiên khởi hành lúc 3 giờ sáng và chuyến tàu chót trong đêm là 10 giờ và cứ khoảng 1 tiếng đồng hồ có 1 chuyến xe đi. Từ New York đi Washington, D.C. đường dài khoảng 237 miles, có 2 loại xe điện là loại xe chậm là Northeast Regional chạy mất 3 tiếng 35 phút và loại tốc hành Acela Express chỉ mất 2 giờ 47 phút giá vé cao hơn. Xe nào cũng ngừng 5 phút ở các ga Newark, Metropark, Trenton, Philadelphia, Wilmington, Baltimore trước khi tới Washington, D.C. và ngừng ở nhà ga Union Station. Hành lý xách tay được 2 món dưới 50 lbs (23 kg) và hành lý gởi theo được 3 món và gởi nửa tiếng trước khi xe khởi hành.

Nhân viên bán vé ân cần niềm nở cho biết giá vé là $74 và chúng tôi có thể khởi hành ngay trong 20 phút nữa. Ông ta xem bằng lái xe, lấy tên họ rồi trao vé sau khi chỉ dẫn đường đến thềm ga (platform) của chuyến tàu. Ðến thềm ga thì xe điện đã nằm ở đó và hành khách lần lượt lên tàu. Xe điện Amtrak ở đây chỉ có 8 toa tàu và bên trong mỗi hàng có 4 ghế nệm rộng rãi với lối đi ở giữa như trên máy bay. Mỗi ghế phía trước có cái khay nhựa bật xuống để thức ăn hay máy vi tính xách tay và bên trên là hàng kệ để hành lý không có nấp đậy (trên phi cơ có nấp đóng lại để hành lý không rơi xuống mỗi khi phi cơ gặp “turbulence” là lớp không khí loãng khiến máy bay bị dằn xốc). Trên toa tàu số ghế trống còn nhiều khoảng phân nửa, có lẽ chuyến tàu 9 giờ sáng này đã qua giờ cao điểm của hành khách.

Xe điện êm ái rời khỏi khu Manhattan đông đúc nhà cửa và chui xuống đường hầm vượt qua sông Hudson đi về hướng Tây Nam. Vài mươi phút sau ngừng ở ga Newark để lấy thêm hành khách từ phi trường quốc tế Newark. Hơn một giờ nữa tới thủ đô Trenton của tiểu bang New Jersey, thành phố nằm bên cạnh sông Delaware cũng là biên giới với tiểu bang Pennsylvania. Ðộ 45 phút đến Philadelphia là thành phố lớn thứ nhì ở bờ Ðông nước Mỹ từng là thủ đô của Hoa Kỳ trước khi thành lập Washington, D.C.. Ở nhà ga này hành khách lên thêm rất đông trám vào các ghế trống khiến toa tàu gần đầy. Sau đó đến Wilmington của tiểu bang nhỏ bé Delaware và thành phố Baltimore thuộc Maryland nơi đây chỉ cách Washington, D.C. 35 miles. Nửa giờ sau tàu tới ga Union Station nằm ở phía Bắc của điện Capitol và cách tòa nhà lập pháp có nóc tròn này hơn 1 km.

Ga Union Station trần cao to lớn có trạm xe điện ngầm để đi về các vùng khác trong thủ đô nhưng tôi được người bạn thân từ hồi còn trung học ở Trà Vinh ra đón. Hiện anh chàng là chủ nhân 2 nhà hàng Việt một ở Arlington và một ở phía Bắc Washington, D.C.. Chúng tôi lên xe để về nhà bạn cũng ở Arlington về phía Tây bên kia sông Potomac. Trên đường về nhà anh chàng lái xe dọc theo đại lộ Constitution để chúng tôi nhìn ngắm tòa nhà Capitol, dãy công viên National Mall với hồ nước, hoa cỏ xanh tươi hai bên là những viện bảo tàng nghệ thuật, lịch sử, viện Smithsonian, nhọn tháp bút chì bằng đá trắng Washington Monument, phía Bắc là tòa Bạch Cung. Cuối đường bắc thẳng vào xa lộ 66 qua cầu Theodore Roosevelt trên sông Potomac để về Arlington. Trên cuộc hành trình vòng nước Mỹ và Canada, cuối cùng cũng đặt chân đến thủ đô Hoa Thịnh Ðốn.

Thủ đô được thành lập vào ngày 16 tháng 7, 1790, có tên chính thức là Washington, District of Columbia, có nghĩa là thành phố Washington nằm ở trong Ðặc Khu Columbia để phân biệt với tiểu bang Washington ở bờ biển miền Tây Hoa Kỳ. Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ để có tính cách độc lập với các tiểu bang, thủ đô phải được đặt trong một đặc khu liên bang riêng biệt không phụ thuộc vào một tiểu bang nào. Nếu Washington, D.C. được xem là một tiểu bang thì về diện tích sẽ là tiểu bang nhỏ nhất trong nước Mỹ.

Trong thủ đô Washington, D.C. có tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ tức điện Capitol là cơ quan lập pháp theo mô hình lưỡng viện vì vậy nơi đây là trụ sở của Hạ Nghị Viện (House of Representatives) và Thượng Nghị Viện (Senate). Hạ Nghị Viện có 435 dân biểu, mỗi dân biểu đại diện cho một hạt bầu cử theo tỷ lệ dân số có nhiệm kỳ 2 năm. Về Thượng Nghị Viện mỗi tiểu bang có 2 thượng nghị sĩ đại diện và không tính theo tỷ lệ dân số nên 50 tiểu bang có tổng cộng là 100 thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ 6 năm. Thành viên của 2 viện đều do dân chúng bầu cử trực tiếp, tuy nhiên tại một số tiểu bang thống đốc có quyền bổ nhiệm thượng nghị sĩ tạm thời khi có chỗ khuyết giữa nhiệm kỳ. Ở thủ đô Washington, D.C. còn có Dinh Tổng Thống tức nhà trắng Bạch Cung là nơi Tổng Thống Hoa Kỳ cư ngụ và làm việc cũng như văn phòng tất cả các bộ chuyên môn trong nội các chính phủ dưới quyền điều khiển của tổng thống là người đứng đầu ngành hành pháp. Về tư pháp ở thủ đô Washington, D.C. có trụ sở của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (Supreme Court of the United States) có 9 thành viên được bổ nhiệm bởi tổng thống sau khi được Quốc Hội phê chuẩn và thành viên Tối Cao Pháp Viện có nhiệm kỳ trọn đời.

Thành phố Washington ban đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong lãnh thổ Columbia cho đến năm 1871 một đạo luật của Quốc Hội Hoa Kỳ sát nhập thành phố và lãnh thổ làm một thực thể hành chánh duy nhất gọi là Ðặc Khu Columbia. Ðặc khu Columbia ban đầu Quốc Hội ấn định lãnh thổ có hình vuông mỗi cạnh dài 100 miles nên có diện tích là 100 dặm vuông (square mile) hay 260km2 nhưng sau này vào năm 1846 phải trao trả lại cho tiểu bang Virginia phần đất phía Nam nên hiện nay diện tích chỉ còn lại 68.3 dặm vuông hay 177km2 với dân số 591,833 người tuy nhiên vì nhiều người từ vùng ngoại ô thuộc các tiểu bang chung quanh di chuyển ra vào làm việc nên hàng ngày có dân số trên 1 triệu người. Nếu tính các thành phố ngoại ô lân cận vùng thủ đô Washington, D.C. có dân số lên đến 5.3 triệu người là vùng đô thị lớn thứ 8 ở Hoa Kỳ.

Lịch sử thủ đô Washington, D.C.

Theo nhật ký của những nhà thám hiểm người Âu đến sông Potomac là nơi ngày nay thành phố Washington, D.C. tọa lạc vào thế kỷ 17, đã thấy những người da đỏ bộ tộc Algonquia sinh sống ở đây. Ðầu thế kỷ 18 phần lớn người da đỏ đã rời bỏ khu vực này khi thấy có đông người Âu Châu đến mua bán da thú để đem về nước làm y phục. Năm 1751 thị trấn Georgetown được tiểu bang Maryland chấp thuận cho thành lập thành phố bên bờ Bắc sông Potomac. Goergetown 40 năm sau trở thành Washington, D.C. là một phần lãnh thổ của Ðặc Khu Columbia. Thành phố Alexandria (hiện thuộc tiểu bang Virginia) nằm về phía Nam bên kia sông được thành lập trước đó vào năm 1749, ban đầu cũng nằm trong đặc khu. Trong diễn văn đọc ngày 23 tháng 1, 1788, ông James Madison (sau đó trở thành Tổng Thống thứ 4 của Hoa Kỳ từ 1809 đến 1817) đã nêu lên sự cần thiết của một đặc khu liên bang. Madison cho rằng thủ đô của quốc gia cần phải là một nơi riêng biệt không thuộc vào bất cứ tiểu bang nào để dễ dàng quản lý và gìn giữ an ninh. Hai năm sau, Ðạo Luật Ðịnh Cư (Residence Act) được Quốc Hội ban hành đã thành lập một thủ đô mới vĩnh viễn đặt trên bờ sông Potomac, ngay tại khu vực mà Tổng Thống George Washington đã chọn lựa. Như đã được Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép, hình dạng ban đầu của đặc khu liên bang là một hình vuông mỗi cạnh dài 10 dặm Anh (tức Mile bằng 16 km) và một “thành phố liên bang” sau đó được xây dựng trên bờ Bắc sông Potomac kéo dài từ Georgetown sang phía Ðông. Ngày 9 tháng 9, 1791, thành phố liên bang được đặt tên là Washington để vinh danh tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ được xem như quốc phụ của nước Mỹ và là người lãnh đạo cuộc cách mạng giành độc lập từ tay người Anh. Năm 1800 thủ đô Hoa Kỳ từ Philadelphia (tiểu bang Pennsylvania) được dời về Washington. Vào ngày 24 và 25 tháng 8, 1814, quân Anh tấn công Washington và đốt phá tòa nhà Quốc Hội, tòa Bạch Ốc và Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ để trả đũa vụ quân Mỹ trước đây đã từng đốt phá thành phố York của họ tức Toronto bên Canada ngày nay.

Ðạo luật tổ chức Ðặc Khu Columbia năm 1801 đưa các thành phố Washington, Goergetown và Alexandria đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Quốc Hội Hoa Kỳ còn các vùng đất chung quanh tuy nằm trong đặc khu nhưng chưa chịu hợp nhất được tổ chức thành 2 quận: Quận Washington trên bờ phía Bắc sông Potomac, và quận Alexandria trên bờ Nam. Cũng theo đạo luật này các công dân sống trong đặc khu đó không còn được xem là cư dân của Maryland hay Virginia nữa vì thế họ không được đi bầu để chọn đại diện của mình tại Quốc Hội. Từ đó cư dân trong đặc khu tranh đấu nhưng mọi nỗ lực đều thất bại trong việc giành lấy đủ sự ủng hộ cho đến thập niên 1830 khi quận Alexandria lâm vào suy thoái kinh tế mà Quốc Hội thờ ơ không trợ giúp gì được. Năm 1840 dân chúng bất mãn đòi trao trả lãnh thổ Alexandria về cho tiểu bang Virginia. Virginia lúc đó muốn duy trì chế độ nô lệ nên đồng ý việc lấy lại quận Alexandria để có thêm 2 đại diện ủng hộ chế độ nô lệ trước Quốc hội và đến 1846 lãnh thổ đặc khu nằm về phía Nam sông Potomac được trao trả về cho tiểu bang Virginia như hiện nay (sau này lập thêm thành phố Arlington trên lãnh thổ này).

Chế độ nô lệ rốt cuộc không giải quyết được tại Quốc Hội vì đa số các tiểu bang miền Nam nơi có nhiều đồn điền cần nhân công để làm việc nên xảy ra cuộc Nội Chiến Bắc Nam từ 1861 đến 1865 mới chấm dứt sau khi phe miền Nam đầu hàng, và Tổng Thống Lincoln bị ám sát chết. Trước đó ông chủ trương giải phóng nô lệ và ký đạo luật giải phóng và bồi thường nô lệ, nội trong Ðặc Khu Columbia có khoảng 3,100 người bị cầm giữ làm nô lệ được tự do. Năm 1870 dân số đặc khu tăng lên đến 132,000 người, mặc dù phát triển nhưng thành phố Washington vẫn còn các con đường đất lầy lội và thiếu nền tảng vệ sinh căn bản đến nỗi có một số thành viên Quốc Hội đề nghị di chuyển thủ đô đến một nơi khác.

Bằng một đạo luật năm 1871 tổ chức lại đặc khu kết hợp các thành phố Washington, Georgetown và quận Washington lại thành một đô thị tự quản. Mặc dù thành phố Washington đã chính thức kết thúc sau năm 1871 nhưng tên của nó vẫn được sử dụng và biết đến rộng rãi dưới tên mới là Washington thêm 2 chữ “D.C.” phía sau. Cùng trong đạo luật năm 1871, Quốc Hội cũng bổ nhiệm một ban công chánh để lo việc hiện đại hóa thành phố. Năm 1873 Tổng Thống Grant bổ nhiệm một thành viên trong ban là Alexander Shepherd vào vị trí thống đốc mới, ông này chi ra 20 triệu đô la thời ấy (tương đương 357 triệu năm 2007) vào ngân quỹ xây dựng thành phố nhưng cũng khiến cho thành phố bị phá sản. Năm 1874, Quốc Hội bãi bỏ văn phòng của Shepherd để trực tiếp quản lý. Các kế hoạch chỉnh trang thay đổi thành phố cũng không được thực hiện cho đến khi có kế hoạch McMillan năm 1901. James McMillan là thượng nghị sĩ được giao làm đẹp phần trung tâm nghi lễ thành phố tức phần đất National Mall kéo dài từ điện Capitol đến tháp bút chì Washington Monument.

Ngày xưa khi mới thành lập, thành phố Washington đã được kỹ sư người Pháp là Pierre Charles L'Enfant thiết kế quy hoạch và tiêu đề của ông này là tạo thành một “Paris của nước Mỹ” với đường sá rộng rãi, hội tụ về những quảng trường hình tròn hay chữ nhật làm nơi tập hợp dân chúng theo kiểu các thành phố Âu Châu. Ngày nay diện mạo thủ đô Washington, D.C. đường sá rộng rãi thoáng mát với nhiều quảng trường phảng phất kiểu dáng Âu Châu cũng là nhờ công của người chỉnh trang đô thị ban đầu.

Hôm nay trên bước giang hồ chúng tôi đến thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, nơi mùa Xuân có hoa anh đào, mùa Hè Lễ Ðộc Lập có pháo bông, mùa Thu rừng phong lá đỏ và Ðông sang tuyết băng phủ kín mọi con đường. Tôi có nhiều bạn bè, độc giả thân thương, đồng hương, đồng môn, thầy cũ ở đây, để từ từ rồi sẽ viếng thăm, hứa hẹn biết bao điều thú vị.

Tòa Bạch Cung ở Washington

Tòa Bạch Cung hay còn gọi là Bạch Ốc (Nhà Trắng) là nơi cư ngụ và làm việc của Tổng Thống Hoa Kỳ. Tọa lạc ở số 1600 Pennsylvania Avenue NW ở Washington, DC, Tòa Bạch Cung được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ái Nhĩ Lan (Ireland) tên James Hoban, được xây từ năm 1792 đến 1800 theo kiểu Georgian và được sơn trắng. John Adams là tổng thống đầu tiên vào cư ngụ trong Bạch Cung từ ngày 1 tháng 11, 1800.

Ði xe điện Amtrak từ New York về đến nhà ga Union Station của thủ đô Washington, DC, chúng tôi được người bạn thân thời còn trung học ra đón và lái xe đưa về nhà ở phía bên kia sông Potomac thuộc thành phố Arlington, Virginia. Nhà bạn ở gần trạm xe điện ngầm Clarendon trên một con đường vắng ăn thông ra đại lộ Wilson Boulevard là con đường huyết mạch nối thủ đô Washington, DC với khu thương mại Việt Nam Eden thuộc thành phố kế cận là Falls Church. Vì quá thân nhau nên chúng tôi quen gọi nhau bằng... thằng mặc dù hai đứa nay đều trở thành những ông nội. Anh ta trước kia là quân nhân phục vụ trong Sư Ðoàn 21 đóng ở vùng Hậu Giang, biến cố 1975 ập đến nên bị đi tù cải tạo. Ba năm sau ra tù làm đủ mọi nghề ở Cần Thơ để nuôi gia đình và ghe tôi cũng đóng ở Cần Thơ nên rủ anh ta cùng vượt biên. Tôi và anh ta thay nhau lái ghe từ Cà Mau sang đến Songkhla Thái Lan đưa được gia đình, bà con, bạn bè 44 người đến bến an toàn. Hiện anh điều hành 2 nhà hàng Việt Nam, một cái cạnh bên nhà còn nhà hàng kia ở bên Washington, DC.

Tắm táp qua loa xong, bạn tôi rủ ra nhà hàng anh ta gần nhà để ăn tối. Nhà hàng chỉ một căn nhưng ấm cúng lịch sự, buổi tối toàn là khách người Mỹ. Anh ta có trí nhớ rất dai, gặp một người nhớ tên, nhớ mặt, đôi khi nhớ cả ngày sinh nhựt. Khách Mỹ đến một lần, lần thứ hai trở lại là anh gọi đúng tên. Khách đến tổ chức tiệc sinh nhật, anh ta ghi sổ năm sau gởi thiệp mừng sinh nhật đến nhà khách, khách nào mà không trở lại? Ăn tối tiệc sinh nhật đông người, nhà hàng tặng bánh sinh nhật, xâm banh, đèn cầy, khách người Mỹ rất lấy làm cảm động, lần sau đưa thêm bạn bè cùng tới! Anh ta cho biết khách Mỹ dễ dãi và rộng rãi, thí dụ khách gọi món gỏi cuốn, đưa ra nhầm món bì cuốn, khách không phàn nàn (chắc không phân biệt được hai món khác nhau) lại để “tip” rất hậu hĩ. Tiếp khách Mỹ cần phải khá tiếng Anh, nhà hàng một cô mặc áo dài đón khách, đưa vào bàn và ghi những món khách đặt (order), cô ngồi thu tiền cũng áo dài lịch sự còn bạn tôi thắt cà vạt chuyên đi lòng vòng tiếp khách và điều động nhân viên. Ngoài tiếp đón thân mật niềm nở, một chuyện quan trọng khác là nhà vệ sinh phải thật sạch vì khách nghĩ rằng nhà vệ sinh sạch là bếp núc, thức ăn đều sạch mặc dù hai thứ sau khách ít khi vào xem. Ðó là những bí quyết thành công trong nghề làm nhà hàng Việt Nam ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của anh ta.

Sáng hôm sau cũng ra tiệm ăn của bạn làm một tô hủ tiếu “Lam Vang” và nhấm nháp một ly cà phê sữa. Hồi xưa độc thân hai chúng tôi sống chung với nhau ở Sài Gòn, biết tính tôi thích cà phê đậm, bạn tôi pha cho một tách cà phê thật đen, ít sữa đặc và không đường, đúng gu cà phê sữa ở bến Ninh Kiều ngày trước, khác với cà phê “xây bạt xĩu” là ly sữa bỏ chút cà phê. Xong xuôi đâu đó hai vợ chồng tôi sẽ sang bên Washington, DC rong chơi một vài nơi đến chiều mới về. Chỗ ngủ có nhà bạn, ăn uống thì ghé nhà hàng của bạn, cứ theo thực đơn mà kêu, còn đi chơi thì dùng xe điện ngầm.

Hệ thống xe điện ngầm ở Washington, DC

Hệ thống xe điện ngầm ở Washington, DC hoạt động từ 1976, hiện nay (2010) có 5 tuyến đường tỏa ra đi khắp 9 hướng với 86 trạm xe và tổng chiều dài đường rây 106.3 mile (171.1 km). Ðây là hệ thống xe điện ngầm lớn thứ nhì trên nước Mỹ chỉ sau New York, trong năm 2008 có đến 215.3 triệu người sử dụng hệ thống giao thông này, tính trung bình mỗi ngày có 727,684 lượt người đi. Hệ thống xe điện ngầm ngoài phục vụ hữu hiệu trong vùng trung tâm thủ đô lại còn kéo dài sang các quận lân cận của 2 tiểu bang Virginia và Maryland với 5 tuyến đường màu Ðỏ, Lục, Cam, Vàng, Xanh, hiện đang xây tuyến màu Bạc (Silver Line) sẽ hoàn tất năm 2013 với 11 trạm mới được thêm vào hệ thống hiện có. Hệ thống có 50 miles (80 km) đường ngầm dưới mặt đất trong những vùng trung tâm thủ đô đông đúc nhà cửa với 47 trạm xe ngầm, số còn lại ở vùng ngoại ô, đường xe điện và nhà ga đều ở trên mặt đất. Trạm chính ở trung tâm thủ đô là trạm Metro Center nơi có 3 đường xe Ðỏ, Cam và Lục gặp nhau là trạm bận rộn nhất. Những nơi người Việt chúng ta hay lui tới như Thương Xá Eden ở Falls Church, Chợ Tàu và những địa điểm du lịch ở khu trung tâm đều có đường xe điện ngầm đi qua rất thuận tiện, vừa nhanh chóng, vừa rẻ tiền hơn là đi Taxi.

Từ nhà hàng ở Arlington, chúng tôi xuống trạm Clarendon nằm trên tuyến xe màu Cam chạy theo hướng Ðông Tây và cũng có đi ngang qua trạm xe chính Metro Center. Chúng tôi mua vé đi nguyên ngày cho rẻ tiền, muốn đi đâu trong 5 tuyến xe đều được. Ngày thường xe điện hoạt động từ 5 giờ sáng cho đến nửa đêm (riêng đêm Thứ Sáu và Thứ Bảy đến 3 giờ sáng) và Thứ Bảy, Chủ Nhật xe chạy từ 7 giờ sáng (muốn biết thêm chi tiết có thể vào www.wmata.com). Ðịa điểm đầu tiên chúng tôi tới là Tòa Bạch Cung, sau khi qua 3 trạm xe chúng tôi ra ở trạm Farragut West gần ngã tư I Street NW và 17th Street NW cách Tòa Bạch Ốc 2 block đường về hướng Bắc. Nơi đây rất đông du khách mặc dù hiện nay không được vào thăm viếng Tòa Bạch Ốc theo từng đoàn như những năm trước biến cố 11 tháng 9, 2001 nhưng du khách có thể vào chơi các công viên xanh tươi ở phía Bắc và Nam Tòa Bạch Ốc, nơi đây có những xe bán thức ăn và giải khát cũng như có hình tổng thống bằng giấy cứng để du khách đứng cạnh chụp hình.

Tòa Bạch Ốc

Tòa Bạch Ốc được xây dựng sau khi Quốc Hội quyết định thành lập Ðặc khu Columbia và chọn nơi đây làm thủ đô Hoa Kỳ ngày 16 tháng 7, 1790. Tổng thống đầu tiên George Washington cùng với kỹ sư Pierre L'Enfant, người trách nhiệm thiết kế thành phố Washington đã chọn địa điểm này. Người vẽ đồ án tòa nhà là James Hoban người đảo Ái Nhĩ Lan (kế Anh Quốc) nên ông lấy kiểu dinh thự của một công tước ở Dubin, Ái Nhĩ Lan là tòa nhà Leinster (nay là tòa nhà Quốc Hội Ái Nhĩ Lan) để vẽ kiểu Tòa Bạch Ốc. Công việc xây dựng tiến hành chậm chạp mất 8 năm vì lúc đầu định tuyển mộ nhân công từ Âu Châu sang nhưng ít ai chịu đi sang một vùng đất mới hoang vu nên phải quay trở lại tìm nhân công địa phương là những người Mỹ gốc Phi Châu là những người nô lệ vì 2 tiểu bang nhượng đất thành lập Ðặc khu Columbia là Virginia và Maryland vẫn còn chủ trương duy trì nô lệ. Phí tổn xây Tòa Bạch Ốc tốn $232,371.83 thời ấy tương đương với $2.4 triệu ngày nay. Lúc ban đầu tòa nhà đơn giản, phần tiền diện ở phía Bắc nhìn ra đường Pennsylvania, cổng sau nhìn ra đường Constitution như ta thấy ngày nay chỉ được xây thêm vào năm 1825 cũng như chưa có hai dãy nhà ở cánh Ðông và Tây như hiện nay.

Năm 1814 trong cuộc chiến tranh với người Anh, quân Anh tấn công Washington và thiêu rụi nhiều tòa nhà chính quyền trong đó có Tòa Bạch Ốc. Binh lính Anh đốt cháy tòa nhà chỉ còn trơ trọi những bức tường đen đúa và lấy đi nhiều tài sản quý giá, sau này người ta tìm lại được 2 món là bức tranh chân dung George Washington được Ðệ Nhất Phu Nhân Dolley Madison mang ra ngoài và một hộp nữ trang của gia đình Tổng Thống Franklin Roosevelt do một người Canada hoàn trả năm 1939. Người này nói ông nội của ông đã lấy hộp này từ Washington nay trả lại cho Washington. Sau khi đốt phá thành phố, binh linh Anh rút về Halifax (trên đảo Nova Scotia phía Ðông Canada) và đoàn tàu đã bị bão tố đánh chìm ngoài khơi Prospect nên những tài sản cướp được cũng chìm dưới đáy biển đến nay vẫn chưa biết vị trí để thu hồi lại.

Tòa Bạch Ốc đã được tu sửa nhiều lần dưới nhiều đời tổng thống, vào đầu 1900 kiến trúc phụ ở Cánh Tây được xây thêm để làm văn phòng cho số lượng nhân viên ngày càng gia tăng. Nơi đây có văn phòng tổng thống gọi là Phòng Bầu Dục cũng như phòng họp nội các. Kế cận là tòa nhà Eisenhover sát phía đường bên ngoài vòng rào là ban nhân viên thuộc Phủ Tổng Thống làm việc. Ở dãy nhà Cánh Ðông hiện là văn phòng của Ðệ Nhất Phu Nhân cũng như ban nhân viên của bà được xây thêm vào năm 1942. Xây vào thời kỳ Ðệ Nhị Thế Chiến đầu tiên với mục đích che giấu các công sự phòng thủ xây bên dưới để chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp. Tòa Bạch Ốc mới nhìn vào người ta tưởng nó chỉ có một hoặc hai tầng nhưng thật ra nó có đến 6 tầng tất cả. Ngôi nhà chính có tầng trệt và 3 tầng lầu bên trên cũng như 2 tầng hầm phía dưới với diện tích tổng cộng 5,100 m2 (55,000 sq ft). Có tất cả 132 phòng và 35 phòng tắm, 8 cầu thang, 3 thang máy, có sân quần vợt, rạp chiếu phim, hồ bơi, đường chạy bộ, sân chơi bowling v.v...

Ðến đời Tổng Thống Jefferson mở cửa cho công chúng vào xem tòa nhà theo từng đoàn và thông lệ này được duy trì cho đến những năm sau này. Sau ngày khủng bố tấn công New York, 11 tháng 9, 2001, Tòa Bạch Ốc đóng cửa không cho dân chúng vào xem nữa. Hiện nay muốn vào xem phải ghi danh trước ít nhất 6 tháng và sẽ được thông báo cho biết ngày giờ vào xem và cũng đi theo từng đoàn.

Chúng tôi còn đi nhiều nơi nữa trên những khu phố quanh Tòa Bạch Ốc cho đến chiều lên xe trở về nhà bạn. Nhà không có ai vì hai vợ chồng bạn ở ngoài nhà hàng. Nghỉ ngơi cho khỏe rồi chúng tôi kéo ra nhà hàng ngồi nói chuyện xưa và ăn tối. Cơm xong thấy anh ta bận rộn khách khứa, chúng tôi lang thang đi bộ vừa ngắm cảnh ngoại ô thủ đô vừa đi thể thao luôn thể. Con đường Wilson tuy gọi là “Boulevard” tiếng Việt thường dịch ra là “Ðại Lộ” nhưng đây không phải là con đường rộng lớn mà là con đường dài xuyên qua nhiều thành phố. Ðoạn đường ở đây gần nhà ga Metro Clarendon nên có rất nhiều tiệm ăn, quán cà phê có những nơi bày bàn ghế ra vỉa hè trông cũng có nét Âu Châu. Chiều tối nên khách bộ hành tan sở lên xuống ga cũng đông đảo, nếu không có tấm bảng đen đề chữ “Metro” khó biết bên dưới là nhà ga. Qua những khu nhà ở, trên những con đường nhỏ nhiều cây cối, thấy nhà nơi đây toàn nhà lầu 2 tầng và phía dưới bao giờ cũng có tầng hầm (basement). Tường bên ngoài nhà nào cũng xây bằng gạch nung đỏ và mái lợp ngói có độ dốc cao để chống tuyết. Ban đêm thấy những đóm sáng bay bay tôi tưởng mắt mình có triệu chứng hào quang hay đom đóm gì đó nhưng hỏi vợ tôi thì bà cũng thấy như vậy. Hóa ra đó là những con đom đóm thật, hơn 30 năm ở Mỹ sống trong vùng Nam Cali không thấy đom đóm bao giờ nên tôi tưởng xứ Mỹ không có những con đó và không biết trong tiếng Anh gọi là gì, lật tự điển ra mới biết tiếng Mỹ gọi là “fire-fly.” Ở Việt Nam đom đóm ngày xưa mang nhiều kỷ niệm tuổi học trò:

“Khi đêm sang đom dóm đong đưa,

giờ nàng đã ngủ chưa?

Ði lang thang khuya lắc khuya lơ,

đèn nhà ai tắt sớm.

Gom suy tư thao thức đêm khuya,

chàng bèn viết lá thư.

Hai hôm sau mới dám đưa thư,

nàng nhận nhưng làm thinh.”

(Nhạc phẩm “Gặp Nhau Làm Ngơ” của Trần Thiện Thanh)

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art